Sao vẫn cố tình ngộ nhận về "ba danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam"?

Phùng Hoài Ngọc (VNTB)
 

 – Năm 2014 chúng tôi đã đăng bài "Giải tỏa mấy ngộ nhận về 'Ba danh nhân văn hóa thế giới' người Việt Nam" trên trang VNTB và nhiều trang web, blog khác đăng lại.

văn nghệ
Hình chụp trang đầu tờ báo VN. TPHCM ngày 20/5/2017

Tuy nhiên gần đây vẫn còn khá nhiều nhân vật quan chức trên diễn đàn hoặc đài báo nhà nước vẫn cứ nhầm lẫn đàng hoàng vô tư. Hiện tượng ngộ nhận về "ba danh nhân văn hoá thế giới là người Việt Nam" vẫn không giảm, có khi lại gia tăng, đặc biệt khi nói về chủ tịch HCM.

Danh hiệu "danh nhân văn hoá thế giới" từ đâu sinh ra?

Báo Văn nghệ TP.HCM đăng bài viết của Nguyễn Xuân Ba "Chủ tịch HCM vĩ nhân của thế giới" vào ngày 6/9/ 2015, nhưng trên đầu trang báo ghi thứ Bảy ngày 20/5/2017 (?) trong mục Người tốt Việc tốt (?)

Đây là sự kỳ quặc nhất trong nghề làm báo, chỉ xảy ra trên tuần báo văn nghệ TP.HCM

Trong bài báo, tác giả Xuân Ba nằm mơ giữa ban ngày, viết câu xanh rờn như sau:

"Trên thế giới, chưa có một danh nhân nào lại được 88 quốc gia ra "Nghị quyết kỷ niệm" như Bác Hồ ta".

Nhưng sự thật, từ năm 1962, UNESCO bắt đầu nhận đề cử nhân vật và sự kiện, đến nay đã tổ chức kỷ niệm hàng trăm người và sự kiện. Anh ở đâu chui ra mà dám nói "chưa có một danh nhân nào"?

Chuyên mục Người tốt Việc tốt: ai cũng biết rằng chỉ đăng tin bài về những "người tốt việc tốt" vừa xuất hiện trrong cuộc sống thường nhật, mang tính thời sự. Cụ Hồ đã là quá khứ xa mờ. Có lẽ, bây giờ Sài Gòn không có "người tốt" để lấp chỗ trống, nhà báo Văn nghệ HCM bèn đưa ông Cụ vào đây.

Một tờ báo "văn nghệ" đàn em khác ở tỉnh lẻ – Tạp chí Văn nghệ Thất Sơn tỉnh An Giang số tháng 5.2017 trang trọng mở đầu đăng bài tổng hợp của TS.Nguyễn Phương An (anh này là giảng viên trường Đảng tỉnh):

"Các danh hiệu thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhân dịp 127 năm ngày sinh ông Cụ.

Đọc bài viết nói trên của Ts.Nguyễn Phương An, chúng tôi không khỏi kinh ngạc. Anh tiến sĩ này đã hào phóng và tuỳ tiện tấn phong thêm 28 "danh hiệu thế giới" nữa cho chủ tịch HCM.

Bởi vậy, chúng tôi thấy cần nhắc lại bài viết năm 2014 trên Việt Nam Thời Báo, tự nguyện đính chính thay cho các cơ quan truyền thông nhà nước cố tình im lặng không chịu cải chính với bạn đọc.

Danh hiệu "danh nhân văn hoá thế giới" từ đâu sinh ra?

Năm 1965 ở miền Bắc, một số tổ chức văn học ở Việt Nam tổ chức 200 năm sinh thi hào Nguyễn Du (1766- 1965), đài báo nhà nước Hà Nội bắt đầu nói về "danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du" được tổ chức "Hội đồng hoà bình thế giới" tôn vinh. (Sau này chuyển qua nói do UNESCO, tôn vinh là "Danh nhân văn hóa thế giới" (những năm sau này sẽ nói nhầm tương tự về Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh).

Gần đây, nghe nhiều thông tin từ nước ngoài cho rằng Việt Nam có sự ngộ nhận. Báo chí nhà nước làm ngơ, cố tình không xác minh và đính chính.

