HOME
    LỜI CHÚA    ĐỨC TIN    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG     IN ENGLISH    VỀ TÁC GI

Dẫn Nhập Thần Học   Mặc Khải   S Sống Nếu Bạn Tin   Thiên Chúa Ba Ngôi   Tôn Giáo Ngoài Kitô   Ân Sủng  Biểu Tượng

DẪN NHẬP THẦN HỌC        DNTH1       DNTH2       DNTH3       DNTH4       DNTH5

 

 

DẪN NHẬP THẦN HỌC

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

MỤC LỤC:

 

PHẦN II: ĐỐI TƯỢNG- MỤC ĐÍCH..

Đối tượng thần học. 1

Thiên Chúa. 1

Đức Yêsu Kitô và lịch sử cứu độ. 1

Đối tượng chất thể và hình thể của thần học. 2

Mục đích của thần học. 3

Giáo trình thần học. 4

Chuyên biệt hóa. 4

Các giáo trình. 6

THƯ MỤC..

 

PHẦN II:
ĐỐI TƯỢNG- MỤC ĐÍCH

          Phần trước đã tìm hiểu ý nghĩa từ ngữ “thần học”, trong phần này sẽ tìm hiểu đối tượng thần học xét như một khoa học, sau đó đích nhắm của thần học, và cuối cùng xem việc phân chia các môn trong thần học.

Đối tượng thần học

          Một số người cho rằng đối tượng của thần học đã hàm chứa trong từ ngữ “thần học”. Thần học là “lời về Thiên Chúa” và “lời của Thiên Chúa”, nên đối tượng của thần học là Thiên Chúa.

Thiên Chúa

          Trường phái Thomas cho rằng: đối tượng của thần học là Thiên Chúa, nghĩa là, như Thiên Chúa biết chính Ngài và Ngài thông truyền cho chúng ta nhờ mặc khải23.

Đức Yêsu Kitô và lịch sử cứu độ

          Một số thần học gia khác cho rằng: mặc khải đến với chúng ta qua những biến cố xảy ra trong dòng lịch sử nhân loại, và chính những biến cố này cấu thành lịch sử cứu độ; chẳng hạn Cựu ước tường thuật những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài, và Tân Ước là Tin Mừng về đức Giêsu Kitô; thế nên, đối tượng của thần học là đức Kitô và lịch sử cứu độ[1].

          Như vậy đối tượng của thần học là gì?

Thiên Chúa hay đức Kitô?

Thiên Chúa hay nhiệm cục cứu độ?

          Theo E. Mersch, đối tượng chất thể của thần học gồm cả đối tượng chính là Thiên Chúa lẫn đối tượng thứ yếu là những công trình của Thiên Chúa. Đối tượng trung tâm của thần học không là gì khác ngoài Đức Kitô toàn thể, hay Đức Kitô mầu nhiệm[2].

          Phê bình:

          Đồng ý rằng: Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ; Đức Kitô toàn thể (Christ total) là đối tượng chất thể của thần học; Mầu nhiệm cứu độ khả tri nhờ Đức Kitô; Đời sống thần linh được ban cho con người nhờ và trong  Đức Kitô;

nhưng với những điều đó, liệu có thể nói Đức Kitô là đối tượng hình thể (objet formel) của thần học không?

          Câu trả lời là không, vì những lý do sau đây:

·       Theo 1Yn.4, 9.16, Đức Kitô là Đấng biểu lộ chương trình tình yêu của Thiên-Chúa-cứu-độ trong lịch sử; nhưng đối tượng tối hậu của đức tin và của thần học, là ThiênChúa-cứuđộ-conngười-qua Đức Kitô;

·       Theo 1Cor.3, 23: “anh em thuộc về Đức Kitô, còn Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”; và theo Eph.1, 3-7: Thiên Chúa là chính;

trong khi đó theo viễn ảnh của Mersch, mầu nhiệm Ba Ngôi và sứ vụ thần linh là thứ yếu[3].

Đối tượng chất thể và hình thể của thần học

          Bây giờ xem lập trường của trường phái Thomas. Với trường phái này, đối tượng chất thể của thần học là Thiên Chúa, còn đối tượng hình thể của thần học là Deus sub ratione deitatis, nghĩa là Thiên Chúa như là Thiên Chúa[4].

          Về đối tượng chất thể của thần học, thánh Thomas nói trong Summa Theologiae I, q.1, a.7: “Trong khoa học thánh, người ta có thể bàn về mọi sự liên hệ đến Thiên Chúa, hoặc vì những điều này thuộc về Thiên Chúa (yếu tính, thuộc tính, ngôi vị), hoặc vì những điều này quy về Thiên Chúa như nguồn gốc và đích điểm (các tạo vật, các hành vi nhân linh, lề luật, ân sủng, các nhân đức, các bí tích)”.

          Về đối tượng hình thể, đó là chính Thiên Chúa, là Thiên Chúa cứu độ con người qua Đức Kitô, là Thiên Chúa mặc khải trong dòng lịch sử, là Thiên Chúa tỏ mình là Ba Ngôi Vị. “Tất cả thần học đều quy tóm về mầu nhiệm Ba Ngôi và Nhập Thể, nghĩa là về mầu nhiệm Thiên Chúa trong đời sống thâm sâu của Ngài, và về nhiệm cục cứu độ (các phương tiện dẫn con người đến với Ngài)” (St. Thomas, S.T., IIa-IIae, q.1, a.8; q.2, a.5).

          Chân lý trung tâm của kho tàng mặc khải, cũng như ý tưởng chủ đạo hướng dẫn tiến trình mặc khải từ Cựu Ước đến Tân ước, là Thiên Chúa cứu độ con người nhờ Đức Kitô. Chính chân lý này nối kết và thống nhất cả hai giao ước[5].

          Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng chỉ được mặc khải trong viễn cảnh cứu độ, để con người hiểu rằng Thiên Chúa Cha yêu thương và cứu độ con người qua Đức Kitô và trong Thánh Linh tình yêu[6].

          Thần học (theologia) là những lời về Thiên Chúa. Nhưng những lời về Thiên Chúa (logia) thì không đồng nhất với Thiên Chúa (chỉ có Logos đồng nhất với Thiên Chúa). Thiên Chúa vượt trên thần học, vì thần học là một khoa học, thuộc về tạo vật nên không thể nắm bắt và gói trọn được Thiên Chúa.

          Đối tượng chất thể của thần học là những tạo vật, là lịch sử cứu độ, là các mầu nhiệm Chúa Kitô, là các tín điều, v.v. Đối tượng hình thể của thần học là chính Thiên Chúa như là Thiên Chúa, là Thiên Chúa Ba Ngôi Vị, là chủ thể tự do chứ không là những sự vật.

Mục đích của thần học

          Thần học là một khoa học thực hành hay là một khoa học lý thuyết? Thần học nhằm mục đích điều chỉnh hành động của chúng ta, giúp chúng ta sống tốt hơn, hay thần học chỉ nhằm giúp chúng ta biết chân lý, biết để biết thôi?

          Có những lập trường khác nhau, chúng ta có thể tóm lại thành bốn câu trả lời:

·       Đối với Henri de Gand (†1293), thần học đơn thuần là khoa học lý thuyết, vì thần học nhắm tri thức và chiêm ngắm (qeorew) Thiên Chúa.

·       Đối với Alexandre de Hales, Albert le Grand, Duns Scot, thần học đơn thuần là khoa học thực hành, vì thần học sưởi nóng lòng sùng kính và thúc đẩy ý muốn hướng đến sự Thiện tốùi hậu[7].

·       Thánh Thomas cho rằng, làm thần học để trở nên tốt hơn và để dẫn người ta đến sự thánh thiện, nhưng thần học chủ yếu là tri thức lý thuyết (S.T., Ia, q.1, a.4).

·       Thánh Bonaventura cho rằng: thần học là khoa học vừa lý thuyết vừa thực tiễn, nhưng chủ yếu là thực tiễn, vì thần học nhắm đầu tiên đến việc làm cho chúng ta tốt hơn (I Sent., Proemium, q. 3)[8].

          Theo R. Latourelle, thần học hiện tại có nhiều hướng phục vụ hơn ngày xưa[9]. Nét đặc trưng của hoạt động thần học hiện đại, là ý thức phục vụ Giáo hội hiện tại[10].

          Trong chiều hướng này chúng ta thấy mục đích của việc học thần học là đào tạo các linh mục và những tông đồ, vì sứ mạng đầu tiên của linh mục là loan báo lời cứu độ của Thiên Chúa (cf. P.O., 4)[11].

Giáo trình thần học

Chuyên biệt hóa

          Trong thần học, chúng ta thường nghe nói tới thần học căn bản, thần học tín lý, thần học luân lý, thần học tu đức, thần học mục vụ, thần học truyền giáo, thần học hiệp nhất, v.v.; nhưng ở những thế kỷ đầu trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta không thấy như vậy. Sự phân chia hay chuuyên biệt hóa này đã xảy ra theo nhu cầu của thời đại.

Thần học thiêng liêng

          Ở thời thánh Thomas và Bonaventura, thần học thần bí vẫn nằm trong thần học; nhưng từ thế kỷ XV đã có nhiều chuyển biến, và sang thế kỷ XVI đã xuâát hiện những tác phẩm thiêng liêng không còn khởi từ thần học suy lý như nguồn cảm hứng, và hơn nữa tác giả của những tác phẩm này còn được coi như những thần học gia đúng nghĩa[12].

          Thần học thần bí, sau đó chuyển biến cả về nội dung lẫn tên gọi, thành thần học tu đức hay thần học thiêng liêng.

Thần học luân lý

          Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, đã có nhiều thủ bản thực tiễn dành cho các cha giải tội. Nhưng từ cuối thế kỷ thứ XVI, luân lý trở thành một lãnh vực riêng thoát khỏi ảnh hưởng trực tiếp và cố hữu của tín lý [13].

Thần học kinh viện và thần học tích cực

          Grégoire de Valence trong Commentarii theologici xuất bản năm 1591 đã nói về việc chia thần học ra làm thần học kinh viện (suy lý) và thần học tích cực. Thánh Inhã Loyola cũng nói thần học gồm kinh viện và tích cực (LT. 363).

          Thần học tích cực đã ra đời từ khi thần học kinh viện có khuynh hướng bỏ những vấn đề liên quan đến nhiệm cục lịch sử cứu độ[14]. E. Schillebeeckx cũng cho rằng phong trào trở về nguồn của nhân bản thuyết, đã làm phát sinh sự phân biệt giữa thần học kinh viện và thần học tích cực[15].

          Theo Y. Congar, “thần học tích cực” có hai nghĩa trong lịch sử : một theo quan niệm văn chương và một theo quan niệm phương pháp. Nghĩa đầu tiên cũng là nghĩa thánh Inhã Loyola dùng, và nghĩa này rất phổ biến, tiêu biểu cho một cách thức làm thần học; còn nghĩa thứ hai được dùng trong chiều hướng của Cano, nó chỉ là một phần của thần học hay một chức năng mà nhờ đó thần học thiết lập những nguyên tắc, những nền tảng, những dữ kiện để suy tư[16].

          Do những chỉ trích phê bình của các nhà cải cách Tin lành cũng như của những lạc giáo, một trong những nỗ lực của thần học tích cực là cho thấy sự hòa hợp giữa giáo huấn của Giáo Hội hiện tại với các chứng từ kinh thánh và các giáo phụ[17].

Thần học hộ giáo (théologie apologétique)

          Do ảnh hưởng của ly giáo và của phong trào duy lý, thần học hộ giáo phát sinh nhằm biện minh: Huấn Quyền được Thiên Chúa trao sứ mạng loan báo mặc khải siêu nhiên cho con người (demonstratio catholica et christiana).

          Trước giữa thế kỷ XVII hộ giáo vẫn nằm chung với tín lý trong giáo trình kinh viện bàn về đức tin: sự khả tín và sự chắc chắn chủ quan của đức tin. Từ giữa thế kỷ XVII trở đi, hộ giáo trở thành một giáo trình riêng và thường có tính bút chiến[18].

          Ngày nay từ ngữ “thần học căn bản” thay thế thần học hộ giáo[19].

Thần học tín lý

          Từ ngữ “tín lý” (dogmaticus) đã có trong thần học và được dùng để đối lập với “luân lý”, nó chỉ cái gì lý thuyết, bao gồm thái độ và những khẳng định ý thức hệ chắc chắn[20].

          Vào khoảng những năm 1680, thần học công giáo không còn dùng từ ngữ “tín lý” để đối nghịch với “luân lý” nữa, nhưng để đối nghịch với “kinh viện”. Thần học tín lý ở đây nhằm thiết lập cái gì thuộc về đức tin được mặc khải, và không bận tâm đến những vấn đề kinh viện.

          Thần học tín lý hiện tại trình bày giáo lý công giáo không như một hệ thống, nhưng như một giải thích dữ kiện đức tin trong tương quan rất gần với nguồn và với cách diễn tả của các nguồn này[21].

Thần học mục vụ, truyền giáo, hiệp nhất

          Vào thế kỷ XX này, do nhu cầu và hoàn cảnh mục vụ, truyền giáo và hiệp nhất, đã xuất hiện nhưng giáo trình riêng biệt về mục vụ, hiệp nhất và truyền giáo[22].

Thần học giải phóng

          Khởi phát giữa các cộng đoàn kitô hữu tham dự vào phong trào giải phóng ở Châu Mỹ La Tinh, thần học giải phóng không chỉ suy tư và giải thích dưới ánh sáng Lời Chúa tiến trình và công cuộc giải phóng trong hoàn cảnh và những điều kiện lịch sử và chính trị cụ thể hôm nay, mà còn giải thích lại sự phong phú của đức tin[23], khởi đi từ việc thực hiện công cuộc giải phóng này.

Các giáo trình

          Ở trên đã lược qua tiến trình chuyên biệt hóa trong thần học, bây giờ sẽ liệt kê các giáo trình thần học được giảng dạy trong các phân khoa thần học. Cụ thể, xin lấy chương trình của Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X- Đà lạt vào những niên khóa 73-74, 74-75 làm thí dụ.

Thần học căn bản:

Vấn đề Thiên chúa và tôn giáo.

Mặc khải.

Đức Tin như lời đáp.

Nguồn gốc Giáo Hội và cơ cấu Giáo Hội.

Các nôi thần học (de locis theologicis).

Dẫn nhập thần học: vấn đề thần học.

Thần học tín lý:

Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất, ba ngôi.

Nguồn gốc thế giới và con người. Trật tự siêu nhiên. Tội.

Kitô học (Nhập thể, Cứu chuộc).

Thánh Mẫu học.

Ân sủng và các nhân đức.

Mầu nhiệm Giáo hội.

Bí tích đại cương. Các bí tích khai tâm. Các bí tích khác.

Cánh chung học.

Kinh thánh:

Dẫn nhập tổng quát vào Cựu và Tân Ước.

Tin Mừng nhất lãm và Công vụ sứ đồ.

Các thư Phaolô và các thư công giáo.

Tin Mừng thứ tư và các thư Yoan.

Dẫn nhập đặc biệt vào Cựu Ước (sách lịch sử, tiên tri, khôn ngoan).

Chú giải những đoạn chọn lọc trong Cựu Ước.

Những chủ đề giáo lý chính của Cựu và Tân Ước.

Thần học luân lý:

Luân lý căn bản (Mục đích con người; Trách nhiệm; Luật; Lương tâm; Tội).

Luân lý chuyên biệt:

Các giới răn Thiên Chúa (I-IV, V, VIII) và giới răn Giáo Hội.

Công bình (giới răn 7 và 10).

Luân lý các bí tích (trừ Hôn phối).

Giới tính (giới răn 6 và 9) và Hôn phối.

Các nhân đức đối thần: tin , cậy, mến.

Thần học mục vụ:

Hùng biện.

Thánh nhạc.

Những nguyên tắc thần học của mục vụ.

Mục vụ phụng vụ.

Tông Đồ giáo dân.

Săn sóc các linh hồn.

Huấn giáo.

Các phương tiện truyền thông.

Thần học đời sống thiêng liêng.

Phụng vụ thánh:

Những nguyên tắc thần học. Năm phụng vụ.

Phụng Vụ Thánh Thể.

Các giờ kinh phụng vụ.

Các môn học khác:

Lịch sử Giáo hội.

Lịch sử truyền giáo.

Giáo luật.

Giáo phụ.

Tiếng Hy lạp kinh thánh.

Tiếng Do thái.

Khảo cổ Kitô giáo.

Phật giáo. Ấn độ giáo.

Các tôn giáo Trung Hoa. Các tôn giáo Việt Nam

          Ở trên là chương trình nhằm đào tạo linh mục mà tất cả các chủng sinh ứng viên linh mục đều phải học. Nếu chủng sinh muốn lấy văn bằng cử nhân thần học, thì sẽ phải học một số môn khác, chẳng hạn:

Các cuộc hiện ra của Chúa phục sinh: vấn đề chú giải. Phép rửa trong các thư Phao lô (nghiên cứu thần học Kinh Thánh).

Đức tin trong văn chương Yoan (nghiên cứu thần học Kinh Thánh).

Luân lý của Tân Ước.

Thư Roma.

Tập đoàn tính của giám mục và quyền ưu tiên của giáo hoàng (nguồn gốc vấn đề, triển khai hiện đại, các hệ quả thần học và mục vu)ï.

Các lý thuyết hiện đại về tội nguyên tổ (trình bày và tổng hợp).

Thần học “cái chết của TC” (nghiên cứu trực tiếp các tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng này).

Thần học về hoạt động truyền giáo.

Thần học các tôn giáo ngoài Kitô giáo[24].

 


 

THƯ MỤC

Y. M. J. CONGAR, art. “Théologie”, trong DTC. XV, PARIS 1946, col. 341-502

Y. M. J. CONGAR, La foi et la Théologie, DESCLÉE 1962

Y. M. J. CONGAR, Situation et Taches présentes de la théologie, CERF- PARIS 1967

CL. GEFFRÉ, art. “L’histoire récente de la théologie fondamentale, essai d’interprétation”,

trong CONCILIUM 46 (1969), pp. 11-28

G. GUTIERRE-MERINO, art. “Mouvements de libération et Théologie”, trong CONCILIUM 93 (1974), pp. 121-130

Bản Đánh Máy của GHHV. Piô X, “Plan d’études de la faculté de théologie”

và “Matières de la faculté de théologie”.

R. LATOURELLE, Theologia Scientia sacra, GREGORIANA 1965

R. LATOURELLE, Théologie Science du Salut, PARIS 1968

AL. PIERIS, Một hướng thần học giải phóng á châu, ORBIS BOOKS 1988, bản dịch bởi UBĐKCGVN, tp. HCM 1989

K. RAHNER, art. “A prppos de la réforme des études ecclésiastique”,trong Est-il possible aujourd’hui de croire, MAME- FRANCE 1966

J. C. SCANNONE, art. “La théologie de la libération: évangélique ou idéologique?,

trong CONCILIUM 93 (1974), pp. 131-138

ED. SCHILLEBEECKX, Approches thélogiques 1: Révélation et Théologie,

CERF- BRUXELLES 1965

G. SOHNGEN, art. “La Sagesse de la théologie par la voie de la Science”, trong MYSTERIUM SALUTIS t.1, vol. IV, pp. 159-250

J. R. DE DIEGO, Theologia Scientia Sacra: introductio in theologiam, ĐALAT 1969

(cours rénéotypé du col. Pont. Pie X)

 

 

 

LNC 141252

ĐL.240238

 


HOME
    LỜI CHÚA    ĐỨC TIN    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG     IN ENGLISH    VỀ TÁC GI

Dẫn Nhập Thần Học   Mặc Khải   S Sống Nếu Bạn Tin   Thiên Chúa Ba Ngôi   Tôn Giáo Ngoài Kitô   Ân Sủng  Biểu Tượng

DẪN NHẬP THẦN HỌC        DNTH1       DNTH2       DNTH3       DNTH4       DNTH5

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]

 



23 St. THOMAS, S.T., Ia, q. 1, a. 6

cf. R. LATOURELLE, op. cit., pp. 37.23

[1] Ibidem

[2] R. LATOURELLE, op.cit., p.30

[3] R. LATOURELLE, op. cit., pp. 30-32.

Không được lẫn lộn vấn đề đối tượng thần học và vấn đề hệ thống thần học. Nếu một khi đã chấp nhận đối tượng thần học là Thiên Chúa như là Thiên chúa , người ta có thể  tùy ý chọn hệ thống thần học nào đó; chẳng hạn hệ thống quy Kitô, hay quy thần, hay hệ thống thần học quy giáo hội, hay quy nhân (anthropocentrique).

Một điều nữa nên lưu ý về khuynh hướng tách rời và đối nghịch giữa thần học và nhiệm cục cứu độ.

Theo E. Schillebeeckx, sđđ, trg. 81: “Ở thế kỷ IV, các thần học gia Byzantin thường đối nghịch giữa “thần học” (theologia) và “nhiệm cục” (oikonomia). Thần học khi đó dùng để chỉ “giáo lý về Chúa Ba Ngôi”, nghĩa là những gì liên hệ đến thần tính, đối nghịch với nhiệm cục cứu độ”.

[4] R. LATOURELLE, op. cit., p. 23

[5] Ibidem, p. 26-27

[6] Ibid., p. 25

[7] Alexandre de Hales gọi thần học là khoa học tâm tình (science affective); Albert le Grand gọi thần học là “tri thức hướng tới lòng sùng mộ”. Thế nhưng một số đông các sinh viên và các thần học gia cảm thấy sự bất cân xứng giữa đời sống thiêng liêng và đời sống tri thức. Dường như thần học làm họ xa cách Thiên Chúa, làm họ khô khan, chứ không nuôi dưỡng họ (cf. R. LATOURELLE, op. cit., p. 233).

[8] R. LATOURELLE, op. cit., p. 63-65

               Khi bàn về đời sống thiêng liêng của các thần học gia, R. Latourelle trong sách đã dẫn, trang 233-234 viết:

Thần học tự bản chất, không là đời sống thiêng liêng; nhưng tri thức về Thiên Chúa và đời sống trong Thiên Chúa không thể là không hòa hợp được, chẳng hạn ta thấy nơi các thánh Thomas, Bonaventura, Canisius, Roberto Bellarmino, v.v... Sự bất hòa hợp, chia cắt là do hậu qủa của tộí!

[9] Khao khát được hiểu biết những điều mình tin rất mãnh liệt nơi thánh Augustinus và thánh Anselmus.

Thánh Augustinus viết:

“Desideravi intellectu videre quod credidi, et multum disputavi et laboravi”(De Trinitate XV, 28, 51 PL. 42, 1098).

“Id quod credimus, nosse et intelligere cupimus”

(De libero arbitrio II, 2, 5 PL. 32, 1243;

De Trinitate IV. 1 PL. 42, 961; XV, 27, 40 PL. 42, 1096).

               Còn thánh Anselmus:

“Non tento, Domine, penetrare altitudinem tuam; Quia nullatenus comparo illi intellectum meum, sed desidero aliquatenus intelligere veritatem tuam, quam credit et amat cor meum. Neque enim quaero intelligere ut credam; sed credo ut  intelligam. Nam et hoc credo quia nisi credidero, non intelligam”(Proslogion I PL. 158, 227).

Cf. R. LATOURELLE, op. cit., p. 214. 20

[10] R. LATOURELLE, op. cit., p. 214

[11] R. LATOURELLE, op. cit., p. 201

[12] Y. CONGAR, art. cit., col. 423-424

E. SCHILLEBEECKX, op. cit., p. 8

Điều đáng để ý là trong Tabulae fontium traditionis christianae từ thế kỷ XV, các cha Creusen và Van Eyen đã mở một cột đặc biệt về thần học tu đức và thần bí (theologia ascetica et mystica).

[13] Y. CONGAR, art. cit., col. 424-426

Y. CONGAR, op. cit., p. 181

E. SCHILLEBEECKX, op. cit., p. 83

“tín lý” ở đây vẫn được hiểu như nằm trong thần học kinh viện.

[14] Y. CONGAR, art. “Théologie”, trong  DTC, PARIS 1946, col. 427-430

Y. congar, op. cit., p. 83.

[15] E. SCHILLEBEECKX, op. cit., p. 83

[16] Y. CONGAR, art. “Theologie”,

[17] Y. CONGAR, art. cit., col. 430

[18] Y. CONGAR, art. cit., col. 430-431

Y. CONGAR, op. cit., p. 182

E. SCHILLEBEECKX, op. cit., p. 83

[19]  Cf. CLAUDE GEFFRÉ, art. “L’histoire récente de la théologie fondamentale, essai d‘interprétation”,

trong CONCILIUM n. 46 (1969), p. 11-28.

[20] Y. CONGAR, art. cit., col. 432

cf. O. RITSCHL, Das Wort dogmaticus in die Geschichte des Sprachgebrauchs bis um Aufkommen des Ausdruckes theologia dogmatica,

trong Festgabe J. Kaftan, TUBINGUE 1920, pp. 260-272.

[21] Y. CONGAR, art. cit., col. 432-434

E. SCHILLEBEECKX, op. cit., p. 83.

[22] R. LATOURELLE, op. cit., p. 155-175 .

[23] J. C. SCANNONE, art. “La théologie de la libération; évangélique ou idéologique?”,

trong CONCILIUM 93 (1974), p. 132

G. GUTIERRE-MERINO, art. ”Mouvements de...”,

CONCILIUM  93 (1974), p. 125. 129.

[24] Dựa theo bản đánh máy của giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X- Đàlạt “Plan d’études de la faculté de théologie”

và “Matières d’étude de la faculté de théologie”.

Cf. R. LATOURELLE, op. cit., p. 65