HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

CHÚA THĂNG THIÊN

Jptl

Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên

Cv.1, 1-11; Ep.1, 17-23; Mt.28, 16-20

            Sau ba ngày được táng liệm trong mồ, Đức Yêsu đã phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần. Ngài đã nhiều lần hiện ra với các tông đồ trong thời gian 40 ngày, rồi Ngài lên trời trước mắt các ông tại núi cây dầu. Ngài đã phục sinh và ngự bên hữu Thiên Chúa, để chúng ta cũng được phục sinh với Ngài vào ngày Ngài đến trong vinh quang, và chúng ta cũng được thông phần hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

1. Đức Yêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa

Khi còn nhỏ được học giáo lý, chúng ta thường được dạy và hiểu rằng, thiên đàng ở trên trời còn hỏa ngục ở sâu dưới lòng đất. Lớn lên, được học hỏi và hiểu biết hơn, chúng ta biết rằng bầu trời mênh mông vô tận, và trái đất như khối cầu tròn, được cấu tạo gồm những tầng lớp khác nhau, với sức nén và độ nóng khủng khiếp. Những kiến thức về khoa học làm chúng ta hiểu hơn về thiên đàng và hỏa ngục. Hỏa ngục không nhất thiết phải ở sâu dưới lòng đất, nhưng cũng có thể ở trên một hành tinh nào đó, hay ở ngay nơi cung vàng điện ngọc; và thiên đàng cũng có thể ở bất cứ đâu mà con người cảm được hạnh phúc trọn vẹn. Ngày nay, thiên đàng và hỏa ngục được hiểu như là một tình trạng nhiều hơn là nơi chốn. Thiên đàng và hỏa ngục được hiểu như một nơi chốn, khi người ta diễn tả nó trong cái nhìn con người như vật chất. Lúc này, nơi chốn để chứa những thực tại vật chất. Nhưng nếu con người có thể xác “thiêng liêng” thì e rằng không cần nhấn mạnh về nơi chốn nữa; và lúc đó người ta cũng không phải bận tâm với câu hỏi “dưới hỏa ngục có Thiên Chúa không? Nếu dưới hỏa ngục có Thiên Chúa thì ở đó có còn là hỏa ngục không? nếu Thiên Chúa hiện diện cả dưới hỏa ngục, thì Thiên Chúa có khổ không?”. Nếu chúng ta sống trong tình yêu, thì dù nghèo mình vẫn hạnh phúc; còn nếu sống trong thù ghét, thì dù sống trong giầu sang nhung lụa, người ta vẫn cảm thấy bất hạnh. Hỏa ngục là nơi con người thù ghét Thiên Chúa và thù ghét anh em mình, và những người như vậy họ bất hạnh khi họ thấy những người khác yêu thương nhau và hạnh phúc. Hỏa ngục là tình trạng con người không chấp nhận Thiên Chúa và không muốn sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hỏa ngục và thiên đàng đã khởi đầu ngay tại đời này, tùy người ta có chấp nhận Thiên Chúa và anh em mình hay không!

Đức Yêsu đã phục sinh, cái chết không làm chủ được Ngài nữa. Thân xác sau phục sinh của Ngài không bị vật chất ngăn cản. Ngài hiện diện ở đâu tùy Ngài muốn, Ngài muốn hiện ra cho ai, thì người đó được thấy Ngài. Thân xác của Đức Yêsu phục sinh khác thân xác của Lazarô phục sinh. Sau khi được Đức Yêsu phục sinh, Lazarô vẫn có thân xác trước, và vẫn bị quy luật vật lý chi phối. Chẳng hạn, bị đánh Lazarô vẫn cảm thấy đau, sự sống vẫn bị lấy đi bởi tuổi tác hoặc bị tổn thương về thể lý. Thân xác của Đức Yêsu phục sinh không như vậy.

Thiên Chúa cũng không chỉ ở trên trời, tuy dù kinh “Lạy Cha” chúng ta vẫn đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, vì Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài luôn hiện diện với chúng ta, và nghe những gì chúng ta cầu xin với Ngài. Chính vì vậy, Đức Yêsu không cần phải lên trời để gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Đức Yêsu, và cả chúng ta nữa, vẫn ở bên Thiên Chúa Cha từng ngày từng giờ trong cuộc sống. Theo tin mừng Matthêu, Đức Yêsu nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đức Yêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, là cách nói diễn tả Đức Yêsu được tôn vinh như Thiên Chúa. “Ngự bên hữu Thiên Chúa” là một cách nói diễn tả được ngang hàng với Thiên Chúa, “là Thiên Chúa”.

2. Đức Yêsu phục sinh và lên trời, là mầu nhiệm đức tin

Đức Yêsu đã phục sinh, là một biến cố đức tin. Phải tin, vì người ta không kiểm chứng được như người ta có thể kiểm chứng một định luật khoa học.

Niềm tin vào Đức Yêsu phục sinh tùy thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn yếu tố của chính những chứng nhân. Người làm chứng cho Đức Yêsu phục sinh, có là người đáng tin không. Nếu một người có đời sống gian dối làm chứng Đức Yêsu đã phục sinh, lời chứng của người đó ít đáng tin. Nếu một người dám chết để làm chứng điều mình nói là đúng, thì lời chứng của họ đáng tin hơn, có sức thuyết phục hơn. Đức tin cũng tùy thuộc chính đời sống của người tin (hay không tin). Chẳng hạn, một người sống ăn chơi buông tuồng trụy lạc, đặt tiền của vật chất trên tất cả, khó chấp nhận và tin vào sự sống đời sau hơn một người lương thiện. Nền giáo dục cũng đóng góp phần nào giúp người ta tin hay phủ nhận biến cố Đức Yêsu phục sinh.

Hơn nữa, tin vào Đức Yêsu phục sinh vẫn là một ơn rất đặc biệt. Không phải bởi sức con người, mà có thể làm một người tin nhận Đức Yêsu phục sinh. Tin là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa ban cho con người.

3. Đức Yêsu là Thiên Chúa

Tin Đức Yêsu đã phục sinh, tuy là chuyện rất khó, nhưng còn dễ hơn là tin Đức Yêsu là Thiên Chúa. Làm sao có thể tin một người là Thiên Chúa, khi con người hữu hạn còn Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu tuyệt đối. Làm sao có thể tin một người, vừa là người vừa là Thiên Chúa?

Khi Đức Yêsu còn sống đời dương thế, chưa ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không ai dám nghĩ Ngài là Thiên Chúa, kể cả các tông đồ. Khi Đức Yêsu sống lại và hiện ra cho các chị phụ nữ, các chị về báo tin cho các tông đồ nhưng không ai tin lời các chị. Tông đồ Thomas tám ngày sau mới tin Chúa phục sinh, và chỉ tin khi Chúa hiện ra cho ông thôi. Nếu vậy làm sao dám nói các tông đồ lúc khi còn sống với Đức Yêsu đã tin Ngài là Thiên Chúa! Niềm tin Đức Yêsu là Thiên Chúa chỉ có nhờ Thánh Thần. Chỉ với ơn Thánh Thần, các tông đồ được dẫn vào sự thật trọn vẹn, các Ngài mới nhận ra Đức Yêsu “là Thiên Chúa”, là “Thiên Chúa nhập thể”.

Làm sao giải thích những lời Đức Yêsu khi còn sống đã nói “tội con đã được tha” khi chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội; làm sao giải thích “Ta và Cha là một” (người Do Thái đã hiểu câu này nên họ lấy đá ném Đức Yêsu) khi giữa con người và Thiên Chúa có khoảng cách vô cùng; làm sao giải thích lý do Đức Yêsu nói “trước khi có Abraham, Ta là Ta” khi Ngài chưa tới 50 tuổi! Những câu hỏi trên chỉ được trả lời thỏa đáng một khi các tông đồ nhận ra Đức Yêsu “là Thiên Chúa”, là người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa, đến độ “Ta và Cha là một”, “của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Trong dòng lịch sử, các nhà thần học đã diễn tả điều này bằng những khái niệm Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, là Ngôi Lời nhập thể, là Đấng đồng bản tính với Thiên Chúa, là Đấng “là người thật và là Thiên Chúa thật”. Để diễn tả ý “Đức Yêsu là người thật hoàn toàn và là Thiên Chúa thật hoàn toàn”, các nhà thần học và các công đồng dùng ngôn từ triết học để diễn tả “Đức Yêsu có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người”.

Một khi nhận biết Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, con người nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng! Thiên Chúa yêu thương con người đến độ Ngài muốn đồng hình đồng dạng với con người, trở thành một người, để con người được cứu độ, được nên con Thiên Chúa, được thông chia sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Xin cho mọi người được ơn tin nhận Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, để mỗi người được bình an và hạnh phúc ngay tại dương thế này.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn thường cầu nguyện với ai? Với Thiên Chúa hay với Đức Mẹ? Tại sao?

2. Bạn có thấy khó khăn khi tin Đức Yêsu là Thiên Chúa không? Nếu có, xin chia sẻ.

3. Kitô giáo khác các tôn giáo khác ở điểm căn bản nào? Và giống các tôn giáo khác ở điểm căn bản nào?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]