Một Tượng đài cho Bác
Tượng của Bác nên đặt ở đâu cho nhân dân chiêm ngưỡng?

Nguyễn thị Cỏ May
 

Trong thư Paris trước đây, Cỏ May có nhắc đến ngày 19/05 và quả quyết ngày ấy không phải là ngày sanh của Hồ Chí Minh. Độc giả phần lớn chắc đồng ý với Cỏ May. Nhưng, ngày sanh đúng của Hồ Chí Minh là ngày nào, thì ngày nay vẫn chưa có ai xác nhận được. Bà Nguyễn thị Thanh là chị của ông cũng chỉ nói ông sanh năm 1891 mà thôi. Có lẽ ngày xưa ở miền Trung, người dân hãy còn theo thói quen cũ về việc khai sanh nên không giống như trong Nam đã có chế độ hộ tịch rõ ràng.

Một ngày sanh đúng hoặc chánh thức phải được ghi vào danh bạ hộ tịch. Ngày 19/05 là ngày dỏm, do bịa đặt vì nhu cầu nói dối với nhân dân.
 

Chuyện về Hồ Chí Minh nói hoài không hết

Không riêng gì ngày sanh, tên họ khác nhau, sai biệt nhau khá nhiều, mà cả cuộc đời của Hồ Chí Minh cũng đầy rẫy những khoảng tối dày đặc mà cho tới ngày nay, nhiều sử gia Phương Tây cũng đành bỏ qua.

Ai cũng ngạc nhiên vào những năm 1934–1938, tại Mạc-tư-khoa, Nga, Hồ Chí Minh làm gì? Hoạt động của ông như thế nào? Đảng cộng sản Hà Nội bỏ ra nhiều nổ lực nói về ông, kể cả những chi tiết thật vô duyên như hôm lễ Độc lập, ông cầm máy vi âm hỏi "đồng bào có nghe tôi rõ không?" chỉ chủ yếu thử máy, mà được cả bộ máy tuyên truyền đề cao sự thiết tha, sự quan tâm đặc biệt của bác đối với nhân dân. Thế mà sự thiếu vắng của bác trong khoảng thời gian dài này ở Mạc-tư-Khoa lại được Đảng cộng sản lờ đi một cách nhẹ nhàng. Đảng sử, tiểu sử của ông, viết dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tất cả đều không thấy ghi lại ông làm gì suốt thời gian ấy.

Theo một số người tìm hiểu đời tư của Hồ Chí Minh, kể cả ông Tưởng Vĩnh Kính, người Tàu, cho rằng ông bị Staline "giam lỏng" vì Staline nhận thấy ông chưa thuộc bài, tức chưa am hiểu học thuyết Mác-Lê, để cho ông có thì giờ dồi mày kinh sử.

Nhưng theo sử gia người Anh, bà Sophie Quinn Judge, mất rất nhiều thì giờ tham khảo tài liệu tại văn khố ở Mạc-tư-khoa, Hồ Chí Minh bị Staline "giam lỏng" chỉ vì vấn đề tình ái riêng tư của ông mà thôi.

Thật vậy, theo bà Quinn Judge, Hồ Chí Minh đã từng sống chung, như vợ chồng công khai, với một người đàn bà Việt Nam tên Nguyễn thị Minh Khai. Người phụ nữ này đã từng hoạt động sát cánh với ông ở Hồng kông vào năm 1930-1931 và cùng với ông đến Mạc-tư-khoa, sống chung với ông từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1937. Nhưng đảng cộng sản Hà Nội cho tới ngày nay vẫn kiên trì phủ nhận những sự thật này. Họ không muốn thừa nhận Hồ Chí Minh có vợ, có người yêu, có con, tức một Hồ Chí Minh bình thường như bao nhiêu người khác. Họ chỉ muốn biến Hồ Chí minh thành "ông thánh", khác hơn người thường. Chính vì ý muốn bệnh hoạn này mà Nông thị Xuân, ăn ở với ông có con tên Nguyễn Tất Trung, ngày nay còn sống ở Hà Nội, bị Trần Quốc Hoàn, trùm công an, ám hại chung cả chị em một cách vô cùng dã man. Cái chết thảm thiết của chị em Nông thị Xuân, chỉ có người cộng sản Hà Nội làm được mà thôi. Và ngày nay, họ vẫn lấy sự dối trá làm quốc sách cai trị nhân dân Việt Nam.

Cỏ May xin thuật lại một giai thoại có một không hai của Hà Nội liên quan đến tài liệu của bà Quinn Judge công bố vào cuối năm 1994 về đời tư và hoạt động của Hồ Chí Minh ở Mạc-tư-khoa.

Sau một thời gian ngắn, tài liệu trên được công bố. Báo chí việt ngữ hải ngoại, có cả Việt Luận số 992, thứ sáu, ngày 25 tháng 05 năm 1995, lần lượt phổ biến bằng tiếng Việt kèm theo nguyên bản tiếng Anh. Trong một chương trình phát thanh thường lệ, Đài phát thanh quốc tế pháp, RFI, có loan tin Trung tâm văn khố Mạc-tư-khoa hỏi xin bà Quinn Judge một phóng ảnh bản tài kiệu về Hồ Chí Minh mà bà đã tìm được trong văn khố vì khi nhân viên sắp xếp lại tài liệu, thấy mất bản văn ấy. Trung tâm nhớ lại, sau khi bà Quinn Judge rời khỏi Trung Tâm, chỉ có một phái đoàn Hà Nội, gồm nhiều công an, đến Trung tâm và xin vào tham khảo tài liệu. Phải chăng những người này đã ăn cắp tài liệu kia để thủ tiêu nhằm giữ kín sự thật của Hồ Chí Minh như trước giờ họ đã làm?

Cỏ May tin được việc phái đoàn Hà Bội là thủ phạm ăn cắp tài liệu ở văn khố Nga như tin Đài RFI loan tải. Việc này không phải mới mẽ gì.

Tại Pháp, ở Paris, Cỏ May đã gặp phải trường hợp một quyển sách tiếng Việt về lịch sử Việt Nam của Thư viện Quốc gia pháp chỉ còn có cái bìa còn nguyên tựa sách. Ruột quyển sách đã bị lấy cắp mất, thay thế vào đó là ruột của một quyển sách dạy nấu ăn. Cỏ May đem trình  nhân viên thư viện mới biết người mượn trước là một người Việt Nam thuộc Hội Việt kiều yêu nước. Tức Việt Cộng Hà Nội hoạt động ở Paris .

Và ngày nay, trong các thư viện ở Pháp, sách của Hà Nội tràn ngập, thai thế một số sách cũ có từ trước 1975. Một số sách hiếm, Thư viện chỉ cho mượn đọc tại một phòng riêng dưới sự kiểm soát chặc chẽ của nhân viên hoặc đã được thu vào máy.
 

Buổi phát thanh của RFA về Hồ Chí Minh

Năm nay, nhân ngày 19/05, Đài Phát thanh Á Châu Tự Do, RFA ở Huê kỳ, có thực hiện một chương trình đặc biệt về Hồ Chí Minh và Unesco. Buổi phát thanh đưa ra vào buổi sáng đúng ngày hôm ấy để "chào mừng sanh nhựt bác". RFA muốn xác nhận dứt khoát một sự thật là Unesco hoàn toàn không tổ chức lễ 100 năm ngày sanh của Hồ Chí Minh để trả lời cho thính giả ở việt nam ngày nay vẫn còn bị đảng cộng sản và Nhà nước Hà Nội tuyên truyền dối gạt rằng Hồ Chí Minh "được Unesco tôn vinh là nhà văn hóa xuất sắc, nhà giải phóng dân tộc,…"

RFA hỏi hai người. Nhà báo tự do Bùi Tín là người có tham dự lễ sanh nhựt lần thứ 100 tổ chức tại Hà Nội năm 1990 xác nhận không có Đại diện Unesco tham dự. Người ngoại quốc duy nhứt có mặt hôm ấy là một người Ấn Độ, Đại diện Đảng cộng sản Ấn Độ, đến tham dự. Ông Nguyễn văn Trần, ở Paris, là Tổng thư ký ỦY BAN TỐ CÁO TỘI ÁC HỒ CHÍ MINH. Chính ông đến Trụ sở Unesco để được trả lời là Unesco không thi hành Quyềt nghị số 126 EX/25 Add.3 ngày 25/05/1987, Paris, tức Unesco không tổ chức lễ kỷ niệm, không tham dự khi Sứ quán Hà Nội thuê một phòng trong trụ sở Unesco để tổ chức, Chánh phủ pháp và Thị xã Paris không tham dự. Hà Nội tổ chức không được phép có những chi tiết bề ngoài nhằm đề cao Hồ Chí Minh như nhà văn hóa,… RFA muốn làm thêm một chương trình về tập thơ Ngục Trung Nhựt ký, tức tập thơ tù của Hồ Chí Minh, để nói rõ Hồ Chí Minh không phải là tác giả. Nhưng tình hình thế giới và Việt Nam có quá nhiều biến chuyển mới nên RFA đã phải gác lại cho một dịp khác.
 

Một Tượng đài cho Hồ Chí Minh

Trên báo CÔNG AN ngày 05/11/98, Thanh Lê nhận xét "Sau ngày giải phóng, nhìn lại một số tượng đài ở Tp.Hồ Chí Minh, như tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi,… có cái gì được và có cái gì chưa được. Được về ý đó tốt đẹp, nhưng chưa được vì đặt không đúng chỗ. Như Tượng Bác Hồ với thiếu nhi phải được đặt tại Nhà Rồng là hợp lý nhất. Ở công viên trước UBNDTP cần có tượng Bác, toàn thân đứng vẫy tay chào, hay ít nhất là bức tượng bán thân, mới thật sự nghiêm túc, mỗi khi các đoàn đến cung kính trước Người.

Nói cho công bằng, nhóm tượng đài ở TP xây dựng trước 1975 có một cái gì đó hấp dẫn hơn, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Nhìn những tượng đài Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Trần Nguyên Hãn, Thánh Giống, Phan Đình Phùng,… thấy vừa cao sang, khí phách, hùng tráng, dũng mãnh, vừa đạt đến tính thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Mỗi lần ai đi qua đó đều dừng chân lại ngắm nghía, thưởng thức, ít nhất đôi mắt của họ cũng phải dừng lại mấy giây… Những tượng đài đó đã tô đẹp cho Thành phố của chúng ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Trước đây, đảng cộng sản có đưa ra một chương trình thi đua tạc tượng Bác và một chương trình tham khảo nguyên vọng nhân dân Nam bộ chọn nơi đặt tượng của Bác khi tượng được làm xong. Văn phòng thu thập ý kiến đặt tại đường Nguyễn thị Minh Khai (số nhà, Cỏ May quên mất. Tìm lại tài liệu ấy chưa được. Xin cáo lỗi.)

Sau một thời gian thăm dò ý kiến, bỗng chương trình tượng đài và địa điểm đặt tượng bị bỏ qua, không thấy báo chí nhắc tới. Trong lúc ấy, dân chúng ở Sài gòn truyền tai nhau một bài thơ bày tỏ nguyện vọng của nhân dân Nam bộ chọn nơi đặt tượng Bác Hồ, khi tạc xong.

Cỏ May xin chép lại nguyên văn bài thơ ấy do chính tác giả cho Cỏ May lúc đó để gọi là "tưởng niệm Bác nhân ngày 19/05 của Bác" :

Ở phía sau lưng Chợ Bến Thành
Có tòa Công thự dáng thanh thanh
Mỗi ngày dân chúng đua nhau đến
Trút ruột phơi gan rất nhiệt tình

Tượng Bác nên đem dựng chỗ này
Để cho Bác để nắm trong tay
Bao nhiêu lòng dạ người thiên hạ
Đem đến nơi đây trút mỗi ngày

Chẳng biết lấy chi hiến Bác giờ
Nên xin dâng tạm bốn câu thơ
Ngày nào đã tạc xong, xin cứ
Đem khắc vào chân tượng Bác Hồ:

"Đây tượng Bác Hồ, bực vĩ nhân
Một thân gánh vác việc gian nan
Của toàn thiên hạ và tay kiếm
Thu hết lòng dân nước Việt Nam."

(NNH)

Ba câu cuối mượn ý ở câu đối của Lê Thánh Tôn ban cho làng Cổ Nhuế:

"Khoác tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian."

Nguyên văn chữ hán :

"Thân trụ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm."

Rất tiếc Cỏ May vì cho tới ngày vượt biển vẫn ở dưới nhà quê nên không biết Sài gòn. Tòa Công thự ấy là tòa nhà gì, ở đâu, của ai ở? Cỏ May chưa được biết. Mong bạn đọc hiểu cho.

Nguyễn thị Cỏ May (Thư Paris - 23/5/2008)
Việt Luận Online - http://vietluanonline.com/

 

www.geocities.ws/xoathantuong