Dương Thu Hương hãy đọc chương này

Minh Võ

Lời ngỏ - Tháng trước, khi chương 51 cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp được phổ biến tại đây, có độc giả đã phát biểu rằng nên đổi lại tiêu đề chương sách là Hồ Chí Minh là đại gian hùng bán nước thay vì Hồ Chí Minh và vị đại anh hùng yêu nước. Có lẽ khi đọc chương 48 dưới đây vị đó sẽ khuyên nên đổi tiêu đề là Hồ Chí Minh không hề bị thủ hạ khống chế.

Vì vậy, chúng tôi xin có đôi lời giải thích, tại sao chúng tôi không đặt nhan đề sách hay tiêu đề các chương sách giống như các tác giả Việt Thường (Con Yêu Râu Xanh), Hòang Quốc Kỳ (Ma đầu Hồ Chí Minh), hay Nguyễn Phương Minh (Hồ Chí Minh, tên phản quốc số một của thời đại), mặc dầu tác phẩm (chưa xuất bản) của Nguyễn Phương Minh thuộc lọai khảo cứu nghiêm chỉnh chứ không chỉ gồm những nhận định chủ quan.

Lý do thứ nhất là vì chúng tôi muốn có một thái độ nhất quán trong tòan bộ tác phẩm. Đã đặt nhan sách là Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, có nghĩa là người viết muốn phân tích kỹ những tác phẩm của nhiều tác giả đi trứoc để rồi tổng hợp lại theo một phương pháp có tính khoa học khách quan, chứ không chỉ đưa ra nhận định sẵn có của mình mà thôi. Vẫn biết tính khoa học của một tác phẩm thuộc lọai nhân văn không thể nào chặt chẽ và tuyệt đối giống như những tác phẩm khoa học vật lý được. Trong số những tác phẩm về Hồ Chí Minh được biên sọan trước có những ý kiến, nhận định đa dạng từ cực hữu sang cực tả đối chọi nhau chan chát. Chúng tôi muốn lần lượt đưa chúng lên mặt giấy (bàn mổ) với càng nhiều ý kiến càng tốt. Sau đó mới phân tích (mổ xẻ), phê bình, phản bác, nếu cần.... để rồi đưa ra kết luận của mình cho độc giả phán xét.

Lý do thứ hai là vì đối tượng độc giả mà chúng tôi nhắm tới cũng rất đa dạng và phức tạp chứ không chỉ tòan là những nạn nhân và chuyên viên chống cộng mà phần đông đã hiểu thấu mưu mô xảo quyệt và lòng dạ của Cộng Sản. Trong số những độc giả này có một số rất đông, từ trước chưa từng nếm mùi khói lửa chiến tranh, chưa nghe ai phê bình chỉ trích ông Hồ mà trái lại chỉ nghe những lời tán tụng tôn thờ như thần thánh. Đó là nói về giới trẻ trong nước. Thế hệ trẻ của chúng ta ở ngọai quốc, không bị Việt Cộng tuyên truyền, thì lại bị những sách báo và phim ảnh địa phương (phần lớn thiên tả) nhồi sọ hàng ngày rằng Hồ Chí Minh là nhà ái quốc có công giải phóng dân tộc.Vì vậy một số đông, nếu không được thế hệ cha anh hướng dẫn, cũng sẽ có ý nghĩ tốt về Hồ Chí Minh. Với các độc giả trẻ này một tiêu đề có vẻ vô tư sẽ lôi cuốn hơn.

Từ ngày sang Mỹ nhiều lần chúng tôi đã trông thấy nhãn tiền những cựu chiến binh Mỹ vô gia cư, bị bệnh tâm thần, lang thang ngòai đừong phố. Tìm hiểu thì thấy họ là nạn nhân của một phong trào phản chiến ngu ngốc điên rồ. Phản chiến phát xuất từ sự tin tưởng và loan truyền rằng, Hồ Chí Minh và cộng đảng mới là người yêu nước Việt Nam, còn Ngô Đình Diệm và phe quốc gia chỉ là tay sai ngọai quốc. Do đó chiến tranh chống Hồ Chí Minh là chiến tranh bẩn thỉu vô luân, cần phải chống đối. Vì phong trào phản chiến này mà chẳng những các chiến sĩ chúng ta bị hiểu lầm, mạt sát, khinh rẻ, mà cả các chiến binh Mỹ khi từ chiến trường Việt Nam trở về nước đã bị miệt thị, khinh khi khiến họ tủi hổ, đau khổ trăm chiều. Khỏi cần nhắc lại rằng chúng ta và đồng minh đã thua vì phong trào phản chiến này chứ không phải vì thiếu tinh thần chiến đấu hay thiếu vũ khí.

Thưa quý vị, trở lại vấn đề đó sẽ làm mất thời giờ quý báu của quý vị. Vậy xin mời quý vị đọc chương sách mà chúng tôi muốn đề nghị nhà văn "phản tỉnh" Dương Thu Hưong, tác giả Đỉnh Cao Chói Lọi, hãy thử đọc xem bà có thấy chói mắt không.

09/09/09

Chương 48

Minh Võ
 

Hồ Chí Minh và tình trạng bị thủ hạ khống chế
 

Một số người Mỹ như Archimedes Patti, Charles Fenn, Gallagher… từng gặp Hồ Chí Minh trước tháng 8, 1945 và các tác giả Pháp như Bernard Fall, Jean Lacouture, Jean Sainteny... đều mô tả Hồ Chí Minh là người hiếu hòa không thích bạo động.

Do đó, khi xảy ra cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại miền Nam đã có người cho rằng Hồ Chí Minh không dính dấp tới sự việc, thậm chí Hồ Chí Minh còn chống lại chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực.

Ngoài bản tính hiếu hòa, lý do chính được viện dẫn là Hồ Chí Minh đã cao tuổi không còn nắm thực quyền chỉ đạo chế độ miền Bắc, đặc biệt trong những năm cuối đời, Hồ Chí Minh đã bị nhóm Lê Duẩn khống chế.

Nhiều cách biện giải để chứng minh cho nhận định trên đã được đưa ra, trước hết là cuộc "tổng công kích, tổng nổi dậy Tết Mậu Thân" xảy ra chỉ cách ngày cuối đời của Hồ Chí Minh không đầy hai năm và cũng là thời điểm Hồ Chí Minh dưỡng bệnh tại Trung Quốc.

Trước đó, tình trạng chia rẽ trong nội bộ Cộng Sản Việt Nam cũng là nguyên do hạn chế quyền lực của Hồ Chí Minh.

Theo nhiều tác giả, sự phân bè kết nhóm do ảnh hưởng cuộc xung đột Liên Xô - Trung Cộng đã khiến Hồ Chí Minh không còn giữ được vị thế tối cao của thời gian trước 1954 vì thuộc phe yếu thế.

Dựa vào quá trình hoạt động, những người nêu nhận định này cho rằng Hồ Chí Minh đã ngả về phe thân Liên Xô. Đối với Hồ Chí Minh, Mạc Tư Khoa là nơi mở đầu cuộc hành trình đưa vào thế giới Cộng Sản và cũng là vùng đất thiêng tượng trưng cho lý tưởng đấu tranh.

Tương quan giữa Hồ Chí Minh với các đồng chí Liên Xô luôn chặt chẽ và đậm đà hơn tương quan với các đồng chí Trung Cộng. Dù được trao vai trò phụ trách vùng Đông Á và có mặt tại Trung Hoa từ cuối năm 1924, Hồ Chí Minh luôn gắn bó với các giới chức Liên Xô trong mọi công tác vì là nhân viên của Đệ Tam Quốc Tế. Ngoài ra, do bản tính ôn hòa, Hồ Chí Minh không tán thành chủ trương sắt máu của Mao Trạch Đông.

Kèm theo các biện giải trên là sự viện dẫn một số sự việc ghi nhận qua sách báo viết về Hồ Chí Minh, đặc biệt là một số sự việc mà người kể tự nhận chính là nhân chứng.

Những câu chuyện được nhắc lại nhiều lần để chứng minh cho bản tính hiếu hòa, nhân ái là Hồ Chí Minh thường luôn ôm hôn trẻ em mỗi khi gặp gỡ, thường không ngăn được nước mắt ngay trước các đám đông, từng cởi áo khoác tặng một sĩ quan ngoại quốc hay đưa áo len của mình cho một người lính gác giữa mùa đông với manh áo mỏng…

Lời lẽ, cử chỉ và dáng vẻ bề ngoài của Hồ Chí Minh khi gặp gỡ cũng lưu lại một ấn tượng thoải mái với Archimedes Patti, Fenn, Gallagher hay Sainteny, Wilfred Burchett, France Fitzgerald ... Và, Lacouture, Bernard Fall đều không quên hình ảnh Hồ Chí Minh đi dép ăn mặc sơ sài từ ngoài bước vào, "tiếng chân nhẹ nhàng như tiếng lụa xào xạc", (chữ của Lacouture) khi họ đang phỏng vấn thủ tướng Phạm Văn Đồng về những vấn đề quan trọng.

Cùng với cách xuất hiện đột ngột đó là những lời thăm hỏi hết sức tự nhiên. Các nhà báo trên đều ghi lại Hồ Chí Minh đã điềm nhiên chuyển câu chuyện qua các đề tài thân mật với từng nhà báo như việc phu nhân Bernard Fall vẽ chân dung Hồ Chí Minh ra sao hay Paris lúc này có gì lạ không, v.v...

Mặt khác, việc Hồ Chí Minh giải tán đảng Cộng Sản, lập chính phủ liên hiệp với những người đối lập, việc ký hiệp định sơ bộ 06/03/1946 với Pháp cũng như nội dung hai bản hiến pháp 1946, 1959 ra đời thuở Hồ Chí Minh còn sống đều không nói đến chuyên chính vô sản và độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản … và đặc biệt, một tin đồn cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng xác nhận cũng được nhắc như các chứng cớ biểu hiện tính hiếu hòa và chủ trương chống giải pháp võ lực của Hồ Chí Minh. Đó là tin đồn về việc Hồ Chí Minh gửi tặng Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm một cành đào đính kèm tấm thiệp chúc Tết nhân dịp đón Xuân Quý Mão 1963.

Theo tin đồn, thời khoảng sau đó cho tới trước khi xảy ra cuộc đảo chính 01/11/1963 tại Miền Nam, Hồ Chí Minh đã có một loạt cử chỉ bày tỏ thiện chí muốn thương thuyết với chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam để đi tới thống nhất đất nước trong hòa bình.

Trong Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên trưng dẫn ý kiến của cha mình, Vũ Đình Huỳnh, vốn là người thân cận với Hồ Chí Minh cho rằng Hồ Chí Minh không chủ trương bạo lực:

"Sau vụ bắt bớ giam cầm những người cộng sản bất đồng chính kiến, nhiều người buộc tội ông Hồ Chí Minh, thậm chí gán cho ông những tính chất mà ông không có, như tính hiếu chiến, hiếu sát. Cha tôi giận ông Hồ, nhưng không đồng tình với lời buộc tội đó. Những ngày ở trong rừng Việt Bắc, cha tôi kể, mỗi khi sắp mở một chiến dịch ông Hồ trở nên bẳn gắt và hút thuốc lá luôn miệng, có khi thức trắng đêm. Hồ Chí Minh hiểu hơn ai rằng gắn liền với mỗi thắng lợi trên chiến trường là máu chiến sĩ, đồng bào phải đổ ra." (1)

Riêng Vũ Thư Hiên cũng nhận định về Hồ Chí Minh:

"Khi ban lãnh đạo Đảng ngả theo Bắc Kinh, ông Hồ còn buồn hơn. Ông hiểu Mao Trạch Đông, hiểu tham vọng bá, tính cách bá của ông ta. Với đường lối "tọa sơn quan hổ đấu" (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) đã nhiều năm Mao xúi Liên Xô đụng đầu với Mỹ, nay ông ta lại khuyến khích Việt Nam xông trận. Mao sẵn sàng hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống "con hổ giấy" là điều Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết." (2)

Về Lê Duẩn, Vũ Thư Hiên viết, "Không có chiến tranh, Lê Duẩn không còn là Lê Duẩn. Lê Duẩn chẳng ngần ngại chê bai Hồ Chí Minh không dám chủ trương dùng bạo lực giải phóng miền Nam. "Bác còn do dự, chớ khi rời miền Nam tui đã chuẩn bị hết cả rồi. Với tui chỉ có uýnh thôi, uýnh cho tới thắng lợi cuối cùng." (3)

Trong Vietnam, la face cachée du régime, Bùi Tín kể lại chính mình đã ghi âm trước nhiều nhân chứng khác, những lời Lê Duẩn tự khoe và chê Hồ Chí Minh không dám chủ trương chiến tranh, chỉ nuôi ảo vọng thực hiện thống nhất bằng đường lối hòa bình. Bùi Tín viết:

"Một hôm ông ta (Lê Duẩn) khoe trước những người được chính thức cử viết tiểu sử của ông ta - trong đó có tôi - rằng: Sau hiệp định Genève, bác Hồ vẫn tiếp tục tin là tổng tuyển cử sẽ có thể xảy ra được trên toàn quốc. Đó chỉ là ảo tưởng. Tôi nhìn sự việc đúng hơn Bác. Tôi tiên liệu ngay việc phải dùng tới bạo lực cách mạng. Tôi bảo các đồng chí miền Nam hãy chôn vũ khí. Chính tôi đã bảo họ để lại lực lượng tại miền Nam chứ đừng tập kết hết ra Bắc." (4)

Bùi Tín tỏ ra không tin những lời khoe được đưa ra quá muộn - năm 1983 - nhưng vẫn nhắc lại có lẽ chỉ nhắm cho thấy Hồ Chí Minh ít hiếu sát hơn các thủ hạ và việc xử dụng võ lực là ngoài ý muốn.

Cả Vũ Thư Hiên lẫn Bùi Tín đều nhắc đến uy thế và lập trường chủ chiến của Lê Duẩn, nhưng không xác nhận tình huống Hồ Chí Minh bị nhóm Lê Duẩn khống chế như Nguyễn Văn Trấn, một trong số cán bộ Cộng Sản cao cấp nhất của miền Nam. Sau năm 1975, khi thất vọng về lý tưởng Cộng Sản, Nguyễn Văn Trấn đã ghi lại trong Viết Gửi Mẹ và Quốc Hội về thái độ của Hồ Chí Minh ngả theo đường lối "sống chung hòa bình" của Khrutshchev, nhưng thuộc nhóm thiểu số nên bị nhóm Lê Duẩn - Lê Đức Thọ khống chế.

Nguyễn Văn Trấn trích dẫn lời Bùi Công Trừng tả cảnh Hồ Chí Minh chủ trì Hội Nghị Trung Ương kỳ 9 ngày 11/12/1963 - chỉ hơn một tháng sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam bị lật đổ tại Sài Gòn.

Bùi Công Trừng nói với tác giả nguyên văn như sau:

"Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà mặt day ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá, quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc Hà, "Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà." Tao đếm lão Hồ đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc, "Khi thương trái ấu cũng tròn. Khi ghét bồ hòn cũng méo." Và ông nói xụi lơ, "Thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra mà!" (5)

Đó là quang cảnh hội nghị kỳ 9 Trung Ương Đảng đưa ra nghị quyết số 9, nghị quyết tối quan trọng mở màn cho cuộc tấn công miền Nam, sau khi tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm rồi tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị giết trong tháng trước. Hai vị tổng thống trên đều chủ trương rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, dù lúc ấy cũng chỉ mới có 16 ngàn lính Mỹ được tăng cường từ cuối 1962.

Tóm lại, nhiều người kể cả một số người Cộng Sản Việt Nam đã rời bỏ hàng ngũ đều nghĩ rằng sự bùng nổ cuộc chiến Việt Nam sau 1954 cũng như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 hoàn toàn ngoài ý muốn của Hồ Chí Minh.

Ba lý do được viện dẫn cho nhận định này là Hồ Chí Minh vốn do bản tính hiếu hòa nhân ái không ưa chuyện giết chóc, tuổi già bệnh hoạn khiến không thể bao quát mọi công việc và bị một nhóm thủ hạ thân Trung Cộng, cụ thể là nhóm Lê Duẩn vốn theo đuổi chủ trương gây chiến khống chế.

Về bản tính hiếu hòa, luận cứ được viện dẫn hầu hết thuộc ý nghĩ chủ quan dựa trên một số giai thoại trong đó gồm cả những giai thoại do chính Hồ Chí Minh dựng nên.

Giả dụ hết thẩy những giai thoại này đều xác thực vẫn chưa đủ minh chứng bản tính của một con người luôn đặt vấn đề tuyên truyền lên hàng đầu và từng nhắc một người thân rằng "Làm chính trị phải biết cười khi cần cười, biết khóc khi cần khóc." Đó là lời Hồ Chí Minh nhắc Vũ Đình Huỳnh mùa thu năm 1946 ở Paris khi Vũ Đình Huỳnh thắc mắc tại sao ông ta có thể khóc dễ dàng như vậy tại nghĩa trang Père Lachaise.

phamquynh.files.wordpress.com
Nguồn: phamquynh.files.wordpress.com

Với một người dễ dàng cười khóc theo nhu cầu đối phó với từng hoàn cảnh thì việc ôm hôn trẻ con, việc cởi áo tặng một thuộc hạ thiếu áo, việc băn khoăn bứt rứt sau khi hạ lệnh mở một chiến dịch, việc xuất hiện nhẹ nhàng, nói năng giản dị với các nhà báo ngoại quốc… đều có thể chứa hậu ý tuyên truyền một điều gì đó.

Sẽ không khó hiểu nếu bảo những cử chỉ hay lời nói rất tự nhiên trước mắt mọi người thực ra đã được xếp đặt để chinh phục tình cảm hay "đắc nhân tâm" vốn là mục tiêu mà chính khách chuyên nghiệp nào cũng luôn chú trọng.

Vấn đề chỉ là không phải bất kỳ ai cũng đạt nổi mức tự nhiên để che giấu tính giả tạo của những cử chỉ hay lời nói đó. Hồ Chí Minh đã được rèn luyện kỹ về nghệ thuật tuyên truyền, về kỹ thuật điệp báo và có thể nhờ sự khôn khéo thiên bẩm nên dễ dàng thành công hơn nhiều người khác trong sự giả tạo một cách rất tự nhiên.

Vả lại, bên cạnh những giai thoại trên vẫn hiện diện không ít giai thoại phản ảnh một bản tính ngược lại. Trong hồi ký của Võ Nguyên Giáp và trong các tài liệu lịch sử chính thức của Cộng Sản Việt Nam đều ghi một lời nói của Hồ Chí Minh năm 1945 trong cơn mê sảng dặn Võ Nguyên Giáp, "Dù cho phải đốt cả dẫy Trường Sơn thì cũng quyết dành cho được nền độc lập."

18 năm sau, 1963, Hồ Chí Minh cũng nói một câu tương tự với Chu Ân Lai: "Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh."

Tròn ba tháng sau khi gặp Chu Ân Lai để phát biểu như trên, Hồ Chí Minh đã lên tiếng trong phiên họp Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng chỉ thị về một phương cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam, "Ta vừa tiêu diệt, vừa tuyên truyền." Những lời lẽ này không chỉ bác bỏ bản tính hiếu hòa của người nói mà còn cho thấy rõ mưu toan vận dụng tuyên truyền để che giấu mức độ hiếu chiến.

Thêm nữa, ngay khi nói về bản tính hiếu hòa của Hồ Chí Minh, thậm chí còn nghĩ Hồ Chí Minh tin Chúa Jesus, chính Sainteny lại cho biết không hề ảo tưởng thuyết phục được Hồ Chí Minh nhượng bộ trong cuộc thương thuyết giữa hai người và giải thích về con người Hồ Chí Minh như sau,

"Khi những mưu tính của ông ta hay đồng chí của ông ta, hoặc chính bản thân ông ta bị đe dọa, ông ta sẽ không do dự dùng những cách tàn bạo. Về phương diện này, ông ta hoàn toàn thuộc về cái thứ châu Á quá nhiều mâu thuẫn, ở đó người ta áp dụng các hình thức tra tấn cực hình tinh vi nhất tiếp theo những nghi thức xã giao rất ư ngọt ngào."

Sainteny đã tự xô đổ hình ảnh thần tượng của mình.

Bởi, cái tính Á Châu quá nhiều mâu thuẫn được viện dẫn không thể biến một kẻ không do dự dùng những phương cách tàn bạo thành một kẻ hiếu hòa, nhất là kẻ đó lại đủ thủ đoạn để vẫn nói cười ngọt ngào giữa lúc thi thố những cực hình man rợ. Ngôn ngữ Á Châu hay ngôn ngữ Việt Nam đã có những từ để chỉ loại người đó là tàn ác nham hiểm. Người hiếu hòa nhân ái và kẻ tàn ác nham hiểm luôn luôn là hai đối cực ngay tại Á Châu chứ không bao giờ là hai mặt của một con người Á Châu quá nhiều mâu thuẫn.

Duiker trong khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Hồ Chí Minh cũng cho biết Hồ Chí Minh hết sức trung thành với quan điểm về người đấu tranh cách mạng theo diễn tả của Sergey Nechayev như sau,

"Anh ta phải tàn nhẫn, nham hiểm như Machiavel, trong khi cổ võ cho mục đích cách mạng. Anh ta phải tỏ ra tuyệt đối phục tùng đảng của anh ta. và sẵn sàng từ bỏ mọi liên hệ bạn bè và gia đình. Cũng phải sẵn sàng hy sinh những tiêu chuẩn đạo lý đã được nhìn nhận một cách phổ quát, để có thể nói dối, ăn gian vì lợi ích cách mạng…"

Kẻ đã chấp nhận từ bỏ mọi liên hệ bạn bè, gia đình để sẵn sàng ăn gian nói dối, sẵn sàng hành động tàn nhẫn nham hiểm không thể là kẻ hiếu hòa nhân ái.

Hai bản hiến pháp 1946, 1959 ban hành khi Hồ Chí Minh còn sống không có những điều khoản minh thị nền chuyên chính vô sản như hai bản hiến pháp 1976, 1992 không phải vì Hồ Chí Minh có tinh thần dân chủ hơn mà chỉ vì theo sách lược giai đoạn khi chưa đoạt được quyền lãnh đạo trên cả nước thì chưa thể lộ bản chất độc tài.

Trên thực tế, nội dung hai bản Hiến Pháp đó có thể mang thêm nhiều điều khoản tốt đẹp hơn nữa cũng không có ý nghĩa gì. Bởi, ngay trong thời gian Hồ Chí Minh còn sống, các bản Hiến Pháp vẫn không hề có hiệu lực thực tế mà chỉ là món đồ trang trí không hơn không kém. Hiến Pháp quy định mọi thứ quyền công dân nhưng đủ loại công dân đã bị lôi ra đấu tố, tàn sát trong Cải Cách Ruộng Đất mà chính Hồ Chí Minh diễn tả là cuộc đấu tranh long trời lở đất. Hiến Pháp xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng hàng loạt văn nghệ sĩ bị xiềng xích trong các nhà giam với vụ Nhân Văn Giai Phẩm và hàng loạt đồng chí của Hồ Chí Minh chỉ do phát biểu về những sai lầm của giới lãnh đạo đã bị tù đày, bị hành hạ tới chết như Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Bùi Công Trừng, Phạm Viết, Phạm Kỳ Vân, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh… thậm chí bị hạ sát tức khắc như Dương Bạch Mai để không thể mở miệng nói ra ý nghĩ của mình.

Những sự việc trước đó như tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản, thành lập chính phủ liên hiệp, hô hào đoàn kết dân tộc, ký kết hiệp định Sơ Bộ 06/03/1946… cũng không khác những bản Hiến Pháp chỉ có tính trang trí.

Bởi mặt trái của những sự việc đã nói quá rõ về các mưu tính, các thủ đoạn thấm đẫm xương máu của không biết bao nhiêu nạn nhân.

Hết thẩy những sự việc trên đều diễn ra ngay trước mắt Hồ Chí Minh, thậm chí do chính bàn tay sắp đặt của Hồ Chí Minh vào giữa thời điểm mà mỗi lời nói của ông đều là một lời "Thánh huấn." Dù muốn dù không, những tiếng nói thực tế này sẽ tiếp tục cất lên bất chấp một số cá nhân cố sức diễn tả Hồ Chí Minh là người hiếu hòa nhân ái.

Bùi Tín cũng là một người cho rằng Hồ Chí Minh không có tính hiếu sát nhưng lại diễn tả về cách hành sử của Hồ Chí Minh đối với những người Cộng Sản Việt Nam thuộc Đệ Tứ Quốc Tế như sau,

"Cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc Tế Cộng Sản chỉ rõ, "Đối với bọn trốt-kýt không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của phát-xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị." Sau đó, từ Trung Quốc, ông gửi thư về nước, chỉ rõ, "Bọn trốt-kýt là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát-xít Nhật và chủ nghĩa phát-xít quốc tế… Vu khống chụp mũ những người trốt-kýt Việt Nam, ám sát, thủ tiêu những người lãnh đạo trốt-kýt như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch là những bạn chiến đấu một thời của những người Cộng Sản, những người lãnh đạo Đông Dương đã thực hiện chủ nghĩa Staline, đã phạm một tội ác trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc." (6)

Bộ áo không làm thành nhà tu nhưng trong rất nhiều trường hợp, bộ áo vẫn có thể gây ra sự ngộ nhận một kẻ sát nhân là nhà tu. Riêng trong câu chuyện về con người Hồ Chí Minh, bộ áo hiếu hòa nhân ái mà một số người đưa ra để che đậy bản tính tàn ác nham hiểm đã không che nổi hai bàn tay thọc quá sâu vào những thảm trạng đẫm máu kéo dài suốt một thời kỳ lịch sử hơn 30 năm kể từ 1930.

Tuổi già và bệnh hoạn cũng là lý do được viện dẫn để đẩy Hồ Chí Minh xa khỏi những quyết định về trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Cho tới nay, trận đánh này vẫn được ca ngợi là một trận đại thắng của Cộng Sản Việt Nam với tầm mức quyết định toàn bộ kết quả cuộc chiến vào tháng 4-1975.

Tuy nhiên, những người ca ngợi ở khắp nơi, kể cả giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, đều có vẻ chưa thoát khỏi một mặc cảm gì đó khi nhắc đến trận đánh. Sự vướng mắc có thể khởi phát từ thực tế hiển nhiên là mức tổn thất quá nặng cùng một số phản ứng bất lợi trong dư luận quốc tế đối với đảng Cộng Sản Việt Nam do vụ thảm sát dân chúng tại Huế (7).

Về hai sự việc này, Bùi Tín ghi lại,

"Đầu năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân, Bộ Quốc Phòng có tổ chức một cuộc họp có ý nghĩa tổng kết về cuộc tiến công Mậu Thân 1968. Có đại điện Bộ Ngoại Giao đến dự và phát biểu về tác động của thắng lợi ấy về mặt đấu tranh ngoại giao. Theo những con số được đưa ra thì quả thật, hy sinh thật là lớn. Hy sinh trong đợt đầu (tháng Giêng 1968) không nhiều, nhưng đến đợt 2 (tháng 5-1968) thì nhiều hơn và đợt 3 (tháng9-1968) lại nhiều hơn nữa. Thiệt hại còn kéo dài sang năm 1969 và đầu năm 1970 với những chiến dịch bình định, bình định cấp tốc rất ác liệt. Qua Mậu Thân, các lực lượng cơ sở, du kích, bộ đội địa phương xây dựng hàng chục năm bị lộ gần hết, bị đánh quét bật ra khỏi các địa bàn quan trọng. Từ giữa năm 1970 tình hình mới khôi phục dần. Ai cũng thấy từ giữa 1968 đến đầu 1970 là thời kỳ chuyển vào thoái trào, phải bị động bảo toàn lực lượng để rồi khôi phục dần cơ sở, sức lực bị tổn thất là lớn nhất so với các thời kỳ khác của cuộc chiến tranh…

Trong cuộc tiến công Mậu Thân 1968, cuộc tàn sát ở Huế được dư luận thế giới hết sức chú ý… Hồi ấy, trong không khí căng thẳng đột nhập thành phố, thấy dân không nổi dậy, lại còn bỏ chạy, rất ít người đón chào, phối hợp giúp đỡ bộ đội, nên bộ đội nhập thành phố liền có thành kiến với dân Huế. Họ bảo nhau: Đúng là dân "ngụy" rất nặng căn… Danh từ "ác ôn" hồi ấy dùng cũng tràn lan tùy tiện … Cho nên những vụ tàn sát tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui… Các vụ tàn sát này về sau đã được giải quyết ra sao? Có ai bị kỷ luật không? Theo tôi được biết, do dư luận miền Nam, dư luận quốc tế xôn xao, xúc động mạnh nên Tổng Cục Chính Trị, cơ quan thanh tra quân đội có chú ý vụ này. Việc có 5 bác sĩ Cộng Hòa Liên Bang Đức bị giết cũng làm cho vụ này vang động hơn. Tướng Trần Văn Quang có bị phê bình. Chính Ủy Lê Chưởng của mặt trận Trị Thiên về sau chuyển ngành ra Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục. Ông chết trong một tai nạn ô tô ở Nghệ An. Đại tá Lê Minh chỉ huy cánh quân ở tả ngạn sông Hương cũng bị phê bình, ông chết bệnh sau đó.

Cách giải quyết những sự việc lớn của chế độ hiện hành luôn che giấu, ém nhẹm, xử lý nội bộ, úp úp mở mở… Việc giáo dục căm thù cần thiết trong chiến tranh đã đẩy tới mức cực đoan quy định tràn lan là "ác ôn", kẻ thù tối nguy hiểm, không được để bỏ trốn … đã tạo nên những vụ tàn sát khốc liệt. Lẽ ra trong vụ này, công lý đã phải lên tiếng một cách công khai rõ ràng vì liên quan đến mạng sống của hàng ngàn con người… Lẽ ra tất cả hệ thống chỉ huy Trị Thiên đều phải bị điều tra và xử lý về vụ này để qui rõ trách nhiệm từng người, để kết luận một cách công minh, để giảm bớt phần nào nỗi đau của những người trong cuộc và gia đình người thân của họ. Điều tệ hại là những người lãnh đạo đảng Cộng Sản có khuynh hướng coi những sai lầm "tả" khuynh là nhẹ. Như bắt người trong Cải Cách Ruộng Đất, thái độ hung hãn với các tôn giáo, qui định quá mức trong Cải Tạo Tư Sản… đều xử trí qua loa. Họ lập luận rất kỳ quặc là hữu khuynh mới thật tai hại! Hữu khuynh là thiếu tinh thần cách mạng, còn tả khuynh là thừa tinh thần cách mạng. Cho nên, ông Đồng Sỹ Nguyên hồi 1947-1948 ở Quảng Bình phạm tội đốt phá bắn giết một số làng Công Giáo, bị kết án cho yên lòng dân, sau đổi tên (tên thật hồi ấy là Nguyễn Sỹ Đồng) ra Hà Nội làm Cục Trưởng Dân Quân, rồi cứ lên mãi đến Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng (8) …

Qua ghi nhận của Bùi Tín, trận đánh Tết Mậu Thân 1968 dù được coi là một cuộc tấn công đặc sắc, táo bạo cùng một lúc đánh vào 44 thị trấn và hơn 100 cứ điểm miền Nam gây một tiếng vang lớn trên thế giới nhưng rõ ràng đã gợi nhắc nhiều nỗi nhức nhối với những người Cộng Sản.

Trước hết, trận đánh đã đẩy lui Cộng Sản vào tình trạng thoái trào kéo dài tới giữa năm 1970 do tổn thất nặng nề về nhân sự. Ngoài một số đại đơn vị gần như bị xóa sổ, hầu hết lực lượng cơ sở gồm cán bộ cài đặt từ 1954 và du kích, bộ đội địa phương tốn công tổ chức hàng chục năm cũng bị quét khỏi địa bàn hoạt động.

Tổn thất này khiến hầu hết người dân miền Bắc đều mất mát người thân và là một lý do gây bất ổn trong tâm lý quần chúng. Dù chính sách trấn áp vẫn giữ vững quyền lực cho Đảng Cộng Sản, nhưng không thể phủ nhận mức sút giảm uy tín của giới lãnh đạo trước con mắt oán trách đã có từ mọi thành phần, kể cả trong hàng ngũ quân đội.

Lực lượng bị tổn hại quá lớn, dân chúng đau đớn vì mất mát người thân, tinh thần binh sĩ xuống thấp vì lâm thế bị động trốn tránh là những hậu quả cụ thể nhất của trận đánh Tết Mậu Thân 1968, trong khi kích đẩy tinh thần chống Cộng của nhiều người dân Miền Nam cho tới lúc đó thường vẫn thờ ơ với mọi vấn đề chính trị.

Nói cách khác, đây là một trận thảm bại của Cộng Sản Việt Nam nếu nhìn thuần tuý về mặt quân sự và chính trị, vì ngoài những hậu quả trên, trận đánh không đem lại điều gì tốt đẹp.

Ngay trên mặt trận ngoại giao và tuyên truyền luôn được coi là quan trọng hàng đầu với Cộng Sản cũng xuất hiện những trở ngại hiển nhiên là dư luận bất lợi về chiêu bài chính nghĩa mà cả khối Cộng Sản Quốc Tế đang vận động những phong trào phản chiến tô vẽ cho chế độ Hà Nội.

Cuộc tàn sát tại Huế - Quảng Ngãi và sự vi phạm lệnh hưu chiến nhân dịp Tết để tạo yếu tố bất ngờ cho trận đánh đã đặt nỗ lực ngoại giao và tuyên truyền vào cảnh chống đỡ nhiều hơn tấn công. Chủ trương hận thù giai cấp và tận diệt mọi thành phần đối nghịch mà người Cộng Sản vẫn che đậy bằng bộ mặt yêu nước thương dân lâm thế bị đe dọa bóc trần do hành động được gọi là tả khuynh vốn là kết quả trồng người của Đảng.

Bùi Tín cho rằng các cán binh tả khuynh tàn sát những người rơi vào tay họ chỉ bởi đã ngộ nhận về thái độ thờ ơ và trốn chạy của người dân Huế khi Cộng Sản xâm nhập với danh nghĩa giải phóng. Bùi Tín muốn giảm nhẹ tội ác bằng cách đẩy cho những phần tử quá khích không phân biệt nổi bạn và thù do thái độ của người dân Huế lúc đó.

Trong lời biện giải đã hiện lên cùng một lúc hai sự thực, dân chúng xa lánh Cộng Sản và Cộng Sản Việt Nam chỉ theo đuổi việc giành độc quyền thống trị.

Vì thế, họ đã giáo dục về bạn, thù theo cách biến bất kỳ ai không chịu vỗ tay tán thưởng suy tôn họ đều trở thành ngụy, ác ôn trong mắt cán binh của họ. Những cán binh này cũng được giáo dục kỹ lưỡng về cách đối phó với kẻ thù là tận diệt thay vì để cho trốn thoát.

Lời biện giải có thể giúp giảm nhẹ tội lỗi cho những kẻ trực tiếp nhúng tay vào máu nhưng lại gia tăng tội lỗi của giới lãnh đạo vì chính là lời xác nhận hướng nhắm của Cộng Sản luôn ngược với mọi nguyện vọng của dân tộc. Như thế, nhắc tới trận đánh Tết Mậu Thân 1968 theo cách nào cũng khó tránh chạm tới mối đe dọa bóc trần bộ mặt thực của giới lãnh đạo Cộng Sản, đặt họ vào vị thế của những tội phạm đối với dân tộc và nhân loại. Vì qua trận đánh đó, họ chỉ nhắm giành quyền lực tối cao cho tập thể Đảng và sẵn sàng giết người dù đó là những đồng bào vô tội.

Kể từ khi thành lập tổ chức đầu tiên năm 1925 tại Hoa Nam cho tới năm 1973, nhiều nhân vật Cộng Sản Việt Nam trong số có cả Hồ Chí Minh gần như luôn tuyên bố với báo chí quốc tế rằng họ không phải Cộng Sản.

Sự chối cãi này chính là lời xác nhận giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam ý thức rõ rệt hơn bất kỳ ai hết về mục tiêu họ theo đuổi hoàn toàn ngược với nguyện vọng dân tộc. Cho nên, phủ nhận là việc cần thiết để khai thác sức mạnh dân tộc đồng thời giữ vững chiêu bài yêu nước thương dân trước dư luận thế giới. Không nắm vững được hai yếu tố này, Cộng Sản không những khó hy vọng đạt nổi mục tiêu giành quyền lực cho riêng mình mà còn có thể tiêu tan.

Hơn nữa, dù được mô tả là một trận đại thắng, nhưng chính họ lại hiểu hơn ai hết trận đánh Mậu Thân là một thảm bại của họ. Năm 1993, năm năm sau kỳ tổng kết mà Bùi Tín thuật lại, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử xuất bản tại Hà Nội đã viết về trận đánh Mậu Thân như sau,

"Sau tết Mậu Thân, vùng làm chủ của ta bị thu hẹp, cơ sở bị tổn thất, lực lượng vũ trang bị tiêu hao, phải rút dần lên miền núi. Thế trận chiến tranh nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các sư đoàn, 5.7,9 chủ lực của miền Nam mất bàn đạp, mất chỗ đứng chân phải lên vùng biên giới Cao Miên. Khu 8 có 2 trung đoàn, còn 1. Khu 9 có 3 trung đoàn còn 1 trung đoàn và một tiểu đoàn. Du kích đặc khu Sài Gòn chỉ còn 1 phần 3…" (9)

Cho nên, một số thân tín muốn đẩy trận đánh xa khỏi tầm trách nhiệm của Hồ Chí Minh đồng thời những người ngưỡng mộ Hồ Chí Minh cũng muốn làm việc đó để tránh cảnh thần tượng bị nhuộm máu.

Douglas Pike là người luôn coi mọi thủ đoạn tàn ác và xảo trá của Hồ Chí Minh đều là hành vi biểu hiện thiên tài tổ chức đấu tranh vẫn phải ghi nhận cuộc đấu tranh mà Hồ Chí Minh theo đuổi qua hình ảnh sau,

"Khi thực dân bị đánh bại và người Pháp bị đuổi rồi, cái chính nghĩa chống thực dân bị biến đổi từ quyền tự quyết của nhân dân biến thành quyền độc tôn của đảng. Danh nghĩa không thay đổi; người ta chỉ đổi lại định nghĩa của sự chống thực dân. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, nay là để chống lại nhân dân Việt Nam, một cuộc chiến dành quyền lực, vì quyền lực… Cái chủ nghĩa chống thực dân cao cả đã trở thành một giai đoạn lịch sử chuyên chế, ham hố quyền lực."

Douglas Pike viết tiếp, "Rất có thể, ông Hồ đã không muốn nó trở thành như vậy."

Câu bào chữa này cũng mơ hồ như lời phát biểu Hồ Chí Minh bệnh hoạn không thể tham gia công việc hoặc như Lữ Phương, một người chạy theo Cộng Sản vào dịp Tết Mậu Thân 1968, được ban chức Thứ Trưởng Văn Hóa của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam thuở đó, nhưng sau 1975 bị mất chức, tham gia nhóm phản tỉnh, biện bạch rằng Hồ Chí Minh chỉ góp cho cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân 1968 một bài thơ.

Những người như Douglas Pike, Lacouture, Jean Sainteny, Bernard Fall…hay Lữ Phương, Vũ Thư Hiên, thậm chí Bùi Tín đều chỉ nêu cảm nghĩ chủ quan chứ không có điều kiện gắn bó kề cận với Hồ Chí Minh như Vũ Kỳ trong thời gian chuẩn bị trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Vũ Kỳ là bí thư riêng của Hồ Chí Minh trong thời điểm đó đã viết một bài đăng trên ba tờ báo Văn Nghệ, Tiền Phong và Nghệ An với tựa đề "Bác Hồ vui Tết Mậu Thân năm ấy."

Theo Vũ Kỳ, ngày 21/12/1967 Bộ Chính Trị điện sang Bắc Kinh mời "bác về dự hội nghị Bộ Chính Trị ngày 28/12/1967" quyết định ra lệnh tổng tấn công miền Nam.

Trận đánh được dự trù khai diễn vào giữa giờ hưu chiến Đêm Giao Thừa miền Nam trong dịp Tết để giành yếu tố bất ngờ. Như thường lệ, nhân dịp Tết Mậu Thân, cả hai phía đều ra lệnh ngưng bắn vào ngày cuối năm cũ và ngày đầu năm mới tức Ba Mươi Tết và Mùng Một Tết trùng với ngày 28 và 29/01/1968.

Chuẩn bị thực hiện kế hoạch tấn công bất ngờ trên, tháng 8-1967, Cộng Sản Việt Nam sửa đổi âm lịch, đẩy nhanh lên 24 giờ để tối Mùng Một Tết tại miền Bắc là Đêm Giao Thừa tại miền Nam, tức giữa lúc lệnh ngưng bắn dứt với quân đội miền Bắc nhưng đang còn hiệu lực với quân đội miền Nam.

