HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 32*
 

TRẦN VĂN GIÀU và Sự phát triển tư tưởng tại Việt Nam


Trần Văn Giàu vốn được coi là một trí thức gia Cộng Sản miền Nam, tốt nghiệp thủ khoa trường Lao Động Đông Phương tại Liên Xô, đứng trên nhiều lãnh tụ cộng sản Đông Âu khác. Trần Văn Giàu từng có lúc tự phụ hiểu chủ nghĩa Cộng Sản hơn cả Hồ Chí Minh.

Là lãnh tụ cộng sản miền Nam, Trần Văn Giàu đứng đầu tổ chức Việt Minh giải phóng Sài Gòn, làm chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Nam Bộ một thời gian, sau đó bị hạ tầng công tác, điều ra Bắc và chỉ được giao cho giữ những chức mang tính hư vị. Do đó có lúc Trần Văn Giàu đã tỏ ra bất mãn. (1)  Tuy nhiên, trong bộ sách 3 tập nhan đề Sự phát triển tư tưởng tại Việt Nam, (2) Trần Văn Giàu tỏ ra rất coi trọng Hồ Chí Minh.

Về tương quan của cách mạng Việt Nam trong cách mạng thế giới, Trần Văn Giàu viết: "Cách mạng này là một phần của cách mạng thế giới. Mà cách mạng thế giới là gì thì không phải là đã hiểu rõ, đã nhất trí. Chánh thức được Nguyễn Ái Quốc trình giảng thì đó là cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa; chế độ tư bản đế quốc là chế độ sinh ra chế độ thực dân. Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở VN là một bộ phận. Cách mạng VN được sự ủng hộ của cách mạng thế giới, và cách mạng VN góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó.” (3)

Trần Văn Giàu không nêu ý kiến riêng mà dựa vào định nghĩa cách mạng của Hồ Chí Minh nên đã vạch rõ một cứ điểm về “tư tưởng” Hồ Chí Minh.

Về việc thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương, Trần Văn Giàu cho biết: " Cuối tháng 10-1929, Quốc Tế Cộng Sản có một bức thư gởi cho các tổ chức Cộng Sản ở Đông Dương, về vấn đề thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương:"Phải hợp nhất các phần tử chân chính cộng sản đang ở trong các nhóm cộng sản bấy giờ để lập ra Đảng Cộng Sản Đông Dương. Muốn vậy cần phải lập một ban gồm những người thay mặt cho tất cả các tổ chức nào công nhận chương trình điều lệ, nghị quyết của Quốc Tế Cộng Sản và hăng hái hoạt động trong thợ thuyền và dân cày. Ít nhất là phải gồm những người thợ hoạt động, trước hết là những người lãnh đạo phong trào quần chúng…Thư của Quốc Tế Cộng Sản còn chỉ đạo việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, về lãnh đạo nhân dân đấu tranh, làm báo bí mật, huấn luyện đồng chí, xử dụng khả năng hợp pháp vv…” (4)

Qua các chi tiết do Trần Văn Giàu ghi lại, việc thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng là do những học trò của Nguyễn Ái Quốc như Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu có mặt trong số 40 đảng viên Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội chịu gia nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng. Theo Trần Văn Giàu, lúc đó Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội có 1000 đảng viên, đang tranh chấp với An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn là một tổ chức thoát thai từ Tân Việt Cách Mạng Đảng. Như vậy tuyệt đại đa số (960/1000) hội viên của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội  đã bị loại vì lý do này hay lý do khác.

Trần Văn Giàu phát biểu sức mạnh của Đảng chính là chủ nghĩa: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin”…(5)

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, giai cấp nông dân lao động, giải phóng các dân tộc thuộc địa, đấu tranh đánh đổ tư bản đế quốc để xây dựng chủ nghĩa xã hội.” (6)

Sau đó, tác giả dành nhiều trang nói về những nghị quyết của đảng Cộng Sản Đông Dương trong các hội nghị Trung Ương kỳ I tháng 10-1930 và kỳ II tháng 4-1931 chủ trương “lấy việc công nhân vận động làm việc chính, làm trung tâm công tác.”

Từ quan điểm này, Trần Văn Giàu phê bình Việt Nam Quốc Dân Đảng thiếu sức mạnh vì không có chủ nghĩa. Theo Trần Văn Giàu, mãi đến gần ngày khởi nghĩa vào tháng 2-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng  mới chính thức quyết định rằng Tam Dân chủ nghĩa là chủ nghĩa của đảng mình.

Tác giả kể khá chi tiết về cuộc khởi nghĩa Yên Báy và so sánh với phong trào nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng Sản: "Nếu Yên Bái nổi lên ở một vài địa phương lẻ tẻ trên chỉ một xứ Bắc Kỳ, thì cao trào (của CS) 1930-1931 phát triển trên toàn quốc, khắp Trung, Nam, Bắc.”

Ghi nhận này của Trần Văn Giàu cho thấy phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là do Đông Dương Cộng Sản Đảng chủ trương chứ không do một vài nhóm địa phương tự động nổi dậy như luận điệu từng được Cộng Sản đưa ra vào một thời gian sau đó.

Cũng qua những ghi nhận của Trần Văn Giàu, một số dư luận báo chí lúc đó không hề thuận lợi cho đảng Cộng Sản, đặc biệt là với phong trào nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trần Văn Giàu trích dẫn một đoạn bài viết của nhà báo Nguyễn Phan Long trên tờ Đuốc Nhà Nam trong số ra ngày 8-8-1930: "Tôi dám chắc rằng trong đám dân biểu tình, ngoài mấy anh đầu đảng ra không nói, còn mấy người sau đều là đám dân ngu khờ khạo bị chúng cám dỗ hết thảy. Thiệt vậy, theo người ở Hốc Môn nói với tôi, có nhiều người ở trong làng xưa nay là dân nghèo khù khờ ngu dại thế mà bị Cộng Sản đến diễn thuyết, nói những lời dưới đất trên trời, làm cho những người ấy hóa ra những người biểu tình rất hăng hái!”

Trần Văn Giàu cũng ghi lại một lời phát biểu in trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn của học giả Dương Bá Trạc “bảo rằng làm cộng sản là những thằng dốt, theo cộng sản là những đứa ngu.”

Tất nhiên, Trần Văn Giàu không tiếc lời công kích hai tờ báo trên và mạt sát hai cây bút lão thành yêu nước Nguyễn Phan Long và Dương Bá Trạc là "những tôi tớ trung thành của Pháp, đầu hàng, phản bạn...(7).

Trần Văn Giàu còn công kích cả những người Cộng Sản thuộc nhóm Trotski khi nhóm này in trên tờ Đuốc Vô Sản lời kêu gọi: "Chúng ta bỏ khẩu hiệu chính phủ công nông đi, phải chỉ cho đảng viên thấy rằng sức mạnh của công nhân to lớn hơn sức mạnh của nông dân; cứ trông vào kinh nghiệm công xã Quảng Châu thì đủ rõ…Chỉ có công nhân mới thực hiện được học thuyết Mác.”

Quan điểm cách mạng vô sản thuần túy kể trên là quan điểm Đệ Tứ Quốc Tế vẫn bị gọi bằng cái tên miệt thị là “bọn Tờ-rốt-kít” và Hồ Chí Minh luôn nhắc thủ hạ phải thẳng tay tiêu diệt. Cho nên, Trần Văn Giàu không chỉ công kích tờ Đuốc Vô Sản mà còn khẳng định trong nhóm La Lutte lúc đó cũng chỉ có một người cộng sản là Nguyễn Văn Tạo. Theo Trần Văn Giàu, những người nổi tiếng trong nhóm này như Nguyễn An Ninh vẫn theo chủ trương trung lập còn Tạ Thu Thâu thuộc Đệ Tứ Quốc Tế không phải là Cộng Sản.

Trần Văn Giàu nhấn mạnh Tạ Thu Thâu chỉ là một phần tử Mác-xít tức là người theo chủ nghĩa Marx chứ không phải người Cộng Sản. (8)

Trần Văn Giàu trích dẫn Hà Huy Tập, lúc ấy là tổng bí thư Đông Dương Cộng Sản Đảng, phê bình nhóm La Lutte, (9)  nhất là Tạ Thu Thâu, nông cạn không hiểu thấu chiến lược sách lược đấu tranh, chỉ bám lấy giai cấp vô sản, mà không chú ý vận động các giai cấp khác tham gia đấu tranh: "Như ai nấy đều thấy, Thâu chỉ co lại trong cuộc vận động công nhân và quên đứt cái nhiệm vụ giáo dục tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân khác. Chính vì thái độ biệt phái đó mà Thâu hoàn toàn không nói gì đến những nhiệm vụ giải phóng dân tộc của các dân tộc Đông Dương. Phá bỏ những quyền lợi dân tộc tức là làm cho giai cấp vô sản bị cô lập, mà cũng là phản bội chủ nghĩa quốc tế.”

Những xác định này cho thấy Đông Dương Cộng Sản Đảng luôn trung thành với quan điểm của Đệ Tam Quốc Tế, tuy theo đuổi mục tiêu vô sản chuyên chính nhưng chủ trương sách lược triệt để khai thác chủ nghĩa dân tộc để thu hút quần chúng hầu tạo sức mạnh đấu tranh.

Vì thế, hội nghị trung ương kỳ 8 tại Cao Bằng tháng 5-1941 có mặt Nguyễn Ái Quốc mới về nước, đã thông qua nghị quyết "đặt vấn đề dân tộc lên mức cao nhất xưa nay và quả quyết rằng Đảng phải giương cao ngọn cờ dân tộc giải phóng thì mới lãnh đạo được cách mạng đi đến thắng lợi…Nghị quyết của hội nghị trung ương kỳ 8 có ghi: Trong lúc này quyền lợi bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tồn của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa mà quyền lợi bộ phận của giai cấp vô sản đến vạn niên cũng không đòi lại được.” (10)

Nghị quyết này cũng ghi rõ:"Sau khi đánh đuổi Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm lá cờ toàn quốc.”

Theo Trần Văn Giàu, kết quả tại hội nghị phần lớn nhờ sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc – "Người đã khai sinh cho đảng CSVN đầu năm 1930. Cũng là người đã khai sáng cho Việt Minh năm 1941. 12 năm, một dòng tư tưởng xuyên suốt, căn cứ vào học thuyết Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, trong đó sự sáng tạo lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc là một yếu tố quyết định sự thành công.” (11)

Trần Văn Giàu cho rằng Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra lý luận, nhưng vẫn xác định căn cứ vào học thuyết Mác-Lênin về vấn đề dân tộc. Trong khi đó, những phát biểu về Tạ Thu Thâu và nhóm Đệ Tứ Quốc Tế cùng những tiêu chuẩn gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương cho thấy trên thực tế, mọi điều gọi là sáng tạo đều phải thể hiện đường lối do Đệ Tam Quốc Tế ấn định, trong đó điểm nổi bật là sách lược giai đoạn vận dụng chủ nghĩa dân tộc làm một chiêu bài tranh đấu.

Chính với chiêu bài này, Cộng Sản Việt Nam đã thu hút được quần chúng để có thể mau chóng phát triển ảnh hưởng trong thời điểm 1945.

Trần Văn Giàu kể lại hiệu quả thuyết phục dư luận của chiêu bài hiển hiện qua sự kiện một số đông người cầm bút đương thời đã không ngần ngại tham gia hội văn hóa cứu quốc với đường lối nghệ thuật phục vụ chính trị, vì chính trị đã được khéo léo đồng hóa với lòng yêu nước – Lần lượt Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi được tổ chức vào hội, rồi đến lượt Huy Cận, Xuân Diệu. Mọi người đều thấy rằng trong bầu không khí tiền khởi nghĩa, hơn bao giờ hết, văn học nghệ thuật phải ra sức phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng… Đi với đảng, đi với cách mạng…, về với nhân dân nhà văn hóa không mất gì hết. (12)

Trong thực tiễn hành động, Trần Văn Giàu ghi lại một thủ đoạn lộng giả thành chân của Cộng Sản khôn ngoan không kém việc mượn chiêu bài yêu nước. Thủ đoạn này đã giúp Mặt Trận Việt Minh khoa trương gấp bội thực lực yếu kém lúc đó. Minh chứng cụ thể do Trần Văn Giàu nêu ra là một số cán bộ Việt Minh đã biến cuộc mít tinh do hội Công Chức của chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tại Hà Nội thành cuộc mít tinh của Việt Minh cướp chính quyền bằng hành động đơn giản là cướp diễn đàn – … đoàn thanh niên tiền tuyến của chính quyền bù nhìn họp mít-tinh ở nhà hát lớn thành phố (Hànội), nhưng ở đó thì chiến sĩ Việt Minh lên giành diễn đàn. Ngoài phố, nhiều nơi bắt đầu treo cờ đỏ sao vàng. (13)

Đó là cuộc mít-tinh tổ chức ngày 17-8-1945 vẫn được gọi là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội. Trần Văn Giàu cho biết số người dự mít-tinh lúc đầu là 20 ngàn do hội công chức của chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức.

Khi Việt Minh biến cuộc mít-tinh thành tuần hành thì càng lúc càng đông lên tới 50 ngàn… Lúc đó cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu của Việt Minh đã đầy dẫy khắp nơi.

Bí thư thành ủy Cộng Sản Hà Nội lúc đó là Nguyễn Khang chỉ huy kế hoạch cướp đoạt này đã đổi khẩu hiệu "đánh đuổi giặc Nhật” thành khẩu hiệu "Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc độc lập của dân tộc Việt Nam” cho phù hợp với tình thế.

Về thái độ của triều đình Huế, Trần Văn Giàu xác nhận Bảo Đại không chịu theo ý kiến của người Nhật muốn giúp nhà vua chận đứng các hành động của Việt Minh cho nên "tối 22-8, khi thanh niên Huế hạ cờ quẻ ly ở kỳ đài, kéo cờ sao vàng lên thì nhà vua bực dọc hối tiếc đã từ chối sự can thiệp của quân Nhật. Tiếc mấy cũng trễ rồi.” (14)

Trần Văn Giàu cũng tiết lộ Việt Minh đã thủ tiêu Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi vì hai nhân vật này khuyên Bảo Đại không nên thoái vị mà Trần Văn Giàu gọi là xúi bậy. (15)

Tóm lại, qua tác phẩm Sự phát triển tư tưởng tại Việt Nam, Trần Văn Giầu đã ghi lại một số sự kiện không được các cây viết chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam nhắc đến như thủ thuật “cướp” chính quyền tháng 8-1945 bằng cách cướp micrô, biến cuộc mít-tinh 20 ngàn người của chính phủ Trần Trọng Kim thành của Việt Minh; như việc Đệ Tam Quốc Tế có thư gửi cho ba đảng cộng sản chỉ thị phải hợp nhất. (16)

Quan trọng hơn hết là Trần Văn Giàu đã cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh trên thực tế không vượt khỏi cái khuôn đã được Đệ Tam Quốc Tế đúc sẵn và Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập là do chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế và chỉ là một chi bộ của tổ chức này.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 32

(01)  Xin xem Phản Tỉnh, Phản Kháng, Thực Hay Hư của Minh Võ, Thông Vũ xb 1998, Cali. Chương 19.

(02)  T-III: Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM. Nxb TP.HCM, 1993.

(03)-(04)-(05)-(06)-(07)-(08)  SĐD  tr. 88, 144, 169, 175, 258, 315

(09) Tên một tờ báo xuất bản tại SàiGòn do Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu chủ trương được dùng để gọi tên của nhóm này là Nhóm Tranh Đấu, theo nghĩa tiếng Việt.

(10)-(11)-(12)-(13)-(14)-(15)  SĐD tr. 511, 518, 551-553, 688, 700, 697

(16)  Về việc này, trong cuốn Bước Ngoặt Vĩ Đại của Đảng Cộng Sản Việt Nam xuất bản đầu thập niên 60 Lưu Quý Kỳ còn in bản chụp bức thư bằng Pháp văn. Như vậy, rõ ràng Hồ Chí Minh chỉ là đại diện Quốc Tế CS chứng kiến việc thống nhất đảng hay tái sinh đảng, hay thành lập đảng CS Việt Nam. Xin đọc thêm  Sách Lược Xâm Lăng của CS, tác giả tái bản năm 1970, tại Sài Gòn, trang 107.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:31 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong