HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

LỄ THÁNH YNHÃ 31.07.99

 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

          Cùng với tất cả anh em Dòng Tên, chúng tôi rất vui được đón tiếp quý ông bà và anh chị em tới dự lễ thánh Ynhã, Đấng sáng lập Dòng Chúa Yêsu. Không nhiều thì ít, cách này hay cách khác, thánh Ynhã cũng ảnh hưởng trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

          Trong thánh lễ đặc biệt này, tôi xin được được chia sẻ với ông bà và anh chị em một vài cảm nghiệm về thánh Ynhã.

1. Viên đạn trong chương trình của Thiên Chúa

          Trước khi trở lại, Ynhã là một người đầy đam mê và tham vọng (TT.1). Ynhã đã từng là hiệp sĩ trong triều đình, và là sĩ quan khi bảo vệ thành Pamplona. Trong trận chiến tại Pamplona, một viên đạn đã làm gẫy một chân Ynhã và làm chân kia bị thương nặng (TT.1).

          Trong thời gian dưỡng thương tại Loyola, Ynhã thấy nhữnng khác biệt nơi mình: tại sao khi đọc tiểu thuyết đời và mơ tưởng theo kiểu ngoài đời thì thích thú nhưng sau đó lại cảm thấy trống vắng và chán nản, còn khi đọc sách đạo đức và ao ước sống như  các thánh thì sau khi đọc vẫn cảm thấy vui và sảng khoái? Ynhã nhận ra, sở dĩ như vậy vì một cái đến từ Thiên Chúa và cái kia đến từ qủy (TT.5-9).

          Ynhã đã được ơn trở lại trong thời gian dưỡng thương! Biến cố thất bại và xui xẻo trong trận chiến tại Pamplona lại trở thành biến cố ân sủng. Nhìn trong quan điểm “tự nhiên” viên đạn tai quái này đã hủy hoại cuộc đời, huỷ hoại đường công danh sự nghiệp của Ynhã;

nhưng trong nhãn quan siêu nhiên, đây là viên đạn thực hiện chương trình của Thiên Chúa.

Như Phaolô trên đường Damas, biến cố té ngựa đã làm Phaolô nhận biết sự thật và nhờ đó Phaolô sau này đã nói: “kể từ khi biết Đức Yêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Kitô Chúa tôi, vì Ngài tôi đành mất tất cả” (Pl.3, 7). Cũng tương tự vậy, biến cố Pamplona là tai nạn nhưng cũng là biến cố tình yêu của Thiên Chúa cho Ynhã.

2. Manresa như một cuộc hẹn hò

          Ynhã quyết định đi hành hương Yêrusalem để bắt đầu một cuộc đời mới (TT.11). Trên đường hành hương Ynhã ghé lại Manresa, và Ynhã không ngờ rằng, chính tại nơi đây, Thiên Chúa dạy Ynhã như thày dạy học trò (TT.27). Cuộc dừng chân tại Manresa như thể tình cờ, nhưng lại là nơi Thiên Chúa chọn để gặp gỡ và dạy dỗ Ynhã.

          Tại Manresa, những kinh nghiệm tuyệt vời với Thiên Chúa đã được Ynhã cảm nghiệm, và sau thời gian Manresa, Ngài luôn tìm cách giúp người khác có kinh nghiệm với Thiên Chúa như Ngài đã được cảm nghiệm. Ynhã luôn luôn tìm cách giúp đỡ các linh hồn (TT.57.63).

i. Tội nhân được tha thứ và được mời cộng tác với Đức Yêsu

          Ở Manresa, Ynhã cảm nghiệm đặc biệt mình là tội nhân! Ynhã đã cảm nghiệm sâu xa về con người tội lỗi của mình, đồng thời cũng nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa qua việc Đức Yêsu đã chết thế cho mình; và không chỉ vậy, Ngài còn mời gọi Ynhã cộng tác vào công trình “loan tin mừng Thiên Chúa yêu thương con người” cho tất cả thế giới.

          Được Đức Yêsu chinh phục, Ynhã say mê Đức Yêsu. Với Ynhã, Đức Yêsu là tất cả.

Ynhã nhìn lên Đức Yêsu như mẫu gương tuyệt vời thực hiện sứ mạng được trao.

ii. Như Đức Yêsu thực hiện sứ mạng

          Lời Thiên Chúa đã nhập thể để thi hành sứ mạng Cha trao phó. Đức Yêsu luôn thực hiện Ý Cha “làm cho con người biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng”. Vì thế, Ynhã cũng như con cái của Ngài- dù là tu sĩ dòng Tên hay thành viên cộng đoàn đời kitô, hay những cộng tác viên của dòng Tên, hay những người theo linh đạo Ynhã qua Linh Thao- đều khao khát dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa qua việc tông đồ.

          Việc tông đồ ở đây được hiểu rất rộng:

một người về hưu chỉ có thể cầu nguyện, vẫn có thể làm tông đồ qua việc cầu nguyện;

một thầy, ngay cả khi chỉ làm việc âm thầm, cũng đang làm tông đồ một cách nào đó;

các lời khấn (nghèo, khiết tịnh, vâng lời) với tu sĩ dòng Tên, cũng mang chiều kích tông đồ.

          “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga.20, 21). Sứ mạng của Đức Yêsu, cũng là sứ mạng của chúng ta. Cách thế Đức Yêsu thực hiện sứ mạng, đó cũng phải là cách thế chúng ta thực hiện sứ mạng. Nếu Đức Yêsu đã yêu con người đến độ chấp nhận cả thập giá và thậm chí cái chết, thì chúng ta cũng phải đi con đường tình yêu như Chúa đã đi! Chúng ta không đi tìm thập giá, nhưng nếu vì yêu mà phải đau khổ xỉ nhục thì chúng ta cũng phải sẵn sàng như Đức Yêsu! Như vậy mới là nên giống Đức Yêsu, thế mới là đồng hình đồng dạng với Đức Yêsu.

          Sự nghiệp của Yêsu là gì? Ngài để lại gì, Ngài làm được gì?

          Chúng ta, chúng ta đã làm được gì? Đã để gì lại cho đời? Nếu với Đức Yêsu “chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”, nếu Đức Yêsu “sinh trong chuồng chiên cừu, chết ô nhục trần trụi trên thập giá, chôn nhờ huyệt của người ta”, thì sự nghiệp của Ngài là gì?

          Đức Yêsu đã được tất cả con người! Bằng cái chết của Ngài, tất cả con người được cứu chuộc! Nhờ cuộc nhập thể của Ngài, nhờ sự giáng sinh và cái chết thập giá của Ngài, mà con người biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào, và giúp con người đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng việc phó thác đời mình cho Thiên Chúa. Có như vậy, con người mới có thể sống hạnh phúc.

          Cũng tương tự như vậy, sự nghiệp của chúng ta, nhìn theo “quan điểm trần tục” thì không có gì, nhưng nếu nhìn trong quan điểm của Thiên Chúa, sự nghiệp của chúng ta cũng chính là sự nghiệp của Đức Yêsu, nếu chúng ta đồng lao cộng khổ với Ngài trong công cuộc chinh phục thế giới về cho Thiên Chúa Cha.

iii. Say mê Đức Yêsu

          Chính vì Đức Yêsu là tất cả với Ynhã, nên Dòng do Ynhã khởi xướng không mang tên Ynhã như dòng Đaminh hay Phanxicô, nhưng là dòng Chúa Yêsu. Với tu sĩ dòng Tên, tên của họ gắn liền với tên Đức Yêsu, sứ mạng của họ cũng là sứ mạng của Đức Yêsu, số phận của họ cũng là số phận của Đức Yêsu.

          Tương tự như vậy trong Linh Thao, những người muốn chia sẻ kinh nghiệm của thánh Ynhã, cũng xin cho mình được nên giống Đức Yêsu trong khó nghèo khổ nhục. Ước gì chúng ta yêu mến Đức Yêsu đến độ, nếu phải chọn giữa nghèo và giầu, giữa được tôn trọng và bị khinh chê, trong trường hợp cả hai đều làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì chúng ta sẽ chọn nên giống Chúa nghèo hơn là được giầu sang, được bị coi như điên dại với Đức Yêsu bị coi như điên dại hơn là được coi là khôn ngoan thông thái ở thế gian này (LT.167). Không dễ để dám chọn Chúa Yêsu như vậy, và ngay cả khi có lúc chúng ta đã chọn, thì không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được tinh thần này. Đây là điều chúng ta phải ao ước và phải xin liên lỉ.

          Trong thị kiến ở La Storta, Ynhã xin và đã được “Chúa Cha xin Đức Yêsu vác thập giá nhận Ynhã làm người phục vụ”, và Đức Yêsu vác thập giá đã nói với Ynhã: “Ta muốn con phục vụ chúng ta” (TT.96). Đức Yêsu vác thập giá, Đức Yêsu chịu xỉ nhục và khinh chê, là Đấng rất đặc biệt đối với Ynhã và con cái Ngài. Trong tuần ba của Linh Thao, thao viên “xin cho được chia sẻ nỗi buồn đau” của Chúa Yêsu Kitô, Đấng đã chịu tất cả những cực hình vì yêu tôi.

3. Đức Yêsu là tất cả

          Linh đạo của Ynhã, là Đức Yêsu! Đức Yêsu, là tất cả với Ynhã và các con cái của Ngài. Trong hầu hết các bài cầu nguyện của tuần thứ hai (và cũng là tinh thần của tuần ba và bốn), thánh Ynhã đều dạy những người linh thao xin hiểu Đức Yêsu hơn, để yêu mến và theo Ngài hơn.

          Yêu mến Đức Yêsu, nên giống Ngài trong mọi sự, quy hướng tất cả về Cha, tất cả đều được làm để Thiên Chúa được tôn vinh hơn, đó là linh đạo Ynhã.

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]