Chúng tôi phải vào cuộc tìm văn bản gốc của UNESCO. Rất may họ lưu trữ tài liệu rất đầy đủ và công khai trên mạng internet, kể cả đôi khi văn bản có nhầm lẫn sai sót cũng vẫn lưu giữ chứ không phi tang.

Sự thật UNESCO không cấp cái "danh hiệu" nào cả

UNESCO chưa từng trao tặng danh hiệu "danh nhân văn hóa thế giới" cho bất cứ ai cả.

Nếu là "danh hiệu" thì theo thông lệ của UNESCO, phải có một trong các dấu hiệu sau:

– Bằng chứng nhận, bằng công nhận, bằng tưởng lệ

– Huy chương, huy hiệu, biểu tượng.

Việc tổ chức lễ kỷ niệm như vậy đã được UNESCO thực hiện từ năm 1954. Từ năm 1962, UNESCO lên kế hoạch kỷ niệm từng 2 năm một. Việc chọn kỷ niệm ai hoặc sự kiện lịch sử gì là do các nước thành viên UNESCO đề nghị, UNESCO chỉ nhận hồ sơ hợp lệ thì chấp thuận và lên một danh sách chung theo từng năm, chuyển cho các nước thành viện UNESCO.

UNESCO chỉ lập danh sách những buổi lễ kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của các danh nhân do chính các nước thành viên UNESCO đề nghị lên. Nội dung thuyết minh công tích phẩm chất được ghi nguyên văn theo nước đề nghị. Đó là một trong những hoạt động hàng năm của UNESCO với mục đích thúc đẩy hiểu biết giữa các dân tộc. Điều này không giống như việc công nhận Di sản văn hóa thế giới, có bằng chứng nhận của UNESCO, công nhận xong có ý nghĩa lâu dài và được đầu tư bảo tồn, phát huy.

đại diện Unesco
Hình ảnh đại diện UNESCO trao bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể Ca trù.

Hồi đó chẳng mấy ai biết văn bản gốc của UNESCO ở đâu. Do đó người dân chẳng hề nghi ngờ các ông nhà nước đã dịch bừa, lại cố ý nói mập mờ về một cái danh hiệu "danh nhân văn hoá thế giới" không tồn tại.

Chúng tôi tìm ra tài liệu gốc của UNESCO sau đây và hiểu rõ hơn về qui cách, tiêu chuẩn việc kỉ niệm (liên quan Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minhh). Chính xác "danh hiệu" ấy theo tiếng Anh là "great personalities", tức "nhân vật nổi tiếng, kiệt xuất".

Nhân vật và sự kiện đều do các nước đề nghị lên, UNESCO chỉ việc đưa vào danh sách hàng năm, rồi gửi cho các nước thành viên LHQ để biết.

UNESCO không cấp cái "danh hiệu" nào cả.

Họ chỉ làm đầu mối trung gian, chuyển hồ sơ nhân vật đó cho các nước thành viên khác để tìm hiểu và khuyến khích tổ chức kỷ niệm (theo ngày tháng năm sinh hoặc năm mất vào các năm chẵn bội số 50 hoặc 100, nếu là danh nhân thì chỉ tổ chức sau khi họ đã qua đời). Riêng với quốc gia giới thiệu danh nhân, UNESCO có tài trợ một phần để tổ chức lễ. Bên cạnh đó, cơ quan UNESCO cũng tổ chức kỷ niệm riêng tại trụ sở của họ.

Báo chí tuyên truyền Việt Nam thường nói "Danh nhân văn hóa thế giới" (!). Đó là một sự hư cấu, khoa trương cường điệu, chuộng hư danh. Thực chất các nhân vật ấy chỉ là "danh nhân văn hóa" của quốc gia thôi, tuy rằng quốc gia ấy cũng không có hình thức gì xác nhận danh hiệu.

Nếu là "danh nhân văn hóa thế giới" thì bản gốc tiếng Anh ắt phải có tính từ đại loại như "Global", "World" hoặc "International" đứng trước danh hiệu của nhân vật và danh sách. Ba tính ngữ đó mới chỉ ra tầm đẳng cấp thế giới, khác với từ chỉ phạm vi quốc gia là "national".

Sự thật và hiểu lầm về việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh đã được UNESCO chấp thuận vào năm 1987, ghi vào nghị quyết. Tuy nhiên, vì những lý do nào đó (nhiều người Việt ở nước ngoài phản đối tới UNESCO), việc tổ chức lễ kỷ niệm này sau đó đã không được UNESCO đưa vào hoạt động chính thức.Việc này thể hiện trong văn bản của UNESCO năm 1989.

Nguyên văn Nghị quyết năm 1987 của UNESCO có ghi danh Hồ Chí Minh

anniversaries
Đây là trang đầu hồ sơ UNESCO danh sách kỉ niệm nhân vật và sự kiện năm 1989.

Records of the General Conference"

Twenty-fourth Session Paris, 20 October to 20 November 1987

(United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization: UNESCO)

Đây là trang đầu hồ sơ UNESCO danh sách kỉ niệm nhân vật và sự kiện năm 1989.

Centenary of the birth of President Ho Chi MinhThe General Conference,

Considering that the international celebration of the anniversaries of eminent intellectual and cultural personalities contributes to the realization of Unesco’s objectives and to international understanding,

Recalling 18 C/Resolution 4.351 concerning the commemoration of the anniversaries of great personalities and events which have left an imprint on the development of humanity,

Noting that the year 1990 will mark the centenary of the birth of President Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture.

Considering that President Ho Chi Minh, an outstanding symbol of national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the common struggle of peoples for peace, national independence, democracy and social progress.

Considering that the important and many-sided contribution of Chi Minh in the fields of culture, education and the lizes the cultural tradition of the Vietnamese stretches back several thousand years, and that his President Ho arts crystal–people which ideals embody the aspirations of peoples in the affirmation of their cultural identity and the promotion of mutual understanding.

Trong đoạn văn trên, UNESCO ghi rằng "Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam" (President Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture).

Lưu ý tính ngữ "Vietnamese" nói rõ nhân vật này thuộc phạm vi Việt Nam, không phải "quốc tế".

Bạn đọc cần biết rằng toàn bộ lời văn nói về phẩm chất, công lao của nhân vật đều do quốc gia đề cử tự viết, tự chịu trách nhiệm, UNESCO chỉ ghi lại nguyên văn (ông Võ Đông Giang, bộ trưởng biệt phái Bộ ngoại giao, chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam viết bản thuyết minh gửi tổng giám đốc UNESCO, ông Amadou Mahtar M’Bow ngày 14 tháng tư năm 1987). Nội dung này được chyển ngữ qua tiếng Anh như trên.

Dưới đây là bản tiếng Việt gốc do Việt Nam soạn:

"Nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1990).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam. Do vai trò và cống hiến vô cùng to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, và sự gắn bó cuộc đời họat động của người với sự nghiệp đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; do những đóng góp to lớn của người vào việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế lớn lao."

Lưu ý: Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện nghị quyết Unesco, Ban tổ chức đưa ra danh sách không có tên Hồ Chí Minh nữa.

Xem danh mục kỷ niệm các danh nhân và sự kiện lịch sử trong 2 năm 1990-1991 do UNESCO xuất bản năm 1989 ở trang 3. Đầu trang là những ngày lễ kỷ niệm tổ chức vào tháng 5/1990. Chỉ có 1 người và 02 sự kiện, không có Hồ Chí Minh.

MAY 19901. 100 anniversary of Labour Day (100 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5) : CHLB Đức

19. Merio de Sa Carneiro: Portuguese poet… (nhà thơ hiện đại người Bồ, sinh 19/5): Bồ Đào Nha

28. 100 anniversary of the founding of National Theater (Xây dựng nhà hát quốc gia): Costa Rica

  

Kết luận

Xét cho cùng, việc tổ chức kỷ niệm danh nhân/ sự kiện của các nước trên thế giới vốn là một hoạt động bình thường của UNESCO. Hoạt động của UNESCO làm vai trò trung gian trung chuyển đề nghị của một nước gửi đến tất cả các nước thành viên Unesco. Trước đây có lẽ Unesco cũng không coi trọng việc ấy lắm nên mới có những nhầm lẫn lung tung (như vụ Nguyễn Trãi văn bản danh sách 1978 ghi là thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức, văn bản 1979 mới sửa lại là ở Việt Nam) hoặc bất nhất, tuỳ tiện thay đổi (như vụ nhân vật HCM đã đưa vô Nghị quyết nhưng lại không đưa vào Danh sách thực hiện ?). Riêng Nguyễn Du, năm 2013 lần đầu được UNESCO đề cập trong danh sách kỉ niệm, nhưng báo chí Việt Nam lại nhầm lẫn với "Hội đồng hòa bình thế giới" kỷ niệm Nguyễn Du từ năm 1965.

Do hạn chế của thời đại thiếu phương tiện thông tin, các nhà nước cộng sản giữ độc quyền thông tin theo "định hướng", lại phù hợp với thói háo danh, hư danh và tuyên truyền trục lợi chính trị, nhà nước đã gây nhiễu, ngộ nhận và nghi ngờ cho dân chúng và toàn xã hội. Hi vọng thời đại "thế giới phẳng" với hệ thống internet hoành tráng sẽ không cho phép họ làm ăn như thế nữa. Điều kiện tiên quyết phải là trung thực. Lỡ nói sai thì cần phải đính chính sòng phẳng công bằng. Không nên vì lợi ích tuyên truyền mà làm trái với sự thật. Có thể gây phản tác dụng, muốn ca tụng hoá ra kết quả lại là "bôi nhọ".


Các bài viết của Ts. Nguyễn Phương An đăng trên tạp chí Văn nghệ Thất Sơn (An Giang).

1. "Anh hùng giải phóng dân tộc"

Danh hiệu này xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thể hiện trong Nghị quyết số 18.6.5 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua tại Khóa họp 24 tại Pari, ngày 20/10/1987-20/11/1987.

2. "Nhà văn hóa lớn"

Danh hiệu này cũng xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thể hiện trong Nghị quyết số 18.6.5 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua tại Khóa họp 24 tại Pari, ngày 20/10/1987-20/11/1987.

3. "Người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng"

Danh hiệu do nhà văn, nữ anh hùng Liên Xô Irina Lepsencô dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết của bà đăng trên báo Sự thật (Liên Xô) ngày 7 tháng 9 năm 1969.

4. "Người mácxít – lêninnít xuất sắc"

Danh hiệu do Xixana Xixan (Trưởng đoàn đại biểu Lào tại hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam và thế giới" nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu trên báo Nhân dân số ngày 21 tháng 5 năm 1980.

5. "Vị lãnh tụ anh minh"

Danh hiệu do Xixana Xixan (Trưởng đoàn đại biểu Lào tại hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam và thế giới" nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu trên báo Nhân dân số ngày 21 tháng 5 năm 1980.

6. "Người chiến sĩ xuất sắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản"

Danh hiệu do Lâm Bá Cừ (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết "Mừng đồng chí Hồ Chí Minh thọ bảy mươi tuổi" đăng trên báo Nhân dân (Trung Quốc) số ra ngày 19 tháng 5 năm 1960.

7. "Người vô song khó ai có thể sánh kịp, khó ai có thể vượt hơn"

Danh hiệu trong Xã luận báo Granma (Cuba) ngày 14 tháng 9 năm 1969.

8. "Nhà cách mạng", "Nhà cách mạng vô sản vĩ đại"

Danh hiệu này cũng xuất hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản, bài nói, bài viết, tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

9. "Người cách mạng vĩ đại nhất của thời đại ngày nay"

Danh hiệu do báo Sự kiện (Ấn Độ) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết số tháng 9 năm 1969.

10. "Chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho công lý"

Danh hiệu do L.N. Daicôp (Liên Xô) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài phát biểu được báo Nhân dân số ra ngày 19 tháng 5 năm 1996 đăng.

11. "Nhà hiền triết hiện đại"

Danh hiệu do tiến sĩ Átmet (Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO tại Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

12. "Anh hùng của thời đại", "Anh hùng của cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ của toàn thể loài người"

Danh hiệu do Báo Chiến sĩ tự do của Quân đội Ba lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết ra ngày 10 tháng 9 năm 1969.

13. "Người sáng tạo ra lịch sử"

Danh hiệu do Báo Chiến sĩ tự do của Quân đội Ba lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết ra ngày 10 tháng 9 năm 1969.

14. Người "thức tỉnh châu Á"

Danh hiệu do V. Đơtêrêcarôp dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên báo Mặt trận Tổ quốc (Bungari) số ngày 4 tháng 9 năm 1969.

15. "Tấm gương sáng cho tất cả những người cách mạng ở Việt Nam và trên toàn thế giới"

Danh hiệu do Ianôt Kađa (Hungari) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết "Điện chia buồn" đăng trên tạp chí Học tập số tháng 9 năm 1969.

16. "Người kiến trúc sư cao quý nhất"

Danh hiệu do Thời báo Đêli (Ấn Độ) số ra ngày 2 tháng 2 năm 1958 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

17. "Một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của châu Á"

Danh hiệu do báo Quốc gia (Ấn Độ) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên số ra ngày 5 tháng 9 năm 1969.

18. Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất… làm kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta

Danh hiệu do báo Lơ Fhigarô (Pháp) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết được đăng lại trên tạp chí Học tập số tháng 1 năm 1970.

19. "Nhà lãnh đạo chân chính"

Danh hiệu do Honđa Katruichi, phóng viên báo Asahi (Nhật Bản) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích lại trong Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Song Thành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, trang 185).

20. "Người tiêu biểu cho hình thức cao cả của sự đoàn kết mà chính nền văn minh cũng cần phải có"

Danh hiệu do báo Đoàn kết, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Italia dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xã luận ra ngày 5 tháng 9 năm 1969.

21. "Nhà chính trị có tầm cỡ"

Danh hiệu do Pinô Tagơliaduchi Pêrugia (nhà sử học Italia) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995).

22. "Người chỉ đường, người cha tinh thần của công cuộc giải phóng các dân tộc trong thế giới thứ ba"

Danh hiệu do Huari Bumêđiên (Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trích lại trong tạp chí Học tập số tháng 10 năm 1969).

23. "Nhà tư tưởng lớn"

Danh hiệu do Xalê A. Mathana (đại biểu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yêmen tại Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam và thế giới" nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

24. "Người bạn của tất cả các dân tộc đấu tranh cho tự do và độc lập"

Danh hiệu do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Xyri dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Điện gửi Ban Chấp hàng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 7 tháng 9 năm 1969.

25. "Vị thánh"

Danh hiệu do N.X. Khơrusôp (Liên Xô) dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Hồi ký", Rôbec Laphông, Pari, 1971.

26. "Nhân vật thần thoại"

Danh hiệu do báo Bình Minh (Pakixtan) số ra ngày 5 tháng 9 năm 1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

27. "Người cầm cờ vĩ đại nhất của cuộc đấu tranh giải phóng và tái sinh của nhân dân châu Á trong thời đại ngày nay"

Danh hiệu do báo Bình Minh (Pakixtan) số ra ngày 5 tháng 9 năm 1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

28. "Nhân vật kỳ lạ của thời đại"

Danh hiệu do David Halberstam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Ho, Răngđôm Haosơ, New York, 1971.

29. "Vĩ nhân của thời đại"

Danh hiệu do báo Tiến lên (Xry Lanca) số ra ngày 9 tháng 9 năm 1969 dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

30. "Nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được mọi người kính trọng nhất"

Ghi chú:

Tác giả bày tỏ bài viết này chỉ nêu ra các ngộ nhận mới nảy sinh từ tuần báo văn nghệ TP. HCM và tạp chí Văn nghệ Thất Sơn, An Giang. Về Nguyễn Du và Nguyễn Trãi, chúng tôi đã trình bày rõ trong bài báo "Giải tỏa ngộ nhận về ba danh nhân văn hóa người Việt Nam" đăng VNTB năm 2014, nay không nhắc lại.

June 25, 2017 · 2:27 pm
https://nhatnguyet2014.wordpress.com/2017/06/25/sao-van-co-tinh-ngo-nhan-ve-ba-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-nguoi-viet-nam/
 

www.geocities.ws/xoathantuong