Hồ Chí Minh như tôi thấy...

TTV

"Có lúc Người cáu gắt cũng vì lẽ đó..."
(Hoàng Tùng: Những kỷ niệm về Bác Hồ)

Bài này chỉ nêu ra một khía cạnh để từ đó đánh giá lại con người, tư tưởng và sự nghiệp của HCM. Khía cạnh đó có thể tóm gọn trong hai câu hỏi: Làm thế nào mà HCM đã tạo ra cho ông ta địa vị của một nhà lãnh đạo? HCM đã để lại gì cho hậu thế?
 

Ở Việt Nam, lúc này hơn bao giờ hết, chính quyền đang thôi thúc mọi người phải "sống và làm" theo cái mà đảng cs VN gọi là tư tưởng HCM. Và ở hải ngoại cũng có người quan tâm muốn tìm hiểu xem cái tư tưởng HCM ấy là gì. Tại sao đảng cs VN lại đề cao nó vào lúc này? Ở trong nước, đảng cs và chính quyền của đảng vẫn giữ độc quyền cung cấp các tư liệu về cuộc đời, về tư tưởng HCM để học tập và hướng dẫn những buổi học tập ấy trong tinh thần sùng bái lãnh tụ để đánh bóng chế độ, gây uy tín cho đảng cs đang cầm quyền. Nhưng việc khai triển sự sùng bái ấy có phải là một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc một tư tưởng hay không? Hậu quả sự sùng bái ấy là gì? Người muốn khách quan tìm hiểu con người hoặc tư tưởng HCM thường gặp trở ngại vì những tài liệu lịch sử hiện tại chứa chất quá nhiều hoá trang, bôi đen, tô hồng, minh họa, cường điệu...để tuyên truyền. Mà hậu quả thường là những định kiến kích thích thù hận, dựng nên muôn vàn đố kỵ, chia rẽ...không còn phân biệt được đâu là sự thật, đâu là ý nghĩa của quá khứ để mong giải thích được hiện tại. Những sự thêu dệt quá xa sự thật ấy đã tạo thành huyền thoại HCM.

Vướng mắc vào vòng luẩn quẩn của những xảo thuật tuyên truyền rất xa sự thật thì làm sao tìm ra và hiểu được tư tưởng đích thực của một con người. Hơn nữa, con người ấy lại là một nhân vật vô cùng phức tạp có cuộc đời chính trị muôn mặt, mang rất nhiều tên, nhiều họ, nhiều ngày sinh tháng đẻ với dụng ý giữ bí mật hoàn toàn về tất cả đời tư, đời công của chính mình!

HCM nhân lúc rảnh rỗi ở Pắc Bó đã hỏi mấy cán bộ sống thân cận dưới quyền:

"Các chú có biết điều cơ bản đầu tiên mà một cán bộ cách mạng phải biết là gì không?  Mấy người được coi như đàn em đó đã đua nhau nêu ra những phẩm giá cao nhất của con người như đạo đức, trung thực, kiên nhẫn, chịu cực, chịu khó, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh, luôn luôn sống và làm việc vì nước, vì dân vv... Nhưng HCM đã lắc đầu bác bỏ hết những lời hay, ý đẹp ấy và nói: "Ðiều kiện đầu tiên của một cán bộ cách mạng là phải biết giữ bí mật, bí mật và bí mật."

Thật sự cuộc đời HCM mang tính bí mật rất cao. Vả lại trong những bước khởi nghiệp, chính ông ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm đắt giá về sự thành thật. Một trong những kinh nghiệm ấy là ở vào năm 1930, khi mang tâm trí ra viết bản "Chánh cương vắn tắt" để biện minh cho việc thành lập "Ðảng cs VN", nhưng ngay sau đó đã bị Quốc tế cs phê phán nặng nề và coi ông ta là thành phần chưa thực sự giác ngộ cách mạng vô sản quốc tế. Từ đó, HCM không bao giờ muốn thành thật nói rõ ra hết suy tư thầm kín của ông ta khi hành động.

Nhiều sử gia có uy tín của Âu, Mỹ sau khi đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian nghiên cứu về con người và tư tưởng HCM để viết ra những cuốn sách đồ sộ, nhưng rồi đều thận trọng kết luận rằng HCM là một nhân vật muôn mặt vô cùng phức tạp không thể nào biết rõ hết về ông ta, lại càng không thể hiểu rõ ông ta.

Trong một bài viết ngắn với mục đích khiêm tốn là muốn nêu ra một số sự kiện, góp nhặt từ những tài liệu, nhân chứng về HCM cho tới nay ít được lưu ý, để mong dóng lên một tiếng chuông cảnh giác rằng công việc nghiên cứu về HCM không phải là dễ, nếu cả tin vào những tài liệu tuyên truyền thì đó lại càng dễ bị sai lầm.

VẤN ÐỀ ÐÁNH GIÁ TÀI LIỆU

Nói chung, muốn làm công việc nghiên cứu tư tưởng của một nhân vật đã có danh trong lịch sử dĩ nhiên phải đi tìm tất cả những gì liên quan tới nhân vật ấy như quê quán, gia đình, hoàn cảnh xã hội của lúc mà người đó sinh ra, lớn lên, làm việc, và cả về đời tư thầm kính như tính tình, sở thích, bạn bè thân thiết, bố mẹ, vợ con, anh em... và những thành quả mà người đó đã đạt được cho mình, cho gia đình, cho xã hội...Và cả những di sản mà người đó để lại cho tổ quốc, cho nhân dân, cho các thế hệ con cháu mai sau...

Do đó công việc sưu tầm tài liệu là rất quan trọng. Và càng quan trọng hơn nữa là phải biết đánh giá lại các tài liệu ấy. Nếu chỉ tin hoàn toàn vào tài liệu, nhân chứng do đảng cs VN đưa ra thì khác nào chui đầu vào đống rơm để mong tìm kiếm cây kim của sự thật. Thế nên cần phải tìm và sàng lọc các tài liệu khả dĩ hàm chứa sự thật nhờ so sánh đối chiếu giữa những tài liệu khác nhau về nguồn gốc: phe phái, thời gian. Ðiều này có thể thực hiện: bởi trong chế độ cs, công việc soạn thảo các tài liệu lịch sử thường không nhất quán, rất nhiều khi tác giả này nói khác tác giả kia về cùng một sự kiện. Hoặc là cuốn ấn hành sau nói khác cuốn ấn hành trước, thường là cắt bỏ, sửa lại một cách vụng về khiên người sưu tầm nghiên cứu phải thắc mắc. Một số khá lớn các sách báo in ấn sau 1986, tức khi mới bắt đầu bước vào giai đoạn "cởi trói", "đổi mới", "mở cửa"... cũng  đã "bật mí" khá nhiều điều bị che dấu trước đó. Trong chiều hướng này những cuốn hồi ký thường mang nhiều sơ hở. Như gần đây, bài "Những kỉ niệm về Bác Hồ" của Hoàng Tùng cũng đã tiết lộ một cách khá độc đáo nhiều điều mà trước đó các văn kiện của đảng cs VN đã che dấu hoặc là đã nói khác đi.

Trong giai đoạn cởi mở ngắn ngủi sau năm 1986, sự nịnh bợ đảng trở thành trơ trẽn. Nhưng chỉ dăm năm sau, khi thấy chính sách cởi mở quá nguy hiểm vì những sai trái, tội lỗi của lãnh đạo, của chế độ đã bị mang ra ánh sáng quá nhiều khiến uy tín của đảng bị phá sản. Thế là lại có lệnh "xiết lại, trói lại". Hậu quả là hiện nay sách báo lại nịnh đảng, nịnh lãnh đạo còn trơ trẽn hơn cả thời "xã hội chủ nghĩa kiểu cũ" (cụm từ dùng lần đầu tiên do Võ Nguyên Giáp trong cuốn Tư Tưởng Hồ Chí Minh, NXB Sự Thật, 1993).

ÐỜI TƯ

Văn kiện đảng thường nói rất nhiều về quê quán, gia đình, thời thế khi HCM chào đời: tất cả thuộc về một gia đình rất nghèo, sinh ra và lớn lên tại một vùng đất khô cằn sỏi đá nhưng nổi tiếng địa linh sinh nhân kiệt mà ở đó việc kiếm sống đã khó, việc học hành thi cử để tiến thân lại càng khổ cực hơn. Tất cả những hoàn cảnh đó đã hun đúc lên những tâm thức trai lì, sắt thép nổi tiếng của vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Những chi tiết do đảng cs công bố về HCM đều là sự chứng minh bằng hình thức bề ngoài  có vẻ khoa học, bằng sự đành giá tâng bốc phi thường để đi tới kết luận HCM là một vĩ nhân chẳng những của VN mà còn là của nhân loại (!).

Dĩ nhiên là mục đích bài này không phụ họa, nói theo guồng máy tuyên truyền ấy, mà chỉ nêu ra phần nào vài nhận định tương đối mới để mong sự tìm hiểu HCM được gần với sự thật hơn về một con người không dập khuôn đúng theo những dương bản, âm bản chính thức của cung đình xã hội chủ nghĩa.

Những tìm tòi giới thiệu con người bình thường của HCM không thấy có nhiều trong vô vàn văn kiện của đảng cs VN. Ở những tài liệu bên ngoài cung đình cs hoặc trong dân gian cũng rất là hiếm. Bao nhiêu là sử liệu của đảng liên quan tới HCM chỉ là sự trình diễn của một vai tuồng trên sân khấu thuần túy chính trị. Những chi tiết về sở thích, về tình cảm thân thiết lúc thường nhật bình thường của ông ta từ lúc thơ ấu cho tới lúc về già vv... đều mang tính giàn dựng để tuyên truyền. Không hề thấy HCM nói tới một người bạn thân thiết nào: từ lúc nhỏ cho tói sau này, ông ta không hề chơi thân với ai. Những nhân chứng nói về HCM lúc trẻ, chỉ là những cái nhìn từ xa. Rồi cũng không thấy ông ta nhắc gì tới việc ông ta đã lo âu phụng dưỡng cha mẹ và ngay cả chăm sóc những người thân như chị ruột là Bà Thanh, hoặc anh ruột là ông cả Khiêm như thế nào. Chỉ biết có một lần hiếm hoi, từ hải ngoại, ông ta có mưu tính giúp đỡ thân phụ của ông ta mà không biết ông cụ đang lưu lạc ở đâu. Cả khi đã làm chủ tịch nước, cũng chỉ có một lần hiếm hoi, HCM đã bí mật gặp bà Thanh hoặc ông Cả Khiêm ở ngoại ô Hà Nội. Thế thôi. Rồi cũng  không thể hiểu tại sao lúc sinh thời, quyền bính đầy trong tay mà ông ta lại rất ít khi về thăm lại quê cha đất tổ?

Hồi ký Ðặng Thái Mai đã kể lại sơ qua rằng lúc cuối đời Bà Thanh đã muốn trốn tránh những ngày chán trường trong chén rượu. Ðại khái bà nói: "Trước kia tôi không ưa những người rượu chè nhưng giờ đây trước cám cảnh của cuộc đời, tôi cũng chẳng biết làm gì khác". Sử sách cho biết Bà Thanh từng là một phụ nữ có tinh thần tranh đấu rất cao. Bà đã từng che dấu cán bộ cách mạng. Bà đã từng bị mật thám Tây bắt giam. Không hiểu tại sao khi chú em HCM của bà đã có danh có quyền tột đỉnh trong cách mạng, mà bà ấy lại chán nản đến thế? Một nhân chứng còn kể rằng cả bà Thanh lẫn ông cả Khiêm lúc sinh thời đều không ưa HCM nên ít khi gặp nhau! Thậm chí trong thời kháng chiến, khi có những nhân vật, phái đoàn cs nước ngoài muốn tới thăm làng Kim Liên để tỏ lòng ngưỡng mộ HCM thì chính quyền cs địa phương đã phải "cách ly" cả Bà Thanh lẫn ông Cả Khiêm. Lúc Ông Cả Khiêm chết, đảng ủy địa phương có gửi điện thông báo, nhưng HCM nại lý do công vụ không về được vả gửi lời cảm ơn địa phương lo ma chay cho anh mình.

Còn về cuộc đời tình cảm, vợ con của HCM thì đó là điều ở trong nước coi như bí mật quốc gia, quốc phòng. Ai mà đụng tới là chỉ có chết. Nhưng không phải vì thế mà dân gian không nghe nói tới con đường vợ con của "Hồ chủ tịch". Trước cả những phanh phui, khám phá trong thập niên vừa qua, từ những văn kiện chính thức của mật vụ KGB được khui ra về mối tình của "Vương" với giấy hôn thú chính thức cùng Nguyễn Thị Minh Khai, hoặc là từ câu chuyện " Người vợ chính thức của Nguyễn Ái Quốc" là bà Tăng Tuyết Minh, người vợ trung thành thủ tiết thờ chồng cho tới hơi thở cuối cùng...với hình ảnh một thiếu nữ non trẻ và thơ ngây vùng Quảng châu bên cạnh một tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc thanh niên lạnh lùng vô cảm... Ở Hà Nội và nhất là ở vùng Nghệ Tĩnh người ta vẫn bàn tán một cách hiếu kỳ về một bà vợ và hai người con của HCM bị bỏ lại vĩnh viễn bên Trung Quốc nên đành phải lấy quốc tịch Trung Quốc... Những bàn tán ấy rồi cũng để mà cười với nhau về cuộc đời tình cảm khá đa dạng của lãnh tụ khi còn bôn ba nơi hải ngoại. Như để bênh vực cho thái độ vô tình, vô cảm của một lãnh tụ đã nhẫn tâm bỏ rơi vợ con khi công thành, danh toại, một vài cán bộ cấp cao ở Hà Nội đã giải thích và đổ lỗi cho ban tổ chức đảng đã can ngăn ông ta để giữ cho hình ảnh "Bác Hồ" được trong trắng (?!). Những bàn tán, thắc mắc rồi cũng ngưng ở đó.

Tuy chuyện vợ con của HCM là điều không mấy quan trọng về mặt chính trị. Nhưng nhân lúc gần đây, lại nổi lên những bàn tán khi có thêm những lời kể về lai lịch HCM. Theo đó thì vào giữa thập niên 60, HCM thường tâm sự với mấy cán bộ thân cận chăm sóc sức khoẻ ông ta rằng ông đang bước vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Và rồi ông cho biết ý định tìm kiếm và nhìn nhận người vợ chính thức vẫn chờ ông bên Trung Quốc. Ban tổ chức đảng liền tuân thủ lo tổ chức tiến hành công việc tìm kiếm này theo hai hướng: một là cử một cán bộ tâm phúc qua nơi sinh quán của người vợ này để dò tìm địa chỉ; hai là chính thức gửi công điện nhờ đảng cs Trung Quốc anh em bí mật tìm kiếm bà vợ này. Nhưng sau đó bỗng có lệnh đình chỉ ngay lập tức công việc tìm kiếm ấy. Một văn thư cũng được gửi tới trung ương cs Trung Quốc để thông báo quyết định thôi tìm kiếm này và cảm ơn họ.

Vẫn theo lời kể thì lý do của sự đình chỉ tìm kiếm là do Lê Ðức Thọ nêu ra sau khi họp bàn kỹ với một vài nhân vật trong bộ chính trị. Vì vấn đề ngại rằng nếu sau khi bên ngoài hay tin là HCM đã chính thức tìm lại người vợ xa xưa của ông tại Trung Quốc, thì lỡ có vài phụ nữ khác ở Pháp, ở Liên Xô, khi hay tin này, cũng đòi được nhìn nhận và được giúp đỡ thì sẽ phải giải quyết ra sao? Thật là chuyện tìm kiếm ấy không giản dị. Thế nên phải đình ngay công việc tìm kiếm kia lại. Và sau đó còn nhờ một nhân vật rất thân với HCM ở Trung Quốc là Chu Ân Lai tìm cách giải thích và khuyên bà vợ kia, nên vì lí do chính trị tối cao, mà thôi đừng nghĩ tới việc tìm cách được đoàn tụ với Nguyễn Ái Quốc nữa.

Sự kiện trên đây phù hợp với một lời kể khác trước đây nhiều năm, khi ấy ở Hà Nội người ta bàn tán về việc nhà báo Trường Lưu là người nói thông thạo tiếng Trung  Quốc, được trung ương ủy thác lãnh trách nhiệm bí mật sang Trung Quốc để tìm kiếm dấu vết phu nhân của "Hồ Chủ Tịch". Người ta còn được biết rõ trường hợp bí mật tuyệt đối này đã bị lộ, bởi Trường Lưu trong lúc uống rượu say sưa với Phạm Huy Thông, đã khoe ra sứ mệnh đặc biệt ấy. Sau từ Phạm Huy Thông mà bị loan truyền rộng rãi. Và Trường Lưu sau đó bị âm thầm hạ tầng công tác.

Từ câu chuyện này mà đã có lời bênh vực HCM không phải là kẻ nhẫn tâm, bội tình, nhưng chỉ vì hoàn cảnh không thuận tiện mà thôi.

Nhưng vẫn còn thắc mắc là không biết con người cách mạng HCM thực sự có tâm tư từ bi tử tế, thương người hay không, khi mà ông ta đã nhắm mắt làm ngơ để cho ân nhân của ông và của cả đảng cs VN bị xử tử khi đảng phát động phong trào đấu tố địa chủ để cải cách ruộng đất. Ðó là trường hợp của Bà Nguyễn thị Nãm, tức chủ nhân đồn điền Cát Thanh Long. Vụ này Hoàng tùng có nhắc tới với mục đích như muốn bênh vực HCM.

Hoàng Tùng kể:

"Thời gian từ lúc tiến hành cải cách ruộng đất đến lúc dừng là 3 năm. Khi đó tôi được dự họp Bộ chính trị, do đó cũng  biết được một số việc. Ðó là việc làm thí điểm cải cách ở đồng bằng và chọn đồn điền Nguyễn Thị Năm. Nguyễn Thị Năm tức là Cát Thành Long, có một người con làm trung đoàn trưởng ở cục chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong dịp Tuần lễ Vàng  có hiến 100 lượng vàng. Bà còn tham gia công tác của Hội phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đấn đó lần nào, các anh Trường  Chinh, Hoàng QuốcViệt, Lê Ðức Thọ thường hay ăn cơm ở nhà bà. Gia đình Nguyễn Thị Năm cũng giống như các gia đình Ðỗ Ðình Thiện, Trịnh Văn Bô giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp bộ chính trị Bác nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi. Nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa. Sau cố vấn Lã Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: "Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải". Và họ cứ thế làm. Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức khác của Ðảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo cách mạng tháng tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đấn năm 1953. Thế mà họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mấy ngàn người bị xử tử." ( Hoàng Tùng, tập ký đã dẫn)

Hoàng Tùng viết "Những kỷ niệm về Bác Hồ" như là để bênh vực cho HCM, nhưng nhiều người đọc xong thì đều đánh giá đó là tài liệu tố cáo những nhược điểm và những thảm bại của HCM một cách mạnh mẽ nhất! Hoàng Tùng còn cho biết lúc cuối đời, HCM đã trở nên "cáu gắt": "Có đồng chí muốn vượt Bác. Bác biết hết nhưng Bác không quan tâm; Cộng thêm những năm tháng đau ốm kéo dài (trên 3 năm), Có lúc Người cáu gắt cũng vì lẽ đó". (Hoàng Tùng, tài liệu đã dẫn).

Hoàng Tùng còn kể thêm những nỗi đau của HCM là sự hối hận vì gia đình bị tan nát. Về điểm này, cũng cần xem lại cách cư xử của HCM với ông bố của ông ta như thế nào.

"Lúc Nguyễn Sinh Cung bỏ vào Nam, chính là lúc cụ Phó Bảng Nguyễn sinh Sắc chưa thoát ra khỏi gia cảnh neo đơn túng quẫn, tang tóc khốn khổ cực kì bi thảm:  vào khoảng cuối năm 1900, bà Hoàng Thị Loan lâm bệnh. Ông Sắc nghỉ dạy học, đưa anh em cậu Cung (HCM) về chăm sóc bà Loan. Chưa lúc nào ông phải gian lao vất vả như lúc này. Ông vừa lo chạy gạo nuôi con, vừa chạy tiền lo chạy thuốc cho vợ... Mặc dù ông Sắc và bà con dân phố tận tình chạy chữa, nhưng bệnh tình bà Loan ngày càng nặng. Ngày 19 tháng 2 năm 1901, bà Hoàng thị Loan qua đời trong lúc ông Sắc, ông Khiêm vắng nhà... Trăm nỗi khó khăn đều dồn vào ông Nguyễn Sinh Sắc. Bạn bè dân phố lại góp sức giúp ông lo việc chôn cất bà Loan... Lo tang bà xong, chỉ năm ngày nữa là tết nguyên đán... Trong lúc đó, gia đình cậu Cung gạo tiền đều hết. Bà con dân phố và bạn bè gần xa, mỗi người một thứ  giúp gia đình cậu ăn tết. ..Không thể sống trong cảnh gà trống nuôi con ở nơi đất khách quê người, Ông Nguyễn Sinh Sắc phải đưa các con trở về quê là làng Hoàng Trù, Kim Liên..Bé Nguyễn Sinh Xin, em gái út cậu Cung vì đói sữa và thiếu mẹ, lại bị cảm nặng nên người gầy ốm và ít lâu đã qua đời.. Ông Nguyễn Sinh Sắc bàng hoàng trước sự bất hạnh của gia đình, ông đã ngoài 60 tuổi... Rồi nhờ cố công học và đi thi đậu phó bảng, rồi được bổ ra làm quan. Nhưng chỉ được làm thứ quan "thuộc viên", ông phải đưa gia đình vào ở tạm trong một trại lính cũ. Cha con ông tự làm lấy mọi việc. Không có điều kiện mua sắp thức ăn hàng ngày như các gia đình giàu có, ông hướng dẫn cho anh em cậu Cung mua tôm cá kho mặn, ăn dần như hồi xưa bà Loan vẫn thường làm... Nhưng làm quan được ít lâu, cụ Sắc bị nghi ngờ nên bị đổi đi làm tri huyện Bình Khê (1909), rồi lại bị cách chức về tội đánh hào lý, phải về Huế (Lúc này cậu Cung theo học ở Qui Nhơn ở nhờ nhà bạn của cha là ông Phạm Ngọc Thọ, thân sinh bs Phạm Ngọc Thạch...) sống trong tình trạng giam lỏng. Năm 1910, tòa án phạt cụ Sắc trở về làm thường dân. Cũng năm 1910 này Cậu Cung bỏ đi Phan Thiết bắt đầu cuộc đời phiêu bạt. Trong khi đó thì cụ Sắc vừa bị thất nghiệp, vừa đau khổ vì gia đình tan nát, túng quẫn nên đành lê thân già, lang thang cầu thực ở miền Nam với nghề bốc thuốc dạo. Trước tình cảnh bi đát như thế mà cậu Cung không thấy mình có bổn phận gì đối với bố. Năm 1929, Ông Sắc lâm bệnh tạ thế trong nỗi bơ vơ không con cái quanh mình. Chòm xóm lo chôn cất ông cụ tại Cao Lãnh..." (Ghi theo Vàng Trong Lửa, sách đã dẫn).

Thời ấy, chữ hiếu rất là thiêng liêng, nhưng HCM đã không nghĩ đến bổn phận con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Mà người cha đang trong tuổi  già và vô cùng đau khổ, người đã từng nuôi nấng anh em ông trong những hoàn cảnh tủi cực... Dù thế nào thì cũng phải thấy cụ Nguyễn Sinh Sắc trong hoàn cảnh đó, là một người đáng thương hơn đáng ghét. Và sự việc HCM nhẫn tâm bỏ mặc người cha đáng thương ấy để ra đi lo tìm tương lai cho riêng mình thì sao tránh được tội của một đứa con bất hiếu.

Về mặt này thì rõ ràng là HCM không phải là người quan tâm tới bổn phận "tề gia..."

SỞ TRƯỜNG GIAN XẢO

Nhìn từ khía cạnh hành động thì cuộc đời  HCM mang tính trình diễn thuần túy chính trị. Từ những suy nghĩ được nói ra cho tới việc làm được phô trương, từ cách dùng người của HCM, tới những bố trí về nhân sự và về tổ chức guồng máy hành chính, tất cả đều cho thấy HCM có một tư tưởng muôn mặt. Vì tất cả đã tạo thành là một hệ thống phức tạp biểu hiện tính vô nguyên tắc. Bởi toàn là những "giải pháp của tình thế", thực sự là một hành trình đầy mâu thuẫn: sẵn sàng dẫm lên mọi nguyên tắc, mọi đạo lý, miễn là đạt tới sự thành công dù chỉ là giai đoạn cho chính mình. Trong quá trình ấy, HCM đã rất lăng xăng, xông xáo nhưng cũng chỉ được đặt vào vị thế của một cán bộ thừa hành của Quốc Tế cộng sản. Thế nên cần phải phân tích sự thật để tìm hiểu từ lúc nào và bằng những hành động như thế nào mà Nguyễn Ái Quốc (NAQ), từ vị thế một cán bộ cấp thừa hành đã nhẩy lên tới cấp lãnh đạo, qua mặt bao cán bộ cs VN ở trong nước đã được Quốc tế cs (Komintern) công nhận. (HCM chưa hề được Quốc tế cs giao cho một sứ mạng nào có tính lãnh đạo). Chính HCM đã nêu ra vị thế thừa hành có tính vô sản quốc tế này: "Theo quyết định của Ðoàn Chủ Tịch Ban Chấp hành quốc tế nông dân ngày 31 tháng 7 năm 1925, Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc được ủy nhiệm làm công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và các nước thuộc địa khác trong đó có Ðông Dương." (Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1980). Trong thời gian này, NAQ đã cặm cụi viết  hàng loạt tài liệu tuyên truyền với trình độ thấp dành cho nông dân, chứ không có gì mang tính tham mưu, kế hoạch, hay tổ chức. Trong những bức thư gửi cho các đồng chí cs ở Pháp, NAQ tỏ ra chán nản về các công việc này.

Sau này người ta được biết rằng HCM đã nêu ra mấy sự kiện và mốc thời gian mà ông ta cảm thấy "sung sướng nhất" trong cuộc đời làm cách mạng của ông qua lời kể của T. Lan trong cuốn "Vừa đi đường vừa kể chuyện" (Dùng bút hiệu T.Lan viết sách để ca tụng việc làm của "Bác" tức là chính ông ta!):

"Bác nói: từ năm 1918, Bác gửi thư cho hội nghị Vecxây (Hội nghị hòa bình giữa các nước dự cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất họp ở Pháp) tám khoản yêu cầu của nhân dân Việt Nam, đến năm 1920 - vào Ðảng Cộng Sản Pháp, đến năm 1924- dự Ðại hội lần thứ năm của Quốc Tế cộng sản và năm 1930- dự cuộc thành lập Ðảng cộng sản Việt Nam, đó là những ngày sung sướng nhất trong đời Bác". (T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, nxb Sự Thật xuất bản lần đầu năm 1963).

Cần phải phân tách kỹ mẩu tâm sự này đề thấy vấn đề. Tại sao HCM coi việc đi dự Ðại hội lần thứ năm của Quốc Tế cộng sản là một sự cố sung sướng nhớ đời, còn lần đi dự Ðại hội Quốc tế cộng sản lần thứ bảy thì không vui chút nào. Sự thật là vì năm 1924, khi đi dự Ðại hội lần thứ năm, NAQ được đảng cs Pháp cử đi như đại diện tham dự chính thức. Còn lần đi tham dự Ðại hội Quốc tế cộng sản kỳ thứ bảy, năm 1935, thì lúc đó NAQ đang trong thời kỳ bị Quốc tế cs gạt ra chầu rìa (Pierre Brocheux, Héméry, sách đã dẫn, trang 317). Vì NAQ chỉ có được vai trò tham vấn (A titre consultatif). Chi tiết này cũng do chính T.Lan nêu ra và nói rõ đại diện chính thức của đảng cs VN lúc đó lại là Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Nghĩa là NAQ cũng không được coi như đại diện cho cs VN! Ðây là một vố rất đau trong cuộc đời hoạt động chính trị của HCM.  Còn về một ngày vui nữa "nhất trong đời Bác" như T.Lan kể thì đó là ngày 3-2-1930, ngày mà nhiều nhà nghiên cứu coi như là ngày quyết định nhất trong sự  nghiệp chính trị của HCM, vì đó là ngày thành lập đảng cs VN. Một ngày đánh dấu một hành động quan trọng, táo bạo và sôi nổi của HCM.

Trước hết ta hãy nghe chính HCM kể rất giản dị nhưng không phải là không có chi tiết đáng chú ý như sau, qua bí danh T.Lan trong tập sách đã dẫn:

"Nóng ruột, Bác bí mật trở về Trung Quốc và mời đại biểu ba phái đến đến Hương Cảng họp hội nghị. Ðến dự có Bác, và các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh, Nguyễn Ðức Cảnh...

Ðể giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh "ma chược" ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng. Sau mấy buổi bàn cãi sôi nổi, đến ngày 3 tháng 2 năm 1930 (vào dịp Tết âm lịch) ba phái đều đồng ý thống nhất thành Ðảng cộng sản Việt Nam. Mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. Ðể chúc mừng Ðảng ra đời, Bác đãi một bữa Tết Nguyên Ðán vừa tiết kiệm, vừa linh đình."

Nhưng tại sao lại sôi nổi? về chi tiết này thì Hoàng Tùng ghi lại khá rõ mặt trái lai lịch trước sau cái vụ thành lập đảng cs VN này, mà đã đưa tới tình trạng NAQ không còn được Quốc tế cs tín nhiệm nữa: 

"Năm 1923, Nguyễn Văn Tạo là học sinh bãi khóa ở Sài Gòn, được sang Pháp học, được kết nạp vào đảng cs Pháp, rồi vào Trung ương ngay.

Nguyễn Ái Quốc không được bầu vào Trung ương. Bác làm ở ban thuộc địa. Ðảng cs Pháp cử 3 người trong đoàn Pháp sang Ðại hội VI Quốc tế cs, trong đó có Nguyễn Văn Tạo. Nguyễn Văn Tạo đề nghị là ở Ðông Dương điều kiện đã chín muồi, đề nghị cho lập đảng cs. Sau đó mới tác động tới nhóm Bắc kì Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong sắc, Nguyễn Ðức Cảnh, ba người hăng hái nhất lập ra Ðông Dương CS đảng, đề nghị giải tán Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội. Việc đó chính là phê phán NAQ, hay gọi là sửa sai đối với NAQ. Nhưng Bác vẫn im lặng tìm cách sửa sai việc đã rồi. Vì ba tổ chức tìm cách chống nhau, gây chia rẽ. Sau Lê văn Lưỡng nói với tôi là khi Bác về, Trịnh Ðình Cửu có hỏi Bác giấy ủy nhiệm Quốc tế CS, vì Bác nói là Quốc tế cử về. Bác trả lời: "Ðồng chí thử tưởng tượng xem, nếu tôi mang trong người giấy ủy nhiệm của quốc tế cs thì liệu tôi có về được đến đây không?". Trong số những người dự hợp nhất ba tổ chức cs có Lê Hồng Sơn (Ðông Dương cs đảng)... Người sáng lập An Nam cs đảng là Hà huy Giáp, nhưng anh theo quan điểm công nông, đưa công nhân lên là chính, nên mới đưa Hạ Bá Cang lên. Hạ Bá Cang, Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm được cử đi dự hội nghị hợp nhất. Nhưng Hạ Bá Cang bị bắt ở Hải Phòng nên không dự được. Ðại diện cho Bắc Kì là Trịnh Ðình Cửu và Nguyễn Ðức Cảnh. Bác đưa ra Chính cương vắn tắt và điều lệ vắn tắt, thật sự là Bác đã trở lại đường cách mạnh với ba mục tiêu: Ðộc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc..."

"Bác là nhân viên thường ở ban thuộc địa. Sau đó Bác nhận làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ. Nhưng người rất chán. Ðại hội lần thứ VII của Quốc Tế cs, Bác không có cương vị gì cả. Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng  ta họp trước đó, bầu Bác là ủy viên dự khuyết, và còn ghi rõ chỉ công tác ở nước ngoài. Chính vì thế nên Bác không có tên trong đoàn đại biểu  của Ðảng ta sang dự Ðại hội lần thứ VII của Quốc tế cs. Ðoàn đại biểu của Ðảng cs VN chỉ có Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong."

"Sau khi xin việc mãi không được, Bác xin về nước. Gần đây tôi gặp một trí thức VN, người này có gặp một nhà trí thức Pháp, họ nói Bác suýt bị hạ vì chuyện lôi thôi này" (Hoàng Tùng, tập ký đã dẫn).

Trên đây là sự tiết lộ rõ nhất về một hành động gian xảo táo bạo của NAQ, từ vị thế cán bộ thừa hành cấp thấp mà thủ trưởng là Borodine ở Viễn Ðông, chỉ được phép hoạt động lăng xăng bên ngoài nước, không có công lao, vai vế gì với các phong trào tranh đấu gian khổ đầy lao tù và hi sinh tánh mạng ở trong nước, đã bỗng nhiên từ một cấp ủy viên dự khuyết giả danh Quốc tế cs, nói là được cử về để làm trách nhiệm tiến hành việc thành lập lần đầu tiên Ðảng cs VN!

Nhưng ta cũng nên lưu ý tới phản ứng khá quyết liệt và gay go sau đó của Quốc tế cs. Phản ứng này được Hoàng Văn Hoan ghi lại trong cuốn "hồi ký cách mạng" của ông ta như sau: 

"Ngày 3-2-1930, ba nhóm cs VN dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch, chủ trương thống nhất cả ba nhóm thành một Ðảng Cộng SảnViệt Nam. Cuối năm 1930, Trung ương chủ trương đổi tên đảng cs VN thành Ðảng cộng sản Ðông Dương... Năm 1935, Ban chỉ huy ở ngoài của đảng cs Ðông Dương triệu tập một cuộc hội nghị ở Ma-cao để chỉnh đốn hàng ngũ đảng. Cuộc hội nghị này được gọi là Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng. Ðại hội đã bầu đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng bí thư Ðảng thay cho đồng chí Trần Phú đã hi sinh... Tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành lập... ngày 11-11-1945, đảng cs Ðông Dương công khai tuyên bố tự giải tán... Trung ương Ðảng đã ra quyết định triệu tập đại hội lần thứ hai của đảng. Ðại hội lần này có mấy điểm nổi bật, đặc biệt là việc thành lập Ðảng Lao động Việt Nam..." (Giọt Nước Trong Biển Cả,  nxb Tin Việt Nam, 1986, trích đoạn từ hai trang 354, 355)

Như vậy là trong mấy đoạn trên, Hoàng Văn Hoan đã nêu ra ba quyết định quan trọng của HCM, đều là ba lần làm phản lại chính sách của Quốc tế cs! Ba quyết định đó là (1): tự ý thúc đẩy thành lập "Ðảng cs VN", mà sau đó bị Quốc tế cs đã ra lệnh phải đổi lại thành Ðảng cs Ðông Dương! (2) Tự ý ra lệnh giải tán Ðảng cs Ðông Dương, (3) Tự ý công bố thành lập "Ðảng Lao Ðộng VN". 

Nhưng chính qua ba lần táo bạo làm trái ý Quốc tế cs này, mà HCM đã bộc lộ hết bản lãnh quỷ quyệt của ông ta. Nhờ vậy mà ông ta vươn lên tới địa vị lãnh đạo! Cả lần ba quyết định táo bạo này đã làm cho chính Quốc tế cs bị mắc lầm nên đã không thừa nhận chế độ do Hồ Chí Minh lập ra. Phải chờ đến 5 năm sau, khi được giải thích rõ về những quỷ kế kia thì Liên Xô mới cùng Trung Quốc chính thức thừa nhận chế độ cs ở Hà Nội của HCM. Sự thực thì nhân dân lúc đầu không hề ngờ là chế độ ấy sẽ trở thành chế độ cs độc tài toàn trị.  Bởi cuộc khởi nghĩa ấy thành công là do công lao của toàn thể người Việt yêu nước trong đó có rất ít người là cs. Nhưng rồi sau, đảng cs VN cướp công. Nhờ đó, mà bản thân HCM đã đạt tới chỗ thành danh và thành công, vinh hiển. Rất nhiều cán bộ nòng cốt của đảng cs VN đã biết đòn gian xảo này của HCM, mà họ cho đó là một sở trường của "Bác Hồ".

Nhưng tại sao cái tên Nguyễn Ái Quốc mang tính biểu tượng rất cao ngạo ấy mà HCM ưa thích và đã dùng trong thời gian khá lâu, sau lại bị thay thế một cách không thương tiếc y như cởi bỏ y như một chiếc áo ngoài đã lỗi thời?

Về thực chất, hai danh xưng mới "HCM" và "Ðảng Lao Ðộng VN" thì  chỉ là hai mặt của con bài tẩy đã  "tháu cáy" thành công trong ván bài lịch sử của HCM: ở ngoài nước, cái tên Nguyễn Ái Quốc ngay từ đầu, đã bị Quốc tế cs đánh giá là kẻ có đầu óc tư sản và theo dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, chưa giác ngộ cách mạng vô sản quốc tế, mở miệng ra toàn là nói tới nào là chủ quyền, độc lập, nào là tự do hạnh phúc. Nay với cái tên HCM thì được giới thiệu như một người cs thuần túy. Còn ở trong nước thì nhờ dẹp cái tên Nguyễn Ái Quốc ấy đi nên đã trấn an và làm cho thành phần trung lưu và trí thức là những thành phần trong thực tế đang giữ vai trò chính trong xã hội, bớt đi sư e ngại đối với những gì là cs. Ðây là một quỉ kế đại qui mô vô cùng tinh vi: sự xuất hiện của HCM ở trong nước lúc đó hoàn toàn mang tính cách mà chính HCM gọi là giai đoạn "cách mạng dân tộc" nghĩa hoàn toàn vì độc lập tự do cho tổ quốc VN. Bởi HCM từ đầu đã dư biết đa số quần chúng ở VN không ưa gì chủ nghĩa cs, nên phải che dấu khiá cạnh cs đi, để kích thích lòng yêu nước của toàn thể nhân dân, mới mong có sự hưởng ứng toàn diện, để có thể cướp chính quyền. Ai đã sống những ngày cướp chính quyền ấy cũng như đã tham gia kháng chiến trong những năm đầu đều khảng định rằng lúc đó sự bồng bột vùng lên vì chỉ nghĩ tới cơ hội đất nước sẽ được độc lập, dân tộc sẽ được hưởng tự do... Vì thế mà đã chấp nhận mọi hi sinh, và đã phải trả những giá rất đắt. Ðó không hề là công sức của những người cs,  mà hoàn toàn do công những người vì quốc gia, dân tộc, chứ tuyệt nhiên không vì cái gọi là "xã hội chủ nghĩa" của cs! Dấu đi mặt thật cs lúc đó là một xảo thuật hết sức tinh vi của HCM. Lá mặt, lá trái của tư tưởng HCM là như thế.

Ðiểm lại hoàn cảnh chi tiết mấy sự kiện nêu trên cho thấy tất cả đó là những mưu trí vô cùng quỉ quyệt, cũng như tính tình và căn bản "đạo đức" của HCM trong hành trình tạo địa vị cho chính mình.

Cũng nên nhớ lại quãng đường từ 1918, từ khi hình thành danh xưng  Nguyễn Ái Quốc cho tới năm 1941, là năm lần đầu tiên đổi danh xưng ấy thành Hồ Chí Minh: khi tới Pháp và sau khi bị Pháp từ chối không nhận Nguyễn Tất Thành vào học tại trường Bảo hộ, nên mất hi vọng về nước làm quan, Thành đã may mắn gặp và gia nhập nhóm An nam Ái Quốc do cụ Phan Chu Chinh thành lập năm 1911 tại Paris, trong đó nổi bật nhất là luật sư Phan Văn Trường (Theo Pierre Brocheux và Daniel Héméry trong cuốn Indochine, La colonisation ambiguë - 1858-1954, édition la découverte, 2001, trang 300). Nhóm này soạn thảo ra những tài liệu tranh đấu đòi chủ quyền cho người Việt Nam và cùng ký tên bằng một danh xưng chung cho cả nhóm là Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn le Patriote). Nhưng rồi trong những tài liệu chính thức và theo các cuốn sách tự thuật về mình với các bút hiệu khác nhau, HCM đã tự nhận từ đó Nguyễn Ái Quốc là tên của riêng mình cũng như đã khảng định rằng: năm 1919, NAQ đã thảo ra "bản yêu sách của nhân dân VN để gửi tới hội nghị Vecsai...". Nhưng sau khi HCM qua đời, và nhất là trong thời kỳ gần đây, khi thấy có nhiều tài liệu ở Pháp nói rõ NAQ không phải là người viết ra "Bản yêu sách" nói trên, nên các văn kiện phải nói lại rằng NAQ chỉ là "người đứng tên". Trong cuốn Vàng Trong Lửa, do Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy tp HCM xuất bản năm 1990, nơi trang II-45 có ghi rõ:" Bản yêu sách gởi tới Hội nghị Versailles năm 1919, do nhóm này thảo luận, Phan Văn Trường viết tiếng Pháp, Phan Chu Trinh diễn ra tiếng Việt, và Nguyễn Ái Quốc đứng tên đem trao cho Hội nghị." Ðây chỉ là một chi tiết rất nhỏ về tâm tính muốn tự đề cao và kể công của HCM cũng như bản tính gian xảo của ông ta.

Nhân nói về NAQ hay HCM, thì cũng nên điểm lại sơ qua, để hiểu thêm về tính tự phụ cao độ của HCM, qua những cái tên mà HCM đã chọn trong những bước tha hương mưu đồ sự nghiệp của ông ta: đại khái như lúc bỏ quê cha, quê mẹ ra vào Nam tìm cách sinh nhai, HCM đã dẹp bỏ cái tên Nguyễn Sinh Cung do bố mẹ đặt cho ông, để thay nó bằng tên Nguyễn Tất Thành với ý chí khảng định sự ra đi này ắt phải thành công. Khi lên tàu Pháp làm bồi để có thể qua Pháp, thì lấy tên là Văn Ba. Ðấy cũng là cách xóa bỏ mặc cảm phải làm nghề hầu hạ. Tới Pháp khi được gia nhập nhóm Nguyễn Ái Quốc do Phan Chu Trinh lập ra thì liền lấy cái tên ấy hợm hĩnh ấy để khoa trương lòng yêu nước của mình. Ở Pháp, thì còn dùng cả tên thuần túy Pháp là Paul, ở Nga thì còn có tên là Line hoặc Nilovsky! Lúc sống khiêm tốn ở Nga, với nhiệm vụ thừa hành cũng như khi phải làm thư ký cho Borodine ở Viễn Ðông thì tạm thay thế cái tên Nguyễn Ái Quốc quá cao ngạo kia đi bằng tên Lý Thụy hoặc Hồ Quang. Nhưng trong khí thế hăng say mưu tạo địa vị lớn thì lại lấy cái tên không khiêm tốn chút nào: tên đó là Vương, vì lần này quyết làm ông vua cs. Ta hãy xem lại khúc phim HCM trịnh trọng chủ trì buổi họp chính thức thành lập "Ðảng cs VN" như sau:

"Cuộc họp tiến hành trang nghiêm, vì người dự ai cũng nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của nó. Ðồng chí Vương tức Nguyễn Ái Quốc ngồi giữa (!), nhân danh Quốc tế cộng sản (!!) tuyên bố lý do Hội nghị. Chỉ có uy tín, cương vị, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm và óc tổ chức của anh (tức HCM) mới tạo ra Hội nghị này, mới làm cho những ý kiến khác nhau cùng ngồi lại được để tìm chân lý và tiếng nói chung, mới chỉ được hướng đi tới cho phong trào. Ngồi bên phải anh là anh Nghĩa (tức Nguyễn Thiệu), và anh Việt (tức Châu Văn Liêm), đại biểu An-nam Cộng sản Ðảng. Bên trái là anh Chí (tức Trịnh Ðình Cửu), anh Trọng (tức Nguyễn Ðức Cảnh), đại biểu Ðông Dương Cộng Sản Ðảng. Ngoài ra còn có anh Lương (tức Hồ Tùng Mậu) và anh Ðỗ (tức Lê Văn Phan) là những người chuyên lo bố trí nhà ở, nơi họp, việc đi lại, thỉnh thoảng  dự một vài buổi họp để góp báo cáo về tình hình." (Bác Hồ trên đất nước Lê-nin, Hồng Hà, nxb Thanh Niên, 1980, trang 235).

Sau đó Vương đã loan báo đi khắp nơi việc thành lập này, kể cả gửi báo cáo cho Quốc tế cs.

Nhưng sau cuộc họp do "anh" Vương chủ tọa uy nghi như vậy, thì bảy tháng sau, tức tháng 10, "anh" Vương bị mất mặt vì có lệnh trên phải đổi ngay "Ðảng cs VN" thành "Ðảng cs Ðông Dương" và phải dẹp bỏ ngay bản "đề cương vắn tắt" của "anh Vương để thay thế bằng bản Luận cương chính trị do Trần phú thảo ra. Trong cuốn "Lịch sử" do nxb Giáo Dục, 1980 (Thời Lê Duẩn) có ghi rõ nơi trang 82 như sau: "Ðể thực hiện nghị của Quốc tế Cộng sản... tháng 10-1930 sau khi đổi thành đảng Cộng sản Ðông Dương, hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Ðảng họp thảo luận và thông qua bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Ðảng khởi thảo" Trong bản Luận cương này, Trần Phú toàn nói về nhân dân Ðông Dương, chứ không chỉ nói tới nhân dân Việt Nam như "đồng Chí Vương trong bàn "Ðề cương vắn tắt"...

Còn cái tên cuối cùng được dùng vĩnh viễn là Hồ Chí Minh! (Ta đây là người có ý chí cao nhất, và thông minh bậc nhất thiên hạ!).

Sách báo cs vẫn ca ngợi tính khiêm tốn của "Người", của "Bác": "Bác không muốn làm tổng bí thư... Bác không ưa sùng bái cá nhân... Bác không bao giờ nghĩ tới bản thân mà luôn luôn chỉ nghĩ mình vì mọi người...(!)

Mặt khác chính trong thời gian quân Tưởng Giới Thạch có mặt ở miền Bắc, HCM cũng đã bỏ thời giờ ra dịch cuốn Trung Quốc mệnh vận của Tưởng Giới Thạch để làm ra vẻ có lòng thành đi theo con đường cách mạng tư sản dân tộc của Tôn Trung Sơn, cốt để chiếm cảm tình của chế độ Quốc dân đảng mà thực ra HCM rất ghét.

Chính sách hoàn toàn xảo trá này đã được đảng cs VN chính thức coi như "mẫu mực" và được giải thích như sau:

"Người (tức HCM), đã kết hợp tài tình các mặt trận đấu tranh và đã nêu những mẫu mực về đấu tranh ngoại giao để phân hóa kẻ thù, lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng Giới Thạch để lần lượt đánh bại chúng, tạm hòa hoãn với bọn Tưởng ở phía Bắc, để tập trung lực lượng chặn bọn đế quốc ở phía Nam, rồi sau lại ký tạm ước với thực dân Pháp để đuổi quân Tưởng về nước và quét sạch bọn tay sai chúng..." (Lịch Sử, nxb Giáo Dục Tp HCM, 1986).

Cũng lúc đó là lúc HCM thành lập chính phủ liên hiệp các đảng phái, rồi sau khi ra tay diệt các đảng phái không chịu phục tùng ông ta, thì ông ta lại ra lệnh cho lập ra hai đảng chính trị mới là Ðảng Dân Chủ và Ðảng Xã Hội...Vì HCM biết đối với thế giới, một chế độ dân chủ chân chính phải mang tính đa nguyên, đa đảng! Nhưng cũng chính lúc đó là lúc HCM ra lệnh tận lực tiêu diệt các lực lượng chính trị của những người yêu nước không theo chủ nghĩa cs. Về giai đoạn này, các văn kiện của đảng bỏ qua, không đi sâu vào chi tiết, nên sau này nhiều người không thấy rõ tại sao và vào lúc nào chính phủ liên hiệp quốc gia đó đã biến mất, rồi chế độ biến thành độc đảng! 

Các đảng viên cs, cũng như nhân dân sau này, đều biết việc lập ra hai đảng Xã hội và Dân Chủ chỉ là một xảo thuật chính trị, với mục đích qui tụ nhóm trí thức không muốn vào đảng cs, nhưng lại muốn cộng tác với chính quyền. Mấy trí thức lúc ấy lầm tưởng vào hai đảng đó, họ có thể giữ lập trường độc lập đối với đảng cs VN, dĩ nhiên là không dám chống đối. Nhưng rồi họ cũng phải thấy trong mỗi đảng ấy, đều có một tổ "ủy đảng" của đảng Lao động, tức đảng cs, nắm việc quản lý hai đảng này.

Những hàng động xảo trá này đã cấy vào đầu óc đảng viên khái niệm "chính trị là mưu trí xảo trá" để rồi từ đó đảng cs VN nổi tiếng trong dân là một đảng chuyên dùng các biện pháp xảo trá làm sức mạnh nắm giữ tình hình và sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù.

Chính HCM đã dạy cấp thừa hành "những mẫu mực" tranh đấu như thế, từ việc lớn tới việc nhỏ: ta hãy nghe "Người" răn dậy cấp dưới qua mẩu chuyện sau đây: "Có lần tuyên truyền chiến thắng biên giới Cao Bắc Lạng, đồng chí Giàu cho đưa tin "đại thắng Bắc Cạn". Thực ra thị xã Bắc Cạn bị o ép, nên địch tự rút. Bác nghe được phê bình một cách dí dỏm: "Ông Giàu đánh trận Bắc Cạn giỏi quá! Rồi Bác dặn: "Khi tuyên truyền đừng nói quá lố. Thắng bảy chỉ nên nói mười. Thua mười chỉ nên nói bảy." (Vàng trong lửa, nxb Ban Khoa Học Xã Hội, tp HCM, 1990, trang II-52). Trong lịch sử nước ta, chưa có bao giờ có một ông vua nào dám thân chinh dạy quần thần cách nói dối trắng trợn đến như thế! Bởi từ cổ chí kim, các bậc tiền nhân đều biết: trên cho phép nói dối một, dưới sẽ tự động nói dồi mười. Bởi các cụ ta xưa rất lo tình trạng thượng bất chánh hạ tác loạn, nhưng nay "Bác" thì không, chính "Bác" răn dạy cán bộ, dạy dân dối trá. Rồi từ đó người dân rút ra kinh nghiệm là phải biết dối trá mới sống được!

Ðộc hại cho dân tộc là sự dối trá đó đã được coi như một niềm kiêu hãnh: vì nó đã được đồng hóa với trí tuệ! Ngay từ hồi đầu kháng chiến, dân chúng đã phải mỉm cười mỗi khi nghe những bản tin "chiến thắng" kết thúc với câu: "Quân ta vô sự". Từ đó nẩy sinh câu ngạn ngữ: "Nói vậy chứ không phải vậy!" Sự lật lọng ngay cả trên những hiệp ước, giấy tờ, cũng vậy. Ðảng viên của "Bác" kiêu hãnh tự khoe: "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN"!

Tôi còn nhớ một cán bộ đảng viên hãnh diện kể lại một giai thoại, rất được phổ biến trong dân gian, về cuộc "đấu trí tuệ" giữa Lê Ðức Thọ và Kissinger nhân khi đi họp hội nghị ở Paris: "khi gặp nhau lần đầu tiên,  Kissinger tới đưa tay ra bắt tay Lê Ðức Thọ. Nhưng liền sau đó rút khăn tay ra lau tay rồi bỏ khăn vào túi quần, ra điều bàn tay Lê Ðức Thọ không sạch. Ðồng chí Lê Ðức Thọ giận lắm, nhưng vẫn tươi cười: ông cũng rút khăn ra lau tay nhưng sau đó bèn vứt khăn xuống đất. Làm cho Kissinger hiểu là tay bẩn đến nỗi chiếc khăn lau đó cũng không thể dùng lại được nữa! Thế là ta đã thắng địch ngay cái bắt tay đầu tiên!" Những giai thoại "trí tuệ" thời chiến tranh kiểu đó nhiều lắm. Hai từ "trí tuệ" đã bị thời đại HCM hiểu như là thứ "láu cá, đểu cáng"...! (Thật ra thì không hề có cái chuyện bắt tay một cách ấu trĩ như thế. Lúc ấy tôi là nhà báo của miền Nam tới theo dõi ngay từ những giờ phút đầu tiên của hội nghị Paris về vấn đề hòa bình ở VN, việc gặp gỡ bao giờ cũng diễn ra nghiêm túc).

Vả lại từ khi ở Nga lần đầu, NAQ cũng đã tỏ ra rất mưu trí: ông ta dư thấy là đời sống công nông rất cơ cực, dân chúng chỉ mong có chút tài  sản riêng để mưu sinh qua ngày. Nhưng ông ta lại phục chính quyền sô viết đã biết dối gạt dân để nắm vững dân. Thế nên NAQ không ngớt ca ngợi chế độ Liên Xô. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Pháp, nhà văn André Gide và bạn hữu cánh tả, sau khi thăm Liên-xô và đã thấy tận mắt, tận tai cảnh sống cơ cực của người dân, nên khi trở về, ông đã công khai tuyên bố vì sự thực ở Nga không phải là thiên đường của công nông nên ông quyết định chính thức li khai với cs quốc tế.

Còn NAQ sau khi ở Liên Xô về thì đã hết mình, mặc sức viết báo, viết văn, làm thơ, làm vè ca ngợi Liên Xô: "Chẳng đâu như ở Liên Xô... biến người nô lệ thành người tự do"! Nhưng trong thực tế hai thành phần công nhân và nông dân ở Liên-xô cũng như sau này ở các nước cs khác, tất cả đều là thành phần phải lao động vất vả nhất, chịu thiệt thòi nhất vì phải sống trong những điều kiện thấp kém nhất cả về mặt chính trị cũng như đời sống: con cái họ ít được học hành, sự chăm sóc về sức khoẻ cũng rất là thô sơ. Nói chung thì trong chế độ "xã hội chủ nghĩa" nông thôn cho tới nay vẫn không được hưởng những thành quả kinh tế như ở thành thị. Trong cải cách ruộng đất, tiếng là để mang lại quyền lợi cho nông dân, nhưng thực ra nông dân đã bị mang ra làm vật tế thần trong cuộc  đấu tranh giai cấp một cách khốc liệt nhất. Qua các giai đoạn cải cách, rồi sửa sai, rồi chỉnh huấn khốc liệt, không ít nông dân đã phải tháo chạy ra thành thị để sống trong tình trạng chui lũi, không hộ khẩu. Họ phản bán rẻ sức lao động tại các chợ người để sống qua ngày.

Ðối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghiã, công nhân và nông dân là thành phần bị mắc lừa nặng nhất.

Nhớ lại trước đó, chính NAQ đã e dè, chủ trương trì hoãn cải cách ruộng đất "để kháng chiến xong đã", nhưng rồi sau thì chính HCM lại hết mình đốc thúc "cải cách ruộng đất" vì những mục đích chính trị, chứ không vì quyền lợi của nông dân ...

Vì những quyết định của HCM không bao giờ ngay thẳng, mà luôn luôn quanh co mang hậu ý trái ngược với lý do nêu ra ngoài mặt.

Những đảng viên cs lão thành nay mới dám nêu ra sự thấu hiểu lý do về cải cách ruộng đất, mà họ đã dấu kín trong lòng. Quyết định để cho cán bộ Trung Quốc chỉ đạo cải cách ấy là một biện pháp nhắm ba mục đích: một là cố lấy lòng Trung Quốc để xin chi viện cho chiến tranh, hai là tạo chế độ khủng bố tinh thần để thanh toán thái độ lừng chừng trong xã hội: sự sợ hãi chính quyền vô sản đã buộc nhân dân phải tăm tắp làm "nghĩa vụ" nộp thuế các loại, phải giao nộp đầy đủ con em đi nghĩa vụ quân sự... Từ lúc đó mới thực sự đưa cả nước tham dự vào chiến tranh. Một thứ chiến tranh  dành độc lập nhưng cốt để bành trướng chủ nghĩa xã hội. Thứ ba là mục tiêu vô cùng thâm hiểm. Biết chắc cuộc cải cách ruộng đất sẽ đi vào chỗ cực đoan, làm tiêu hao sinh mạng nên đã trao toàn trách nhiệm cho ê kíp của Trường Chinh. Ðây là sở trường dùng người của HCM. Các lần họp đại hội trước, HCM không dám nhận lãnh chức vụ tổng bí thư đảng là vì nể sợ Quốc tế cs. Trước đây, việc thúc đẩy lập đảng cs VN, HCM luôn luôn chỉ nói là mình tuân lệnh thôi. Ðây là đề phòng Quốc tế cs có phản ứng mạnh có thể đi tới khai trừ vì bất tuân lệnh, mạo danh Trung ương cs quốc tế. Nay thì lại lo khi có thực lực, Trường Chinh và phe trong nước sẽ trở thành quá mạnh. Việc cải cách ruộng đất là cái bãy chờ phe cánh Trường Chinh bị sa chân, để hóa giải quyền lực của phe này.

MA THUẬT  DÙNG  NGƯỜI

Biết bao nhiêu trí thức, cán bộ có trình độ đã lắc đầu le lưỡi khi bàn về cách dùng người của "Bác": là người có công nghiên cứu về guống máy điều hành quyền lực xô-viết ở Nga, HCM nắm vững các bí quyết chuyên chính quyền lực vô sản: không bao giờ cả tin vào những kẻ tỏ ra có trình độ và tài năng cao, hoặc là có nguồn gốc thuộc trí phú, địa hào. HCM luôn luôn làm ra vẻ khiêm tốn, luôn luôn nói sẵn sàng tự kiểm, tự phê. Và "Bác" đã nhiều lần tự phê để làm gương. Nhưng có bao giờ HCM tự phê về những sai sót nặng đâu! Trái lại HCM rất ghét và thù dai những kẻ dám nêu ra ý kiến trái ý "Bác". Trần huy Liệu thường chân thành bàn bạc như là người ngang hàng, có kinh nghiệm và trình độ trong lúc "chính quyền nhân dân" mới thành lập, thế là Trần Huy Liệu từ từ được xếp vào 1 góc kín đáo làm công tác cạo giấy, nghiên cứu và dạy học. Tạ Thu Thâu bị dẹp ngay sau khi gặp "Bác" mà dám nói câu phạm thượng: "Ngoài Bắc có cụ, trong Nam có tôi..." Thế là xong một đời hoạt động cách mạng của Tạ Thu Thâu. Nguyễn Sơn sau một thời gian làm việc và chịu sự kỉ luật khống chế của Mao, rồi về nước hay bàn ngang ra điều mình có kinh nhiệm quí ở Trung Quốc, đến tai "Bác", nên có lệnh: "Chú ấy giỏi nhưng xin mời chú ấy đi!" tức là đuổi Nguyển Sơn trở lại Trung Quốc. Trước khi chết Nguyễn Sơn còn oán trách: "Sai lầm thì phê bình chứ sao lại đuổi đi!".

Trong một buổi lễ khai mạc triển lãm về lịch sử đảng, khi đứng trước bức hình của cố tổng bí thư Hà Huy Tập, HCM mỉm cười nói một cách khinh bỉ và cay cú đàn em: "Chú này ngày trước cũng hay phê bình Bác lắm đấy!" Câu nói này là một trong những câu được truyền tụng trong dân gian để chứng minh tính tự phụ và thù giai của "Bác". Các chuyện kinh hoàng về cách dùng người của HCM cũng rất nhiều: bản thân Trần Văn Giàu đã nhiều lần giải thích tại sao ông ta bị "Bác" xếp vào xó tối của quyền lực. Bởi ông mang cái tiếng đã được đào tạo để trở thành cấp lãnh đạo. HCM có thói quen dung túng dùng người có vấn đề với "cách mạng" đặt họ vào vị trí "phó" để dễ sai khiến và ép buộc phải trung thành, còn  người được đặt  vào vị trí thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thì chỉ là hư danh. Tiêu biểu nhất là Phạm Văn Ðồng trong chức vụ thủ tướng.

Ở Hải ngoại có một người từng sống rất lâu năm trong thâm cung quyền lực ở Hà Nội, sau thoát ra tị nạn ở nước ngoài đã viết khá nhiều về "nghệ thuật dùng người của HCM" qua  hai cuốn sách mang tính bình dân để phản ánh "tài trí nham hiểm" của Bác. Ðó là tác giả Việt Thường.

Nói chung, HCM chỉ ưa dùng những ai biết tôn vinh ông ta, biết cúi đầu làm theo ý ông ta. HCM muốn luôn luôn nổi bật trong đám người chung quanh. Về mặt này "Bác" rất coi trọng vấn đề trình diễn bề ngoài. "Bác" muốn những người thân cận luôn luôn phải ăn mặc chỉnh tề, đàng hoàng. Trong khi đó thì "Bác" nổi bật trong y phục bình dân xuề xòa y như một nông dân mộc mạc. Thường khi cán bộ được lệnh mặc đồng phục mầu xẫm... để "Bác" xuất hiện trong y phục trắng cho dễ ăn ảnh.

Hồi ở Bắc bộ phủ, HCM thường dặn ông Vũ Ðình Huỳnh lúc đó trông việc lễ tân, mỗi khi hướng dẫn quan khách Pháp vào gặp "Bác" thì phải thắt cà vạt và quần áo phải là thẳng nếp. Phe cán bộ "rừng rú" thường than với Bác rằng Vũ Ðình Huỳnh vẫn cứ sặc mùi công tử bột Hà nội, áo quần lúc nào cũng lượt là thẳng trơn, mà lại còn lúc nào cũng sực mùi nước hoa Rêve d’Or... Nhưng "Bác" bênh: Ông ấy thích vậy thì kệ ông ấy. Kỳ thực thì HCM muốn gia nhân của mình phải như vậy thì mới là dễ đề cao tính giản dị bình dân của "Bác". HCM muốn luôn luôn được nổi bật qua hình ảnh một lãnh tụ bình dân, giản dị... bằng cánh giàn cảnh thật với  tâm lý tinh vi cao độ. Thế nên những người nhẹ dạ, dễ dãi rất xúc động khi được gặp "Bác". Phạm Khắc Hòe nhớ mãi mấy trái cam Bố Hạ mà "Bác" đã cho để mang về chia cho gia đình! Ở Paris có những trí thức vẫn bồi hồi khi kể lại lúc gặp mặt "Bác", dù chỉ ngắn ngủi thôi, nhưng với những lời thăm hỏi gia đình rất là xúc động. Nhà sử học William J. Duiker, tác giả cuốn Ho Chi Minh, đồ sộ bậc nhất ở Mỹ, trong đó ông xử dụng phần lớn nguồn tài liệu của đảng cs VN, đã phải dùng nhiều lần tới chữ "fascinated" (bị mê hoặc) khi nói về HCM. Trong cuốn Rồng An-nam, cựu Hoàng Bảo Ðại đã có nhận xét với kinh nghiệm cay đắng rằng HCM là "kẻ đóng kịch rất tài". Khi nhớ lại lúc tình hình quá gay go với Pháp ở Hà Nội, chính HCM đã tới thăm hỏi cố vấn Vĩnh Thụy với ngụ ý muốn trao quyền lãnh đạo để đứng ra thương thuyết với Pháp, nhưng cựu Hoàng đã ngây thơ do dự không dứt khoát khước từ ngay, nên bị nghi ngờ. Kết quả là cố vấnVĩnh Thụy sau đó bị mang sang bỏ rơi bên Trung Quốc!

HCM luôn luôn chú ý giàn dựng từng chi tiết để nắm thật vững kẻ thuộc quyền, nhưng lại rất đề phòng lo ngại những hành động phản phúc. Do đó mà công việc bố trí nhân sự thường là rất cảnh giác: luôn tạo thế đối trọng lẫn nhau: đối chiếu Trường Chinh là những con bài phòng hờ Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, biết Võ Nguyên Giáp không ưa Văn Tiến Dũng nên vẫn giữ Văn Tiến Dũng trong tầm tay... Vả lại giữ VănTiến Dũng dưới trướng cũng là để lấy lòng Bắc kinh nữa. Vì Bắc Kinh không ưa Giáp.

Cách bố trí các lực lượng võ trang cũng vậy: các lực lượng công an thuộc bộ nội vụ không mạnh bằng bộ đội thuộc bộ quốc phòng, nhưng lại có uy  chính trị hơn bộ đội. Nhưng lực lượng công an không phải là có trọn quyền hành, vì các cục bảo vệ lại thuộc về Bộ chính trị. Như thế cũng chưa an tâm vì lo an ninh cho thủ đô ngoài các lực lượng vừa kể với những ban chỉ huy biệt lập với nhau, còn có lực lượng phòng không có  nhiệm vụ bảo vệ đặc biệt nữa. Như thế vẫn chưa an tâm, chưa hoàn chỉnh trong chiều hướng dễ canh chừng nhau, dễ cầm chân nhau, nên ở vùng biên giới còn có quân chủng riêng được gọi là bộ đội biên phòng với bộ chỉ huy riêng biệt nữa. Ðấy là cả một khoa học cảnh giác mà thực chất là sự đa nghi còn hơn là thời của Tào Tháo. Ấy vậy mà vẫn có những chỉ thị cảnh giác trước những âm mưu lật đổ! Chuyện đảo chánh như ở Sài Gòn thời VNCH không thể nào xảy ra tại Hà Nội.

Về những nhân sự trong sinh hoạt chính trị trong và ngoài đảng cũng  được sàng lọc rất kỹ. Ngoài chủ nghĩa lý lịch khe khắt, còn có những tổ chức ngoại vi canh chừng nhau từ cấp thấp nhất cho tới cao nhất. Trong phạm vi cả nước thì có các đoàn thể đoàn ngũ hóa nhân dân. Cao hơn cả là tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc có nhiệm vụ ngăn chặn các phần tử chống đảng không được len vào hàng ngũ chính trị xã hội.

TƯ TƯỞNG

Các văn kiện do HCM thân chinh soạn thảo cho thấy ông ta để mắt uốn nắn tới tất cả mọi sinh hoạt của con người. Ông ta thường nhấn mạnh mình vì mọi người; Nhưng trong thực chất bao giờ cũng phải là mọi người vì "Bác". Bác là trên tất cả, Bác rồi mới tới Ðảng, rồi mới tới Nhà nước. Di sản HCM để lại cho mọi người là mớ lý luận rất chặt chẽ để tôn vinh sùng bái cái trật tự mà ông ta cho là bất biến ấy. HCM thường nhắn nhủ các cấp rằng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", phải dựa vào cái không bao giờ thay đổi để đối phó với mọi bất trắc. Ðó là nhỡn quang chung của người cs nhìn sự vật, để mà tin tưởng, để mà hành động. Nếp tư duy ấy đòi rằng chỉ nên nêu cái tích cực để tồn tại. Còn những cái tiêu cực thì che dấu nó đi, coi như không có. Lối lý luận đó đã tạo ra một nếp sinh hoạt làm cho chế độ luôn luôn có vẻ tốt đẹp, xã hội luôn luôn tiên tiến. Cái ta luôn luôn là tốt hơn, nhiều hơn cái xấu. Do đó mà lý luận luôn luôn  cách xa hiện thực. Thực tế thì khác khác hẳn những gì được phô trương ra ngoài.

Trong thực tế, xã hội HCM, thời đại HCM, là cả một thực tại bất công, gian xảo, bệ rạc, tùy tiện, nghèo túng, thấp hèn nhưng lại được đề cao như là trật tự, ổn định, là tiên tiến, anh hùng. Về mặt xã hội, nhân dân hiểu đó là một lá bài tháu cáy đại qui mô. 

Bao nhiêu nhà văn nhà báo đã rỉ rả đề cao những cái tiên tiến và anh hùng ấy trong mấy chục năm trường. Ðó là cả một nền văn chương xã hội chủ nghĩa lưỡi gỗ luôn luôn tự hào là vĩ đại. Ðói rách, mốc thếch, bệnh hoạn nhưng cũng cứ cặm cụi viết để ca tụng rằng đất nước ta rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu... cứ ra ngõ là gặp anh hùng... Nhưng hào quang đó không bền. Sự thật không bao giờ bị chôn vùi. Và chính người cs cũng có lúc phải nhìn ra sự thật như Tô Hoài, vào lúc hoàng hôn của cuộc đời đã cay đắng bêu ra quang cảnh Cát Bụi Chân Ai (Nxb Hội Nhà Văn in năm 1992), rồi là lúc Chiều Chiều (Tác phẩm do nxb Hội Nhà Văn in năm 1999) nhớ lại cái thời bệ rạc ấy mà "ngượng". Phải cảm ơn Tô Hoài đã ghi lại cho hậu thế biết thế nào là cuộc sống, là xã hội trong thời đại HCM. Cũng như  nhờ Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội hậu thế mới hiểu về những kinh hoàng, dã man của cải cách ruộng đất.

Sự thật thường thường bung ra nhiều nhất trong các sinh hoạt tư tưởng, nhẹ nhàng như trong các tác phẩm "ẩn dụ" qua mấy tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp... Ðôi khi mạnh mẽ hơn trong các tác phẩm "trực dụ" của Dương Thu Hương hoặc Phạm Thị Hoài... Cũng có khi chỉ thoáng qua những mẩu tâm tình trăn trở ngắn như trường hợp Nguyễn Khải.

Nguyễn Khải là người luôn luôn tỏ ra biết ơn "Bác và Ðảng". Khải từng khẳng định không có Ðảng thì không có nhà văn Nguyễn Khải. Ða số tác phẩm của Khải đều là sản phẩm đặt hàng do đi thực tế mà viết thành. Khải là kiện tướng tuyên truyền cái nhìn của Ðảng về công giáo, về Cao đài giáo, về Phật giáo... Nhưng vào một phút bừng tình thời cởi trói, Khải đã viết ra một thứ tùy bút tràn đầy sức mạnh của sự thật.

Trong đoản tùy bút "Nghề văn cũng lắm công phu", Khải đã nhận ra rằng:

"Viết cái thường ngày là văn học cũ. Viết cái phi thường là văn học mới. Viết về những hy sinh, những day dứt, những nỗi khổ đau của cá nhân là văn học cũ. Viết về những chiến công của tập thể, những hy sinh không tính toán cho tập thể là văn học mới. Ðọc lại những trang viết của tôi một thời mà tiếc cho những năm tháng đã sống vất vả, sống nguy hiểm, sống hào hùng rút lại chỉ còn là những bài báo nhạt nhẽo, không có một chi tiết nào là thật, không có một khung cảnh nào là ray rứt, gợi nhớ, không có một gương mặt nào cám dỗ, ám ảnh "...

"Còn như khi đọc sách trong nước thì máu tuyên huấn lại nổi lên, lấy các tiêu chuẩn chính trị của đương thời mà bình xét hay dở... Bao nhiêu năm trời cứ loay hoay tìm kiếm nền văn học mới, con người mới với những băn khoăn, những ngộ nhận, những đánh giá quá khích về nhiểu tác phẩm của bạn bè, tới lúc nhận rõ cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở thì đã già mất rồi."

