HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

ĐỨC YÊSU LÀ TẤT CẢ

Jptl

Chúa Nhật thứ hai mươi mốt thường niên năm A

Is.22, 15.19-23; Rm.11, 33-36; Mt.16, 13-20

Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Đức Yêsu hỏi các tông đồ: “người ta bảo Con Người là ai?”, và sau đó Ngài hỏi các tông đồ: “còn anh em, anh em nói thầy là ai?” Thánh Phêrô đã đại diện các tông đồ trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con của Thiên Chúa hằng sống.” Kitô-hữu trong dòng lịch sử đã diễn tả Đức Yêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, là Con “đồng bản tính” của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Còn với bạn, hôm nay, Đức Yêsu là ai?

1. Đức Yêsu là người như tất cả chúng ta

Ngài được sinh bởi người cha người mẹ, tại một nơi và một thời điểm như ai khác. Ngài được nuôi dưỡng dạy dỗ như bao trẻ thời đó. Ngài sống bằng lao động tay chân, có tôn giáo là Do Thái giáo.

Ngài đã được cha mẹ dạy dỗ giáo dục. Ngài đã vâng lời cha mẹ là Đức Maria và thánh Yuse trong suốt thời gian thơ ấu, thiếu niên và thanh niên. Tuy vậy, cũng có lúc Ngài làm cha mẹ lo lắng buồn lòng, như biến cố Ngài ở lại đền thờ khi Ngài lên 12 tuổi mà cha mẹ Ngài không hay biết. Ngài cũng bị cám dỗ về ăn, về danh, về quyền bính khi cầu nguyện một mình trong hoang địa.

Kinh Thánh không nhắc đến chuyện tình cảm của Ngài: vào tuổi thanh niên không biết Ngài có được cô nào thương đặc biệt không, và thái độ của Ngài thế nào. Tuy nhiên, có thể nhìn vào thái độ của Ngài đối với phụ nữ khi Ngài rao giảng, để biết thái độ của Ngài thế nào đối với phụ nữ thời Ngài thanh xuân: chắc có nhiều người thương Ngài. Về trí khôn, nếu không kể trường hợp thông minh đặc biệt ngồi giữa những người giỏi tại đền thờ lúc 12 tuổi, người ta còn thấy Ngài có trí khôn lanh lợi để thoát khỏi bẫy của những kẻ muốn giăng ra để hại Ngài như trường hợp họ hỏi có nên đóng thuế cho Cesar không, có ném đá chị phụ nữ ngoại tình không, tại sao môn đệ của Ngài lại không giữ luật tuốt lúa ăn vào ngày sabbat, v.v… Đức Yêsu là người như tất cả ai khác.

2. Đức Yêsu là Đấng Thiên Sai

Vào tuổi trưởng thành, Ngài ra đi rao giảng, thu nhận môn đệ. Ngài làm được nhiều điềm thiêng dấu lạ. Nhiều người kính phục Ngài, coi Ngài là một tiên tri. Tiên tri ở đây được hiểu như người của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai gởi tới để nói với dân nhân danh Thiên Chúa.

Câu trả lời của Phêrô đại diện các tông đồ cho câu hỏi của Đức Yêsu, có gì khác biệt với câu trả lời của dân chúng? Trong câu “Thầy là Đức Kitô, Con của Thiên Chúa hằng sống,” người ta hiểu từ ngữ “Kitô,” nghĩa là “được xức dầu,” Đấng được Thiên Chúa sai đến. Theo quan niệm của người Do Thái, có ba hạng người được xức dầu, đó là vua, tư tế và tiên tri. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta thấy tiên tri Samuel đã xức dầu cho vua Saul, cho vua David. Môsê đã xức dầu cho tư tế Aaron. Các tiên tri thường được hiểu là những người được Thánh Thần xức dầu: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi” (Is.61, 1tt). Trong câu trả lời của Phêrô và thái độ muốn giữ kín điều này, làm người ta hiểu “Kitô” mà Phêrô nói ở đây, được hiểu theo nghĩa “Kitô Vua” nhiều hơn. Giữa hoàn cảnh dân Do Thái đang bị người Roma đô hộ, mà nhắc đến vị Kitô (được xức dầu) Vua, thì không lợi lắm theo quan điểm chính trị. Và khi Đức Yêsu bị kết án, Ngài cũng bị kết án là muốn xưng vua! Dân chúng hiểu Đức Yêsu là tiên tri, người nói với dân nhân danh Thiên Chúa; còn các tông đồ hiểu Đức Yêsu là Kitô Vua, Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ.

Cụ thể Đức Yêsu không giải phóng dân Do Thái khỏi bị người Roma đô hộ. Ngài đã bị kết tội cách hợp pháp vì tội chính trị này, dù rằng Ngài không làm chính trị. Đức Yêsu quả là Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, Đấng giải phóng không chỉ dân Do Thái mà tất cả con người khỏi nô lệ tội lỗi, nô lệ ma quỷ, nô lệ vật chất. Đức Yêsu là Đấng Kitô, để giải phóng con người khỏi mọi nô lệ, cho con người trở thành tự do với tất cả, trở thành con của Thiên Chúa.

3. Đức Yêsu là tình yêu Thiên Chúa cho con người

Đức Yêsu là Đấng qua Ngài Thiên Chúa diễn tả tình yêu đối với con người, đặc biệt đối với Kitô-hữu. Đối với những người theo Hồi giáo, Mahomet là Đấng đại diện Thiên Chúa cho họ; với những người theo đạo Phật, Đức Phật là biểu tượng của tuyệt đối.

Với Kitô-hữu, Đức Yêsu không chỉ là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa đối với riêng Kitô-hữu, mà là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Qua Đức Yêsu, con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng vô tận; qua Đức Yêsu, Thiên Chúa ban tất cả cho con người. Sở dĩ vậy vì Kitô-hữu tin Đức Yêsu là tiên tri, người của Thiên Chúa, người nói nhân danh Thiên Chúa; là Kitô Vua, Đấng giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ; là Đấng Trung Gian, máng chuyển ơn duy nhất cho con người. Thiên Chúa nói qua Đức Yêsu, Thiên Chúa giải phóng qua Đức Yêsu, Thiên Chúa ban ơn qua Đức Yêsu. Dù một người biết hay không biết, tin hay không tin vào Đức Yêsu, thì họ vẫn được nói, được giải phóng, được ban ơn qua Đức Yêsu Kitô như trung gian duy nhất. Trung gian thứ hai, có thể là Đức Maria, Đức Phật, hay các vị được ơn sáng lập các tôn giáo khác.[1]

Đức Yêsu là một người rất đặc biệt, kết hiệp với Thiên Chúa cách rất đặc biệt, đến độ các thần học gia Kitô-hữu diễn tả Ngài bằng từ ngữ: Lời của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Đức Yêsu và Thiên Chúa vẫn là hai Đấng phân biệt (hai ngôi vị), nhưng liên hệ với nhau rất đặc biệt mà các nhà thần học diễn tả liên hệ này như liên hệ Cha Con, đến độ là một, một Thiên Chúa.

Đức Yêsu là Đấng nói với tôi về Thiên Chúa, cho tôi biết Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu, là Đấng yêu tôi vô cùng. Đức Yêsu là Đấng như tôi, mời gọi tôi hãy vươn lên như Ngài đã vươn lên trong cuộc sống này. Đức Yêsu là Đấng nâng tôi dậy, giúp tôi đứng lên dù đã bao lần vấp ngã trong cuộc đời. Đức Yêsu là tất cả cho tôi và với tôi.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Giữa bạn và Đức Yêsu, ai sống lâu hơn? ai giầu hơn? ai sống tiện nghi hơn? ai được biết nhiều hơn? ai khổ hơn? ai hạnh phúc hơn?

2. Bạn và Đức Yêsu, có những điểm nào giống nhau?

3. Với bạn, Đức Yêsu là ai?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]

 

 



[1]

 Câu cuối cùng trong đoạn này có thể là “quá mới” và không thể chấp nhận được đối với một vài bạn; với những bạn như vậy, xin hãy coi như không có câu này.