TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


Lời giới thiệu của Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện về cuốn sách 
"Ải Nam Quan đã thành Mục Nam Quan"

Cái tên Trần viết Ðại Hưng không xa lạ gì đối với những người quan tâm tới cuộc đấu tranh chống độc tài Cộng sản nhằm mang lại tự do, dân chủ, nhân quyền, nhân phẩm cho 80 triệu dân Việt. Những bài bình luận về thời cuộc của ông đã được đăng tải trên báo chí khắp nơi trên thế giới. Là một trong những người viết hiếm hoi có đầu óc lý luận sâu sắc, khoa học, công bằng,vô tư, sát với thực tế lịch sử, nên những nhận định, đánh giá của ông mang tính thuyết phục rất cao, hiệu quả rất lớn. Khác với nhiều người, ông viết với cả tấm lòng ưu thời mẫn thế, với thiện tâm trong sáng, với khát vọng bỏng cháy được góp phần nhỏ bé của ông trong công cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn phức tạp của dân tộc đang quằn quại trong xích xiềng chuyên chế, đang cố công tập hợp thành một khối để vùng lên đập tan gông ách mà Cộng Ðảng đã đặt lên đầu lên cổ từ hơn nửa thế kỷ nay, ngõ hầu một ngày không xa có thể ngửng mặt nhìn ra năm châu bốn bể mà không hổ thẹn.

Trần viết Ðại Hưng ý thức sâu sắc rằng đất nước Tiên Rồng thân yêu đã hóa thành chuồng trâu, cũi chó dưới sự thống trị tàn bạo, ngu xuẩn, quái dị của lũ quỷ đỏ. Bao đầu óc lỗi lạc đã bị huyễn hoặc bởi những ảo ảnh lọc lừa, để rồi tàn đời đắm chìm trong vũng lầy Xã Hội Chủ Nghĩa tanh tưởi, ô nhục ! Bao tuổi xanh trong sáng đã trở thành đen tối, hắc ám, bao nhiệt huyết cao quý đã biến thành những khối hận thù lạnh lùng đến ghê rợn.

Thấm thía trước thực tế phũ phàng đó, Trần viết Ðại Hưng dồn hết cân não vào ngòi bút để khai thông những trái tim, những khối óc hư hỏng, độc tố tuyên truyền ô nhiễm quá nặng nề, mong thanh lọc, giải độc, đưa chúng trở về với những nhịp đập, những suy nghĩ bình thường. Nghĩa là khôi phục "tính người" cho những trái tim, khối óc ngộ độc đó ! Dù sao họ cũng là người, là đồng bào của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà Trần viết Ðại Hưng phải viết cả một bài về "Tiểu Nhân và Quân Tử". Tôi từng sống trong buồng tim chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa non nửa thế kỷ, tôi hiểu. Ðối với người Cộng sản, họ sợ những từ "quân tử", "trượng phu", "nghĩa sĩ ", "anh tài". Họ sợ những tình cảm, những tư tưởng cao đẹp, mà những từ đó hàm chứa ! Một xã hội mà có nhiều mẫu người lý tưởng đó, xã hội đó sẽ thăng tiến, hòa hợp, thịnh vượng, không có chỗ ngồi cao vót, những cương vị lãnh đạo cho lũ quỷ dữ như họ. Trong một bài hát nhi đồng, đầu tiên có câu khuyến khích các em, "Trở nên sau này anh tài hiên ngang", họ lập tức bỏ đi, đổi thành "trở nên sau này lao động vinh quang", nghĩa là trở thành trâu ngựa nô lệ cho Ðảng ! Tình yêu tha thiết của nam nữ họ cũng sợ! Quái gỡ đến thế là cùng. Có lần Hồ chí Minh nghe văn công hát, "Rằng có nhớ, nhớ không em?" Y đứng dậy bắt phải hát thành "Rằng cố gắng, gắng thi đua!"

