HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 43*
 

Bối cảnh chiến tranh ý thức hệ của  tình hình Việt Nam

 

Qua ý kiến và nhận định của gần 70 tác giả, Hồ Chí Minh luôn luôn hiện ra dưới hai khuôn vóc hoàn toàn trái ngược và trở thành trung tâm của hàng loạt nghi vấn.

Hồ Chí Minh là người yêu nước đã mang hạnh phúc về cho nhân dân hay chỉ là kẻ đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam dựng nên một chế độ chuyên chính biến toàn dân thành nô lệ sống dưới trăm ngàn mối áp bức đe dọa?

Hồ Chí Minh là đại anh hùng cứu quốc có công giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân bảo vệ nền độc lập quốc gia hay chỉ là kẻ gây cảnh núi xương sông máu kéo dài suốt một nửa thế kỷ, tàn sát hàng chục triệu nạn nhân?

Hồ Chí Minh là vị cha già dân tộc đã chấp nhận hy sinh trọn đời để phụng sự đồng bào hay chỉ là kẻ mê hoặc cưỡng bức đồng bào đóng vai những công cụ phụng sự cho tham vọng bá chủ thế giới của Liên Xô?

Hồ Chí Minh là con người giản dị, ngay thẳng có cuộc sống thanh khiết cao cả thánh thiện như một thiên thần hay chỉ là kẻ xảo trá, lường gạt với trăm ngàn thủ đoạn che giấu chân tướng đầy những vết nhơ?…

Hồ Chí Minh là con người ôn nhu, hiếu hòa bị đàn em hiếu chiến khống chế trong chủ trương đánh chiếm miền Nam bằng võ lực hay là một lãnh tụ gian hùng bề ngoài đóng vai ông Thiện để điều khiển thủ hạ làm ác? ….

Đó là một vài nghi vấn tiêu biểu.

Để giải đáp thỏa đáng những nghi vấn này, không thể dựa vào số lượng lời khen tiếng chê, cũng không thể giới hạn theo một số sự kiện nào đó thuộc phạm vi đời sống cá nhân.

Hồ Chí Minh có thể rất đắc nhân tâm do luôn biểu hiện phong thái chân thành đơn giản, tự nhiên thân mật.

Hồ Chí Minh có thể từng ôm ấp những ước mong phù hợp với ước mong của hết thẩy mọi người.

Hồ Chí Minh có thể chỉ có một thói xấu duy nhất như chính ông đã từng tự đánh giá là “nghiền thuốc lá”.

Hồ Chí Minh có thể bị thù ghét nhiều hơn yêu thương hoặc ngược lại, được toàn dân kính mến vv…

Bản thân những sự kiện trên rất quan trọng để hiểu về bất kỳ con người nào nhưng không đóng góp được bao nhiêu trong việc đánh giá con người Hồ Chí Minh.

Dù muốn dù không, Hồ Chí Minh đã là một nhân vật lịch sử và là nhân vật lịch sử ghi lại dấu ấn đậm đà trong một giai đoạn đầy sóng gió của Việt Nam. Cho nên, những nghi vấn về con người Hồ Chí Minh chỉ có thể giải đáp bằng chính thực tế lịch sử Việt Nam gắn bó với mọi hành vi của ông.

Thực tế lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 lại không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của nhiều biến cố thế giới, trong đó có cuộc Cách Mạng Tân Hợi xóa bỏ chế độ phong kiến tại Trung Hoa và đặc biệt là cuộc Cách Mạng Vô Sản Nga.

Cả hai cuộc cách mạng trên đều trực tiếp ảnh hưởng vào tình hình Việt Nam với những dấu ấn rõ rệt.

Cuộc Cách Mạng Tân Hợi thúc đẩy những nỗ lực đấu tranh nhắm mục tiêu tiến tới Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc trong đó, kẻ địch cần lật đổ được xác định cụ thể là thế lực ngoại bang thống trị.

Cuộc Cách Mạng Vô Sản chọn chủ nghĩa Marx làm lý tưởng thúc đẩy một cuộc đấu tranh không hướng về quyền lợi dân tộc mà nhắm phụng sự quyền lợi giai cấp vô sản trên toàn thế giới nên bao trùm nhiều mặt phức tạp hơn, trong đó quan niệm bạn và thù thay đổi tùy theo thực tế của từng giai đoạn đã dẫn tới không ít ngộ nhận về mọi biến cố.

Để tránh tình trạng này, cần nhìn lại chủ thuyết Cộng Sản cùng các phương thức đấu tranh mà Cộng Sản áp dụng, nhất là vì trên thực tế, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã giành được vai trò chủ động trên chính trường Việt Nam từ tháng 8-1945.

Ngày nay, chủ thuyết Cộng Sản đã lỗi thời, nhưng không thể phủ nhận tác động của nó trong tình hình Việt Nam kể từ thời điểm trên. Cho nên, dù muốn dù không vẫn cần ghi lại một số nét chủ yếu trong mấy tiêu điểm đã trở thành nền tảng của mọi biến cố từng xẩy ra tại Việt Nam (1) :

–  Chủ thuyết Cộng Sản và mục tiêu cuối cùng.

–  Chiến lược và sách lược đấu tranh.

–  Vai trò lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế.

–  Võ khí chính trong tiến hành đấu tranh.

 

I. Chủ thuyết và mục tiêu cuối cùng.

Chủ thuyết Cộng Sản minh thị mục tiêu cuối cùng là phụng sự giai cấp vô sản nên chủ trương phải phát động đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp phát xuất từ định luật mâu thuẫn trong duy vật biện chứng và từ quan niệm duy vật lịch sử cho rằng đã đến lúc giai cấp bị bóc lột là vô sản vùng lên đấu tranh lật đổ giai cấp bóc lột là tư bản để thiết lập chuyên chính vô sản.

* Duy vật biện chứng gồm 4 định luật chính: vạn vật tương quan, vạn vật biến chuyển, lượng biến chất biến và mâu thuẫn nội tại.

– Vạn vật tương quan: Theo duy vật biện chứng, thiên nhiên là một toàn bộ trong đó các sự vật và hiện tượng liên hệ hữu cơ với nhau, lệ thuộc vào nhau, quyết định lẫn nhau. Không có hiện tượng nào trong thiên nhiên có thể hiểu được, nếu tách rời khỏi những hiện tượng khác ở xung quanh.

 – Vạn vật biến chuyển: Thiên nhiên luôn luôn chuyển biến, luôn luôn đổi mới và phát triển theo hướng một cái gì đó đang hình thành, lớn dần lên trong khi một cái gì đó đang tan rã, tự hủy. Engels viết trong Biện Chứng của thiên nhiên: “Tất cả thiên nhiên, từ cái nhỏ nhất tới cái lớn nhất, từ hạt cát tới mặt trời, từ một sinh vật nguyên sinh (gồm chỉ một đơn bào sống) tới con người, luôn luôn ở trong trạng thái đang phát sinh và đang tiêu diệt, trong một dòng chảy đổi thay liên tục, trong một trạng thái chuyển động và đổi thay không ngừng.”

– Lượng biến chất biến: Engels dùng khoa học tự nhiên với những ví dụ đơn sơ như nước đun sôi biến thành hơi nước và sự tiến hóa nhảy vọt từ loại này sang loại khác, như từ vượn lên người (thuyết tiến hóa của Darwin) vv… để chứng minh nếu lượng (quantity) tăng, tăng mãi sẽ đến lúc biến thành chất (quality). Sự biến đổi này là một đột biến, không phải ngẫu nhiên mà theo quy luật thiên nhiên, do tích lũy kết quả nhiều đổi thay từ từ không cảm thấy được chất chứa lại mà thành.

– Mâu thuẫn nội tại: là định luật quan trọng nhất. Lênin nói: “Biện chứng, có nghĩa là sự nghiên cứu mâu thuẫn trong chính bản chất tinh túy của sự vật.” Người ta thường nói nhìn sự vật bằng con mắt biện chứng tức là nhìn cái gì cũng thấy hai khía cạnh tương phản của nó, mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Stalin viết: “Biện chứng pháp cho rằng tiến trình phát triển từ cái thấp hơn tới cái cao hơn xảy ra không phải như một diễn biến hài hòa của các hiện tượng mà như sự bộc lộ của những mâu thuẫn nằm sẵn trong các sự vật và hiện tượng, như là “sự đấu tranh” giữa những xu hướng đối nghịch đang hoạt động trên nền tảng của những mâu thuẫn đó.”

Chủ nghĩa Marx cho rằng trong sự vật và hiện tượng luôn luôn sẵn có mâu thuẫn như thế nên đấu tranh là luật tự nhiên không thể tránh và từ đó phát xuất cuộc đấu tranh giai cấp.

* Duy vật lịch sử chia lịch sử nhân loại làm 5 thời kỳ: cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và cuối cùng là cộng sản (chuyên chính vô sản).

Chế độ cộng sản nguyên thủy phát triển đã mang sẵn trong mình cái mầm mâu thuẫn và một chế độ khác tốt đẹp hơn từ cái mầm đó mà phát sinh là chế độ nô lệ.

Stalin viết: “Ngày nay trong những điều kiện xã hội hiện tại, nhìn lại ta thấy chế độ nô lệ là phi lý, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử lúc ấy, nó là hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên có thể hiểu được, vì nó tượng trưng cho một bước tiến hơn so với chế độ cộng sản nguyên thủy.”

 Stalin tiếp tục nói về các chế độ kế tiếp cũng tương tự như vậy với chủ ý diễn tả định luật mâu thuẫn và định luật biến chuyển luôn theo đà tiến về phía trước của phép biện chứng duy vật. Áp dụng các định luật này vào việc tìm hiểu mọi biến chuyển của xã hội loài người sẽ nhận thức chính xác hơn về các hiện tượng lịch sử. Điều quan trọng là trong mỗi biến chuyển bao giờ cũng có tình trạng nhảy vọt từ lượng lên chất. Do đó cần phải làm cách mạng, chứ không chấp nhận cải lương (cải cách từ từ). Stalin viết: “Do đó, sự quá độ (sự chuyển tiếp) từ tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa và giải phóng giai cấp công nhân khỏi ách tư bản chủ nghĩa không thể thực hiện bằng những thay đổi từ từ chầm chậm, bằng những cải cách, mà chỉ có thể thực hiện bằng một thay đổi về chất của chế độ tư bản, nghĩa là bằng cách mạng. Vì vậy, để khỏi lạc đường trong chính sách, cần phải làm cách mạng, chứ không phải cải cách.”

Trong Tuyên Ngôn Cộng Sản, Marx viết: “Bạo lực là bà đỡ của cách mạng” và sau này Mao Trạch Đông phỏng theo: “Quyền lực phát xuất từ họng súng.” Engels cũng nói: “Không có vũ khí phê phán nào thay thế được sự phê phán bằng vũ khí.”

Đó là dòng tư duy xuyên suốt từ mâu thuẫn nội tại tới đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng theo luật lượng biến chất biến nhảy vọt và cách mạng bạo lực.

Stalin giải thích rõ hơn về tính chất và nhu cầu của đấu tranh giai cấp: “Nếu sự phát triển xuất phát bằng cách bộc lộ những mâu thuẫn nội tại, bằng cách va chạm, xung đột giữa những lực đối kháng trên căn bản của những mâu thuẫn đó, và như thế, để lướt thắng những mâu thuẫn, thì đã rõ cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và không thể tránh.”

Tóm lại, theo các nhà duy vật, đấu tranh giai cấp bằng cách mạng bạo lực là lẽ tất yếu. Đấu tranh giai cấp là cuộc chiến giữa hai giai cấp tư bản và vô sản nên bắt buộc là cuộc chiến mang tính toàn cầu vì giai cấp hiện diện ở mọi quốc gia. Đấu tranh giai cấp cũng là cuộc chiến trường kỳ vì chỉ chấm dứt khi chế độ Tư Bản hoàn toàn bị thủ tiêu để hình thành chế độ Cộng Sản trên toàn thế giới. (2)  Đó là cuộc chiến ý thức hệ, bắt nguồn từ bản chất ý hệ Mác Xít.

 

 2- Chiến lược và sách lược đấu tranh.

Xác định đấu tranh giai cấp là tất yếu, nhưng Marx cho rằng cách mạng vô sản chỉ có thể bùng nổ ở những nước tư bản công nghiệp cực thịnh, trong đó giai cấp vô sản chiếm đại đa số. Tại những nước này, giai cấp vô sản trở thành lực lượng áp đảo sẽ đánh bại và tiêu diệt giai cấp tư sản để nắm quyền độc tôn gọi là “chuyên chính vô sản”. (3) Giai cấp vô sản – proletariat, theo Mác, là giới công nhân không có tài sản, nhất là không có phương tiện sản xuất và chuyên chính vô sản là nền thống trị độc tôn của giai cấp đó.

Nhưng Lênin lại muốn thực hiện cách mạng vô sản tại Nga là một nước chưa đạt tới mức phát triển cao về công nghiệp.

Như thế, nếu chỉ dựa vào riêng giai cấp công nhân để tiến hành cách mạng chắc chắn sẽ thất bại. Nhìn vào thực tế xã hội Nga đầu thế kỷ 20, Lênin giải thích chữ proletariat theo nghĩa rộng hơn gồm cả giới quân nhân phần đông là nông dân cho nên trước tháng 4-1917, Lênin từng chủ trương liên minh công nông chống tư sản.

Sau đó, trong những văn kiện đưa ra vào các tháng 4, 7, 8-1917 được Stalin trưng dẫn trong Stalin tuyển tập, Lênin đã thu hẹp từ nông dân thành bần cố nông.

Tuy nhiên, theo trích dẫn của Stalin, định nghĩa về “chuyên chính vô sản” của Lênin vẫn không rời xa định nghĩa của Marx: “Nếu chúng ta dịch từ Latinh có tính khoa học – triết lý – sử học “dictature du proletariat”sang ngôn ngữ đơn giản thì nó chỉ có nghĩa như sau: Chỉ có một giai cấp nhất định, là giai cấp của công nhân thành thị, và công nhân công nghiệp nói chung, có khả năng lãnh đạo nhân dân lao động và những người bị áp bức bóc lột trong cuộc đấu tranh nhằm giải phóng họ khỏi ách thống trị của tư bản, trong tiến trình lật đổ này, trong cuộc đấu tranh để duy trì và củng cố chiến thắng, trong công cuộc tạo lập một hệ thống xã hội mới, hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa, trong cuộc đấu tranh toàn bộ nhắm xóa bỏ hoàn toàn các giai cấp.” (4)

Trên thực tế, Lênin từng đưa ra một định nghĩa về “chuyên chính vô sản” hơi khác: “Chuyên chính vô sản là một hình thức liên minh đặc biệt giữa giai cấp vô sản ( proletariat ) là đội tiền phong của nhân dân lao động và nhiều giai tầng nhân dân lao động khác không phải vô sản ( như tiểu tư sản, các tiểu chủ, nông dân và trí thức, vân vân...), hoặc đa số những tầng lớp này. Đó là một sự liên minh chống tư bản, một liên minh nhắm đánh đổ hoàn toàn tư bản, nhắm dẹp bỏ hoàn toàn sự chống đối của giới tư sản và bất cứ cố gắng nào của giai cấp này nhằm tự khôi phục, một liên minh nhắm thiết lập và củng cố chủ nghĩa xã hội.” (5)

Định nghĩa được gia giảm này có thể hiểu là do yêu cầu của chiến lược và sách lược đấu tranh nhắm thích ứng với hoàn cảnh thực tế của từng giai đoạn. Tuy nhiên, ngay trong gia giảm đã có sự xác định rõ vai trò lãnh đạo không hề thay đổi.

Thực tế đòi hỏi phải liên minh với những phần tử hay giai cấp khác, vì giai cấp vô sản không thể tự mình làm nổi cuộc cách mạng, đặc biệt tại một nước nông nghiệp như nước Nga, nhưng giai cấp vô sản (proletariat) vẫn là đội tiền phong tức ở vị thế nắm quyền lãnh đạo các lực lượng đồng minh. Mọi phần tử không chịu đặt mình dưới sự lãnh đạo đó phải gạt bỏ, thậm chí thủ tiêu và khi đã toàn thắng, không cần sự hỗ trợ của các thành phần khác thì các thành phần này cũng nằm trong thế bị loại trừ không do dự.

Vai trò nông dân trong xã hội Nga lúc ấy rất quan trọng nên tại đại hội kỳ 2 Đệ Tam Quốc Tế, Lênin đã cho thành lập tổ chức Quốc Tế Nông Dân (Krestintern).

Nhưng khai thác thành phần nông dân vẫn chưa đủ tạo sức mạnh cho phong trào cách mạng vô sản nên Lênin lại đưa ra đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân nhắm thu phục những dân tộc bị áp bức tại các quốc gia bị trị biến thành lực lượng đồng minh của phong trào.

Stalin đã viết về quyết định này của Lênin như sau: “Lênin luôn luôn nhắc đi nhắc lại, không có sự liên minh với quần chúng của các dân tộc khác, thì vô sản Nga đã không chiến thắng. Trong những bài ông viết về vấn đề dân tộc và trong các đại hội Quốc Tế Cộng Sản, Lênin đã nói đi nói lại rằng thắng lợi của cách mạng thế giới sẽ không thể có, nếu không có liên minh cách mạng giữa vô sản của các nước tiên tiến  với các dân tộc bị áp bức của các thuộc địa bị nô dịch.” (6)

Như vậy, từ căn bản, vấn đề liên minh không hề đặt trên nền tảng tinh thần đoàn kết giữa các thành phần khác nhau mà chỉ là hành vi cần thiết để giành chiến thắng cho phong trào cách mạng vô sản trong một giai đoạn nào đó. Nói một cách khác, liên minh chỉ là vấn đề sách lược trong đó, giai cấp vô sản luôn nắm quyền lãnh đạo và đấu tranh vì mục đích tiến tới chuyên chính vô sản chứ không vì lợi ích của các dân tộc bị trị cũng như lợi ích của các thành phần giai cấp khác.

Lênin liên minh với nông dân Nga chỉ vì mục đích giành quyền lãnh đạo cho đảng Bolchevick nên sau khi thành công đã lập tức cho dựng những nông trường tập thể và thẳng tay tiêu diệt các thành phần địa chủ, phú nông.

Đây cũng là thực tế diễn ra tại Việt Nam qua trường hợp các Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc… Hồ Chí Minh kêu gọi tinh thần đoàn kết của các tầng lớp yêu nước để phát triển lực lượng đấu tranh và khi nắm được quyền hành thì lập tức ban bố chính sách cải cách ruộng đất để tiêu diệt địa chủ, phú nông và tất cả những ai dám chống lại đường lối lãnh đạo của đảng, đồng thời cho tổ chức các cấp hợp tác xã theo mẫu mực Liên Xô.

Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng sách lược của Lênin về liên minh và chủ nghĩa dân tộc theo hướng tiến tới thiết lập nền chuyên chính vô sản gom trọn quyền hành trong tay  Đảng.

Thực ra tại Việt Nam cũng như tại Liên Xô và các quốc gia Cộng Sản khác, Đảng chỉ là một danh nghĩa được vận dụng bởi một thiểu số lãnh đạo. Do đó, phía sau những tấm bình phong đảng tiên phong, đảng của giai cấp công nhân…chỉ là một nhóm cá nhân thi hành những chính sách cai trị bất chấp quyền lợi của nhân dân, kể cả quyền lợi của chính giai cấp được đề cao trong mục tiêu phụng sự.

