Việt Nam có một Bác Già

Nguyễn Thái Hoàng
 

Việt Nam có một Bác Già
Râu dài, tóc bạc tên là Chí Minh

Bình sinh Bác vốn đa tình
Cho nên Bác lấy Tuyết Minh - vợ Tàu

Tuyết Minh đâu phải vợ đầu
Lạc, Xuân, Trưng nữa, ngõ hầu dăm cô...

Cuối đời Bác thấy bơ vơ
Cho nên Bác muốn một cô theo hầu

Tái hôn với cả vợ Tàu
Anh Ba phản đối, lầu bầu Bác rên

Cả đời Bác sống đảo điên
Việt Nam đểu nhất có tên... Bác Hồ.

Đoạn thơ trên nhắm vào một số thiên tình sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động ‘‘kách mệnh” của Bác mà hầu hết người Việt ở nước ngoài đều biết, nhưng đa số đồng bào trong nước vẫn hoàn toàn mù tịt.

Chỉ cần nghe nói một câu "Bác Hồ có vợ" là tất cả mắt chữ O, mồm chữ I, ngây ra: "Ô thế á!, Làm gì có chuyện ấy?”. Y như thể Bác có cấu tạo đặc biệt khác người, thiếu hẳn cái "cần tăng dân số" không bằng!

Không ít người cho là chuyện tào lao, vớ vẩn, buôn dưa lê, hòng thoá mạ hình ảnh vĩ đại của Người. Thậm chí có những kẻ nhảy chồm chồm như cào cào rang trên chảo nóng, phồng mang trợn má bảo vệ hình ảnh Bác đến cùng vì người kể chuyện đã dám vuốt râu... hùm. Tuy người bạo gan này không bị hùm ngoạm mất chỗ đội nón, nhưng chắc chắn sẽ bị cả đám xúm vào xâu xé, vì tội dám coi thường hình ảnh tôn kính của Bác trong lòng quần chúng (nó).

Triều đình cộng sản Việt Nam đã vô cùng sai lầm khi suy tôn Bác thành "Cha" mà lại bỏ qua một động tác căn bản mà người Trung Hoa vẫn làm, đó là đáng ra phải nhờ ngay tay thợ hoạn ngoại hạng Đỗ Mười cắt béng ‘‘cái của nợ” của Bác đi, để Bác vô tư, toàn tâm với dân với nước.

Cũng vì trí trá nên ngoài 58 họ tên, bút danh, trong suốt cuộc đời hoạt động "kách mệnh" của mình Bác còn sử dụng một số khác như T. Lan, Trần Dân Tiên , Tống văn Sơ, ông Ké, già Thu (1) v.v. Cũng còn phải thêm vài bút danh độc đáo khác như KĐB, KGG, CĐT, GNT... Diễn nôm nghĩa mấy chữ viết tắt là: không đàn bà (KĐB), không gái gú (KGG), chỉ độc thân (CĐT), gần như thiến (GNT)...

Cũng bởi sai một ly mà đi một dặm, cái xảy nảy thành cái ung...

Bao nhiêu gà non, gà già, cho đến gà mái ghẹ đã nhẹ dạ, tưởng được ban ân sủng, hoặc bị cưỡng bức mà chui hết vào miệng hùm... của Bác.

Cho dù cái đuôi có to đến đâu (2) có thể che được bộ mặt đội lốt mèo ngoan của Bác, cũng không giấu được bao nhiêu việc làm tội lỗi.

Lớp trẻ trước 1975 bị đầu độc đến mức u mê dám nhận xét rằng: Trên đời này chỉ có hai thứ vô duyên nhất là... vú đàn ông và ... ‘‘cái ấy” của bác Hồ (!). Xin nói có sách, mách có chứng để biện giải điều ngược lại. Thứ vô duyên thứ hai không phải ‘‘cái ấy” của Bác mà chính là những cái đầu u mê, khốn khổ của những kẻ ngốc, cuồng tín ông Hồ còn hơn cả những kẻ Hồi giáo cực đoan. ‘‘Cái ấy” của Bác Hồ coi chừng vậy mà không phải vậy!

Sở dĩ câu thơ viết: Tuyết Minh đâu phải vợ đầu, là bởi khi cưới Tăng Tuyết Minh (có bà Đặng Dĩnh Siêu - vợ Chu Ấn Lai, Bảo La Đình, Thái Sương v.v.. đến dự, tại nhà hàng Thái Bình, ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, vào tháng 10/1926), lúc đó Bác đã băm mươi sáu cái xuân xanh rồi. Người như Bác: Mặt gầy gò, nhỏ thó, hai mắt đặt gần nhau, tinh nhanh như mắt chồn, mắt cáo, hễ thấy gái ở đâu là như mèo thấy mỡ, như quạ thấy gà con, làm gì có chuyện tròn ba giáp mới chịu lấy vợ!

Cho dù sợ cảnh "vơ lấy tội" (nói lái) thì cũng đã từng "vơ hại", "vơ bạ", "vớ bộn", "vớ tạm"(3) ở đâu rồi ấy chứ. Người đời truyền miệng rất hài hước: Khi các đồng chí có ý nhắc nhở Bác không nên lấy Tuyết Minh vì tổ chức cách mạng non trẻ đang cần người dẫn dắt, thì được Bác ...giải thích: bản thân tôi lúc nào cũng chỉ có gái trong đầu nên hoạt động cách mạng tuy căn bản, nhưng hoạt động phong trào phụ nữ mới là chính. Cứ túm lấy ‘‘hai điểm trên”, đi sâu vào ‘‘một điểm dưới”, nhất định ‘‘phong trào ở giữa” sẽ đến lúc phình. Làm được như vậy sẽ có hai cái lợi: một là không xảy ra tình trạng "lửng lơ chính sách, đung đưa phong trào", hai là tích cực tạo ra các mầm mống hạt nhân (con) cho phong trào cộng sản sâu rộng khắp thế giới. Các hạt nhân (con) này sẽ áp dụng triệt để kinh nghiệm, cách làm của cha, anh chúng...

Cho nên cái đám cuồng tín đến phát rồ nêu trên, không phải là số ít. Cả nước đều là con cháu Bác Hồ mà nị! (Đâu như là lời của tổng bí thư họ Nông).

Phàm đã sinh ra ở đời thì chuyện "vơ lấy tội" và "trông lấy tồi"(4) là chuyện ... phình phường. Tạo hoá khi nặn ra một mình chàng Adam thấy buồn tẻ quá bèn cấu lấy hai dẻ xương sườn của chàng để nặn thành Eve, và đặt toàn bộ sự khoái lạc của cuộc đời chàng vào hai mảnh xương yêu mảnh mai kỳ diệu ấy.

Vì thế đời này qua đời khác, đàn ông lớn lên đều phải đi tìm đàn bà và cả cuộc đời còn lại gắn bó với họ dưới danh nghĩa và chức phận vợ chồng. Có gì là tồi tệ xấu xa đâu? Tất cả diễn ra theo quy luật tự nhiên, hoàn toàn đúng với bản chất bảo tồn nòi giống của con người cơ mà.

Nhưng vì Đảng cố tình che giấu sự thật, chống lại tự nhiên, lại quên "hoạn" Bác, nên đã gây ra bao cảnh bi hài, lộn ẩu. Cười không được, khóc không xong, để lại bao tì vết ô danh, khiến hậu thế đời đời nguyền rủa, hệt thơ bà chúa thơ Nôm tả:

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo (5)

(Vịnh sư hoang dâm)

Ở trong nước, người mon men bên chân Bác nhiều nhất có lẽ là nhà văn Sơn Tùng với chín tác phẩm viết về Người: ‘‘Búp sen xanh" (1980), "Bông sen vàng" (1984) Hoa dâm bụt (1999) v.v...

Còn một bài viết nổi tiếng mà ai cũng biết đó là bài: ‘‘Đi tìm Út Huệ” đăng trên tạp chí ‘‘Thế giới mới” số 222 năm 1997. Bài này đã được dựng thành phim với đầu đề ‘‘Hẹn gặp lại Sài gòn”, một bộ phim ngốn 2 tỉ đồng VN hồi đó (1986), chỉ để chứng minh một điều Bác là người có chí hướng cách mạng lớn lao, vì theo đuổi con đường ‘‘kách mệnh” cho dân cho nước mà phải hy sinh tình cảm riêng tư của mình.

Nghe đâu bộ phim — khi còn là kịch bản đã gây nhiều tranh cãi ở Bộ chính trị. Lê Duẩn, kẻ thống soái lúc bấy giờ đã không cho in bài cũng như chuyển thể thành kịch bản vì muốn giữ nguyên hình tượng Bác Hồ, không đề cập bất cứ điều gì về đời tư kín đáo. Bác có trái tim chỉ đập những nhịp đập chí tình chí nghĩa với dân với nước chứ không đập vì chuyện đàn bà đa cảm vụn vặt. Nhờ có tư liệu của anh trai, chị gái là bà Nguyễn thị Thanh và ông cả Khiêm cung cấp mà nhà văn Sơn Tùng thắng cuộc...

Sau khi "đi tìm út Huệ" không thành, Bác sang Pháp. Theo nhiều nguồn tài liệu, ngay trong khi là thợ ảnh Bác đã có những liên hệ tình cảm với cô Bourdon, dù cô này vốn chỉ là khách hàng đến chụp ảnh. Vốn tính mê gái, nắm bắt được cơ hội khi trả ảnh, Bác đã có những lời tán tỉnh rẻ tiền. Do trình độ tiếng Pháp còn ngọng nghịu, lơ ngớ, nên trong thư tỏ tình rất dài có nhiều sai sót về văn phạm. Kết quả không khác được là Bác ngã sóng soài trước cửa nhà người đẹp cùng lá thư cự tuyệt, cấm cửa của nàng.

Tuy vậy trong thời gian ở Pháp (1917–1923) Bác cũng kiếm được một nàng cho mình và kết quả của mối tình vụng trộm này là một đứa con lai ra đời. Điều này được nói lên từ tờ di chúc của Bác ngày 14/08/1969, tuy trong điều kiện hiện nay chưa thể kiểm chứng chính xác nhưng được dư luận xem là đáng tin cậy, trong đó Bác viết: "Trước khi viết phần cuối của tờ di chúc này, tôi xin thú nhận, tôi là một người không phải thần thánh gì nên khi tôi còn sống cũng đủ "bảy tính" như kinh nhà Phật đã đề cập. Tôi không có vợ, nhưng cũng có được đứa con gái lai Pháp. Tôi ước mong con gái tôi, khi đọc tờ di chúc này sẽ tha thứ cho tôi đã không đủ bổn phận làm cha, nhưng phụ tử tình thâm, tôi luôn nhớ tới con gái tôi với muôn vàn âu yếm”. (6)

Khi sang Nga, Thái Lan, rồi Hồng Công, Trung Quốc, Bác liên tục đi tìm cho mình nhiều cô gái khác, theo đúng quan điểm hiện sinh của thời hiện đại: "Đàn ông cần đàn bà như thành phố cần có người khơi cống". Nào là Li Sam (Hồng Công), nào Tuyết Lan (Thái Lan) nào Mao Từ Mẫn (Trung Quốc), Vera Vasiliéva (Nga) (7) v.v... Cũng bởi không biết Bác "khơi cống" lúc nào nên dư luận quốc tế chỉ công nhận những "chiếc cống" có thật, nổi bật nhất trong thời gian ở Nga là Nguyễn thị Minh Khai (chị ruột của Nguyễn thị Minh Thái — vợ đầu của tướng Giáp). Cả hai đã từng là ‘‘vợ chồng" trong suốt những ngày học lớp chính trị mở tại trụ sở chi nhánh Bộ Đông Phương của Quốc tế cộng sản Đảng. Trong hồ sơ hoạt động, bà Minh Khai ghi rõ chồng là Lin — bí danh của Nguyễn Ái Quốc lúc ấy. Phiếu ghi nhận đồ đạc trong phòng riêng hai người tại nhà tập thể của cán bộ thuộc Quốc Tế Cộng Sản đều vẫn nằm tại Viện Lưu Trữ của Nga ở Moskva. Thì ra, ngoài giờ học chính trị, "Lin" còn chơi trò chơi trò chính... em với Minh Khai bằng cách chung phòng, chung giường, chung đồ, chung thân thể... (8)

Tất nhiên khi lửa gần rơm thì việc má áp, môi kề, trai trên, gái dưới là điều tất yếu, như ngày xưa các bậc già cả vẫn gọi nôm na là "cơm nhà bụng vợ." Đó là hai yếu tố cơ bản của cuộc sống, thiếu một trong hai thứ đó không thể làm nên bản chất... đàn ông, càng không làm nên sự nghiệp ‘‘kách mệnh" của Bác Hồ. Điều này được phát ngôn từ chính miệng các đồng chí lãnh đạo đảng ta, những người thay Bác khẳng định: Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!

Theo dư luận của nhiều bậc lão thành cách mạng và các nhà sử học trong nước thì Minh Khai rất xinh gái lại thông minh sắc sảo. Khi tình đang nồng, nghĩa đang mặn, Bác buộc phải chia tay với người đẹp, ‘‘nhường” vợ cho "thượng cấp" để lấy hên cho con đường danh vọng, vì khi ấy Bác khá lép vế so với Lê Hồng Phong — người được Quốc tế cộng sản tin tưởng, đào tạo và "đánh bóng mạ kền" để trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. (9) Vì thế ca dao miền Nam mới có câu:

Bác Hồ đại trí, đại hiền
Chơi Minh Khai chán, gán liền cho Phong
Minh Khai phận gái chữ tòng
Bác Hồ sái nhất, Hồng Phong sái nhì

Không may cho lịch sử cách mạng Việt Nam là Nguyễn thị Minh Khai (tức Nguyễn thị Vịnh) đã chết năm 1941, nếu không biết đâu trang sử vàng của dân tộc còn được viết tiếp những dòng đặc biệt quý giá nữa (vì tính chất độc đáo của Đảng cộng sản là tài sản chung và vợ chung...) như ca dao từng viết:

Nếu Minh Khai chẳng chết đi
Sái ba, sái bốn ắt thì Duẩn, Tôn
Chơi cho thủng trống long bồng
Sái năm, sái sáu... hết chồng thì thôi

Trước đó ở với Tuyết Minh được 6 tháng (từ tháng 10 năm 1926 đến tháng 4 năm 1927) đang thời kỳ hương lửa nồng nàn, người này là xương thịt của xương thịt người kia, Bác phải bỏ vợ để đi làm cuộc cách mạng cho sự nghiệp "làm cha mẹ dân" nhưng cũng không quên được những cuộc cách mạng nhỏ, lẻ tẻ bùng lên trong lòng quần... chúng phụ nữ.

Ngày 6/6/1931, khi cảnh sát Hồng Kông phát hiện ra Lý Thụy cũng chính là Nguyễn Ái Quốc liền cho người đến bắt tại thị trấn Cửu Long (gần Hồng Kông). Lúc đó Bác đang hoạt động cùng một phụ nữ Trung Hoa tên là Li Sam. Chỉ vì mải mê với loại hình hoạt động đặc biệt này: Túm lấy ‘‘hai điểm trên”, đi sâu vào ‘‘một điểm dưới” làm cho ‘‘phong trào ở giữa” nổi phình, tạo ra các hạt nhân mới cho phong trào cộng sản khắp thế giới, mà Bác bị cảnh sát túm ngay đỉnh đầu và bị giam vào ngục tối. Nhờ viên luật sư người Anh biện luận giỏi nên Bác thoát khỏi cửa tử, song không dễ gì thoát khỏi cửa... mình chị em.

Trước khi bị cầm tù ở Trung Quốc, Bác có cả một thời gian dài dằng dặc tự "cầm tù" mình trong lòng hang Pắc Bó Cao Bằng (từ tháng 2/1941 đến tháng 8/1942), khi ấy Bác lấy tên là ông Ké (tức “Chú Thu”). (10) Bấy giờ có cô gái Nông thị Ngát (tức Nông thị Trưng) đã có chồng nhưng chồng bị Pháp bắt, đến phục vụ Bác.

Tám tháng trong lòng hang vắng (từ tháng 9/1941 đến giữa tháng 8/1942) Bác đã ân cần xoá nạn mù cho cô học trò nhỏ người thiểu số vô cùng xinh xắn này. Không kể công việc liên lạc phải qua lại thường xuyên, mỗi ngày hai chú cháu Thu - Trưng lại kề cận bên nhau một tiếng để Bác dạy học, trò chuyện. Từ chủ nghiã cộng sản đến thế giới đại đồng, lời Người dạy uyên bác cộng với cách cư xử hàng ngày chu đáo, khiến cô trò nhỏ phải lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Vì vậy chẳng ai dám khẳng định là ma không thèm ăn cỗ? Nhất là cỗ vắng chủ và hơ hớ xuân thì như vậy?

Sau 10 năm biệt tăm biệt tích, cô Nông thị Trưng trở về làm chánh án Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng, đồng thời là tỉnh uỷ viên, uỷ viên Ban chấp hành trung ương. Quả là chuyện lạ, mà người tạo ra chuyện lạ này chắc chỉ có "chú Thu", bởi cháu Ngát không những được Bác đặt lại tên, còn là người duy nhất trong số 31 triệu đồng bào cả nước được Bác "hạ mình chiếu cố" cho gọi là Chú (thay vì phải gọi Bác như tất thảy dân Việt sống trên dải đất xanh xao hình chữ S).

Cho đến năm 1969, khi "Chú Thu" mất, người dân Cao Bằng vẫn truyền tai nhau những lời dân dã:

Rừng núi âm u
Già Thu dạy chữ
Bà Trưng ở cữ
Sinh một thằng cu...

Không biết thằng cu này có phải con “Già Thu” hay không vì chưa đủ bằng chứng khẳng định, chỉ biết rằng có một ‘‘thằng Cu họ Nông” do bà Trưng đẻ ra, vào năm 1942, nhưng hình như Đảng bắt bà "rặn" sớm trước... hai năm, nên trong lý lịch "Thằng Cu" ghi sinh vào năm 1940 - vừa trước thời điểm “Già Thu” về nước, vừa để hợp pháp hoá thời gian chồng bà Trưng đi tù (1940-1945)?!!!

Năm 1944, sau khi Bác được thả khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, trong đoàn quân 22 người cùng về lại Cao bằng thì gặp cô gái là Đỗ thị Lạc, còn gọi là Thuần. Trong cuốn "Một cơn gió bụi" xuất bản tại Sài Gòn 1969 (trang 75), Trần Trọng Kim kể: "Bà Lạc đã có con gái với ông Hồ, nhưng sau đó lại bị bắn chết ở bến đò Bắc Giang vì tội không chịu theo cộng sản."

Tiếp theo là mối tình oan nghiệt giữa "Cha già dân tộc" và "đứa con" ngây thơ đến tội nghiệp là Nông thị Xuân (theo tác phẩm Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên thì là Nguyễn Thị Xuân, căn cứ đơn của chồng chưa cưới gửi cho chính phủ có tên em gái ruột của cô Xuân là Nguyễn thị Vàng ), sinh ra cậu bé Nguyễn Tất Trung mà ngày này hầu hết người dân Việt Nam nào cũng biết. Cho dù Đảng có định lấy thúng úp voi, nhưng tài của đảng không sao úp được miệng con voi dư luận. Cứ úp đầu lại lộ đuôi...

Nhân dân mượn hình ảnh con nai vàng ngơ ngác trong bài "Tiếng thu" của nhà thơ Lưu Trọng lư để kể:

Em có nghe hồn Xuân
Dưới đáy mồ thổn thức
Em có nghe huyền thoại
Một hoàng hậu không ngai

Em có nghe Đảng kể
Về một vụ hoang thai
Xác nai vàng ngơ ngác
Bọc trong ngọn cờ dài...

Năm 1959 khi sắp sang tuổi cổ lai hy (xưa nay hiếm) Bác vẫn không gạt được bóng dáng chị em trong đầu, vẫn không sao quên được các cuộc cách mạng nhỏ, lẻ tẻ, vui vẻ.

Theo nhiều nguồn tin trong dân chúng, sau khi bị cô gái nữa là Nguyễn thị Phương Mai thẳng thừng từ chối vì Bộ chính trị không chịu công khai mối quan hệ vợ chồng của hai người, Bác liền bám vào cái gấu váy cuối cùng là một cô vợ Tàu ở Quảng Ðông. Khi Đào Chú — uỷ viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng Sản Trung quốc, phó thủ tướng chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam, Bác đã lặng lẽ nhờ một người thân tín trong hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội để nói riêng với Ðào Chú rằng Hồ Chí Minh muốn tái hôn với một người vợ cũ ở Quảng Ðông. Ðào Chú đã vui vẻ nhận lời, không ngờ hết thời gian Đào Chú điều dưỡng, hy vọng của Bác cũng tan thành mây khói. Thủ tướng Chu Ân Lai sau khi nghe vị phó thủ tướng dưới quyền kể lại, đã thận trọng đưa ra nhận định: "Phải đề nghị phía Việt Nam xem xét đã.”

Việc "Cha già" có vợ đâu phải chuyện đùa! Tất nhiên, Lê Duẩn, cũng một kẻ hám gái, đa thê, lại một lần nữa hô cao khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm!” Và không người đàn bà nào được phép nắm lấy ‘‘cái ấy” của bác, kể cả người vợ cũ để làm hỏng hình tượng của “Cha già dân tộc”, của Đảng quang vinh. Do đó chuyện… tái động phòng đã không xảy ra. (11)

Sau lời đề nghị hớ hênh đó, Bác già đi trông thấy, tàn tạ y hệt Ngũ Tử Tư trong Đông Chu Liệt Quốc (chỉ sau một đêm suy nghĩ tóc râu trắng xoá). Rõ ràng bọn học trò, đàn em của "Cha" thì cha vơ chú váo hết em này đến em kia, mà Bác chỉ vì (chót) làm phận "Cha già dân tộc" đành phải chịu cảnh uất ức, tái tê. Và cũng chính vì có quá nhiều "bí mật đen" trong cuộc đời riêng (thậm chí là đảng viên Đảng CSVN nhưng chưa bao giờ qua thủ tục kết nạp), Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã nắm bắt để khống chế, khuynh loát, qua mặt Bác trong nhiều quyết định quan trọng cho đến ngày Bác chuyển qua... từ trần.

Ngày 2/9/1969 Bác vĩnh viễn đi vào huyền thoại. Nhân dân cả nước sau phút bàng hoàng tê tái khóc Bác liền bừng tỉnh ngộ, làm thơ "ca ngợi" Đảng:

Đảng là mẹ, Bác là cha
Từ khi Bác mất Đảng ta goá chồng...
Ông Chinh, ông Duẩn, ông Đồng
Ông nào cũng muốn làm chồng Đảng ta
Làm chồng chẳng muốn làm cha
Thế lên cơ sự dân ta thế... lày

Chuyện về “Bác già” ở Việt Nam còn dài, dài hơn cái đuôi của cáo. Bởi viết trước lăng Người, luôn bị cảnh vệ theo dõi, xin hẹn bạn đọc vào một dịp đẹp trời khác trên DCVOnline...

Hà Nội, nhân ngày sinh nhật Đảng 3/2/2006

Chú thích:

1. Sách "VN Đẹp Nhất Có Tên Bác Hồ" ( trang 114–122) nói rõ: Trong cuộc đời hoạt động bác đã qua 28 lần thay tên đổi họ và 26 bút danh từ A đến Z, song lại cố tình gạt ra hai bút danh quan trọng là Trần Dân Tiên và T. Lan mà ai cũng biết là của bác ca ngợi... Hồ
2. Đảng luôn suy tôn bác là người "Vĩ đại", có một không hai trong lịch sử nước nhà (Hơn cả Lê Lợi, Hưng đạo Đại Vương). “Vĩ đại” theo cách hiểu của dân gian là “đuôi to”)... Bác vốn mang họ Hồ, là “Đuôi”, nên có đuôi dài, đuôi to là phải nhẽ!
3. Theo cách nói ngược (nói lái): “Vơ hại” là hai vợ; “Vơ bạ” là ba vợ; “Vớ bộn” là bốn vợ; “Vớ tạm” là tám vợ v.v...
4. Người miền Bắc thường lẫn lộn giữa TR và CH nên trong nói lái nhiều khi được hiểu: Tôi lấy vợ thành “vơ lấy tội”; Tôi lấy chồng thành “trông lấy tồi”.
5. Thơ Hồ Xuân Hương. Hiểu theo nghĩa tục là: Chó giái cho nên phải lẹo l...
6. Xem "Đọc lại di chúc Hồ Chí Minh", Vietnam News Network ngày 18/10/2005.
7. Một số tác giả ở nước ngoài cho rằng: Thời gian hoạt động ở Xiêm (Thái lan), Bác có yêu một cô gái tên là Tuyết Lan, đây cũng chính là tên T. Lan mà bác đã dùng để viết sách.
8. Theo Thành Tín (tức Bùi Tín) trong tập sách "Về ba ông thánh " xuất bản tại California, 1995 ( trang 136)
9. Khi đó Lê Hồng Phong đã giữ chức ủy viên trung ương dự khuyết của Quốc tế 3 và được coi như nhân vật quan trọng số 1 về phương Đông của Quốc tế cộng sản Đảng.
10. Theo Thiên Lý, tác giả bài viết "Cô học trò nhỏ của Bác" báo Phụ Nữ Việt Nam, số xuân 1997 do bà Trưng kể lại. Trong bài có đoạn "ông Ké" dặn riêng cháu Ngát khi ấy là liên lạc viên được bác huấn luyện đào tạo và giác ngộ: "Từ nay ai hỏi thì cháu nói mình là cháu chú Thu, tên Trưng".
11. Nguyên văn "Hồ Chí Minh tằng tưởng tái hôn". Tuần báo Nguyệt san Phụng Sự, tháng 1/1991, ngày 15/10/1996, Tao Zhu dịch sang tiếng Việt (xem "Huyền thoại về cuộc sống độc thân giản dị" — Trần Gia Phụng).

2006 by DCVOnline
 

www.geocities.ws/xoathantuong