HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 30*
 

VÕ NGUYÊN GIÁP và Những năm tháng không thể nào quên


Ngoài 5 cuốn sách viết về Bác Hồ và tư tưởng Hồ Chí Minh (1), Võ Nguyên Giáp còn có cuốn hồi ức Những năm tháng không thể nào quên, ra mắt ít tháng sau khi Hồ Chí Minh chết. (2)  Trong cuốn hồi ức này, tác giả gần như không nói về mình mà chủ yếu nói về Hồ Chí Minh. Gần như trang sách nào cũng đầy dẫy những chữ  “Bác”“Hồ chủ tịch” hoặc “Người” viết hoa, có những trang nhắc tới cả chục lần những chữ như vậy. Cùng với lời lẽ tán dương, tác giả cố chứng minh Hồ Chí Minh là “nhà chiến lược đại tài” bằng cách thuật lại những chặng đường đầy khó khăn từ khi Mặt Trận Việt Minh ra đời ở hang Pac Bó cho đến khi chiến cuộc bùng nổ ngày 20-12-1946.

Khó khăn đầu tiên được Võ Nguyên Giáp nhắc tới là sự có mặt 180 ngàn quân Trung Hoa Dân Quốc tại Bắc Việt với nhiệm vụ giải giới quân Nhật theo quy định của hội nghị Potsdam.

Sự hiện diện của đội quân này khiến tổ chức Việt Minh lâm tình trạng bị đe dọa bởi các lực lượng quốc gia như Việt Cách – tức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội – của Nguyễn Hải Thần và Việt Quốc – tức Việt Nam Quốc Dân Đảng – của Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh.

Những tổ chức quốc gia tranh đấu này từng hoạt động tại Hoa Nam, có ảnh hưởng lớn với quốc nội thuở đó và được sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Những tổ chức này không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản và có thực lực mạnh hơn so với Mặt Trận Việt Minh nên đã đặt Hồ Chí Minh vào thế khó giữ nổi quyền lực vừa nắm được.

Võ Nguyên Giáp không trình bày thực tế này mà chỉ nói chung chung về khó khăn do sự có mặt của quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Võ Nguyên Giáp cũng không nhắc tới thủ đoạn đối phó đầu tiên của Hồ Chí Minh là kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, đưa ra chiêu bài chính phủ liên hiệp rồi vận động mua chuộc các tướng lãnh Trung Hoa tạo áp lực thúc đẩy Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh chấp nhận “liên hiệp” với Hồ Chí Minh.

Thay cho những sự thực đó, tác giả liên tục nhục mạ các nhân vật trên, gọi là “những tên đầu trâu mặt ngựa… tay sai của quân Tưởng” và đẩy cho các tướng lãnh Trung Hoa chủ mưu việc đòi chia xẻ quyền hành – Bọn quân phiệt Quốc Dân Đảng Trung Hoa sắp sẵn những con bài, gồm những tên tay sai người Việt ở Trung Hoa như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam... Chúng tự nhận là người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào mũi súng quân Tưởng để kiếm sống. (3)

Thái độ hằn học của tập đoàn lãnh đạo Việt Minh lúc đó được chính tác giả ghi lại qua sự việc "có đồng chí nghe tin Nguyễn Hải Thần được giữ chức cao trong chính phủ, vội chạy tới, xin gặp Bác, nêu thắc mắc. Bác không giải thích nhiều chỉ hỏi: – Phân có dơ không? Nhưng dùng bón lúa tốt thì có dùng không?” (4) Tác giả nhắc tiếp một lời khuyên của Hồ Chí Minh: “Thấy vẻ bất bình của chúng tôi, Bác nhắc lại, cần phải biết kiên nhẫn chịu đựng, giữ hòa hoãn với quân Tưởng để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính.” (5)

Lời nói của Hồ Chí Minh được Võ Nguyên Giáp nhắc ở đây cho thấy Cộng Sản Việt Nam không hề coi các đội quân ngoại quốc có mặt tại Việt Nam là kẻ thù mà coi chính những người Việt Nam yêu nước thuộc hàng ngũ quốc gia mới là kẻ thù thực sự. Từ đây, việc vận động Trung Hoa rút quân khỏi Bắc Việt rõ ràng chỉ nhắm tháo gỡ một thế lực yểm trợ cho các lực lượng quốc gia chứ không nhắm mục đích loại bỏ quân đội ngoại bang khỏi đất nước.