Oâi, những Trượng Phu, Anh Hùng, Nghĩa sĩ xả thân vì nghĩa lớn ngay cả khi được xã hội bồi đắp, phong tục vun trồng, văn chương nghệ thuật, đạo lý xiển dương, người người kính trọng, cũng hiếm hoi như lá mùa thu, như sao buổi sớm ! Ức Trai đã từng phải than vậy ! Nhưng con số ít ỏi đó cũng chính là đầu tầu, vận chuyển bánh xe lịch sử tiến hóa! Ðó đích thực là những viên kim cương của nhân loại. Tuy nhiên, cuộc sống cho thấy kim cương cũng có thể bị hư hoại, vụn vỡ trước sự tàn phá của thời gian, của hoàn cảnh quá ác nghiệt ! Chính vì lịch sử đã minh chứng những trường hợp đau xót đó nên Trần viết Ðại Hưng mới phải viết bài "Cái quan định luận" , nghĩa là đối với một nhân vật dù lừng lẫy cũng phải đợi lúc đậy nắp quan tài mới có thể khẳng định được toàn bộ chân giá trị. Ai đó đã nói một câu chí lý, "Thiên tài, Anh hùng nhiều khi chỉ phát xuất ở từng giai đoạn nhất định". Thôi thì chúng ta hãy quý trọng cái giai đoạn rực sáng đó. Chẳng nên khe khắt đòi hỏi cái tuyệt hảo trường cửu.

Những luận điệu giả nhân giả nghĩa của những tay " con buôn từ thiện" của bọn tư bản coi lợi nhuận là Thượng Ðế cũng được Trần viết Ðại Hưng bác bỏ thẳng thừng bằng cách viện dẫn Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, những người cả đời đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, tự do, no ấm của hai dân tộc Nam Phi, Miến Ðiện, nhưng đã cương quyết kêu gọi thế giới không viện trợ cho đất nước họ khi Ðộc Tài và Bất Công còn nắm chặt quyền lực. Họ cũng hiểu như Hà sĩ Phu là khi chưa có kho lẫm (nghĩa là chưa có dân chủ, tự do) mà ai đem thóc gạo ban phát cũng chỉ làm béo mập lũ chuột mà thôi !

Trần viết Ðại Hưng cũng phẫn nộ trước sự mê muội ngoan cố không thể hiểu nổi của giới trí thức khoa bảng thiên tả ở Aâu Mỹ. Ðại học U-MASS Boston đã được ông mổ xẻ đến nơi đến chốn, lột trần cốt lõi của họ bằng những luận chứng hết đường chối cãi ! "Hiện tượng và bản chất" là một đề tài luôn bị "lập lờ đánh lận con đen", cũng được trình bày rành rọt phân minh, hết bề lợi dụng để bênh vực bào chữa cho Ðảng,cho chế độ.

Bài "Giọt nước tràn ly" của Trần viết Ðại Hưng bàn tới rất nhiều vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của người Việt. Ngòi bút của ông nặng chĩu ưu tư, muốn giải đáp những câu hỏi hóc búa đen xì đương đè lên thế kỷ, lên lương tri dân tộc. Ông luận về tư cách của người lãnh đạo, ảnh hưởng của họ tới lẽ Hưng Phế của tổ quốc. Cái này giúp người dân mai sau khi có tự do, biết sử dụng lá phiếu của mình một cách chính xác. Ông luận về thái độ dửng dưng trước nỗi đau đồng loại, mảnh đất mầu mỡ cho Tội Aùc nở rộ!

Trần viết Ðại Hưng đau đớn, phẫn nộ trước cảnh đất nước bị cắt nhượng độc đoán vô lý cho Bắc Triều, trước cảnh những chiến sĩ dân chủ,những bậc chân tu dũng cảm bị quản thúc, tù đày, trước cảnh dân chúng bị chà đạp tàn nhẫn mà chưa thể đồng loạt vùng lên. Nỗi đau, nỗi giận của ông toát ra từng lời, từng câu truyền sang người đọc.

Nhưng cũng như ông, tôi vững tin Bể tủi, Bể nhục của dân tộc Việt đã đầy. Sẽ đến lúc, chỉ cần một giọt nước cũng đủ làm cả đại dương tủi nhục dậy sóng, đập tan, nhận chìm con tàu Ðộc Tài, Cộng Sản xuống đáy !

Ngày 1 tháng 2 năm 2003
NGUYỄN CHÍ THIỆN

 
Hosted by www.Geocities.ws

1