HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 33*
 

HOÀNG VĂN HOAN và Giọt Nước Trong Biển Cả


Hoàng Văn Hoan (1905-1991), bí danh Lý Quang Hoa là một trong những cán bộ kỳ cựu từ thời Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, hạt nhân và tiền thân của Đông Dương Cộng Sản đảng. Hoàng Văn Hoan cũng là một sáng lập viên của đảng cộng sản Xiêm, sang Hoa Nam hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, trở thành một trong số hội viên đầu tiên của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm, sau đó, theo lệnh Hồ Chí Minh biến tổ chức này thành bình phong cho các hoạt động cộng sản trong vùng. Hoàng Văn Hoan từng giữ nhiều chức vụ như ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch Quốc Hội, đại sứ tại Bắc Kinh…Vì chống lại nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ nên năm 1979, Hoàng Văn Hoan rời Việt Nam qua tị nạn tại Trung Quốc cho đến khi chết. Lê Duẩn đã đưa việc Hoàng Văn Hoan bỏ trốn ra xử và kết án tử hình khiếm diện. Nếu quả thực tại miền Bắc trước 1975 có hai xu hướng thân Liên Xô và thân Trung Cộng, thì Hoàng Văn Hoan là người thân Trung Cộng rõ rệt nhất. Điều này được biểu hiện qua việc Hoàng Văn Hoan xin tị nạn tại Trung Quốc và đã dành phần lớn số trang trong cuốn hồi ký Giọt Nước trong biển cả để tố cáo Lê Duẩn đi theo Krutshchev chống Trung Quốc. (1) Trong phần 7 là phần dành riêng để tố cáo Lê Duẩn thân Liên Xô chống Trung Quốc, có chỗ Hoàng Văn Hoan muốn lôi cả Hồ Chí Minh vào phe mình để chứng tỏ chống Trung Quốc là phản bội đảng và “Hồ chủ tịch”. Ông viết: “Ngày 13-3-1967, Lê Duẩn cho đăng trên báo Nhân Dân bài thơ Tâm Sự của Tố Hữu có nội dung chống Trung Quốc. Sau đó bị Hồ chủ tịch phê bình, ban tuyên huấn phải tuyên bố thu hồi số báo này, nhưng báo đã gửi đi khắp trong nước và ngoài nước, thu hồi làm sao được.” (2) Có lẽ điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng cuốn Giọt Nước trong biển cả thiếu vô tư và những việc do Hoàng Văn Hoan nêu ra để đả kích Lê Duẩn có thể là chuyện dàn dựng do tư thù. Dù vậy vẫn phải nhìn nhận Giọt Nước trong biển cả là cuốn hồi ký cung cấp nhiều tài liệu lịch sử về cộng sản Việt Nam trong buổi sơ khai được viết bởi một cán bộ thuộc hàng ngũ lãnh đạo của cộng sản Việt Nam có quá trình hoạt động lâu dài từ thời còn ở Hoa Nam rồi Thái Lan và đã cùng với Hồ Chí Minh xây dựng những cơ sở đầu tiên làm nhân cho Cộng sản Việt Nam. Cũng có thể đặt Hoàng Văn Hoan bên cạnh những người Cộng Sản ly khai do hành vi bỏ trốn khỏi Việt Nam, nhưng cần minh định thêm rằng Hoàng Văn Hoan không chống Đảng, vẫn coi Hồ Chí Minh như một người thực sự yêu nước và lãnh tụ khả kính. Qua Giọt Nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan kể lại khá nhiều việc làm của Hồ Chí Minh vào thời kỳ hoạt động tại Hoa Nam – Thái Lan, nhất là những tương quan của Hồ Chí Minh với các nhân vật hoặc tổ chức quốc gia yêu nước thuở đó. Cho tới lúc chết, Hoàng Văn Hoan vẫn giữ nguyên tình cảm đã có với Hồ Chí Minh nên các chuyện được kể lại nếu không do dụng ý tô màu điểm sắc để ca ngợi thì cũng chắc chắn không phải dàn dựng để bêu xấu. Nói một cách khác, với Giọt Nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan, người đọc được đối diện với nhiều thông tin tương đối xác thực về con người Hồ Chí Minh và các hoạt động trong những năm tháng trước 1945. Tổ chức quốc gia được Hoàng Văn Hoan nhắc đến nhiều nhất là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Hồ Học Lãm lãnh đạo. Hoàng Văn Hoan dành nhiều trang để kể về Hồ Học Lãm vốn là người cùng quê – Nguyên ông Hồ Học Lãm là người cùng làng với tôi... (3) Về thân thế Hồ Học Lãm, Hoàng Văn Hoan cho biết thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chống Pháp. Hồ Bá Cự có biệt danh Hồ Tùng Mậu, một trong những cán bộ cách mạng Việt Nam nổi tiếng ở Hoa Nam chính là cháu Hồ Học Lãm. Theo tác giả, Hồ Học Lãm vốn là đồ đệ Phan Bội Châu từng theo cụ Phan sang Nhựt rồi về Trung Quốc. Với thân thế và ý hướng như vậy, Hồ Học Lãm luôn giúp đỡ hết thẩy những người hoạt động cách mạng từ trong nước ra, không phân biệt cộng sản hay quốc gia. Đó là lý do khiến Hoàng Văn Hoan cùng một nhóm đồng chí được Hồ Học Lãm giúp đỡ, tuy Hồ Học Lãm chưa bao giờ theo cộng sản. Hoàng Văn Hoan kể: “Ông Hồ Học Lãm trước kia đã phải nuôi mấy người chúng tôi, nay lại thêm 8 người nữa…” (4) Ngoài việc giúp đỡ về điều kiện sinh sống, Hồ Học Lãm còn chia xẻ công việc và Hoàng Văn Hoan ghi lại một sự kiện xẩy ra vào năm 1935: "Ông Hồ Học Lãm muốn giúp những người cách mạng ở Nam Kinh được hoạt động một cách hợp pháp, khuyên họ nên lập một tổ chức có đăng ký hẳn hòi để được sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Quốc… Mấy ngày sau, Hải thảo xong bản điều lệ bằng tiếng Việt, tôi dịch ra tiếng Trung Quốc, nội dung gần giống như điều lệ của Phản đế Đồng Minh, nhưng lấy tên hội là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội... Ông (Hồ Học Lãm) đề nghị sau chữ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội nên viết thêm mấy chữ “gọi tắt là Việt Minh”… Chúng tôi đồng ý và đưa ra ngay một kế hoạch hoạt động cụ thể mà chúng tôi đã trao đổi trước. (5) Ông Hồ (Học Lãm) sẽ viết thư mời Nguyễn Hải Thần và một vài người ở Quảng Châu lên đại biểu cho Việt kiều ở Quảng Đông. Còn ở Nam Kinh thì: – Hồ Học Lãm, Lê Thiết Hùng là đại biểu Việt Kiều ở Nam Kinh. Đặng Nguyên Hùng nếu ưng thì tham gia vào nhóm Nam Kinh. – Lê Quốc Trụ, Từ Chí Kiên: đại biểu Việt Kiều ở Vân Nam – Đặng Văn Cáp và tôi: đại biểu Việt kiều ở Xiêm – Hải: đại biểu Việt kiều ở Pháp; – Cao Hồng Lĩnh: đại biểu đoàn thể trong nước. … Đầu năm 1936, ông Hồ Học Lãm viết thư xin Trung Ương Quốc Dân Đảng tiếp kiến. Ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Hải, Lê Quốc Trụ và tôi cùng đi... Thuận lợi bước đầu… Qua việc giao thiệp, hội nghị được tổ chức tại phòng hội của đảng bộ khu phố Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Tham dự cuộc họp về phía ta có ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần và những anh em khác độ 20 người. Về phía Trung Quốc có 2 người đại biểu của Trung ương Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Vi Đăng Tường đại biểu Biện sự xứ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Nam Kinh cũng được mời đến dự. Đặng Nguyên Hùng từ chối không tham gia… Việc ông Hồ Học Lãm đứng ra lập Việt Minh là một việc có tác dụng rất quan trọng…Ông không tham gia Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội mà cũng không tham gia đảng CS ... nhưng vẫn che chở và giúp đỡ ta một cách tích cực.” (6) Như vậy, chính Hồ Học Lãm đề xướng việc thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội đặt tên tắt cho nó là Việt Minh. Người thảo điều lệ Hội là một đại diện Việt kiều ở Pháp có tên là Hải. Thành phần đầu tiên tham gia Hội gồm đa số những người quốc gia yêu nước và vài đảng viên Cộng Sản đang sống nhờ Hồ Học Lãm tự xưng là đại diện Việt Kiều ở Thái Lan, Vân Nam …Về sau, Hải bị nhóm Cộng Sản thanh trừng. Hoàng Văn Hoan nhấn mạnh nhiều lần về xu hướng chính trị của Hồ Học Lãm rằng “Ông không phải là cộng sản. Ông là một người nho học” (7)…“Ông không phải là cộng sản, điều này Quốc Dân Đảng Trung Quốc biết rõ trăm phần trăm. Ông đứng ra lập Việt Minh trong lúc này đối với chúng ta mà nói là một sự che chở rất có hiệu lực.” (8) Trong thời gian đầu, nhóm cán bộ Cộng Sản như Hoàng Văn Hoan chỉ coi Việt Minh như một lớp vỏ bọc để che mắt chính quyền Trung Quốc và tìm chỗ dựa về phương tiện trong khi hoạt động – “Theo sự giới thiệu của mấy anh em Vân Nam, khi đến Quí Châu, chúng tôi ở nhà Vũ Hồng Khanh...” (9) Điểm đáng kể là ngay trong lúc được Vũ Hồng Khanh đưa về cho sống tại nhà, nhóm Hoàng Văn Hoan vẫn ngấm ngầm chống phá Việt Nam Quốc Dân Đảng và triệt hạ uy tín của nhân vật này. Hoàng Văn Hoan kể: “Đầu 1940, bác về Côn Minh lấy tên là Hồ Quang, đóng vai một giáo quan cấp thiếu tá của Bát Lộ quân, ở chỗ Tân Hoa thư điếm, nhưng thường lui tới chỗ đồng chí Phùng Chí Kiên để chỉ đạo công tác cho ban hải ngoại…Về chính trị, bác đánh giá việc chi bộ Vân Quí (Vân Nam – Quí Châu) lôi kéo được quần chúng đánh tan ảnh hưởng của bọn Nguyễn Thế Nghiệp và Vũ Hồng Khanh là một thành tích.” (10) Hồ Chí Minh bắt đầu hướng dẫn nhóm Hoàng Văn Hoan tiến hành việc sang đoạt tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, trước hết là khuyên “đổi tên tờ Đồng Thanh thành ĐT vì nhiều nghĩa: Đồng Thanh, Đồng Tâm, Đấu Tranh, Đánh Tây” rồi “bố trí cho Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vào đại học quân chính tại Diên An” đồng thời “tổ chức các lớp học tập lịch sử đảng Cộng Sản Liên Xô”. (11) Đó cũng là thời gian nhóm Hoàng Văn Hoan được Hồ Học Lãm giới thiệu với Trương Bội Công tại Đại Kiều. Trương Bội Công là người cùng hoạt động với Hồ Học Lãm và đặc biệt đang là đại tá trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc rất có thế lực với Trung Hoa Quốc Dân Đảng nên Hồ Học Lãm muốn nhóm Hoàng Văn Hoan được Trương Bội Công giúp đỡ. Được thông báo về việc này, Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến các cán bộ Trung Cộng và sau đó khuyên nhóm Hoàng Văn Hoan đi theo một hướng khác. “Một hôm, bác từ Côn Minh đến, chúng tôi bí mật gặp để báo cáo. Bác phân tích tình hình, rồi chủ trương phải bỏ Trương Bội Công và đưa ông Hồ Học Lãm lên Quế Lâm để làm cơ sở hoạt động. Sau đó ít lâu chúng tôi thu xếp bỏ Trương Bội Công, đi Quế Lâm…Vào khoảng tháng 10 năm 1940, khi chúng tôi đến Quế Lâm thì bác đã ở đó. Ông Hồ Học Lãm cũng đã được xếp đặt đến chữa bệnh ở Quế Lâm rồi. Chúng tôi thường bí mật gặp bác ở Biện Sự xứ Bát Lộ quân để báo cáo và xin chỉ thị về cách hoạt động.” (12) Việc loại trừ Trương Bội Công nhắm trước hết để tránh bị lộ hình tích vì có một người sắc sảo ở bên cạnh và kế tiếp là dễ dàng hơn trong việc khai thác con người nhiệt thành ngay thẳng Hồ Học Lãm để vận dụng danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội vào các mưu đồ của Cộng Sản. Khi Hồ Học Lãm chuyển về Quế Lâm dưỡng bệnh thì không còn nhiều điều kiện liên lạc với Trương Bội Công và gần như bị cô lập giữa những người Cộng Sản. Hoàng Văn Hoan viết: “Vấn đề đầu tiên là vấn đề lấy danh nghĩa gì để hoạt động? Bác chủ trương lấy danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, và mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để chúng ta dựa vào đó mà hoạt động. Chủ trương đó phát xuất từ chỗ Việt Minh là một tổ chức mà trước kia đã cùng với ông Hồ Học Lãm lập ra và đăng ký ở Nam Kinh; xuất phát từ chỗ ông Hồ Học Lãm không phải là Cộng Sản mà lại thực lòng ủng hộ chúng ta...” Thế là một mặt Hoàng Văn Hoan kéo thêm các đồng chí tham gia Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, một mặt Cộng Sản Việt Nam ngấm ngầm tung tin bêu rếu những nhân vật có tên tuổi của tổ chức này để lấy lý do gạt ra khỏi tổ chức. Hoàng Văn Hoan vận động Hồ Học Lãm giới thiệu với Lý Tế Thâm là bạn học của Hồ Học Lãm và đang là Chủ Nhiệm hành dinh khu Tây Nam của Tưởng Giới Thạch. Phái đoàn đi gặp Lý Tế Thâm tại Lâm Uất lúc đó gồm 6 cán bộ Cộng Sản là Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Trịnh Đông Hải (Vũ Anh), Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh và Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan). Hoàng Văn Hoan kể: “Theo kế hoạch của bác, (13) chúng tôi chuẩn bị sẵn một bản lý lịch tóm tắt của Việt Minh viết bằng chữ Trung Quốc đưa cho ông, và giới thiệu rằng ở Trung Quốc, chúng tôi đã có “Biện Sự xứ Việt Minh ở hải ngoại” do ông Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm, Lâm Bá Kiệt là phó chủ nhiệm.” Qua lời giới thiệu trên, cả nhóm đã tiến thêm một bước quan trọng trong âm mưu chiếm đoạt tổ chức này do triệt để khai thác nhiệt tình và tính ngay thẳng của Hồ Học Lãm bằng sự ngang nhiên đặt Phạm Văn Đồng (dưới tên Lâm Bá Kiệt) vào vai trò Phó Chủ Nhiệm thay cho Nguyễn Hải Thần. Tuy vậy, mấy năm sau đó, Hồ Chí Minh lại bám lấy danh nghĩa Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần để lôi cuốn dư luận trong nước. Vào thời gian này Hồ Chí Minh nhận đứng ra tổ chức một mạng lưới tình báo tại nội địa Việt Nam cho tướng Trương Phát Khuê nên đã đưa ra một đề nghị 8 điểm cho Trương Phát Khuê trong đó nêu hai yêu cầu, thứ nhất, xin Trương Phát Khuê “viết thư giới thiệu với các đoàn thể quốc gia yêu nước tại Việt Nam” và thứ hai, theo Hoàng Văn Hoan ghi, “yêu cầu có một ủy nhiệm thư của Trung Ương Việt Cách phái Hồ chủ tịch về nước công tác.” Lúc đó là cuối năm 1943 tức là đã hai năm sau khi Hồ Chí Minh thành lập Mặt Trận Việt Minh tại Pac Bó. Hai điểm vừa nêu cho thấy dù có hai năm hoạt động tại quốc nội, Hồ Chí Minh vẫn chưa tạo nổi thanh thế với các đoàn thể yêu nước và vẫn cần dựa vào Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần là nhân vật mà phe Cộng Sản không ngừng bêu xấu. Trương Phát Khuê đáp ứng yêu cầu đó nên Hồ Chí Minh còn “đến Côn Minh với danh nghĩa là ủy viên Trung ương của hội Việt Cách, tất nhiên có trách nhiệm xem xét tình hình phân hội Việt Cách ở Vân Nam....” (14) Hoàng Văn Hoan kể lại những hoạt động này của Hồ Chí Minh như bằng chứng về tài thao lược không chỉ cứu mình thoát khỏi mọi khó khăn mà còn đoạt được nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động của đảng tới thành công. Thực ra, Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện cách hành động trên tại Hoa Nam với riêng hai trường hợp Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội mà biểu hiện trong nhiều giai đoạn hoạt động khác. Qua Giọt Nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan cũng nhắc lại khoảng thời gian 1928-1930 khi Hồ Chí Minh có mặt ở Xiêm và nói đến một đồ đệ khả kính của Phan Bội Châu là Đặng Thúc Hứa tục gọi Cố Đi. Cố Đi cũng như Hồ Học Lãm, là một người yêu nước luôn nhiệt tình với việc hoạt động cách mạng nên đã tích cực vận động Việt kiều tại Xiêm tham gia tổ chức của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khác với Hồ Học Lãm, về sau có lẽ Cố Đi hiểu rõ gốc gác Cộng Sản của Hồ Chí Minh nên không tới tham dự buổi lễ ra mắt đảng Cộng Sản Xiêm. Dù vậy, theo Hoàng Văn Hoan, “Cố Đi vẫn được vinh dự giới thiệu là một trong những người đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Xiêm. Năm 1931, Cố mang bệnh từ Xiêng May về Udon, rồi mất ở đây, thọ 61 tuổi” (15) Hoàng Văn Hoan nói rõ, tuy gọi là đảng Cộng Sản Xiêm, nhưng hầu hết đảng viên toàn là Việt kiều và Hoa kiều tức là những người kính trọng danh tiếng của Đặng Thúc Hứa. Thực tế này cho thấy việc khai thác tên tuổi và uy tín của mọi người, mọi tổ chức – thậm chí tự động gán ghép cho mọi người, mọi tổ chức danh nghĩa Cộng Sản – để tạo thanh thế là phương thức hành động quen thuộc của Hồ Chí Minh. Trên thực tế, khai thác uy tín của các nhân vật, tổ chức quốc gia chỉ là mặt thứ nhất trong phương thức hành động của Hồ Chí Minh có mặt thứ hai đáng sợ hơn là nỗ lực triệt hạ chính các nhân vật hoặc các tổ chức đó. Trong lúc Hoàng Văn Hoan và các đồng chí sống nhờ Vũ Hồng Khanh thì tất cả vẫn theo lệnh Hồ Chí Minh tuyên truyền bêu rếu nhân vật này với mọi người. Cũng thế, trong khi Hồ Chí Minh mượn danh nghĩa Nguyễn Hải Thần và tổ chức Việt Cách thì các đảng viên Cộng Sản không ngừng gieo rắc dư luận đả kích nhân vật này và tổ chức Việt Cách. Vào giai đoạn Hồ Chí Minh hoạt động tại Xiêm, một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trong nước qua liên lạc với các tổ chức tranh đấu đề nghị giúp đỡ võ khí để lo khởi nghĩa. Nhóm Hoàng Văn Hoan cũng được tiếp xúc nhưng từ chối không giúp đỡ. Số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng này gồm Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Tiềm, Hồ Văn Mịch bị Pháp bắt ngay khi trở về nước. Việc mật thám Pháp biết rõ những người này vẫn là một nghi vấn về liên hệ giữa mật thám Pháp với Cộng Sản Việt Nam lúc đó. Việt Thường, (16) nguyên phóng viên báo Độc Lập của Cộng Sản ở Hà Nội trước 1975, khẳng định Cộng Sản đã báo mật thám Pháp y hệt trường hợp Lâm Đức Thụ và Hồ Chí Minh sắp đặt bán đứng Phan Bội Châu lấy 100 ngàn đồng. (17) Theo Việt Thường, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại khiến Nguyễn Thái Học cùng 13 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng bị hành quyết cũng do Cộng Sản báo trước với mật thám Pháp. Dưới mắt Hoàng Văn Hoan, phương pháp hành động của Hồ Chí Minh là một sách lược cao không chỉ giới hạn trong phạm vi các đoàn thể quốc gia Việt Nam yêu nước mà còn vận động được cả sự ủng hộ của Mỹ, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc là những thế lực quốc tế thù địch của Cộng Sản. (18) Theo Hoàng Văn Hoan, sách lược đấu tranh này khiến nhiều lúc Hồ Chí Minh phải tỏ ra thân với Mỹ, Pháp hoặc Trung Hoa Dân Quốc nhưng không bao giờ Hồ Chí Minh khuynh hữu. Hoàng Văn Hoan viết:“Việc bác đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch (nhưng không gặp được vì bị bắt ở dọc đường), việc đi Côn Minh gặp tư lệnh không quân Mỹ và việc liên hệ với tướng Pháp Xanh-tơ-ni trước Cách Mạng tháng 8 thật ra ít người biết. Có người biết ít nhiều cũng tránh đi không nói, vì họ nghĩ rằng như thế là hữu khuynh, là thỏa hiệp. Cách nghĩ như vậy là không phù hợp với thực tế, không hiểu hết ý nghĩa chiến lược và sách lược của sự việc.” (19) Mấy tiếng ý nghĩa chiến lược và sách lược trong trình bày của Hoàng Văn Hoan hàm chứa sự diễn tả Hồ Chí Minh thỏa hiệp hoặc tỏ ra đoàn kết với bất kỳ cá nhân và tổ chức nào đều không nhắm thỏa hiệp hay đoàn kết thực sự mà chỉ để khai thác cho hoạt động của Quốc Tế Cộng Sản. Những trưng dẫn về hoạt động của Hồ Chí Minh qua Giọt nước trong biển cả gợi nhắc dễ dàng một nhận định của Duncan-son về Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam là một phong trào chống lại những người yêu nước chống thực dân. Tuy vậy, Hoàng Văn Hoan vẫn cho rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước, kể cả trường hợp Hồ Chí Minh chính thức yêu cầu Trung Cộng phái 300 ngàn quân sang Việt Nam chiến đấu bên cạnh bộ đội cụ Hồ từ 1965 đến 1970 với lý do chống Mỹ (20) Hoàng Văn Hoan diễn tả sự việc này là biểu hiện tình đoàn kết thắm thiết Việt – Trung giữa những người cùng lý tưởng, nhưng sự việc này cũng là chứng cớ cụ thể nhất xác định Hồ Chí Minh khó đặt lòng yêu nước lên trên lý tưởng Cộng Sản như Hoàng Văn Hoan vẫn nghĩ.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 33

(01) Khrutshchev tuy có chống Mao, nhưng lúc ấy chủ trương hòa hoãn với Tây phương theo sách lược sống chung hòa bình, cho nên chính sách hiếu chiến và quyết tâm xâm chiếm miền Nam của Lê Duẩn bộc lộ xu hướng thân Mao hơn là thân Khrutshchev.

(02)-(03)-(05)-(06)-(07) SĐD tr.394, 88, 90, 102-105, 107 (05) Hai chữ chúng tôi chỉ hai người chủ chốt là Hải và Hoàng Văn Hoan.

(08)-(09)-(10)-(11) SĐD tr. 108, 121, 128, 129-130

(12) SĐD tr.133. Xin lưu ý mấy chữ được xếp đặt để thấy chính Hồ Chí Minh ra tay lợi dụng Hồ Học Lãm.

(13) Tác giả luôn nhắc theo chỉ thị của bác, theo kế hoạch của bác…Điều đó cho thấy tác giả tuyệt đối theo lệnh Hồ Chí Minh đồng thời cũng chứng tỏ HCM là người chủ xướng mọi việc.

(14)-(15) SĐD tr. 244, 54

(16) Xin xem chương về Việt Thường

(17) Hoàng Văn Chí ghi lúc ấy giá con trâu chỉ 5 đồng, tức số tiền tương đương hàng triệu Mỹ kim ngày nay.

(18)-(19)-(20) SĐD tr. 252, 250, 345

http://www.saigonforsaigon.org/staticpages/index.php?page=2006040113320812
Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:32 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong