Hồ Chí Minh nói về con người

Nguyễn Kiến Giang
 

Mấy lời nói đầu

Viết về Hồ Chí Minh rất khó. Viết Hồ Chí Minh nói về con người lại càng khó nữa. Không phải chỉ vì đã có rất nhiều người trong nước và ngoài nước viết, khiến cho những ai muốn viết thêm khó có thể có những phát hiện gì mới, nhất là khi chính Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là một nhà lý luận.

Ðầu năm 1949, tôi được dự một khóa huấn luyện của Trường Nguyễn Ái Quốc lúc trường vừa mới thành lập. Tổng Bí thư Trường Chinh đến giảng về cách mạng Việt Nam. Ngày giảng bài của ông lại trùng hợp với dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chí Minh. Nhân đó, ông có một buổi nói chuyện riêng về Cụ Hồ. Trong bài nói này, tôi nhớ nhất một ý: Hồ Chí Minh không viết lý luận vì đó là một người theo tinh thần thực tế cách mạng (tôi nhớ rõ lúc đó ông dùng một từ ngữ tiếng Pháp: réalisme révolutionnaire.)

Ít lâu sau đó, Hồ Chí Minh gửi thư cho lớp học, trong đó ông dặn dò trước hết là học để làm người. Rồi ông bất ngờ đến thăm lớp học. Ông không giảng bài mà dành thì giờ trả lời những câu hỏi của học viên (ai muốn hỏi gì cũng được, miễn là hỏi những gì thật cần thiết). Trong không khí thân mật, một học viên đứng lên:

“Thưa Bác, tại sao Bác không viết lý luận?”

Hồ Chí Minh vui vẻ đáp:

“Lý luận thì đã có Mác, Ăng-ghen, Lênin và Stalin viết rồi. Ta cứ làm theo đó là đủ."

Và đúng như thế. Ngày nay đọc lại những gì Hồ Chí Minh viết và nói, chúng ta thấy hầu như ông không trình bày một vấn đề lý luận cao xa nào cả.

Những cái khó chính là ở đó. Ðể nắm được “tư tưởng” Hồ Chí Minh, nói chung hay trong một lĩnh vực cụ thể nào, phải lần giở lại tất cả những gì ông nói và viết vào những dịp khác nhau để “hệ thống hóa” theo nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu. Ở đây, cũng như trong nhiều vấn đề khác, “hệ thống hóa” những ý kiến của một tác giả bao giờ cũng mang tính chủ quan của người nghiên cứu. Ðiều đó cũng có nghĩa là việc “hệ thống hóa” ấy nhiều lắm cũng chỉ có nghĩa là phản ảnh một số nét mà không bao giờ nắm bắt được đầy đủ cả. Bài viết này hẳn không phải là một ngoại lệ.

Trong bài viết này, tôi chỉ tự đặt cho mình một yêu cầu là dựa vào những tài liệu đã công bố chính thức, tìm hiểu xem Hồ Chí Minh đã nói những gì về con người. Chúng tôi chưa làm công việc đánh giá, phân tích về những ý kiến của Hồ Chí Minh trong vấn đề con người. Chúng tôi chắc hẳn không có phát hiện gì mới mẻ, chỉ cố gắng trình bày những ý kiến của Hồ Chí Minh như vốn có.

1. Có vấn đề con người trong những ý kiến của Hồ Chí Minh không?

Có thể khẳng định ngay: vấn đề con người không hề xa lạ với Hồ Chí Minh, kể từ khi ông tham gia “Hội những người ái quốc An-nam” (Association des patriotes annamites) cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường và “Liên đoàn Nhân quyền và Dân quyền” (Ligue des droits de l’Homme et Citoyen) lúc đặt chân lên nước Pháp, cho đến khi viết về “công việc đối với con người” trong phần di chúc bổ sung trước lúc mất. Con người được đề cập với những nội dung khác nhau. Nhưng rõ ràng vấn đề con người đã xuyên suốt những bài nói và viết của Hồ Chí Minh.

Sở dĩ có câu hỏi nêu ra trong đề mục phần này là do gần đây, trước những biến động lớn của thế giới xã hội chủ nghĩa, một số người đặt mục tiêu hoạt động của Hồ Chí Minh thành vấn đề. Một nhà bình luận người Pháp, Jean-Francois Revel, lớn tiếng phán rằng: “mục tiêu của ông (Hồ Chí Minh - người viết) không phải là nền độc lập của Việt Nam, mà là hợp nhất với Quốc tế Cộng sản. Ðó không phải là đem lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền lựa chọn những người lãnh đạo, luật pháp và cách sống của họ; mà là dùng cưỡng bức để áp đặt chế độ toàn trị kiểu Stalin lên dân chúng” ("Ho Chi Minh: le détournement du patriotisme", trong cuốn Ho Chi Minh, l’homme et son héritage, Ed. Ðường mới, Paris, 1990, tr. 9). Hoặc có người dựa vào một vài tư liệu lưu trữ ở Pháp để nói rằng Hồ Chí Minh rời Sài Gòn năm 1911 sang các nước phương Tây không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ là vì sinh kế (xem bài "L’itinéraire politique de Ho Chi Minh", sách đã dẫn, tr. 16-17). Bằng cách đó, họ muốn chứng minh là dường như Hồ Chí Minh chưa mang theo lý tưởng giải phóng dân tộc lúc xuất dương. Nhưng làm như vậy, họ cũng không thể bác bỏ được một sự thật là vấn đề con người đã được Hồ Chí Minh quan tâm từ đó. Bởi vì đối với mỗi người sống có ý thức, vấn đề con người luôn luôn hiện hữu, có khi xuất phát từ những suy nghĩ trừu tượng, có khi lại xuất phát từ một “thân phận con người” cụ thể. Chúng ta chưa có những tư liệu xác thực để chứng minh rằng từ tuổi thanh niên, ông đã suy nghĩ về vấn đề con người như thế nào, nhưng có đủ bằng chứng để khẳng định rằng ý thức giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân là điều có thật ở Nguyễn Tất Thành khi ông tham gia những cuộc vận động chống thuế hồi còn là học sinh Quốc học, và vì lẽ đó bị nhà trường thi hành kỷ luật. Nhưng dù không có chuyện đó đi nữa, dù việc Hồ Chí Minh rời đất nước năm 1911 chỉ là vì đi tìm sinh kế đi nữa, thì chính việc tìm sinh kế ấy không thể không làm cho Hồ Chí Minh phải suy nghĩ về thân phận con người, tức là về cốt lõi của vấn đề con người.

Trong một bài viết gần đây ("Jeunesse d’un colonisé, genese d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911", trong tạp chí Approches - Asie, số 11, 1992), Daniel Hémery dựa vào những bằng chứng hiện có để lý giải về đoạn đời này của Hồ Chí Minh. Nhà sử học này phân tích những đảo lộn xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng phân tích hoàn cảnh gia đình và cá nhân của Hồ Chí Minh đưa tới sự lựa chọn có tính chất quyết định của ông. Tác giả nhấn mạnh gia cảnh của Hồ Chí Minh hồi đó, khi ông Nguyễn Sinh Huy - thân sinh của Hồ Chí Minh - bị huyền chức khiến cả gia đình rơi vào cảnh túng quẫn [1] , và cho đó là một trong những lý do khiến Hồ Chí Minh phải ra đi. “Vào những ngày đầu tháng bảy 1911", D. Hémery viết ở đoạn kết luận, "khi nước mất, nhà tan, tủi nhục và cay đắng trong lòng, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn, bước chân lên tàu Ðô đốc Latouche-Tréville...”. Một lần nữa, có thể thấy rõ “thân phận con người” của Hồ Chí Minh lúc rời nước ra đi và chắc chắn một người trẻ tuổi nhạy cảm như ông không thể không băn khoăn về thân phận của mình cũng như của nhiều người khác cùng hoàn cảnh.

Sự cảm nhận “thân phận con người” ấy là một yếu tố rất quan trọng - nếu không phải là chủ yếu - để ông gắn bó với những lính chiến và lính thợ Việt Nam bị đưa sang chiến trường châu Âu hồi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. (Theo Harold Isaacs, Hồ Chí Minh có mặt trong hàng chục nghìn người Việt Nam được dùng ở phía sau mặt trận Flandres, và theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, những người Việt Nam này bị nghi ngờ có hoạt động chính trị). Mối quan tâm của ông đối với những người bị bắt đi lính sang Pháp, cũng như đối với những biến động ở nước nhà hồi đó được thể hiện rất rõ trong mấy lá thư hiếm hoi của Hồ Chí Minh gửi Phan Châu Trinh hồi đó (xem Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập I, tr. 477-479).

Cũng chính sự cảm nhận về “thân phận con người” ấy đã đưa Hồ Chí Minh tới việc tham gia Liên đoàn Nhân quyền và Dân quyền lúc ông vừa mới đặt chân lên Paris. Như đã rõ, dưới cái tên sẽ đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam sau này là Nguyễn Ái Quốc, chính ông thay mặt Nhóm người An Nam yêu nước đưa tới Hội nghị Versailles đầu năm 1919 bản Yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó nêu bật các quyền con người phải được thực hiện ngay trong khi chờ đợi thực hiện quyền dân tộc tự quyết (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 480-482). Về sau này, trong những hoàn cảnh khác nhau, những ý tưởng chính của bản Yêu sách này (quyền dân tộc tự quyết và quyền con người) được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

*

Từ đó, ném mình vào cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, với tư cách một người đấu tranh giải phóng dân tộc và một người cộng sản, Hồ Chí Minh nói tới thân phận con người trên những bình diện ngày càng rộng lớn. Ðây không chỉ là thân phận của các cá nhân, mà còn là của các dân tộc, “các chủng tộc thấp kém”... Thật hiếm thấy có tác giả nào theo dõi tỉ mỉ từng trường hợp xúc phạm con người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới để lên án quyết liệt như Hồ Chí Minh trong những năm 20. Chỉ cần lướt qua nhan đề một loạt bài báo của ông hồi đó, cũng đủ thấy rõ sự quan tâm của ông về thân phận con người sâu sắc và rộng lớn đến mức nào: “Tâm địa thực dân”, “Công cuộc ‘khai hóa’ cao cả”, “Thù ghét chủng tộc”, “Khai hóa giết người”, “Chế độ nô lệ “hiện đại hóa””, “Vực thẳm thuộc địa”, v.v... và v.v... Hồ Chí Minh, khi đã trở thành người cộng sản, vẫn không quên đề cao Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp và dùng quyền con người và quyền công dân làm những mục tiêu kêu gọi đấu tranh. Xin đặc biệt lưu ý bài “Thống chế Lyautey và Tuyên ngôn nhân quyền”. Trong bài đó, Hồ Chí Minh vạch rõ sự phản bội của thống chế Lyautey, toàn quyền Pháp ở Maroc, đối với Tuyên ngôn nhân quyền vì đã ra lệnh cấm niêm yết nó tại các trường học và công sở. Hồ Chí Minh nhấn mạnh bản tuyên ngôn ấy là một thành tựu nổi tiếng của nền dân chủ và là “những nguyên lý thời Cách mạng 1789-1793”, ông kêu gọi người Maroc “làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân”, nghĩa là “tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 295-298).

Có dựa vào “mô-tip” quyền con người và quyền công dân ấy, mới hiểu dược tại sao trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng chín 1945, Hồ Chí Minh mở đầu bằng lời mà ông coi là bất hủ trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp [2] .

*

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trừ Tuyên ngôn độc lập ra, trong những bài nói và bài viết của mình, người ta thấy Hồ Chí Minh không nói, hay rất ít nói, tới vấn đề con người và quyền con người. Theo chúng tôi, điều này một phần là do hoàn cảnh đất nước đã có những thay đổi căn bản. Trước hết, từ chỗ là những người mất nước, người Việt Nam trở thành những người dân của một nước độc lập, hoặc nói cách khác, từ nô lệ trở thành tự do (những phạm trù “nô lệ” và “tự do” này chỉ chung tới cộng đồng dân tộc mà không chỉ riêng từng cá nhân). Từ “con người”, do đó, biến thành từ “dân” hay “nhân dân”. Trong giai đoạn này, theo chúng tôi hiểu, khi Hồ Chí Minh nói tới “dân”, “nhân dân” cũng tức là nói tới “con người”.

Thứ hai, trong quá trình cách mạng diễn ra sau Cách mạng tháng Tám, nhất là trong cải cách ruộng đất và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa (cải tạo xã hội chủ nghĩa), con người Việt Nam từ chỗ là những người bị áp bức dân tộc nói chung dần dần được gắn với những vị trí, đia vị xã hội khác nhau, những nhóm xã hội giai cấp khác nhau theo đúng lý thuyết cộng sản. Có “con người-dân”, lại có “con người-cán bộ”. Có “con người-nông dân” lại có “con người-địa chủ”. Có “con người-lao động” lại có “con người-bóc lột”... Những phạm trù khác nhau này được phản ảnh vào những bài nói và bài viết của Hồ Chí Minh hồi này rất rõ.

Con người Việt Nam được đặt vào hai loại quan hệ. Một mặt, vì sau Cách mạng tháng Tám, nước ta phải tiến hành hai cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ, nên con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn được coi như một cộng đồng dân tộc thống nhất trước họa xâm lăng của nước ngoài. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh thường dùng những cách gọi chung: “quốc dân đồng bào”, “đồng bào yêu quí”, “quốc dân Việt Nam”... Ở đây không có sự phân chia thành các nhóm xã hội có những lợi ích khác nhau, mà chỉ có sự phân biệt theo lứa tuổi, công việc, trách nhiệm... trong sự thống nhất của “chúng ta”. Một ví dụ rõ nhất: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20 tháng chạp 1946:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ....”

Bên cạnh loại quan hệ ấy, trong nhiều bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh còn đặt con người Việt Nam vào một loại quan hệ khác, tùy theo tính chất, lợi ích và địa vị xã hội khác nhau. Về mặt này, với tư cách một người lãnh đạo Ðảng và nhà nước, Hồ Chí Minh đề cập gần như thưỡng xuyên mối quan hệ “dân - cán bộ” như là hai bộ phận của cùng một hệ thống: bộ phận quản lý (lãnh đạo) và bộ phận bị quản lý (bị lãnh đạo), nói theo ngôn ngữ của khoa học quản lý hiện đại.

Và không chỉ như thế. Người dân được phân chia thành nhiều nhóm xã hội khác nhau, có những lợi ích thậm chí đối lập nhau, như trong cái gọi là “đường lối giai cấp” hồi cải cách ruộng đất: “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, tiêu diệt chế độ phong kiến từng bước và có phân biệt” (xem Hồ Chí Minh Tuyển tập, 1960, tr. 465). Rồi trong thời kỳ tiến hành “cách mạng (cải tạo) xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cũng đặt con nguời vào những quan hệ xã hội - giai cấp một cách thật rõ ràng.

Nhưng, từ những năm 60, khi diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh lại dùng nhiều hơn từ ngữ “đồng bào”, hay cụ thể hơn, “đồng bào miền Bắc”, “đồng bào miền Nam”, “đồng bào cả nước” trong những phát biểu của ông. Sự phân chia theo các quan hệ xã hội - giai cấp tồn tại cùng với cách nhìn “cộng đồng dân tộc” biểu hiện ở từ ngữ “đồng bào” thân thiết ấy. Những từ ngữ ấy lại được dùng trong Di chúc của Hồ Chí Minh: “… tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột”.

Và, cuối cùng, năm 1968, hơn một năm trước khi mất, Hồ Chí Minh lại dùng từ “con người” trong phần bổ sung Di chúc của mình: “Ðầu tiên là công việc đối với con người”.

Khái niệm “con người” ở đây được dùng rất cụ thể để chỉ:

(xem Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Sự thật, Nxb Kim Ðồng, 1989, tr. 139-141).

Vậy là, bắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau.

2. Từ con người của lý tưởng đến con người chức năng

Qua những bài viết và bài nói của Hồ Chí Minh, khái niệm “con người” hiện lên ở nhiều bình diện, hay nói cách khác, nhiều chiều (multidimensionnel). Ðiều đó thật đễ hiểu: con người bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào cũng là vậy: nó không tồn tại ở một bình diện, một chiều, mà ở nhiều bình diện, nhiều chiều, luôn luôn được đặt vào những quan hệ khác nhau, vào những vị trí khác nhau. Về quan hệ: đó là quan hệ với vũ trụ - tự nhiên, với tộc loại, với các cộng đồng, các nhóm xã hội (từ những nhóm vi mô như gia đình, đồng nghiệp... đến những nhóm xã hội vĩ mô như giới tính, xã hội - giai cấp, dân tộc..., và với chính bản thân mình. Về vị trí: đó là vị trí thụ động hay chủ động, chủ thể hay khách thể..., chưa nói tới những quan hệ cũng vô cùng quan trọng: giữ được mình (tính độc lập, tự chủ) hay đánh mất mình (tha hóa). Bản thân mỗi con người, cũng từ những quan hệ, những vị trí riêng của mình mà có những cách nhìn nhận, cảm nhận khác nhau về những quan hệ và vị trí của con người khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là: trong những điều kiện lịch sử và cá nhân của mình, Hồ Chí Minh đã xem xét những bình diện, những chiều khác nhau của con người như thế nào.

Trước tiên, có thể khẳng định mà không cần phải chứng minh dài dòng rằng: thân phận con người mất nước của bản thân mình và đồng bào mình là nét nổi trội nhất chi phối cách nhìn con người của ông. Con người hiện lên rõ nét nhất qua những bài viết và bài nói của ông là con người mất nước và yêu nước.

Nhớ rằng Hồ Chí Minh sinh năm 1890 (trong khi chưa có một sự xác minh chắc chắn về ngày sinh của ông, và chính bản thân ông đưa ra tới ba năm sinh khác nhau: năm 1890 như ông chọn về sau này, năm 1892 như ông ghi trong lá đơn xin học Trường Thuộc địa (Ecole coloniale) ở Pháp, năm 1895 như được ghi trên hộ chiếu nhập cảnh vào Liên Xô năm 1923, thì chúng tôi tạm thời dùng năm sinh thông dụng hiện nay của ông), tức là khi đất nước đã chìm vào tình trạng bị thực dân Pháp nô dịch hoàn toàn. Các cuộc khởi nghĩa Cần vương đã im tiếng. Thực dân Pháp hoàn tất giai đoạn “bình định” (pacification) và chuyển sang thời kỳ “khai thác thuộc địa” (exploitation coloniale). Ðối với người Việt Nam hồi đó, mất nước là sự kiện đau đớn nhất. Tuy phải đến mấy chục năm sau, sự thống trị thực dân mới đụng chạm mạnh mẽ tới những cơ cấu và thể chế xã hội cơ bản của xã hội Việt Nam nhưng chỉ riêng việc mất nước là cú đòn tinh thần chí mạng đánh vào tâm thức mọi người, nhất là đối với những người có Nho học. Sự kiện mất nước dần dần đụng tới những nền móng sâu xa của xã hội Việt Nam, từ chính trị đến kinh tế và văn hóa. Ðó không chỉ là mất quốc hiệu (Ðông Dương thuộc Pháp mà không còn là còn là Việt Nam nữa), mất quốc gia (nhà nước), mà còn đụng chạm tới nhưng quyền lợi sống còn của đông đảo nông dân, nhất là những nông dân “sau các lũy tre làng”. Sự đau đớn về tinh thần lại càng nặng nề, đến mức không thể chịu đựng nổi. Một người nhạy cảm như Hồ Chí Minh không thể không trải qua tấn bi kịch tinh thần dữ dội của người Viêt Nam hồi đó.

Ý thức mất nước dẫn tới ý thức yêu nước, giành lại đất nước. Và từ khi lên đường ra nước ngoài, nhất là từ khi bắt đầu có những hoạt động chính trị, cho đến khi trở thành người cộng sản, cả đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bản thân Hồ Chí Minh luôn luôn mang nặng tâm thức ấy và nhìn những con người Việt Nam trước hết qua tâm thức ấy. Có thể khẳng định chắc chắn rằng yêu nước là mô-tip chủ đạo của cả cuộc đời Hồ Chí Minh. Sức thuyết phục của con người ông chính là ở đó, kể cả những lúc ông dính vào những sai lầm nào đó (về cải cách ruộng đất, chẳng hạn). Những lúc như thế, dù có những người nói tới “tội” của ông, nhưng họ không bao giờ quên “công” của ông.

Con người - mất nước được Hồ Chí Minh khắc họa thành hình tượng sâu sắc nhất từ những buổi đầu hoạt động chính trị của mình. Hãy đọc lại Bản án chế độ thực dân Pháp để cảm nhận điều đó. Hình ảnh một Ðông Dương (trên thực tế, chủ yếu ông viết về Việt Nam) bị thực dân chinh phục bằng lưỡi lê, bị tàn sát không gớm tay. Một phụ nữ làm nghề gánh muối ở Bà Rịa bị một nhân viên nhà đoan đánh gần chết chỉ vì làm mất giấc ngủ trưa của y... Những người bị bắt đi lính bị xích tay và lùa tới các điểm tập trung trước khi đưa xuống tàu... Người nông dân sống cùng khổ, bị tước đoạt mọi thứ và hễ mất mùa là chết đói... Những dân phu bị bắt đi làm phu phải cuốc bộ hàng trăm kilômet đến công trường làm đường, chui rúc trong những túp lều thảm hại, cơm không đủ no với chút cá khô và phải uống nước bẩn... Ðó chỉ là một vài trong trăm nghìn trường hợp con người mất nước bị chà đạp, với một nhận xét khái quát: “Chưa có bao giờ ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr. 444).

Nói tới con người - mất nước, Hồ Chí Minh không dừng lại ở các tầng lớp “bên dưới” mà còn nhắc tới cả những người ở các tầng lớp “bên trên”, với một thái độ đồng cảm và đầy trân trọng: đó là những ông vua như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị đày ải phương xa, là những ông quan như Tống Duy Tân bị chém đầu, như Phan Ðình Phùng đứng lên đánh Pháp rồi chết rồi vẫn không được tha, mộ ông bị quật lên và thi hài ông bị ném mỗi nơi một mảnh... Và con người - mất nước không chỉ là con người Việt Nam, đó còn là con người ở tất cả các thuộc địa.

Mô-tip con người - mất nước ấy càng hiện rõ trong những bài viết ngay cả trước cuộc tổng khởi nghĩa trên những bài cổ động trên báo chí bí mật của Việt Minh (những người dân cày “thân người chẳng khác thân trâu”, những trẻ em “cũng phải lầm than cực lòng”, nhưng người thợ “quần rách áo xơ”...).

*

Như đã nói trên, ở Hồ Chí Minh, con người - mất nước cũng là con người - yêu nước, lúc đầu là con người cứu nước, rồi về sau, khi đã giành lại nước, trở thành con người giữ nước, dựng nước. Con người mất nước không hiện lên như những kẻ yếu hèn, cam chịu, mà ngay từ đầu, ông đã nhìn thấy đó chính là những người giành quyền sống của mình với tinh thần quyết liệt. Ðó là những người “không chết”, “vẫn sống, sống mãi mãi”, và “đằng sau sự phục tùng tiêu cực là nhưng người “giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm” (bài “Ðông Dương” viết năm 1921, Toàn tập, tập 1, tr. 9-10).

Không phải Hồ Chí Minh không nhìn thấy những trạng thái tinh thần tiêu cực của những bộ phận quần chúng nào đó. Trong một bài gửi thanh niên Việt Nam vào giữa những năm 20, sau khi mô tả những tấm gương yêu nước của thanh niên Nhật Bản, Trung Hoa..., ông thốt lên:

“Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc làm thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi.

Hỡi Ðông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của người không muốn hồi sinh” (Toàn tập, tập 1, tr. 470).

Những lời cay đắng ấy phản ảnh một sự thật đương thời và là một cảnh tỉnh sâu sắc, không chút mơn trớn quần chúng theo kiểu mị dân. Ở ông, tinh thần yêu nước của người Việt Nam vẫn là một thứ của cải vô giá, lúc nổi lên bề mặt, lúc chìm xuống tầng sâu: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quí. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha-lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu trong rương, trong hòm” (Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1960, tr. 367).

Có lẽ chúng ta còn phải làm việc nhiều, rất nhiều để hiểu thật rõ, thật đúng về con người yêu nước Việt Nam, không thể nói chung chung đó là một giá trị tinh thần bao trùm lên tất cả, nhất là không thể qui nó vào khuôn khổ một hệ tư tưởng nào đó. “Nước” là một thực thể địa lý, hơn nữa, đó là một thực thể chính trị, nhưng chắc chắn không chỉ có thế. Trong tâm thức người Việt, “nước” còn là một linh hồn chung của cộng đồng dân tộc (“hồn nước”), là “khí thiêng sông núi”, là một giá trị tâm linh vô cùng thiêng liêng. Những ý kiến của Hồ Chí Minh đã phản ảnh tâm thức sâu lắng này của người Việt, một tâm thức làm nên bản sắc dân tộc, vĩnh viễn không mai một. Về mặt này, có thể mạnh dạn nói rằng trong những tranh chấp giữa “chủ nghĩa quốc tế” và “chủ nghĩa dân tộc” ở những người cộng sản trên thế giới vào những năm 20 và 30, Hồ Chí Minh chưa bao giờ rời bỏ sự khẳng định dân tộc. Chính việc ông kiên trì ngọn cờ dân tộc là một trong những nhân tố căn bản đưa tới thành công của cách mạng Việt Nam, điều mà những người không cộng sản, thậm chí chống cộng sản, cũng phải thừa nhận.

*

Ở Hồ Chí Minh, con người được ông lấy làm điểm xuất phát cho hoạt động cách mạng của mình còn có một bình diện thứ hai, không kém quan trọng: con người paria (cùng khổ). Xin mượn ngay tên tờ báo Le paria do ông và một số đồng chí của ông sáng lập vào đầu những năm 20 ở Pháp để chỉ bình diện cơ bản ấy của con người qua cách nhìn của Hồ Chí Minh. Nếu như “con người mất nước - yêu nước” bao trùm mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam và ở nhiều thuộc địa khác, thì “con người paria” chỉ bao trùm những người cùng khổ trên thế gian. Trên tờ Le Paria, số 25, tháng năm 1924, dưới nhan đề “Ðoàn kết giai cấp”, Hồ Chí Minh kể lại phiên tòa xử một thủy thủ da đen tham gia đình công “chống bọn chủ”. Với sự ủng hộ của các luật sư và những công nhân khác, kể cả công nhân da trắng, người thủy thủ ấy được xử trắng án. Kết thúc bài báo, ông đưa ra một nhận xét khái quát: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (Toàn tập, tập 1, tr. 212).

Như vậy, bên cạnh “con người mất nước - yêu nước”, Hồ Chí Minh còn nhìn nhận sâu sắc “con người paria”, con người cùng khổ, con người vô sản. Và trong hàng chục năm trời hoạt động chính trị của mình, hầu như ông không tách hai bình diện con người ấy khỏi nhau. Ở ông, một người tham gia phong trào cộng sản từ lúc nó mới trở thành một trào lưu độc lập của phong trào công nhân thế giới với sự ra đời của Quốc tế thứ Ba, điều đó không có gì khó hiểu. Theo học thuyết cộng sản, ông nhìn thấy mối liên kết mật thiết giữa hai bình diện con người vì ở cực đối lập của con người - mất nước và con người - paria chỉ có một thế lực: “bọn tư bản”. Từ nay, sự giải phóng của con người - mất nước và con người - paria, đối với ông cũng như đối với mọi người cộng sản khác, nằm trong một quá trình đấu tranh chung: chống chủ nghĩa tư bản và chống chủ nghĩa đế quốc. Từ nay, giải phóng dân tộc phải gắn liền với cách mạng vô sản:

Ý tưởng này được ông lặp đi lặp lại trong rất nhiều bài viết. Cho đến năm 1959, khi viết “Lời tựa” cho bản tiếng Nga cho quyển Hồ Chí Minh. Những bài viết và nói chọn lọc, ông nhấn mạnh một lần nữa như một sự đúc kết không thể nào cô đọng hơn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn con đường cách mạng vô sản” (Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1960, tr. 705).

Ðối với nhiều người, những điều vừa nói là quá hiển nhiên. Sự thống nhất giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản (chủ nghĩa xã hội) dường như là một chân lý không còn phải bàn cãi gì nữa. Nhưng hiện nay, vấn đề lại nảy sinh từ sự khẳng định ấy. Chúng tôi xin tạm gác vấn đề này lại, vì chủ đề của bài viết này là tìm hiểu những gì Hồ Chí Minh viết về con người. Song, nếu có thể nói ngay một điều gì, chỉ xin nói rằng: trong hoàn cảnh lịch sử những năm 20 và 30 trên thế giới cũng như trong nước, quan niệm về sự thống nhất giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản (tức là sự thống nhất của giải phóng con người - mất nước và con người - paria) có những cơ sở của nó. Chỉ có đặt vào hoàn cảnh lịch sử hồi đó, mới tránh được cuộc tranh luận hoàn toàn tư biện giữa những người cho rằng đối với Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản chỉ là phương tiện để giải phóng dân tộc, với những người cho rằng đối với ông, giải phóng dân tộc chỉ là phương tiện để giành thắng lợi cho cách mạng vô sản và áp đặt chủ nghĩa xã hội lên đất nước ta. Thật ra, trong quan niệm của Hồ Chí Minh hồi đó, không có một sự phân biệt như vậy. Ông vừa là người đấu tranh kiên định cho giải phóng dân tộc, đồng thời là người đấu tranh cũng kiên định không kém cho cách mạng vô sản. Trong quá trình hoạt động của mình, ở những thời điểm khác nhau, ông có những sự nhấn mạnh mặt này hơn mặt kia và ngược lại, nhưng nhìn toàn bộ, vẫn thấy ở ông sự thống nhất của sự giải phóng con người - mất nước và con người - paria.

Cũng xin nói thêm rằng, ở Hồ Chí Minh, khái niệm “người cùng khổ” lúc đầu không đồng nhất với “người vô sản”. Trong bài viết “Paris”, ông mô tả một xóm nghèo của “những bà con khốn khó, kẻ thừa kế bị gạt bỏ của hai xóm kia” (xóm của người giàu và người trung lưu), “như là thuộc một giống người khác, ra vẻ bẽn lẽn, khiêm nhường, bị cái khốn cùng nó đè bẹp”. Ðó là xóm của một người “ép mía lấy đường theo cái kiểu nghìn năm xưa cũ”, “của một bác buôn giẻ rách”, của những cụ già hễ mùa đông tới “người thì khoác cái chăn trên lưng, người thì lại mặc cái áo dài bó của hầu bàn trưởng - đầu đội cái mũ rơm vàng úa, người khác nữa tả tơi đụp vá muôn màu sắc”, của cả một ông già “đeo một dải huy chương thưởng công cứu nạn”, nhưng bây giờ phải “nhờ thiên hạ bố thí để sống qua ngày, sau bấy nhiêu năm trời làm ăn cực nhọc”... Nhưng trong phần lớn trường hợp, ông mô tả kỹ nhất những người cùng khổ ở các thuộc địa, không thể dẫn hết.

Hồ Chí Minh không ảo tưởng nhiều về những con người cùng khổ này. Sự cam chịu của họ có lúc tưởng như vô bờ bến. Trong một bài thơ làm khi ở tù, ông nói tới những người tù bị cùm một chân phải, chỉ còn chân trái co duỗi được mà thôi, và những con người khổ nhục ấy lại tranh nhau được cùm chân trước để được ngủ trước:

Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;
Ðược cùm chân mới yên bề ngủ,
Không được cùm chân biết ngủ đâu?
(Nam Trân dịch)

Một câu thơ như xát muối vào lòng người!

Nhưng trên tất cả, Hồ Chí Minh vẫn đặt hy vọng vào những người cùng khổ này. Tượng trưng cho họ là con người biết mùi hun khói, cụ Ki-men-gô, 90 tuổi, từng trải qua những cuộc đấu tranh giải phóng và một lần đã bị kẻ thù hun khói xuống hang cụ ẩn nấp, và cuối cùng, đất nước cụ được giải phóng. Hồ Chí Minh nói về cụ già này với tất cả sự tôn kính: “Mái tóc cụ bạc phơ như tuyết khuôn rực rỡ bộ mặt màu mun. Ðôi mắt cụ hiền dịu và nhìn sâu thẳm. Miệng cụ luôn tươi cười, dù trước những nguy nan nghiêm trọng nhất hay trong những giờ phút đen tối nhất. Từ cả con người cụ toát ra nhân từ và cao quí, Cụ đáng tôn kính và được tôn kính.” (Toàn tập, tập 1, tr. 55).

Trong những bài viết về sau, như đã nói, Hồ Chí Minh dùng nhiều hơn những khái niệm mang tính giai cấp rõ rệt (“vô sản”, “công nhân”, “bần nông”...), nhưng nói chung, ông ít chú trọng tới “vị trí xã hội” của họ mà chủ yếu vẫn là gắn với cuộc đời cùng khổ của họ. “Con người - paria” vẫn là con người thân thuộc của ông.

Hồ Chí Minh, với tư cách một nhà cách mạng, luôn nói tới những người mất nước - yêu nước và những người cùng khổ như những người có khát vọng giải phóng (được giải phóng hay tự giải phóng) mạnh mẽ. Là người mất nước, họ hướng tới lý tưởng độc lập dân tộc. Là người cùng khổ, họ hướng tới lý tưởng bìmh đẳng hạnh phúc. Là người bị áp bức, họ hướng tới lý tưởng tự do. Và những lý tưởng cao cả ấy, không ai ban cho cả. Như ông viết trong tuyên ngôn của “Hội liên hiệp thuộc địa”:

“Anh em phải làm thế nào để được giải phóng ?

Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” (Toàn tập, tập 1, tr. 465).

Con đường giải phóng của họ, theo ông, phải là con đường làm cách mạng, “có cách mạng thì sống, không cách mạng thì sẽ chết dần, chết mòn” (Tuyển tập, 1960, tr. 191), như ông đã viết trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương (ngày 18 tháng hai 1930). Quan niệm triệt để và nhất quán ấy cũng thể hiện ở nhiều dịp sau đó. Trong thư "Kính cáo đồng bào" (6 tháng sáu 1941), ông viết: "Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm” (như trên, tr. 148). Hoặc trong "Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa" (tháng Tám 1945): “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” (như trên, tr. 380).

Con người mất nước - yêu nước và con người cùng khổ ấy, trong quan niệm của ông, phải trở thành con người cách mạng, con người - chiến sĩ. Ðó là một trong những bình diện cơ bản, nếu không phải là bình diện số một, của con người trong cách nhìn của ông, đặc biệt trong những thời điểm đấu tranh giải phóng trực tiếp.

Trong hầu hết những bài nói và bài viết của ông thời Cách mạng tháng Tám và sau đó, Hồ Chí Minh lấy con người - chiến sĩ làm cảm hứng chủ đạo vì đó là con người thích hợp nhất với các cuộc kháng chiến lâu dài hàng chục năm của đất nước. Có thể nói, khi nào có dịp là ông dùng khái niệm ấy như để khắc sâu vào lòng người:

Ngay cả chống đói, chống nạn mù chữ cũng trở thành những “mặt trận diệt giặc đói, diệt giặc dốt”. Ði bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên (tháng Giêng 1946) cũng là làm một nhiệm vụ chiến đấu: “Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù, về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu củng cố sức lực”. Và đến ngày toàn quốc kháng chiến thì: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ Quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”. Chiến đấu ở tiền tuyến hay làm việc ở hậu phương, kể cả tản cư, cũng đều là hy sinh xương máu, hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến. Ðồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng thì “nên tìm đủ mọi cách giúp đỡ quân du kích của ta”. Thanh niên được nhắc nhở: “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước”. Nông dân: “Ruộng rẫy là chiến trường, Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sĩ”. Văn nghệ sĩ cũng thế: đó là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”, v.v... Tóm lại một câu: “Mỗi người Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn nhỏ đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” (Tuyển tập, 1960, tr. 294, người viết gạch dưới).

*

Con người - chiến sĩ không phải là con người có sẵn, không phải là con người bình thường trong hoàn cảnh sống bình thường. Ðó là con người được đào luyện và tự đào luyện theo những lý tưởng, những mục tiêu nhất định. Nó được đòi hỏi và tự đòi hỏi có những phẩm chất khác thường, phù hợp với những hoàn cảnh khác thường. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh những phẩm chất ấy của con người - chiến sĩ. Có thể tóm tắt mhững phẩm chất ấy như sau:

Có thể kể thêm một số phẩm chất khác, nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy con người - chiến sĩ được đòi hỏi cao đến mức nào. Thật ra, trong cuộc sống bình thường, mỗi người đều phải có những phẩm chất nhất định để có thể thành công trong cuộc sống. Nhưng ở con người - chiến sĩ, những phẩm chất ấy vượt quá giới hạn bình thường.

Xin lấy một ví dụ đơn giản nhất: năng lực giao tiếp. Năng lực này là điều kiện hàng ngày không thể thiếu để con người có thể sống với nhau. Nhưng sự giao tiếp của con người - chiến sĩ lại mang một yêu cầu khác. Bộ đội, cán bộ giao tiếp với dân chúng không còn là sự giao tiếp bình thường, nó đã mang một nội dung đặc biệt: dân vận. Nghĩa là phải tuyên truyền, giáo dục, tổ chức những người là đối tượng giao tiếp của mình, thường được gọi bằng từ ngữ quần chúng. Ðặc biệt là các đảng viên: đối với họ với tư cách là người lãnh đạo, tất cả nhưng ai không phải là đảng viên đều được liệt vào phạm trù “quần chúng” này như người bị lãnh đạo. Một cách tự nhiên (thật ra là phi tự nhiên), một sự phân chia vô hình diễn ra ngay trong các quan hệ giao tiếp.

Con người - chiến sĩ trước hết là con người chính trị, luôn luôn nhằm tới những mục tiêu chính trị, luôn luôn tính đến ý nghĩa chính trị trong mọi hành vi của mình. Ý nghĩa chính trị chi phối mọi mặt đời sống của con người - chiến sĩ. Giá trị đầu tiên và quan trọng nhất của con người - chiến sĩ, vì thế, là giá trị chính trị, mà nội dung cơ bản của nó là lập trường chính trị. Ðiều đó thể hiện trước hết ở sự phân biệt “ta - bạn - thù”. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng, sự phân biệt ấy có thay đổi, và con người - chiến sĩ phải luôn lôn nắm được sự phân biệt ấy. Hồ Chí Minh nói tới điều này trong rất nhiều bài nói và bài viết, nhưng rõ nhất là trong những phát biểu ở các lớp chỉnh huấn. Tháng Sáu 1953, trong thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan, trả lời câu hỏi vì sao phải chỉnh huấn, ông nói:

“Vì nhiều cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm.

Tại lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức sau đó ít lâu, ông còn phân tích rõ hơn. Một mặt, ông nêu rõ rằng “trước đây thực dân và phong kiến áp bức tàn tệ công nông về vật chất”, nên “công nông đã giữ vững tinh thần giai cấp và tinh thần dân tộc, giữ vững chí khí quật cường bất khuất. Khi có cơ hội cách mạng và kháng chiến thì công nông hăng hái nổi dậy, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, hy sinh quên mình, chiến đấu anh dũng”. Mặt khác, “đối với trí thức thì tuy rằng thực dân và phong kiến cũng trực tiếp bóc lột về vật chất, song chúng dành một tí tị cái chúng đã bóc lột được để mua chuộc trí thức. Nhưng chúng áp bức bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần... Chúng đã làm cho một số trí thức mơ màng đến nỗi quên nước mình bị nô lệ, quên thân mình là nô lệ, không biết rõ ai là bạn, ai là thù, không biết phân biệt thế nào là sai, là đúng”. Do đó, “muốn làm tròn nhiệm vụ thì phải tiến kịp phong trào tiến với dân tộc; phải cải tạo tư tưởng, giữ vững lập trường” (như trên, tr. 453-455).

Phải thừa nhận rằng, trong nhiều thập kỷ liền sau Cách mạng tháng Tám, khi đất nước phải đương đầu với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hết sức gian khổ, con người - chiến sĩ đã là một hiện thực, và có thể nói không thể cường điệu rằng mỗi người đều cố gắng trở thành con người - chiến sĩ bằng tất cả tâm huyết với tất cả những biểu hiện sinh động của nó. Ðến mức con người - chiến sĩ không phải là con người khác thường trong những hoàn cảnh khác thường, mà là tự cảm thấy là “bình thường” ngay trong những hoàn cảnh luôn luôn khác thường ấy của một đất nước đầy biến động gần như không bao giờ dứt cả.

*

Con người - chiến sĩ trở thành phổ biến ấy tất nhiên không hoàn toàn giống nhau. Do những điều kiện xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau, nhiều khi là do những đặc tính của mỗi người, nên con đường “giác ngộ cách mạng” và tinh thần chiến đấu hy sinh cũng có nhưng mức độ khác nhau. Hồ Chí Minh hiểu rõ như vậy khi nói rằng “năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài”, khi nhắc nhở rằng “dù là bánh ngọt cũng không thể ăn ngay một lúc được”, và “trong quần chúng thường có ba hạng người: tiên tiến, trung bình và lạc hậu”. Vì thế, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc xây dựng và đào tạo lớp người cốt cán của các phong trào đấu tranh. Ðó là những “hạt nhân” của phong trào cách mạng. Lúc đầu là những “đoàn viên cộng sản” trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, và về sau là những đảng viên cộng sản (từ Ðông Dương Cộng sản Đảng đến Ðảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Ðể cho thuận tiện, chúng tôi gọi đó là con người - cán bộ với ý định làm nổi bật vai trò cốt cán của nó.

Có thể nói rằng, trong suốt đời hoạt động của mình, ông quan tâm trước hết tới “con người - cán bộ” ấy. Và ông cũng từng nêu rõ nhưng tiêu chuẩn của “con người - cán bộ” ấy trong rất nhiều bài nói và bài viết. Ngay từ năm 1927, khi viết Ðường cách mệnh, ông mở đầu bằng “Tư cách một người cách mệnh”.

Con người - cán bộ, theo ông, có một vị trí xã hội rất rõ: vừa là người lãnh đạo nhân dân, vừa là đầy tớ của nhân dân. Ðó là một con người mang theo một mâu thuẫn nội tại không dễ giải quyết và, trong nhiều trường hợp, không phải ông không nhìn thấy có những người đầy tớ biến thành ông chủ như thế nào. Từ buổi đầu chế độ dân chủ cộng hòa, tháng Mười 1945, ông đã cảnh cáo nguy cơ “quan cách mạng” trong đội ngũ cán bộ, với những tật bệnh nặng nề: trái phép (“vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu gia sản, làm dân oán thán), cậy thế (“ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”), hủ hóa (“ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn”, “thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức”), tư túi (“kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình không có tài năng gì cũng chức này chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”), chia rẽ (“bênh vực lớp này chống lại lớp khác”), kiêu ngạo (“tưởng mình ở trong cơ quan của chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên”)...

Bài toán “vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ” ấy đã qua hơn nửa thế kỷ nay, vẫn chưa tìm thấy đáp số. Những gì Hồ Chí Minh coi là “những lỗi lầm rất nặng nề” của con người - cán bộ, ngày nay đọc lại, vẫn không thay đổi gì lắm, nếu không muốn nói là “những lỗi lầm” ấy còn nặng nề hơn nhiều, thậm chí có thể coi đó là “những trọng tội”.

Không đi tìm cách giải bài toán này bằng con đường thể chế, luật pháp, bằng dân chủ hóa chế độ chính trị, Hồ Chí Minh đưa ra các giải pháp riêng của mình mà ông kiên trì cho tới cuối đời: giáo dục đạo đức cách mạng.

*

Phải nói ngay rằng, đối với con người - cán bộ, Hò Chí Minh không chỉ đòi hỏi đạo đức cách mạng. Ông đòi hỏi ở họ tất cả những gì cần thiết cho hoạt động cách mạng. Và một sự quan tâm đặc biệt của ông dành cho họ là việc huấn luyên lý luận cách mạng. Trong Ðường cách mệnh, cuốn sách giáo khoa đầu tiên ở Việt Nam dạy làm cách mạng, ông đã tóm tắt những hiểu biết cần thiết nhất mà họ cần được trang bị. Là người làm một bước nhảy từ “cách mạng quốc gia” theo lối cũ sang “cách mạng quốc tế” theo lối mới, ông đặc biệt đề cao chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa cộng sản. Trước đó, trong bài "Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa", ông đã thấy rõ nhu cầu hiểu biết cách mạng của quần chúng: “Nói chung, quần chúng căn bản là có tinh thần bất khuất, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng nhưng họ chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích ấy” (Toàn tập, tập 1, tr. 27). Trong Ðường cách mệnh, ông khẳng định nội dung chủ yếu của những hiểu biết cách mạng đó là chủ nghĩa Lênin, vì theo ông: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Và: “muốn làm cách mạng thành công thì phải có dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã-khắc-tư và Lê-nin” (Toàn tập, tập 1, tr. 189 và 207). Năm 1941, trở về nước hoạt động, khi còn ở hang Pắc Bó, ông dành nhiều công sức để dịch ra tiếng Việt cuốn Lịch sử Ðảng cộng sản (b) Liên Xô do Stalin chủ trì (như chính ông mô tả: “Hòn đá chông chênh dịch sử Ðảng”) làm tài liệu huấn luyện cán bộ. Chủ nghĩa Lênin đối với ông không những là cái “cẩm nang thần kỳ”, mà còn là “mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, nhờ nó “ Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Ðảng ta” (Tuyển tập, tr. 775).

Bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh còn yêu cầu con người - cán bộ phải có những hiểu biết về khoa học - kỹ thuật, về quản lý trong xây dựng đất nước, v.v... Nhưng đối với ông, bao giờ cũng vậy, trong thời kỳ hoạt động bí mật cũng như trong thời kỳ nắm chính quyền, cái gốc của con người - cán bộ phải là đạo đức cách mạng. Ðối với ông,con người - cán bộ trước hết là con người đạo đức. Có thể khẳng định ràng trong lịch sử cách mạng trên thế giới, không có vị lãnh tụ nào nói nhiều tới đạo đức như ông. Ông nói tới những giá trị đạo đức theo lối thừa kế truyền thống, nhất là thừa kế nhưng giá trị của Nho giáo, được lý giải một cách phù hợp với những hoàn cảnh mới, với những đòi hỏi của cách mạng đối với con người - cán bộ. Lúc thì nhấn manh tới những giá trị “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, lúc lại nhấn mạnh trau dồi chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhưng những giá trị được ông nhắc tới nhiều nhất là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” (kể từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám khi khởi xướng cuộc vận động đời sống mới, cho đến khi viết Di chúc). Dường như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” là những giá trị đạo đức tâm đắc nhất của ông. Ðó là những giá trị cơ bản nhất, vì nếu cán bộ “không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Toàn tập, tập 4, tr. 336), vì đó là “nền tảng của đời sống mới” (như trên, tập 5, tr, 233). Ông ví bốn đức ấy như bốn mùa của trời, bốn phương của đất:

“Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”
(như trên)

Bốn đức ấy là lớn nhất, nhưng phải qui tụ vào một tinh thần: Chí công vô tư. Nếu như ông từng giải thích kỹ nội dung của bốn đức kia, thì hầu như ông không giải thích gì mấy về Chí công vô tư. Có lẽ ông nghĩ rằng mọi người đều hiểu được rồi chăng? Nhưng hiểu Chí công vô tư như thế nào cho đúng ý ông? Theo cách hiểu thông thường, Chí công vô tư là chuyên tâm vào sự nghiệp chung mà không nghĩ tới, không tính tới lợi ích riêng của cá nhân. Năm 1927, trong Ðường cách mệnh, ông đã dùng một phương châm tương tự như đức tính hàng đầu của người cách mạng: “Hòa mà không tư”. Trong cả hai trường hợp, mối quan hệ giữa “công” và “tư” được coi là cơ bản nhất, là đạo đức lớn nhất của con người cách mạng, của “con người - chiến sĩ”, “con người - cán bộ”. Cũng là cách xử lý đúng đắn mối quan hệ này theo tinh thần hy sinh cái riêng cho cái chung. Ðiều đó thật dễ hiểu. Trong những hoàn cảnh đấu tranh cách mạng trước đây, muốn giải phóng con người, nhất là con người - mất nước và con người - paria, thì phải chịu gánh lấy những hy sinh không thể tránh khỏi. Hy sinh, thậm chí hy sinh tất cả (kể cả tính mạng) là lẽ sống, là đạo đức cao nhất.

Tinh thần Chí công vô tư còn được Hồ Chí Minh diễn đạt theo một cách khác: “Trau dồi chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Ông nói: “Trong Ðảng ta, có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “Chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân (Toàn tập, tập 4, tr. 470). Ông ví chủ nghĩa cá nhân như “một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các bệnh rất nguy hiểm” (bệnh tham lam, tự tư tự lợi, xa hoa, tiêu xài bừa bãi, lười biếng, kiêu ngạo, tự cao tự đại, hiếu danh, óc hẹp hòi, óc lãnh tụ) như ông liệt kê.

Trong những hoàn cảnh đấu tranh khắc nghiệt, hô hào “chống chủ nghĩa cá nhân” là một điều khá tự nhiên, vì nếu không đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, không thể đương đầu với những hoàn cảnh trong đó sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết nhiều khi đặt ra hết sức ngặt nghèo. Nhưng chống chủ nghĩa cá nhân theo cách hiểu từng được truyền bá rộng rãi là chống lại cá nhân con người, triệt tiêu “cái riêng” và đặt “cái chung” lên vị trí độc tôn, thì lại là chuyện khác. Người ta quên mất rằng, đứng trước sự hy sinh, con người thật ra phải có ý thức rất cao về cuộc sống của cá nhân mình, khi sự dâng hiến cá nhân mình cho sự nghiệp chung trở thành - dù chỉ trong khoảnh khắc - sự hoàn thiện tột điểm của cá nhân mình. Ðó không phải là “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, càng không phải là một sự “quên mình” như nhiều người vẫn tưởng. Ðó chính là những phút giây “nhớ đến mình” nhiều nhất, những phút giây tự khẳng định nhân cách lý tưởng của chính mình. Người ta không chết như một “mảnh của một tập thể” mà như một cá nhân toàn vẹn. Có thể nói đó là những giây phút thăng hoa của con người cá nhân. Tuyệt đối đó không phải là sự từ bỏ cá nhân và những gì thuộc về nó. Hô hào từ bỏ cái riêng (cá nhân) vì cái chung (tập thể) là hiểu sai về con người, nhất là về con người chiến sĩ. Tiếc thay, Hồ Chí Minh đã có lần làm như thế. Xin dẫn ra một ví dụ. Tại lớp chỉnh Đảng trung ương khóa 2, ông nói về quan hệ của cá nhân và gia đình như thế này: “Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có. Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rông rãi như vậy...” Cách hiểu chữ hiếu theo tinh thần cách mạng như vậy dù sao cũng có thể chấp nhận được, nhưng khi từ đó để khuyên bảo những người cách mạng từ bỏ “gia đình nhỏ” của mình vì cái “gia đình to” của cả nước, thì lại không còn đúng nữa. Ðây cũng là lời của ông:

“Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.

Ðó là cách hiểu xa thấy rộng.
Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn.
Phải hy sinh cái riêng cho cái chung”. (Toàn tập, tập 4, tr. 389).

*

Nếu có thể lập ra một sơ đồ những quan niệm của Hồ Chí Minh về vấn đề con người, thi sơ đồ ấy có thể diễn đạt như sau:

Ðiểm xuất phát là “con người mất nước (yêu nước)” và “con người paria (cùng khổ)”. Cuộc đấu tranh tự giải phóng của họ đòi hỏi họ trở thành “con người - chiến sĩ” và, cao hơn, thành “con người - cán bộ”. Phẩm chất quan trọng nhất của con người đó là đạo đức cách mạng mà kết tinh là Chí công vô tư. Như đã biết, mọi sự sơ đồ hóa đều không phản ảnh đầy đủ toàn bộ sự vật. Chúng tôi chỉ mong rằng nó phản ảnh được cốt lõi của những quan niệm của Hồ Chí Minh như vốn có.

Tháng Mười 1993

*

Viết thêm

Bài “Hồ Chí Minh nói về con người” được viết theo “đơn đặt hàng” của chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người. Tôi rất ngần ngại khi nhận viết bài này, vì dù viết một cách dè dặt đến mấy, tôi biết trước là nó sẽ không được công bố. Quả nhiên, sau khi đọc bài của tôi, chủ nhiệm đề tài nói rằng bài này không thể in được, chỉ xin phép lấy đôi điểm trong đó mà thôi. Thật ra, tôi còn muốn viết thêm phần sau nữa, chủ yếu dành cho sự phân tích những ý kiến của Hồ Chí Minh theo cách nhìn nhận riêng của tôi.

Vì không có điều kiện để làm được theo mong muốn, tôi đành phải viết thêm mấy dòng này, tất nhiên còn rất sơ lược nhưng cốt đưa ra một vài điểm tôi muốn đi tới.

1. Một điều rất dễ nhận thấy là: trong những bài viết và bài nói về con người, Hồ Chí Minh thường coi con người như những thành viên của một khối người (dân tộc, giai cấp, tầng lớp...), nghĩa là những cộng đồng khác nhau, mà hiếm khi con người được coi như những cá thể, những con người cá nhân. Thân phận con người được ông nói tới thường gắn liền với thân phận của một cộng đồng, ở dạng phi cá nhân, không phải của riêng một ai cả. Cả trong những trường hợp nói tới một cá nhân cụ thể, thì cá nhân ấy được nói tới như một người gắn với chức năng của nó trong cộng đồng, trong tập thể: một người cha có 6 con tham gia kháng chiến, 4 người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ Quốc (cụ Tạ Quang Yên, Nam Ðịnh); một lão du kích hăng hái được khen tặng mấy chữ “lão đương ích tráng” (cụ Ðỗ Như Thìn, Hải Dương)...

Trong những hoàn cảnh tập trung mọi nỗ lực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, xin nhắc lại, con người được Hồ Chí Minh bàn tới chủ yếu là con người cộng đồng mà không phải (chưa phải) là con người cá nhân. Và xét đến cùng, con người cộng đồng ấy thể hiện trước hết như con người chức năng hơn là con người cứu cánh. Ðó là qui tắc khắc nghiệt của hoàn cảnh lịch sử đối với con người Việt Nam trong một thời kỳ dài, cũng như đối với cách nghĩ của Hồ Chí Minh về con người.

2. Nhưng ngoài hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt ấy, những quan niệm của Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ những nguồn gốc tâm lý và nhận thức truyền thống khá rõ: tâm lý yêu nước của cộng đồng dân tộc, cộng đồng làng xã; những giá trị chủ yếu của Khổng giáo về con người. Ở đây có thể thấy một sự thừa kế khá rõ nét: chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là một sự nối dài của con người cộng đồng của làng xã. Con người cộng đồng này, nói theo Mác, chưa cắt bỏ được cái cuống rau nối liền nó với công xã.

Chính đó là một trong những nguyên nhân căn bản đưa tới chỗ bỏ qua sự hình thành và phát triển của con người cá nhân luôn luôn đòi hỏi được khẳng định ngày càng mạnh mẽ. Con người cá nhân vẫn bị kìm nén cả từ phía những học thuyết và những tổ chức cách mạng.

3. Nhưng con người cá nhân, như sự trưởng thành tất yếu của con người trong lịch sử, nhất là trong lịch sử hiện đại, không thể bị xóa bỏ hoặc mất đi được. Ngay trong những chế độ chuyên chế khắc nghiệt nhất, nó cũng đã từng đòi hỏi quyền sống của nó. Huống hồ khi con người lao vào những cuộc chiến đấu với lý tưởng giải phóng mạnh mẽ! Vấn đề là tổ chức đời sống xã hội như thế nào để con người cá nhân hòa đồng với con người cộng đồng cũng là con người không thể nào mất đi được. Nói rõ hơn, làm sao để con người cứu cánh kết hợp với con người chức năng, chứ không phải để triệt tiêu con người cá nhân.

Con người cá nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sống và đòi quyền sống của nó, kể cả và nhất là ở những người lao vào đấu tranh cách mạng, nghĩa là ở những con người tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ nhất. Nhưng nó lại không được thừa nhận trong hệ tư tưởng chính thống. Hệ tư tưởng này chỉ thừa nhận con người cộng đồng và con người chức năng. Con người cá nhân không thể không tìm lối thoát: nó phải sống chui.

Bi kịch của nó chính là ở chỗ này. (Và như đã biết, chính bản thân Hồ Chí Minh cũng không thoát khỏi được bi kịch ấy trong đời sống riêng tư của con người cá nhân ông).

Sống chui là sống không hợp thức, không hợp pháp. Với kiểu sống như vậy, con người và xã hội rơi vào những rối nhiễu (xin dùng từ của tâm lý học) không thể tránh khỏi, mà mọi sự hô hào về đạo đức cách mạng đều bất lực.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện về Hồ Chí Minh hết sức xúc động do ông Nguyễn Tài, một vị lão thành cách mạng, kể lại. Ông có thời đi theo cụ Hồ để vận động cách mạng trong Việt kiều ở Thái Lan vào cuối những năm 20 sau khi Quảng Châu công xã bị thất bại. Ở Hà Nội, hai “thày trò” (chữ của người kể) thỉnh thoảng có gặp nhau với tình cảm thân thiết ngày xưa. Trước khi cụ Hồ mất ít lâu, ông được phép vào thăm. Theo lời ông kể lại, đó là lần duy nhất cụ Hồ nói tới những nỗi niềm riêng tư của mình, tuy không nhiều và không có những chi tiết cụ thể nào nhưng rất thực. Cụ Hồ nói với ông: “Cuộc đời mình, vui cũng nhiều mà buồn cũng nhiều. Ân cũng nhiều mà oán cũng nhiều...”. Rồi bất chợt, cụ bảo ông: “Vê này (cụ vẫn thường gọi ông bằng cái tên ngày xưa ấy), Vê làm một đôi câu đối tặng mình đi, kẻo khi mình đi rồi, Vê có tặng mình thì mình cũng không biết gì nữa”. Sau một hồi suy nghĩ, ông Nguyễn Tài đọc lên đôi câu đối mà ông cho là tâm đắc nhất trong đời:

Giao hoan bi hỉ đồng song lệ
Ân oán tương tranh huyết nhất bầu

Ông dịch nghĩa cho tôi nghe: Cái vui cái buồn xoắn lấy nhau, đôi tròng mắt trào lệ. Chuyện ân chuyện oán tranh nhau, vẫn một bầu máu nóng ấy.

Nghe xong, Cụ Hồ vỗ tay khen: “Câu đối này hợp với mình lắm”. Nói mà mắt rưng rưng...

Cụ Hồ đã ra đi. Người học trò của cụ ngày xưa ấy, cũng đã ra đi.

Xin mạn phép hai người ghi lại như một sự tưởng niệm sâu sắc để kết thúc bài viết còn nhiều dang dở này.

Tháng Chạp 1993
__________________

[1]Về lý do Nguyễn Sinh Huy bị huyền chức, hiện có hai giả thuyết bác bỏ nhau: một giả thuyết cho rằng ông bị huyền chức vì những hoạt động yêu nước, chống Pháp; giả thuyết thứ hai lại cho rằng ông bị huyền chức vì nghiện rượu và ra lệnh đánh chết một can phạm, vượt quá quyền hạn của ông. Chúng tôi tạm gác vấn đề này vì chưa có tư liệu xác thực. Chúng tôi cũng xin phép đưa ra một giả thuyết: tại sao một người có tinh thần yêu nước lại không thể cũng là một người nghiện rượu vì những lý do tâm lý nào đó?
[2]Theo quan điểm giai cấp của học thuyết Mác-Lênin như thường được giải thích, việc Hồ Chí Minh đề cao những “quyền con người” và “quyền công dân” như “những lẽ phải không ai chối cãi được” là một điều có thể bị coi là “tà đạo” (dùng từ của G. Boudarel, bài “Ho Chi Minh” trong Hommes d’Etat d’Asie et leur politique, (Paris, 1980). Trong thời kỳ Cách mạng tháng Mười 1917 và sau đó, Lênin không dùng khái niệm “quyền con người” trừu tượng và phi giai cấp, mà dùng khái niệm “quyền của nhân dân lao động và bị bóc lột” (xem Lênin Toàn tập, tập 35, tr. 263-266).

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.
21.6.2006, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7449&rb=0401
 

www.geocities.ws/xoathantuong