OSS VÀ HỒ CHÍ MINH

DIXEE R. BARTHOLOMEW-FEIS
Dịch giả: Lê Lương Giang
 

Chương 6

Sau đảo chính: Tháng 3 và 4 năm 1945
 

Sau cuộc đảo chính của Nhật, OSS và GBT phải vật lộn tìm kiếm những cách thức mới để thu thập tin tức tình báo tại Đông Dương. Dù OSS và GBT có mối quan hệ căng thẳng ngay từ thời điểm biết nhau nhưng sự tham gia của Charles Fenn vào GBT đã tạo ra một kết nối quan trọng giữa hai tổ chức này, nếu không phải là những kết quả mà một trong hai bên lường trước được.

OSS vẫn nản lòng vì khó tiếp cận được với người của GBT và việc nó không thể kiểm soát được nhóm này. Đặc biệt, Lawrence Gordon và Harry Bernard tiếp tục bị chọc tức bởi những nỗ lực không ngừng của OSS nhằm kiểm soát họ và bằng những khoản trợ cấp ít ỏi mà tổ chức của Bill Donovan "phân phối". Dù OSS và GBT đều khó chịu nhưng cả hai bên cảm thấy sự cấp bách rõ rệt của công tác tìm kiếm những nguồn thông tin mới khi mà tác động của Chiến dịch MEIGO trở nên rõ ràng hơn. Trong những ngày sau đảo chính, cả hai tổ chức này nhanh chóng rà soát lại những lựa chọn của họ. Trái ngược với vẻ bề ngoài, mạng lưới của GBT không hoàn toàn sụp đổ, mặc dù Bernard và Fenn phải bắt đầu thiết lập lại nó với rất ít thông tin về tình hình của các điệp viên của họ tại Việt Nam. Còn với OSS, các điệp viên người Pháp dường như vân là lựa chọn khả thi. Đội Gorrilla đã nhảy dù vào vị trí quân Pháp rút lui, và Trung uý Ettinger đã có quan hệ với lực lượng của Sabattier. Nhưng với thực tế người Pháp rõ ràng đã bị đẩy xa hơn khỏi cuộc chơi, OSS buộc phải tìm những nguồn thông tin khác từ bên trong Việt Nam.

Trong tiểu sử Hồ Chí Minh và trong chính hồi ký của mình, Charles Fenn đã nhớ lại "những lời yêu cầu" khẩn thiết của cả Wedemeyer và Hải quân Mỹ vào ngày sau đảo chính.

Cả Wedemeyer lẫn Hải quân Mỹ đều lặp lại rằng họ cần các báo cáo thời tiết và thông tin về các mục tiêu, lực lượng phòng không và hoạt động chuyển quân của Nhật. Fenn sau đó được chỉ thị phải khởi động mạng lưới tình báo mới, sử dụng "người bản xứ nếu cần thiết!". Fenn đã suy tính về lựa chọn này, nhưng với ông điều khó xử không phải là liệu có nên sử dụng "những người bản xứ" hay không, mà là sử dụng những người bản xứ nào: "Trời mới biết có thể tin ai đó", ông tuyên bố.

Chắc chắn GBT không phải nhóm đầu tiên và cũng không phải nhóm cuối cùng quả quyết rằng không thể tin được người Đông Dương. Nhưng Fenn đã đi tới kết luận này dựa trên kinh nghiệm tập hợp thông tin tình báo trước đó của mình. Tháng 11 năm 1944, Fenn công bổ một tài liệu cho OSS có tên "Đông Dương thuộc Pháp - Tin tức tình báo về quyền lợi đặc biệt đối với MO". Trong báo cáo này Fenn tập trung chủ yếu vào người Nhật, người Pháp và tình hình tổng thể tại khu vực, nhưng ông cũng bình luận về người Việt Nam nữa. Theo ông, vào thời điểm đó, "người bản xứ" không "đặc biệt chống Nhật". Nhưng họ cũng nhận ra rằng người Nhật phải "chịu trách nhiệm về nạn khan hiếm hàng hoá, thuế má cao và các cuộc tấn công của quân Đồng Minh, bất chấp những luận điệu khôn ngoan của Nhật nhằm gắp lửa vào tay Pháp". Hơn nữa, Fenn báo cáo rằng "không thể bỏ qua nhận xét của người Pháp và người An Nam rằng về mọi mặt Nhật Bản đều thua kém Mỹ, cả về nguyên liệu và sản xuất thành phẩm. Điều này làm dấy lên thái độ "Làm sao người Nhật có thể chiến thắng với năng lực kém hơn như vậy?" Mặc dù điều này có thể lý giải cho tỷ lệ thành công thấp của người Nhật trong nỗ lực lôi kéo người Đông Dương vào sự nghiệp của họ nhưng Fenn đã đi đến một kết luận khác. Ông phát biểu một cách đơn giản rằng người Nhật thất bại vì "Người An Nam không muốn làm gì liên quan đến chiến tranh". Dựa trên giả định này, không khó để hiểu được sự dè đặt của Fenn trong sử dụng các điệp viên người Đông Dương.

Không có dấu hiệu nào cho thấy quan điểm của Fenn thay đổi trong hai tháng tiếp đó. Tuy nhiên, theo đề xướng của OSS tại Côn Minh, Fenn đã chất vấn "Jo-Jo", một điệp viên người Hoa của GBT, về khả năng sử dụng người Việt Nam "thâm nhập vào Đông Dương cùng điện đài". Không hề ngạc nhiên, Jo-Jo đáp rằng có lẽ họ nên tìm một số người Hoa làm việc này. "Thậm chí nếu có người An Nam sử dụng được điện đài thì chúng ta cũng không nên dùng họ", Jo-Jo nói. "Trước đây chúng ta đã thử làm việc này vì lợi ích của chính mình, thậm chí còn trang bị vũ khí cho họ. Nhưng khi chúng ta một lần nữa đồng ý công nhận Pháp là một cường quốc với nhà lãnh đạo là de Gaulle, thì chúng ta cũng phải chấp nhận không trợ giúp người An Nam".

Khi Fenn cân nhắc vấn đề tìm kiếm những điệp viên thích hợp trong những ngày sau cuộc đảo chính của Nhật, trong óc ông chợt loé lên câu chuyện mà Frank Tan đã kể cho ông vài tháng trước đó. Theo lời Tan, một phi công Mỹ - trung uý Rudolph Shaw, đã được "một số người An Nam" giải cứu khi máy bay của anh này rơi xuống Bắc Kỳ. Rõ ràng, Shaw đã được một người tên Hồ và cộng sự trẻ hơn của ông hộ tống tới Côn Minh. Fenn đã đặc biệt ấn tượng khi được kể lại rằng ông Hồ từ chối tiền thưởng và mong muốn của ông được gặp Chennault "chỉ vì lòng tôn kính". Nhưng Fenn không có may mắn nghe tiếp câu chuyện về ông Hồ bí ẩn đó. Rồi ông được biết Shaw sau đó đã hồi hương trong khi ông Hồ và cộng sự cũng ra đi. Dù hơi thất vọng, nhưng khi nghe câu chuyện này vào tháng Giêng năm 1945, Fenn cũng không cần quá bận tâm tới việc tiếp cận người Việt Nam: Vào tháng Giêng cuộc đảo chính của Nhật chưa xảy ra và mạng lưới của GBT vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, sau đảo chính, câu chuyện về người đàn ông tên Hồ luôn ám ảnh tâm trí Fenn.

Trong khi đó, vì mất liên lạc với người Pháp ở Đông Dương, OSS tại Côn Minh cũng bắt đầu tìm kiếm những con đường mới để tiếp cận thông tin trong khu vực này. Dù bị hạn chế hơn GBT bởi các quy định quan liêu cấm không cho dính líu tới Đông Dương, nhưng OSS đã từng làm việc với các điệp viên Việt Nam một cách hạn chế sáu tháng trước cuộc đảo chính. Chịu trách nhiệm trước tiên về những mối liên hệ này là thiếu tá Austin Glass. Như sẽ được nhắc lại, mối quan hệ của Glass với Fenn và GBT có phần căng thẳng, vì cho dù Glass không ngớt lời ca ngợi GBT, nhưng Fenn và Gordon vẫn tin rằng ông đang ngầm phá hoại mạng lưới của họ. Mỉa mai thay, mặc dù Glass không có vẻ như đang cố gắng làm điều đó nhưng chính sự cộng tác của ông với các điệp viên người Việt hơn là bất cứ nỗ lực nào nhằm phá các điệp viên người Pháp của GBT, đã mang lại cho OSS một lợi thế tình báo hơn hẳn GBT. Ba mươi năm lăn lộn tại Đông Dương và thông thạo cả tiếng Pháp và Việt của Glass đã khiến ông trở thành đại diện lý tưởng để tìm kiểm các điệp viên người Việt. Trên thực tế trong nhật ký công tác tại OSS của ông đề ngày mùng 2 tháng 9 năm 1943, Glass được giao nhiệm vụ "tìm kiếm các điệp viên chiến trường để tung vào Đông Dương và duy trì mối quan hệ mật thiết với các tổ chức ngầm của Pháp và của người bản xứ".

Hè - thu năm 1944, Glass đã tìm được 35 điệp viên người Việt. Một điệp viên có tên là "George", một thành viên xuất chúng của cộng đồng người Việt tại Côn Minh, cùng hai người khác được đưa tới Tsingtsi, cách Cao Bằng không xa. George được coi là có giá trị đặc biệt bởi mạng lưới bạn hữu rộng khắp của anh tại Bắc Kỳ. Glass quả quyết rằng George đã tổ chức một cuộc họp tại Đông Dương với một số "người bạn" và hướng dẫn họ nhiệm vụ và loại thông tin phải thu thập.

Glass cũng lưu ý những khó khăn mà các điệp viên tham gia vào mạng lưới này, như George, có thể gặp phải. Chẳng hạn, các điệp viên "buộc phải di chuyển bằng đường bộ, từ cơ sở bí mật này tới cơ sở bí mật khác".

Glass thậm chí còn ấn tượng hơn với "Jimmy", được mô tả như một người Bắc Kỳ "không biết sợ" xuất thân từ một gia đình giàu có. Được đào tạo tại Pháp, Jimmy đã đi khắp châu Á và, theo lời Glass, là "một người kháng Nhật kịch liệt và theo chủ nghĩa dân tộc An Nam mạnh mẽ". Hiển nhiên Jimmy khá nổi tiếng ở Bắc Kỳ và có thể liều lĩnh đi lại trong vùng. Glass công nhận rằng Jimmy đã "hoàn thành một số nhiệm vụ nguy hiểm", trong đó có việc anh đưa hai nữ nhân viên điện đài từ Nam Ninh tới Long Châu và qua biên giới vào Bắc Kỳ để vận hành "trạm điện đài" TR - I của chúng ta (OSS) tại vùng ven Hà Nội". Hai phụ nữ này được sĩ quan huấn luyện OSS mô tả là "cực kỳ thành thạo - nhanh nhẹn và chính xác". Khi ở Hà Nội, Jimmy có thể "thu thập các mẫu giấy tờ cá nhân, sách báo tiếng Pháp và tiếng Việt". Với sự giúp đỡ của Jimmy, 12 điệp viên mới người Việt đã được đưa tới Đông Dương trong tháng 7 năm 1944. Một nhóm 12 điệp viên nữa được đưa vào Bắc Việt Nam trong tháng 10. Cũng qua Jimmy, liên lạc với một điệp viên mới có mật danh là "Jean" được thiết lập. Người này theo Glass mô tả, có "mối quan hệ mật thiết với các đu kích bản xứ tại hai tỉnh miền núi phía bắc Bắc Kỳ là Hà Giang và Yên Bái".

Tháng 10 năm 1944 Glass viết cho cấp trên của mình, đại tá Hall, để hỏi thêm thông tin về việc huấn luyện thêm hai nhân viên điện đài người Việt, và lưu ý đại tá rằng hai người này đã chờ đợi từ tháng 8 để bắt tay vào "sự nghiệp của chúng ta". Ông báo cáo, các điệp viên đang làm việc cho ông ở ngoại ô Kweihsien phía Nam Trung Quốc đã bắt đầu gửi tin về từ ngày 13 tháng 10, và bổ sung, "những kết quả ban đầu có vẻ rất thú vị". Từ lá thư ngắn gọn của Glass, không thể biết rõ ông đã biết chính xác những gì về định hướng chính trị của các điệp viên của mình. Trong thư gửi Hall, Glass chỉ viết rằng dù ông không biết tên hai người đang chờ huấn luyện nhưng có thể liên lạc với họ thông qua "Ông Phạm Việt Tú hay Phạm Minh Sinh". Mặc dù Glass hầu như không hoàn toàn coi trọng mối quan hệ với Phạm Việt Tú (bí danh Phạm Tuân) vào thời điểm đó, nhưng Tú không phải là một điệp viên bình thường. Ông là phái viên của Việt Minh cử tới phái đoàn Mỹ và Pháp tại Côn Minh.

Cho dù những mối liên hệ đầu tiên giữa Việt Minh và người Mỹ chỉ bắt đầu từ đầu tháng 12 năm 1942, khi Việt Minh tới Đại sứ quán Mỹ nhờ giúp giải thoát Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù Trung Quốc, nhưng kết quả chẳng đáng là bao.

Tuy nhiên, điều này không làm tiệt tan những hy vọng của Việt Minh. Với niềm hy vọng tìm được một luật sư đồng cảm tại Mỹ Phạm Việt Tú rõ ràng đã theo dõi sát sao các phương tiện truyền thông và tiến trình chính trị của Mỹ. Ngày 29 tháng 8 năm 1944, ông viết thư cho Thương nghị sĩ bang Kansas Arthur Capper cảm ơn ông ta vì "đã quan tâm" tới Đông Dương. Trong thư Phạm Việt Tú nhắc đến một "thông điệp truyền cảm" của Capper mới được xuất bản, "kêu gọi thế giới chú ý tới cuộc kháng chiến dũng cảm của nhân dân Đông Dương chống lại quân xâm lược Nhật". Dù chỉ là một nhóm ít tiếng tăm trong chiến tranh, nhưng Việt Minh quan tâm đặc biệt đến các sự kiện thế giới bởi chúng có thể liên quan tới Đông Dương ở điểm nào đó trong tương lai gần.

Phạm Việt Tú đã thể hiện hiểu biết của mình đối với các sự kiện thế giới khi viết cho Thượng nghị sĩ: "Vì ngài đã quan tâm đến đất nước chúng tôi, nên chúng tôi cảm thấy rằng ngài muốn biết thông tin về các sự kiện ở Đông Dương và đặc biệt là những phong trào trong một đất nước đang đấu tranh vì các nguyên tắc tự do mà Liên Hiệp Quốc đã theo đuổi trong cuộc chiến chống lại chính thể bạo ngược". Dù Tú đã hứa rằng Việt Minh sẽ "tăng gấp đôi những nỗ lực (của họ)" chống lại quân Nhật bởi vì họ "được khích lệ mạnh mẽ bởi ý nghĩ rằng những nỗ lực mà trong đó tổ chức (của họ) tham gia đã được ghi nhận trong ấn phẩm của Capperl", nhưng Việt Minh không thấy kết quả xác thực từ trao đổi thư từ của ông.

Sự kiện tháng 10 năm 1944 không khác những gì đã xảy ra năm 1942: Phạm Việt Tú có rất ít cơ may giao thiệp với cả người Mỹ và người Pháp Tự do tại Côn Minh - những kẻ thấy ông và tổ chức của ông khá tầm thường. Tuy vậy, ông đã giới thiệu cho Glass những điệp viên có thể cho rằng cũng là người của Việt Minh. Glass đã đích thân gặp một vài người trong số điệp viên này, cuộc gặp đã dẫn tới một trong những tuyên bố đáng quan tâm nhất của ông: "Đêm nay (14-10-1944)", ông viết, "tôi đang gặp thành viên nổi tiếng nhất của dân tộc này tại Trung Quốc". Các nhà sử học hiện đại có thể nghĩ ngay rằng đó là Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cuối tháng 9 năm 1944 Hồ Chí Minh đã quay trở lại Việt Bắc, khu giải phóng của Việt Minh ở phía bắc Bắc kỳ. Dù Glass có vẻ như đã gặp người mà ông gọi là "người An Nam thân thiện" thì người ta vẫn chưa rõ cuộc gặp đó diễn ra ở đâu, khi nào và chính xác ai là người mà Glass đã gặp vào đêm 14-10-1944 đó.

Việc lập kế hoạch và công tác của Glass với người Việt Nam hầu như thuận lợi hơn bởi một giác thư của OSS viết vào tháng 10 năm 1943, chỉ một tháng sau bản nhật ký công tác của chính ông, chỉ thị cho ông "tìm kiếm" các điệp viên người Đông Dương cũng như người Pháp. Chủ đề đầu tiên của "Đề cương một kế hoạch cho Đông Dương" là tận dụng triệt để người Việt. Mục II của tài liệu này có tiêu đề "Chúng ta phải hoạt động bằng gì tại Đông Dương", nêu rõ:

May mắn thay, ở đó tồn tại một thứ vũ khí sẵn có dưới dạng Phong trào đòi độc lập của người An Nam, một trong những tổ chức mạnh mẽ và dữ dội nhất trên khắp châu Á. Phong trào này được biệt đến trong quá khứ với hàng loạt các cuộc khởi nghĩa đẫm máu, sử dụng khủng bố như một vũ khí chính trị và một chương trình phá hoại và kháng cự thụ động được thực thi một cách chu đáo và được tổ chức tốt… Người An Nam là những chiến binh dùng cảm, và năm 1918 hơn 50.000 lính An Nam ở mặt trận Tây Âu đã chứng tỏ những phẩm chất của mình như mô tả của một nhà quan sát là "dũng cảm, thông minh, bền bỉ, kỷ luật, nhẫn nại, tham vọng và một quyết tâm giành chiến thắng".

Với những đặc trưng này, mục III của giác thư có tên "Người An Nam có thể làm gì cho chúng ta" bàn về giá trị riêng biệt của người Đông Dương đối với sự nghiệp của Đồng Minh. Dù tác giả OSS của giác thư đã thêm thắt một số khía cạnh nhất định vào tài liệu này, nhưng cũng dễ hiểu tại sao Glass, và sau đó là những người khác, cảm thầy sử dụng người Việt Nam hiển nhiên là một lợi thế so với người Mỹ. Mục III biện luận:

Họ có thể làm tê liệt hàng loạt đội quân Nhật bằng cách tiến hành chiến tranh du kích có hệ thống trong vùng rừng rậm hiểm trở tại Nam Kỳ và vô số đồn điền cao su trên khắp Đông Dương. Mảnh đất màu mỡ nhất để tuyển mộ du kích là đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi mà thiên tai cùng với nạn nhân mãn đã khiến người dân trở nên cay đắng và bất an… Cuộc khởi nghĩa (Yên Bái) năm 1930, cũng như các cuộc khởi nghĩa khác, có đặc điểm là đánh bom và chiến tranh du kích. Những người yêu nước An Nam không lạ gì các chiến thuật phá vỡ đường dây liên lạc, phục kích các biệt đội nhỏ và mưu sát những lãnh đạo quan trọng.

Những mục còn lại của tài liệu đều mang tính chất cung cấp thông tin tưởng tự nhau; chúng bàn luận nhiều biện pháp khiến người Việt Nam quay lại chống Nhật và các loại tuyên truyền cả công khai lẫn phá hoại có thể sử dụng tại Đông Dương. Trong số những quan tâm đặc biệt là tuyên bố "Cách thức tuyên truyền hiệu quả nhất mà chúng ta có thể sử dụng là thuyết phục người An Nam rằng cuộc chiến tranh này, nếu Đồng Minh thắng, sẽ là phương tiện mà qua đó họ có thể giành được độc lập". Nhưng tác giả đã che giấu quan điểm chính trị và ngoại giao của mình với lời cảnh báo: "Bất chấp quan điểm của chúng ta về vấn đề liệu có nên tồn tại một nước An Nam độc lập và tự do hay không, thì đây vẫn là phương pháp nhanh nhất để khiến sức mạnh của Phong trào giành độc lập của người An Nam hướng tới mục đích của chúng ta". Kế hoạch này khuyến khích người Việt Nam giết càng nhiều lính Nhật càng tốt sao cho "không phải giết chúng ở nơi khác", nhằm đẩy nhanh chiến thắng của Đồng Minh và "tự do của người An Nam", mà điều này được lần lượt thực hiện dựa trên "số lượng quân Nhật họ có thể ám sát". Dù đã nêu rõ những lợi ích tiềm tàng của việc tận dụng người Đông Dương trong nỗ lực chiến tranh, nhưng tác giả cũng lưu ý rằng họ cần phải được huấn luyện "về nghệ thuật phá hoại".

Thêm nữa, "Kế hoạch cho Đông Dương" đưa ra ba gợi ý về việc làm thế nào có thể liên lạc với người Việt để bắt đầu trọng trách nhân danh Đồng Minh này. OSS có thể gửi thông tin tuyên truyền qua các đài phát thanh, sử dụng dịch vụ tình báo đối ngoại của Quốc Dân Đảng hay thuê những người cộng sản Trung Quốc. OSS đã tạo nhiều mối quan hệ, thường là gây tranh cãi, với những người cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến chung chống Nhật. Sẽ không khó khăn cho họ để một lần nữa tiếp cận Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) như một trung gian nhằm hướng tới những người cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong số những quan tâm đặc biệt lâu dài lại là những thông tin được cung cấp cho OSS về những người cộng sản "An Nam".

Những người cộng sản Trung Quốc có nhiều mối quan hệ hữu hảo với người An Nam. Năm 1931, khi giai đoạn cao trào, Đảng cộng sản (Việt Nam) có 1500 đảng viên trên 100.000 nông dân dù các con số không chính thức hiện nay có thể gấp năm lần như thế. Lãnh đạo của phong trào cộng sản An Nam này được huấn luyện tại Quảng Châu dưóỉ quyền điệp viên của Quốc tế Cộng sản Mikhail Borodin, ngoài ra ông còn được học hành đến nơi đến chốn tại Moskva và nhiều nước châu Âu. Ông được tất cả người dân An Nam biết tới với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Chu Ân Lai, "đại sứ" đảng cộng sản tại Trùng Khánh chính là đầu mối liên lạc tốt nhất trong mối quan hệ đó.

Mặc dù OSS không biết gì trong một thời gian khá dài nhưng Nguyễn Ái Quốc, người mà họ cho rằng đang theo đuổi sự nghiệp chống Nhật năm 1943, lại chính là người có một bí danh mới mà Fenn bắt đầu xem xét liên hệ một cách nghiêm túc cả trên cương vị điệp viên vào tháng 3 năm 1945. Nếu Fenn nhận ra điều này vào thời điểm đó thì mối quan hệ của ông với Hồ Chí Minh có thể đã khác.

Lần đầu tiên Fenn đề cập tới Hồ Chí Minh là tại một trong các báo cáo của ông vào tháng 10 năm 1944. Cùng những thứ khác, Fenn đã cung cấp hồ sơ cuộc đối thoại với tướng Chen, cố vấn quân sự cho George Wou tại Vùng Chiến thuật 4 Trung Quốc, trong đó ông đã khám phá ra ý tưởng làm việc với "những người An Nam". Chen đã từng bác bỏ ý kiến sử dụng người Việt bởi vì, "không một người An Nam nào giúp chúng ta chống Nhật mà không hy vọng chúng ta sẽ giúp họ chống lại Pháp, kể cả bây giờ hoặc sau này". Dù có vẻ kiên quyết phản đối, nhưng Chen cũng nói rõ tuyên bố trước đây của mình: "Một số người cộng sản trẻ tuổi có thể giúp chúng ta việc này. Hành động của họ trong FIC, như các điệp viên người Hoa đã báo cáo, cho thấy một hiệu quả nhất định và chủ yếu chống lại Nhật hơn là chống Pháp". Nhưng Chen lại một lần nữa nhấn mạnh ý kiến của ông ta: "Những người cộng sản này có thể có liên hệ với Diên An (căn cứ của những người cộng sản Trung Quốc) và do đó một vấn đề chính trị sẽ nảy sinh giữa Mỹ và Trung Quốc nếu chúng ta giúp họ".

"Có một", Fenn nói thêm trong báo cáo của ông về cuộc đối thoại đó, "người An Nam tên là Hu Tze-ming (nguyên văn) đứng đầu nhóm Chống xâm lược Quốc tế (Chống phát xít là người mà chúng ta có thể sử dụng được". Không rõ rằng liệu tướng Chen hoặc Charles Fenn có liên tưởng rõ ràng nhóm "những người cộng sản trẻ tuổi" với nhóm Chống xâm lược Quốc tế và Hồ Chí Minh hay không.

Trước tháng 11 năm 1944, Fenn đã hình thành quan điểm thăm dò của mình về những người cộng sản Việt Nam. Ông báo cho OSS rằng dù "Nhóm cộng sản dường như là xương sống của Đảng Cách mạng nhưng họ thiếu những vị lãnh đạo giỏi và không có đường lối về vai trò mà họ nắm giữ. Hình như họ nghĩ họ nên để người Nga dẫn dắt và rằng người Nga không muốn họ chống Nhật. Họ có liên lạc nhưng không quá phụ thuộc vào tham vấn của những người cộng sản Trung Quốc". Việc Fenn đánh giá tương đối thấp những người cộng sản và khả năng chống Nhật của họ có thể đã ngăn cản ông tìm kiếm người đã hộ tống viên phi công Mỹ về lãnh thổ của Đồng Minh. Quả thực, chính sự trở về an toàn của trung uý Shaw dường như là cầu nối cho cuộc gặp gỡ sau này của Hồ Chí Minh với những thành viên chủ chốt của cộng đồng Mỹ tại Côn Minh. Fenn sau đó đã gọi cuộc giải cứu Shaw là "chiếc chìa khoá thần kỳ mở toang những cánh cửa kiên cố".

Cuộc giải cứu cực kỳ quan trọng đó đã có kết quả khi, trong một chuyến trinh sát, Shaw - một phi công Mỹ thuộc phi đội 51 - buộc phải đáp xuống vùng ven Cao Bằng vào ngày 2 tháng 11 năm 1944. Trong "Từ Côn Minh về Pác Bó", Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải), một nhà tổ chức của ICP tại Côn Minh và Việt Bắc, đã nhớ lại:

Một hôm, tại Cao Bằng, một tổ chức cứu quốc (đơn vị) đã cứu sống một viên phi công Mỹ đáp xuống lãnh thổ của chúng ta do trục trặc động cơ. Anh là trung uý Shaw. Pháp và Nhật đang truy tìm anh, những các nhà cách mạng đã bảo vệ anh, đưa anh tới phòng làm việc của ông Phạm Văn Đồng tại vùng Nước Hai. Phạm Văn Đồng đưa anh tới gặp Bác. Shaw được đón tiếp chu đáo và rất vui khi gặp Bác. Anh nói rằng anh đã nghe những lời tuyên truyền bị bóp méo liên quan đến Việt Minh, và chỉ đến lúc đó anh mới nhận ra sự thật.

Ghi chép của Vũ Anh được viết năm 1962 có thể đã hơi cường điệu. Dù Shaw có thể rất vui khi được gặp Hồ Chí Minh nhưng vì người Việt nói tiếng Anh ở vùng rừng núi Bắc Việt Nam rất hiếm nên lúc đó anh không thấy có gì đặc biệt quan trọng trong cái tên hay người đàn ông đó. Shaw lại càng không thể biết được bất cứ điều gì về tổ chức Việt Minh. Có lẽ anh đã được dặn dò, như hầu hết các phi công, là nên đề phòng những người Việt Nam vì họ có thể mang anh đến nộp cho chính quyền Pháp hoặc Nhật để lấy tiền thưởng mà Nhật rêu rao. Vì vậy, người ta có thể nói rằng việc được các cán bộ Việt Minh đối xử tử tế đã khiến Shaw "nhận ra sự thật" về Việt Nam nói chung. Sau này anh mới khám phá ra nhiều điều khác về Việt Minh.

Khi còn ở Côn Minh Shaw đã công bố một số thông tin, trong đó có một quyển sách nhỏ dạng nhật ký có tựa đề "Một Đông Dương thực sự dưới con mắt trung uý Shaw" và một lá thư không đề ngày gửi một đại tá vô danh. Dù người ta cho rằng quyển sách đó là do Shaw viết nhưng cấp trên của anh lập tức đặt dấu hỏi về tác giả thực sự của nó. Lời chú thích kèm theo từ cơ quan của Chennault cho biết thêm rằng Shaw không thể nào viết quyển sách đó và thậm chí "những suy nghĩ, ý tưởng và sự cải biên cũng không phải của anh ta".

"Trên thực tế", lời chú thích tiếp tục, "khó mà tin được chúng là của anh ta. Nhưng dù gì họ cũng làm được việc, và điều mà cuốn sách muốn bộc lộ nhất là… chúng ta (nên) liên lạc với những người này và làm những gì có thể". Các sĩ quan của Không đoàn 14 kết luận rằng người của Việt Minh đã viết hộ và để Shaw đứng tên quyển sách này - mà có lẽ tác giả chính là Hồ Chí Minh - nhưng bất luận tác giả là ai thì nhật ký của Shaw đã đem lại nhiều thông tin bổ ích. Nó cung cấp những chi tiết gây ấn tượng mạnh về việc Shaw hạ cánh và lưu lại với Việt Minh và về sự kiểm soát tình hình khôn khéo của họ, đồng thời cũng nêu rõ lịch sử cơ bản chính xác về Đông Dương thuộc Pháp.

Với thể văn xuôi rõ ràng và bản viết tay không một tỳ vết, cuốn nhật ký đã đan quyện những suy ngẫm với thực tế, mà một vài trong số đó có thể đúng là của Shaw, với những thông tin chắc chắn không phải của anh. Chẳng hạn, những đoạn đầu tiên trong nhật ký của Shaw giải thích việc hạ cánh của anh nhưng cũng thêm vào những thông tin quan trọng:

Ngay từ đầu cuộc chiến chống phát xít Nhật, tôi có lẽ là phi công đầu tiên của Đồng Minh tới Đông Dương để sống ở đó cả một tháng trời, để biết đôi chút về dân nước này và sau đó trở về căn cứ an toàn và lành lặn… Trước khi nhảy dù, tôi đã chỉnh máy bay của tôi sao cho nó sẽ hoàn toàn vô dụng nếu rơi vào tay kẻ thù. Ngay khi tôi chạm đất, một người Đông Dương trẻ tuổi bước tới mỉm cười, thân mật bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa cho anh ta 600 đô la Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận tiền và trông có vẻ bị xúc phạm. Tôi rất ngac nhiên với thái độ của anh ta và nghĩ có lẽ anh ta cho rằng ngần ấy tiền chưa đủ. Đó là một sai lầm lớn của tôi. Lúc đầu tôi nghĩ họ là những kẻ tham lam, nhưng trên thực tế hầu hết những người yêu nước Đông Dương lại rất đức độ. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền của chúng tôi, mà vì tình yêu thương và tình bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi đang chiến đấu không chỉ vì nước Mỹ mà còn vì tự do và dân chủ của thế giới, và cũng vì đất nước của họ nữa. Vì lý do đó mà họ coi bổn phận yêu nước của mình là giúp đỡ chúng tôi - những đồng minh của họ.

Cán bộ Việt Minh đầu tiên mà Shaw gặp không biết tiếng Anh, tuy nhiên bằng cử chỉ người ấy đã dẫn Shaw đến nơi ẩn nấp gần đấy. Tại đó Shaw gặp một nhóm thanh niên, và một cung cách đối xử với người Mỹ chân thành nhưng có khuynh hướng chính trị xuất hiện. Dù cả Shaw lẫn những thanh niên này đều không dùng ngôn ngữ của nhau nhưng họ bắt đầu giao tiếp. Shaw mô tả quang cảnh: Các cán bộ nói với anh, "Việt Minh, Hoa Kỳ! Việt Minh, Hoa Kỳ!". Và Shaw, làm theo họ, đáp lại "Việt Minh! Việt Minh?". Nhật ký của anh ghi lại rằng Việt Minh "rất hài lòng" với phản ứng của anh. Shaw dần học được cách lặp lại khẩu hiệu này trước mỗi lần được giới thiệu, và mỗi lần như thế, Việt Minh đều "rất hài lòng".

Trong khi ẩn náu cùng các chiến sĩ du kích Việt Minh, Shaw chờ đợi đầu tiên là lính Pháp sau đó là lính Nhật tới lấy đi máy bay của anh và lùng sục dấu vết của anh trong khu rừng và những ngôi làng gần đó. Shaw thuật lại những gì anh đã trải qua:

Trong 30 ngày chơi trò trốn tìm với quân Pháp và Nhật, những người yêu nước đã đưa tôi từ nói ẩn náu này đến nói ẩn náu khác. Họ cố gắng hết sức để tôi cảm thấy thoải mái. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu nếu có thể, dân làng, cả nam, phụ, lão, ấu đều tô chức những buổi gặp mặt bí mật để chào đón tôi. Khi người chủ toạ dứt lời, tôi luôn luôn đáp lại với một câu ngắn gọn và đon giản: " Việt Minh! Việt Minh!". Sau đó họ đứng dậy và đồng thanh nói. "Hoa Kỳ! Roosevelt! Hoa Kỳ!Roosevelt!". Các buổi gặp mặt kết thúc vớí những cái bắt tay thân thiện.

Mười ngày sau, Shaw nhận được lá thư từ Uỷ ban Trung ương Việt Minh chào mừng anh và thông báo "chúng tôi đã ra lệnh cho Căn cứ địa của chúng tôi tại Cao Bằng tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng ngài và hộ tống ngài ra biên giới Bắc Kỳ - Trung Quốc". Uỷ ban Trung ương đề nghị Shaw giúp xây dựng tình hữu nghị vững mạnh giữa Mỹ và Việt Nam. Nhiệm vụ này sẽ sớm được thực hiện dễ dàng hơn. Trong vòng vài ngày Shaw báo cáo, anh gặp một "nhà ái quốc" nói tiếng Anh. Ông đã mô tả tổ chức của mình và giải thích rằng con đường an toàn nhất tới lãnh thổ Đồng Minh thật không may lại là dài nhất. Vì rất ít người Việt Nam biết tiếng Anh vào thời điểm đó và căn cứ vào lời xác nhận của Vũ Anh rằng Shaw đã được đưa đến gặp Hồ Chí Minh ngay sau khi anh tới, có thể cho rằng người Việt Nam yêu nước mà Shaw đã gặp chính là Hồ Chí Minh. Ông cố gắng làm vơi đi nỗi sợ hãi của Shaw, đảm bảo rằng anh "tuyệt đối an toàn khi ở với chúng tôi (Việt Minh)". Có thể tưởng tượng được Shaw hẳn là đã cảm thấy bớt căng thẳng phần nào khi được nghe những lời dễ chịu này bằng chính ngôn ngữ của anh, nhất là sau chuyến hạ cánh khẩn cấp vào khu vực kẻ thù kiểm soát và sau những ngày chỉ biết giao tiếp bằng cử chỉ và khẩu hiệu. Trong nhật ký, Shaw đã thể hiện sự nhẹ nhõm của mình và sau đó chuyển sang những trải nghiệm hàng ngày. "Từ người bạn ấy", anh viết, "tôi bắt đầu biết được đôi điều về Đông Dương". Mười sáu trang tiếp theo trong cuốn "Đông Dương đích thực" thuật lại chi tiết lịch sử cai trị xấu xa của Pháp với một trình tự chính xác cuộc đấu tranh của người Việt Nam chống Pháp. Nó cũng thuật lại sự sụp đổ của Pháp năm 1940 và cuộc sống dưới thời Nhật, bao gồm cả việc chúng sử dụng đảng thân Nhật của Hoàng thân Cường Để. Cuốn sách kết luận:

Tóm lại, Đỏng Dương là một mảnh đất kinh hoàng. Nơí này không được hưởng tự do, hạnh phúc và các quyền lợi khác. Người dân bị vắt kiệt bới sự áp bức bóc lột đã man và phi nhân tính. Họ sống trong khổ cực và ngu dốt… Bị đè nén dưới hai gọng kìm phát xít, người Đông Dương biết rằng họ hoặc phải đấu tranh cho cuộc sống và tự do của mình hoặc sẽ chết mòn trong kiếp nô lệ. Và họ chọn cách thứ nhất.

Ngoài ra, cuốn sách cũng tiết lộ nguồn gốc và mục đích của Việt Minh cũng như vị trí của họ trong mối quan hệ với Đồng Minh:

Việt Minh hùng mạnh thế nào, tôi không biết. Nhưng như những gì tôi đã chứng kiến thì tổ chức này rất được nhân dân ủng hộ. Đi đến đâu tôi cũng được dân lành chào với hai tiếng "Việt Minh! Việt Minh!" và họ làm tất cả để giúp những người yêu nước, cho dù có bị ngăn cấm và đàn áp.

Tháng 12, những người bạn Đông Dương đưa tôi trở về Trung Quốc. Trước khi chia tay, họ dặn đi dặn lại tôi phảí gửi Iời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ. Lần bắt tay cuối cùng họ hô to. "Hoa Kỳ muôn năm! Roosevelt muôn năm! Tướng Chennault muôn năm!", và tôi hô to đáp lại. "Đông Dương muôn năm! Việt Minh muôn năm!". Tôi rất vui khi được quay trỏ lại và kể với đất nước tôi và những đồng minh của nó về tình hình thức tế tại Đông Dương…

Tôi khiêm nhường nghĩ rằng, vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược, chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật, chống phát xít của Đông Dương một cách có hiệu quả.

(Đã ký) J. R. Shaw

Ngay sau khi quay lại Trung Quốc, Shaw bay thẳng về Mỹ.

Không nghi ngờ gì nữa, câu chuyện của anh dường như không thể tin nổi với rất nhiều người tại tổng hành dinh, nhưng sự thật về chuyến hạ cánh miễn cưỡng của Shaw và việc anh trở về an toàn đã minh chứng cho tất cả. Khi được hỏi ai đã cưu mang anh trong một tháng trên lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng, lời đầu tiên thốt ra trên môi anh chắc chắn là "Việt Minh! Việt Minh!". Vị tướng chỉ huy của anh, Claire Chennault, viết trong báo cáo gửi Wedemeyer rằng "sự an toàn tức khắc và vụ tầu thoát sau cùng" của Shaw là nhờ "một tổ chức bản xứ tên là Đông Dương độc lập Hội". Chennault viết tiếp: "Tôi nhiệt liệt ủng hộ việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ tổ chức nào tại Đông Dương thuộc Pháp giúp đỡ một cách hiệu quả việc giải thoát lính Mỹ, có thể yêu cầu sự trợ giúp tại nước đó bất chấp thái độ chính trị của họ". Kết luận của ông trong tuyên bố cuối cùng khá rõ ràng: "Điều đáng chú ý là", ông viết "trong số ba vụ giải cứu tại Đông Dương thuộc Pháp thì người Pháp chỉ liên quan trực tiếp đến một vụ, mà trong đó người Trung Quốc cũng tự nhận là có công lớn". Vụ giải cứu Shaw chẳng liên quan đến người Pháp cũng như người Trung Quốc - mà chỉ là một nhóm Đông Dương có vẻ như cực kỳ thân Mỹ. Đối với Việt Minh, cuộc giải cứu Shaw thực sự là chiếc "chìa khoá thần kỳ".

Lán Nà Lừa (Tân Trào) nơi Hồ Chí Minh sống trong năm 1945 (Ảnh tư liệu của Nguyễn Học) [không có hình]

Khi cả nhóm đến Tân Trào, Hồ Chí Minh đưa cho Tan một "bản báo cáo cuộc hành quân được đánh máy với nhiều chi tiết về địa thế hiểm trở, những mối nguy hiểm khi hành quân ban đêm, hệ thống quân thám và phu khuân vác phức tạp dọc đường, những động vật hoang đã gặp phải…". David Marr viết rằng "rõ ràng Hồ Chí Minh muốn gây ấn tượng cho Tan về chuyến đi gian khổ từ biên giới, hy vọng những báo cáo điện đài Tan gửi về Côn Minh sẽ giành được thiện cảm và khiến Đồng Minh tăng viện trợ cho Việt Minh".

Báo cáo được cung cấp cho Tan chứa đựng những điều tương tự như nhật ký của trung uý Shaw; cả hai đều đặt Việt Minh vào giai đoạn trung tâm trong cuộc chiến đấu đang tiếp diễn chống lại cả Nhật và Pháp. Nhờ sự giúp đỡ của Hồ Chí Minh, công tác tổ chức một mạng lưới người đưa tin tình báo được tiến hành trong khi đó Mac Shin huấn luyện các học viên điều khiển điện đài, cả "truyền và nhận tin và làm thế nào để sử dụng ánh sáng làm dấu hiệu thu hút sự chú ý của máy bay", Tan đã truyền đạt rất nhiều chi tiết về căn cứ của Việt Minh và các chiến sĩ du kích cho Fenn:

Mọi người chào tôi và làm tất cả những gì có thể để giúp chúng tôi, và họ lo rằng chúng tôi không ăn được thức ăn nghèo định dưỡng của họ. Mac đang dạy họ kỹ thuật điện đài và nói họ đều yên mến anh. Họ đều có ý thức quân sự và luyện quân hàng ngày. Việc chúng tôi mang tới đây một khối lượng lớn súng (được báo cáo là có 2 khẩu súng trường 3 khẩu cacbín, một khẩu Bren, vài khẩu súng lục) và đạn được thực sự có ích. Họ nói vũ khí của chúng tôi tốt hơn của Pháp và của Nhật nhiều. Ở đất nước này mỗi người đều có một loại súng nào đó. Tôi thấy một khẩu súng trường loại 1904 Remington ở đây, một khẩu súng kíp phải đánh lửa và một khẩu khác phải châm ngòi để khởi động ngòi nổ sau đó súng mới khai hoả. Một số lại giống như súng săn, nhưng phải nạp đạn từ phía trước - lắp đạn và nhồi thuộc súng vào. Sau đó đặt một đầu que diêm vào ngòi nổ và bóp cò: trông giống như súng mà những người hành hương sử dụng để bắn gà tây!

Những người đưa tin đầu tiên từ Pác Bó mang về rất nhiều thông tin từ bên trong Đông Dương, bao gồm "thư, bản đồ, tài liệu truyền đơn của Nhật và những tài liệu MO khác". Tan báo cáo rằng sau đảo chính người dân trở nên chống Nhật hơn là chống Pháp. Trong một lá thư cùng thời điểm, Hồ Chí Minh cảm ơn Fenn vì đã cưu mang một nhóm Việt Minh mà ông đưa tới Côn Minh, vì đã huấn luyện và dạy họ "những điều cần thiết khác trong cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta". Ông kết thúc bức thư ngắn của mình bằng cách một lần nữa gửi lời mời Fenn tới thăm căn cứ của Việt Minh và đề nghị Fenn gửi "lời thăm hỏi của mình tới tướng Chennault". Một lần nữa ông chứng tỏ sự chân thành của mình. Có thể nếu những lời thăm hỏi vô hại này đến tai vị tướng, cái tên Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong trí nhớ của Chennault, hay ít nhất Chennault cũng gắn tên Hồ Chí Minh với một ý nghĩa tích cực mỗi khi nhớ đến trong những hoàn cảnh khác.

Sau khi Tan và Shin tới Tân Trào, số lượng và chất lượng của các báo cáo tình báo bắt đầu tăng. "Sau một thời gian", Nguyễn Kim Hùng nhớ lại, "trong số hàng thả dù tiếp tế có một vài máy điện đài kỹ thuật số. Với những thứ này, Hồ Chí Minh quyết định thiết lập ba trạm điện đài nữa. Một ở Hà Giang, do ông Quý phụ trách. Một ở Lạng Sơn, do ông Liễu Minh phụ trách. Trạm còn lại ở Cao Bằng do ông Bắc chịu trách nhiệm. Và tôi nhớ rằng nhiệm vụ được giao cho các trạm này là thu thập thông tin thời tiết hai lần một ngày cho lực lượng Đồng Minh, cung cấp thông tin tình báo và thông tin về vị trí đóng quân của Nhật để lực lượng Đồng Minh tấn công đồng thời tìm kiếm những địa điểm thích hợp để thả hàng tiếp tên và hạ cánh".

Việc Hồ Chí Minh có phải là người ra quyết định chính về địa điểm thiết lập các trạm điện đài do GBT/AGAS/OSS tài trợ hay không vẫn còn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông với người Mỹ và nỗ lực chiến tranh của Đồng Minh dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho những thành viên trẻ của Việt Minh và giúp củng cố khả năng kiểm soát của ông. Nhưng thậm chí trước khi thiết lập mạng lưới này tại Bắc Kỳ, điệp viên Lucius đã bắt đầu gửi báo cáo cho Fenn. Ngày 29 tháng 3, "Hoo" gửi đi một bản báo cáo gay gắt về tình hình tại Đông Dương thuộc Pháp. Trong đó, cũng như cuốn sách của Shaw, là trình tự thời gian chính xác và lịch sử Việt Nam từ khi Pháp xâm lược. Như một phần nền tảng mô tả hoạt động chống Pháp của Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận xét: "Bên cạnh quyền tự do hút thuốc phiện, uống rượu và nộp thuế, người Đông Dương không có quyền tự do nào khác". Thêm vào đó, ông đã cung cấp vô số thông tin về việc sử dụng tuyên truyền của Nhật và về thái độ của Việt Nam đối với cả Nhật và Đồng Minh. Chú ý đặc biệt được dành cho những hoạt động của Việt Minh: sự ủng hộ mà giai cấp nông dân dành cho họ, những hoạt động chống Nhật của họ, và sự ngược đãi của Pháp đối với họ.

"Bên cạnh tuyên truyền và công tác tổ chức", Hồ Chí Minh nói, "Việt Minh rất chú ý đến vấn đề giáo dục. Dù còn vô vàn khó khăn nhưng họ vẫn tổ chức những lớp học bí mật buổi tối để đay người nông dân, cả nam lẫn nữ, đọc và viết. Tại những nơi Việt Minh hoạt động mạnh, nạn mù chữ gần như được xoá sổ". Tuy nhiên, ông cũng thành thật chỉ ra rằng công tác của họ vượt quá khả năng tự lực. Ban đêm, thanh niên Việt Minh luyện tập chiến tranh du kích với vũ khí tự tạo - thường là súng gỗ và gậy tre. Một phần vì thiếu vũ khí nên sự kháng Nhật hiếm khi mang tính bạo lực. Hầu hết các hoạt động kháng cự đều mang tính thụ động. Chẳng hạn, ông giải thích "đôi khi các cán bộ giấu thực phẩm của Nhật, chỉ để hứng lấy sự trả đũa của Pháp. Khi tìm thấy nơi cất giấu, người Pháp sẽ tịch thu hết gạo và trừng phạt cả làng cộng sản". Khi xây dựng hình ảnh Việt Minh trong con mắt những người cuối cùng sẽ đọc báo cáo của mình, Hồ Chí Minh đồng thời cũng lên án Pháp:

Pháp bắn chết người của Việt Minh, sau đó cắt cổ họ và treo lên một cái sào tại ngã tư làng. Người của Việt Minh thường bị chúng đốt nhà, tịch thu tài sản, bắt bớ người thân và đầu họ được Pháp treo giá cao. Nơi nào bị nghi ngờ có Việt Minh hoạt động, nơi đó cả làng sẽ bị tàn phá còn người dân bị bắt giữ… Các gián điệp Nhật và Pháp, những kẻ phản bội người Đông Dương và người Hoa đã hình thành một mạng lưới chỉ điểm được tổ chức hoàn hảo. Liên lạc ngầm thường bị cắt đứt và người của Việt Minh thường phải mất tới vài tuần để di chuyển trong một quãng đường ngắn. Các cán bộ Việt Minh thường phải chịu đói, rét và bệnh tật. Dù còn có khó khăn này khác, nhưng người của Việt Minh vẫn tiếp tục hoạt động và lớn mạnh, bởi họ có lý tưởng yêu nước sâu sắc. Họ có lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn và tinh thần hy sinh quên mình. Họ biết mình đang đấu tranh vì cái gì, chịu đựng cái gì và khi cần, hy sinh vì cái gì.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy Hồ Chí Minh vô cùng tin tưởng vào kết quả cuối cùng của cuộc chiến: thất bại của Nhật và chiến thắng của Mỹ. Khi Hồ Chí Minh nói về chiến thắng sắp tới ông cũng đặt một câu hỏi tu từ cho độc giả người Mỹ của mình: "Liệu Đồng Minh có thực sự chiến đấu vì tự do và dân chủ của thế giới như họ vẫn trịnh trọng phát biểu trong các tuyên bố chính thức của họ hay không? Hay họ chiến đấu đơn giản vì cứu rỗi quyền lợi thực dân ích kỷ của Pháp?". Fenn rất xúc động trước lời văn của Hồ Chí Minh. Và, giống như Shaw, Tan cũng bị chinh phục khi trò chuyện tới khuya với con người có sức lôi cuốn quần chúng này qua rất nhiều đêm ở bên nhau trong những khu rừng đại ngàn Bắc Việt Nam.

Cả Frank Tan và Mac Shin đều ở Tân Trào gần 4 tháng. Dù mới đầu Hồ Chí Minh hoài nghi việc đưa Tan và Shin vào Việt Nam, nhưng trong một trong những lá thư đầu tiên gửi Fenn ông nhận xét rằng cả hai đều thích nghi khá tốt. Công việc của Tan tại Bắc Kỳ nhanh chóng trở nên cực kỳ quan trọng. Khi ở đó, Tan đã tham gia "thu thập tin tình báo về Nhật đồng thời (hợp tác với AGAS) mở rộng mạng lưới lẩn tránh và trốn thoát. Ông cũng tìm kiếm những người Mỹ nào đó đang lẩn trốn tại tam giác Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn - tất cả đều nằm trong trọng tầm hoạt động chống Nhật của Hồ Chí Minh".

Trong những tháng làm việc bên nhau, Hồ Chí Minh và Tan đã có một tình bạn đặc biệt thân thiết. Với học vấn uyên bác và cá tính Mỹ, Tan nhìn bề ngoài có vẻ rất khác so với người bạn chiến đấu Việt Nam nhiều tuổi hơn. Nhưng họ sớm nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều đã trải qua sự phân biệt đối xử tại quê nhà - Hồ Chí Minh dưới ách thống trị của Pháp và Tan là người Hoa lớn lên trong khu vực toàn "người da trắng" tại Boston. Tan nhớ lại những ngày đầu tại Boston: "Tôi sớm cảm nhận được rằng luôn luôn có một rào cản, luôn luôn có cảm giác rằng chúng tôi bị phân biệt đối xử so với người da trắng". Và cả hai đều phải trải qua tình trạng thiếu thốn tình cảm. Không lâu trước khi rời Trung Quốc tới Việt Bắc, Tan đã bị cô thư ký trẻ đẹp của Gordon hắt hủi.

Thất vọng và tổn thương, Tan giãi bày với Hồ Chí Minh, người về phần mình đã kể cho Tan về nỗi luyến tiếc của chính ông vì phải chia tay một thiếu nữ mà ông rất mến khi rời Việt Nam đi tìm đường cứu nước. "Trong suốt 4 tháng Mac Shin và tôi ở trong rừng rậm với ông Hồ, ông Giáp và đội quân của họ", Tan nhớ lại, "một tình bạn đã nảy nở giữa tất cả chúng tôi".

Tan cũng phản ánh tình cảm nảy sinh giữa Shin và Hồ Chí Minh. "Đối với một người trẻ và trông trẻ hơn như Mac, Hồ Chí Minh coi anh như con trai mình. Ông nói rằng nếu Mac muốn quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh thì ông sẽ giúp anh định cư trên một mảnh đất đẹp, nhưng để Mac tự tìm cho mình một cô vợ hiền". Cả Tan và Shin đều cảm nhận được thái độ dễ mến và ân cần - cái khiến ông được mọi người quý trọng suốt đời, như cái tên "Bác Hồ" hiền hậu và tốt bụng.

Tan hồi tưởng:

Khi quan hệ của tôi với Hồ Chí Minh trở nên thân mật hơn, tôi bắt đầu hiểu rõ con người ông - một người hiến dâng cả cuộc đời để giành đại tự do cho nhân dân mình. Tôi có cảm giác ông là một người cô đơn, đã hy sinh và từ chối tất cả những tiện nghí và hạnh phúc thông thường của cuộc sống. Một sự hy sinh như thế khiến ông chẳng làm gì khác ngoài nghĩ và hành động cho một mục tiêu duy nhất. Do đó, chính tính không nhất quán này khiến cho một số người mô tả ông như một người cộng sản, hay ngươc lại như một người yêu nước.

Trần Trọng Trung, một trong những học viên của Việt Minh học điều khiển điện đài tại Tân Trào, nhận xét về tình bạn đang lớn mạnh từ bối cảnh Việt Nam:

Tôi cũng nhận thấy rằng ông Mac Shin và ông Frank Tan rất quý Bác Hồ. Chính ông Mac Shin trong lúc lúc hướng dẫn, giảng bài về điện đài cũng nói. "Hồ Chí Minh của chúng ta là một người vĩ đại. Thật là một niềm vinh dự khi các anh được ở đây với ông, vì vậy các anh phải cố gắng nắm bắt những công nghệ này sao cho có thể phụng sự ông tốt nhất".

Nhìn nhận lại, Trần Trọng Trung ví tình bạn bền vững giữa họ như một "mối tình đầu", anh kết luận, "tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi".

Sự xuất hiện của Hồ Chí Minh và nhất là mối quan hệ rõ ràng của ông với Tan đã gây ra những khuấy động trong các đồng nghiệp của ông, vài người đã thậm chí tin vào những lời đồn đại rằng ông đã chết. Bất ngờ từ sự trở về của ông hoà lẫn với niềm cảm phục của họ trước những thiết bị mà Tan và Shin mang theo. Một trong những người đưa tin của Việt Minh được giao nhiệm vụ chuyển thư cho Fenn đã cung cấp nhiều chi tiết: "Họ mang theo mọi loại vũ khí, tốt hơn những thứ mà Pháp hay Nhật có". Những giải toả từ sự trở về của Hồ Chí Minh đã không được trọn vẹn bởi nỗi lo về tình trạng sức khoẻ đang suy yếu trầm trọng của ông. Chuyến đi gian khổ từng khiến một người trẻ tuổi như Tan muốn bỏ cuộc đã đẩy người đàn ông ngũ tuần tới giới hạn của sức chịu đựng. Khi bắt đầu hồi phục, ông thực hiện một bước củng cố niềm tin cho người của mình bằng cách khôn khéo sử dụng những vật lưu niệm tưởng chừng như không quan trọng trong thời gian ông ở Côn Minh: tấm ảnh có bút tích của Chennault và các khẩu Colt 45 mới cứng của Mỹ. Fenn ghi lại câu chuyện của người đưa tin trong nhật ký của mình:

Khi đã bình phục ông mời tất cả những nhà lãnh đạo cao nhất đến dự một cuộc họp, không chỉ có riêng người của ông, mà cả đối thủ ở các nhóm khác những kẻ đã lợi dụng sự vắng mặt của ông để tự đề cao mình. Ông nói với họ hiện ông đã đành được sự giúp đỡ của người Mỹ, trong đó có Chennault. Lúc đầu không ai thực sự tin ông. Rồi ông đưa ra bức ảnh của Chennault với dòng chữ "Thân ái". Sau đó ông đem tới vài khẩu súng lục tự động và tặng cho mỗi thủ lĩnh một khẩu. Họ cho rằng đích thân Chennault tặng những món quà này. Sau cuộc họp, vấn đề ai là người lãnh đạo tối cao không bao giò còn được bàn cãi.

Tan nói thêm, chuyến bay tới biên giới trên một chuyên cơ Mỹ, khả năng của Shin giúp Hồ Chí Minh giữ liên lạc với người Mỹ qua điện đài và sự trở về của chính ông mang theo "vũ khí hạng nặng Mỹ" dường như "chứng minh tình bằng hữu với người Mỹ" đối với nhiều người có mặt hôm đó. Ngay sau cuộc họp, Tan đánh điện về Côn Minh rằng "uy tín của Hồ Chí Minh đã tăng thêm 10 điểm nữa", khi GBT thả vào một loạt đồ tiếp tế - "máy điện đài, thuốc men, dụng cụ nhỏ, vũ khí".

Khỏi phải nói, người đưa tin đã đánh giá sức mạnh của Hồ Chí Minh rất cao cả trước mắt và lâu đài. Nhưng dù chân thành trong hầu hết những quan hệ trước đây của mình với Mỹ khả năng tác động đến tình hình khó tin của Hồ Chí Minh và vai trò của Mỹ trong đó nên được đánh giá một cách khách quan. Nhìn lại những tháng trọng yếu sau cuộc đảo chính, Fenn kết luận rằng Hồ Chí Minh đã trở thành "nhà lãnh đạo khỏi bàn cãi của một đảng cách mạng có sức mạnh áp đảo". Vào thời điểm cuộc đảo chính xảy ra, Hồ Chí Minh "đã là lãnh đạo của một trong số nhiều chính đảng", Fenn nói tiếp. Ông "không được Mỹ thừa nhận, bị Pháp chống đối, bị Trung Quốc lảng tránh; lại không có vũ khí và thiết bị. Vào lúc đó, ông cũng bị chia cắt khỏi nhóm của mình tới 600 dặm cách trở và không có cơ hội đi bằng máy bay suốt quãng đường đó. Tất cả những điều này đã thay đổi, ông tin rằng, "phần lớn là nhờ vào GBT".

Đầu tháng năm, Tan đều đặn gửi tin tình báo từ căn cứ của Việt Minh, đặc biệt là những tài liệu MO như "báo, truyền đơn, sổ ghi chép của Nhật và vài viên thuốc của Nhật được phát cho người An Nam". Tại Côn Minh, các cán bộ Việt Minh được GBT huấn luyện để sau này thực hiện liên lạc điện đài tại Đông Dương. Và dù Fenn báo cáo rằng ông thường xuyên gửi thông tin MO mà ông nhận được tới tổng hành dinh của OSS, nhưng mọi dấu hiệu đều cho thấy ông muốn giữ điệp viên Lucius, và các cán bộ Việt Minh khác như Phạm Văn Đồng, cho GBT và AGAS hơn. Nghi ngờ lòng trung thành với tổ chức của Fenn, các điệp viên của OSS tại Côn Minh, đặc biệt là Archimedes Patti, người rất nóng lòng muốn tiếp kiến và dùng điệp viên Lucius cho chính họ, sẽ phải tìm cách khác để gặp được người làm chủ tình hình lúc này - Hồ Chí Minh.

 Chú thích:
(1) Charles Pierre Baudelclire (1821 - 1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp trong thế kỷ 19

hết: Chương 6, xem tiếp: Chương 7
 

www.geocities.ws/xoathantuong