Cùng với việc sửa lịch, chính quyền Hà Nội đưa ra một loạt hoạt động có vẻ xuống thang chiến tranh. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc hòa đàm với Mỹ rồi thủ tướng Phạm Văn Đồng nhờ Roumanie đóng vai trung gian cho các cuộc thương thuyết. Trước đó, Hồ Chí Minh hai lần bắn tiếng qua các phái đoàn hòa bình, phản chiến Mỹ tới thăm Hà Nội ngỏ ý muốn nói chuyện với Mỹ để chấm dứt chiến tranh. Ngày17-1-1967, Hồ Chí Minh tuyên bố, "Tổng Thống Johnson đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hòa bình. Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi…Tôi xin bảo đảm rằng Tổng Thống sẽ an toàn tuyệt đối" (10)

Việc đánh lạc hướng còn bao gồm cả sự điều động 3 sư đoàn tinh nhuệ 304, 320, 325C và một trung đoàn của sư đoàn 324 về quanh căn cứ Khe Sanh như có vẻ chuẩn bị đánh lớn ở đây để lôi kéo sự chú ý về vùng phi quân sự phía Bắc của Việt Nam Cộng Hòa trong khi bí mật chuyển lực lượng và võ khí xâm nhập các thị trấn phía Nam.

Song song với các nỗ lực đánh lạc hướng đối phương, bắt đầu từ tháng 7-1967, Hà Nội còn thực hiện một cuộc thanh trừng nội bộ, bắt giam nhiều đảng viên cao cấp bị coi là có ý chống lại chủ trương tổng công kích trong số có Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng …

Hồ Chí Minh về đến Hà Nội sau một chuyến bay có vẻ nguy hiểm khiến Sơn Tùng, trong buổi nói chuyện tại trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục tại Hà Nội ngày 11/04/2001, đã đưa ra với ngụ ý như ngầm nhắc từng có âm mưu ám toán Hồ Chí Minh. Sơn Tùng cũng là một người trong số người chủ trương Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm về các tai họa đã xảy ra từ sau 1954. Nhưng ngoài những trục trặc kỹ thuật khiến chuyến bay có vẻ nguy hiểm, Vũ Kỳ đã cho biết về hoạt động của Hồ Chí Minh những ngày sau đó:

"...Trên các chiến trường, công tác chuẩn bị vẫn được khẩn trương tiến hành. Một số lượng khá lớn chất nổ, vũ khí bí mật đã được chuyển vào các đô thị, thành phố miền Nam.

Sáng 25/12/67, thứ hai, 7giờ15 phút, Bác sang hội trường Ba Đình, chủ tọa cuộc gặp mặt chúc mừng năm mới của đoàn Ngoại Giao ở Hànội. Bác rất vui, chúc năm mới đoàn Ngoại Giao, tiếng bác sang sảng như trẻ ra.

Ngày 28/12/67, Bộ Chính Trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà bác Hồ, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và nhiều tướng lãnh đến báo cáo...

Chiều 29/12/67, bác Hồ mời bác Tôn đến cùng ăn cơm. Ngắm hai cụ già thân thiết đi bên nhau, thanh thản, ung dung, nói cười vui vẻ, ta cảm thấy cuộc đời đẹp biết bao, tưởng như đất nước thanh bình.

Ngày 30/12/67… buổi sáng họp tiếp bộ chính trị. Buổi chiều họp hội đồng chính phủ…

Ngày 31/12/67, 7 giờ sáng bác Hồ ung dung ra phủ chủ tịch thu thanh lời chúc mừng năm Mậu Thân, mà bác đã ngẫm nghĩ và trao đổi có lẽ đến ba tháng ròng. Bài thơ Toàn thắng ắt về ta như bài hịch đã đi vào lịch sử."

Bài thơ chúc mừng năm Mậu Thân với tựa đề Toàn thắng ắt về ta mà Hồ Chí Minh phải ngẫm nghĩ và trao đổi suốt ba tháng chỉ gồm 28 chữ, nguyên văn như sau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!


Thảm sát Tết Mậu Thân với Hồ Chí Minh là Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Chắc chắn Hồ Chí Minh giữa kỳ dưỡng bệnh không thể hao tổn tâm lực nhiều như thế để mong có một tuyệt tác văn học. Trên thực tế, bài thơ đó không thể gọi được là thơ. Sự đắn đo suy nghĩ và trao đổi với mọi người bắt buộc phải có chỉ vì bài thơ chính là mật lệnh khởi phát cuộc tổng tấn công trong kế hoạch đã trù liệu. Trận đánh được quyết định từ nhiều tháng trước, ít nhất cũng từ trước khi Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh dưỡng bệnh vào mùa thu 1967 là thời gian mà ý định rút khỏi chiến trường Việt Nam của người Mỹ đã trở nên rõ rệt.

Cho nên ngày 21/12/1967 khi nhận điện tín của Bộ Chính Trị, Hồ Chí Minh đã qua 3 tháng nghiền ngẫm về bài thơ được gọi là bài hịch lịch sử đó. Như thế không thể cho rằng Hồ Chí Minh vì bệnh hoạn nên không biết đến công việc. Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã tham gia chuẩn bị công việc từ nhiều tháng trước.

Vũ Kỳ thuật tiếp về những ngày sau đó, khi Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh:

"Thế trận đã dàn xong, ba quân đã sẵn sàng. Lời hịch (tức bài thơ nói trên) đã phát. Bác Hồ ra đi chuyến này yên tâm hơn.

Ngoài liên lạc hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà Nước ta vẫn thay nhau sang Bắc Kinh trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bác. Bốn giờ chiều thứ bảy, 20-1- 68, đồng chí Lê Đức Thọ sang làm việc với bác đến 6 giờ tối. Sáng ngày 25 tháng 1 năm 1968, đồng chí Võ Nguyên Giáp điện trực tiếp báo cáo với bác từ 8 giờ đến 9 giờ 15 phút. Tối 26-1-68, đã gần đến Tết Mậu Thân, từ 7 giờ đến 8 giờ, hai bác cháu ngồi im lặng trong phòng, vặn nhỏ đài Tiếng nói Việt Nam..."

Vũ Kỳ thuật lại chi tiết buổi tối hồi hộp chờ đợi đó và cho biết khi nghe hết bài thơ chúc Tết 28 chữ, Hồ Chí Minh phấn khởi nói với Vũ Kỳ, "Giờ này miền Nam đang nổ súng" Sau đó, sáng Mùng Một khi được báo tin "đánh khắp miền Nam", Vũ Kỳ thấy "ánh mắt Bác rực sáng niềm vui." (11)

Những dòng hồi ký của Vũ Kỳ nêu rõ Hồ Chí Minh tuy ở Bắc Kinh vẫn nhận báo cáo hàng ngày từ trong nước và sáng suốt điều khiển Bộ Chính Trị tại Hà Nội.

Khi đứng trước những vấn đề hệ trọng, Hồ Chí Minh dù đang dưỡng bệnh, vẫn phải trở về trong một chuyến bay vất vả và nguy hiểm chứng tỏ Bộ Chính Trị rất cần sự quyết định tại chỗ và những mệnh lệnh trực tiếp của ông trước đầy đủ bộ tham mưu cao cấp của đảng.

Trong khi đó, ánh mắt rực sáng niềm vui và lời nói đầy phấn khởi giờ này miền Nam đang nổ súng đã diễn tả trọn vẹn tâm tư và ý hướng của Hồ Chí Minh.

Đó không phải là tâm tư và ý hướng của một người chống lại chủ trương dùng võ lực.

Lý do viện dẫn cuối cùng là Hồ Chí Minh đã bị Lê Duẩn lấn áp, khống chế. Lý do này thực sự không còn nền tảng qua những sự việc cho thấy vai trò nổi bật tới những ngày cuối đời của Hồ Chí Minh và niềm vui bộc lộ khi nghe tin đang đánh khắp miền Nam.

Dù Lê Duẩn được diễn tả là nắm quyền hành bao trùm miền Bắc thì hơn một tuần trước khi khai diễn trận đánh Tết Mậu Thân vẫn phải cử cánh tay thân tín nhất của mình là Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương đảng, đích thân bay sang Bắc Kinh gặp Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình và nhận thêm chỉ thị từ 4 giờ đến 6 giờ chiều ngày 20/01/68.

Như thế, Hồ Chí Minh chẳng những chủ tọa các phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 28 và buổi sáng 30 tháng 12 mà sau đó vẫn tiếp tục ra chỉ thị cho Bộ Chính Trị.
Ngoài ra, người chỉ huy cao nhất của lực lượng võ trang Cộng Sản Việt Nam là Võ Nguyên Giáp cũng điện thoại trực tiếp báo cáo cho Hồ Chí Minh hơn một tiếng đồng hồ vào sáng 25-1-1968 tức 3 ngày trước khi nổ súng.

Những sự việc thực tế đó không cho phép đặt Hồ Chí Minh vào vai trò bù nhìn thất thế. Dù tập thể lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam phân bè kết nhóm ra sao thì mọi phe nhóm đều khó dám trái ý Hồ Chí Minh.

Điều mà Hồ Chí Minh nói với tướng Salan năm 1946 vẫn hoàn toàn đúng cho tới những ngày cuối đời của ông - Họ làm được cái gì mà không có tôi. Chính tôi đã tác thành họ mà!

Giả dụ những sự việc đã trở thành sử liệu của Cộng Sản Việt Nam trong Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh và những điều do Vũ Kỳ ghi lại đều chỉ là những sự việc có tính trình diễn để khai thác uy thế của Hồ Chí Minh cho đường lối chủ chiến của nhóm Lê Duẩn thì lúc đó vai trò và vị thế của Lê Duẩn đang đạt độ cao nào?

So với đám thủ hạ vây quanh Hồ Chí Minh từ 1925, Lê Duẩn không phải là một khuôn mặt nổi bật.

Lê Duẩn sinh tại Triệu Phong, thuộc tỉnh Quảng Trị liền dưới vĩ tuyến 17, xuất thân từ một gia đình thợ mộc, học thức mới qua bậc tiểu học, làm việc bẻ ghi cho công ty đường sắt.

Lê Duẩn tham gia hoạt động Cộng Sản tại miền Nam đầu thập niên 1930, bị tù 2 lần tại Côn Đảo từ 1931 đến 1936 rồi từ 1940 đến 1945.

Bùi Tín đánh giá Lê Duẩn là cùng loại với những Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng … là những người làm công tác đảng chuyên nghiệp không có học vấn mà Nguyễn Khắc Viện mô tả là những người làm thành nền chuyên chính vô… học.

Tháng 8, 1945, Lê Duẩn bị chính các đồng chí bỏ quên nên mãi mấy tuần sau mới được đưa ra khỏi nhà tù Côn Đảo và chỉ được giao cho một chức vụ nhỏ tại miền Nam. Phải mất ít nhất năm năm cho tới đầu thập niên 1950, Lê Duẩn mới vươn lên trong hàng ngũ lãnh đạo thay tướng Nguyễn Bình lãnh đạo "Cục R", là tổ chức trung ương của chi nhánh Cộng Sản tại miền Nam, sau khi Nguyễn Bình bị loại. (12)

Sau hiệp định Geneva 1954, Lê Duẩn tình nguyện ở lại nằm vùng để duy trì lực lượng, tiếp tục gây rối miền Nam và được coi là có óc tổ chức giỏi.

Đây là những lý do để Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý tới Lê Duẩn và sau Cải Cách Ruộng Đất, Lê Duẩn được chuyển ra hoạt động tại Hà Nội bên cạnh Hồ Chí Minh rồi trở thành Bí Thư Thứ Nhất đảng Lao Động Việt Nam do chính Hồ Chí Minh đề cử nhân Đại Hội kỳ 3 Trung Ương Đảng năm 1960.

Cho đến thời điểm này, Lê Duẩn vẫn chưa thể sánh ngang với nhiều nhân vật hoạt động tại miền Bắc, đặc biệt là so với Võ Nguyên Giáp.

Thế nhưng, Hồ Chí Minh đã chọn Lê Duẩn. Vũ Thư Hiên viết về sự việc này,

"Mọi người đều ngạc nhiên trước kết quả của Đại Hội. Trong kháng chiến chống Pháp, Võ Nguyên Giáp là nhân vật lãnh đạo thứ ba, chỉ sau có Hồ Chí Minh và Trường Chinh. Trường Chinh ra đi, chức Tổng Bí Thư mặc nhiên phải thuộc về Võ Nguyên Giáp, ai chả nghĩ thế… Theo nhận xét của những người thuộc thế hệ đầu tiên thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại ông tướng đã có quá nhiều vinh quang sẽ trở nên không dễ bảo sau cuộc đảo lộn ngôi thứ. Mà cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều muốn giữ lại vị trí trước kia của họ về thực chất, cho dù danh nghĩa không còn. Cần phải chọn một người có vị trí và uy tín kém hơn Võ Nguyên Giáp. Do biết ơn người cất nhắc mình, người đó sẽ vừa ngoan ngoãn vừa trung thành. Lê Duẩn thích hợp hơn cả với vai trò đó. Trong điều kiện đất nước chia hai, mà trước mắt là mục tiêu thống nhất đất nước thì đưa một người từng lãnh đạo miền Nam lên làm Tổng Bí Thư cũng là lý do dễ thuyết phục." (13)

Lê Duẩn đã chính thức thay thế Trường Chinh nhưng chỉ có danh hiệu Bí Thư Thứ Nhất chứ không phải Tổng Bí Thư.

Hồ Chí Minh dùng danh hiệu này vừa bắt chước máy móc theo Khrutschev lúc ấy ở Liên Xô và cũng có thể do ý muốn dựng sẵn một hàng rào hạn chế quyền lực của bất kỳ kẻ nào trở thành người lãnh đạo Đảng, ít nhất là trong tương quan với Hồ Chí Minh - theo lập luận phổ biến ở miền Bắc là Bí Thư Thứ Nhất khác với Tổng Bí Thư.

Thời gian Lê Duẩn có mặt bên cạnh Hồ Chí Minh trước khi chính thức trở thành Bí Thư Thứ Nhất là ba năm hẳn đã quá đủ để không thể che đậy xu hướng thực hiện thống nhất bằng bất cứ giá nào, kể cả cuộc chiến đẫm máu. Như vậy, điều này cũng có thể là một trong những lý do chọn lựa của Hồ Chí Minh, vì không có sự việc nào chứng tỏ Hồ Chí Minh phải miễn cưỡng chọn lựa Lê Duẩn.

Những lời Hồ Chí Minh thốt ra với Võ Nguyên Giáp trong cơn mê sảng khi còn ở Việt Bắc cũng như những lời nói với Chu Ân Lai sau này cho thấy Hồ Chí Minh đã tìm được ở Lê Duẩn sự tán đồng tuyệt đối.

Có thể nghĩ không sợ lầm lẫn rằng sau ba năm kề cận, Hồ Chí Minh đã biết chắc Lê Duẩn thực sự là cánh tay phụ tá đắc lực nên không ngần ngại chính danh vai trò phụ tá cho Lê Duẩn trong hệ thống tổ chức Đảng, đồng thời quyết định luôn cả việc kế thừa quyền lực của mình.

Tương quan giữa Lê Duẩn với Hồ Chí Minh trong khung cảnh thực tế đó có thể đúng như diễn tả của Vũ Thư Hiên là giữa người gia ơn với người chịu ơn ngoan ngoãn và trung thành.

Theo Vũ Thư Hiên, sau đó ma tuý quyền lực đã khiến Lê Duẩn mù quáng kết nhóm với Lê Đức Thọ thanh toán một loạt những người quan hệ với Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đồng thời cũng là những người có nhiều thời gian kề cận với Hồ Chí Minh hầu củng cố địa vị.

Dẫn chứng cho nhận định này, Vũ Thư Hiên đã kể trường hợp của tướng Lê Liêm, của Dương Bạch Mai và hàng loạt người khác bị nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tống vào nhà giam.

Cũng tương tự là nhận định của Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Trấn cho rằng Hồ Chí Minh đã bị nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ qua mặt bằng cách nào đó khi hành động như trên.

Nhưng chính Vũ Thư Hiên đã nêu ý kiến của bà mẹ là người biết rõ Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước,

"Mẹ tôi không tin. Bà cho rằng để khởi lên một vụ lớn như thế này, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không thể không hỏi ý kiến ông Hồ, ông không thể không biết. Vụ bắt bớ chỉ được tiến hành một khi có sự đồng ý của Chủ Tịch Nước."

Thực ra, không thể quy kết những người bị thanh trừng là phe cánh của Trường Chinh hay Võ Nguyên Giáp, vì một số đông trong đó là những nhân vật miền Nam và lý do chủ yếu bị thanh trừng, như Vũ Thư Hiên đã nhắc, là xu hướng phản đối dùng võ lực để thống nhất đất nước, cụ thể như trường hợp Dương Bạch Mai.

Hầu như hết thẩy đều cho rằng chủ chiến là đường lối riêng của Lê Duẩn vốn nghiêng theo Bắc Kinh còn Hồ Chí Minh muốn thực hiện đường lối "sống chung hòa bình" của Krutschev, nhưng Hồ Chí Minh yếu thế hơn nên bị khống chế.

Cho tới nay, ngoài những danh từ trống rỗng thiếu hẳn nền tảng thực tế, không ai nêu cụ thể nổi mức độ mạnh, yếu ra sao trong vị thế của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn ở thời khoảng từ 1960 cho tới lúc Hồ Chí Minh chết.

Người ta cũng quên thái độ của Hồ Chí Minh lúc đó trước các áp lực của Liên Xô và Trung Cộng đã được Bùi Tín kể lại,

"… Tuy dựa vào Liên Xô và Trung Quốc, ông vẫn giữ thái độ tự chủ trong lãnh đạo chiến tranh. Không nghe theo lời Mao và Lâm Bưu khuyên là ở miền Nam chỉ nên duy trì chiến tranh du kích, chỉ nên đánh ở cỡ đại đội, nếu đánh cỡ tiểu đoàn, trung đoàn trở lên sẽ bị hỏa lực của Không Quân và Pháo Binh Mỹ diệt hết! Ông cũng không nghe theo lời Liên Xô khuyên là nên hạ súng, tìm giải pháp hòa bình vì Việt Nam không thể chống nổi Mỹ về mặt quân sự như lời nguyên soái Kulikov tư lệnh khối Varsovie nhận xét rằng: Việt Nam mà cứ một mực đánh Mỹ thì đất nước tan tành hết, rồi đến cái quần đùi cũng không có mà mặc." (14)

Trước khi nêu sự việc trên, Bùi Tín mô tả

Hồ Chí Minh là người truyền bá mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin, rồi cả chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao ở Việt Nam. Ông làm công việc tuyên truyền, giới thiệu các chủ nghĩa này với tất cả lòng hăng hái, tận tâm, coi đó là cẩm nang, là vũ khí, lý luận và tư tưởng, là chân lý dẫn đến độc lập, giải phóng, hạnh phúc ở Việt Nam, ở Đông Dương và khắp mọi nơi. (15)

Con người Hồ Chí Minh qua mô tả của Bùi Tín không thể dễ dàng bị một thủ hạ chỉ là phụ tá cho mình lấn áp, khống chế, dù kẻ thủ hạ này được sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

Vả lại, qua Bùi Tín, chính Liên Xô, Trung Cộng cũng muốn xuống thang chiến tranh hoặc giải quyết vấn đề trong hòa bình nhưng không được Hồ Chí Minh nghe theo thì Lê Duẩn dựa vào đâu để ép buộc nổi Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đã thản nhiên gạt bỏ lời cảnh cáo của một nguyên soái Liên Xô rằng cứ một mực đánh Mỹ thì đất nước tan tành hết, đến cái quần đùi cũng không có mà mặc vì Hồ Chí Minh là người tận tâm với chủ nghĩa Cộng Sản coi mục tiêu thiết lập chế độ vô sản chuyên chính bằng bạo lực mà Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông vạch ra là chân lý tuyệt đối phải được tuân hành. Để đạt tới chân lý đó cái giá đất nước tan tành cũng chấp nhận được thì rũ bỏ một số thủ hạ nghịch ý mình đâu phải vấn đề khó khăn.

Nhưng vốn được đào tạo qui mô về nghệ thuật tuyên truyền và sẵn có biệt tài ứng phó, Hồ Chí Minh đã đạt tới phương cách hành sử luôn giữ vẹn uy danh ngay trong lúc theo đuổi những chuyện nghịch nhân tâm.

Trong quá khứ, người ta từng kết án Lâm Đức Thụ giao nạp những phần tử yêu nước nhưng chống Cộng Sản cho Pháp, từng kết án Võ Nguyên Giáp lợi dụng lúc Hồ Chí Minh vắng mặt để triệt hạ, tàn sát các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, từng kết án Trường Chinh tàn nhẫn giết bà Nguyễn Thị Năm và hàng trăm ngàn nạn nhân trong Cải Cách Ruộng Đất… và cho rằng Hồ Chí Minh hoàn toàn vô can hoặc do áp lực buộc phải im lặng.

