HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

SỨ MẠNG

Jptl

Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, năm A

Cv. 2, 42- 47; 1Pr. 1, 3-9; Ga. 20, 19- 31

Mỗi người có một chỗ trong chương trình của Thiên Chúa. Các tông đồ có một sứ mạng đặc biệt; chị Maria Magdala và Đức Maria cũng vậy. Cả chúng ta nữa, mỗi người đều có một sứ mạng phải hoàn thành.

1. Kinh nghiệm với Đấng phục sinh

Theo bốn Tin Mừng, Đức Yêsu đã phục sinh và hiện ra cho các chị phụ nữ đầu tiên, rồi trao cho các chị sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ. Các tông đồ đã không tin vào các chị, cho đến khi chính Chúa Phục Sinh hiện ra cho các ông vào buổi chiều ngày thứ nhất phục sinh, tuy vậy tông đồ Thomas vẫn không tin vì ông vắng mặt thời điểm đó nên chưa được gặp gỡ Đấng phục sinh. Những chứng nhân phục sinh là những người đã không tin sự kiện này cho tới khi chính họ được gặp gỡ Đức Yêsu phục sinh. Sở dĩ các tông đồ không tin vào lời chứng của các chị phụ nữ, và Thomas không tin vào lời chứng của các tông đồ khác, là vì phục sinh là một biến cố rất “mới”, vượt khả năng suy đoán của lý trí.

Những chứng nhân phục sinh là những người đã có kinh nghiệm gặp gỡ Đức Yêsu phục sinh. Họ được diễm phúc “thấy” Đức Yêsu phục sinh, nhưng chính Đức Yêsu lại nói: “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Các chị phụ nữ gặp gỡ Chúa, các chị có sứ mạng “hãy đi gặp anh em thầy và bảo họ…” (Ga. 20, 17); các tông đồ gặp gỡ Chúa, các tông đồ được trao sứ mạng “như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con” (Ga.20, 21). Sứ mạng của Đức Yêsu là làm cho con người nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, để họ đáp trả tình yêu vô cùng của Thiên Chúa; và như vậy, họ được cứu độ.

Niềm tin Đức Yêsu phục sinh là điều tin căn bản của Kitô giáo. Vì Đức Yêsu phục sinh, nên những gì Ngài nói khi còn sống được Thiên Chúa chứng nhận là chân thực, nghĩa là, Ngài là Đấng có một tương quan rất đặc biệt với Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Và nếu một người nhận biết Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, họ sẽ nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào.

2. Đức Yêsu phục sinh- nền tảng niềm tin và hy vọng

Đức Yêsu là người và đã được cứu độ, nên mỗi người cũng được cứu độ như Ngài. Đức Yêsu đã sống lại dù Ngài đã bị hành hạ và đau đớn, nên mỗi người cũng sẽ được giải phóng khỏi tất cả buồn phiền đau đớn trên đời này và sẽ được hạnh phúc đích thực, nếu họ tin vào Đức Yêsu và sống như Ngài.

Tin Đức Yêsu sống lại, là tin Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Và như vậy, là có thể phó thác tất cả cho Đấng yêu thương mình vô cùng, và sẽ được an bình và hạnh phúc hơn. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cứ miệt mài làm chứng và rao giảng cho con người ngày nay biết rằng Đức Yêsu đã phục sinh, và Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Tin vào Đức Yêsu phục sinh, không chỉ là chấp nhận một ý niệm, nhưng còn là tin yêu và phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Nếu một người còn bất an, còn lo lắng, thì e rằng người đó chưa tin vào Thiên Chúa đủ. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh không phải chỉ một lần là đủ, nhưng là chính cuộc sống và cả đời mình. Nói một cách đúng đắn, chúng ta sống niềm tin tử nạn phục sinh từng ngày sống của chúng ta.

3. Chứng nhân tình yêu

Kitô hữu không chỉ làm chứng bằng lời nói, nhưng chính yếu bằng cuộc sống tươi, vui, và hạnh phúc của mình. Ngay cả trong những hoàn cảnh “khổ đau”, một Kitô hữu sống niềm tin vào Đấng Phục Sinh vẫn có cách hành xử “riêng” của một người có niềm hy vọng sâu xa. Cách hành xử này Kitô hữu đã thấy nơi Đức Yêsu khi Ngài ở trên thập giá. Chúng ta không đơn sơ cho rằng, Kitô hữu không cảm thấy khó khăn khi được mời gọi sống ơn gọi Kitô hữu, sống như Đức Yêsu đã sống. Kitô hữu cũng cảm thấy khuynh chiều ngược lại, nhưng họ vẫn cảm thấy được mời gọi vươn lên theo cách hành xử của vị thầy chí thánh: Đức Yêsu. Như vậy, lời chứng chính yếu và có sức thuyết phục hơn cả, là đời sống thấm nhuần đức tin và niềm hy vọng sống lại vào Đức Yêsu.

Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã sống niềm tin vào Đức Yêsu phục sinh qua việc miệt mài với lời giảng dạy của các tông đồ, sống thanh thoát với những nhu cầu vật chất, và thông hiệp với Đức Yêsu và với nhau qua việc “bẻ bánh”. Đời sống đạo đức, bác ái và thanh thoát của các Kitô hữu tiên khởi có sức thuyết phục những người chưa tin, để những người này tin vào lời chứng hay lời rao giảng của họ. Theo một nghĩa nào đó, Kitô hữu đã được cứu độ ngay tại đời sống dương thế này, khi họ không bon chen và miệt mài thu góp vật chất, khi họ cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa đối với họ, khi họ sống bình an. Ơn cứu độ không thể trọn vẹn ở đời này, nhưng phần nào đã được cảm nghiệm qua thái độ sống phấn đấu hết sức mình, nhưng vẫn phó thác cho Thiên Chúa và chấp nhận tất cả trong an bình. Ơn cứu độ trọn vẹn chỉ được tìm thấy khi chúng ta được phục sinh với Đức Yêsu.

Đời sống thấm nhuần đức tin vào Đức Yêsu phục sinh, là lời chứng cho con người ngày nay về tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Bạn hiểu thế nào là sứ mạng và sự nghiệp?

2. Bạn có nhận ra sứ mạng Chúa muốn trao cho bạn không? Nếu được xin mời bạn chia sẻ về sứ mạng của bạn?

3. Làm sao để thực hiện sứ mạng của bạn?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]