HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 29*
 

DENIS WARNER và The Last Confucian


The Last Confucian được viết xong tháng 4-1963 và do The MacMillan Company, New York xuất bản cùng năm đó. Sách dầy 275 trang gồm 14 chương, phần nhiều là những bài báo đã được đăng tải, trong đó chương 5 mang tựa đề của tác phẩm, nhắm nói Ngô Đình Diệm là Nhà Nho cuối cùng. Trong lời mở đầu, cũng như Jean Sainteny từng ghi, Denis Warner (*) cho biết mình không phải sử gia mà chỉ là một nhà báo muốn phác họa “bức tranh tổng quát về những biến cố dẫn tới một cuộc chiến trong đó có dính líu đến những chiến binh Mỹ, cố vấn Anh, và vài chuyên gia Úc về chiến tranh rừng rú.”

Chương 2 mang tiêu đề Họ gọi ông ta là Bác Hồ, dành ghi lại kiến thức của Ngô Đình Diệm về chiến thuật Cộng Sản do Mao Trạch Đông đề xướng mà nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam lúc đó cho là rất ít người hiểu, tuy chiến thuật này hết sức đơn sơ.

Denis Warner cho biết chính ông Diệm đã nói với tác giả, chỉ có hai người hiểu tường tận chiến thuật trên là Che Guevara của Cuba và Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tác giả trình bày kiến thức của các nhân vật được đề cập về chiến thuật Cộng Sản Mao Trạch Đông bằng cách tóm gọn trong mấy lời phát biểu:

– Mao Trạch Đông: Chẳng có gì bí nhiệm trong chiến lược đánh bại một lực lượng hùng hậu hơn mình 20 lần.

– Ngô Đình Diệm (sau khi chỉ trên bản đồ để trình bày vắn tắt Hồ Chí Minh đánh thắng Pháp ra sao): Đối với người ngoài phố, đô thị là số một, rồi đến thôn quê, sau nữa mới đến rừng núi. Cộng Sản làm ngược hẳn lại. Chiến lược của họ là rừng núi trước, nông thôn sau rồi tới cô lập thành thị. Những điều ấy rất giản dị, nhưng ít người hiểu rõ.

– Che Guevara (tin rằng): Chỉ một hạt nhân từ 30 đến 50 người đủ để khởi động một cuộc nổi dậy vũ trang kiểu Mao-ít tại bất cứ nước nào ở châu Mỹ.

– Hồ Chí Minh (1927 tại Quảng Đông): Ở Đông Dương chẳng ai hiểu Cộng Sản là gì. (1)  Câu nói này của Hồ Chí Minh, theo tác giả, đã khiến trong một thời gian dài nhiều  người đều tin rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước, chứ không phải Cộng Sản. (2)

Denis Warner không ngờ vực gì về việc Hồ Chí Minh là cán bộ Cộng Sản mà còn nêu rõ những kẻ cầm đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đều xuất phát từ tổ công tác của Hồ Chí Minh tại Thái Lan. (3)

Tác giả cho biết về tương quan giữa Hồ Chí Minh với Đệ Tam Quốc Tế theo tiết lộ của một lãnh tụ cộng sản Pháp bị mật vụ Anh tại Singapore bắt hồi 1931. Lúc đó Hồ Chí Minh có trụ sở thường xuyên ở Hồng Kông, giữ vai trò một đại sứ lưu động của Đệ Tam Quốc Tế tại Đông Nam Á. Trong một chuyến thăm Singapore, Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong việc thành lập đảng Cộng Sản Mã Lai. Hồ Chí Minh bị bắt giữ 18 tháng tại Hồng Kông và người Anh không thấy có bằng chứng về việc mưu đồ lật đổ chính quyền Hồng Kông nên đã không dẫn độ Hồ Chí Minh về Đông Dương như Pháp yêu cầu. Sau đó,  Hồ Chí Minh được phóng thích.

Về việc Trương Phát Khuê dùng Hồ Chí Minh làm tình báo cho Quốc Dân Đảng Trung Hoa, tác giả viết đại để: “Có người kể rằng, tư lệnh địa phương ở Quảng Đông (4)  cần có nhân viên tình báo và du kích quân ở Bắc Kỳ trong lúc cũng biết những cố gắng của Quốc Dân Đảng Trung Hoa để lập một mạng lưới riêng không thành công. Do đó nhân vật này đã đề nghị Hồ Chí Minh bỏ cái tên Nguyễn Ái Quốc để che kín mối tương quan với Cộng Sản. Điều này cần thiết để thuyết phục chính phủ Trùng Khánh chấp nhận Hồ Chí Minh như một chiến sĩ cách mạng An Nam sẵn sàng đưa tin tình báo về quân Nhật để đổi lấy đồ tiếp tế và vũ khí của Mỹ.” Có thể đây là lý do khiến cái tên Hồ Chí Minh đã được giữ thay cho cái tên Nguyễn Ái Quốc? (5)  Theo tác giả lúc ấy chẳng ai biết Hồ Chí Minh là ai, vì chính Hồ Chí Minh cũng chưa kịp làm quen với cái tên mới của mình. Denis Wagner đưa ra cả các chi tiết về thân thể và cá tính Hồ Chí Minh: “Ông ta có bàn chân to, chai như chân cu li, và cái bắt tay như vuốt diều hâu quặp lấy. Đó là thói quen của ông ta, ông ta cố ý làm như vậy để cho thấy bàn tay sắt của mình.” Về các chi tiết này, tác giả còn kể là Phạm Văn Đồng từng cho biết, vào những lúc thư thả, Hồ Chí Minh thường liệng đá cả ngày để làm cho bàn tay trở nên cứng mạnh.

Hồ Chí Minh dựa vào Quốc Dân Đảng Trung Hoa và người Mỹ để gây dựng lực lượng nên trở thành một cái gai nhọn trong mắt người Nhật. Vì vậy, năm 1945 người Nhật đã có ý định giúp vua Bảo Đại thanh toán hết các cán bộ Việt Minh tên tuổi. Ý định này bị tiết lộ và trong khi nhà vua còn do dự thì Việt Minh bắt anh ruột của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khôi và một người con của ông này “đem chôn sống” (6)

Nhân nhắc chuyện Ngô Đình Khôi bị giết và Ngô đình Diệm phải trốn sau khi từ chối tham gia chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh, Denis Wagner kể lại một sự việc đã được nghe: “…Việt Minh đi tìm ông Diệm đã đột nhập nhà chị của ông, trong đó có cô gái 21 tuổi không sợ Việt Minh, chạy lại che chở cho con chó Quitô, khi nó bị những người này toan bắn chết. Cô ta la toáng lên: “Các anh giết được nó thì cũng giết được tôi… Cô gái đó ngày nay  – 1963 –  là bà Ngô Đình Nhu”.

Về việc ký kết bản Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946 với Sainteny để bị kết án là phản quốc, tác giả cho rằng Hồ Chí Minh không còn chọn lựa nào khác trong thế phải đối phó với cả hai thế lực kình chống là Pháp – Trung Hoa. “Nhân dân Việt Nam lấy làm ngạc nhiên. Nhưng vào lúc ấy trước mắt nhiều đồng bào, ông ta không thể làm điều gì sai quấy. Cộng sản hay không, ông ta cũng là anh hùng. Một vài người Công Giáo còn bảo họ thấy mắt ông Hồ có hai con ngươi và giải thích đó là mắt của một vị thánh. Để chiếm được sự ủng hộ rộng rãi hơn, ông đã lập mặt trận Liên Việt, chủ ý là giấu kín cái nhân Cộng Sản trong chiếc vỏ chủ nghĩa dân tộc. Điều này đã đánh lừa được nhiều người, nhưng không phải ai cũng bị lừa. Những kẻ như Ngô Đình Diệm từ chối không chịu gia nhập mặt trận. Bảo Đại kẻ “đồng sàng dị mộng” chẳng bao lâu bị cho đi biệt xứ. Trong Nam, liên minh với các giáo phái không suông sẻ. Trong khi đó, Hồ và Phạm Văn Đồng lãnh đạo phái đoàn sang Pháp, trao quyền lãnh đạo cho Võ Nguyên Giáp. Tay này tiếp tục trừ khử đối lập và chuẩn bị chiến tranh...” (7)

Mối đe dọa của Cộng Sản mà chính quyền Ngô Đình Diệm phải đối phó trong những năm đầu thập kỷ 60, sau khi Bắc Việt tung quân vào “chiếu cố miền Nam” được tác giả so sánh với tình hình hồi cuối thập niên 40 ở Việt Bắc.

Tác giả ghi lại lời phân tích của chính Ngô Đình Diệm: “Hãy nghe ông Diệm giải thích: “Hồ và Giáp khởi sự ở Thái Nguyên và Tuyên Quang, từ những vùng núi đá, khó lui tới, phủ đầy rừng rậm. Không ai để ý quan tâm đến những vùng rừng núi này nhiều. Trong những ngày đầu, người Pháp ít lo gặp rắc rối với người Tầu, do đó họ giữ phòng tuyến bằng những đồn bót bao phủ phía bắc và phía tây các căn cứ Việt Minh. Việt Minh quấy phá các đồn binh và các con đường từ các căn cứ của chúng. Chẳng bao lâu các đồn bị cô lập. Những đồn binh Pháp ở các nơi khác tại miền Bắc còn bị cô lập hơn nữa. Cùng lúc đó quân Việt Minh hoạt động trong các tỉnh giầu có nhất trong vùng lưu vực sông Hồng. Pháp không có đủ quân, vì thế phải rút một số lực lượng ở những tiền đồn khiến những đồn này trở thành rất dễ bị tấn công. Thế là Việt Minh tấn công và toàn bộ chiến tuyến bị phá vỡ. Chỉ còn lại một vài đồn cô lập. Việt Minh kiểm soát một vùng rất rộng và khởi sự mở những căn cứ mới hòng tranh với Pháp quyền kiểm soát các trục lộ giao thông.

Bây giờ chúng tôi cũng bị ở vào tình trạng giống như vậy, tại khu vực dẫy Trường Sơn này. Cũng lại chuyện cũ tái diễn. Cái khác là dẫy Trường Sơn rộng lớn hơn nhiều so với 2 tỉnh Việt Bắc mà Hồ Chí Minh đã bắt đầu: Nó trải dài suốt dọc Việt Nam cho tới vùng chiến khu D, bên ngoài Sài Gòn.(8)

Đề cập tới cuộc xâm lăng của Cộng Sản bằng cách thấm dần, tác giả nhắc lại chuyện Hồ Chí Minh tổ chức đảng Cộng Sản Xiêm hồi cuối thập niên 20 đầu thập niên 30.

Tác giả cho rằng Ngô Đình Diệm hiểu rất rõ chiến lược Cộng Sản nhưng nhận định chính quyền Ngô Đình Diệm không có biện pháp hữu hiệu để đối phó với chiến lược thấm dần đó.

Nhược điểm này là một thực tế dễ hiểu. Trước hết, Cộng Sản đã có một đội ngũ cán bộ được rèn luyện kỹ về du kích chiến và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trong gian khổ. Mức rèn luyện và từng trải này là căn bản nâng đỡ tinh thần chịu đựng bền bỉ khi phải chui rúc trốn tránh trong những điều kiện ngặt nghèo.

Trong khi đó, tuyên truyền luôn là lợi khí sắc bén của Cộng Sản, còn Cộng Hòa Việt Nam và thế giới tự do lại mang mặc cảm nặng nề về phương diện này, thậm chí coi tuyên truyền là xấu xa, nên vụng về lúng túng khi cần tuyên truyền và không có những biện pháp phản tuyên truyền hữu hiệu cần thiết để đối phó với luận điệu của đối phương.

Tác giả dành hẳn chương 8 nói về sự vận dụng tuyên truyền của Cộng Sản tại một địa điểm được gọi bằng mã số là làng XB. Dựa theo nhiều báo cáo của Cộng Sản mà chính quyền Cộng Hòa Việt Nam bắt được, tác giả dựng lại khung cảnh làng XB là địa phương chỉ có dăm, ba cán bộ Cộng Sản hoạt động.

Khai thác chính sách cải cách ruộng đất của chính quyền miền Nam lúc đó, những cán bộ Cộng Sản này dựng lên chiêu bài giữ đất. Không đả động đến giải phóng hay lòng yêu nước, cán bộ Cộng Sản chỉ xoay quanh vấn đề không cho địa chủ trở về lấy lại ruộng đất mà những năm trước Việt Minh đã tịch thu chia cho dân nghèo.

Họ làm một số chông và bẫy sập để gây trở ngại  cho việc lui tới của quân đội quốc gia. Rồi dần dần họ dạy dân làng cùng làm chông, làm bẫy. Khi đã gây được tin tưởng của dân làng, các cán bộ này mới đưa ra một số cờ của Mặt Trận Giải Phóng yêu cầu dân chúng treo trước nhà.

Tất nhiên lúc đầu chỉ có một số rất ít người nghe theo. Khi lính quốc gia đến bắt hạ cờ, những người chấp nhận treo cờ đã được cán bộ dạy cách đối đáp: Chúng tôi treo cờ này là vì hòa bình. Cờ này không phải cờ đỏ sao vàng của Việt Minh Cộng Sản ...Tình trạng giằng co như thế tiếp tục kéo dài và theo thời gian số cờ càng được treo lên nhiều hơn.

Khi đã thu phục được tin tưởng của dân làng, các cán bộ Cộng Sản mới nêu vấn đề rào làng kháng chiến, không chỉ dùng chông, bẫy mà đem vũ khí vào làng. Những vũ khí này được chuyển từ Bắc vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.

Cũng tới lúc này, Cộng Sản mới nói đến đấu tranh giải phóng, thúc đẩy trai tráng trong làng gia nhập du kích, thu thuế, tổ chức ám sát các viên chức chính quyền và cuối cùng tiến đánh các đơn vị lẻ tẻ trang bị yếu ...

Tác giả trích từ các báo cáo một đoạn nói về việc treo cờ mừng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời cuối 1960: “Các vách tường được quét vôi trắng, cờ được may và đem treo lên cột cờ trước mỗi nhà. Tất cả có tới 600 lá cờ trong cả làng. Cán bộ đảng ta đã giảng giải cho dân và chuẩn bị cho họ tranh luận với địch. Khi lính ngụy tới hạ cờ xuống đem đi, dân sẽ nói: Đây là cờ hòa bình, không phải cờ Việt Cộng. Cờ này có nghĩa là nhân dân làng này, trong đó có bà con của các anh đã có đất để cầy cấy. Hầu hết lính ngụy đồng ý và chỉ lấy đi một ít cờ, chứ không lấy hết...”

Tác giả trích thêm một đoạn khác trong báo cáo Cộng Sản về bàn chông: “Dân chúng nghĩ đặt chông là phi pháp và sẽ bị lính ngụy khủng bố trả thù. Biết thế, chính cán bộ đảng đã đi đặt bàn chông, trong khi vẫn cố gắng giáo dục dân. Đảng đã đặt nhiều chông chưa từng thấy từ trước tới nay. Có lần trong khi đi càn quét, một tên lính ngụy đạp trúng chông và bị thương. Thế là cả bọn chúng rút. Các đảng viên cho đó là một thắng lợi, liền tổ chức mít tinh giải thích: đặt chông sẽ ngăn cản không cho lính tới làng; không đặt chông, địch sẽ đến thu thuế, thu tô, bắt đi làm cỏ-vê và bắt trai tráng đi lính cho chúng. Sau đó đảng đưa ra khẩu hiệu: “Mỗi bàn chông cho một ô đất.” (9)

Bằng những tài liệu chính xác, Denis Wagner cố nêu rõ phương thức đấu tranh của Cộng Sản là lợi dụng mọi tình huống thực tế, đưa ra mọi chiêu bài có sức lôi cuốn với các tập thể đối tượng để dắt dẫn quần chúng đi theo từng bước cho tới mức không thể trở lui thì tung ra các biện pháp thúc đẩy, cưỡng bức quần chúng hành động cho mục tiêu cuối cùng của họ.

Theo hướng phân tích này, tác giả nhắc tới đường lối sống chung hòa bình của Cộng Sản trong tiến trình thực hiện chủ trương đấu tranh giai cấp. Trưng dẫn báo Quốc Tế Vụ số tháng 4-1960, tác giả viết: “…Cả đảng cộng sản Liên Xô lẫn phong trào cộng sản thế giới đều “coi sự chung sống hòa bình như một hình thức đấu tranh giai cấp trên bình diện toàn thế giới. Họ không nghĩ một cuộc chiến tranh tàn phá là cần thiết để làm cách mạng biến đổi những quốc gia chưa đi vào đường xã hội chủ nghĩa …Tóm lại “sự trung lập” mà Khrutshchev nhắm cho nước Lào không có gì trái với quan niệm của tờ Quốc Tế Vụ về chiến tranh cách mạng giải phóng “mang tới thắng lợi”. (10)

Trên thực tế, rất nhiều người không hề ngạc nhiên về sự kiện nói một đàng làm một nẻo của Cộng Sản. Nhưng rõ ràng là đã qua quá nhiều thời gian, mọi người chỉ biết thế để đưa ra một lời nói dễ dàng:Chuyện có gì lạ đâu!  Hiển nhiên là chẳng có gì lạ, ngoài sự tràn lấn của Cộng Sản tại nhiều vùng đất trên thế giới và đã đẩy không biết bao nhiêu thế hệ vào cảnh ngộ đọa đày bi thảm do bị cuốn hút theo những lời nói, cụ thể là những chiêu bài quyến rũ.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 29

(*)  Denis Warner là một trong số ít ký giả Úc am  tưòng về tình hình Việt Nam.

(01)-(02)-(03)  SĐD  tr. 21, 26, 27

(04)  Trương Phát Khuê

(05)  SĐD  tr. 30.  Theo Biên Niên Tiểu Sử - T. 2, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lúc rời Pac Bó để sang Trung Quốc cuối tháng 8-1942, nhưng vừa qua biên giới thì bị bắt và giải đi Liễu Châu, tại đây đã được gặp Trương Phát Khuê. Có lẽ vì sự việc trên và cũng vì muốn tiếp tục được Mỹ và chính phủ Trùng Khánh yểm trợ nên cái tên Hồ Chí Minh đã được giữ lại.

(06)-(07)  SĐD  tr. 67, 34

(08)  SĐD  tr. 149. Trình bày của Ngô Đình Diệm được ghi ở đây cho thấy lý do VNCH phản đối việc cùng ký với Mỹ thỏa ước 1962 trung lập hóa Ai Lao theo ý của Averell Harriman. Ngô Đình Diệm đã nhìn rõ CS Bắc Việt đang dùng lãnh thổ Ai Lao mở đường mòn trong vùng rừng núi Trường Sơn để xâm nhập miền Nam. Trung lập hóa Ai Lao có nghĩa là VNCH không được phép truy lùng Cộng Sản trên lãnh thổ Lào và con đường mòn này sẽ là con đường an toàn cho Cộng Sản tiếp tế vũ khí đạn dược và chuyển cán binh vào Nam.

(09)-(10)  SĐD  tr. 125-126,  255

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:28 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong