HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 36*
 

BÙI TÍN và Vietnam, la  face cachée du régime


Từ ngày bỏ nước ra đi, ngoài bản kiến nghị của một công dân, Bùi Tín đã viết bốn tác phẩm quan trọng bằng Việt ngữ: Hoa xuyên tuyết, Mặt thật, Về ba ông thánh, Mây mù thế kỷĐầu năm 2000, nhà xuất bản Kergour phát hành một tác phẩm khác của Bùi Tín, Vietnam, la face cachée du régime – Việt Nam, bộ mặt che giấu của chế độ.

Vietnam, la face cachée du régime (1) là bản Pháp ngữ của Marc Bloch dịch từ bản Anh ngữ, Following Hồ Chí Minh, The Memoirs of a North Vietnamese Colonel – Đi theo Hồ Chí Minh, Hồi ký của một đại tá Bắc Việt, do Hurst & Company xuất bản năm 1995. So với bản Anh ngữ, bản Pháp ngữ đầy đủ hơn, vì có thêm nhiều tư liệu lấy từ các tác phẩm Việt ngữ, đặc biệt từ cuốn Hoa Xuyên Tuyết của tác giả.

Tác phẩm này nói về nhiều vấn đề liên quan đến con người và hoạt động của Hồ Chí Minh mà Bùi Tín xác định: “Cá nhân tôi kính trọng ông Hồ Chí Minh… Ông rất giản dị, ông tới chuyện trò với chúng tôi. Và ngay cả ngồi ăn cùng bàn với chúng tôi hai lần...” Đó là chuyện xẩy ra khi Bùi Tín còn ở trong đội bảo vệ Bắc Bộ phủ.

Về sau, khi chuyển sang làm báo, có dịp chứng kiến Hồ Chí Minh trả lời các cuộc phỏng vấn, tác giả cũng thấy Hồ Chí Minh “cởi mở, bình dị và tự nhiên. Đây chính là con người thẳng thắn lương thiện (honnête), sống rất giản dị, yêu thích trẻ con và dễ gần gụi với những người hèn mọn nhất (humbles)...”

Tác giả phát biểu: “Tôi cực lực bác bỏ giả thuyết cho rằng đó chỉ là cái tài đóng kịch của ông.”

Đó là về con người Hồ Chí Minh theo cái nhìn của Bùi Tín qua những dịp được tiếp xúc hoặc quan sát trực tiếp.

Riêng về công việc, Bùi Tín đề cập trước hết tới chính sách Cải Cách Ruộng Đất và nhìn nhận Hồ Chí Minh có phần đáng trách. Tuy nhiên, theo Bùi Tín, trong việc ban hành chính sách này, Hồ Chí Minh đã chịu sự bắt ép của Staline và Mao Trạch Đông. Bùi Tín viết: “Trong việc này, chắc chắn ông Hồ Chí Minh đáng trách. Thoạt tiên, hẳn ông cũng do dự về cải cách ruộng đất. Đàng khác, năm 1952, Stalin đã phê bình ông chủ trương chính sách dân tộc chứ không chủ trương đấu tranh giai cấp. Nhưng chính Mao cuối cùng đã bắt ép ông.” (2)

Đi vào việc thực hiện chính sách này, tác giả nhắc đến trường hợp Cát Hanh Long tức bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên, một người giầu có từng giúp đỡ “cách mạng” và có 2 người con là bộ đội.

Do là chủ nhiều ruộng đất, bà Năm bị đưa ra đấu tố và bị giết, bất chấp những đóng góp lớn lao suốt nhiều năm trước. Bùi Tín cho biết ban đầu Hồ Chí Minh hứa sẽ can thiệp với Trường Chinh đừng giết bà Năm, nhưng rồi lại không làm gì.

Tất nhiên không thể bênh vực cho sự im lặng của Hồ Chí Minh, nhưng Bùi Tín quả quyết “tổng bí thư Trường Chinh mới là người chịu trách nhiệm chính về cải cách ruộng đất (3)

Về đường lối chính trị của Hồ Chí Minh, tác giả diễn giải với hàm ý cho thấy Hồ Chí Minh đã giữ được thế độc lập trước ảnh hưởng Liên Xô và Trung Cộng, mặc dù những người xung quanh nghiêng ngả chạy theo phía này hoặc phía khác.

Theo Bùi Tín, Lê Duẩn là kẻ trung thành với đường lối Mao Trạch Đông còn Trường Chinh thì lúc đầu hướng về Trung Cộng nhưng sau lại đổi chiều chọn đường lối “sống chung hòa bình” do Krutshchev đề xướng.

Bùi Tín viết: “Theo ý tôi, đúng ra ông Hồ giữ thái độ độc lập đối với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Ông biết rằng cả hai đều tin rằng chúng tôi  không thể chiến thắng bằng quân sự tại miền Nam Việt Nam, vì nó được Mỹ ủng hộ – và đàng khác cả hai đều không mong muốn chúng tôi chiến thắng”. (4)

Từ chúng tôi trong lời phát biểu, nếu không do người dịch hiểu sai ý tác giả, thì được sử dụng dường như để xác định thế đứng cho tới lúc này của tác giả vẫn là thế đứng chung với những người cầm quyền tại Việt Nam với dụng tâm nhấn mạnh chủ trương thống nhất Việt Nam bằng võ lực nằm ngoài ý muốn của cả Liên Xô lẫn Trung Cộng. Chủ trương này xuất phát từ quyết định độc lập của Hồ Chí Minh và được sự tán đồng của hết thẩy mọi người.

Dụng tâm này hiện rõ hơn qua những trang kế tiếp trình bày quan điểm về nhân vật lãnh đạo miền Nam lúc đó là Ngô Đình Diệm cùng tương quan với Trung Cộng qua chính một lời tuyên bố của Hồ Chí Minh.

Về Ngô Đình Diệm, tác giả viết:“Một cách công khai chúng tôi xử trí với ông Diệm như bù nhìn của Mỹ, nhưng thực ra, ông Hồ có một xét đoán cân nhắc hơn.Ông biết rõ ông Diệm cũng là nhà ái quốc theo cách của ông ta. Vì thế nhiều người sau đó cũng phải coi ông Diệm như một lãnh tụ thấm nhuần tinh thần dân tộc, một con người thành thật và trong sạch – và đàng khác cũng là người không màng đến cuộc sống gia đình chẳng khác gì ông Hồ Chí Minh.” (5)

Về tương quan với Trung Cộng, tác giả thuật lại sau một chuyến thăm Bắc Kinh, Hồ Chí Minh trở về Hà Nội với huy hiệu vinh danh Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông trên ve áo khiến tất cả người xung quanh đều ngạc nhiên.

Hồ Chí Minh đã giải thích: “Chúng chỉ được gắn trên áo, chứ không phải trong tim ta đâu!”

Do đó, tác giả ca tụng: “Hồ Chí Minh là nhà ái quốc chân thành đã cống hiến cả đời mình cho Cách Mạng. Ông đã giữ vai trò đáng kể trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Đối với nhân dân miền Bắc và đối với nhiều người miền Nam – kể cả trí thức, ông chính là biểu tượng của sự anh hùng. Lòng tin tưởng của quần chúng nơi ông đã là nguồn gốc sự đoàn kết của chúng tôi và là nền tảng của công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của chúng tôi. (6)

Nói cách khác, Bùi Tín nhìn Hồ Chí Minh là nhà ái quốc chân thành, một lãnh tụ luôn được quần chúng tin tưởng, người vạch đường chỉ hướng chính xác để đưa toàn dân đến thành công trong đấu tranh chống xâm lược Pháp ở miền Bắc trước 1954 và Mỹ ở miền Nam trước 1975.

Bùi Tín còn cho thấy Hồ Chí Minh là người sáng suốt, công bằng ngay cả với kẻ địch qua cái nhìn về con người Ngô Đình Diệm, mặc dù Cộng Sản vẫn tuyên truyền Ngô Đình Diệm đã đóng vai trò bù nhìn cho Mỹ xâm lược Việt Nam.

Trong suy nghĩ của Bùi Tín, chiến tranh là điều không thể tránh cả vào năm 1946 lẫn sau năm 1954 vì là con đường duy nhất để tranh thủ độc lập và thống nhất đất nước. Do đó, theo tác giả, những phỏng đoán của một số người bảo chiến tranh không cần thiết vì nhiều nước đâu có chiến tranh mà vẫn được độc lập là không có nền tảng. Tác giả lý luận: “Sự sụp đổ của hệ thống thực dân được tạo nên bởi những cuộc đấu tranh đa dạng và bổ túc – par des luttes multiformes et complémentaires.

Trung thành với ý nghĩ Hồ Chí Minh là một con người thẳng thắn lương thiện nên Bùi Tín phát biểu nếu Hồ Chí Minh còn sống đến 1975 chắc chắn Việt Nam sẽ không có các tệ nạn áp bức, tham nhũng... và chứng minh bằng những lời nói cửa miệng của Hồ Chí Minh như đề cao đức độ khoan dung, liêm chính, phục vụ nhân dân vv…

Đã có lần nhà văn Pháp Michel Tauriac nói thẳng với Bùi Tín khi ngồi đối diện tại Paris rằng nếu Hồ Chí Minh còn sống đến sau 1975 thì chỗ dung thân của Bùi Tín vẫn chỉ là Paris chứ không phải Việt Nam.

Đó là ý kiến của một người ngoại quốc có mức hiểu biết tương đối về con người Hồ Chí Minh và thực tế Việt Nam.

Riêng Bùi Tín từng trải nhiều ngày tháng sống tại Việt Nam chẳng lẽ lại hoàn toàn không nhận biết gì về thói quen nói ngược làm xuôi của Hồ Chí Minh?

Chẳng lẽ Bùi Tín không hề nghe Hồ Chí Minh công khai tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản vào tháng 11-1945 trong khi vẫn tiếp tục họp Thường Vụ Đảng?

Chẳng lẽ Bùi Tín không thấy Hồ Chí Minh nói sẽ can thiệp cho bà Nguyễn Thị Năm rồi im lặng để thủ hạ đem bà Năm ra giết?

Cụ thể hơn nữa, câu tuyên bố của Hồ Chí Minh về những tấm huy hiệu Cách Mạng Văn Hóa Mao Trạch Đông trên ve áo mà chính Bùi Tín từng nhắc đã chứng tỏ sự thẳng thắn lương thiện như thế nào?

Thực ra, mọi nghi vấn trên cũng như hàng ngàn nghi vấn tương tự đều không cần đặt ra vì chính Bùi Tín đã nêu rõ Hồ Chí Minh dưới bút hiệu Trần Lực từng viết nhiều bài báo hết lời ca ngợi Trung Cộng và năm 1950, chính Hồ Chí Minh đã lên án Tito là phản động vì giữ thái độ độc lập với Liên Xô.

Những trường hợp cụ thể này chỉ có thể chứa đựng hai ý nghĩa: thứ nhất, Hồ Chí Minh hoàn toàn phụ thuộc vào Liên Xô, Trung Cộng và thứ hai, Hồ Chí Minh đã đóng kịch giả vờ phụ thuộc.

Trường hợp thứ nhất là lời bác bỏ tính độc lập của Hồ Chí Minh và bác bỏ luôn đường lối đấu tranh vì nước vì dân của Hồ Chí Minh, bởi Hồ Chí Minh chỉ là công cụ của Liên Xô–Trung Cộng.

Trường hợp thứ hai sẽ phủ nhận tính thẳng thắn lương thiện của Hồ Chí Minh và cho thấy một con người xảo trá luôn mang nhiều bộ mặt không biết đâu là thật, đâu là giả.

Việc mang nhiều bộ mặt của Hồ Chí Minh có vẻ đã gây lúng túng cho Bùi Tín khi gặp câu hỏi Hồ Chí Minh là người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc hay là người  theo chủ nghĩa Cộng Sản quốc tế – un patriote nationaliste ou un communiste inter-nationliste?

Ý kiến được Bùi Tín đưa ra là mức giới hạn về kiến thức dân chủ của Hồ Chí Minh khiến Hồ Chí Minh có thể nghĩ là không cần thiết mở rộng dân chủ và Bùi Tín còn nhắc thêm một khuyết điểm khác của Hồ Chí Minh là thiếu chuẩn bị cho thời kỳ kế tục. (7)

Những ý kiến này không liên quan tới câu hỏi về xu hướng quốc gia hay Cộng Sản của Hồ Chí Minh mà chỉ mang ý hướng duy nhất là rũ bỏ trách nhiệm về những thảm hại của đời sống Việt Nam hiện nay cho đám thủ hạ của Hồ Chí Minh thôi.

Với đám thủ hạ này, Bùi Tín đã tố giác mưu toan vận dụng “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm ánh sáng hướng dẫn hành động qua đại hội VII của Đảng.

Bùi Tín viết: “Theo nghị quyết đại hội VII, xây dựng xã hội chủ nghĩa phải theo đường lối do ông Hồ vạch ra, không bao giờ được bỏ. Nhưng làm sao có thể lập một chính sách trên những lời dậy đã qua của người quá cố? Trong những tài liệu được đại hội thông qua có hàng chục lần trưng dẫn những chọn lựa của ông Hồ, chẳng có chút giá trị khoa học nào. Mà ông ta đã chết hơn ba chục năm rồi. Đàng khác, chính ông ta đã cùng với đảng hoạch định chương trình biến cải nông nghiệp xã hội chủ nghĩa một cách nhanh chóng và triệt để – cải cách ruộng đất, nhớ lại mà buồn!—mà ngày nay đã được nhìn nhận là một sai lầm. Điều đó không bao giờ được nói lên một cách công khai, vì là ý kiến của ông Hồ....” (8)

Bùi Tín dường như quên những ý kiến được nêu lên từ đầu sách về Hồ Chí Minh, quên luôn cả danh từ chúng tôi đã được nhắc để xác định thế đứng của mình và quên nhiều điều khác khi viết đoạn này.

Vì trong đoạn này, người đọc không còn thấy áp lực của Staline, Mao Trạch Đông trong việc ban hành chính sách cải cách ruộng đất, không còn thấy Trường Chinh là kẻ chịu mọi trách nhiệm về cái tội sát hại hàng trăm ngàn người, không còn thấy vai trò đáng kể của Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng mà ngược lại chỉ thấy ý kiến của Hồ Chí Minh chẳng có chút giá trị khoa học nào và đầy những lầm lỗi nhớ lại mà buồn nhưng không bao giờ được nói lên một cách công khai

Bùi Tín dường như vẫn bị chi phối bởi tình cảm từng dành cho Hồ Chí Minh khi còn quá trẻ và khi nhiều người xung quanh hăng say theo tiếng gọi “cứu quốc” nên chưa ra khỏi cái vòng luẩn quẩn. Dù vậy, tác giả cũng giúp người đọc hiểu thêm về con người thật của Hồ Chí Minh, con người được mô tả là thẳng thắn lương thiện nhưng cũng là con người sau khi hứa can thiệp cứu mạng ân nhân đã im lặng bỏ mặc cho thủ hạ đem ân nhân ra giết!
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 36

(01) Bùi Tín còn có một tác phẩm bằng Anh ngữ 240 trang do Naval Institute Press phát hành tháng 11-2002, tựa đề From enemy to friend, A North Vietnamese Perspective on the war.

(02) - (03) - (04)  - (05) - (06)  SĐD  tr. 53, 54, 71, 94-95, 101-102

(07) SĐD tr. 103. Nguyên văn: “Sa plus grande faiblesse, c’est sans doute d’avoir mal préparé sa succession.– Điều yếu kém nhất của ông chắc hẳn là đã không biết chuẩn bị sự kế tục sau khi ông chết.” Riêng về khả năng mở rộng dân chủ là không thể có trong chủ trương chuyên chính CS. Vì đã chuyên chính thì làm gì còn dân chủ. Có lẽ Bùi Tín còn nghĩ trong chuyên chính có dân chủ: Dân chủ tập trung? Xin hãy nghe chính ông Hồ giải thích về dân chủ tập trung, do Nguyễn Văn Trấn ghi lại trong Viết cho Mẹ và Quốc Hội mà chúng tôi đã thuật lại trong PTPKTHH, chương 16, trang 369-370 – Ấn bản 1999.

(08)  SĐD  tr. 280

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:34 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong