HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

MONG MANH MỎNG DÒN

Jptl

Chúa Nhật thứ nhất mùa chay năm A

St.2, 7-9; 3, 1-7; Rm.5, 12-19; Mt.4, 1-11

Đã là người, ai cũng bị cám dỗ, kể cả Đức Yêsu. Bị cám dỗ, và bị cám dỗ liên lỉ, cũng không hàm nghĩa người bị cám dỗ là người yếu hèn. Chỉ khi nào con người phạm tội, thuận theo cám dỗ, con người mới trở nên xấu mà thôi. Tuy dù mỏng dòn, nhưng con người được mời gọi để trở nên cao thượng và tuyệt vời hơn.

1. Con người đầu tiên đã phạm tội

“Thiên Chúa nắn con người từ bùn đất, thổi sinh khí vào, và con người trở nên sinh vật sống động”. Khoa học chấp nhận thuyết tiến hoá. Vật chất tiến hoá từ vật chất vô cơ đến hữu cơ, vô sinh đến hữu sinh, từ loài không có xương sống đến có xương sống, từ động vật không có vú (vô nhũ) đến động vật có vú (hữu nhũ), từ khỉ đến người. Có một số người không hiểu biết nhiều về Kinh Thánh muốn đối kháng Kinh Thánh và khoa học, cho rằng Kinh Thánh sai lầm và dạy những điều ấu trĩ trái khoa học. Thực ra Kinh Thánh không nhằm dạy những kiến thức khoa học, nhưng Kinh Thánh dùng những kiến thức đương thời để truyền đạt sứ điệp mặc khải. Điều Kinh Thánh muốn nói ở đây, không là con người được tạo dựng thế nào, nhưng là con người được Thiên Chúa tạo dựng, con người vừa là vật chất vừa là tinh thần, vừa mong manh như đất sét vừa tuyệt vời vì có Thần Khí của Thiên Chúa.

Trong cuộc chiến với với ma quỷ, được biểu trưng qua con rắn, con người đã bị thua. Tuy nhiên, dù bị cám dỗ, nhưng con người vẫn hoàn toàn tự do, con người có thể không phạm tội. Phạm tội là hành vi tự do của con người. Ai cũng bị cám dỗ, nhưng không phải ai cũng phạm tội. Cám dỗ, thuộc bản chất con người; nhưng phạm tội không là bản chất con người. Tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội dạy Kitô hữu biết Mẹ đã không phạm tội. Cám dỗ là cuộc chiến nội tâm, nơi đó con người được mời gọi để siêu vượt, để vươn lên theo tiếng gọi thần linh, để sống cao thượng hơn. Một cách cụ thể, cám dỗ là khuynh chiều sống theo bản năng chứ không theo lý trí “hướng thiện”. Chính khi sống theo lý trí “hướng thiện”, con người trở nên cao thượng hơn, hạnh phúc hơn, giúp người khác vui và hạnh phúc hơn.

Adam và Evà đã phạm tội, không vâng lời Thiên Chúa, không tin vào lời Chúa mà tin vào lời con rắn, tin vào ma quỷ hơn tin vào Thiên Chúa, nghi ngờ Thiên Chúa yêu thương mình, cho rằng Thiên Chúa muốn ngăn cản mình thành “thần”. Tội lớn nhất, là không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình. Tin vào mình hơn tin vào Thiên Chúa, muốn làm chủ đời mình chứ không muốn phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa yêu thương. Hậu quả của tội, là bất an, không hạnh phúc. Ai không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, ai không sẵn sàng phó thác đời mình nơi Thiên Chúa, người đó không thể sống bình an và hạnh phúc.

2. Thiên Chúa muốn cứu độ con người

Khi con người phạm tội, không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, con người loay hoay với chính mình, sợ người khác chiếm điều tốt của mình, nên tìm cách tiêu diệt người khác, kể cả những người thân yêu của mình. Cain đã giết Abel, con người giết hại lẫn nhau. Không tin vào Thiên Chúa, không tin vào con người, làm sao sống hạnh phúc, làm sao sống bình an! Con người phạm tội đã sống trong “hoả ngục” ngay tại trần gian.

Thiên Chúa đã yêu thương, và vẫn luôn yêu thương con người. Khi con người phạm tội, con người phá huỷ chương trình của Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục công trình cứu độ con người. Tình yêu Thiên Chúa lớn hơn sự bất trung và thất tín của con người. Thiên Chúa tiếp tục công trình cứu độ mỗi người qua những tác động mời gọi, yêu thương, tha thứ. Ngài luôn luôn tỏ cho con người thấy, Ngài vẫn yêu thương dù con người bất trung thất tín, dù con người quay lưng lại với Ngài. Ngài vẫn dùng người này người kia, để nói với mỗi người về sự quan phòng và yêu thương tha thứ của Ngài. Qua những biến cố trong đời, Thiên Chúa luôn nói với con người: Ngài vẫn đang yêu thương và mời gọi con người trở lại với Ngài, đáp lại tình yêu của Ngài bằng tin tưởng phó thác đời mỗi người cho Ngài.

Hành vi tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, là Ngài cho Con Ngài nhập thể. Đức Yêsu là người hoàn toàn như bất cứ ai. Ngài cũng chịu những cám dỗ mà con người phải chịu, Ngài bị cám dỗ mạnh và nặng nề như bất cứ người nào bị cám dỗ nặng nề và dai dẳng nhất. Qua cuộc sống tại thế, Đức Yêsu dạy con người con đường sống để hạnh phúc đích thực.

3. Đức Yêsu bị cám dỗ nhưng Ngài vượt thắng

Cám dỗ cơm bánh, là cám dỗ bình thường và gần gũi nhất đối với con người. “Có thực mới vực được đạo”. Đã bốn mươi ngày đêm ăn chay, nếu không ăn có thể sẽ chết. Cám dỗ biến đá thành bánh là một cám dỗ rất “hợp lý”. Đức Yêsu chấp nhận thân phận làm người. Là người, không thể làm đá thành bánh được. Chấp nhận giới hạn con người, là một điều kiện giúp con người hạnh phúc.

Nhẩy từ đỉnh đền thờ xuống, sẽ được mọi người kính phục, giúp họ dễ dàng đón nhận những gì Đức Yêsu rao giảng. Đức Yêsu đã không làm theo điều ma quỷ đề nghị; Ngài không bắt Thiên Chúa phải làm theo suy nghĩ của mình cho dù “hợp lý” theo một khía cạnh nào đó. Khiêm tốn, không đòi trổi trang, không buộc Thiên Chúa phải làm theo ý mình, là cách hành xử giúp con người hạnh phúc.

Cám dỗ về quyền hành cũng là một cám dỗ thường xảy ra với mọi người, kể cả nơi các đấng bậc trong Giáo Hội và nơi gia đình. Có người nghĩ rằng một khi có quyền hành, họ sẽ làm người khác sống tốt, và giới hạn được sự dữ. Chỉ cần đánh đổi một chút xíu: bái lạy ma quỷ, là được những gì mình cần để làm cho thế giới này tốt hơn. Sự thật không phải vậy. Suy phục Thiên Chúa, mới làm cho con người hạnh phúc thật.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, tội là gì? Tội huỷ hoại con người đến độ nào? Xin cho ví dụ.

2. Cám dỗ là gì? Bị cám dỗ nhiều, có là dấu chỉ mình sa đoạ và thấp hèn không? Tại sao?

3. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Bạn hiểu sao về lời kinh “Lạy Cha” này?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]