HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 31*
 

NGUYỄN THỊ BÌNH và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng MNVN

 

Nguyễn Thị Bình, từng là Phó Chủ Tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trước 1975 là Bộ Trưởng Ngoại Giao trong Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và trong 4 năm có cuộc hòa đàm Paris là trưởng đoàn  đàm phán của chính phủ trên.

Được biết bà là cháu ngoại của nhà cách mạng ôn hòa Phan Chu Trinh. Trong thời gian hội nghị tại Paris, bà nói với ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm, rằng bà không phải đảng viên cộng sản.

Nhưng đây cũng chỉ là cách nói của Hồ Chí Minh với các tướng lãnh Trung Hoa Quốc Đân Đảng vào thời gian Hồ Chí Minh ở Hoa Nam. Trên thực tế, trong nhiều tài liệu của Cộng Sản Việt Nam vẫn thấy viết hai chữ đồng chí trước tên Nguyễn Thị Bình. (1)

Năm 2001, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, phát hành cuốn hồi ức tựa đề Mặt trận dân tộc giải phóng – Chính phủ cách mạng lâm thời tại hội nghị Paris về Việt Nam nói về cuộc hòa đàm trên. Tên tác giả ghi trên bìa sách là Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả vì sách gồm bài viết của 24 tác giả hầu hết là thành viên phái đoàn Giải Phóng Miền Nam tham dự hội nghị. Tác phẩm dày gần 700 trang khổ lớn, trong đó bài của Nguyễn Thị Bình chiếm 140 trang, không kể hình ảnh.

Tác giả kể lại diễn biến tuần tự của cuộc hòa đàm và những việc làm của mình trong 4 năm đó. Như hết thẩy các tác giả Cộng Sản khác, Nguyễn Thị Bình cũng không thiếu những lời tự tâng bốc bên cạnh những lời đả kích đối phương. Tuy nhiên, so với các tác giả khác, Nguyễn Thị Bình tương đối có lối viết và ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn.

Ngoài ra, tác phẩm cũng ghi lại nhiều sự việc cụ thể cần thiết cho việc tham khảo để tìm hiểu vấn đề, chẳng hạn một số văn kiện quan trọng đã được nêu ra trong các phiên họp làm đề tài thương thảo như bản đề nghị 8 điểm của Nguyễn Thị Bình mà tác giả tự khoe là được cả thế giới hoan nghênh, kể cả báo chí tại Sài Gòn cũng phổ biến khiến Tổng Thống Nixon phải nêu đề nghị 5 điểm. (2)

Trong tập hồi ức, Nguyễn Thị Bình không nói nhiều về Hồ Chí Minh có lẽ vì hội nghị chỉ vừa khai diễn hơn ba tháng thì Hồ Chí Minh đã qua đời và cũng có thể vì Nguyễn Thị Bình muốn tránh đề cập đến mối tương quan với Cộng Sản như chính bà vẫn lên tiếng phủ nhận.

Dù vậy, Nguyễn Thị Bình vẫn nhắc đến Hồ Chí Minh và không quên bày tỏ tình cảm kính yêu đối với lãnh tụ mỗi khi có dịp đề cập tới. Xin trích vài đoạn ở những trang Nguyễn Thị Bình viết về Hồ Chí Minh:

“Ngày 2-9-1969, Bác Hồ mất. Tôi cùng anh Xuân Thủy và một số anh chị em trong hai đoàn gấp rút về nước chịu tang Bác. Cả nước đau buồn... (3) Bao giờ mới lại có dịp trở lại Paris, thăm ngõ Compoint, nơi Bác Hồ đã sống, khi Người đi tìm đường cứu nước hơn nửa thế kỷ trước đó và đã đưa dân tộc ta đến vinh quang rực rỡ này... (4)  Năm tháng trôi qua, càng nhớ lại càng thấm sâu đường lối lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Bác Hồ và của Đảng ta phản ánh và đáp ứng khát vọng thiết tha của nhân dân miền Nam “luôn luôn trong trái tim Người” như Bác từng nói... (5)  Thực tế đó càng khẳng định tính chất đúng đắn của chủ trương lớn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mà Bác Hồ và Đảng đã vạch ra cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau.” (6)

Những dòng viết trên có thể bảo chính là lời phủ nhận rõ rệt nhất sự minh xác của Nguyễn Thị Bình rằng mình không phải người Cộng Sản và cũng không có liên quan với Cộng Sản, nhưng tác phẩm chỉ được đưa ra vào năm 2001 nên Nguyễn Thị Bình không e ngại về sự lộ chân tướng, còn việc lường gạt dư luận thì người Cộng Sản luôn coi là một hành vi bình thường nên không hề lúng túng khi làm ngược lại điều mình đã nói.

Có lẽ vì thế mà khi đề cập đến việc thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Thị Bình đã ghi lại nhiều sự việc chứng tỏ tổ chức này không hề khởi phát từ những người miền Nam yêu nước như Cộng Sản luôn rêu rao suốt nhiều năm tháng trước.

Về nguồn gốc tổ chức này, Nguyễn Thị Bình viết: “Bác và Đảng thấy rằng đã đến lúc cần có một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi ở miền Nam...(7)

Nguyễn Thị Bình gần như trả lời thẳng cho những người vẫn nói Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là tổ chức của những người miền Nam chống đối với chế độ Ngô Đình Diệm rằng họ đã hoàn toàn mù mịt về thực tế diễn ra trước mắt. Nguyễn Thị Bình còn nêu thêm một chi tiết cụ thể về địa điểm ra đời của mặt trận này là một khu rừng qua lời xác nhận đại hội thành lập mặt trận đã được “mở tại một khu rừng thuộc xã Tân Lập, huyện châu thành, trong vùng giải phóng Tây Ninh”  (8)

Kể về việc hòa đàm, Nguyễn Thị Bình cho biết đã nhiều lần về nước tham khảo ý kiến của các giới lãnh đạo, và nói rõ là về Hà Nội, để kết luận về động cơ đưa đến thắng lợi tại hội nghị Paris: “Bao trùm lên tất cả, nhân tố thắng lợi quyết định hơn hết, là đường lối đúng đắn và sáng suốt của Bác Hồ và của Đảng....”

Hơn một trăm trang hồi ký của Nguyễn Thị Bình đã nêu bật hai điểm cụ thể mà hầu hết những tác giả Tây Phương khi viết về tình hình Việt Nam luôn né tránh hoặc đề cập một cách quanh co.

Chẳng hạn Gerald C. Hickey cố chứng minh ngay từ năm 1958 tại miền Nam đã có tổ chức hoạt động chống chế độ Ngô Đình Diệm là Mặt Trận Giải Phóng và Harold Hinton thuộc đại học George Washington thì đi xa hơn nói hoạt động chống đối đã có từ 1957 trong khi Jean Lacouture cho rằng Mặt Trận Giải Phóng được thành lập do cùng thỏa thuận với nhau hàm ý diễn tả tổ chức này mang tính tự phát tại miền Nam được sự tán đồng ủng hộ của Cộng Sản miền Bắc.

Nguyễn Thị Bình đã nói rõ tổ chức này chỉ do Bác và Đảng thấy rằng đã đến lúc cần có nó và sai cán bộ kiếm một khu rừng để dựng cái tấn kịch ra mắt cho nó. (9)

Điểm cụ thể thứ nhất được nêu lên là tính chất công cụ của tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam để phát động cuộc chiến tại miền Nam và vai trò bù nhìn của tổ chức này tại hoà đàm Paris vì đường lối đấu tranh luôn luôn nằm trong tay giới lãnh đạo Đảng tại miền Bắc.

Điểm cụ thể thứ hai là suốt thời gian giữ vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao của Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam và trưởng đoàn ngoại giao tại hòa đàm Paris, Nguyễn Thị Bình chưa bao giờ đặt chân về miền Nam để tham khảo ý kiến của bất kỳ nhân vật lãnh đạo nào của tổ chức này.

Con đường quen thuộc của Nguyễn Thị Bình trong thời gian đó là Paris – Hà Nội qua hai trạm dừng chân là Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh.

Trên lộ trình đó, Nguyễn Thị Bình cho biết đã được tiếp đón, gặp gỡ bởi nhiều lãnh tụ Cộng Sản và đương nhiên đó là những người góp phần quyết định từng đường đi nước bước tại hòa đàm Paris cho phái đoàn do bà hướng dẫn.

Cuốn sách cũng ghi lại nhiều sự việc được coi là biểu hiện tài trí của nhân viên phái đoàn, nhất là trong các trường hợp khó khăn bất ngờ. Chuyện được kể lại là chuyện của Lý Văn Sáu, phát ngôn viên phái đoàn do Nguyễn Thị Bình cầm đầu.

Trong một lần đối mặt, một nhân viên phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa hỏi Lý Văn Sáu: “Ông thử cho biết vùng giải phóng của các ông ở chỗ nào tại miền Nam”. Lý Văn Sáu lâm thế lúng túng nhưng lập tức tìm ngay được câu trả lời: “Là những nơi mà máy bay Mỹ ném bom bắn phá đó”.

Ngoài hoạt động trong hòa đàm, sách còn ghi lại nhiều hoạt động bên lề cuộc hòa đàm kéo dài 4 năm như các cuộc thăm viếng, họp mặt có tính cách vận động dư luận chính giới và quần chúng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Những hoạt động này cũng giúp Cộng Sản Việt Nam gặt hái nhiều kết quả trong đó phải kể trước hết là lôi cuốn được sự ủng hộ của một số người nổi tiếng như nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaud, diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda… và do đó đã tạo được một dư luận thuận lợi trong vận động quần chúng.

Nguyễn Thị Bình và các đồng tác giả chỉ nhắm kể lại hoạt động của mình thay vì nói về lãnh tụ, nhưng những dòng chữ của Nguyễn Thị Bình đã xác nhận mọi hoạt động đều không nằm ngoài hướng chỉ đạo của Hồ Chí Minh.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 31

(01)  Hội nghị Paris họp từ 25-1-1969 đến 27-1-1973, đúng 4 năm, có 174 phiên họp. Bốn phái đoàn ngồi quanh chiếc bàn tròn đường kính 8 mét. Trưởng đoàn Mỹ lúc đầu là Cabot Lodge, kế tiếp là Porter... Trưởng đoàn Việt Nam Cộng Hòa là Phạm Đăng Lâm, trưởng đoàn Bắc Việt là Xuân Thủy rồi tới Nguyễn Duy Trinh, trưởng đoàn GPMN là Trần Bửu Kiếm trong vài tháng rồi đến Nguyễn Thị Bình với nhiều thành viên phụ nữ như Nguyễn Thị Chơn, Phạm Thanh Vân, Phan Thị Minh và cô Hằng.... Bốn người ký hiệp định là ngoại trưởng Mỹ William Rogers, ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm, ngoại trưởng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Nguyễn Duy Trinh và bộ trưởng ngoại giao chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình. Ngoài ngoại trưởng Trần Văn Lắm, bà còn nói với nhiều người khác, trong đó có cả nhà văn Pháp Michel Tauriac và nhà văn này đã ghi lại lời nói của bà trong tác phẩm Vietnam, le dossier noir du Communisme.

(02)  Nguyễn Thị Bình nhắc đi nhắc lại đề nghị được báo chí Pháp và thế giới gọi là “8 điểm của bà Bình”. 8 điểm đó là:

1– Mỹ rút quân,

2– Vấn đề quân sự Nam Việt Nam do các bên VN giải quyết,

3– Sẵn sàng nói chuyện với một chính quyền Sài Gòn không có Thiệu–Kỳ–Khiêm,

4– Lập chính phủ Liên Hiệp lâm thời rộng rải,

5– Thành phần chính phủ này,

6– Hai miền lập quan hệ bình thường,

7– Biện pháp bảo đảm thi hành các thỏa thuận,

8– Thể thức ngừng bắn.

     Đề nghị 5 điểm của tổng thống Nixon là:

1– Ngừng bắn toàn Đông Dương và giữ nguyên trạng,

2– Hội nghị hòa bình về ĐD,

3– Bàn lịch rút quân Mỹ,

4– Giải pháp chính trị trên 2 nguyên tắc: ý chí nhân dân miền Nam, tương quan lực lượng ở miền Nam,

5– Thả ngay và không điều kiện toàn bộ tù binh.

(03)-(04)-(05)-(06)-(07)-(08)  SĐD  tr. 56, 124, 135, 136, 23, 24

(09) Về nguồn gốc và thực chất của Mặt Trận này, chúng tôi đã nói trong cuốn Sách Lược Xâm Lăng của CS, Sài Gòn, 1963 & 1970, từ trang 134 -143, chương “Trường Chinh đặt tên và Xuân Thủy “công nhận” MTDTGPMN”
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:29 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong