Ông Hồ là cộng sản hay cộng hoà?
ĐCSVN theo chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa cộng quyền cộng lợi?

Phong Uyên
 

"... Từ Đổi Mới, nghĩa là đã hơn 20 năm, Đảng không toàn trị về kinh tế nữa nhưng vẫn lũng đoạn kinh tế qua các tập đoàn, các kinh tài và tệ hại hơn hết là qua tham nhũng. ĐCSVN trở thành Đảng cộng quyền cộng lợi..."

Bài thuyết trình của một giáo sư Nhật tại Hội Nghị Việt Nam học hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội có ý muốn chứng minh ông Hồ Chí Minh không phải là cộng sản, đã gây ra nhiều phản ứng, nhiều nhận định trái ngược nhau :

Nhận định của những người đã luống tuổi, có kinh nghiệm đau thương với chế độ cộng sản nhất là những người đã phải bỏ nước ra đi, rất rõ ràng và giản dị: Ông Hồ là người cộng sản chính cống. Cho ông Hồ không phải là cộng sản chỉ nằm trong chủ đích hiện giờ của ĐCSVN muốn che giấu cái chân tướng cộng sản của ông Hồ, vì nhãn hiệu cộng sản đã trở thành quá xấu xa ở mọi nơi trên thế giới nên cần phải khoác cho ông Hồ một bộ áo khác để tiếp tục lừa gạt thế giới.

Nhưng nhiều người lại có cái suy luận khác là từ hơn 60 năm nay hình ảnh ông Hồ là người cộng sản thuần tuý, chân chính, tượng trưng cho lí tưởng cộng sản, đã được Ban Tư duy ĐCSVN đóng khung trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt trong nước. Bật mí cho bài tham luận được công bố có thể là một hành động hơi táo bạo của một phái nào trong Đảng muốn qua mặt Ban Tư duy, tạo cho ông Hồ một hình ảnh mới để dựa vào đó đòi hỏi có một sự thay đổi. Từ trước tới nay Ban Tư duy của Đảng vẫn lí luận: "Đảng phải tiếp tục giữ quyền lãnh đạo để thực hiện lí tưởng cộng sản của Bác Hồ. Nếu trong Đảng có một vài phần tử thoái hoá tham ô là vì đã không noi gương cộng sản của Bác". Được lập đi lập lại lí luận này đã đi vào tiềm thức của nhiều người. Tôi đã có nhiều dịp nghe các em sinh sau 75, nhất là ở miền Bắc, chửi Đảng, cho Đảng là Mafia, phanh phui ra tất cả cái tham nhũng, lộng quyền của các cường hào ác bá trong Đảng. Nhưng các em vẫn cho là sở dĩ như vậy là vì các tay quyền thế trong Đảng đã phản bội lí tưởng cộng sản của ông Hồ để sống như tư bản và các em kết luận một cách ngây thơ: "Nếu "Bác" còn sống thì đã vặn họng chúng nó...". Chỉ cần đọc Đỉnh cao chói lọi của nhà văn Dương Thu Hương là đủ biết những thế hệ sinh sau 8-45 vẫn có ý nghĩ tốt về lí tưởng của ông Hồ.

Vậy ai, hay nói cho đúng hơn, phái nào trong Đảng đã bật đèn xanh cho phép vị giáo sư Nhật này công bố bản tham luận của mình, và với chủ ý gì ?

1. Để có thể trả lời câu hỏi này tôi xin nói qua về cái gọi là chủ nghĩa cộng sản và con người gọi là "cộng sản" của ông Hồ:

Trước hết tôi xin nhắc lại là chủ nghĩa Cộng sản không phải là của Marx và Engels: Chính Marx đã tự khẳng định ông không phải là người cộng sản. Ngay cuốn Tư Bản Luận Marx cũng chỉ kịp hiệu đính và in tập đầu trước khi chết, còn những tập sau là Engels hiệu đính và sửa đổi rất nhiều. Ai cũng biết Engels người thừa kế Marx đã sáng lập ra Đệ Nhị Quốc Tế tập hợp các đảng Dân Chủ Xã Hội và chế độ Dân Chủ Xã Hội là nòng cốt của đa số các nước dân chủ trên thế giới cho tới bây giờ. Ở Á châu người đầu tiên phỏng theo ý tưởng Dân Chủ Xã Hội của Engels là Tôn Dật Tiên khi thành lập Trung Hoa Quốc Dân Đảng và người thứ hai là Nguyễn Thái Học khi thành lập Viêt Nam Quốc Dân Đảng. Có thể nói thừa kế tư tưởng Marx và Engels là các chế độ Dân Chủ Xã Hội chứ không phải là cái gọi là chủ nghĩa cộng sản.

Lénine cũng không phải là người khởi xướng ra chủ nghĩa cộng sản tuy đã tự tách ra khỏi Đệ Nhị Quốc Tế Dân Chủ Xã Hội của Engels để thành lập Đệ Tam Quốc Tế qui tụ các đảng Cộng sản thoát ly ra khỏi Dân Chủ Xã Hội. Chính sách kinh tế NEP của Lénine không có chi là cộng sản cả, tuy danh hiệu Cộng sản được phổ biến bắt đầu từ Lénine.

Từ khi Liên Xô sụp đổ những tài liệu lịch sử đã cho phép khẳng định là không có chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có chính sách toàn trị mà Staline đã khởi xướng với một biến thái của nó là chính sách Maoít của Mao. Chính sách toàn trị này mang cái tên chung từ 1925 khi Staline cướp quyền, là Chủ nghĩa Mác-Lênin tuy không dính dấp gì tới Marx và Lénine cả. Nói tóm lại cho đến khi Đổi Mới ĐCSVN vẫn tiếp tục áp dụng chính sách toàn trị của Staline và Mao tuy tránh nhắc tới tên tuổi của 2 hung thần này, và chủ nghĩa cộng sản chỉ là chủ nghĩa Mác-Lênin của Staline và Mao.

Ông Hồ là người rất khôn ngoan và thừa đủ thông minh để không dại gì mà tự trói mình trong cái chủ nghĩa Mác-Lênin của Staline và cũng vì vậy mà tránh được những mưu toan thanh trừng của Staline khi đưa Trần Phú thay mình. Ông cũng đã khôn khéo lẩn tránh qua Thái Lan để trì hoãn tối đa thời gian phải kết hợp mấy đảng cộng sản thành Đông dương cộng sản đảng theo lệnh của Staline. Có nhiều nghi vấn là ông Hồ đã gián tiếp mượn tay thực dân Pháp loại bỏ những kình địch của mình là Trần Phú và Lê Hồng Phong. Ông Hồ cũng không "cộng sản" gì hơn Tưởng Giới Thạch đã gửi con là Tưởng Kinh Quốc qua Nga học và khi làm hiệu trưởng trường võ bị Hoàng Phố, các giáo sư đều là cộng sản Nga và chính uỷ là Chu Ân Lai. Trái lại ông Hồ đã biết lợi dụng thời cơ, biết lấy lòng các tướng lãnh Quốc Dân Đảng Tàu để làm chính uỷ huấn luyện du kích chiến cho quân đội Tưởng Giới Thạch. Và còn giỏi hơn nữa là đã chui vào Ban lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, một thứ "Việt Nam Quốc Dân Đảng" mới do Trương Phát Khuê, Thống chế Quốc Dân Đảng Tàu đặt ra, đưa ông già Nguyễn Hải Thần lẩm cẩm đứng đầu và Hồ Chí Minh làm phụ tá với chủ đích là khi Đồng Minh thắng trận đảng này sẽ nắm quyền ở Việt Nam duy trì ảnh hưởng Tàu.

Người duy nhất mà ông Hồ ngưỡng mộ và theo đuôi là Lénine. Ông Hồ bắt chước Lénine từ phương cách cướp quyền, giữ quyền đến phong thái làm cách mạng mà vẫn tận hưởng được mọi vui thú ở đời kể cả tình ái. Có thể nói cuộc đời làm cách mạng của ông Hồ không khác gì cuộc đời "cách mạng salon" của Lénine, luôn luôn sống sung sướng ở nước ngoài, không một ngày bị tù đầy trong nước.

Thời toàn thịnh của ông Hồ kéo dài được 4 năm từ ngày 19-8-45 cướp chính quyền đến năm 1949 khi cộng sản Tàu toàn thắng đem quân tới biên giới. Ông đã tính sai vì quá tham quyền nên đã không biết cùng các đảng phái quốc gia khác điều đình với Pháp sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-46 để bị hoàn toàn phụ thuộc vào Tàu từ năm 1949 và Việt Nam bị bắt buộc phải thi hành chính sách Mao, cải cách ruộng đất, triệt tiêu tư sản, triệt tiêu văn hoá. Từ những năm đó cho tới khi chết, dưới sự khống chế của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, ông mất hết mọi chủ động mặc dầu tên ông luôn luôn được đem ra để xoa dịu, để bào chữa cho những cái sai lầm của Đảng. Nói tóm lại ông Hồ chả cộng sản, chả quốc gia, cũng chả cộng hoà mà chỉ là người thực tiễn biết nắm cơ hội, biết tạo thời cơ để đi đến mục đích tối hậu là nắm và giữ được quyền hành.

2. Từ những nhận xét trên về ông Hồ tôi có ý nghĩ là có thể có một phái nào trong Đảng muốn gán cho ông Hồ danh hiệu cộng hoà để dựa vào đấy làm thay đổi cơ chế Đảng:

Như tôi đã nói trên, không có chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có chính sách Mác-Lênin của Staline. Chính sách này được thi hành ở Việt Nam cho tới Đổi Mới. Từ Đổi Mới, nghĩa là đã hơn 20 năm, Đảng không toàn trị về kinh tế nữa nhưng vẫn lũng đoạn kinh tế qua các tập đoàn, các kinh tài và tệ hại hơn hết là qua tham nhũng. ĐCSVN trở thành Đảng cộng quyền cộng lợi. Một thiểu số có ý thức trong Đảng biết không thể nào triệt tiêu được tham nhũng khi trong Đảng vẫn có 2 bộ máy chồng chéo lên nhau là bộ máy lãnh đạobộ máy quản lí. Vì không có một nền kinh tế lành mạnh nào có thể nuôi nổi 2 bộ máy nên bộ máy lãnh đạo trở thành ký sinh chỉ có thể sống bằng tham nhũng. Có một phái nào trong Đảng cũng nghĩ như vậy nên cách đây mấy năm đã đưa ra vấn đề là phải tháo gỡ bộ máy lãnh đạo. Nhưng làm sao tháo gỡ được bộ máy này, nồi cơm bát vàng của phái Bảo thủ, nếu không bỏ được điều 4 Hiến pháp đã trao độc quyền lãnh đạo cho Đảng? Cũng vì thế mà một phái nào trong Đảng đã bật đèn xanh cho ông giáo sư Nhật trích dẫn trong tiểu sử đầy mâu thuẫn của ông Hồ những sự kiện, những câu nói chứng minh ông Hồ là người Cộng Hoà. Nghĩa là chấp nhận đa đảng với cái nghĩa là vẫn độc đảng cầm quyền nhưng có những đảng "anh em" như đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ thời ông Hồ để ít nhất cũng có những cặp mắt khác ngoài Đảng dám soi bói.

Không thể nói đó không phải là ý định tốt của một phái nào trong Đảng. Nhưng cũng như từ trước tới nay cái ý định đó khó mà đưa đến một kết quả nào vì nó sẽ bị cái gọi là "đồng thuận" bóp chết. Chứng cớ là ông trùm tư tuởng bảo thủ Nguyễn Đức Bình đã lên tiếng. Ông Tô Huy Rứa mới chui vào Bộ Chính Trị, với hậu thuẫn của mấy người "miền Nam" như Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, sẽ vặn mũi những ai dám cho Bác không phải là người cộng sản thuần tuý.

Phong Uyên

ThongLuan. Ngày: 21/01/2009
www.thongluan.org


Đọc thêm:

Tiến Hồng, Nghĩ từ một cuộc hội luận về Hồ Chí Minh, 2009.
Chu chi Nam, Hồ Chí Minh Phải Chăng Không Phải Là Người Cộng Sản?, 2009.
Lê Quỳnh, Kiến giải của một người Nhật về ông Hồ , 2008.
Bùi Tín, Những luận điệu hoang tưởng, bịa đặt, 2009.
 

www.geocities.ws/xoathantuong