Dù vậy, phong trào cách mạng vô sản luôn gắn bó với quan niệm đấu tranh giai cấp phát xuất từ duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Marx, đồng thời luôn trung thành với quan điểm chiến lược sách lược đấu tranh của Lênin và Stalin (7)  để triển khai theo chiều hướng mâu thuẫn nội tại thường trực trong vạn vật là nguồn cỗi đấu tranh bất tận nên mâu thuẫn xã hội giữa giai cấp Tư Bản bóc lột và giai cấp Vô Sản bị bóc lột là nguồn cỗi đấu tranh trường kỳ cho đến khi giai cấp tư bản bị tiêu diệt.

Phát xuất từ định đề này, mọi khái niệm về chiến tranh hay hòa bình, về phương lược vận động, về đối tượng bạn hay thù vv…của cộng sản hoàn toàn khác biệt so với những khái niệm thông thường.

Trước hết, đấu tranh giai cấp được hình dung như một cuộc chiến toàn diện, thường trực và trường kỳ nên không nhất thiết phải xác định bằng những cảnh súng nổ bom rơi hay đâm chém chết chóc.

Chiến tranh là kế tục của chính trị bằng những phương tiện khác” và “Hòa bình là kế tục của chiến tranh bằng những phương tiện khác.”

Định nghĩa ấy của Von Clausewitz, thày của Frederick Engels, trong khái niệm toàn bộ chiến đã được Cộng sản áp dụng triệt để trong việc theo đuổi mục tiêu cuối cùng và tối cao của đấu tranh giai cấp là “tiêu diệt hoàn toàn giai cấp tư sản”. Đó là chiến lược tổng quát soi sáng và giữ vững tính chất nhất quán cho mọi chiến lược giai đoạn cùng các sách lược cần thiết chiếu theo hoàn cảnh thực tế khác biệt trong từng thời kỳ.

Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Stalin phân biệt chiến lược tổng quát là chiến lược chung cho toàn bộ cuộc đấu tranh giai cấp còn chiến lược giai đoạn là những chiến lược cụ thể hơn cho các giai đoạn tương đối dài và lớn. Trong chiến lược cụ thể lại gồm nhiều sách lược giai đoạn, tùy thuộc những điều kiện thực tế của từng thời kỳ tương đối ngắn hơn. Chiến lược giai đoạn hay sách lược đấu tranh giai cấp luôn được hình dung như một cuộc chiến nên luôn đòi hỏi sự xác định mục tiêu, sứ mạng, địa hình địa vật, kế hoạch bố trí lực lượng... và nhất là 3 yếu tố ta, thù, bạn.

Trong chiến lược tổng quát, mục tiêu cuối cùng và sứ mạng bất di bất dịch của cuộc chiến là tiêu diệt tư bản nên khái niệm về ta, thù bạn đã hoàn toàn sáng tỏ. Ta là giai cấp vô sản,  thù là giai cấp tư sản và tất cả những ai ủng hộ nó, còn bạn là những ai thuộc các giai cấp khác chịu đứng chung và ủng hộ giai cấp vô sản.

Nhưng trong các chiến lược giai đoạn và sách lược vắn hạn, khái niệm này trở nên bất định và vô cùng phức tạp. Tùy theo tình hình thế giới và tình hình địa phương, tùy theo “cao trào hay thoái trào cách mạng”, khái niệm về bạn và thù sẽ thay đổi, kẻ thù chính có thể trở thành kẻ thù phụ, thậm chí có khi tạm trở thành bạn.

Trên thực tế, đối với Liên Xô, có lúc Đức là kẻ thù chính khi Liên Xô cần liên minh với Anh – Pháp, có lúc Đức lại trở thành bạn khi do tình hình biến chuyển Liên Xô cần liên minh với Đức chống Anh – Pháp.

Qua sách lược vận động cách mạng Nga tháng 10-1917, theo trưng dẫn của Stalin trong Thư gửi đồng chí S. Pokrovsky, ban đầu đảng Bolshevik nêu khẩu hiệu “chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân – the peasantry”, nhưng sau đó lại đổi thành “chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp bần cố nông – the poorest strata of peasantry”. Như vậy, chỉ riêng trong giai đoạn đó thôi, một bộ phận nông dân đã bị gạt ra ngoài cái “ta” tức vừa là bạn đã trở thành thù..

 

3. Vai trò lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế.

Do tính toàn cầu của đấu tranh giai cấp, năm 1864 Marx và Engels lập nên một tổ chức chung cho mọi quốc gia, khởi sự từ các nước công nghiệp châu Âu, với tên gọi là Liên Minh Công Nhân Quốc Tế tức Đệ Nhất Quốc Tế. Danh từ Quốc Tế bắt nguồn từ đó.

Năm 1889, sáu năm sau khi Marx mất, tổ chức Đệ Nhị Quốc Tế tức Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội ra đời với đường lối xã hội chủ nghĩa ôn hòa, áp dụng những phương pháp đấu tranh hợp pháp.

Lênin chê Đệ Nhị Quốc Tế đi lạc hướng cách mạng bạo lực do Marx chủ trương nên sau khi thành công trong việc cướp chính quyền ở Nga năm 1917 đã thành lập Đệ Tam Quốc Tế vào tháng 3-1919, thường gọi là Quốc Tế Cộng Sản – Komintern hay Comintern, Communist International.

Từ đó, cùng với chính quyền Liên Bang Xô Viết, Đệ Tam Quốc Tế đặt trụ sở ở Moscow trở thành tổng hành dinh của phong trào cộng sản thế giới.

Dựa vào những thành quả đạt được ở Nga, Lênin đẩy mạnh việc lãnh đạo, điều hành tổ chức này theo đường lối riêng tuy vẫn khẳng định theo đúng chủ nghĩa Marx và luôn trưng dẫn luận điểm của Marx về cách mạng bạo lực và chuyên chính vô sản.

Trong tác phẩm Nhà Nước và Cách Mạng, Lênin viết: “Thuyết đấu tranh của Mác về nhà nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa đương nhiên đưa đến thừa nhận sự thống trị của giai cấp vô sản và sự chuyên chính vô sản....Chỉ những ai thừa nhận chuyên chính vô sản và sau khi đã thừa nhận đấu tranh giai cấp mới thực sự là người Mác-xít.” (8)  Cũng từ đây, chủ nghĩa cộng sản được gọi bằng cái tên Mác xít – Lêninít.

Đệ Nhất Quốc Tế và Đệ Nhị Quốc Tế gần như chỉ có ảnh hưởng hạn chế trong phạm vi Âu Châu và không dành được quyền lực ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nên chỉ còn là những dấu tích mờ nhạt trong quá trình vận động phát triển của chủ nghĩa Cộng Sản.

Đệ Tam Quốc Tế được chính quyền Liên Xô yểm trợ tối đa về mọi phương diện và chào đời giữa lúc Cách Mạng Vô Sản Nga đang đặc biệt cuốn hút sự lưu tâm của những người đấu tranh ở khắp nơi nên mau chóng phát triển ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia bị trị tại Đông Nam Á.

Năm 1935, khi tổ chức đại hội kỳ 7 tại Mạc Tư Khoa,  Đệ Tam Quốc Tế đã quy tụ 76 (9) đảng cộng sản trên 5 lục địa, trong đó có những đảng chưa nắm được chính quyền cũng có cả triệu đảng viên như Nam Dương ở Á châu và Ý ở Âu châu.

Theo nội quy Đệ Tam Quốc Tế, đảng cộng sản của bất kỳ quốc gia nào đều chỉ là một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế, phải triệt để tuân thủ mọi điều lệ của tổ chức này (10) trong đó, điều 14 đòi các đảng thành viên phải đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Nga, phải triệt để ủng hộ các cộng hòa Xô Viết mà sau năm 1922 đã trở thành Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Xô Viết, và điều 16 quy định mọi đảng cộng sản chỉ là chi nhánh của một đảng toàn cầu duy nhất là Quốc Tế Cộng Sản hay QT3.

Trên thực tế, Đệ Tam Quốc Tế hay Quốc Tế Cộng Sản do Lênin thành lập và hoạt động với phương tiện của Liên Xô nên ngay từ ban đầu đã mặc nhiên đồng hóa với Liên Xô. Liên Xô không những được coi là thành trì Cách Mạng Vô Sản mà còn giữ vai trò đầu não quyết định mọi phương hướng tiến lui cho tất cả các đảng Cộng Sản trên thế giới. Vì thế, ảnh hưởng và quyền lực của Đệ Tam Quốc Tế đối với tất cả các đảng Cộng Sản trên thế giới chính là ảnh hưởng và quyền lực của giới lãnh đạo Liên Xô, cụ thể là Lênin và người kế vị, Stalin, từng được mệnh danh là nhà độc tài áo đỏ – để phân biệt với nhà độc tài áo đen Mussolini và nhà độc tài áo nâu Hitler.

Nói một cách khác, trong khi hết thẩy các đảng cộng sản trên thế giới phải tuân thủ mọi điều lệ của Đệ Tam Quốc Tế, phải chấp hành mọi chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế thì người đề ra các điều lệ và ban bố mọi chỉ thị chính là Lênin và sau đó là Staline. Trong tình huống này, mọi điều lệ và chỉ thị đương nhiên phải đặt quyền lợi của Liên Xô lên hàng đầu và phải phản ảnh trung thực mọi quan điểm của Lênin và Staline.

Cụ thể là bản Luận cương về chủ nghĩa dân tộc và các vấn đề thuộc địa của Lênin đã trở thành nền tảng định hướng cho mọi hoạt động của Đệ Tam Quốc Tế từ khi xuất hiện và kể từ đại hội kỳ 7 năm 1935, Đệ Tam Quốc Tế đã coi tất cả những người tán thành đường lối của Trotski là kẻ địch phải tận diệt, chỉ vì Trotski chống lại Stalin.

Cụ thể hơn nữa là việc Stalin đơn phương quyết định giải tán tổ chức này vào tháng 6-1943 khi Liên Xô cần được Đồng Minh viện trợ để chống lại sức tấn công của Đức. Trước thái độ nghi ngại của Mỹ về hiểm họa Cộng Sản, việc giải tán Đệ Tam Quốc Tế đã được đặt ra và quyết định tức khắc bởi Stalin, dù ban lãnh đạo của tổ chức gồm nhiều thành viên mang các quốc tịch khác trên khắp thế giới.

Thực ra, việc giải tán chỉ là một thủ đoạn thay hình đổi dạng nhưng điều quan trọng là các thành viên khác chỉ có thể tham gia bằng cách tuân thủ quyết định của Stalin nhắm bảo vệ trước hết quyền lợi của riêng Liên Xô.

Với Liên Xô, Đệ Tam Quốc Tế đơn thuần là một tổ chức công cụ trực thuộc quyền điều động của Stalin, nhưng với tất cả các đảng Cộng Sản hoặc các quốc gia Cộng Sản khác, Đệ Tam Quốc Tế luôn luôn là một cơ quan chỉ đạo tối cao, ngoại trừ Nam Tư tách khỏi tổ chức này từ năm 1948.

Cho nên, ngoại trừ Nam Tư, mọi đảng Cộng Sản hoặc các quốc gia Cộng Sản trên thế giới đều phải trung thành với bản nội quy của Đệ Tam Quốc Tế, tự đặt mình dưới quyển kiểm soát của đảng Cộng Sản Nga và trung thành với tư cách một chi nhánh của Đệ Tam Quốc Tế.

Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể vượt khỏi tình trạng này nên mới có lời dẫn giải của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam được Trần Văn Giàu ghi lại như sau: "Cách mạng này là một phần của cách mạng thế giới. Mà cách mạng thế giới là gì thì không phải là đã hiểu rõ, đã nhất trí. Chánh thức được Nguyễn Ái Quốc trình giảng thì đó là cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa; chế độ tư bản đế quốc là chế độ sinh ra chế độ thực dân. Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận. Cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới, và cách mạng Việt Nam góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó.”
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:41 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong