HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 34*
 

SƠN TÙNG và bài nói về Hồ Chí Minh


Ngày 11-4-2001, tại trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục Hà Nội đã diễn ra một buổi nói chuyện về nhiều vấn đề của đảng cộng sản hiện nay, đặc biệt là về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Diễn giả là nhà văn cũng là cán bộ đảng, Sơn Tùng, người được mệnh danh là nhà Hồ Chí Minh học theo hàm nghĩa chuyên viên nghiên cứu về Hồ Chí Minh.

Sơn Tùng là tác giả cuốn Búp Sen Xanh trong đó có vài điểm đề cập đến nguồn cỗi của Hồ Chí Minh. Tác phẩm này từng một thời bị nhà cầm quyền Cộng Sản và nhật báo Nhân Dân của Đảng phê phán gay gắt, cho rằng dám ám chỉ xa xôi Hồ Chí Minh đã có một nguồn cỗi không được trong trắng. (1)

Trong câu chuyện dài gần hai tiếng đồng hồ, Sơn Tùng cố chứng minh một điều chủ yếu thuộc con người Hồ Chí Minh là lòng yêu nước. Theo Sơn Tùng, Hồ Chí Minh là người ái quốc hơn là người Cộng Sản.

Diễn giả mở đầu câu chuyện bằng sự đề cập tới tình trạng sa sút phẩm cách của cán bộ đảng viên thuộc hàng ngũ lãnh đạo Đảng: "Từ một phần tư thế kỷ nay, Đảng ta sa sút xuống đến mức không tưởng tượng nổi, so với trước đây nhân cách những người cộng sản không còn, nhân cách không còn vì nó tham nhũng đến như thế.”

Tuy nhiên, Sơn Tùng lập tức xác định: "Đảng thì vẫn sáng chói. Nhất là bác Hồ. Vì ngay bây giờ đây, ở đại học tổng hợp có cả đoàn sinh viên do 3 giáo sư nổi tiếng ở Washington dẫn đầu sang nước ta để nghiên cứu về bác Hồ…đoàn đã đi Tân Trào, Pác Bó về.”

Sơn Tùng không nêu chứng cớ về sự sáng chói của Đảng trong tình trạng sa sút là những điểm nào, nhưng chứng cớ về sự sáng chói của Hồ Chí Minh thì rõ ràng không đủ sức thuyết phục khi chỉ là sự kiện có 3 giáo sư và một số sinh viên Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu về nhân vật này.

Diễn giả không trưng dẫn thêm chứng cớ khác mà nhắc lại một ý kiến phê phán đã có đối với những điều diễn giả từng trình bày về lãnh tụ: "Tôi nói bác Hồ sinh ra trong một gia đình nhà quan….(thì người ta) nói tôi lợi dụng bác Hồ để hạ thấp bác Hồ, nói bác Hồ có người yêu là hạ thấp bác Hồ, nói bác Hồ thành phần bóc lột sinh trong nhà quan là hạ thấp bác Hồ…”

Theo diễn giả, chính việc nghiên cứu tận nguồn gốc của lãnh tụ, để đưa ra những sự kiện chính xác như không xuất thân từ giới vô sản hay công nhân mà từ dòng dõi khoa bảng, trí thức đã giúp có một cơ sở vững chắc cho việc tìm hiểu con người và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dựa trên quan điểm này, diễn giả lui về với những chi tiết từ thuở Hồ Chí Minh mới chào đời và nói năm sinh chính xác của Hồ Chí Minh là 1891 chứ không phải 1890.

Sơn Tùng quả quyết: "Bây giờ nói bác sinh năm 1890, nhưng tôi nghiên cứu tử vi của bác thì bác sinh năm tân mão, tức 1891.” (2)

Diễn giả cho biết vào năm 1950, chính diễn giả được gặp Nguyễn Tất Đạt (tức Nguyễn Sinh Khiêm), anh ruột của Hồ Chí Minh chỉ khoảng mấy tháng trước khi Nguyễn Tất Đạt chết và đã được Nguyễn Tất Đạt giao cho cuốn Tất Đạt Tự Truyện trong đó có ghi 3 bài thơ của người em ruột là Nguyễn Tất Thành sáng tác khi mới năm tuổi.

Diễn giả đã giới thiệu nguyên văn ba bài thơ.
 

Bài I:

Núi cõng con đưòng mòn

Cha thì cõng theo con

Núi nằm ì một chỗ

Cha đi cúi lom khom

Đường bám trên lưng núi

Con tập chạy lon ton

Cha siêng hơn hòn núi

Con đường lười hơn con.
 

Bài II:

Biển là ao lớn

Thuyền là con bò

Bò ăn gió no

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trưóc

Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn.
 

Bài III:

Kìa ba ông lão bé con con

Biết có tình gì với nước non

Trương mắt làm chi ngồi mãi đó!
 

Diễn giả cho biết Nguyễn Tất Đạt ghi lại những bài thơ này theo trí nhớ nên không dám chắc có hoàn toàn chính xác không. Tuy nhiên, Nguyễn Tất Đạt tâm sự với diễn giả về bài thơ thứ hai như sau: "Cái khẩu khí ấy là cái ứng mệnh nên suốt đời của chú đi hết nơi này nơi khác, năm châu bốn biển, còn bác thì chẳng thấy gì, bác cứ yên vị bác sống trong nước như thế này.”

Về bài thơ thứ ba, Nguyễn Tất Đạt kể lại cho diễn giả nghe về trường hợp được sáng tác.

Bữa đó, Nguyễn Tất Thành theo cha đến chơi nhà Hoàng Cao Khải, đang mang chức Quận Cộng và được triều đình Huế phong Vương vì có công dẹp loạn. Thành thấy các quan làm thơ thì chê dở nên bị Hoàng Cao Khải bắt ứng khẩu vịnh tượng ba ông phỗng đang trưng bày ở đó.

Dĩ nhiên một đứa trẻ mới năm tuổi mà có thể ứng khẩu tức khắc những vần thơ như thế chắc chắn phải là một thần đồng, một thiên tài. Nhưng điểm chủ yếu mà Sơn Tùng muốn nêu lên là nguồn gốc của Hồ Chí Minh và môi trường sống ở tuổi ấu thơ.

Ngoài mấy bài thơ đó, diễn giả còn nêu thêm nhiều sự kiện cho thấy ngay từ nhỏ Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng rất nặng của giới sĩ phu Việt Nam theo Nho học và lên tiếng chống lại những đảng viên quá khích vẫn thường kết án các vua chúa triều đình nhà Nguyễn.

Diễn giả nêu mấy câu thơ của vua Thành Thái để bênh vực vị vua này:

Nhân dân nô lệ từng đoàn

Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta…

Và:

Võ võ văn văn y cẩm bào

Trẫm vi thiên tử độc giáng lao

Tam bôi hoàng tửu quần lệ huyết

Nhất trản  thanh trà bách tính cao

Sau khi giải nghĩa mấy vần thơ chữ Hán, Sơn Tùng nêu ý kiến: "Một ông vua ngồi trong hoàng cung, ăn ngon mặc đẹp mà thấy cái đau xót vì nhân dân đau khổ, nói nôm na như vậy, thế thì ta không học, thì học ai?”

Sơn Tùng còn kể về tương quan mật thiết giữa phó bảng Nguyễn Sinh Huy tức cha của Hồ Chí Minh với Cao Xuân Dục là một nhân vật nổi tiếng trong giới sĩ phu thuở đó.

Theo diễn giả, Cao Xuân Dục từng giúp đỡ rất nhiều và có ảnh hưởng lớn với gia đình phó bảng Huy. Diễn giả kể thêm một tin đồn cho rằng Cao Xuân Dục với Hoàng Cao Khải là hai anh em cùng cha khác mẹ: "Sở dĩ  họ là Hoàng Cao vì họ Hoàng không có người tài, Cao là (họ) đi "xin giống”. Muốn có người tài, họ Hoàng mời một ông thầy họ Cao về dậy học trong nhà, lại bàn với vợ "xin giống”. Ông thầy họ Cao này chính là bố ông Cao Xuân Dục. Sinh ra Khải mới để họ là Hoàng Cao…Hai anh em cũng biết ngầm với nhau như thế…”

Việc nhắc lại tin đồn này chỉ nhắm đề cao trí thông minh của Cao Xuân Dục là người, theo diễn giả, có tương quan mật thiết với gia đình phó bảng Huy tức là có ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thơ của Nguyễn Tất Thành.

Dựa trên những sự kiện đó, Sơn Tùng xác quyết: "Bác Hồ sinh ra từ cái chiếu quan trường.”

 Xác quyết này chính là điều kiện cần thiết chứng minh cho cái điểm chủ yếu mà diễn giả muốn nêu lên về con người Hồ Chí Minh: “…bác Hồ là con đẻ của Việt Nam, còn Mác-Lênin có đến với Bác là một cái vô cùng quan trọng, nhưng là một mảng cấu thành thứ hai, không thể nào là nền tảng được”.

Sơn Tùng mượn những chuyện được truyền kể trong dân gian hoặc có thể được góp nhặt theo một cách nào đó để chứng minh nguồn cỗi Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với truyền thống yêu nước hơn là tinh thần vô sản quốc tế, dù Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa Cộng Sản làm lý tưởng đấu tranh.

Theo hướng góp nhặt này, có lúc, diễn giả còn nói đến chuyện Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) bị tuyệt tự, vì hai người con trai là Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh) và Nguyễn Tất Đạt (tức Nguyễn Sinh Khiêm) đều không có con. Còn bà Thanh tức chị ruột Hồ Chí Minh thì diễn giả cho biết "sống bằng nghề bắt mạch kê đơn, bốc thuốc”.

Diễn giả tỏ vẻ khó hiểu về lý do lâm cảnh ngộ này của gia đình Nguyễn Sinh Huy: “Ông Khiêm xem mồ, xem mả, xem hướng làm nhà, tức là thầy địa lý phong thủy mà sống. Cả gia đình này không hiểu vì sao mà thế. Đến bác Hồ thì bác không lấy vợ để giữ cho trọn vẹn cuộc đời của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đến khi giành được độc lập, thì bác trẻ chưa qua, già chưa tới, lấy vợ thì không dám lấy, nên bác không có gia đình”.

Cũng nhân đó, diễn giả đã nhắc tới một tin đồn với hàm ý bác bỏ: “Nhưng bây giờ lại có rất nhiều điều tiếng: Ông Nông Đức Mạnh là con cụ Hồ, tức là con cụ Hồ mang đầy những bi kịch, khủng hoảng thời đại của dân tộc.”

Trong câu chuyện dài gần hai tiếng đồng hồ, Sơn Tùng đã làm một điều lạ thường trong dòng sinh hoạt của Cộng Sản Việt Nam là công khai nhắc lại nhiều tin đồn kể cả những tin đồn thuộc loại cấm ngặt không được nhắc tới.

Sơn Tùng cũng cố gắng vẽ một bức chân dung Hồ Chí Minh với một số màu sắc khác cả về dĩ vãng lẫn xu hướng lý tưởng khi xác quyết chất yêu nước lớn hơn chất Cộng Sản nơi con người Hồ Chí Minh.

Sơn Tùng còn có vẻ muốn gạt Hồ Chí Minh khỏi phạm vi trách nhiệm về mọi tai họa trong đời sống Việt Nam, khi nhắc lại một số sự kiện phản ảnh sinh hoạt nội bộ Đảng từ thập niên 30 tới thập niên 50: "…chính cương vắn tắt của bác Hồ bị bỏ. Tháng 10 năm 1930 trung ương họp lần đầu, (diễn giả nói lầm là họp đại hội I.) lấy luận cương chính trị của Trần Phú làm đường lối. Bác bị đẩy vào bên trong…cho đến 1951, đại hội 2 bác lại bị cái "thiểu số phục tùng đa số", lấy "tư tưởng Mao" vào điều lệ… Đến 1951 cụ Hồ chỉ còn là chủ tịch ban chấp hành. Mà chủ tịch ban chấp hành thì khác chủ tịch đảng.” (3)

Diễn giả còn muốn người nghe ngầm hiểu là đã có lúc Hồ Chí Minh bị người xung quanh mưu toan ám hại bằng cách kéo bí thư riêng của Hồ Chí Minh là Vũ Kỳ ra làm chứng cho diễn giả kể lại một câu chuyện cũ xảy ra nhân dịp Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về để chuẩn bị tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Sơn Tùng kể: "Trên máy bay chỉ có bác, ông Vũ Kỳ và người lái máy bay chuyên cơ từ Trung Quốc về. Lúc đó đã báo cho bộ đội phòng không từ giờ này…đến giờ này…trên bầu trời nước ta từ hướng này…phương vị này…tuyệt đối không nổ súng. Thời đó đang có chiến tranh, vào giờ đó là xuất hiện máy bay của ta. Khi máy bay về tới vùng trời Hà Nội,  sân bay Nội Bài khi đó là sân bay quân sự nên máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Người lái báo cáo với anh Vũ Kỳ ngồi bên cạnh (bác ngồi phía sau hút thuốc):

"–Thưa anh, tín hiệu đường băng lệch 15 độ, bây giờ làm sao đây?

"– Quan sát lại đi, ông Vũ Kỳ nói.

"– Em là người lái mà lái máy bay cho bác thì em nhìn sao được?

"Máy bay lượn hai vòng không dám xuống, vì theo ông lái, nếu hạ cánh thì máy bay sẽ chạy đến Phố Nối, thì tan xương chứ.

"– Bây giờ làm thế nào? Quay trở lại không được, hết xăng rồi, phòng không nó bắn chết, mà xuống theo tín hiệu thì không an toàn…

"– Phải xuống theo trí nhớ thôi, cậu có xuống được không? Ông Kỳ nói.

"Cuối cùng xuống theo trí nhớ (của người lái), chứ không xuống theo tín hiệu, vì trên máy bay đã báo đi báo lại, nhưng dưới sân bay vẫn không thay đổi, trên bảo "tín hiệu lệch", dưới vẫn cứ để thế, không sửa.

"Vòng một vòng và máy bay hạ cánh an toàn, thở đánh phào một cái. Bác vẫn ngồi ung dung hút thuốc. Ở dưới sân bay vẫn yên tĩnh.”

Theo Sơn Tùng, lúc đó chỉ có ba người ra đón Hồ Chí Minh là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Văn Đồng.

Khi bài của Vũ Kỳ xuất hiện trên mấy tờ báo, Bộ Chính Trị gọi Vũ Kỳ lên hỏi. Vũ Kỳ nói: "Tôi chỉ kể chuyến đi của Bác mà hồi ký của tôi viết về Bác.”

Sơn Tùng kết luận: "Thế rồi "họ” cũng thôi. Cái khung cảnh đất nước ta mấy năm nay nó thế đấy. Bác Hồ là người cô đơn, đây là cô đơn trên quan điểm… từ Quốc Tế Cộng Sản cho đến khi bác qua đời, quan điểm của bác luôn bị cô đơn.”

Những chữ thiểu sốcô đơn được Sơn Tùng nhắc lại nhiều lần với hàm ý vì theo dân tộc chủ nghĩa nên Hồ Chí Minh gần như bị bao vây bởi những người xung quanh nặng tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Hàm ý trên của Sơn Tùng hiện ra khá rõ trong phần cuối buổi nói chuyện khi Sơn Tùng nhắc lại một vài sự kiện cũ của Đảng.

Sơn Tùng kể trong kỳ đại hội I của Đảng họp năm 1935 tại Macao vắng mặt Hồ Chí Minh, "đồng chí Hà Huy Tập viết một văn bản đề nghị Quốc Tế Cộng Sản thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Ái Quốc”, rồi Sơn Tùng nhắc một số việc trong kỳ họp ban chấp hành tháng 10-1930 như "bỏ cái tên đảng khi Bác thành lập, (5) bỏ cái điều lệ của Bác, bỏ tổng bí thư đầu tiên khi Bác thành lập đảng (CSVN) … là Trịnh Đình Cửu, một trí thức ở Hà Nội, tục gọi ông Cửu Trắng (vì đeo kính trắng)…”

Nội dung câu chuyện của Sơn Tùng không quan trọng bằng động cơ thúc đẩy và tạo điều kiện cho Sơn Tùng có một buổi nói chuyện mang tính chính thức như vậy.

Tuy nhiên, đó là chuyện nằm ngoài phạm vi tìm hiểu về con người Hồ Chí Minh.

Dừng lại trong phạm vi này, những điểm Sơn Tùng nêu ra về Hồ Chí Minh thực ra cũng không có gì mới lạ ngoài tính chất chứng tỏ đang có một ý hướng làm mới con người Hồ Chí Minh tại Việt Nam. Đó là một Hồ Chí Minh yêu nước thương dân nhưng bị cô đơn giữa một đám đông quá nghiêng theo chủ nghĩa Cộng Sản nên luôn nằm ở thế thiểu số không thể làm đúng theo ý nguyện phụng sự dân tộc của mình.

Nhưng, dụng tâm làm mới sẽ đưa mọi người tới gần sự thực hay lại đẩy sự thực vào một cõi mịt mù hơn?
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 34

(01) Khoảng đầu thập kỷ 90, sử gia Trần Quốc Vượng ở Hà Nội trong bài báo Thật mà chưa chắc là thật  nói về ông Hồ Sỹ Tạo hơi khác giáo sư Cao Thế Dung. Trần Quốc Vượng bảo dân ở vùng quê quán Hồ Chí Minh truyền kể rằng Nguyễn Sinh Sắc là con ngoại hôn của Hồ Sỹ Tạo với cô Đèn (Hà Thị Hy). Không thấy nói cha của ông Sắc là Nguyễn Sinh Nhậm có biết chuyện này không. Nhưng Đào Bình Giang trong Phụ Nữ Diễn Đàn số 115, tháng 8-1993, dẫn cuốn sách cổ Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục để phủ nhận. Theo sách này, tiến sĩ Hồ Sỹ Tảo, sinh năm 1869, kém Nguyễn Sinh Sắc (sinh năm 1862) bảy tuổi, không thể nào lại là cha của Nguyễn Sinh Sắc được. Cao Thế Dung ghi Hồ Sỹ Tảo còn Trần Quốc Vượng ghi Hồ Sỹ Tạo, nhưng Cao Thế Dung không cho biết là  tiến sĩ  thời nào.

Trong cuốn Chân Tướng Hồ Chí Minh, Cao Thế Dung ghi Hồ Chí Minh sinh năm Tân Mão (1891), có tên thánh là Gio-an Bao Ti Xi Ta, cha là Hồ Sỹ Tảo chứ không phải Nguyễn Sinh Huy. Cao Thế Dung trích các tác giả Hoàng Văn Chí, Hồng Liên Lê Xuân Giáo cho biết Hồ Chí Minh là con ông Hồ Sỹ Tảo (do tư tình hay hãm hiếp trong lúc say rượu ?) với bà Hoàng Thị Loan, vợ ông Cử Sắc. Từ 7, 8 tuổi Hồ Chí Minh đã biết nguồn gốc mình. Phải chăng vì vậy mà ông không có vẻ hiếu với ông cử Sắc và cũng chẳng có tình nghĩa gì với anh chị là ông Nguyễn Tất Đạt hay Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh?

(02)  Xin đọc Chân Tướng Hồ Chí Minh của Cao Thế Dung.

(03)  Ngụ ý không có quyền như trước kia, khi là Chủ Tịch Đảng.

(04) Khi mới thành lập tên là đảng Cộng Sản Việt Nam, sau QT3 bắt đổi thành ra Đảng Cộng Sản Đông Dương, còn ngày sinh của đảng ban đầu ghi 6-1-30,  QT3 cũng bắt đổi thành 3-2-30.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:32 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong