HOME
    LỜI CHÚA    ĐỨC TIN    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG     IN ENGLISH    VỀ TÁC GI

Dẫn Nhập Thần Học   Mặc Khải   S Sống Nếu Bạn Tin   Thiên Chúa Ba Ngôi   Tôn Giáo Ngoài Kitô   Ân Sủng  Biểu Tượng

Sẽ Sống Nếu Bạn Tin        SSNBT1       SSNBT2       SSNBT3       SSNBT4       SSNBT5

 

 

SẼ SỐNG NẾU BẠN TIN

Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

MỤC LỤC

 

MỤC LỤC.. 1

THƯ NGỎ.. 3

DẪN NHẬP. 5

PHẦN I:  KHÔNG AI SỐNG MÀ KHÔNG TIN.. 7

A. NIỀM TIN NỀN TẢNG CỦA KHOA HỌC.. 8

a). Niềm tin phủ nhận tri thức khoa học. 8

b). Niềm tin hàm chứa nơi người chấp nhận khoa học. 10

B. NIỀM TIN NỀN TẢNG CỦA SIÊU HÌNH.. 14

a). Niềm tin phủ nhận mọi tri thức siêu hình. 14

b). Niềm tin dẫn tới phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu. 14

c). Niềm tin Có Thực Tại Tuyệt Đối Siêu Việt 16

C. CHÂN LÝ. 18

a). Chân lý là thuộc tính của phán đoán. 18

b). Tin. 19

c). Sự thực. 20

THƯ MỤC.. 23

 

 

THƯ NGỎ

          Bạn đọc thân mến,

          Ngày nay có người chủ trương “chỉ những người ít học ít hiểu biết mới tin mà thôi”. Những người đó tự nhận là những nhà “khoa học”, những người “vô thần khoa học”, và họ bài bác đức tin ki-tô giáo.

          Đứng trước những quan điểm lập trường này, một số tín hữu mặc cảm mình lạc hậu nên không dám nhận mình có đạo, một số khác bỏ đạo và từ chối đức tin của mình!

          Bản thảo ban đầu của sách này, nhằm trình bày thần học đức tin ki-tô giáo cho một số sinh viên thần học; bây giờ được sửa lại chút ít, hy vọng giúp các sinh viên ki-tô hữu trẻ ngày nay sống, không chỉ không mặc cảm mà còn có thể tự hào về đức tin của mình.

Tác giả,
LNC
141252


DẪN NHẬP

 

          Là kitô hữu[1] hay tín hữu của bất kỳ một tôn giáo nào đó, đều phải tin. Các tôn giáo, cụ thể là Ki-tô giáo, đặt nền tảng trên niềm tin.

          Có người do ảnh hưởng tinh thần duy khoa học, cho rằng khoa học có thể giải thích tất cả. Họ chủ trương rằng hôm nay có nhiều điều khoa học (thực nghiệm, thuần lý hay nhân văn) chưa giải thích được, nhưng chắc chắn trong tương lai chúng sẽ được giải thích thỏa đáng. Những người này chủ trương không gì vượt ngoài khả năng con người; và như vậy, con người chỉ phải tin những gì khoa học chưa giải thích được, còn trong tương lai khoa học sẽ giải thích được và con người sẽ không phải tin nữa. Hiểu như vậy, “tin” là tri thức “không chắc chắn”, đồng nghĩa với “ý kiến” mà thôi; vậy phải chăng ki-tô hữu là những người kém thông minh, mù quáng, thiếu hiểu biết và thiếu trưởng thành?

          Nhằm giúp người trẻ ngày nay có cái nhìn đúng đắn về đức tin ki-tô giáo và giúp các tín hữu trẻ không mặc cảm về hành vi tin của mình, cũng như nhằm trình bày thần học về đức tin ki-tô giáo cho các ki-tô hữu, nên sách này sẽ gồm bốn phần:

·       Phần thứ nhất nhằm cho thấy ai cũng phải tin, dù là một người nông dân chân lấm tay bùn đến những người trí thức; không chỉ thế, mọi khoa học, mọi tri thức đều được đặt trên nền tảng niềm tin, dù đó là tri thức khoa học hay tri thức siêu hình;

·       Phần thứ hai cho thấy “tin” là siêu vượt khỏi mình và hướng tới gặp gỡ ngôi vị; tin là tương quan liên vị; tin là hành vi tự do, hợp lý và là ân sủng;

·       Phần thứ ba cho thấy nét đặc biệt của đức tin ki-tô giáo: tin là đáp trả mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Yêsu Kitô; tin đòi hỏi phải phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa Tình Yêu;

·       Phần thứ tư cho thấy “tin” là sống; đức tin được biểu lộ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người; chính nhờ tin mà con người được cứu độ.

 

 


PHẦN I:
KHÔNG AI SỐNG MÀ KHÔNG TIN

          Phải chăng chỉ có các tín đồ của các tôn giáo và những người bình dân ít học mới tin? Phải chăng những nhà khoa học thực thụ “không tin” gì cả?

          Phải chăng luận cứ “không có Thiên Chúa” hữu lý hơn, đúng hơn luận cứ “Thiên Chúa hiện hữu”? Phải chăng tin “không có Thiên Chúa” thì đúng hơn tin “có Thiên Chúa”.

          Phải chăng các định luật khoa học “đúng hơn” các tín điều ki-tô giáo? Phải chăng các tri thức khoa học hoàn toàn không dựa trên một niềm tin nào đó?

          Trong phần một này chúng ta sẽ giải đáp những vấn đề trên chỉ dựa vào lý trí và suy luận, và không dựa vào bất cứ uy quyền[2] nào!

          Để làm điều này, chúng ta sẽ chứng minh: tất cả mọi tri thức đều đặt nền trên một niềm tin nào đó. Chúng ta sẽ lần lượt bàn về:

·       niềm tin nền tảng của khoa học;

·       niềm tin nền tảng của tri thức siêu hình;

·       chân lý và sự thực.


A. NIỀM TIN NỀN TẢNG CỦA KHOA HỌC

          Người xưa chủ trương:

·       Biết[3] là tri thức chắc chắn và hiển nhiên về sự vật qua các nguyên nhân của nó[4].

·       Ý kiến là chấp nhận một mệnh đề nhưng có nghi ngại sợ sai[5].

·       Tin là ý kiến được biện luận[6]; tin ở giữa ý kiến và khoa học[7].

Và như vậy đứng trên phương diện chủ quan, sự khác biệt giữa ý kiến, tin và biết, tùy thuộc mức độ hoàn thiện[8].

          Hôm nay người ta phân biệt ý kiến, tin và tri thức khoa học. Người ta thường coi tri thức khoa học là tri thức đúng[9], và tin là tri thức “không chắc chắn đúng”. Vấn đề được đặt lại là: cách quan niệm như vậy về khoa học và về tin, cách quan niệm như vậy về tri thức khoa học và tri thức do tin, có hoàn toàn đúng không?

a). Niềm tin phủ nhận tri thức khoa học
i). Lập luận của thuyết hoài nghi

          Platon tin rằng, có những chân lý vĩnh cửu mà con người nhớ lại vì linh hồn đã chiêm ngắm chúng ở trên thế giới ý niệm[10].