Thực tế này được nói rõ bằng việc Hồ Chí Minh ký Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946 với Pháp cũng qua chính lời kể của Võ Nguyên Giáp về việc hiệp ước thuận cho Pháp đưa 15 ngàn quân vào Bắc Việt: “Hơn một vạn quân Pháp vào thì gần hai chục vạn quân Tưởng sẽ phải rút đi”. (6) Hồ Chí Minh và Thường Vụ Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam trong buổi họp 9-3-1946 đánh giá Hiệp Ước là một thắng lợi – Đẩy ra khỏi đất nước mười tám vạn tên chống Cộng khét tiếng…, cách mạng đã gạt đi một kẻ thù hết sức nguy hiểm, trút đi một gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần.(7)

Rõ ràng mối ưu tư lớn của Cộng Sản Việt Nam là sự đe dọa bị chia xớt quyền lực chứ không phải sự có mặt quân đội ngoại bang trên đất Việt Nam. Sự đe dọa này giảm nhẹ hẳn khi các lực lượng quốc gia thiếu hỗ trợ của quân Trung Hoa Dân Quốc và hứa hẹn mất hẳn khi quân Pháp xuất hiện, do thái độ đối kháng giữa người Pháp và các lực lượng Việt Nam yêu nước.

Tình hình diễn biến sau đó còn nói rõ hơn về thành quả mà Cộng Sản thu được khi quân đội Pháp đóng tại nhiều thành phố miền Bắc có hành vi hỗ trợ cho Cộng Sản tấn công hoặc trực tiếp tấn công các lực lượng quốc gia yêu nước. (8)  Khi bùng nổ cuộc chiến Việt – Pháp, đa số người tìm hiểu vấn đề chỉ lưu tâm đến việc Hồ Chí Minh lên tiếng kêu gọi toàn dân kháng chiến vào đêm 19-12-1946 và quên bẵng là chính Hồ Chí Minh đã ký bản thỏa ước 6-3-1946 cho phép Pháp đưa quân vào Việt Nam không vì mục đích nào khác hơn là dựa vào đó để loại trừ khỏi chính trường những người Việt Nam yêu nước.

Qua những điều do Võ Nguyên Giáp ghi lại, người đọc thấy rõ Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam đã tính toán rất kỹ về mọi mặt lợi hại của việc ký bản Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946 chứ không phải là một hành vi lỡ lầm hoặc chỉ đơn thuần là cần được Pháp gián tiếp nhìn nhận trên pháp lý về tính hợp pháp của chính phủ Hồ Chí Minh.

Lúc đó Pháp và Trung Hoa vừa ký bản hiệp ước 28-2-1946 quy định Pháp thuận trả lại Trung Hoa một số tô giới để đổi lấy việc Trung Hoa rút quân khỏi Bắc Việt nhường vai trò giải giới quân đội Nhật tại đây cho Pháp.

Với bản hiệp ước này, Pháp giải trừ được trở lực Trung Hoa để có thể tiến hành tái chiếm Đông Dương. Nhưng, bản hiệp ước sẽ không thể giúp ích cho Pháp, nếu Việt Nam cương quyết bác bỏ việc quân Pháp trở lại Bắc Việt. Các lực lượng quốc gia đã vận động dư luận đòi hỏi chính phủ Hồ Chí Minh không điều đình, không ký kết với Pháp.

Võ Nguyên Giáp viết: “Rất nguy hiểm là bọn Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Chúng làm ra bộ những người cách mạng hăng hái nhất. Chúng cố tìm cách khích động quần chúng bằng những khẩu hiệu: Không điều đình với ai hết. Thắng hay là chết… Chúng muốn phá cuộc đàm phán giữa ta và Pháp. Âm mưu của chúng là cố đẩy ta chống lại hiệp ước Hoa – Pháp … là cái cớ cho cả Tưởng và Pháp câu kết với nhau để diệt cách mạng(9)

Võ Nguyên Giáp cho biết Thường Vụ Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp vào ngày 3.3.1946 để phân tích tình hình và định chủ trương là hòa với Pháp.

Kế tiếp, cũng theo Võ Nguyên Giáp, phiên họp Thường Vụ Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 9-3-1946 đã đánh giá hiệp ước là một thắng lợi và “cần hết sức lợi dụng thời gian quý báu này để củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt làm cơ sở cho cuộc đấu tranh lâu dài” (10)

Khi đề cập tới những khó khăn do sự có mặt của quân đội Trung Hoa tại Việt Nam, Võ Nguyên Giáp đã hơn một lần cho thấy nỗ lực của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ gắn vào mục đích duy nhất là dành quyền lực cho Cộng Sản tại vùng đất này còn mục đích tranh thủ độc lập chỉ có tính cách chiêu bài để thu hút dân chúng.

Võ Nguyên Giáp viết: “Đầu tháng Chín, Bác ra mắt nhân dân với danh hiệu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bí danh Bác đã dùng mấy năm trước để che mắt bọn Quốc Đân Đảng Trung Hoa. Những người cách mạng đã qua thời kỳ ẩn náu, lẩn tránh về sống giữa đồng bào, nhưng mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Những cán bộ của Đảng chưa ra làm việc công khai. Hầu hết các đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh(11)

Trong phân định bạn – thù, Võ Nguyên Giáp ghi lại: “Đồng bào ta được sự giáo dục của Đảng từ lâu, đã biết Hồng Quân Trung Hoa mới là bạn của ta. Quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chính là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Trung Quốc, cũng là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Việt Nam(12)

Võ Nguyên Giáp ghi lại nhiều sự kiện nêu rõ tài trí của Hồ Chí Minh mà tác giả xưng tụng là “nhà chiến lược đại tài”. Bởi, ngay lúc xác định rõ thế đứng, Hồ Chí Minh vẫn tung ra khẩu hiệu “Hoa –Việt thân thiện” để tiếp đón các tướng lãnh Trung Hoa Dân Quốc.

Đi sâu hơn vào chi tiết chứng minh mức tài trí của lãnh tụ, Võ Nguyên Giáp viết: “Bọn tướng lĩnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa vào miền Bắc thuộc nhiều phe cánh khác nhau… Chúng giống nhau ở chỗ cùng chống Cộng, nhưng vì bên trong chúng có mâu thuẫn nên thái độ phản động của chúng đối với  cách mạng Việt Nam cũng ít nhiều khác nhau… Nhiều tên chỉ giữ chức phó tướng hoặc xứ trưởng là những chức thấp, nhưng lại có quyền hành và thế lực. Có tên nhờ người vợ đẹp, lịch thiệp, tiêm thuốc phiện khéo, các tướng lĩnh thường lui tới nhà nên trong nhiều việc, y đều có thể trở thành người môi giới đắc lực. Không hiểu sao Bác phát hiện ra rất sớm những viên quan nhỏ thuộc loại này. Bác chỉ thị cho các cán bộ làm công tác ngoại giao có đối sách thích hợp với từng tên…Với một sự  nhạy cảm lạ thường, Bác dường như thấu hiểu mọi trạng thái tư tưởng, tình cảm của kẻ thù. Bác đã vận dụng một cách vô cùng sắc bén những đối sách cụ  thể với từng loại kẻ địch, với từng tên”. (13)

Võ Nguyên Giáp không nêu rõ từng việc làm nhưng cho thấy Hồ Chí Minh vận dụng mọi phương tiện từ vàng bạc, tiền tài, gái, thuốc phiện… hối lộ các tướng lãnh Trung Quốc để họ áp lực với các đảng phái đối lập chịu đứng chung trong chính phủ Liên Hiệp, hòng đánh tan ngờ vực của các nước đồng minh về tính chất Cộng Sản của mặt trận Việt Minh.

Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng bắt tay với Pháp bất chấp lúc đó Pháp đang đánh chiếm miền Nam để củng cố quyền lực cho đảng Cộng Sản mà chính ông ta tuyên bố giải tán từ ngày 11-11-1945 nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục hoạt động như Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ với nhiều phiên họp Thường Vụ Trung Ương Đảng trong tháng 3-1946.

Khó khăn kế tiếp tất nhiên là khó khăn với Pháp, vì vào thời điểm đó, Pháp chưa từ bỏ ý định trở lại Việt Nam. Hồ Chí Minh mở đường cho Pháp đưa quân hợp pháp vào miền Bắc nhưng cũng biết chắc không thể duy trì sự hòa hoãn.

Cho nên bản nghị quyết của Thường Vụ Trung Ương Đảng ngày 9-3-1946 đã ghi rõ là Hòa để Tiến và hướng hoạt động trong thời gian này của Việt Minh là một mặt kéo dài thời gian hòa hoãn với Pháp, một mặt tích cực khai thác tinh thần yêu nước bồng bột của dân chúng để tổ chức cơ sở Đảng.

Do đó, Hồ Chí Minh đã sang Pháp theo dõi cuộc hòa đàm Fontainebleau và ký thêm một bản thỏa ước bất lợi khác cho Việt Nam là thỏa ước 14-9-1946 nhưng có lợi cho đảng Cộng Sản là thêm một lần nữa được chính giới Pháp nhìn nhận thế lãnh đạo hợp pháp tại Việt Nam.

Đây cũng là thời gian Hồ Chí Minh nỗ lực thu phục cảm tình của Việt kiều tại Pháp đồng thời sắp xếp cho thủ hạ ở trong nước tiêu diệt các lực lượng đối lập hầu củng cố quyền lực cho đảng Cộng Sản.

Nói về hoạt động của Hồ Chí Minh trong thời điểm này, Võ Nguyên Giáp ghi lại những mẩu chuyện nhỏ, những cử chỉ đơn sơ nhiều ý nghĩa mà Hồ Chí Minh đã thể hiện cùng những cuộc tiếp đón long trọng mà chính giới Pháp dành cho Hồ Chí Minh bên cạnh những khó khăn của hội nghị Fontainebleau.

Khó khăn lớn nhất mà Hồ Chí Minh phải đối đầu vẫn là thái độ e dè với Cộng Sản. Trong chương 9, Võ Nguyên Giáp nhắc lại một chỉ thị của thủ tướng Pháp Bidault trao cho trưởng đoàn Max André: “Giành cho được mọi sự bảo đảm để cho trên lãnh vực đối ngoại Việt Nam không thể trở thành một quân cờ mới trong ván cờ Xô Viết.”

Đây chính là yếu tố khiến nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng tình hình Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác nếu Hồ Chí Minh là một người quốc gia yêu nước, không lệ thuộc Liên Xô. Bởi vì trong trường hợp này, ngay cả những phần tử Pháp mang nặng chất thực dân nhất cũng không dễ dàng vận dụng chiêu bài chống Cộng để theo đuổi mục tiêu tái chiếm Việt Nam bằng quân sự. Trên thực tế, Hồ Chí Minh cố che đậy nhưng như Võ Nguyên Giáp xác nhận “kẻ thù vẫn nhận ra ta” (14).

Cho nên, chính những người Pháp chống lại chủ trương thực dân vẫn không muốn tiến tới thỏa hiệp với Hồ Chí Minh do biết rõ vai trò cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế, dụng cụ bành trướng thế lực của Liên Xô mà khối Tây Phương, nhất là Mỹ đang e ngại. Vì thế hội nghị Fontainebleau đi vào ngõ bí và Hồ Chí Minh đã tìm ra lối thoát cho riêng uy quyền của bản thân và Cộng Sản Việt Nam bằng cách ký thỏa ước 14-9-1946 bất chấp hậu quả sẽ biến Việt Nam thành vấn đề riêng của Pháp.

Võ Nguyên Giáp tả lại cuộc tiếp đón linh đình dành cho Hồ Chí Minh khi từ Pháp trở về biểu hiện một chuyến đi thành công lớn. Võ Nguyên Giáp hoàn toàn có lý với cương vị một cán bộ Cộng Sản và một thủ hạ của Hồ Chí Minh.

Nhưng chuyến đi thành công lớn của Hồ Chí Minh đã được các chuyên gia đánh giá chỉ là cho phép người Pháp không còn e ngại trong việc tiến hành các hành vi quân sự tái chiếm Việt Nam vì theo thỏa ước 14-9-1946, Việt Nam đã trở thành chuyện nội bộ của nước Pháp. Trong vòng 6 tháng, Hồ Chí Minh đã tạo được hai thành tích: thứ nhất, cho phép quân Pháp vào Việt Nam và thứ hai, nhìn nhận quyền nổ súng của quân Pháp trên đất nước này! Tất nhiên, Hồ Chí Minh đã thấy những hậu quả đó, nhưng ông ta cứ bước tới vì nói như Sainteny là Hồ Chí Minh không còn chọn lựa nào khác để duy trì quyền lực cho Mặt Trận Việt Minh, đúng hơn là cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Quyền lợi của Đảng trước mắt những người Cộng Sản luôn lớn hơn so với quyền lợi dân tộc nên để bảo vệ quyền lợi của Đảng,  đất nước đã bị đẩy tới trước họng súng ngoại xâm.

Chọn lựa trên của Cộng Sản Việt Nam còn hiện ra rõ hơn qua những dòng thuật lại của Võ Nguyên Giáp về thành tích “chận đứng những hoạt động chống phá” tức là hành vi thanh toán các lực lượng đối lập để củng cố quyền lực. (15)

Võ Nguyên Giáp viết: "… Ngày 11 tháng Bảy, Thường Vụ được các đồng chí ở Nha Công An báo cáo: Bọn phản động Việt Nam Quốc Dân Đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng dự định cho tay chân phục sẵn, bắn súng, ném lựu đạn vào binh lính Pháp… Sau khi đã nắm rõ âm mưu của bọn phản động, Thường Vụ chủ trương chỉ thị cho Nha Công An nhanh chóng hành động dập tắt từ trong trứng những mưu đồ của bọn phản cách mạng. Mờ sáng 12 tháng Bảy, một đơn vị công an xung phong bất thần vào khám trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng tại số 132 phố Minh Khai. Bọn phản động bị bắt tại chỗ cùng với tang vật: một chiếc máy in và những đống truyền đơn còn chưa ráo mực.

7 giờ sáng, Công An Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội… Tại căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa cùng với những vết máu trên tường. Công An ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết. Có những xác bị chặt thành nhiều khúc… Tại trụ sở trung ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở phố Đỗ Hựu Vị (nay là phố Cửa Bắc), ta còn tìm được thêm nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả tử thi của binh lính Pháp… Trong số kế hoạch tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc…” (16)

Võ Nguyên Giáp là kẻ chỉ huy dàn dựng tấn tuồng vu cáo và cũng là kẻ chỉ huy lực lượng Công An Cộng Sản đàn áp những người yêu nước lúc đó. Mãi 25 năm sau, cầm bút ghi lại sự việc, Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nguyên lời lẽ rủa xả theo giọng lưỡi của hạng lưu manh cặn bã đủ cho thấy mức độ thù hận điên cuồng đối với những người khác chính kiến và cho thấy đảng Cộng Sản sẵn sàng vận dụng mọi thủ đoạn đê tiện nhất để lường gạt dư luận.

Và, cũng như Hồ Chí Minh đã thành công trong việc bắt tay hòa hoãn với Pháp, Võ Nguyên Giáp đã thành công trong việc loại trừ khỏi guồng máy lãnh đạo quốc gia những người không chấp nhận Cộng Sản theo diễn tả của chính Võ Nguyên Giáp: “Sau vụ Ôn Như Hầu, những người ngây thơ nhất về chính trị, từ trước đến nay vẫn còn ít nhiều tin vào các luận điệu tuyên truyền bịp bợm của bọn Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng đều tỉnh ngộ(17)

Thực ra, vẫn còn không thiếu người tin tưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng phải câm lặng để bảo toàn tính mạng chờ cơ hội.

Chính vì thế, khi Trung Cộng chiếm xong Hoa Lục, Hồ Chí Minh đã cho mở đợt thanh trừng rèn cán chỉnh quân 1950-1951 và mở thêm đợt thanh trừng cải cách ruộng đất 1953-1955 để tiêu diệt mọi mầm mống chống đối trong dân chúng.

Nhưng đây là chuyện về sau.

Võ Nguyên Giáp giới hạn mức hồi ức của mình chỉ tới ngày 20-12-1946, cho nên những khó khăn mà Hồ Chí Minh phải đối diện chỉ xuất phát từ 3 phía Trung Hoa Dân Quốc, Pháp cùng những người yêu nước và Hồ Chí Minh đã đối phó như thế. Hiệu quả của các phương thức đối phó đã khiến Võ Nguyên Giáp ghi lại trong những dòng cuối sách lời tán tụng tài năng của Hồ Chí Minh: “Hồ chủ tịch là nhà chiến lược vĩ đại đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao bão táp phong ba, đi đến những bến bờ thắng lợi.” (18)

Trước mắt Võ Nguyên Giáp, không chỉ hiển hiện một Hồ Chí Minh tài trí vĩ đại mà còn hiển hiện một Hồ Chí Minh  đạo đức vô song, lý tưởng tuyệt vời:“Một buổi sớm, trời rét. Một đồng chí đến làm việc với Bác, chỉ có chiếc áo mùa hè phong phanh. Bác vào buồng lấy chiếc áo len của mình, đem ra đưa cho đồng chí cán bộ. Về Hà Nội ở Bắc Bộ phủ, trong cương vị chủ tịch nước, cuộc sống của Bác vẫn giản dị, thanh đạm như những ngày hoạt động bí mật ở chiến khu(19)Hạnh phúc cho dân, đó là lý tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người… Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của cách mạng, của chính quyền, của chế độ mới. (20)Ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước... (21) Bác Hồ là nhà yêu nước vĩ đại. Tình yêu nước thương nòi của Người sâu sắc, bao la, không thể lấy gì so sánh được. Bác đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước cứu dân. Ở Bác tập trung những phẩm chất đạo đức của con người mới, của một xã hội mới vừa bắt đầu hình thành.” (22)

Từ những lời tâng bốc tột cùng khi nói về lãnh tụ và từ những lời rủa xả hạ cấp cũng tột cùng khi nói về người khác chính kiến đã hiện lên chân dung một kẻ vừa khúm núm thảm hại vừa vênh váo một cách vô giáo dục. Nhưng hình ảnh này nằm ngoài phạm vi tìm hiểu về một giai đoạn đã qua của đất nước nên không cần thiết lưu tâm. Vấn đề cần lưu tâm chỉ là sự thực hàm chứa trong những lời lẽ ấy. Về điểm này, có thể tìm chứng minh qua một diễn tả khác của Võ Nguyên Giáp về Hồ Chí Minh: “Riêng đôi mắt bác rất sáng, nói lên Người đang suy nghĩ. Từ ngày Bác về Hà Nội, đồng bào đã bàn nhiều về đôi con mắt của Bác. Đôi con mắt mà người ta đã nhìn thấy có hai chấm sáng qua các tấm ảnh.” (23)

Võ Nguyên Giáp cố gợi lại cái huyền thoại mắt Hồ Chí Minh có hai con ngươi mà Cộng Sản đã gieo rắc trong đám đông quần chúng thất học dị đoan thuở đó để gạt mọi người rằng Hồ Chí Minh là một vị Thánh. Tuy Võ Nguyên Giáp đã vận dụng những từ “người ta”“qua các tấm ảnh”, nhưng cái dụng tâm dối gạt không hề mờ nhạt. Lời lẽ của một kẻ mang dụng tâm dối gạt liệu có thể là những lời nói thực chăng? Từ đây cũng không cần bận tâm phân tích thêm về những diễn tả khác đầy rẫy trên các trang sách chẳng hạn mỗi khi Hồ Chí Minh xuất hiện thì “tiếng vỗ tay nổi lên như sấm” còn bất kỳ nhân vật quốc gia nào xuất hiện thì chỉ có “những tiếng vỗ tay rời rạc,  lẻ tẻ ”…

Võ Nguyên Giáp là người có nhiều thời gian theo sát Hồ Chí Minh, từng được gửi vào trường Hoàng Phố, được chính Hồ Chí Minh rèn luyện kỹ lưỡng về kỹ thuật tuyên truyền, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam nên vừa có nhiều chất liệu sống để chọn lựa, vừa có đủ khả năng thực hiện tinh vi việc sắp đặt các sự việc theo trình tự dẫn dắt về một hướng suy luận mong muốn nào đó.

Vì thế Những năm tháng không thể nào quên đã được nhiều người tìm hiểu về Việt Nam coi như một tài liệu tham khảo đáng kể do mức tài liệu chứa đựng. Nhưng cũng cần đánh giá thêm tác phẩm này là một tác phẩm tuyên truyền tinh xảo với hai hướng nhắm rõ rệt là đề cao lãnh tụ và đả phá những người quốc gia yêu nước không chấp nhận Cộng Sản.

Võ Nguyên Giáp không chỉ góp công cho chế độ Hồ Chí Minh bằng tài năng cầm quân của một đại tướng mà còn góp công thêm bằng cả tài năng cầm bút – dù khi viết Những năm tháng không thể nào quên, Võ Nguyên Giáp đã phải dựa vào một nhà báo trung thành của chế độ là Hữu Mai.

Dù sao, Võ Nguyên Giáp không che giấu chân tướng Cộng Sản của lãnh tụ, của bản thân và chế độ miền Bắc lúc đó. Trong từng trang, Võ Nguyên Giáp luôn xác định thế đứng Cộng Sản và bày tỏ thù hận với tất cả những lực lượng không cùng chung con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, người đọc khó giải tỏa thắc mắc về ý nghĩ của Võ Nguyên Giáp vào những ngày cuối đời. Theo nhà văn Cộng Sản Sơn Tùng, Võ Nguyên Giáp là người tuyệt đối tuân theo lời dặn của Bác Hồ “phàm việc gì có ích cho cách mạng thì dù nhỏ nhặt mấy cũng vui lòng làm”.

Tuy nhiên, có khi nào Võ Nguyên Giáp tự hỏi về việc có ích cho cách mạng theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh lại là việc có hại cho đất nước không? Giả dụ có thể bỏ qua luôn cả việc làm hại cho đất nước thì việc có ích cho cách mạng theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh có đem lại điều tốt đẹp nhỏ nhặt nào cho đời sống người dân không? Hai sự việc sát cạnh Võ Nguyên Giáp đã tạo ra ý nghĩ nào? Lời phán xét đại tướng Võ Nguyên Giáp là kẻ “hèn nhát” không dám đối đầu với sự thực do chính vợ ông thốt lên với những người thân và hành vi của con gái đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đất Mỹ làm nơi dung thân thay vì trở về Việt Nam hưởng cuộc sống hạnh phúc mà Hồ Chí Minh gây dựng đã gợi lên ý nghĩ nào trong đầu tác giả Những năm tháng không thể nào quên?
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 30

(01)  Sách thần thánh hóa Hồ Chí Minh do cán bộ CS viết rất nhiều, trong đó có sách của những lãnh tụ cao cấp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài... Riêng Võ Nguyên Giáp có 5 cuốn:

1. Bác Hồ về Tân Trào

2. Hồ chủ tịch, nhà chiến lược đại tài

3. Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng HCM sống mãi

4. Tư tưởng HCM, quá trình hình thành và phát triển

5. Tư tưởng HCM và con đường cách mệnh Việt Nam

(02)  Nxb QĐND, 1970 phát hành lần đầu, 2001 tái bản lần thứ 5.

(03)-(05 )-(06)-(07)  SĐD  tr. 31, 59, 175, 216

(04)  SĐD  tr. 100-102, chuyện kể lại sau khi Nguyễn Hải Thần nhận chức Phó Chủ Tịch Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời do HCM giữ chức Chủ Tịch, trong đó Việt Quốc và Việt Cách được chia giữ hai bộ Kinh Tế và Vệ Sinh.

(08) Trong Government and revolution in Vietnam, Duncanson cho rằng đảng CSĐD không bao giờ là một lực lượng đấu tranh yêu nước mà ngược lại, còn là một lực lượng chống lại những người yêu nước chống thực dân – almost anti-anti-colonial.

(09)-(10)-(11)-(12)-(13)-(14) SĐD  tr.146, 186, 68-69, 30, 85-89, 69

(15) Với thái độ tôn kính đến mức sùng bái Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp không thể chủ xướng mà chỉ có thể do HCM chỉ thị cho thi hành việc này hay ít nhất cũng được sự chấp thuận trước.

(16)  SĐD  tr. 255-258 *  Người ta thường chỉ nhắc những tên tuổi nổi bật, như  lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A, lãnh tụ Đại Việt Trương Tử Anh, các nhà văn Lan Khai, Khái Hưng, những đồng chí và văn hữu của lãnh tụ Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh vv…Thực ra có hàng chục ngàn người yêu nước thuộc phía đối lập đã bị thủ tiêu bằng nhiều cách mà phổ biến  là “mò tôm”, tức bỏ vào bao bố với một tảng đá rồi thả xuống  sông.  Một ông lái đò trên sông Đáy gần chùa Hương đã cho chính người viết biết năm 1946, ông ta từng thấy nhiều vụ thả trôi sông như vậy. Lúc ấy Việt Minh nắm chính quyền, Võ Nguyên Giáp là Bộ Trưởng Nội Vụ nên đảng viên cộng sản nắm lực lượng an ninh  thành phố Hà Nội. Họ cho công an tấn công trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng tại số 7 Ôn Như Hầu (nay là đường Nguyễn Gia Thiều) rồi sau đó tri hô VNQDĐ đã giết 7 người, chôn tại đây. Lúc đó báo Việt Nam là cơ quan ngôn luận của VNQDĐ lên tiếng phủ nhận và tố cáo Việt Minh dàn dựng để kiếm cớ “thanh toán” một tổ chức chính trị quan trọng mà trước đó Hồ Chí Minh khổ công lắm mới mời được cùng đứng chung trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến để tránh bị loại khỏi vũ đài chính trị. Theo một nhân vật Quốc Dân Đảng còn sống thì dịp đó khoảng gần 100 cán bộ VQ đã bị giết. Một số người thoát được, sau vào Nam, trong đó có đại tá VNCH Nguyễn Văn Phúc tục gọi Phúc Khàn.

(17)-(18 )-(19)-(20)-(21)-(22) SĐD  tr. 259, 389, 46, 73-74, 90, 381

(23) Viên trung đội trưởng trung đội vũ trang tuyên truyền đã mang sao đại tướng vẫn giữ giọng tuyên truyền vào cái thời còn cần tô son, trát phấn cho chính quyền non trẻ và vị lãnh tụ ít người biết tên đủ cho thấy mức cực kỳ quan trọng của tuyên truyền đối với CS trong chiến tranh ý thức hệ. Nhưng năm 1970, Võ Nguyên Giáp đã thấy đời sống của dân chúng ra sao? So với thời thực dân, phong kiến dân có hạnh phúc hơn không hay còn cay cực gấp trăm lần? Vậy thì cái ham muốn tột bậc của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước cần phải hiểu ra sao? Về huyền thoại Hồ Chí Minh có con mắt hai đồng tử đã được cho biết phát xu̐

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:28 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong