HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 41*
 

ĐỖ MẠNH TRI và Di sản Mác-xít tại Việt Nam


Di Sản Mác Xít tại Việt Nam (1) của Đỗ Mạnh Tri là những ý nghĩ được khơi gợi từ cuốn Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên và các nhận định về một số vấn đề Việt Nam dưới dấu ấn chủ nghĩa Mác-xít. Đây là lần đầu tiên chủ nghĩa Marx và chế độ cộng sản tại Việt Nam được một tiến sĩ triết học Việt Nam đem ra mổ xẻ. (2)

Với tính chất nội dung này, Hồ Chí Minh không phải đối tượng tìm hiểu trực tiếp của tác giả nhưng vẫn được đề cập tới trong một số trường hợp.

Khi Cộng Sản cướp chính quyền sau “cách mạng tháng tám thành công”, Hồ Chí Minh lên làm Chủ Tịch Nhà Nước, tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương (11-11-1945), thành lập chính phủ Liên Hiệp…, tác giả mới ở tuổi 14, 15. Khi Hồ Chí Minh tái lập đảng cộng sản trong lớp vỏ bọc đảng Lao Động vào năm 1951, tác giả đã bắt đầu cuộc sống ở Pháp và sống liên tục tại đây cho đến ngày nay.

Như thế, thực tế đời sống Việt Nam chỉ gắn bó với tác giả trong một thời gian ngắn ở tuổi thiếu niên. Sau đó, tác giả hoàn toàn xa cách với mọi biến cố lớn nhỏ.

Tác giả không phải trải qua bất kỳ cảnh ngộ sống nào của người dân Việt Nam và cũng không chứng kiến bất kỳ thực tế nào do những chủ trương mà Hồ Chí Minh đưa ra từ các chiến dịch “giảm tô”, “cải cách ruộng đất”, “chỉnh đảng” vv...

Có thể nói tác giả không hề là nạn nhân của cộng sản, cũng không hề là chứng nhân tại chỗ về những tội ác của cộng sản. Nhưng qua Di Sản Mácxít tại Việt Nam, tác giả đã đưa ra những nhận định phản ảnh một nỗ lực nghiên cứu công phu bằng lối phân tích sắc bén thể hiện phong thái của một triết gia không chỉ am tường về chủ thuyết Cộng Sản mà còn nắm vững nhiều khía cạnh thực tế của đời sống Việt Nam.

Tác giả đã bao quát toàn bộ diễn trình của thực tế Việt Nam sau khi so sánh hai nhạc phẩm của Lưu Hữu Phước và Phạm Duy qua một câu vắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: “Từ buổi bình minh đã có mây mù che phủ. Hào quang bừng sáng cũng chói lọi như gươm giáo trong đêm đen của tội ác.” (3)

Tác giả trích dẫn bức thư của hòa thượng Thích Quảng Độ gửi tổng bí thư Đỗ Mười ngày 19-8-1994 để chứng minh cho nhận xét trên: “Cũng ngày hôm nay cách đây 49 năm, sư phụ tôi là hòa thượng Thích Đức Hải, trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, đã bị Cộng Sản giết chết vào hồi 10 giờ sáng ngày 19-8-1945 (tức ngày 12 tháng 7 năm Ất Dậu), ngày cách mạng thành công, trên bãi cỏ trước đình làng Bặt thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, cách chùa sư phụ tôi 2 cây số....”

Đó là lời kể của một nhà tu đang bị cô lập giữa hàng rào an ninh nghiệt ngã trong tình trạng quản chế, đồng thời cũng là người được chọn làm ứng viên giải Nobel nên mức độ chính xác của lời kể là điều bắt buộc. Vì tư cách đức độ cũng như điều kiện an ninh của người kể không cho phép nói sai một ly với sự thực.

Nhưng cảnh ngộ sống của người kể lại không phải cảnh ngộ đặc biệt hiếm hoi nên câu chuyện của hòa thượng Thích Quảng Độ cũng là một thí dụ cụ thể cho thực tế đời sống bình thường tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.

Trường hợp được đưa ra làm thí dụ điển hình này đã khiến sống dậy hàng loạt những lời tố cáo khác của cả những người được nêu rõ họ tên lẫn những người chỉ là cái bóng chìm giữa đám nạn nhân vô danh.

Lời kể của hòa thượng Thích Quảng Độ gợi nhắc dễ dàng tới những lá thư của hồng y Nguyễn Văn Thuận nói về cái chết của người bác và người cháu là hai cha con ông Ngô Đình Khôi, lá thư của người cháu học giả Phạm Quỳnh nói về cái chết của vị cựu thượng thư bộ Lại dưới triều Bảo Đại, lá thư của cụ Lê Quang Liêm nói về cái chết của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vv... và cũng dễ dàng gợi nhắc sự liên tưởng tới hàng ngàn lá thư hay tài liệu khác của những nạn nhân trong các vụ thanh lọc hàng ngũ, cải cách ruộng đất hay các vụ thảm sát trong chiến tranh…

Vì thế nên không thể nói về thực tế đời sống Việt Nam từ 1945 tới nay khác với cảnh mây mù che phủ ngay lúc bình minh vừa lóe rạng và hào quang bừng sáng chỉ là ánh phản chiếu nước thép của gươm dáo trong đêm đen tội ác.

Thực tế đời sống đó không thể tách khỏi một người đã lưu lại nhiều lời nói được coi như khuôn vàng thước ngọc, trong đó, tác giả dừng lại với một câu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết người nói ra câu này là ai và cho tới nay, bất kỳ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng mọi cách giải thích về nội dung chứa đựng trong câu nói.