          Aristote tin rằng ý niệm con người có về sự vật, là do lý trí trừu xuất; và như vậy, chân lý là sự tương đồng tương hợp giữa lý trí và sự vật.

          Những người theo chủ thuyết hoài nghi không đồng ý kiến với Platon và Aristote, họ hoài nghi. Không phải họ phủ nhận tri thức giác quan hoặc sự chắc chắn chủ quan, nhưng họ hoài nghi những tri thức mà người khác gọi là chân lý hoặc tri thức vĩnh cửu. Họ cho rằng không có sự chắc chắn khách quan tất cả những tri thức mà con người có:

·       bất cứ ai khẳng định điều gì, họ có thể khẳng định ngược lại;

·       nếu một người nại vào một tiêu chuẩn nào đó để chứng minh, họ phủ nhận tiêu chuẩn đó;

·       nếu người đó từ chối chứng minh và coi tiêu chuẩn để chứng minh là hiển nhiên, tiêu chuẩn đó chỉ là ý kiến.

Như vậy, không có sự chắc chắn khách quan nơi mọi tri thức, và không có khoa học[11].

ii). Lập luận phản bác thuyết hoài nghi

          Nhằm bài bác chủ thuyết hoài nghi, người ta lập luận: vậy mệnh đề chủ trương “không có sự chắc chắn khách quan nơi tri thức” cũng không có sự chắc chắn khách quan. Những người chủ trương thuyết hoài nghi không phản đối điều này.

          Cũng nhằm bài bác chủ thuyết hoài nghi và những người thuộc phái Tân-Hàn-Lâm, thánh Augustin cố gắng chứng minh có sự chắc chắn khách quan bằng lập luận: “tôi sai lầm, vậy tôi hiện hữu”.

          “Tôi sai lầm, vậy tôi hiện hữu”. Như vậy, “tôi hiện hữu” là một chân lý khách quan. Chắc chắn những người theo chủ thuyết hoài nghi sẽ phủ nhận, không coi “tôi hiện hữu” là một tri thức có tính chắc chắn khách quan, vì họ đâu có chấp nhận “tôi sai lầm” là một tri thức có sự chắc chắn khách quan!

iii). Niềm tin của người chủ trương thuyết hoài nghi

          Bây giờ chúng ta xem một ví dụ minh giải lập trường của những người theo chủ thuyết hoài nghi. Những người chấp nhận khoa học cho rằng khi ta tung một hòn đá lên không trung, ta thấy hòn đá rơi xuống. Những người tin khoa học cho đó là chân lý chắc chắn và hiển nhiên, nhưng những người theo chủ thuyết hoài nghi không chắc chắn rằng điều đó sẽ xảy ra. Những người theo chủ thuyết hoài nghi không khẳng định rằng hòn đá sẽ không rơi, họ chỉ nói không chắc rằng hòn đá sẽ rơi.

          Ở cấp độ thứ nhất, những người chủ trương thuyết hoài nghi không tin chắc gì cả:

·       hoặc không tin chắc có cái gì thường hằng bất biến, kể cả vật chất hay định luật vĩnh cửu nào chi phối chúng,

·       hoặc không tin chắc con người có khả năng biết hữu thể cách chắc chắn[12].

          Có thể có thực tại vĩnh cửu khách quan nhưng không chắc chắn một cách khách quan rằng có; và giả như có thực tại vĩnh cửu đó thì con người cũng có thể biết, nhưng không chắc chắn rằng cái biết của mình về thực tại đó là đúng. Và như vậy, cách tốt nhất đối với nhưng người theo chủ thuyết hoài nghi là không khẳng định điều gì cách chắc chắn, hoặc không phán đoán gì[13].

          Ở cấp độ thứ hai, những người theo chủ thuyết hoài nghi tin rằng con người không có tri thức với sự chắc chắn khách quan[14]. Sở dĩ như vậy vì họ lập luận rằng những gì không chứng minh được thì không chắc chắn đúng cách khách quan.

          Với niềm tin như vậy, những người theo chủ thuyết hoài nghi phủ nhận khoa học. Và vì tin rằng con người không thể có tri thức một cách chắc chắn khách quan, nên những người theo chủ thuyết hoài nghi cũng đánh mất sự chắc chắn chủ quan khi tri thức.

b). Niềm tin hàm chứa nơi người chấp nhận khoa học

          Khoa học là tập hợp những tri thức khách quan về một chủ đề nào đó. Tất cả những người chấp nhận khoa học đều tin một cách mặc nhiên rằng con người có khả năng biết sự vật.

          “Con người có khả năng tri thức sự vật”. Điều này không chỉ là ý kiến, nhưng còn là điều con người giả thiết, là điều con người tin một cách chắc chắn. Những người chấp nhận khoa học không chỉ cho mệnh đề “con người có khả năng tri thức sự vật” là một tiền đề để có khoa học, nhưng họ tin mệnh đề này đúng trăm phần trăm, đúng tuyệt đối, dù họ không thể chứng minh để những người theo chủ thuyết hoài nghi chấp nhận. Mệnh đề “con người có khả năng tri thức sự vật” là chân lý hiển nhiên đối với những người chấp nhận khoa học.

          Niềm tin “con người có khả năng tri thức sự vật” hàm chứa:

·       tin thế giới khách quan hiện hữu thực sự;

·       tin các sự vật liên hệ với nhau theo một luật “tự nhiên” nào đó;

·       tin lý trí con người có khả năng tri thức chúng.

i). Thực tại khách quan hiện hữu.

          “Đêm qua ngủ nằm mơ thấy mình là bướm, khi tỉnh dậy tôi không biết mình là người mà nằm mơ mình là bướm, hay thực sự tôi là bướm mà bây giờ đang mơ”.

          “Tôi hiện hữu” phải chăng là sự thật, là chân lý? Descartes tìm cách chứng minh “tôi hiện hữu” là một chân lý bằng khởi đi từ “tôi suy tư”[15]. Với Descartes, “tôi suy tư” là thực tại, là chân lý hiển nhiên không cần chứng minh, vì đối với ông, con người vẫn có thể sai lầm với cái biết bằng giác quan. Tri giác có thể sai lầm, nhưng những gì lý trí thấy rõ và phân biệt thì không thể sai lầm. Descartes chỉ tin vào lý trí, chính vì thế, người ta coi ông là cha đẻ của chủ thuyết duy lý.

ii). Sự vật có tương quan hữu cơ với nhau

          Các sự vật liên hệ với nhau theo một luật lệ nào đó. Các sự vật ở đây hiểu gồm cả con người với lý trí. Đây là điều những người chấp nhận khoa học phải tin, vì nếu không tin các sự vật liên hệ hữu cơ với nhau theo một định luật nào đó, thì làm sao dám chắc chắn rằng nếu ta tung hòn đá ở lần thứ n+1 hòn đá sẽ rơi xuống, dù ta đã tung nó n lần và nó đã rơi n lần? Chúng ta đã thấy những người chủ trương thuyết hoài nghi không tin điều này.

iii). Chân lý và khoa học

          Hầu như tất cả chúng ta đều cho rằng con người có khả năng tri thức thực tại. Một số người chủ trương rằng chỉ có khoa học mới cho con người những tri thức đúng đắn. Đâu là lập trường của chúng ta?

a). Không phải là chân lý

          Với hiện tượng quang điện, một số nhà khoa học giải thích ánh sáng là những hạt (thuyết lượng tử); sau một thời gian dài, với hiện tượng giao thoa, các nhà khoa học giải thích ánh sáng là những sóng (thuyết ba động). Với những sự kiện này, liệu người ta có thể đi đến kết luận: phải chăng tri thức khoa học cũng chỉ là những tri thức đúng tương đối thôi? Cũng tương tự như vậy những định luật của thế giới vĩ mô không đúng đối với thế giới vi mô?!

b). Lại gần sự thật

          Chân lý là sự tương hợp giữa lý trí và sự vật. Sống, đối với con người, là tiếp cận thực tại, là tri thức về thực tại. Con người cho đến ngày nay luôn khám phá thấy những điều mới mẻ của thực tại, của hiện thể (étants). Con người khoa học đích thực là con người luôn luôn sẵn sàng mở ra với thực tại hay hiện thể, nghĩa là luôn luôn sẵn sàng để có tri thức về thực tại. Con người với tinh thần khoa học đích thực sẽ không bao giờ loại bỏ những phương cách giúp tiếp cận thực tại và tri thức chúng. Họ sẽ không là người “duy” cái gì cả, chẳng hạn, duy nghiệm, duy thực nghiệm, duy lý, v.v.. Những người mang họ “duy” như chúng ta vừa liệt kê, không là những người có tinh thần khoa học thực sự ; Và những ai bảo vệ dòng họ “duy”, cũng không là những người có tinh thần khoa học đích thực, lúc đó họ đã chuyển sang lãnh vực triết lý[16] rồi.

          Khoa học gia luôn luôn đặt sự vật hay thực tại làm chuẩn, cũng như những gì con người có về thực tại làm những điểm quy chiếu, hầu giúp tri thức đúng đắn hơn về sự vật. Vì vậy, tri giác được coi là những quy chiếu để nhận ra sự tương hợp giữa lý trí và sự vật. Cũng tương tự như vậy, tính hợp lý cũng là quy chuẩn để nghiệm ra tri thức là chân lý.

          Chúng ta nhận thấy nơi những người có tinh thần khoa học, một cố gắng để biết sự vật hay thực tại mỗi ngày một hơn. Họ không cho rằng tri thức của họ về thực tại hay hiện thể như thế là đủ, hoặc không có gì để biết hơn. Chân lý của những người có tinh thần khoa học là sự thực: tri thức của họ về sự vật hay hiện thể càng phong phú, thì họ càng gần sự thực hơn.

g). Thế nào là tri thức khách quan

          Tri thức là cái con người có về sự vật hay hiện hữu nhờ lý trí. Khoa học là tập hợp những tri thức khách quan về một thực hữu nào đó. Nhưng thế nào là một tri thức khách quan? Nhờ những người chủ trương thuyết hoài nghi mà chúng ta thấy rõ, để chứng minh một tri thức là chân lý khách quan, người ta phải chấp nhận, hay đúng hơn phải tin vào một tri thức nào đó mà người ta tin rằng đó là chân lý, rồi dựa vào đó để chứng minh[17].

          Tri thức mà những người chấp nhận khoa học tin rằng tuyệt đối đúng, là: “thực tại có liên hệ hữu cơ với nhau, và con người có khả năng tri thức về thực hữu này”. Sở dĩ những điều trên được các nhà khoa học tin tuyệt đối là chân lý, bởi vì nếu không, những tri thức được chứng minh từ niềm tin này không là những tri thức tuyệt đối đúng đối với những nhà khoa học.

          Như vậy, phải chăng một tri thức coi là chân lý khách quan, cũng chỉ là khách quan[18] nhờ một tri thức chủ quan[19]? Cũng có thể nói như vậy, nhưng điều các nhà khoa học tin một cách tuyệt đối đây, đã được phê bình, và là niềm tin phản tỉnh. Tuy vậy, chúng ta vẫn không phủ nhận rằng có những người không chấp nhận hay không tin điều mà các nhà khoa học tin, chẳng hạn những người chủ trương thuyết hoài nghi.

          Các nhà khoa học đặt thực tại thực hữu cũng như những gì con người lãnh hội được qua giác quan, làm tiêu chuẩn. Thế nhưng đâu là thực tại thực hữu? Phải chăng chỉ những sự vật khả giác mới là thực tại thực hữu, hay cả những thực tại mà giác quan con người không kiểm chứng được cũng là thực tại thực hữu? Những người duy thực nghiệm, duy khoa học thực nghiệm không tin. Tuy vậy, đây chỉ là niềm tin của những người duy thực nghiệm, chứ không phải là tri thức khách quan (hiểu như là tri thức được chứng minh); và nếu họ muốn chứng minh, thì phải nại vào niềm tin của họ “cái gì không kiểm nghiệm bằng giác quan được, thì không thực hữu”.

d). Không thuộc lãnh vực khoa học

          Những nhà khoa học chân chính, sẽ không khẳng định điều gì vượt quá lãnh vực của họ. Chuyện năm người mù xem voi: người thứ nhất nói con voi giống cái cột nhà, người thứ hai nói giống cái quạt, người thứ ba nói giống cái vòi,v.v.! Những tiếp cận của năm người mù với con voi đều đúng, nhưng nếu người này phủ nhận tri thức của người kia, thì họ sẽ sai: “con voi chỉ giống cái cột nhà”, “con voi chỉ giống cái vòi”, “con voi chỉ giống cái quạt”, v.v. Tương tự như vậy, đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thực nghiệm là những sự vật khả giác, nên với một đối tượng không thuộc bình diện khả giác, thì những người khoa học thực nghiệm chân chính không khẳng định “chỉ những gì có thể được kiểm nghiệm bằng tri giác mới là thực hữu”.

          Những người khoa học chân chính tin rằng các thực tại thực hữu có liên hệ hữu cơ với nhau, và nhờ liên lạc hữu cơ này mà con người có thể tri thức về thực tại thực hữu. Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi:

vậy đằng sau những thực tại thực hữu với những mối liên hệ hữu cơ này là gì? phải chăng có một thực tại tuyệt đối, hay là cái gì khác, hay là hư vô?

          Nhà khoa học chân chính không trả lời câu hỏi trên, vì đây không thuộc lãnh vực nghiên cứu của họ; và nếu họ trả lời, thì câu trả lời của họ không có tính “khoa học” nữa; họ có thể trả lời những câu hỏi trên bởi vì họ là người, nên họ có quyền có cái nhìn siêu hình về sự vật.


B. NIỀM TIN NỀN TẢNG CỦA SIÊU HÌNH

          Đứng trước vũ trụ vạn vật hữu hình khả giác, con người thường đặt câu hỏi: “đằng sau những thực tại khả giác hữu hình với những định luật chi phối chúng, liệu còn cái gì khác[20] không?

          Đã đành nhờ những luận chứng và bài bác của những người theo chủ thuyết hoài nghi, người ta biết mình phải tin các sự vật liên hệ hữu cơ với nhau, cũng như người ta phải tin con người có thể biết các sự vật và những định luật chi phối chúng. Thế nhưng, ngoài những điều phải tin để có tri thức “khách quan” đó ra, người ta còn phải tin điều gì, hoặc phải tin có cái gì nữa không?

          Có nhiều ý kiến về vấn đề này, và có những người bảo vệ ý kiến của họ như những chân lý tuyệt đối chắc chắn. Trong mục này, chúng ta sẽ xét lập trường của những người mà lập trường của họ sẽ dẫn tới chủ trương vô thần, và sau cùng là lập trường của những người hữu thần.

a). Niềm tin phủ nhận mọi tri thức siêu hình

          Chủ thuyết hoài nghi phủ nhận tri thức khoa học thế nào, thì chủ thuyết bất khả tri cũng phủ nhận tri thức siêu hình như vậy.

i). Chủ thuyết bất khả tri

          Theo một nghĩa rất rộng, chủ thuyết bất khả tri dùng để chỉ lập trường của những người cho rằng “không thể biết những đối tượng bất khả giác[21]”. Jorg Splett cho rằng, chủ thuyết bất khả tri chỉ là một hình thái đặc thù của chủ thuyết hoài nghi, vì những người theo chủ thuyết hoài nghi nghi ngờ tính chân thực của mọi tri thức, còn những người theo chủ thuyết bất khả tri phủ nhận mọi tri thức siêu hình, đặc biệt là tri thức về Thiên Chúa[22].

ii). “Bất khả tri” là niềm tin của một số người

          “Bất khả tri” không là một tri thức khách quan, hiểu như là một tri thức được chứng minh, nhưng chỉ là một ý kiến, và là một ý kiến sai lầm đối với nhiều người, nhưng đối với những người theo chủ thuyết bất khả tri thì đây là niềm tin của họ. Đối với những người theo chủ thuyết bất khả tri, không có tri thức siêu hình đích thực. Niềm tin “bất khả tri” hủy hoại mọi tri thức siêu hình[23].

b). Niềm tin dẫn tới phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu

          Có nhiều niềm tin hàm chứa lập trường phủ nhận Thiên Chúa.

i). Niềm tin của những người chủ trương duy vật

          Những người chủ trương duy vật khẳng định: không có gì hiện hữu ngoại trừ vật chất, và nếu có cái gì không-vật-chất thì cái đó cũng do vật chất mà ra[24].

          Có nhiều người lầm tưởng rằng, đây là lập trường của những nhà khoa học, nhưng nếu hiểu như vậy là sai. Những người khoa học chấp nhận vật chất hiện hữu, và cũng chấp nhận các-hiện-hữu-như-họ-thấy có liên hệ hữu cơ với nhau, và lý trí con người có khả năng tri thức vạn vật thực hữu. Thế nhưng những nhà khoa học chân chính không khẳng định chỉ có vật chất thôi hay còn có cái gì khác không phải vật chất. Đối với họ, có thể chỉ có vật chất thôi, nhưng cũng có thể có cái gì khác không phải vật chất; và họ biết ý kiến của họ đưa ra về vấn đề này không nằm trong lãnh vực khoa học thực nghiệm. Họ có thể có lập trường về điều này, tuy nhiên họ ý thức “ý kiến” của họ không là phát biểu khoa học, nó chỉ là niềm tin.

          Tại sao vật chất lại có liên hệ hữu cơ với nhau để lý trí con người có thể tri thức được, chứ không như những người theo chủ thuyết hoài nghi tin? Những nhà khoa học không trả lời điều này; còn những người duy vật trả lời: bởi chính vật chất là như vậy, không cần nại vào bất cứ cái gì để giải thích thực tại vật chất như nó là bây giờ[25].

          Theo Hans Kueng, tin vào vật chất và những quy luật chi phối chúng mà không tin Thiên Chúa hiện hữu, là một niềm tin không nền tảng; bởi vì những người vô thần không thể cho thấy tại sao thực tại hiện hữu và được đặt thành vấn đề, và họ cũng không biết tại sao lại phải tin vào vật chất, cũng như những quy luật chi phối chúng[26].

          Tin chỉ có vật chất và không có gì khác nữa, cũng chỉ là một ý kiến, và đối với nhiều người thì đó là ý kiến sai lầm. Tuy vậy đối với những người chủ trương duy vật, đó là chân lý. Vấn đề tồn tại là: niềm tin “duy vật” có thực là chân lý khoa học? có đáng tin không?

ii). Niềm tin của những người chủ trương hư vô

          Đằng sau những thực tại như chúng ta thấy, là gì? Tại sao lại có cái gì chứ không phải là không có? Bên kia cái mà người ta gọi là Thiện và Ác là gì (Nietzsche)? Phải chăng đời sống con người thật phi lý (J. P. Sartre)?

          Với một số người:

·       Thiện hay Ác chỉ là những ý niệm thật tương đối;

·       Đời sống con người thật phi lý, không có ý nghĩa gì;

·       Tất cả chỉ là hư vô. Vật chất và những quy luật chi phối chúng, không cho thấy là chúng sẽ trường tồn[27].

          Chủ trương hư vô là niềm tin siêu hình. Chủ nghĩa hư vô dù là niềm tin siêu hình thế nào đi nữa, cũng chỉ là sự phủ nhận và từ chối hữu thể. Niềm tin của những người theo chủ thuyết hư vô, tuy không trực tiếp phủ nhận tri thức khoa học, nhưng thực sự đã phá hủy nền tảng của tri thức này, hoặc ít là làm cho tri thức này không có ý nghĩa.

c). Niềm tin Có Thực Tại Tuyệt Đối Siêu Việt

          Đồng ý với những nhà khoa học, chúng ta tin rằng:

·       vũ trụ vạn vật thực sự hiện hữu như chúng ta thấy,

·       các thực tại có một tương quan hữu cơ với nhau,

·       lý trí con người có thể tri thức được thực tại.

Thế nhưng đằng sau thực tại hữu hình “vũ trụ vạn vật” với những luật lệ chi phối chúng là gì? Phải chăng chỉ là hư vô hỗn mang? hay chỉ có vật chất? hay có một thực tại siêu vật chất, tuyệt đối, vĩnh cửu, là nền tảng của mọi hiện hữu khả giác như chúng ta nhận biết , và là ý nghĩa của mọi thực tại hiện hữu, là bảo đảm của mọi quy luật chi phối mọi thực tại vật chất hiện hữu?

          Được gọi là hữu thần, những người tin có một thực tại tuyệt đối siêu việt. Họ tin rằng thực tại siêu việt này là nền tảng và căn nguyên của mọi thực tại hiện hữu.

          Trong phần một này chúng ta đã thấy, tin là thái độ nền tảng của con người trong nhiều lãnh vực: khoa học, triết học, tôn giáo. Không có niềm tin, con người không thể sống một đời sống nhân linh đích thực; không có niềm tin, con người cũng không thể nhận ra hữu thể chân thực của chính mình[28]. Không có niềm tin, con người cũng không thể nói đến tri thức và khoa học[29]. Nếu không tin, con người sẽ không thể tồn hữu[30]. Tin là thái độ cần thiết và không thể miễn trừ trong cuộc sống[31].

          Tin không chỉ là phán đoán, nhưng còn là phán đoán tự do; như vậy, tin không chỉ là tri thức nhưng còn là tri thức tự do; tin là tri thức tự do đặt nền tảng cho những tri thức khác, ngay cả tri thức khoa học[32].

          Thiết tưởng không cần biện minh cho niềm tin nền tảng của tri thức khoa học[33], nên trong phần tới chúng ta sẽ chỉ biện minh cho niềm tin cần được biện minh hơn, đó là niềm tin hữu thần.


C. CHÂN LÝ

          Chân lý là gì? Sự thực là chi?

          Câu này đúng, câu kia sai; phát biểu này đúng, phát biểu kia sai! Nhưng đúng sai so với tiêu chuẩn nào, so với cái gì?

a). Chân lý là thuộc tính của phán đoán

          Chân hay giả, đúng hay sai, hệ tại phán đoán chứ không hệ tại điều người ta lãnh hội qua giác quan[34]. Không có phán đoán, không có đúng hay sai. Đúng hay sai, trúng hay trật, là thuộc tính của phán đoán.

          Phán đoán là hành vi của lý trí. Chân lý là sự tương hợp giữa sự vật và lý trí[35].

i). Phán đoán là tri thức

          Phán đoán là tri thức; tuy nhiên phán đoán này có thể trúng hay trật, là chân lý hay sai lầm. Chân lý luôn luôn là chân lý của một phán đoán, và sai lầm cũng luôn luôn là sai lầm của tri thức. Không thể tách biệt chân lý khỏi phán đoán, và cũng không thể tách biệt phán đoán khỏi lý trí.

          Đứng trước một hiện hữu, tôi có thể không ý thức nó hiện hữu hoặc tôi có thể cảm nhận một cái gì đó.

          Nếu tôi ý thức có một cái gì đó, nghĩa là lý trí tôi đã nhận được một cái gì đó từ nó, điều tôi nhận đây có thể là một hình ảnh qua thị giác, hay một âm thanh qua thính giác, hoặc qua các giác quan còn lại, hoặc qua “giác quan thứ sáu” tạm gọi là trực giác, và rồi người ta có ý niệm (eidos). Khi tiếp nhận một tín hiệu và có ý niệm, người ta có thể có phản ứng. Phản ứng này có thể là một phán đoán về hiện hữu đó, và phán đoán này có thể đúng hoặc sai trong mức độ nó tương hợp với hiện hữu đó. Ngoại trừ các phán đoán “có hoặc không”, một phán đoán có thể đúng nhiều hoặc sai nhiều tùy mức độ nó tương hợp với hiện hữu đó. Aristote nói: “cái giả hệ tại khẳng định rằng cái không cókhông có cái ; cái chân hệ tại khẳng định rằng cái hiện hữukhông có cái không hiện hữu[36].

ii). Biết do lãnh hội bằng trực giác

          Nói cách khác, biết là điều mà con người về hiện hữu nhờ lý trí. Có cái biết không do phán đoán của lý trí, đó là cái biết sơ đẳng do lãnh nhận bằng trực giác, với những ý tượng và ý niệm[37], qua ngũ quan hoặc qua “giác quan thứ sáu”. Phán đoán là tri thức, là biết; nhưng cái biết do phán đoán của con người qua lý trí có thể đúng hoặc sai.

          Cái biết của lý trí con người trực tiếp qua giác quan, gọi là tri giác[38], và cái biết này không sai lầm. Còn cái biết của con người với những lý luận, tổng hợp, gồm cả các quan niệm, khái niệm, gọi là tri thức[39]; cái biết này có thể sai lầm. Còn cái biết bị ảnh hưởng bởi ý muốn, gọi là nhận thức[40].

b). Tin

          Tin, luôn hàm chứa tin vào ai.

i). Tôi tin tôi

          Chúng ta xét một số mệnh đề, chẳng hạn, “tôi tin nó đã chết mất xác ở biển”, “tôi tin con người do tiến hoá từ khỉ mà ra”, “tôi tin có Thiên Chúa”, hoặc, “tôi tin nó, chắc chắn chiều nay nó sẽ tới vì nó đã nói”, “tôi tin vào ngân hàng đó nên tôi ký gởi toàn bộ tiền bạc của tôi vào đó”, “tôi tin em, tôi tin rằng em sẽ trung thành với tôi suốt đời”, “tôi tin Thiên Chúa”, ...

a). Ý kiến

          Một số trong những mệnh đề trên, cụm từ “tôi tin” đồng nghĩa với “tôi cho rằng”, “tôi khẳng định rằng”, “tôi chắc chắn rằng”, “theo ý kiến của tôi thì...”. Như vậy, tin ở đây chỉ là ý kiến của tôi, do đó, sự chắc chắn đúng có tính tương đối.

          Nơi những mệnh đề tin như ý kiến, sở dĩ người ta bảo vệ ý kiến của họ, vì họ tin vào họ. Khi một người nói “tôi tin”, hàm chứa rằng nói: tôi tin tôi, tôi tin vào khả năng và nhận định cùng phán đoán của tôi nên tôi cho rằng ..., và tôi chắc chắn rằng phán đoán của tôi đúng.

b). Ý kiến của tôi đúng hay sai

          Mỗi người có thể có ý kiến riêng của mình, và những ý kiến này có thể khác nhau. Mỗi người đều có thể xác tín về lập trường phán đoán của mình, và mức độ xác tín này có thể khác nhau theo mỗi người.

          Nếu tin là ý kiến, và đối tượng của tin ở cùng bình diện với đối tượng của tri thức khoa học, thì tri thức khoa học có giá trị chân lý hơn. Còn nếu đối tượng tin không thể kiểm chứng được, như “tôi tin Thiên Chúa hiện hữu”, thì chúng ta không thể nói giá trị của mệnh đề “tôi tin Thiên Chúa hiện hữu” thua giá trị của mệnh đề khoa học, vì “Thiên Chúa” không là đối tượng của bất kỳ khoa học thực nghiệm nào. Không thể chứng minh “Thiên Chúa hiện hữu” cách thực nghiệm hoặc thuần lý kiểu toán học như 2+2=4 được.

          “Có Thiên Chúa” hay “không có Thiên Chúa”, không là đối tượng của khoa học, nhưng là niềm tin hay hệ luận của một số triết thuyết. Chẳng hạn đối với những người chủ trương thuyết hoài nghi, thuyết bất khả tri, thuyết duy nghiệm, thuyết duy thực nghiệm, thì khẳng định “có Thiên Chúa” là sai lầm. Và như vậy, vấn đề được chuyển qua là: quan điểm lập trường “duy” như vậy có đúng không?

ii). Tôi tin anh

          Trong một số mệnh đề còn lại như “tôi tin nó, chắc chắn chiều nay nó sẽ tới”, “tôi tin vào ngân hàng đó”, “tôi tin em, tôi tin em sẽ chung thủy với tôi suốt đời”, “tôi tin Thiên Chúa yêu tôi”, ..., chúng ta thấy đối tượng tin là ngôi vị, và hàm chứa là ngôi vị đó. Chính vì tin vào nó, tôi mới chắc chắn chiều nay nó sẽ tới; chính vì tin vào những người lãnh đạo ngân hàng đó, mà tôi ký gởi tiền của tôi vào ngân hàng đó; chính vì tin vào Thiên Chúa, nên tôi mới phó thác đời sống tôi cho Ngài, nên tôi mới tin Kinh Thánh dạy chân lý cứu độ.

          Tin ở đây là tương quan liên vị. Nếu đối tượng tin không là ngôi vị, người ta cân nhắc xem mức độ chắc chắn cần thiết tới đâu, và nếu cần người ta mới có thái độ, còn nếu không thực sự cần thiết thì thôi; còn nếu trong tương quan liên vị đòi người ta phải tin vào ai đó hay không tin, thì người ta phải cân nhắc và chọn lựa. Ở hành vi tin vào ai đó, ngoài những yếu tố khách quan bình thường, còn có một yếu tố can thiệp nữa, đó là hấp lực giữa các ngôi vị, làm cho người ta tin vào nhau.

          Nói cách khác, để tin vào một ai đó, người ta căn cứ vào chính cách sống của người đó; và chỉ cần một lần người đó không giữ chữ tín sẽ làm cho người đó không đáng tin nữa: “một lần bất tín, vạn lần không tin”. Với quan niệm này, để tin một người, vẫn dựa trên xác suất; nhưng còn có một nguyên do khác làm người ta có thể tin vào nhau: tình yêu. Như vậy, tin không chỉ đơn thuần là hành vi lý trí nhưng còn là hành vi ý chí nữa. Tin là hành vi tự do, hành vi nhân linh.

          Khi đối tượng tin là một vật thể, và nếu phán đoán biểu lộ niềm tin ý kiến của tôi không trùng với thực tại, tôi nói tôi sai; còn nếu đối tượng tin là ngôi vị, tôi nói tôi bị lầm[41].

iii). Tin vào

          Trong cả hai trường hợp, dù tin là ý kiến hay là thái độ đối với ngôi vị, đều hàm chứa tôi phải tin vào tôi. Chính vì tin vào tôi, nên tôi mới dám:

·       bảo vệ ý kiến lập trường của tôi, dù nó có khác với những lập trường và ý kiến của người khác;

·       chính vì tin vào tôi, nên tôi mới dám phán đoán và tin vào người khác, và đôi khi phải phó thác một điều khá quan trọng trong đời tôi nơi tha nhân.

          Tin vào mình mới dám tin vào người khác. Nếu chúng ta không thể tin vào người khác, thì đó là dấu chỉ đáng buồn! Trong cuộc sống, có khía cạnh người ta không còn dám tin vào chính mình nữa, và mình chỉ dám tin vào chính mình khi mình tin phó thác vào ai đó.

c). Sự thực

          Phán đoán đúng với sự vật, là biết đúng, là chân lý. Sự vật, đúng hơn “hiện hữu”, là tiêu chuẩn để phán đoán quy chiếu về. Lời về cái gì đó thì không thể trùng khít hoàn toàn tuyệt đối với chính cái đó. Cái thực nhất, là chính cái “hiện hữu” đó: sự thực.

          Con người biết một hiện hữu theo nhiều cấp độ:

·       với giác quan con người lãnh hội sự vật một cách không sai lầm, nhưng tri giác này rất giới hạn;

·       với phán đoán và tổng hợp của lý trí, con người còn có khả năng biết sự vật nhiều hơn.

i). Hiện hữu phi ngã

          Mỗi hiện hữu là một thực tại rất phong phú nên khó có ai có thời giờ để có thể tìm hiểu trọn vẹn. Những tri thức khoa học cung cấp cho con người về lãnh vực này thì chắc chắn chính xác. Ở đây, tin như ý kiến không có giá trị như tri thức khoa học.

          Còn trong những biến cố có tính cách tùy phụ, bất tất, có thể chỉ xảy ra một lần; đây không phải là lãnh vực của khoa học, nhưng sự thực có thể được kiểm chứng, thì “tin” như ý kiến có giá trị hay không tùy thực tế có xảy ra như người ta nghĩ hay không. Trong trường hợp này, để một người có thể biết đúng về biến cố hay thực tại đó, cũng cần con người đừng để thành kiến hay ước vọng nào đó chi phối mình.

ii). Ngôi vị

          Nếu sự thực là “hiện hữu phi ngã” mà còn cần con người “không có thành kiến” để biết đúng, thì điều này còn đúng hơn nữa nếu hiện hữu là một ngôi vị.

          Hơn nữa, nếu hiện hữu là một ngôi vị[42], thì người ta sẽ lại càng hiểu biết hơn nếu chính hiện hữu ngôi vị này tự mặc khải thông ban chính mình, cũng như nếu chính con người mở rộng lòng đón nhận ngôi vị đó cũng như mặc khải của họ.

          Vì ngôi vị là một hiện hữu đơn nhất tuy “đa phức”, nên nếu càng biết ít về nó, thì lại càng không có sự tương hợp của lý trí với thực tại “đơn nhất” đó, và như vậy càng “ít đúng” hơn; còn nếu biết nhiều về nó thì sự tương hợp với thực tại “ngôi vị” càng nhiều, và con người càng lại gần sự thực hơn.

 


THƯ MỤC

          Ở đây chỉ ghi những sách đã được trích trực tiếp trong sách này.

 

ROGER AUBERT, Le problème de l'acte de foi, LOUVAIN 1945

M-D. CHENU, OP., La Parole de Dieu: I. La foi dans l'intelligence, CERF-PARIS 1964

J. COLLINS, The existentialists, GATEWAY-CHICAGO 1967

A. DE LA BARRE, art. Agnosticisme, trong DTC I/1-PARIS 1923

HENRI DE LUBAC, La foi chrétienne:  Essai sur la structure du Symbole des Apôtre,

 AUBIER-MONTAIGNE-PARIS 1969

R. DE ROUET DE JOURNEL, Enchiridion Patristicum, HERDER 1965

DENZINGER-SCHOENMETZER, Enchiridion Symbolorum Definitionum et Declarationum de rebus fidei et morum, HERDER 1963

G. DOMINICI, Notes de théologie morale: Les vertus théologales, GHHV sans date ni lieu

HEINRICH FRIES, "Le mythe et la révélation" , trong QUESTIONS THÉOLOGIQUES AUJOURD'HUI, DDB-PARIS 1964

M. HEINRICHS, Théologie catholique et pensée asiatique, CASTERMAN 1965

HUYỀN CHÂN, Đạo Phật, NHA-TRANG 1965

R. JOLIVET, Dieu- Soleil des esprits: La doctrine augustinienne de l’illumination, DDB et Cie 1934

S. KIERKEGAARD, Traité du désespoir, NRF-GALLIMARD 1964

K. KRENN, art. “Kantianism”, SACRAMENTUM MUNDI- BURNS & OATES 1968

H. KUENG, Dieu existe-il?, trd. JEAN-LOUIS SCHLEGEL et JUSTUS WALTHER, SEUIL 1981

ANDÉ MARC, Psychologie réflexive, tome II: La volonté et l'esprit, DDB-PARIS 1949

G. MARCEL, Foi et Réalité,  AUBIER 1967, coll. FOI VIVANTE 38

NÀRADA MAHA THERA, Đức Phật và Phật pháp, PHẠM KIM KHÁNH dịch, GIA-ĐINH 1971

HEINRICH OTT, Art. “La structure de l'acte de foi”, trg. Mythe et Foi, éd. ENRICO CASTELLI, AUBIER 1966

RAYMOND PANIKKAR, "La Foi dimension constitutive de l'homme", trong Mythe et Foi, éd. ENRICO CASTELLI, AUBIER 1966

L.B. PUNTEL, art. Nihilism, SACRAMENTUM MUNDI- BURNS&OATES 1968

J. RATZINGER, Foi Chrétienne- hier et aujourd'hui, MAME 1969

E. SCHILLEBEECKX, Approches théologiques, 1: Révélation et théologie

Trd. P. BOURGY, CEP-BRUXELLES 19651

JORG SPLETT, art. Agnosticism, SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1968

THÍCH QUẢNG LIÊN, Sử Cương Triết Học Ấn-độ, SAIGON 1965

THIỀU CHỬU, Hán Việt Tự Điển, HÀNỘI 1942

SANCTI THOMAE AQUINATIS

          In Aristotelis Librum De Anima Commentarium, ed. MARIETTI 1959

          In Boethium De Trinitate

          Summa Theologiae

          De Veritate

          In III Sent.

F-J. THONNARD, Précis d'histoire de la Philosophie, DESCLÉE et Cie., PARIS 1966

J. TRUETSCH, “La foi”, MYSTERIUM SALUTIS IV, CERF 1969

TƯỞNG DUY KIỀU, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, THÍCH ĐẠO QUANG dịch, ĐÀLẠT 1958

H. U. VON BALTHASAR, La Gloire et la Croix: Les aspects esthétiques de la Révélation

I: Apparition, Trad. ROBERT GIVORD, col. THÉOLOGIE 61, AUBIER 1965

J-H. WALGRAVE, Un salut aux dimensions du monde, CERF 1970

P. WERNER, art. "Scepticism", SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1970

GUSTAV A. WETTER, Art. “Marxism”, SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1968

 

 


HOME
    LỜI CHÚA    ĐỨC TIN    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG     IN ENGLISH    VỀ TÁC GI

Dẫn Nhập Thần Học   Mặc Khải   S Sống Nếu Bạn Tin   Thiên Chúa Ba Ngôi   Tôn Giáo Ngoài Kitô   Ân Sủng  Biểu Tượng

Sẽ Sống Nếu Bạn Tin        SSNBT1       SSNBT2       SSNBT3       SSNBT4       SSNBT5

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]

 

 



[1] Kitô hữu là người tin Đức Yêsu Nadarét, đã chết và phục sinh, là Thiên Chúa.

[2] Nếu có trích câu Kinh Thánh nào đó trong phần một này, thì việc trích dẫn này chỉ muốn nói có ý kiến hoặc sự kiện như vậy.

[3] Ngày nay, khoa học được hiểu là tập họp những tri thức về một vấn đề nào đó, được hệ thống hóa, được kiểm chứng hoặc hiển nhiên. Như vậy chúng ta thấy quan niệm về “cái biết” ngày xưa và “tri thức khoa học” ngày nay khá giống nhau.

[4] F-J.THONNARD, Précis d’histoire de la Philosophie, DESCLÉE et Cie, PARIS 1966, p. 95 :”La science est la connaissance certaine et évidente des choses par leurs causes” (Scire est cognoscere rem per causam, propter quam res est, et quod ejus est causa, et quod non contingit eam aliter se habere).

[5] Ibidem, p. 96

M.D. CHENU, La Parole de Dieu I: La Foi dans l'intelligence, Coll. COGITATIO FIDEI, CERF-PARIS 1964, p. 93: “Opinio est acceptio unius partis contradictionis cum formidine alterius”.

[6] M.D.CHENU, op.cit., p. 90 trích dẫn

ALBERT LE GRAND, In I Sent., d.2, a.1, ad 1: “Dicit enim Philosophus quod opinio juvata rationibus sit fides” (Cf. In III Sent., d.23, a.1, obj.3)

ST. THOMAS, In III Sent., d.23, q.2, a.2, sol.3, ad 1

ST. THOMAS, De Ver., q.14, a.2, corp. in med.: “Fides communiter accepta, secundum quam credere deicimur id quod vehementer opiamur”.

GUILLAUME D’AVERGNE, De Fide, ed. VENISE, p.3, col.1: “Quoniam credere quoddam opinari est; credere enim est vehementer opinari”.

[7] M.D.CHENU, op.cit., p. 103: “fides est media inter scientiam et opinionem”, và tương tự Aristote: “Opinionem sequitur fides”.

[8] M.D.CHENU, op.cit., p. 90 note 2, trích dẫn

ST.THOMAE AQUINATIS S.T., Ia-IIae, q.67, a.3, in med.: “Ex parte subjecti differunt secudum perfectum et imperfectum opinio, fides, scientia”.

[9] cách tuyệt đối, chủ quan và khách quan.

[10] Ý niệm, theo Platon là chân lý, vì ý niệm là thực tại.

[11] F-J.THONNARD, op. cit., pp. 156-157

P. WERNER, art. “Scepticism” trong SACRAMENTUM MUNDI VI, BURNS &OATES 1970, p. 5

[12] Gorgias cho rằng không gì có thể được biết hay được thông truyền. Protagoras cho rằng con người là thước đo vạn vật (Xem P. WERNER, art. cit, trong SACRAMENTUM MUNDI VI, BURNS &OATES 1970, p. 5

[13] Cf. F-J.THONNARD, op. cit., p. 155-156: “le sage sceptique aura pour règle universelle, l’abstention ou suspension du jugement (epch).

[14] Ở đây phân biệt tri thức và tri giác.

[15] Cogito ergo sum (tôi suy tư vậy tôi hiện hữu).

[16] Xem F-J.THONNARD, op. cit., pp. 521-523.

Những người mang dòng họ “duy”, có tiêu chuẩn riêng để phán đoán và định giá trị của tri thức:

·        Những người duy hoài nghi cho rằng, “chỉ những gì được chứng minh mới là tri thức khách quan”, nhưng cũng theo họ, “mọi chứng minh đều có thể đẩy đến vô cùng”, và như vậy không có chân lý khách quan;

·        Những người duy tâm lại cho rằng, “con người chỉ biết tư duy của mình”, và “chỉ có tư duy của con người là thực”.

·        Những người duy thực nghiệm lại cho rằng, “chỉ những gì được kiểm nghiệm bằng kinh nghiệm giác quan mới là chân lý”.

[17] Nếu không, người ta sẽ phải chứng minh tới vô cùng, như những người duy hoài nghi đã lý luận.

[18] hiểu như là được chứng minh.

[19] do tin, phải tin.

[20] mà không thuộc bình diện thực tại khả giác.

[21] A. DE LA BARRE, art. “Agnosticisme”, DTC.I/1, PARIS 1923, col. 596

[22] JORG SPLETT, art. “Agnosticism”, trong SACRAMENTUM MUNDI I, BURNS &OATES 1968, p.15

[23] Emmanuel Kant (1724-1804) không phủ nhận tri thức siêu hình, nhưng cho rằng, việc xây dựng khoa siêu hình với sự chắc chắn khách quan như các khoa học thực nghiệm là một ảo tưởng (Xem F-J. THONNARD, op. cit., pp. 648-649).

Kant phân biệt lý trí là lý trí thuần lý và lý trí thực tiễn, và cho rằng những vấn đề mà siêu hình học truyền thống bàn tới không nằm trong khả năng của lý trí thuần lý. Với mệnh lệnh tuyệt đối của lý trí thực tiễn “làm lành lánh dữ”, con người phải chấp nhận các ý niệm “Thiên Chúa”, “linh hồn bất tử”, “tự do”, là những thực tại.

[24] GUSTAV A. WETTER, art. “Marxism”, trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS &OATES 1968, pp. 423-424

[25] Quy luật của vật chất là:

·        Quy luật thống nhất và mâu thuẫn nội tại;

·        Quy luật chuyển biến từ lượng tới phẩm (quy luật lượng chất);

·        Quy luật "phủ định của phủ định" (négation de la négation).

[26] H. KUENG, Dieu exist-t-il?

Trd. par JEAN-LOUIS SCHLEGEL et JUSTUS WALTHER, SEUIL 1981, p. 661

[27] L.B. PUNTEL, art. “Nihilism”, trong SACRAMENTUM MUNDI II, BURNS and OATES 1968, p. 231:

“The usual approach is to define nihilism as a doctrine or attitude which rejects truth, values and every thing positive, that is, declares them to be nothing”.

               Phải chăng chủ trương hư vô của Nietzsche, là chủ trương Sunyata của Phật giáo (Trung Quán: tất cả đều không)? Theo thiển kiến, tuy dù Nietzsche tin “sự hồi đầu vĩnh cửu” nhưng quan niệm hư vô của Nietzsche khác Sunyata.

[28] Xem R. PANIKKAR, La foi dimension constitutive de l'homme, trong MYTHE ET FOI, AUBIER 1966, p.18:

“L’être humain ne peut pas atteindre ou découvrir son être authentique s’il ne reconnait ce fondement qui se manifeste dans la foi. Sans la foi, il ne peut vivre une vie humaine authentique”.

[29] H. KUENG, op.cit., p. 634:

“Il faut déjà croire à quelque chose si l’on veut tout simplement parler de savoir et de science”

trích dẫn W. STEGMULLER, Metaphysik, Skepsis, Wissenschaft, BERLIN 1954

[30] R. PANIKKAR, op. cit.,

·        p.17: “Sans la foi on ne peut pas subsister”;

·        p.18: “La foi apparait alors comme le véritable fondement de l’existence”.

               Tác giả R. PANIKKAR cũng hay trích dẫn câu Kinh Thánh Cựu Ước Ys.7,9: “nếu nhà ngươi không tin, nhà ngươi sẽ không tồn hữu”.

Cf. AUBERT, Le problème de l’acte de foi, LOUVAIN 1945, p. 22

[31] J. COLLINS, The existentialists, GATEWAY-CHICAGO 1967, p.16 : “On the other hand, Kierkegaard maintained that the attitude of faith is indispensable for synthesizing the many aspects of existence”.

J.RATZINGER, Foi chrétienne  hier et aujourd'hui, MAME 1969, p. 31: “Il n’est indispensable, me semble-t-il, d’en avoir une idée très nette: tout homme doit prendre position, d’une manière ou d’une autre, à l’égard des options fondamentales de l’existence; il ne peut le faire que sous la forme d’une foi ... D’une certaine manière, tout homme est obligé d’avoir une foi”.

[32] H. KUENG, op.cit., p. 540 trích dẫn

HANS GEORG GADAMER, Vérité et méthode  Les grandes lignes d'une herméneutique philosophique, PARIS 1976: “Qu’il existe une vérité et une certitude même sans méthode: il existe une vérité préscientique qui est le présupposé de toute science ... Mais pour Gadamer aussi, une foi précède tout savoir et toute science”.

H. KUENG, op.cit., p. 539: “Tout savoir renferme donc un “présupposé”, qu’on peut caractériser “proche d’une foi” ... Dans la science domine l’HYPOTHÈSE, à laquelle on est obligé de croire”.

J. TRUETSCH, art. "La Foi", trong SACRAMENTUM MUNDI IV, BURNS and OATES 1969, p. 48-49:

“La première scholastique est, à ses débuts, la fidèle expression de cette absorption: la connaissance commence avec l’acte de foi; ensuite, c’est à la spéculation philosophique d’expliciter le contenu de cette adhésion de foi”.

[33] Điều mà chúng ta gọi là “niềm tin nền tảng của tri thức khoa học” ở đây, được Hans KUENG gọi là “confiance” và “confiance originaire”. Hans Kueng làm như vậy, vì ông muốn dành chữ “Foi” cho đức tin tôn giáo.

Cf. H. KUENG, op. cit., p. 540.

[34] Thánh Thomas, Kant và Husserl cũng đều chấp nhận như vậy. Xem F-J. THONNARD, Précis d’histoire de la Philosophie,

DESCLÉE et Cie, PARIS 1966, p. 1022.

ARISTOTELES, VI Metaphys., c.4: 1027, b, 25-29 được trích bởi ST.THOMAE AQUINATIS S.T., I, q.16, a.1: “Sed contra est quod Philosophus dicit quod verum et falsum non sunt in rebus sed in intellectu”.

[35] ST.THOMAE AQUINATIS S.T., I, q.16,

·        a.1, corp.: “Quod autem dicitur quod veritas est adaequatio rei et intellectus, potest ad utrum pertinere ... Sic ergo veritas principaliter est in intellectu; secundario vero in rebus, secudum quod comparantur ad intellectum ut ad principium”;

·        a.2, 1: “Praeterea, Ysaac dicit, in libro de Difinitionibus, quod veritas est adaequatio rei et intellectus”.

[36] ARISTOTE, Métaphysique,IV,7

Xem F-J.THONNARD, op. cit., p. 93

[37] Species intelligibilis, eidos.

[38] Tri giác, bởi chữ Hán [   ,   ]. Tri là biết; giác là biết bởi giác quan, chẳng hạn ngửi biết thơm, thấy biết sắc,...

Tri giác là trực giác giác quan, còn có một tuệ giác, tức trực giác trí tuệ (intuition intellectuelle).

[39] Tri thức, bởi chữ Hán [   ,   ]. Thức, là biết do phân biệt.

Ngay cả khi người ta khẳng định mình không biết, thì đó cũng là một phán đoán, và như vậy phải chăng cũng là biết ở một mức độ nào đó: “tri vi tri, bất tri vi bất tri, hà tri dã?”.

[40] Nhận thức, chữ Hán là [   ,   ]. Nhận là đồng ý, bằng lòng.

Xem THIỀU CHỬU, Hán Việt tự điển, HÀ-NỘI 1942, chữ “nhận”.

Xem F-J.THONNARD, op. cit., p. 475

[41] Chẳng hạn trong tình yêu.

[42] Thực thể có lý trí đơn nhất không thể phân chia.