Trên thực tế, vào những thời điểm đó, Lâm Đức Thụ, Võ Nguyên Giáp, Trường Chính đều là kẻ núp dưới bóng Hồ Chí Minh và những sự việc kia luôn đem lại thành quả mà Hồ Chí Minh mong đợi. Hành vi của Lâm Đức Thụ đã giúp Hồ Chí Minh mặc sức tung hoành tại Hoa Nam để tuyên truyền phát triển chủ nghĩa Cộng Sản. Hành vi của Võ Nguyên Giáp đã giúp Hồ Chí Minh quét sạch những kẻ thù số một - theo mô tả của Võ Nguyên Giáp - đe dọa chia xẻ quyền lực để giữ vững thế độc tôn trên chính trường Việt Nam. Hành vi của Trường Chinh đã giúp Hồ Chí Minh mở xong đoạn đường đầu tiên xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc và tăng cao uy tín vì là người đứng ra ngăn chặn lỗi lầm của các cán bộ tả khuynh.

Chính Vũ Thư Hiên đã viết về tương quan giữa Hồ Chí Minh với các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam như sau,

"Đối với ông Hồ Chí Minh, họ lúc nào cũng giữ tư cách những học trò khiêm tốn. Bên cạnh ngôi sao sáng Hồ Chí Minh, tổng bí thư Trường Chinh không có vai trò lớn như nhiều người lầm tưởng. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không bao giờ dám và cũng không bao giờ được phép tự mình quyết định những chủ trương lớn." (16)

Cũng theo Vũ Thư Hiên, vai vế của Lê Duẩn chưa so nổi với Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn trở thành Bí Thư Thứ Nhất hoàn toàn do cất nhắc của Hồ Chí Minh. Riêng Bùi Tín còn cho thấy Lê Duẩn chưa hề được nể phục qua câu chuyện những kẻ làm thành nền chuyên chính vô học của Nguyễn Khắc Viện.

Như vậy, Lê Duẩn có đủ can đảm và đủ quyền lực để tự quyết định các chủ trương lớn đồng thời ép buộc Hồ Chí Minh phải nghe theo không?

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Trấn không bịa ra câu chuyện quang cảnh Hội Nghị Trung Ương kỳ 9 qua lời kể của Bùi Công Trừng. Nguyễn Văn Trấn ghi lại câu chuyện khi ở tuổi 80 và ghi trong tinh thần chuyện trò với Mẹ nên chắc chắn là chuyện thực. Cũng thế, Vũ Thư Hiên không bịa ra câu chuyện tướng Lê Liêm được Hồ Chí Minh khuyến khích phát biểu công khai quan điểm chống chủ trương dùng bạo lực của Mao Trạch Đông rồi sau đó bỏ mặc cho nhóm Lê Duẩn xử trí.

Những chuyện này đều có thực.

Nhưng Nguyễn Văn Trấn, Bùi Công Trừng và Vũ Thư Hiên đã nhìn những chuyện thực này theo cái hướng không có thực là Hồ Chí Minh bị phe nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ khống chế. Đây cũng là cái nhìn mà Sainteny từng có khi cho rằng tại hội nghị Đà Lạt, Võ Nguyên Giáp quá cứng dắn khác hẳn thái độ mềm dẻo của Hồ Chí Minh.

Phùng Thế Tài đã ghi rõ trong hội nghị Đà Lạt, Võ Nguyên Giáp chỉ là người chấp hành mọi chỉ thị của Hồ Chí Minh do Phùng Thế Tài trực tiếp chuyển lại.

Sainteny phàn nàn Võ Nguyên Giáp trong khi ca ngợi Hồ Chí Minh chỉ do không nhìn thấy bàn tay Hồ Chí Minh đặt sau lưng Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Văn Trấn, Bùi Công Trừng và Vũ Thư Hiên cũng rơi vào tình thế của Sainteny những ngày trước. Hết thẩy đều đinh ninh Hồ Chí Minh bị Lê Duẩn qua mặt hoặc khống chế vì định kiến tốt đẹp sẵn có đối với Hồ Chí Minh hoặc vì không hình dung nổi phương pháp "tay xoa tay đấm" quen thuộc của Hồ Chí Minh.

Vì thế, Nguyễn Văn Trấn, Bùi Công Trừng đã tỏ ý tội nghiệp Hồ Chí Minh bị Lê Đức Thọ chặn họng không cho lên tiếng trước hội nghị trong khi Vũ Thư Hiên buộc tội Hồ Chí Minh vì sợ Lê Duẩn mà nuốt lời hứa với tướng Lê Liêm.

Câu chuyện nhỏ được kể bởi nhà báo Việt Thường từng sống nhiều năm trong chế độ miền Bắc cũng có thể giúp một phần đáng kể cho việc tìm hiểu ý nghĩa thực của những chuyện kể trên.

Theo Việt Thường, vài tháng trước Tết Mậu Thân 1968, Hồ Chí Minh có nhiều cán bộ cao cấp kể cả Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu tháp tùng… sang sân bay Gia Lâm, thăm đơn vị tên lửa và không quân để động viên.

Câu chuyện do Việt Thường ghi thuộc loại chuyện bên lề không đăng trên tờ báo nào tại Hà Nội lúc đó, nhưng được kể ở hầu hết các tòa soạn báo, đài và cả ở quán cà phê, quán bia hơi ở Hà Nội.

"Khi nghe tin Hồ đến thăm đơn vị, lính ngụy (17) trong binh chủng phòng không, không quân vừa đi học ở Nga Xô về, ào ào chạy ra chẳng có hàng ngũ gì cả. Từ tư lệnh binh chủng cho đến tụi bảo vệ, cho đến Tố Hữu, Văn Tiến Dũng đều vây quanh Hồ để bảo vệ, trong khi Võ Nguyên Giáp cầm loa điện cầm tay gào lên: "Yêu cầu trật tự", mà lính ngụy cứ lờ đi. Hồ bèn giật lấy loa trên tay Giáp và hô: "Nghiêm." Theo "phản xạ lính", tất cả đứng nghiêm. Hồ lại hô: "Tất cả xếp hàng, 5 hàng dọc"! Bọn lính vội xếp hàng. Hồ hô tiếp "Nghiêm"! rồi lại hô "Nghỉ"; và cuối cùng hô: "Nghiêm! Đằng sau quay! Đều bước!" Bọn lính ngụy răm rắp làm theo. Bấy giờ Hồ cười cười quay lại bảo Giáp: "Chú là đại tướng vậy mà không biết điều khiển lính!" (18)

Thuật lại chuyện này, Việt Thường đã nêu câu hỏi, "Một tên gián điệp lão luyện, phản ứng rất nhanh như Hồ, ăn nói với phó thủ tướng, bộ trưởng, đại tướng như nói với thằng nhỏ, con sen như vậy, liệu có thể là kẻ để cho Lê Duẩn khống chế không?" (19)

Trước Tết Mậu Thân vài tháng, Hồ Chí Minh đang phải dưỡng bệnh mà vẫn giữ nguyên phong độ chế ngự thuộc cấp như vậy thì 4 năm trước đó, năm 1963, Hồ Chí Minh có thể khoanh tay chịu nín khe dưới sự khống chế của một kẻ phụ tá vừa được chính mình ban cho ngôi vị không?

Chiếu theo câu chuyện này và uy thế mà Hồ Chí Minh có cho đến trước trận đánh Tết Mậu Thân 1968, chỉ có thể nói trong kỳ hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng 1963, tướng Lê Liêm đã sa bẫy, bị Hồ Chí Minh lợi dụng làm con mồi lôi kéo để làm lộ mặt những kẻ chống chủ trương đánh lớn và việc Hồ Chí Minh khoanh tay im lặng là tấn tuồng trút mọi trách nhiệm cho Lê Duẩn, Lê Đức Thọ không hơn không kém.

Có thể chính Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cũng sa bẫy như Lê Liêm dưới một hình thức nào đó mà không hay nên sau này mới tự hào là đã sáng suốt chủ chiến.

Những người tin rằng Lê Duẩn đặt được Hồ Chí Minh vào cảnh "ngồi chơi xơi nước" để phát động chiến tranh chống lại miền Nam và mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, có thể không lưu tâm tới một số hoạt động của Hồ Chí Minh từ hội nghị 9 kể trên tới phiên họp Bộ Chính Trị ngày 28/12/1967 đã được ghi rõ trong Biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh toàn tập:

- Ngày 10/12/1963: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị bàn về vấn đề miền Nam sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính…

- Ngày 27 & 28/03/1964: Hồ Chủ Tịch chủ trì Hội Nghị Chính Trị Đặc Biệt họp tại Hà Nội … chỉ thị cho đồng bào, cán bộ miền Bắc… "phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào ruột thịt miền Nam"…

- Ngày 19/07/1964: Phát biểu tại cuộc mít tinh của hơn 40 vạn đồng bào thủ đô, Người kêu gọi "mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam."

- Ngày 25/09/1964: Chủ Tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính Trị bàn về chủ trương đấu tranh và đường lối quân sự trước tình hình Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở miền Nam … Hồ Chủ Tịch mời cơm Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh và Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn chuẩn bị vào chiến trường công tác…

- Tháng 3, 1965: Hồ Chủ Tịch chủ trì ba hội nghị Bộ Chính Trị và một hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương để bàn về cách mạng miền Nam, về tình hình nhiệm vụ cấp bách trước mắt …

- Ngày 10/04/1965: Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khóa III, Người khẳng định, "Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước"

- Ngày 14/07/1965: Hồ Chủ Tịch họp hội nghị Bộ Chính Trị bàn về tình hình miền Nam. Người nêu cao quyết tâm "Tất cả để chiến thắng ở miền Nam."

- Ngày 20/07/1965: Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước… là "dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn tòan."

- Ngày 7 tới 18/12/1965: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị bàn về tình hình miền Nam và công tác ngoại giao.

- Ngày 30/12/1965: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị bàn về thái độ của ta đối với tuyên bố 14 điểm của Chính Phủ Mỹ về thương lượng hòa bình. Người đề nghị ta chỉ đưa ra "Tuyên bố bốn điểm" trả lời trước dư luận Mỹ và thế giới thì tự nhiên tuyên bố của Mỹ sẽ "như ném hạt cát vào mắt người ta."

- Ngày 06/01/1966: Hồ Chủ Tịch tiếp thứ trưởng ngoại giao Ba Lan. Người nói, "Tại sao Mỹ phải đi gõ cửa khắp nơi? Chính Mỹ gửi quân đến đây, bây giờ Mỹ phải đình chỉ xâm lược…Mỹ phải cút đi!… Dù Mỹ có tăng thêm quân bao nhiêu cũng không làm gì được chúng tôi. Nhân dân Việt Nam không sợ. Nếu đời chúng tôi không hoàn thành thì con cháu chúng tôi sẽ hoàn thành."

- Ngày 16/01/1966: Hồ Chủ Tịch thăm và nói chuyện với Hội Nghị cán bộ cao cấp… khẳng định, "Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, có có thể đưa thêm vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân. Ta vẫn thắng, nhất định thắng."

- Ngày 12/03/1966: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị nghe báo cáo tình hình chiến sự miền Nam, đồng ý tuyển 50.000 quân đợt 3 và đợt 4 năm 1966… và cho tuyển 5.000 nữ (hoặc hơn) nhập ngũ đợt này…"

- Ngày 16 & 17/10/1966: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị nhấn mạnh bất luận thế nào ta cũng phải nắm phần chủ động đánh Mỹ, thắng Mỹ, "Vô luận thế nào, không đánh cho nó nhừ tử thì nói gì cũng khó."

- Từ 15 đến 30/08/1967: Hồ Chủ Tịch họp Bộ Chính Trị cho ý kiến về bản cương lĩnh chính trị của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam…

Hoạt động và lời lẽ tuyên bố đó đủ để khắc họa chủ trương của Hồ Chí Minh và đủ để xác nhận chưa bao giờ Hồ Chí Minh lâm cảnh "ngồi chơi xơi nước", ngay cả trong trường hợp nhóm Lê Duẩn tha thiết mong làm việc này.

Như vậy, cả ba lý do viện dẫn để đẩy Hồ Chí Minh xa khỏi việc khởi chiến chống lại miền Nam và trận đánh Tết Mậu Thân 1968 đều không còn cơ sở.

Một viện dẫn khác là những tin đồn về việc Hồ Chí Minh đã gửi thiệp chúc Tết tới Ngô Đình Diệm và cho mở những tiếp xúc sơ khởi với Ngô Đình Nhu trong ý hướng tiến tới lập "liên bang Đông Dương."

Cho tới nay, không hề có một tài liệu nào ở cả mọi phía cho thấy những tin đồn trên là sự thực. Nhưng cứ giả dụ những điều đó đã xẩy ra thì cũng không ai quên Hồ Chí Minh là môn đệ tận trung của Lênin, là kẻ theo chủ nghĩa Stalin thuần thành, từng được chính Khrutshchev gọi là "tông đồ" Cộng Sản.

Do đó, trong đấu tranh, Hồ Chí Minh không bao giờ có thể bỏ quên các nguyên lý chủ nghĩa Lênin nên tuy "ông sống và làm việc nhưng không phải ông, mà chính Lênin sống và hoạt động trong ông." (20)

Với tư cách đó, mục tiêu chiến lược tối hậu của Hồ Chí Minh phải là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản nên tỏ ý hòa hoãn với chế độ Việt Nam Cộng Hòa khó thể nằm ngoài sách lược giai đoạn để tiến tới thôn tính. Nhưng thực hiện sách lược giai đoạn này không hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của Hồ Chí Minh. Vì phía sau Hồ Chí Minh còn có áp lực của Liên Xô, Trung Quốc và phía sau Việt Nam Cộng Hòa còn có áp lực của Mỹ.

Thêm nữa, những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đều có kinh nghiệm về liên hiệp với Cộng Sản nên ngay cả khi không có những áp lực quốc tế cũng chưa dễ tiến đến hiệp thương, trừ phi Hồ Chí Minh không còn là tín đồ của Cộng Sản chủ nghĩa tức là thành tâm đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Đòi hỏi này hoàn toàn bất khả với mẫu người Hồ Chí Minh đã được biểu hiện qua mọi hành động và ngôn ngữ suốt nhiều năm tháng kể từ những năm giữa thập niên 1920.

Cho nên, dù quả tình Hồ Chí Minh đã gửi thiệp chúc Tết cho Ngô Đình Diệm thì hành vi này cũng không hơn hành vi tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1945 hoặc những cử chỉ khiêm nhường, bày tỏ thiện chí với Huỳnh Thúc Kháng, với Nguyễn Hải Thần… từng có.

Tóm lại, mọi biện giải cho rằng Hồ Chí Minh là người hiếu hòa, không dính dấp tới cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại miền Nam, thậm chí Hồ Chí Minh còn chống lại chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực đều chỉ là những lời lẽ mơ hồ.

Càng mơ hồ hơn nữa là nhận định cho rằng Hồ Chí Minh đã bị thủ hạ khống chế. Thực tế tại Việt Nam trước và sau khi Hồ Chí Minh chết đều nói ngược lại với nhận định trên.

Tại Việt Nam cho tới giờ này, chưa một lãnh tụ nào dám hé răng phê bình Hồ Chí Minh về bất cứ điều gì trong khi cố sức tôn vinh Hồ Chí Minh bằng mọi hình thức và hàng ngày hết thẩy vẫn không ngừng nhắc lại một câu nói của Hồ Chí Minh, "Chỉ có chủ nghĩa Cộng Sản mới cứu nhân loại… Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới."

Rõ ràng cho tới nay, hết thẩy vẫn còn đang được Hồ Chí Minh dắt dẫn hay nói khác đi là chưa thoát khỏi vòng khống chế của Hồ Chí Minh. ♦

_____________________________________

(1)-(3) Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên, tr. 228-230

(4) Vietnam, la face cachée du régime, Bùi Tín, tr. 71. Dưới cước chú, tác giả ghi là chuyện xảy ra năm 1983 và tác giả ghi âm trước sự chứng kiến của nhiều người trong đó có Hoàng Tùng, ủy viên ủy ban tư tưởng của đảng, Đông Ngạc, phụ tá tổng bí thư đảng và Nguyễn Cần.

(5) Viết Gử i Mẹ và Quốc Hội, Nguyễn Văn Trấn, tr. 328

(6), (8) Mặt thật, Thành Tín, tr. 113-114 & 179-187

(7) Về các vụ tàn sát tập thể này, tin tức cho biết trong số nạn nhân có hai linh mục Việt Nam là Hoàng Ngọc Bang và Lê Văn Hộ; hai linh mục Pháp là Urbain và Guy thuộc dòng Benedicto Thiên An. Tên 4 người Đức được ghi nhận là bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Họ là những người tình nguyện đến dạy học ở Đại Học Y khoa Huế, bị Cộng Sản bắt ngày 5-2-1968, về sau tìm thấy xác gần khu Chùa Tường Vân. Theo Bùi Tín trong hồi ký Mặt Thật thì có 5 bác sĩ Đức bị giết. Ông Nguyễn Lý Tưởng ghi thêm tên một linh mục Việt bị giết nữa là cha Bửu Đồng. Và ông Nguyễn Trân nói còn có thêm nhiều người Phi Luật Tân cũng bị giết trong vụ này.

Trong hồi ký Mặt Thật, Bùi Tín cho là con số 3000 là hơi cao so với thực tế, vì "Đào lên 50, 100 cho đến 200 thi hài thì đã cảm thấy ghê gớm lắm, có cảm giác như là 400, 500..."

Nhưng tác giả Trần Gia Phụng, trong cuốn Án tích Cộng Sản Việt Nam (tr. 310) đã ghi lại một bản tổng kê số người bị giết ở 19 địa điểm khác nhau thì thấy có những con số rất là chi tiết, ví dụ: Trường Gia Hội 203 xác; chợ Thông 102 xác; Khe Đá Mài 428 xác vv.... cộng là 2326 xác. Trần Gia Phụng chú thích là ghi theo số liệu của Bác Sĩ Elje Vannema, người Hòa Lan nhập tịch Canada, dậy ở Đại Học Y khoa New York viết trong cuốn The Vietcong Massacre at Hue. Lúc xảy ra biến cố, vị Bác sĩ này có mặt tại chỗ. Theo Stephen Hosmer tác giả cuốn Vietcong Repression and its implications for the future (tr. 217), ngày 14- 6- 1968, sư đoàn 1 không kỵ Hoa Kỳ đã bắt được một tài liệu của của VC trong đó có cuốn sổ tay của một cán bộ CS ghi, "Toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy từ xã tới tỉnh đã bị tiêu diệt hoặc phá vỡ. Hơn 3000 tên đã bị giết."

Trong tác phẩm của bác sĩ Vannema, các mồ tập thể được nói rất chi tiết. Ví dụ ngay khu trường Gia Hội tuy nói có 203 xác, nhưng không phải chôn chung trong một hố mà có tới 14 hố tìm thấy trước gồm 101 xác, sau mới khám phá thêm nhiều hố khác, cộng cả lại là 203. Như vậy, con số 2326 xác không phải là phóng đại hay do lóa mắt nhìn sai, đếm tăng lên. Con số này chỉ là số xác đã tìm thấy trong khi có thể còn nhiều xác khác chưa tìm được. Cho nên nếu ước lượng khoảng 3000 cũng không hẳn là thổi phồng hay bịa đặt như sử gia Mỹ Marylin Young đã viết.

(9) Về tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, Cao Văn Lượng. Nghiên cứu lịch sử số 1 - Tháng 1 & 2-1993.

(10) Biên niên tiểu sử - T. 10, tr. 24

(11) Bài báo của Vũ Kỳ trích dẫn ở đây do Sơn Tùng đọc ngày 11/04/2001 tại trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục Hà Nội.

(12) Nhiều người nghi có bàn tay Lê Duẩn trong việc tướng Nguyễn Bình bị Pháp giết vào năm 1951, khi ông bị gọi ra Bắc. Lộ trình của Nguyễn Bình đã bị một kẻ nào đó mật báo cho Pháp. Nguyễn Bình tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi hợp tác với Cộng Sản, trở thành Tư Lệnh Lực Lượng Kháng Chiến chống Pháp tại Miền Nam từ 1945.

(13)-(16) Đêm giữa ban ngày - Vũ Thư Hiên, tr. 328 & 223

(14)-(15) Mặt thật - Thành Tín, tr. 91 & 89

(17)-(19) Con yêu râu xanh - Việt Thường tr. 227- 228. Việt Thường luôn dùng chữ Ngụy để gọi Cộng Sản, xin đừng lầm với chữ Ngụy do Cộng Sản gán cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

(20) Nhân hai chữ "tông đồ" mà Khutshchev tặng ông Hồ, chúng tôi liên tưởng tới lời St. Paul là đại tông đồ của chúa Giêsu Kitô, "Vivo, jam non ego. Vivit vero in me Christus" - Tôi sống, song không phải tôi sống, mà là đấng Kitô sống trong tôi.

Minh Võ

Bài viết này từ DCVOnline - Ngày: 16-09-2009
www.dcvonline.net
 

www.geocities.ws/xoathantuong