HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 40*
 

TRẦN GIA PHỤNG và Án Tích Cộng Sản Việt Nam


Án tích Cộng Sản Việt Nam (1) là tác phẩm thứ tám của sử gia Trần Gia Phụng trong vòng 5 năm (1996-2001), gồm 8 chương nói về những hoạt động mà cũng chính là những tội ác của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam.

Chương đầu về nạn đói năm 1945, tác giả xác định nguyên nhân chính là hai thế lực ngoại bang Pháp - Nhật, đồng thời cho biết Mặt Trận Việt Minh lợi dụng danh nghĩa cứu đói tuyên truyền khuấy động, cướp các kho lương thực để tích trữ nuôi quân thay vì cứu đói nên phải chịu một phần trách nhiệm trong việc kéo dài nạn đói.

Chương 2, về những cuộc thủ tiêu chính trị, tác giả ghi lại nhiều trường hợp cá nhân và tập thể đã bị Việt Minh sát hại và thủ tiêu trong thời khoảng 1945-1956.

Năm 1945:

– Vụ Ô Cầu Giấy tại Hà Nội ngày 16-8-1945, Việt Minh tấn công những người cộng sản từng là đồng chí của họ nhưng ly khai, sát hại nhiều người trong số có Phi Vân Nguyễn Văn Căn tử thủ và hy sinh tại chỗ. Trong số chạy thoát có 3 người là Hồ Tùng Mậu sau bị giết ở Thanh Hóa năm 1951, Lâm Đức Thụ bị giết ở Thái Bình năm 1947, Nguyễn Công Truyền bị giết ở Thái Bình năm 1949...

 – Một số nhân vật thuộc các đảng phái đối lập ở Hà Nội như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn bị giết vào tháng 9-1945, Đào Chu Khải bị hành hạ rồi bị giết ở vùng Tứ Tổng Hà Nội. Nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng khi từ Trung Hoa về nước đã bị Việt Minh thủ tiêu nếu tỏ ra không chịu theo Cộng Sản.

– Nhóm Bảo Hoàng có 2 nhân vật quan trọng là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi (cùng với trưởng nam Ngô Đình Huân) bị giết ngày 6-9-1945.

– Nhóm Đệ Tứ có Tạ Thu Thâu bị giết tháng 9-1945 tại “vùng rừng dương liễu” bờ biển Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi. Phan Văn Hùm bị bắt ngày 8-10-1945 và đem đi chôn sống tại Bình Thuận. Đặc biệt Trần Văn Thạch cũng bị bắt cùng ngày với Phan Văn Hùm và cũng bị chôn sống cùng với 62 đồng chí.

– Về các lãnh tụ chính trị khác, tác giả kể tới nhiều trường hợp.

Bùi Quang Chiêu lúc ấy đã 72 tuổi bị Việt Minh kết tội là Việt gian, bị bắt tại Chợ Đệm ngày 29-9-1945 cùng 4 người con trai đem đi thủ tiêu mất xác, trong đó người con út mới 16 tuổi. Hồ Văn Ngà đang ngủ bị Việt Minh bắt đem đi biệt tích sau được biết ông bị đâm chết đem thả trôi sông vùng Kim Quy, Đá Bạc, Rạch Giá. Hồ Vĩnh Ký bị giết ở Dĩ An, Biên Hòa. Huỳnh Văn Phương bị giết ở Tân An, Long An. Phan Văn Chánh bị giết ở Sông Mao, Bình Thuận. Tác giả theo Lữ Giang trích dẫn từ Trần Văn Ân nói Trần Văn Giàu tiết lộ trong thời gian y lánh nạn sang Thái Lan, Việt Minh đã giết khoảng 2.500 nhân sĩ ở Sài Gòn.

– Về nạn nhân từ các tôn giáo, tác giả trích Bạch thư Cao Đài Giáo gửi Liên Hiệp Quốc, cho biết chỉ trong 3 tuần lễ từ 19-8-1945, tại Quảng Ngãi, Việt Minh Cộng Sản đã giết 2791 tín đồ Cao Đài đủ mọi thành phần kể cả phụ nữ trẻ em, bằng nhiều cách như chém đầu, chôn sống, thả biển và tùng xẻo. Số tín hữu Cao Đài bị giết trên toàn quốc trong năm 1945 được thống kê khoảng 10.000.

* Năm 1946:

– Từ sau vụ án Ôn Như Hầu mà Việt Minh dàn dựng để kết tội Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt cóc giết người, tới vụ Cầu Chiêm, theo tác giả ghi nhận, trong năm 1946 Việt Minh đã giết nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng ở khắp nơi bằng cách bỏ vào bao bố thả xuống sông. “Lúc đó người dân đi qua cầu Âu Lâu (trên sông Thu Bồn) ở Điện Bàn, thấy bao bố nổi lềnh bềnh trên mặt nước”. (2)

* Sau ngày 19-12-1946:

– Nạn nhân thuộc các đảng phái bị Việt Minh sát hại trong thời gian này, theo tác giả, có lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh, lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A và nhà văn Khái Hưng. Hai vị trên được ghi là mất tích, được hiểu là bị thủ tiêu bí mật. Còn nhà văn Khái Hưng được ghi là bị thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà, Nam Định.

– Nạn nhân thuộc các tôn giáo gồm rất đông tín đồ Hòa Hảo và cả giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Tác giả viết về việc Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ bị hại như sau: “Nhân một chuyến đi công tác để giải quyết một cuộc xung đột giữa lực lượng hai bên tại Sa Đéc ngày 16-4-1947, đoàn của đức Huỳnh Phú Sổ bị tấn công tại kênh Đốc Vàng (thôn Tân Phú, Kiến Phong). Việt Minh đưa ông đi thủ tiêu mất tích. Theo thống kê của Phật Giáo Hòa Hảo thì trong các năm sau 1945, Việt Minh giết hại và chôn tập thể khoảng 10.000 tín đồ Hòa Hảo.” (3)

Chương 3, về cải cách ruộng đất, theo tác giả, khởi sự từ năm 1949 và gồm 5 giai đoạn, chứ không phải chỉ có 2 giai đoạn là chiến dịch giảm tô (1953-1954) và Cải Cách Ruộng Đất (1955-1956) như phần lớn các tác giả đều nói một cách giản lược. Tác giả xác nhận chính Hồ Chí Minh cho thực hiện Cải Cách Ruộng Đất một cách tàn bạo sau khi gặp Stalin năm 1952. Tác giả cho biết các cuộc “rèn cán chỉnh quân” để thanh lọc quân đội, “rèn cán chỉnh cơ” để thanh lọc các cơ quan chính quyền và cuối cùng là “chỉnh huấn” áp dụng theo phương pháp của Trung Cộng chính là 3 đợt chuẩn bị cho Cải Cách Ruộng Đất trên nền tảng pháp luật là sắc lệnh tháng 3-1953 ấn định 5 thành phần xã hội nông thôn gồm địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông và bần cố nông với chủ trương dựa hẳn vào bần cố nông, tranh thủ trung nông, cô lập phú nông, tập trung mũi nhọn vào địa chủ.

Trong vận động quần chúng, có những chính sách tam cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân), “thăm nghèo kể khổ” và “bắt rễ xâu chuỗi”. Về 4 tiếng sau này, tác giả giải thích bắt rễ là tìm ra những bần cố nông có tinh thần đấu tranh, thường là những tên đầu trộm đuôi cướp hung hãn. Sau khi đã tìm ra rễ thì khuyến khích hướng dẫn “rễ” tìm thêm đồng bọn gọi là xâu chuỗi. Trần Gia Phụng trích Bernard Fall, Lâm Thanh Liêm, Barrington Moore, Jr. và ông NĐN ở San Diego cho biết kết quả Cải Cách Ruộng Đất  như sau:

Về đất đai phân phối, theo nguồn tin từ Liên Xô, Cải Cách Ruộng Đất tịch thu 702 ngàn mẫu tây ruộng, 1triệu 846 ngàn nông cụ, 107 ngàn trâu bò, 22 ngàn tấn thực phẩm chia lại cho 1 triệu 500 ngàn gia đình nông dân.

Về số người bị giết, “từ 120 ngàn đến 200 ngàn. Đó là chưa kể thân nhân của nạn nhân do bị cô lập cũng chết dần chết mòn có thể lên đến từ 500 ngàn đến một triệu nữa.”

Về hậu quả lâu dài, tác giả nêu 3 điểm chính: nông nghiệp suy sụp, đảo lộn luân lý xã hội, tiêu diệt tình người và tâm lý “kiêu nông”.

Theo tác giả, mục tiêu đích thực mà Cộng Sản nhắm trong Cải Cách Ruộng Đất không phải để làm cho nông dân no ấm, mà là:

1) Loại bỏ thành phần khá giả trí thức.

2) Đẩy nông dân đến chỗ nghèo đói, không còn có thể nghĩ chuyện đấu tranh, để Cộng Sản tha hồ lãnh đạo dân theo ý muốn.

3) Khủng bố đàn áp tinh thần nông dân, gây tình trạng căng thẳng.

4) Chuẩn bị tiến tới hợp tác hóa, tập trung của cải vào Nhà Nước, tức vào Đảng.

5) Thanh lọc hàng ngũ Đảng, loại trừ những đảng viên khó bảo hay đáng nghi.

6) Loại trừ hết những điệp viên của các tổ chức địch và đối lập.

Chương 4, về vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, tác giả nhắc những tên tuổi quen thuộc Nguyễn Hữu Đang, Thụy An Lưu Thị Yến, Trần Dần, Trần Duy, Hoàng Cầm, Phan Khôi, Trương Tửu … với  án tù của một số người trong đó.

Tác giả đặt vụ án vào bối cảnh chính trị miền Bắc lúc ấy là lúc đảng Cộng Sản cho rằng họ không còn đối thủ nữa nên đã đưa ra những chính sách độc tài chuyên chính về mọi mặt kinh tế xã hội văn hóa khiến các nhà văn còn chút lương tâm cảm thấy không thể im lặng. Và những người này đã nói, đã viết những điều họ nghĩ để rồi rơi vào bẫy của Cộng Sản. Tuy nhiên không có án tử hình hay một cuộc thủ tiêu nào.

Cuối chương, tác giả dẫn lời Hồ Chí Minh tại cuộc tiếp tân năm 1946 tại Pháp được Lacouture thuật lại và linh mục Cao Văn Luận có mặt trong buổi tiếp tân đó đã xác nhận là thật. Hồ Chí Minh nói về cái chết của Tạ Thu Thâu: “Tất cả những kẻ không theo đường lối của tôi sẽ bị bẻ gẫy...”

Tác giả muốn nói vì Hồ Chí Minh có chủ trương đó, nên những nhà văn, nhà thơ, trí thức nào nói ngược lại đường lối đảng đều bị cho đi tù. May mà không bị giết.

Chương 5, về vụ án “xét lại chống đảng”, tác giả cho là vụ án điển hình của chế độ độc tài không luật lệ.

Theo tác giả, vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Liên Xô – Trung Cộng kể từ khi Khrutshchev hạ bệ Stalin tại đại hội đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1956.

Tác động của tình trạng này đã khiến xuất hiện mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam. Hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam có một số người được đào tạo tại Liên Xô như Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… nhưng về sau hầu hết đều bị Pháp bắt và bị giết chỉ còn lại Hồ Chí Minh. Xung quanh Hồ Chí Minh là những thủ hạ được Hồ Chí Minh đưa vào trường Hoàng Phố của Trung Hoa Dân Quốc hay trường Quân Chính Diên An của Trung Cộng.

Do đó tác giả nhắc đến nguồn tin cho rằng Hồ Chí Minh đã bí mật loại những kẻ không thừa nhận quyền lãnh đạo của ông ta. Đặc biệt tác giả nêu một danh sách khá dài về những người dính líu vào vụ án và trở thành nạn nhân bị thanh trừng. Tổng cộng 46 người. (4)

Phần kết của chương này, tác giả viết: “Về cách thức đàn áp, đảng Cộng Sản nào cũng như nhau. Từ Lênin, Stalin đến Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, tất cả đều tiêu diệt địch thủ một cách triệt để và tàn bạo, dù những người này là đồng chí từ thuở “Áo anh rách vai, Quần tôi có hai mảnh vá, Miệng cười buốt giá, Chân không giầy, Thương nhau, tay nắm lấy bàn tay...” (5)

Chương 6 với tiêu đề Lịch và Thơ giết người nói về vụ Cộng Sản đổi lịch năm 1968, theo đó Tết âm lịch Mậu Thân bắt đầu sớm hơn lịch cũ mà miền Nam Việt Nam áp dụng một ngày. Tác giả trưng dẫn lời giới thiệu của Nha Khí Tượng Hà Nội cho biết việc tính toán và đổi lịch căn cứ vào quyết định số 121 CP ngày 8-8-1967. Bắc Việt cố ý đổi lịch để cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân được hoàn toàn bí mật gây sự “xuất kỳ bất ý”.

Theo thường lệ từ mấy năm trước, 2 miền vẫn tôn trọng cuộc hưu chiến vào dịp Tết cho nên ngày đầu năm Mậu Thân, quân miền Bắc đã ăn Tết xong và mở cuộc tiến công vào ngày mồng Hai tức ngày mồng Một tại miền Nam là lúc lệnh hưu chiến đang còn hiệu lực. Vì thế mà tất cả đều bất ngờ, chính Tổng Thống cũng về quê vợ ăn tết!

Riêng bài thơ là mấy câu của Hồ Chí Minh thường đọc trong những dịp đầu năm. Lần này nghe lên rõ ràng là lệnh tấn công ban ra từ làn sóng điện đài Hà Nội, để cho nhanh chóng và vẫn giữ được bí mật:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Chương 7 nói về vụ tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế có 5 đoạn chính với đoạn 3 là trọng điểm diễn tả lại cuộc tàn sát tại Huế. Tác giả đưa ra nhiều lý do khiến Cộng Sản chọn Huế để thi hành tội ác trong số có sự kiện “Cũng tại Huế, “Hội đồng nhân dân cứu quốc” ra đời năm 1964 trong đó có một số giáo sư và giảng viên đại học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu... Báo Lập Trường của nhóm này ủng hộ những quan điểm hòa bình và trung lập của một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu miền Trung. Hội đồng được coi là đã góp tay vào việc kích động các cuộc biểu tình dữ dội tại Huế chống hiến chương Vũng Tầu của tướng Nguyễn Khánh năm 1964.(6)

Tác giả trưng dẫn đài Hà Nội ngày mồng 3 Tết (1-2-68) loan báo thành lập tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do Lê văn Hảo, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế làm chủ tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký...

Sau đó, tác giả nhắc chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng với em là Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân và giáo sư Lê Văn Hảo... từng trốn lên rừng theo Cộng Sản hồi 1966 nên có dư luận cho rằng mấy người này, nhất là anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường là thủ phạm những vụ tàn sát và chôn sống 3000 người tại Huế.

Tuy nhiên, tác giả viết: “Những hạng tân tòng như Tường, Phan, Xuân chẳng có quyền hành gì để quyết định mạng sống của một số người lớn lao, trừ vài chuyện trả thù cá nhân mà thôi”. Tác giả hàm ý kết tội chính sách của đảng Cộng Sản và chính Hồ Chí Minh.

Về số nạn nhân, tác giả trích hồi ký của Nguyễn Trân, cho biết 5800 người dân chết, trong đó 2800 bị giết và chôn tập thể, ngoài ra là 790 hội viên hội đồng tỉnh, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hàng trăm thanh niên quân dịch, một linh mục Việt Nam (Bửu Đồng), 2 linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, một số người Phi Luật Tân. Tác giả liệt kê cụ thể số người bị giết tại 12 địa điểm, trong số có 4 địa điểm tại Gia Hội, tổng cộng 2326 người. (7)

Tác giả nhấn mạnh về một âm mưu của Cộng Sản nhằm chia rẽ các tôn giáo bằng cách bắt các nhà phải treo cờ của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, dù Cộng Sản dư biết trong vùng quốc gia không ai có lá cờ đó. Rồi chúng đổi lệnh cho thay thế cờ Mặt Trận bằng cờ Phật Giáo.

Như vậy, “Cộng quân muốn tỏ ra thân thiện với Phật Giáo, để gieo tiếng oan cho Phật Giáo là thân cộng và gây chia rẽ giữa hai tôn giáo lớn trong nước.”

Tác giả nêu đích danh 4 linh mục bị giết tại Huế: Hoàng Ngọc Bang, Lê Văn Hộ, Urban và Guy. Hai vị sau là người Pháp thuộc dòng Benedicto Thiên An Huế. Ngoài ra, còn có 4 người Đức thuộc viện đại học Huế là các bác sĩ Raimund Discher, Alois Alterkoster, Hort Gunther Krainick và vợ. Bốn người này bị bắt ngày 5-2-1968. Về sau tìm thấy xác gần khu chùa Tường Vân. (8)

Tác giả nêu thêm sự kiện sau 1975, Cộng Sản không trọng dụng những kẻ chạy theo như Tường, Phan, Xuân ... là một âm mưu hiểm độc nhắm trút tội ác cho nhóm này.

Tác giả gọi vụ tàn sát ở Huế là một cách “nhuộm đỏ tay chân” và nhận định: “Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cơ hội để cộng quân nhuộm đỏ những người thoát ly và những người lừng khừng, làm cho họ không còn con đường nào quay về phía Việt Nam Cộng Hòa, dù họ có mặt hay không có mặt tại Huế và dù giết người hay không giết người trong thời gian này(9)  So sánh với các vụ tàn sát trong lịch sử Việt Nam và thế giới, tác giả kết luận: “Chỉ có Khmer Đỏ giết đồng bào Cam Bốt, và Việt Cộng giết đồng bào Việt Nam... Chính Hồ Chí Minh đã từng nhận lý thuyết Mác–Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam hành động của Cộng Sản Việt Nam.”

Chương 8 nói về các huyền thoại của HCM với tiêu đề Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh, tác giả đưa ra những bằng chứng có tính thuyết phục cao để “lột trần” tất cả 7 huyền thoại vẫn thường được truyền nhắc.

Trước hết, cha Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Huy (hay Sắc) xin đi làm quan cho Pháp chứ không hề bị ép đi làm quan. Ông Huy bị sa thải vì say rượu đánh người đến chết chứ không phải bị cách chức vì có hành động cách mạng. Ngay con gái là bà Thanh cũng không chịu nổi tính lỗ mãng, cục cằn của người cha thường hay đánh con.

Thứ hai, Hồ Chí Minh ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà vì kế sinh nhai. Tác giả trưng 2 lá đơn xin nhập học trường Thuộc Địa của Pháp trong đó có câu: “Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khát khao học hỏi. Tôi mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi....”

Thứ ba, cuộc sống độc thân giản dị chỉ là “một bí mật giấu đầu lòi đuôi” khi mà ít nhất dư luận đã có thể kể tên 6 người phụ nữ là vợ, là vợ hờ, là nhân tình của Hồ Chí Minh như  Tăng Tuyết Minh, Lý Huệ Khanh, Nguyễn Thị Minh Khai, Đỗ Thị Lạc, Nông Thị Xuân, Nguyễn Thị Phương Mai (cô này không chịu nếu không được cưới chính thức), và khi đã cao tuổi còn ngỏ ý với Đào Chú ở Quảng Đông, xin được tái hôn với một phụ nữ trẻ Trung Hoa...

Thứ tư, về huyền thoại đoàn kết dân tộc, tác giả viết: “Đoàn kết là tiêu diệt tất cả mọi người bất đồng chính kiến bằng bất cứ giá nào để giành quyền lực.” Rất nhiều bằng chứng được tác giả nêu lên về việc này để kết luận: “Đoàn kết là vâng phục tuyệt đối lãnh đạo đảng, là vắt chanh bỏ vỏ(10)

Thứ năm, về huyền thoại giải phóng dân tộc, tác giả nhắc sự kiện chí sĩ Phan Bội Châu xin Liên Xô giúp đưa học sinh Việt Nam qua du học, bị đòi phải chấp nhận điều kiện là tin theo “tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản”. Vì vậy chí sĩ Phan Bội Châu đã lảng tránh.

Tác giả cho rằng Phan Bội Châu còn bị đòi như vậy, thì những kẻ khác như Hồ Chí Minh chắc chắn đã phải nhận điều kiện truyền bá chủ nghĩa Cộng Sản mới được Quốc Tế Cộng Sản đào tạo. Tác giả trích dẫn bộ sử đảng Cộng SảnViệt Nam: “....Đảng nhấn mạnh phải xem cách mạng Việt Nam như một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, lúc này là một bộ phận của phong trào dân chủ chống Phát xít, đặc biệt là phải tích cực ủng hộ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc.”

Thứ sáu, về huyền thoại tư tưởng Hồ Chí Minh, tác giả dẫn điều 4 Hiến Pháp 1992 của Cộng Sản Việt Nam trong đó ghi thêm tư tưởng Hồ Chí Minh với dụng ý sẽ thay thế cho tư tưởng Mác–Lênin đã bị lỗi thời, nhưng tác giả nêu nhiều bằng chứng để khẳng định: “Nói cho cùng, Hồ Chí Minh  không có một hệ thống tư duy nào để trở thành nhà tư tưởng như đảng Cộng Sản Việt Nam phong tặng.” (12)

Tác giả vạch rõ Hồ Chí Minh không đủ khả năng viết tiếng Pháp thuở mới tới Pháp dùng chung bút danh Nguyễn Ái Quốc với các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, đồng thời nhắc việc Hồ Chí Minh đạo văn trong tập Thơ Trong Tù mà giáo sư Lê Hữu Mục đã phát giác vv... để chứng minh chẳng có gì đáng gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại trừ những tư tưởng chẳng đáng đề cao, ví dụ: “tư tưởng làm công cho Pháp, tư tưởng hợp tác với Pháp, tư tưởng thù Pháp, tư tưởng phản dân hại nước, tư tưởng hưởng nhàn, tư tưởng hưởng lạc, tư tưởng hiếu danh, tư tưởng sùng bái cá nhân.(13)

Sau cùng là huyền thoại lăng Hồ Chí Minh. Tác giả trưng dẫn từ chuyện di chúc Hồ Chí Minh sửa đi sửa lại mấy lần, không hề muốn xây lăng, ướp xác nhưng muốn để tro ở cả ba miền đất nước cho nhân dân phúng viếng, đến chuyện chết gần 3 tháng bộ chính trị đảng mới quyết định ướp xác trong phiên họp ngày 29-11-1969… và cho tất cả là những trò dối gạt một cách ngu xuẩn.

Tác giả nêu 2 mục đích thầm kín của những lãnh tụ Cộng Sản kế sau Hồ Chí Minh trong khi thực hiện việc xây lăng là vinh danh sự kế thừa và sùng bái cá nhân.

Nói về kế hoạch và đồ án xây lăng, tác giả viết: “Một ủy ban xây dựng lăng Hồ Chí Minh gồm đại diện Bộ Xây Dựng, Bộ Quốc Phòng được thành lập do Đỗ Mười, lúc đó là ủy viên trung ương đảng, làm chủ tịch. Ủy ban này đã nghiên cứu nhiều kiểu mẫu kiến trúc lưu niệm như kim tự tháp Ai Cập, đền Victor Emmanuel ở Rome, đài tưởng niệm Lincoln ở Washington DC và lăng Lênin ở Moscow. Những dự án kiến trúc đựơc ủy ban đưa ra trưng bày trên toàn quốc để hỏi ý kiến công chúng. (Tại sao những vấn đề chính trị quan trọng không hỏi ý kiến dân chúng mà chỉ hỏi mẫu lăng ông Hồ?) ” (14)

Trong phần kết luận, tác giả đề cập chính sách ngu dân của Cộng Sản và viết: “Nhiều người cho rằng do dốt nát, trình độ quản lý kém, hoặc Cộng Sản chỉ giỏi chiến tranh chứ không giỏi quản trị, nên chế độ Cộng Sản  mới đưa đất nước đến chỗ suy vong như ngày nay. Thật ra không thể nói lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam ngu dốt. Do hoàn cảnh chiến tranh, những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể ít học, nhưng do đã tranh đấu liên tục trong một môi trường tranh chấp gay gắt cao độ ở trong cũng như ngoài đảng, nên họ rất lão luyện trong kỹ thuật lừa đảo và khuynh loát, cũng như rất tàn ác trong hành động. Bộ tham mưu của họ gồm nhiều nhà trí thức khoa bảng rất thông thái về chuyên môn và làm việc rất khoa học bài bản, giúp các nhà lãnh đạo cộng sản nắm vững những vấn đề chuyên môn cần thiết. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản dư biết kế hoạch của họ sẽ dẫn đất nước đến nghèo đói suy sụp. Chỉ có điều là tất cả các chính sách của Cộng Sản cố tình nhắm một mục đích duy nhất là duy trì và củng cố quyền lực của họ, bất chấp dân tình đói khổ thiếu thốn, bất chấp xã hội suy thoái.” (15)
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 40

(01)  Nxb Non Nước – Toronto, Canada 2001

(02)-(03)-(04)-(05)-(06) SĐD tr. 81, 88, 254-255, 260, 305.

(07)-(08)-(09)-(10)-(11)SĐD tr.309-310, 313, 314, 349-352,320-321

(12)-(13)-(14)-(15) SĐD  tr. 365, 369-371, 379, 432- 433

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:37 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong