Chủ nghĩa và tư tưởng

Ngô Nhân Dụng
 

Ði theo Nixon sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Ðông lần đầu, ông Kissinger trong lúc nhàn đàm đã nói với ông Chu Ân Lai một câu để chứng tỏ mình cũng quan tâm tới lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Ngày xưa triều đình các vua quan Trung Quốc dùng Khổng Giáo để cai trị dân; ngày nay thì chủ nghĩa Cộng Sản được coi là triết lý trị quốc; trước sau vẫn theo cùng một truyền thống. Ông Kissinger kể là khi nghe nhận xét đó, ông Chu Ân Lai nhìn đi chỗ khác, không trả lời.

Kissinger đã lỡ lời hỏi một câu thiếu tế nhị, vì quên là nhóm cận thần của Mao và Giang Thanh dùng chiến dịch “Phê Lâm Ðả Khổng” để ngầm công kích, nhằm hạ bệ Chu Ân Lai. Nhưng ông cũng lầm khi so sánh vai trò của Khổng Giáo đời trước với vai trò của chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Quốc vào thế kỷ 20.

Tại các nước Á Ðông ngày xưa, Khổng Giáo không có vai trò giống như chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Quốc (hay Bắc Hàn và Việt Nam) sau này. Ðặc biệt là việc thi hành Khổng Giáo không có tính cách độc quyền và ức chế. Không có một Ðảng Khổng Giáo cướp chính quyền rồi buộc nhân dân phải suy nghĩ theo lối Thầy Khổng. Ngay trong việc áp dụng các lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử làm nền tảng đạo đức và chính trị cho toàn dân, các triều đại Trung Hoa vẫn sử dụng các thuật trị quốc của Pháp gia để giữ gìn trật tự xã hội. Tư tưởng Pháp gia và Lão-Trang đối lập với Khổng Giáo từ những điều căn bản. Nhưng trong hai ngàn năm, các trào lưu tư tưởng Lão Giáo, Phật Giáo và các trường phái khác vẫn được tự do phát triển, có lúc được vua quan sùng thượng nhiều hơn Khổng Giáo. Việc áp đặt một chủ nghĩa Cộng Sản là điều hoàn toàn mới, không theo truyền thống văn hóa của Trung Quốc cũng như của Việt Nam.

Nhưng ngày nay, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn bắt buộc các đảng viên và người dân Việt phải học tập chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðây là một hành động trái với truyền thống mà cũng đi ngược với sự tiến bộ của loài người.

Chúng tôi đã nhận xét nhiều lần rằng không có một thứ gọi là Tư Tưởng Hồ Chí Minh. Ông Hồ là một nhà cách mạng rất thực tế, ông chỉ áp dụng tư tưởng cộng sản bằng cách pha trộn những lối hiểu chủ nghĩa này của các ông Stalin và Mao Trạch Ðông, mà không quan tâm đến việc sáng tạo ra tư tưởng nào mới. Khi thành lập đảng Lao Ðộng năm 1951, Hồ Chí Minh không ngần ngại suy tôn Tư Tưởng Mao Trạch Ðông như một đường lối nền tảng của đảng. Hồ Chí Minh không viết nguyên một cuốn sách nào, trừ hai tác phẩm ký tên Trần Dân Tiên và T. Lan để kể tiểu sử của mình cho đảng viên học. Những cuốn sách ký tên ông mà người ta in thường chỉ bao gồm những bài báo, bài diễn văn, tuyên ngôn, tài liệu học tập, truyền đơn, vân vân, được các thư ký gom góp, hiệu đính lại. Tất cả đều nhằm mục đích thực tế, đưa ra các khẩu hiệu thực tế, dễ học, dễ nhớ, đem áp dụng được ngay. Ông chỉ hô hào mọi người “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác Lênin,” ngoài ra tuyệt nhiên không có tư tưởng nào mới. Trong một bài viết về Ðạo Ðức Cách Mạng chẳng hạn, tất cả ông chỉ nhắm nói một điều là các đảng viên phải “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng... Ra sức làm việc cho Ðảng, giữ vững kỷ luật của Ðảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Ðảng,” vân vân (Trong cuốn Vì Ðộc Lập Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội, viết năm 1958, in lại năm 1970). Thực ra, trên phạm vi tư tưởng, các nhà cách mạng người Việt đầu thế kỷ 20 như Trương Tử Anh, Lý Ðông A mới thực sự là những người quan tâm đến việc sáng tạo ra những chủ nghĩa độc đáo và chuyên chở truyền thống dân tộc.

Ðó là về Tư Tưởng Hồ Chí Minh. Còn chủ nghĩa Mác Lênin thì sao? Ðảng Cộng Sản thường vẫn tự hào là họ có một “chủ nghĩa ưu việt” cho nên đã tiêu diệt được các đảng phái khác của những người Việt Nam yêu nước trong thế kỷ 20, nhờ thế họ độc chiếm chính quyền, lãnh đạo nhân dân. Sự thực thì chúng ta đều biết, đảng Cộng Sản thắng thế ở nước ta trong thế kỷ trước là nhờ những kỹ thuật tổ chức, khủng bố, bạo động, theo những chính sách tàn nhẫn và không kể tới nhân đạo. Hồ Chí Minh đã học được những kỹ thuật đó tại các trường Cộng Sản quốc tế của Stalin, rồi sau lại học được các kinh nghiệm của Mao Trạch Ðông. Chủ nghĩa Mác Lênin chỉ đóng vai trò tác động trong sự thành công của đảng Cộng Sản Việt Nam, vì họ dùng chủ nghĩa đó như một thứ tôn giáo để ràng buộc đảng viên, bắt tất cả hy sinh chiến đấu cho đảng, giống như những tín đồ tuẫn đạo.

Nhưng chủ nghĩa Mác Lênin đã tan rã ngay tự nơi phát xuất, là nước Nga. Cả một khối bao nhiêu quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ trong vòng một năm. Hiện tượng này có những đặc tính chưa bao giờ thấy trong lịch sử nhân loại. Trước đây các đế quốc của Hy Lạp, La Mã dùng hệ thống hành chánh và sức mạnh quân sự để thống trị các sắc dân phức tạp dưới quyền, nhưng họ không nhân danh một nền tư tưởng hay tôn giáo nào. Ðế quốc Mông Cổ cũng không. Ðế quốc La Mã sụp đổ nhưng còn để lại các định chế, các thư viện và các pho tượng. Khi các đế quốc Hồi Giáo tan rã, người dân các xứ bị trị vẫn tiếp tục theo đạo Islam, cho tới bây giờ người ta vẫn đọc Kinh Kuran bằng tiếng Á Rập và quỳ lạy về phía Mecca 5 lần mỗi ngày. Mà trong Hồi Giáo các tín đồ đều được coi là có thể tiếp cận thẳng với Thượng Ðế, không có một tòa thánh, cũng chỉ có các học giả về tôn giáo chứ không có một giai cấp giáo sĩ nào giống như Ban Tư Tưởng, Văn Hóa. Ðế quốc Trung Hoa đời Hán, Ðường khi tan rã còn để lại hệ thống chính trị và đạo lý Khổng Giáo, sau đó người Việt, người Triều Tiên đã độc lập rồi vẫn còn tiếp tục học hỏi và áp dụng.

Chỉ có đế quốc Xô Viết là đặc biệt. Họ cũng đặt nền tảng trên một chủ nghĩa, một hệ thống tư tưởng rõ rệt, nhưng đến khi tan rã thì người dân Nga, người dân các nước Ðông Âu thản nhiên coi tất cả nền tảng tư tưởng đó là chuyện tầm phào. Không một ai thương tiếc, không ai tìm cách chống đỡ, bảo vệ những giáo điều của chủ nghĩa đó cả. Khi được giải thoát, được tự do thì người ta đua nhau kiếm tiền, những đảng viên cộng sản có khả năng nhất quay ra đóng vai các nhà tư bản, làm giàu bằng mọi thủ đoạn. Những người nhiều cảm tính thì quay sang một thứ chủ nghĩa ái quốc, để lấp vào khoảng trống rỗng trong trái tim mình. Những người cộng sản có lòng thì lấy làm tiếc là xã hội đã mất một nền trật tự cũ mà chưa lập ra được một trật tự mới. Nhưng không một ai nhỏ lệ khóc chủ nghĩa Mác Lênin đã mất. Tại sao có hiện tượng lạ lùng như vậy?

Vì nhân loại đã tiến bộ. Việc áp đặt một thứ chủ nghĩa nào đó trên đời sống xã hội là phản tiến bộ.

Sự tiến bộ đáng kể nhất là khoa học phát triển, mà tinh thần khoa học thì dựa trên tính hoài nghi chứ không dựa trên những giáo điều. Trật tự xã hội cũ đặt trên niềm tin tuyệt đối vào các giáo điều, một hệ quả là tất cả phải tuân phục những lời huấn thị giải thích giáo điều của cấp trên, cuối cùng là tuyệt đối tuân lời các lãnh tụ đảng. Tinh thần khoa học thì ngược lại, nó đòi hỏi mỗi người phải hoài nghi những điều mà người đi trước tìm ra, để lập ra những giả thuyết mới, mỗi ngày một mới. Suốt một thế kỷ vừa qua các nhà vật lý học đua nhau tìm cách chứng minh các phương trình của Einstein không đúng, và để nghị những phương cách giải thích mới về quy luật chi phối vũ trụ. Thế kỷ này, người ta vẫn tiếp tục.

Cho nên, trong thế giới loài người tiến bộ bây giờ, ai còn hô hào và bó buộc tất cả mọi người cùng tin vào một chủ nghĩa, còn muốn áp dụng chủ nghĩa đó trên toàn thể xã hội, thì sẽ bị thiên hạ chê cười là còn sống trong thời hoang sơ, chưa mở mắt. Việc áp đặt một chủ nghĩa, một tín điều lên cả quốc gia, trên đời sống cả một dân tộc bây giờ là một hành động vừa ngu dốt vừa độc hại.

Thế còn trật tự xã hội thì sao? Làm sao mọi người sống hòa hợp bên nhau nếu không chia sẻ cùng một niềm tin?

Nhiều quốc gia tiến bộ đã chứng tỏ rằng một xã hội có thể sống hòa bình, ổn định, dù mọi người tin theo những tôn giáo, những hệ thống tư tưởng khác nhau. Họ chỉ cần cùng tuân theo những luật lệ trong cuộc chơi dân chủ. Trong xã hội dân chủ, mọi người không cần đồng thuận. Càng có nhiều ý kiến, nhiều đề nghị càng tốt, miễn là cùng tôn trọng luật chơi.

Nhưng ngay những luật lệ của cuộc chơi dân chủ cũng không đồng nhất, mỗi quốc gia chọn một hệ thống chính trị phù hợp với hoàn cảnh, tư chất của mình, miễn bảo vệ quyền tự do đi tìm hạnh phúc của mọi người và của mỗi người. Riêng trong mỗi quốc gia, cùng sống dưới một hệ thống chính trị chung, chính quyền cũng không theo một chủ trương, một chính sách mãi mãi. Các đảng phái hoạt động tự do tha hồ trình bày các quốc sách của họ, để người dân lựa chọn. Tinh thần hoài nghi thấm nhập vào lãnh vực chính trị, người ta biết không có một đảng phái nào, một quốc sách nào đáng coi là vượt lên trên để chiếm độc quyền lãnh đạo. Các đảng phái được tự do thuyết phục người bỏ phiếu. Người dân bỏ phiếu chọn chính sách nào phù hợp với nhu cầu chung, trong một thời gian thích hợp, khi họ thấy không còn ích lợi nữa thì buông xả không ngần ngại. Xã hội có trật tự vì mọi người phải tuân theo luật pháp như nhau.

Trật tự xã hội đó phù hợp với tinh thần khoa học. Và đã chứng tỏ mang lại hạnh phúc cao cho nhiều người nhất. Người Việt Nam chúng ta cần được giải phóng để bước vào thế giới loài người tiến bộ. Phải từ bỏ độc quyền tư tưởng, độc quyền chính trị, cũng như độc quyền kinh tế.

Ngô Nhân Dụng

Friday, February 09, 2007
www.nguoi-viet.com
 

www.geocities.ws/xoathantuong