HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

ĐỨC YÊSU- BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU

Jptl

Chúa Nhật thứ ba mùa chay năm A

Xh.17, 3-7; Rm.5, 1-2. 5-8; Ga.4, 5-42

Lời Chúa cho thấy Đức Yêsu là người trọn vẹn, Ngài chịu đói chịu khát như tất cả mọi người; tuy vậy, Ngài mặc khải Chúa Cha và Thánh Thần, Ngài là tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

1. Đức Yêsu chia sẻ thân phận con người

Trên đường từ Yuđêa về Galilê, Đức Yêsu phải băng qua Samaria. Đoạn đường dài, trời nóng bức, đói và khát. Các môn đệ vào làng mua thức ăn, Đức Yêsu mệt mỏi ngồi phệt xuống cạnh giếng. Khát mà không có nước uống, vì không có gầu múc nước.

Chợt có một phụ nữ tới múc nước. Đức Yêsu đã ngỏ lời xin chị cho nước uống. Chị phụ nữ ngạc nhiên, vì luật không cho người Do Thái được tiếp xúc giao dịch với người ngoại, mà người ngoại đối với người Do Thái bao gồm cả người Samaria. Chắc hẳn không phải Đức Yêsu khát quá nên không giữ luật, nhưng vì một lý do khác mà chúng ta có thể nhận ra ngay trong đoạn Tin Mừng!

Kitô hữu thường nhìn Đức Yêsu như Thiên Chúa làm người, đôi khi quá chú trọng đến tính Thiên Chúa mà coi nhẹ tính người của Đức Yêsu. Thực sự, Đức Yêsu giống chúng ta mọi đàng (Dt.2, 17; 4, 15). Chỉ có một điều khác: chúng ta phạm tội, còn Ngài không. Là người, có lúc chúng ta đói, khát, mệt mỏi, thì Đức Yêsu cũng vậy. Ngài cũng đói, khát, mệt mỏi như chúng ta. Ngài đói đến nỗi có lúc muốn có một trái vả để ăn cho đỡ đói (Mt.21, 18-19). Ngài bị cám dỗ (Mt.4, 1-11), bị cám dỗ cả về lòng tin tưởng trông cậy nơi Thiên Chúa nữa (Mc.15, 34); có điều, tuy bị cám dỗ khủng khiếp, khi ở hoang địa và cả trên thập giá, Đức Yêsu vẫn chiến thắng (Lc.23, 46). Ngài vẫn yêu, cho dù không được yêu. Trên thập giá, Đức Yêsu đã hứa cho anh trộm được ở với Ngài ngay khi Ngài lên Nước của Ngài. Ngài cũng xin Cha tha cho những người thù ghét và giết Ngài. Dù giống chúng ta mọi đàng, nhưng Ngài không chỉ không sa ngã phạm tội, mà Ngài còn luôn yêu trong mọi hoàn cảnh, trong mọi nơi mọi lúc.

2. Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật

Đã có thời gian, người ta tưởng rằng để thờ phượng Thiên Chúa, phải thờ phượng Ngài tại một nơi nào đó. Người Do Thái thì cho rằng phải thờ Chúa tại Yêrusalem, người Samaria thì bảo phải thờ phượng Thiên Chúa trên “núi này”. Những người đơn sơ như chị phụ nữ này, chẳng biết ai đúng ai sai, cứ làm như cha ông dạy. Và dĩ nhiên, cả người Do Thái lẫn người Samaria đều gặp được Thiên Chúa mà họ tìm kiếm, dù họ thờ phượng Ngài ở đền thờ Yêrusalem hay trên “núi này”.

Bây giờ, Đức Yêsu là Đấng Massiah, Ngài mặc khải cho con người biết phải thờ phượng Thiên Chúa ở đâu và như thế nào. Con người có thể thờ phượng Thiên Chúa ở bất cứ đâu, miễn là phải thờ phượng Ngài trong Thần Khí và sự thật. Nếu thờ phượng Thiên Chúa mà không từ bỏ lòng hận thù, không từ bỏ bất công với người nghèo, nếu vẫn nuôi lòng gian ác, thì cho dù thờ phượng Ngài ở đền thờ Yêrusalem, cũng không đẹp lòng Ngài và cũng không được Ngài chấp nhận.

Thiên Chúa là Thần Khí. Ngài là Cha tất cả mọi loài. Ngài yêu thương tất cả mọi người cho dù thuộc bất cứ dân tộc nào, sắc dân nào, vì tất cả đều là con dân Ngài. Hãy phó thác cuộc đời cho Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa yêu thương. Thánh Thần Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động trong lòng con người, để dẫn con người trở về với Thiên Chúa, để giúp con người sống cho đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

3. Thánh Thần như mạch nước vọt lên trong lòng người

Trong Cựu Ước, Thần Khí mang lại sự sống. Chẳng hạn như trong thị kiến thung lũng đầy xương khô, Thần Khí mà Thiên Chúa thổi vào mang lại sự sống cho những bộ xương khô (Ed.37,1-14). Nước từ tảng đá vọt ra nuôi sống dân Do Thái trong hoang địa, cũng là biểu tượng Thánh Thần từ Thiên Chúa, thánh hoá và làm sống con người.

“Ai uống nước này hãy còn khát, nhưng ai uống nước Ta ban sẽ không còn khát nữa, vì nước Ta ban sẽ trở thành mạch nước muôn đời”. Thánh Thần ngự nơi mỗi người, như mạch nước nơi lòng con người, làm dịu mát lòng người, làm con người khao khát Thiên Chúa, tẩy rửa tội lỗi, thánh hoá con người, mang lại sự sống cho con người. Với Đức Yêsu, Thánh Thần được mặc khải như Đấng Bầu Chữa, như Đấng dẫn con người vào tất cả sự thật, như Đấng làm chứng cho Đức Yêsu qua các tông đồ và các Kitô hữu, như Đấng thánh hoá.

Đức Yêsu là người mẫu cho Kitô hữu và cho tất cả con người, để con người theo gương Ngài sống trong trần gian trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Cũng qua Đức Yêsu, Thánh Thần vĩnh viễn ở với con người, tác động và thánh hoá con người, làm con người thuộc về Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương con người, và luôn tác động làm con người sống. Chúng ta được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ chính mình và tha nhân.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Đức Yêsu có là người gần gũi với bạn không? Bạn thấy Ngài gần bạn lúc nào nhất?

2. Bạn có thường ý thức Thánh Thần luôn ngự trong tâm hồn bạn không?

3. Người “tội lỗi” có thể là dịp để người khác gặp gỡ Thiên Chúa không? Tại sao? Chẳng hạn trường hợp chị phụ nữ.

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]