Đỗ Mạnh Tri không lập lại cách giải thích câu nói theo nghĩa ngôn từ mà đối chiếu với thực tế để đánh giá cái khuôn vàng thước ngọc do Hồ Chí Minh tạo ra và đã trở thành động cơ thúc đẩy hàng chục triệu người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ tiếp nối nhau cống hiến xương máu.  Đỗ Mạnh Tri đối diện với phát giác là suốt nửa thế kỷ qua mọi nỗ lực đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Cộng Sản mới thể hiện tuyệt vời riêng phần mở đầu của cái khuôn vàng thước ngọc vẫn còn đang được nâng niu là “Không Có Gì!” Nhưng, theo Đỗ Mạnh Tri, “thực ra, không phải không có gì. Có! Thay vì hạnh phúc, có tất cả những tai họa....” (4)

Một trong những tai họa mà tác giả nhắc đến là sự hóa thân con người thành dụng cụ – “Cho dù có chí hướng tài ba đến mấy đi nữa, rơi vào guồng máy toàn trị của đảng con người trở thành dụng cụ. Xem một Chế Lan Viên, một Hoài Thanh trên bình diện văn học. Ông Hồ Chí Minh trên bình diện chính trị cũng thế thôi.” (5)

Khi đã hóa thân thành dụng cụ thì không thể giữ tính người, không thể mang tâm tư con người nên mọi sự việc theo đuổi đều phải đảo ngược ý nghĩa. Vì thế, cái khẩu hiệu Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc dựa theo Tam Dân chủ nghĩa (Dân Tộc – Dân Quyền – Dân Sinh)  của Tôn Dật Tiên cũng phải đảo ngược để mang hình ảnh mà một thi sĩ đã gợi lên: “Những danh từ cao đẹp ấy không chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng, những tấm bánh vẽ Đảng dùng để lừa bịp dân. Như kiểu nói của một thi sĩ, chúng đã bị đảng biến thành “những bọc nhựa chứa đầy máu tươi.(6)

Cho nên Đỗ Mạnh Tri thấy không nên bàn bạc hay quan tâm về mọi thái độ, ngôn ngữ của những kẻ đã vướng vào vòng chi phối của chủ nghĩa Mác Xít, dù đó là những nhà trí thức khoa bảng. Tác giả trích lời phát biểu của bác sĩ y khoa Nguyễn Khắc Viện (7), người từng để cả đời cổ võ cho Cộng Sản với những lời tuyên bố: Với Hồ Chí Minh, với Lênin, ánh sáng đã tràn ngập … và “Cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc Việt Nam đem lại ý nghĩa lịch sử trọn vẹn cho cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ.”

Quả thực không còn gì để bàn về những bọc nhựa chứa máu tươi này nên chỉ có thể nói như chính Đỗ Mạnh Tri đã kết luận “...Coi ông Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước, cũng biểu lộ một sự phán đoán ngu si như thế.” (8)

Đỗ Mạnh Tri đưa ra một loạt điều lệ của Quốc Tế Cộng Sản cho thấy không thể tồn tại lòng yêu nước nơi những người xin gia nhập Quốc Tế Cộng Sản và được tổ chức này chấp nhận: “Gia nhập Quốc Tế Cộng Sản, dù muốn dù không, dù biết hay không biết, là từ bỏ độc lập quốc gia, vì theo điều lệ của Đệ Tam Quốc Tế, mọi đảng cộng sản chỉ là chi nhánh của một “đảng toàn cầu duy nhất”, Quốc Tế Cộng Sản, mà những quyết định có giá trị tuyệt đối, không thể bàn cãi (điều 16). Cụ thể mọi đảng cộng sản trên thế giới đều tự đặt dưới quyền kiểm soát của đảng cộng sản Nga, phải triệt để ủng hộ những cộng hòa xô viết, tức Liên Xô sau này (điều 14), nếu đảng được tổ chức theo những nguyên tắc dân chủ tập trung với một kỷ luật sắt (điều 12), sự tập trung không hạn chế vào nội bộ một đảng. Tập trung chủ yếu là tập trung chung quanh đảng cộng sản Nga Xô...”

 Tác giả còn trưng dẫn tiếp các điều 2, 3, 9 cho thấy phương tiện thực hiện cách mạng vô sản là bạo lực, dối trá và việc theo dõi kiểm soát tư tưởng thành viên để thanh lọc hàng ngũ là việc làm thường xuyên: “Phải khai trừ thường kỳ những phần tử tiểu tư sản(điều 13)

Di sản Mácxít tại Việt Nam không nhắm diễn tả con người Hồ Chí Minh, nhưng những nét phác họa về dấu ấn Mác-xít trên đời sống Việt Nam lại có thể coi là những nét họa sắc sảo về con người của huyền thoại này.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 41

(01)  NXb Tự Do, Nam California 2002

(02) Dĩ nhiên sau giáo sư thạc sĩ Trần Đức Thảo là người, tuy không có bằng tiến sĩ triết, nhưng đã là triết gia nổi tiếng ngay tại Pháp trong những năm 40. Về Trần Đức Thảo xin xem Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực hay Hư? của Minh Võ,  chương 12, tr. 245- 258.

(03)-(04)-(05) SĐD  tr. 246, 249, 250

(06)  SĐD tr. 25 * Về Nguyễn Khắc Viện xin xem PTPKTH?

(07)-(08)  SĐD  tr. 253-255, 258

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:38 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong