HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

NỢ TÌNH THƯƠNG

Jptl

Chúa Nhật thứ hai mươi ba thường niên năm A

Ed.33, 7-9; Rm.13, 8-10; Mt.18, 15-20

Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Ngài muốn tất cả mọi người nhận biết sự thật và sống hạnh phúc, đời sau và ngay cả ở đời này. Ngài muốn con người giúp nhau, sống hạnh phúc với nhau, dẫn đưa nhau chung hưởng sự sống vĩnh cửu.

1. Con người có trách nhiệm về anh em mình

Bài đọc trong sách tiên tri Êdêkiên cho thấy trách nhiệm của tiên tri như người canh giữ Israel. Trách nhiệm của người lính canh là loan báo, la lên cho những người có trách nhiệm và dân chúng biết những gì đang tới, đặc biệt những gì làm nguy hại tới nền an ninh của thành trì và dân chúng.

Trách nhiệm của tiên tri ở đây không là cảnh báo những nguy hại về an ninh chính trị, nhưng là về những sai lầm mà dân chúng cùng những nhà lãnh đạo mắc phải đối với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. Trách vụ của tiên tri là giúp dân chúng nhận ra những sai lầm, để họ trở lại với Thiên Chúa. Trách nhiệm Thiên Chúa trao cho các tiên tri, các tiên tri phải hoàn tất; nếu không chính tiên tri phải chịu trách nhiệm.

Thời Cựu Ước, người ta thấy trách nhiệm của những người đặc biệt trong dân, chẳng hạn như trách nhiệm của các tiên tri và các vua chúa quan quyền. Người ta cũng liên đới trách nhiệm với nhau, giữa những người cùng máu huyết đồng bào, giữa vua và thần dân; chẳng hạn “cha ăn nho xanh, con cháu phải bị ghê răng,” vua Đavít phạm tội thì dân chúng cũng liên đới chịu phạt “bệnh dịch.” Qua thời Tân Ước, người ta thấy rõ mỗi người đều liên hệ với nhau, có trách nhiệm với nhau tuy dù mỗi người đều tự do và phải lãnh trách nhiệm về chính mình. Hôm nay trong Tin Mừng Đức Yêsu dạy, nếu một người anh em phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó; nếu nó không nghe, thì hãy đi với một vài người nữa, để giúp người anh em sửa đổi. Nếu phải dùng biện pháp mạnh, thì cũng chỉ nhằm giúp người anh em đó nhận ra sự thật để trở về với Thiên Chúa và với anh em mình thôi.

2. Nợ tình thương

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” Tuy nhiên, có nhiều người không bác ái và tế nhị đủ khi sửa lỗi người khác, và làm cho người có lỗi không sẵn sàng nhận lỗi và sửa lỗi. Những người này chủ trương rõ ràng: “nếu đúng thì phải nhận là đúng, nếu thấy mình sai thì phải sửa, đơn sơ chỉ có vậy.” Lý thuyết và nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế con người yếu đuối, cái tôi và tự ái vẫn chi phối đời sống hằng ngày của mỗi người. Nếu chấp nhận chính con người và giới hạn của nhau, sẽ dễ dàng giúp nhau sửa lỗi hơn. Câu “chân lý trong bác ái” (veritas in caritate) giúp người ta ý thức nhiệm vụ phải làm chứng cho chân lý, nhưng không được quên khía cạnh bác ái.

Con người, ai cũng tốt, cũng nghiêng về sự thiện. Vấn đề chính là người ta không biết, không nhận ra những sai lầm của mình. “Nhân chi sơ, tính bản thiên.” Quan niệm trên, dường như phản ánh lập trường của Socrate, một triết gia Hy-Lạp nổi tiếng hồi xưa, ông chủ trương “con người chỉ có mỗi một tội là ngu dốt.” Tuy nhiên, một điều khác người ta cũng không thể phủ nhận, có những người ác, những người cố tình làm điều ác, muốn làm cho người khác khổ, thích thú khi thấy người khác khổ. Có những người chọn điều ác. Dưới một khía cạnh nào mà nói, những người chọn sự ác tuyệt đối là điều không thể hiểu được; nhưng những người chọn điều ác cách tuyệt đối vẫn có đó. Theo niềm tin Kitô-hữu, quỷ là những thiên thần chọn sự ác, những người trong hoả ngục là những người chọn điều dữ cách tuyệt đối.

Trong cách đối xử giữa con người với nhau, chúng ta phải giả sử ai trong chúng ta cũng hướng thiện, cũng phục thiện. Nếu chúng ta không suy nghĩ và sống như vậy, chúng ta cũng đang ở trong sự dữ. Tin vào con người, như Thiên Chúa vẫn tin vào con người và vào mỗi người chúng ta, là một dấu chỉ chúng ta đang ở trong đường lối đúng đắn của Thiên Chúa. Khi không tin vào con người nữa, e rằng chúng ta cũng không tin vào Thiên Chúa, và tính “thiện” cũng rất mờ nhạt nơi chúng ta. Thiên Chúa vẫn tin vào con người, ngay cả vào những người làm ác, cho tới giây phút cuối đời của họ. Bình thường Thiên Chúa vẫn thắng, vì tình yêu mạnh hơn sự chết, vì tình thương lớn hơn sự dữ.

3. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật

“Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến.” Nếu con người yêu thương nhau, con người đang hành xử giống Thiên Chúa; lúc đó, Thiên Chúa là Cha của họ, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Yêu thương là cái gì thuộc bản chất con người mà con người đang thủ đắc mỗi ngày, càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa; càng yêu thương con người càng hạnh phúc.

Yêu thương, nên ai đó giúp người khác nhận ra sự thật. Và tin rằng, một khi nhận ra sự thật, người ta sẽ sửa đổi nếu người ta nhận thấy mình sai. Nếu người ta vẫn không sửa đổi được khi người ta nhận ra họ sai, nghĩa là, họ yếu đuối. Trong trường hợp này, người yêu thương thật tình là người thông cảm với những yếu đuối lỗi lầm của tha nhân, và chờ đợi họ sửa đổi; hơn nữa, họ tin tưởng Thiên Chúa là Đấng có thể làm cho con người kiên vững và biến đổi con người. “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” Thiên Chúa trên nơi cao thẳm, Thiên Chúa ngự sâu thẳm nơi lòng mỗi người, sẽ ban cho điều con người xin Ngài. Thiên Chúa tạo dựng con người tốt lành; tuy nhiên, con người tự do để sống theo tiếng gọi “yêu thương” của Thiên Chúa hay không.

Một khi con người yêu thương, là con người sống theo ơn gọi của mình, con người cảm nghiệm hạnh phúc chính khi mình yêu thương. Mọi lề luật, là để bảo vệ con người; để người khác không dùng tự do của riêng mình mà xúc phạm đến quyền của người khác. Một khi con người sống yêu thương, con người luôn tôn trọng người khác và quyền lợi của họ, thì lúc đó lề luật không cần nữa. Thánh Augustinô nói: “hãy yêu, rồi muốn làm gì cũng được.” Câu này phải được hiểu đúng nghĩa của chữ “yêu;” nếu một người yêu chân thực, họ sẽ không làm gì hại cho người họ yêu, trái lại, họ luôn muốn và làm những gì giúp người họ yêu hạnh phúc.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Có công bằng không, khi bạn phải có trách nhiệm với những người bên cạnh bạn?

2. Không có yêu thương nếu không có công bằng, bạn nghĩ sao về lời phát biểu này?

3. Thiên Chúa là Tình Yêu. Câu này diễn tả Thiên Chúa là Đấng nào? Xin bạn chia sẻ theo sự hiểu biết của bạn.

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]