"Sự sống đã bị chỉ huy, đã được qui định nên không còn là sự sống nữa. Nó lạnh lẽo, tẻ nhạt, mất đi mọi bất ngờ, mọi quyến rũ. Nó là cái bã của đời sống, và mọi thứ bã đều giống nhau."

... " Thực tế đã bị đẽo gọt, đã bị nhào nặn để trở thành một sản phẩm tầm thường, gượng gạo...Chất liệu thì quí hiếm và bền vững hí hoáy gò gẫm thế nào lại thành ra mặt hàng giả!"  (Sư già Chùa Thắm và Ông đại tá về hưu, nxb Hội Nhà Văn, 1993)

Tình trạng văn chương thời đại chịu ảnh hưởng tư tưởng HCM là một thứ văn chương bị "máu tuyên huấn" đẽo gọt thành thứ hàng giả đối chiếu với hiện thực xã hội. Ða số nhà văn đã vì miếng cơm, manh áo mà bị o ép thành văn nô. Nhưng rồi cũng có những lúc phải thức tỉnh. Bởi sức mạnh của sự thật cuối cùng sẽ bật ra từ mọi lương tri bị kìm kẹp, để rồi một lúc nào đó phải xả ra tất cả những gì đã bị dồn ép, che dấu, lừa gạt.

SỰ NGHIỆP

Guồng máy tuyền truyền của Ðảng và Nhà nước cs ở VN dĩ nhiên là đã ca ngợi quá nhiều về sự nghiệp vĩ đại của HCM mà phần lớn chỉ nhấn mạnh tới hai thành tích chiến tranh là đã chiến thắng "hai đế quốc Pháp và Mỹ". Nhưng hai cuộc chiến tranh này đã trở nên ác liệt bởi nhiều lý do mà chính HCM đã chọn lựa. Và vì hậu quả khốc liệt của nó về mặt con người và xã hội nên hai chiến thắng này đang bị thể bị hậu thế cân nhắc lại qua sự đối chiếu về những thiệt hại mà nhân dân đã phải gánh chịu với những di sản vẫn còn tác động tới ngày nay và sau này. Sự nghiệp đó do chính HCM đã nêu ra và giải thích: "Không có gì quí hơn độc lập, tự do". Nhưng rồi sau khi kinh qua bao thực tế phũ phàng nên đã phải nói lại thêm rằng : "Nước độc lập, mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì!" Tại sao lại phải răn dậy thêm một cách cay đắng như vậy? Lời răn dậy này chính là ngắm vào "đảng" bởi "đảng" từ khi cướp được quyền thì đã lừa dối dân nhiều quá, đã làm khổ dân nhiều quá.

Ngay từ những ngày đầu cướp được chính quyền, những người cs đã tỏ ra là một thứ kiêu binh tự khẳng định là một "đảng tiên phong, tiên tiến của giai cấp công nông" mà trong thực tế từ đó đến nay vẫn chỉ là giai cấp vì thiếu được học hành nên dốt nát về trình độ và tùy tiện về hành động. Thái độ kiêu căng tự phụ của đảng đã gây muôn vàn sai lầm và tội ác. Nhưng bản thân các giới cs lãnh đạo không chịu nhận trách nhiệm, mà đổ cho tập thể là "Ðảng". Bởi trong quyền lực của đảng cs, kẻ chủ động, có trách nhiệm thì luôn luôn dấu mặt. Ðó là nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách".

Thế nên ngay từ đầu, trước những sai lầm, tội ác chồng chất tử khi khởi nghĩa, tổng bí thư Trường Chinh đã nhắc lại lời HCM để báo động về nguy cơ lớn trước mặt: "Không sợ quân thù, chỉ sợ các đồng chí chúng ta làm bậy". (Trường Chinh, "Cách mạng tháng 8", viết ngày 29-8-46, trích từ cuốn Ðảng Ta, nxb Sự Thật, 1986, trang 57, tức là một năm sau khi cướp được chính quyền). Nhưng tình trạng sai lầm và tội ác ấy vẫn tiếp tục đến nỗi rồi chính HCM đã phải lớn tiếng nhìn nhận rằng:

"Ðảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít." (HCM, Báo cáo chính trị tại đại hội toàn quốc thú II của Ðảng Lao động VN ngày 11-2-1951,trong sách đã dẫn) Và ông ta lớn tiếng hô hào "Ðảng" phải sửa sai.

Nhưng rồi sau "đảng" vẫn cứ thế. HCM nhắc nhở hoài, Trường Chinh cũng vậy, nhưng vô hiệu. Rồi HCM chết, Trưởng Chinh cũng vậy, mà tình trạng đảng phạm sai lầm và tội ác ngày càng trầm trọng thêm. Nên tới lượt Lê Duẩn cũng phải khui ra những sai lầm và tội lỗi chồng chéo:

"Ðáng tiếc là hiện nay một số đồng chí chúng ta chưa nhận thức đầy đủ thực chất mối quan hệ giữa đảng, chính quyền với quần chúng nhân dân. Vì vậy ở một số nơi, đã có những hành động không đúng làm tổn thương đến mối quan hệ giữa đảng với quần chúng, giữa nhà nước với nhân dân, giữa đảng với chính quyền và ngược lại. Cần nhận thức sâu sắc rằng đối với một đảng cầm quyền thì nguy cơ lớn nhất cần phải tránh không những là sai lầm trong đường lối mà cả tệ quan liêu, mệnh lệnh, thói cửa quyền... làm cho đảng xa rời quần chúng, và làm suy yếu chuyên chính vô sản". (Trích Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở VN, nxb Sự Thật, 1976).

Xin lưu ý rằng dưới trào Lê Duẩn, toàn thể đất nước VN bị đảng cs tàn phá mạnh nhất và nhiều nhất. Mối nguy hại do Lê Duẩn nêu ra vẫn cứ phát triển đều cho tới ngày nay.

Sau tới lượt Nguyễn Văn Linh là người đã phải nói rõ ra nhiều nhất về những sai lầm cơ bản cũng như những tội lỗi của đảng:

"Chúng ta (tức đảng cs VN) đã đề ra những chủ trương chiến lược sai lầm trên các mặt cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa... duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp... sử dụng viện trợ và vốn vay nước ngoài lãnh phí đến nỗi ăn hết cả vốn... Ðảng viên mắc phải nhiều tiêu cực, thậm chí một số trượt dài vào vũng bùn thoái hóa, biến chất..."

"Những biểu hiện mất dân chủ, thiếu dân chủ còn đầy dãy khắp nơi, nhiều tiếng kêu oan ức của người dân vẫn chưa được giải quyết..." (Sách đã dẫn, trang 193, 198).

Cho tới nay, cứ mỗi lần có đại hội hay hội nghị của "đảng", thì cấp lãnh đạo lại làm ra vẻ cùng nhau ăn năn hối lỗi, và nêu ra đủ thứ sai phạm, tội lỗi... và kêu gào sửa sai. Nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy. Tại sao vậy? Bởi những sai phạm tội lỗi đó chỉ nêu ra một cách chung chung như chính HCM đã gọi đó là những "khuyết điểm", tức là những tội nhẹ. Chỉ cần phê bình kiểm thảo, lý luận là xong. Cải cách ruộng đất giết hại hàng vạn người: chỉ là khuyết điểm! Ðề ra chính sách "giá, lương, tiền" làm cả nước lâm nạn đói ngay trong thời bình: cũng chỉ là khuyết điểm! Bóc lột, cướp đất trắng trợn gây công phẫn khiến phong trào khiếu kiện nổi lên như giông bão khắp nơi: cũng chỉ là khuyết điểm.

Rồi tướng Võ Nguyên Giáp, lần đầu tiên đã phải nhìn nhận những "khuyết điểm" đó là "những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ" (Tư tưởng HCM, quá trình hình thành và phát triển, nxb Sự Thật 1993, trang 7) và hô hào phải đổi mới theo tư tưởng HCM! Nhưng cho tới nay, càng đổi mới theo tư tưởng HCM càng hỏng: tham nhũng vẫn tăng, các tệ nạn xã hội vẫn tăng, bất công xã hội vẫn tăng. Tại sao vậy?

Cũng chỉ tại HCM dạy sai cách sửa sai! Ta hãy nghe "Bác" dạy: "Có thể nói từ trước đến nay, Ðảng ta chưa bao giờ đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, to lớn và khó khăn như bây giờ. Trong tình hình đó, nói chung, cán bộ ta đều cảm thấy nhược điểm của mình là thiếu lý luận..." (HCM, Về Công Tác Tư Tưởng, nxb Sự Thật, 1985, trang 73). Ðoạn trích trên đây không phải là do "Bác" hiện về lúc này để thấy tình hình hiện nay là như thế. Ðấy là "Bác" đọc diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 7 tháng 9 năm 1957! Như vậy là thời nào tình hình cũng "phức tạp, to lớn và khó khăn" như thế cả. Mà lý do chỉ là vì "thiếu lý luận", nghĩa là theo HCM, chỉ cần gia tăng công tác lý luận là giải quyết được mọi vấn đề "phức tạp, to lớn và khó khăn"! Ở Hà nội, người ta gọi đó là thói "cãi chày, cãi cối", là "gái đĩ già mồm" cứ cãi phăng phăng đi là xong tuốt. Sửa sai như thế thực chất cũng chỉ là sự gian xảo. Lý luận để dễ chạy tội, đâu phải là sữa sai!

Trên thế giới, không có nước nào sửa sai các cơ chế, các quyết định, các biện pháp đang tác động bằng cách phát động phong trào "học tập và lý luận", ngoài các nước cs, dĩ nhiên.

Chính cái sở trường tận dụng sự gian xảo, quỉ quyệt ấy đã trở thành sở đoản: một đảng đã quá thấm nhuần tính gian xảo nên không còn có thể uốn nắn lại cho nó lương thiện được nữa. Hoàng Tùng còn kể lúc cuối đời, HCM thấy các cấp lãnh đạo trong đảng chia rẽ nhau nặng quá, bèn ra lệnh mỗi tuần họp nhau lại ăn cơm với "Bác" để ai có gì cứ nói thẳng ra với nhau. Mọi người đều tuân lệnh. Nhưng tới "chén" no say với "Bác" xong rồi về! Chẳng ai nói gì với ai cả. Thế là nhà chính trị đại tài, nhà tổ chức tinh vi của cách mạng, người đã tạo ra những thành tích "thần thánh"... đã lâm vào cảnh phù thủy không còn sai khiến được âm binh nữa. Cái sở trường xử dụng gian xảo đã trở thành sở đoản và nó vẫn còn tác hại tới ngày nay. Các "đồng chí" của "Bác" nay cứ than van không hiểu tại sao mà không cứu vãn được trật tự kỷ cương!

Bởi ngày nay, trong đảng người ta vẫn rất hãnh diện về những mưu thần trước quỉ của "Bác" mà họ đã noi theo. Họ viết sách kể công về những hành động ấy. Ðảng viên của Bác khoe chính mình là kẻ đã ám sát những nhân sĩ yêu nước của miền Nam: trên báo chí, nhất là trên tờ Công An, đảng viên của Bác khoe với hàng tít lớn: Chính tôi đã ám sát gs Nguyễn Văn Bông!  Chính tôi đã giết Trần Văn Văn...! Những thành tích lén giết người ấy tạo thành một nền tảng tội ác của chế độ. Tai hại cho đảng cs VN là đã bị dân hiểu quá mức: những lời đồn về các hành động tội ác của "đảng", của nhà nước thường được rỉ tai, phổ biến. Dân chúng tin rằng cái chết thảm khốc của vợ chồng Lê Quang Vũ-Xuân Quỳnh vì tai nạn xe gắn máy là một sự thanh toán tàn nhẫn vì Lê Quang Vũ đã cả gan dựng hài kịch để bêu giễu lãnh đạo. Còn cái chết của Ðinh Bá Thi cũng vậy: vì Thi đã bí mật tiếp xúc với CIA lúc làm việc ở Mỹ mà không thành khẩn báo cáo! Ðó là những lời đồn đại, nhưng dân tin là đúng. Vì "đảng" đã bị tai tiếng nhiều quá.

Trên đây chỉ là tóm lược rất khái quát quá trình lần lần đưa "đảng", đưa nhà nước chỗ tai tiếng suy sụp, đổ vỡ kể từ lúc "Ðảng cs VN" cướp được chính quyền tới ngày nay.

Tất cả những bài viết để răn đe sửa sai đảng cách đây mấy chục năm, nay đọc lại vẫn thấy y như là một đề tài rất thời sự.

Ðó là di sản mà HCM để lại cho thế hệ sau: một nước VN nghèo đói, lạc hậu, chậm tiến, suy đồi, tiếp tục bị tan rữa vì tham nhũng thối nát từ cả trong chiến tranh cho tới thời hòa bình ngày nay. Lý do chính là sự độc quyền về mọi mặt: lãnh đạo, quản lý, sửa sai... tất cả đều do một tay đảng đảm trách. Dân có óc châm biếm thể thao khen "đảng" có tài "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Nhưng phần di sản nặng nhất là sự sụp đổ của con người VN trong thời đại HCM! Bởi vì cái "con người mới xã hội chủ nghĩa" có lý tưởng cao, biết lao động có kỉ luật, có năng xuất, tự giác "mình vì mọi người" như HCM hứa sẽ tạo dựng ra chẳng hề thấy, mà chỉ thấy xuất hiện những thế hệ đảng viên đói khát, tham lam, giả dối, trắng trợn vơ vét và dâm đãng tới mức khủng khiếp nhất chưa hề thấy trong lịch sử VN. Tình trạng ấy đã đưa xã hội tới những tệ nạn thảm khốc nhất trong lịch sử VN: trộm cắp tràn lan kỉ lục, đĩ điếm cũng phá kỉ lục thời chiến vì đông hơn và nhỏ tuổi hơn. Tất cả, con người tiên tiến, cơ chế cách mạng, sản phẩm của thời đại HCM... toàn là thứ hư hỏng, khập khiễng, sửa đầu này là vỡ bể đầu kia. Tất cả những căn bản thường được truyên truyền quảng cáo là tiến bộ, là hiện đại đều chỉ là dối trá: từ trường học, nhà thương cho tới ngân hàng, bưu điện, xí nghiệp quốc doanh...toàn là hang ổ của bọn cán bộ đục khoét: làm ăn thì lỗ lã, nhưng cấp chỉ huy thì giàu lên rất nhanh.

Ðó là những căn bệnh phát xuất từ lúc HCM còn sống và tiếp tục được nuôi dưỡng cho tới nay: bởi HCM tin tưởng có thể xây dựng sự nghiệp vững bền trên sự xảo trá. Nhưng sự thực đó không phải là sự nghiệp mà  vẫn chỉ là sự xảo trá. Vậy mà lại coi đó là những cái bất biến theo tư tưởng Mác-Lê. Bởi vậy mà cả "đảng", cả dân, cả nước đều bị giam hãm triền miên trong sai, hỏng, mà sửa hoài vô ích.

Nếp sinh hoạt tha hóa không lối thoát của sự nghiệp ấy đã gây ra những trăn trở trong đảng và tạo thành thứ não trạng hội chứng hoảng loạn tâm thần lo sợ  "diễn biến hòa bình" và "âm mưu lật đổ".

Hoàng Tùng còn kể thêm nhiều nỗi đau khác nữa của HCM, như đã bị quốc tế cs không tin dùng. Rồi là vụ "nhiều nhân sĩ" được "Bác" mời ra cộng tác, sau "đều đã bị đấu tố"...chỉ vì "Bác" theo Trung Quốc quá nhiều trong cải cách ruộng đất, rồi lại theo Liên-xô là cứ xông thẳng lên lập chính quyền nhân dân, rồi lại phá bỏ ngay các phương thức sản xuất của tư sản vv...

Thật ra có những nỗi buồn và sự cáu gắt cuối đời ấy chỉ vì HCM đã nhận ra rằng kịch bản lãnh tụ của ông kết thúc không như ông mong muốn. Khi lớp son phấn lãnh đạo đã phai nhòa, vai tuồng lãnh tụ chấm dứt. Những hào quang phù du vụt tắt theo. Các đồng chí đàn em ông vì biết rõ ông, nên không còn kính nể ông nữa. Ông không cưỡng lại được định mệnh. Có thể ông đã linh cảm được điều ấy nên đã để lại trong di chúc ước muốn được trở về với cát bụi cỏ cây. Nhưng cũng không được. Thân xác ông cũng không được tiêu diêu miền cực lạc. Vì đàn em ông bắt thân xác ông phải nằm đó để làm kiểng cho chế độ. Bây giờ ông nằm đấy, bất lực, chứng kiến đất nước lột xác trong cuộc khủng hoảng triền miên về trật tự kỷ cương, tham nhũng thối nát. Sau khi đã có hòa bình, con cháu đảng viên của ông ở miền Bắc đua nhau tìm cách vào miền Nam vơ vét. Có khi họ chạy cả ra nước ngoài. Từ mấy chục năm qua, nay vẫn tiếp tục. Chỉ vì di sản ông để lại thảm khốc quá, đói nghèo và bất công quá. Dân chúng chán ngấy chế độ đại đồng xã hội chủ nghĩa do ông lập ra vì những bất công quá trắng trợn: trong đó các "diện chính sách" đều chỉ là sự phân biệt đối xử. Tem phiếu cán bộ lãnh đạo thì mua ở cửa hàng riêng, con cái cán bộ đảng viên đi thi được hưởng chế độ tính điểm riêng, đi kiếm việc làm thì chế độ lý lịch chỉ dành việc tốt cho con cái cán bộ. Ở cửa hàng mậu dịch cũng vậy. Ðến cái chết cũng phân chia giai cấp, cán bộ cấp cao được chôn ở nghĩa địa riêng. Tô Hoài đã mỉa mai, giễu cợt đau đớn khi kể mẩu chuyện một cảnh sống trong xã hội tiên tiến thời đại HCM nguyên văn như sau:

"Mới mùng bốn đã lao xao và gay gắt như mọi ngày trong năm. Mụ mắt cú vọ sắp hàng mua cá bể ướp lạnh đã đóng tảng trước quầy cửa chợ. Gần đến nơi, trỏ tay hỏi, cô mậu dịch bảo cá bán theo phiếu cán bộ. Mụ quay ra giữa hè mặt phừng lên, vỗ vỗ: - Cha tiên nhân cái này! Sao mày không đẻ ra cán bộ, chỉ đẻ thằng nhân dân! Cha tiên nhân ..." (Tô Hoài, Cát Bụi Chân Ai, sách đã dẫn, trang 252). 

Vì vậy mà nhiều đồng chí của HCM, mà bản thân đã dính dấp nhiều vào sự nghiệp của ông ta, nay cũng phải lo phủ nhận những phần di sản bi thảm ấy nơi họ để thủ thân, thủ thế, phòng ngày phải ra trả lời trước sự phán xét công minh của lịch sử và dân tộc. Một số đã bỏ chạy ra nước ngoài để mong thoát tội, nhưng không ít người vẫn tỏ ra còn mang bệnh quỉ quyệt xảo trá rất nặng.

Một vài Việt kiều tuy biết rõ "vấn đề" nhưng không muốn chối bỏ ông vì còn tiếc nuối hư danh mà chế độ cs của ông đã ban phát cho, nhưng họ rất "khôn", không một ai muốn mang của nả, tài năng về phục vụ hoặc sống trong chế độ như thế. Thực ra thì nay họ chỉ còn là những người yêu nước... ngoài. Nhưng dù bị mê hoặc tới mức nào thì họ cũng phải thấy là trong thực chất, tính sổ lại cuộc đời ông, chỉ còn lại một cá nhân đã vì địa vị mà phải nhẫn tâm bỏ rơi cả gia đình, vợ con; một nhà chính trị mang tiếng là xảo trá, quỉ quyệt chưa hề thấy trong lịch sử từ cổ chí kim của loài người...

Nhưng bấy nhiêu đó chưa đáng kể. Vì đường lối lập nghiệp bá của HCM đã là một bài học chính trị rất tồi tệ cho tương lai con cháu. Bởi những bộ óc thực dụng đã quá thấm nhuần nếp suy tính xảo trá, quỉ quyệt của ông nên đã lầm tưởng đó là tinh hoa, trí tuệ Việt Nam! Ðể rồi từ đó con người chân thật Việt Nam bị sụp đổ, căn nhà Việt Nam bị mọt ăn rỗng từ nền móng. Bao nhiêu tài sức, tiền của đổ ra để rồi xây dựng thành những công trình khập khiễng, mà  xét kỹ lại toàn là của giả, hàng giả.

Phẩm chất giả, pháp luật giả, công bằng giả, giáo dục giả, sĩ diện giả... Tất tật cả là do đạo đức giả của ông mà ra. Ông đã để lại cho con cháu cái xã hội tham nhũng thối nát này, với lớp người tham lam, xảo trá đang tràn ngập xã hội ngày nay... căn bệnh ấy không biết đến đời nào mới chữa trị cho xong.

Bởi vì tiền bạc, vốn liếng càng đổ vào VN thì lại càng tăng sinh lực cho tham nhũng, càng làm các tệ nạn xã hội thêm trầm trọng.

So với các nước đã dành được độc lập sau thế chiến thứ hai, VN là nước cho tới nay vẫn chưa thoát ra được tình trạng lạc hậu, nghèo đói, mà lại còn lo bị "tụt hậu"!

Lịch sử đã cho phép nghiệm chứng rằng sự gian xảo cũng như hận thù là thứ vũ khí vô cùng độc hại. Thường xuyên xử dụng nó thì nó hủy hoại lương tri ngay trong bản thân, cũng như trong đám người a dua chung quanh, trước khi nó có thể gây phương hại cho kẻ thù.

Tôi để thời giờ nhặt ra một số sự kiện trong lịch sử, trong xã hội để viết bài này không phải với mục đích lăng mạ. Tôi không phủ nhận nhân vật HCM là một nhà chính trị sắc bén hiếm thấy trên cõi đời này. Nhưng qua cuộc đời của ông, nhất là về những hành động chính trị xảo trá của ông, rõ ràng ông không phải là người có căn bản đạo đức. Ông không thể là bực chân nhân. Ông cũng như nhiều lãnh tụ chính trị nổi danh khác, như Napoléon, Hitler, Staline, Mao Trạch Ðông... đều là những người yêu nước theo phong cách riêng. Những tấm lòng yêu nước ấy phải được đánh giá một cách tỉnh táo để có thể rút ra những bài học lịch sử có giá trị cho hậu thế. Bởi mỗi di sản của những lãnh tụ chính trị yêu nước ấy, tất cả đều hàm chứa một phần tiêu cực hết sức bi thảm cho dân tộc họ.

Do cái di sản mà HCM để lại trước mắt như thế nên người ta phải nghi nhận rằng tư tưởng và sự nghiệp của HCM trong thực chất là một đại thảm họa của dân tộc VN.

Nay người ta lại dấy lên phong trào nghiên cứu, học tập tư tưởng, sự nghiệp HCM! Vấn đề là sự nghiên cứu, học tập này có dám đánh giá phần tiêu cực của di sản HCM hay không?

Liệu từ đó, những người cs hay chống cs có thể rút ra được một bài học nào có giá trị cho tương lai hay không? Nếu không giải tà quá khứ, nếu không gột rửa hiện tại cho hết những hậu họa của phần di sản tiêu cực ấy thì làm sao xây dựng được tương lai tươi sáng?

Thế nên, việc mang ra mổ sẻ tư tưởng và sự nghiệp HCM lúc này không biết đó là điều đáng vui hay đáng buồn?

TTV (11/2005)
Nguồn: http://huynh.tamh.free.fr/ho chi minh/001hochiminh.html
 

www.geocities.ws/xoathantuong