HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 35*
 

HOÀNG TÙNG và HCM, Trung Quốc và Liên Xô

 

Hoàng Tùng nguyên là bí thư trung ương đảng, từng giữ chức tổng biên tập nhật báo Nhân Dân và có thời phụ tá cho Lê Đức Thọ trong ban tổ chức đảng.

Nổi tiếng là giáo điều bảo thủ, Hoàng Tùng đã nhiều lần lên tiếng phê bình chỉ trích xu hướng đổi mới. Trong khuôn khổ nỗ lực của Cộng Sản Việt Nam nhắm đề cao thần tượng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Hoàng Tùng đã cho phổ biến một tài liệu nhan đề Hồ Chí Minh, Trung Quốc và Liên Xô, nhắc lại những kinh nghiệm riêng từng có với Hồ Chí Minh và các cấp lãnh đạo đảng trong nhiều năm, theo hướng chứng minh Hồ Chí Minh có lập trường dân tộc một cách chân thành và sâu sắc, chứ không lệ thuộc vào chủ nghĩa giáo điều của Stalin và Mao Trạch Đông.

Ngoài ra, Hoàng Tùng cũng có những buổi nói chuyện nội bộ về đề tài Hồ Chí Minh mà một số đoạn trích dẫn ở đây rút từ một trong những buổi nói chuyện đó được phổ biến qua vài tờ báo ở hải ngoại.

Hoàng Tùng nói: “Tôi biết Liên Xô, nhất là Stalin coi bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương từ năm 1928”.  Hoàng Tùng kể lại đã được Lê Duẩn cho biết tổng bí thư Hà Huy Tập từng tố cáo Hồ Chí Minh với Đệ Tam Quốc Tế về việc mật thám Pháp đưa bà Thanh là chị Hồ Chí Minh đi tìm em ở Trung Quốc và Hà Huy Tập còn đưa ra một nghị quyết “phê phán sai lầm dân tộc chủ nghĩa cải lương của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh)”.

Hoàng Tùng dẫn chứng cho cảnh khó khăn mà Hồ Chí Minh phải chịu vào thời điểm đó tại Liên Xô bằng sự việc “chỉ xin làm luận án phó tiến sĩ nhưng cũng không được chấp thuận”.

Nhưng cũng Hoàng Tùng cho biết: “Sau đó Bác nhận làm luận án tiến sĩ nhưng Người rất chán”.

Theo Hoàng Tùng, từ 1933 đến 1938, Đệ Tam Quốc Tế không giao nhiệm vụ gì cho Hồ Chí Minh vì nghi là có liên hệ với đế quốc “nhưng vì sự nghiệp cách mạng Bác vẫn làm”.

Những từ ngữ dùng ở đây hết sức mơ hồ chẳng hạn ba chữ Bác vẫn làm không diễn tả việc gì, nhất là vẫn làm trong lúc không được giao nhiệm vụ. Rồi Hoàng Tùng lại cho biết “Bác xin việc mãi không được, Bác xin về nước.”

Thực ra, về giai đoạn này của Hồ Chí Minh, Hoàng Tùng từng có một bài trên tờ Văn Nghệ số Xuân 2000 xuất bản tại Hà Nội. Dưới tựa đề Lẽ sống của Bác, Hoàng Tùng nhấn mạnh về tính chất Cộng Sản trung kiên của Hồ Chí Minh và nói Hồ Chí Minh đã mắc hàm oan do bị hiểu lầm là có xu hướng dân tộc khi vận dụng với tinh thần sáng tạo học thuyết Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Hoàng Tùng viết: “Sang Liên Xô vừa lúc Lênin qua đời. Nhưng lại được đi cùng Phái bộ Bôrôdin đến Quảng Châu bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn, Nguyễn thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên của nước ta, đào tạo lớp cán bộ sau này là những người lãnh đạo của Đảng ta.

Rồi khi đến Trung Hoa ít lâu, ông Tôn qua đời, Tưởng làm chính biến quân sự, bãi bỏ liên minh với Đảng Cộng Sản và Liên Xô, phải trở về Matxcơva và bị hiểu lầm về khuynh hướng chính trị. Lại phải tìm đường về Xiêm. Sau đó đến HồngKông thống nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng ta.

Song thử thách lớn nhất đối với Bác là bị người ta hiểu sai về cái đúng, cái sáng tạo của mình, từ việc nghiên cứu học thuyết giải phóng của Mác-Lênin, Người giải quyết sáng tạo những vấn đề lý luận, thực tiễn cách mạng nước ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được cuộc sống chứng minh là hoàn toàn đúng: Kiên trì chân lý, đồng thời bình tĩnh tránh mọi điều không hay đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là một đức tính rất quý của Người. Trong hàng ngũ cộng sản quốc tế đã có người phê phán gay gắt Hồ Chí Minh hàng chục năm, trước khi qua đời năm 1953, lại nói như người lãnh đạo của chúng ta đã thực hành: Tất cả các Đảng Cộng Sản và công nhân, hãy giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ mà tiến lên.

Hoàng Tùng chủ ý đề cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của Hồ Chí Minh, nhưng luận giải của tác giả lại cho thấy Hồ Chí Minh chỉ vận dụng tinh thần dân tộc và lòng yêu nước như một chiêu bài cho sách lược giai đoạn của Cộng Sản do những điều kiện thực tiễn đòi hỏi. Những sự kiện do Hoàng Tùng nêu ra để chứng dẫn cũng không mang ý nghĩa khác.

Về việc tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản cuối năm 1945, Hoàng Tùng thuật lại chỉ riêng Trường Chinh không tán thành còn ai cũng phải nhận đó là một quyết định rất táo bạo.

Theo Hoàng Tùng, Liên Xô, Trung Quốc và cả đảng Cộng Sản Pháp đều hiểu lầm việc này nên đã không ủng hộ Việt Minh, dù thực ra chỉ là “tuyên bố về danh nghĩa thôi, còn trên thực tế Đảng vẫn tồn tại” và hiệu quả thực tế rất tốt là phe Tưởng Giới Thạch không còn lấy cớ gì thúc ép được vì đảng đã tuyên bố giải tán rồi.

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất do Cộng Sản Việt Nam tiến hành đã tạo ra một thời kỳ đen tối kinh hoàng cho người dân miền Bắc và dư luận chưa quên thái độ tàn nhẫn của Hồ Chí Minh đối với bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam từ những ngày đầu Hồ Chí Minh về nước.

Hoàng Tùng biện bạch rằng Hồ Chí Minh phải thực hiện cải cách ruộng đất do bị Stalin và Mao Trạch Đông thúc ép. Riêng việc đem bà Nguyễn Thị Năm ra xử tử trong đợt thí nghiệm đầu tiên chỉ vì Hồ Chí Minh phải phục tùng đa số.

Hoàng Tùng trưng lại lời Hồ Chí Minh phát biểu trong cuộc họp của bộ chính trị: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa.”

Với Hoàng Tùng, chỉ lời tuyên bố đó đủ chứng tỏ Hồ Chí Minh là người yêu nước thương dân, dù sau đó bà Nguyễn Thị Năm vẫn bị đưa ra giết bất chấp mọi đóng góp của cải và cả sinh mạng hai người con trai của bà cho Đảng.

Hoàng Tùng nói rằng Hồ Chí Minh không thực sự coi trọng Stalin và Mao Trạch Đông như mọi người vẫn nghĩ, ngược lại trong hội nghị Bộ Chính Trị, Hồ Chí Minh còn chê Stalin không đáng được sùng bái – “Người (HCM) không sùng bái Stalin, cũng như không sùng bái Mao Trạch Đông” “nhiều khi cũng phải ngoại giao”.

Để giải thích rõ hơn cho việc bắt buộc phải ngoại giao này, Hoàng Tùng nhắc tới việc Hồ Chí Minh từng dịch cuốn Trung quốc mệnh vận của Tưởng Giới Thạch đem biếu cho Trương Phát Khuê.

Hoàng Tùng kết thúc câu chuyện bằng việc kể ra 8 điều khiến Hồ Chí Minh đau khổ trong số “10 cái đau của bác”.

Nỗi đau thứ 7 là nỗi đau về sự chia rẽ trong nhóm lãnh đạo Đảng, đã bám riết theo Hồ Chí Minh tới phút cuối cùng trước khi lìa đời. Hoàng Tùng kể về điều này: “Tôi biết từ năm 1966, cứ mỗi buổi chiều thứ 7, bác lại cho làm cơm và nói: “Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra. Không nên để bụng”. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư kí cho những buổi đó cho đến khi anh vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết điều này thì không thể hiểu hết tại sao trong di chúc bác lại dặn phải đoàn kết đảng, từ trung ương đến địa phương....”

Nhưng theo Hoàng Tùng, nỗi đau lớn nhất của Hồ Chí Minh là tình trạng bị hàm oan do Liên Xô, Trung Quốc và cả đảng Cộng Sản Pháp đã hiểu lầm là có xu hướng theo dân tộc chủ nghĩa.

Hoàng Tùng phải vận dụng khá nhiều công sức để đề cao lòng yêu nước thương dân của Hồ Chí Minh nhưng nỗi đau lớn nhất này của lãnh tụ, theo ghi nhận của Hoàng Tùng, lại trở thành một bình mực lớn đổ tràn trên mọi dòng chữ viết.
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:33 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong