HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 28*
 

P. DEVILLERS  &  J. LACOUTURE và La Fin d’une Guerre


Philippe Devillers và Jean Lacouture thường được coi là hai chuyên gia thượng thặng về chiến tranh Việt Nam. Cả hai đều là người Pháp, hoàn tất tác phẩm La Fin d’une Guerre năm 1959. Năm 1960, nguyên tác Pháp ngữ của tác phẩm này được phát hành lần đầu tại Paris (1). Mười năm sau, 1970, bản dịch tiếng Anh của tác phẩm được xuất bản ở Mỹ. (2)

Tác phẩm chủ yếu nói về hội nghị Genève 1954 nhằm kết thúc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh. Với tựa đề La Fin d’une Guerre hay End of A WarKết thúc một cuộc chiến, hai tác giả cho rằng đến lúc đó là hết chiến tranh. Nhưng 10 năm sau các tác giả thấy chiến tranh Việt Nam vẫn còn tiếp diễn nên đã thêm phần cuối vào bản dịch và trong lời tựa, Lacouture cho biết, nếu biết trước tình hình như thế này, đã không chọn cái nhan sách như thế.

Cũng như một số tác giả Tây Phương khác, Lacouture cho rằng không có hai cuộc chiến tại Việt Nam mà chỉ có một cuộc chiến kéo dài từ 1946 đến lúc đó — 1969.

Theo tác giả có thể nhìn cuộc chiến Việt Nam qua hai giai đoạn nhưng cả hai giai đoạn này đều mang chung 4 điểm tương đồng. Tác giả viết phần cuối này vào thời gian đang diễn ra cuộc hòa đàm Paris tương tự hội nghị Genève 1954 nên dự đoán người Mỹ sẽ chịu chung số phận với người Pháp do 4 điểm tương đồng đã có:

1– Trong cả hai giai đoạn, lực lượng Tây phương cố gắng vô vọng để bắt nhân dân Việt Nam thay đổi chế độ, lãnh tụ và hướng tiến mà họ đã chọn.

2– Trong cả hai giai đoạn, lực lượng Tây Phương đã không đếm xỉa đến sự thống nhất sâu xa, cơ bản và sinh học của nhân dân Việt Nam, cố chấp duy trì những biên giới địa lý, ý hệ mà chính người Việt Nam bác bỏ.

 3– Trong cả hai giai đoạn, lực lượng Tây Phương cho rằng mình chiến đấu chống cuộc xâm lăng của Cộng Sản do Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh xúi bẩy, chứ không chịu nhìn nhận bản chất Việt Nam của lực lượng kháng chiến Việt Minh và chính nghĩa của Việt Cộng.

 4– Trong cả hai giai đoạn, đoàn quân viễn chinh của Tây Phương hiển nhiên không thích hợp với xứ sở này và bị đại đa số nhân dân Việt Nam chống đối. Cùng với nhân dân Việt Nam còn có các lực lượng thiên nhiên như rừng núi hiểm trở, gió mùa ẩm thấp, sình lầy, sốt rét rừng và ngay cả nhịp sống. (3)

La Fin d’une Guerre gồm 29 chương chia thành 3 phần. Phần đầu gồm 7 chương nói về cuộc chiến Pháp và Việt Minh. Phần 2 nói về hội nghị Genève 1954 gồm 16 chương. Phần cuối với 6 chương nói về sự chuyển giao trách nhiệm từ Pháp qua Mỹ.

Chương đầu do Devillers viết. Tác giả chê trách các chính phủ Pháp mù quáng và tham lam không chịu thi hành Hiệp Ước 6-3-1946 đã ký với Hồ Chí Minh và lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Vũ Hồng Khanh. Không những thế, Pháp còn mù quáng đến độ tiếp tay cho Việt Minh tiêu diệt lực lượng võ trang của các đảng quốc gia. (4) Việc Pháp không tôn trọng bản hiệp ước đã ký, không thỏa mãn khát vọng độc lập dân tộc của những người yêu nước thuộc phe “quốc gia” cũng đẩy những người này vào cái thế bắt buộc phải liên minh với cộng sản để chiến đấu. (5)

Theo tác giả, Hồ Chí Minh đã chấp nhận hy sinh, đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của đảng khi tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương vào ngày 11-11-1945! (6) Tác giả cho rằng đây là một hành vi khôn khéo của Hồ Chí Minh để tạo chiếc mặt nạ “mặt trận dân tộc” cho Việt Minh lúc đó. Chiếc mặt nạ này đã bị bắt buộc phải rớt xuống khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa Lục.

Tác giả viết: “Như cái giá để mua sự ủng hộ của Trung Cộng, họ buộc phải từ bỏ trò giả hình: chủ nghĩa Mác không còn phải ngụy trang trong mấy tiếng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nữa. Đảng Cộng Sản Đông Dương đã bị giải tán năm 1945 phải được tái lập, và phải để nó nắm vai trò lãnh đạo...Vì chính sách đó mà đảng Lao Động được sáng lập (7), mà có cuộc đại thanh trừng từ 1950 đến 1951, dần dần biến đổi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành một thứ Cộng Hòa Nhân Dân và cuối cùng là cuộc Cải Cách Ruộng Đất theo mô hình Trung Quốc.” (8)

Theo tác giả, Hồ Chí Minh hành động như trên không do chủ ý mà do bị ép buộc để có sự ủng hộ của Trung Cộng.

Thực ra, trong cùng vấn đề lại có không ít tác giả cho rằng sau chiến thắng của Mao Trạch Đông tại Hoa lục, Hồ Chí Minh đã đạt được điều kiện thuận lợi để không cần che giấu chân tướng Cộng Sản nữa. Nhận định này đặt trên cơ sở sự kiện Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương vào tháng 11.1945 chỉ là một bước lui chiến thuật chứ không phải hành động hy sinh vì yêu nước như  Devillers ca ngợi.

Thời điểm Devillers nêu vấn đề là 1959 tức thời điểm Đảng Lao Động chưa trở lại nguyên hình đảng Cộng Sản và cũng chưa có những sự nhìn nhận của các nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ Cộng Sản Việt Nam về bước đi chiến thuật trên.

Tuy nhiên, chính tác giả đã nhắc tới cuộc đại thanh trừng 1950-1951 và chính sách Cải Cách Ruộng Đất theo mô hình Trung Quốc để nhìn nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa biến hình thành một kiểu Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thì việc tiếp tục coi Hồ Chí Minh là một người yêu nước đại diện chính thức cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam là một sai lầm vượt khỏi mức tưởng tượng. Vì cả hai biến cố mà tác giả đề cập tới và có vẻ nắm khá vững khi xảy ra tại Trung Hoa không hề mang mục đích phục vụ quyền lợi của dân tộc Trung Hoa mà chỉ nhắm tiêu diệt các thành phần khác chính kiến, dù là người yêu nước, để củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản và cá nhân lãnh tụ Mao Trạch Đông.

Những sự kiện đó được lập lại tại Việt Nam tất nhiên cũng không thể nhắm phục vụ đất nước Việt Nam mà chỉ là bước đi cần thiết để củng cố quyền lực cho đảng Cộng Sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh mà thôi.

Thực ra không phải chỉ ở thời điểm 1959, Devillers mới nghĩ về Hồ Chí Minh như vậy mà đó là ý nghĩ đã được trình bày lại vào 10 năm sau.

Trong phần viết thêm cho ấn bản tiếng Anh phát hành năm 1969, Devillers đã đánh giá cao về thái độ niềm nở của Hồ Chí Minh khi đón Sainteny tại Hà Nội và tin tưởng tuyệt đối ở những lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng vào dịp đó.

Tác giả kể lại là Hồ Chí Minh đã tiếp đón Sainteny một cách cực kỳ niềm nởextremely cordial – như đón tiếp một người bạn và không có vẻ gì tỏ ra phản đối chuyện nước Pháp nối lại các hoạt động ngoại giao đã bị bỏ dở từ 1946 (9) Tác giả trích dẫn một câu nói của Hồ Chí Minh khi Sainteny trình ủy nhiệm thư được thủ tướng Mendès France cử làm tổng đại diện của Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, Hồ Chí Minh đã nói với Sainteny: “Tôi rất sung sướng thấy nước Pháp cử tới một đại sứ, và vị đại sứ đó lại là ông. Này bạn Sainteny ơi, bạn nghĩ khi nào tôi sẽ có thể gửi một đại sứ tới Paris?”.

Cách tiếp đón và lời lẽ thân mật đó, cộng thêm tình bạn mà Sainteny tin là Hồ Chí Minh dành cho mình vẫn đặt nhà ngoại giao lão luyện này trong ý hướng tìm sự kết giao hữu nghị giữa Pháp và chế độ của Hồ Chí Minh.

Các tác giả La Fin d’une Guerre luôn ủng hộ lập trường của Sainteny nên tỏ ý tiếc là chính phủ Paris lúc đó bị chi phối quá nhiều bởi các phần tử chống Cộng, nhất là sợ bị Mỹ nghi ngờ phản đối nên đã không trao cho Sainteny một vai trò nghiêm túc bên cạnh Hồ Chí Minh.

Các tác giả trưng dẫn thêm lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng trong chương 26, khi nhân vật này nói với Sainteny: “Ai bảo ông rằng (chế độ) chúng tôi là Cộng Sản? Một chế độ như thế sẽ chẳng muốn khuyến khích các doanh nghiệp tư bản như chúng tôi làm.”

Theo các tác giả, Sainteny đã đạt được một thỏa hiệp về kinh tế với Hà Nội vào ngày 11-12-1954 liên quan đến các mỏ than Hòn Gai, các công trình xi măng Hải Phòng và nhà máy sợi Nam Định.

Nhưng cũng theo các tác giả, những bước tiến tốt đẹp này đều quá trễ vì chính phủ Pháp lúc đó và Mỹ đã có những quyết định dứt khoát mang tính cách phá bỏ mọi nỗ lực bảo vệ quyền lợi kinh tế của Pháp tại Việt Nam, cụ thể là tại miền Bắc. Trong khuôn khổ những quyết định này, Pháp phải bám lấy Mỹ theo hướng bảo vệ hiến chương Đại Tây Dương và hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO) để tiếp tục kiên trì lập trường ngăn chặn làn sóng đỏ. (10)

Các tác giả La Fin d’une Guerre cho rằng quyết định đó là sự thiển cận mù quáng của người Pháp vì đã không chịu nhìn ra một thực tế là chế độ của Hồ Chí Minh vừa có tư cách hợp pháp vừa đại diện cho nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Chính thực tế này đã tạo nên sức mạnh chiến đấu đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ, nhưng Pháp không chịu đổi thay chính sách cho phù hợp với thực tế mà còn truyền kinh nghiệm sai lầm cho Mỹ. Sự chuyển giao vai trò Pháp – Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam là cuộc trao đổi giữa hai kẻ mù mịt về tình hình Việt Nam. (11) Các tác giả cho biết đã có lần chính tướng Paul Ely, giới chức chỉ huy cao cấp nhất của Pháp ở Việt Nam, thú thực rằng gần như  không biết gì về đất nước này.

Tất nhiên các tác giả không đánh giá Mỹ cao hơn tướng Ely, nhất là do Mỹ dứt khoát không chịu liên lạc với các lãnh tụ Việt Minh, trong khi tích cực ủng hộ Ngô Đình Diệm – tuy là người yêu nước, nhưng ngoài tính liêm khiết sẽ chẳng làm được trò trống gì vì tinh thần cố chấp, bè phái.

Bằng những gợi ý gián tiếp, các tác giả có vẻ muốn nói rằng nếu ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles không cố bênh vực Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chịu đặt những nhân vật Việt Nam ôn hòa như nhà bác học Bửu Hội chẳng hạn vào vai trò lãnh đạo miền Nam thì tình hình đã đổi khác một cách tốt đẹp.

Devillers thuật lại rằng Phạm Văn Đồng từng đề nghị Sainteny cho coi một bài báo của giáo sư Bửu Hội rồi ngỏ ý muốn được thương lượng với những nhà lãnh đạo “ôn hòa hơn” để đi đến thống nhất đất nước.

Trong dịp đó, Phạm Văn Đồng còn phát biểu là những người ôn hòa sẽ khiến tình hình ổn định, duy trì được trật tự xã hội và dân chủ chính trị. Khi đặt vấn đề như vậy, các tác giả đã cố tình bỏ quên một thực tế là chính nhà bác học Bửu Hội tích cực ủng hộ Ngô Đình Diệm ngay cả trong thời điểm Đệ Nhất Cộng Hòa lâm cảnh tứ bề thụ địch, còn đề nghị của Phạm Văn Đồng đâu có phải một mưu tính khó nhận ra trong sách lược khuynh đảo tình hình để đánh phá đối phương. Hơn nữa, tất cả những lời Phạm Văn Đồng nói riêng với Sainteny đâu có thể coi là phản ảnh đường lối chung của Cộng Sản Việt Nam.

Các tác giả đã hết lời chê bai các giới lãnh đạo Pháp – Mỹ mù lòa về thực tế Việt Nam nên quyền lợi của Pháp bị thiệt hại và Mỹ khó tránh khỏi thất bại. Có thể sẽ còn nhiều người cân nhắc mức độ chính xác của lời chê bai này về sự mù lòa của chính giới Pháp – Mỹ, nhưng chắc chắn không ai cần cân nhắc nếu dành cho sự mù lòa về Việt Nam của hai chuyên gia Devillers và Lacouture.

Thực ra, mù lòa có lẽ là từ nhẹ nhất để dùng trong trường hợp này. Bởi vì mù lòa chỉ do thiếu kiến thức nên sai lầm chứ không phải sự bất lương của hành vi che giấu sự thực để lường gạt dư luận bằng những lời lẽ xảo trá.

Người đọc có thể dễ dàng bỏ qua sự lầm lạc nhưng khó quên sự bại hoại hiển hiện trong cái cách biện bạch bất nhân trắng trợn mà Jean Lacouture từng nêu ra: “Để giữ nguyên sự thán phục dành cho cuộc cách mạng, tốt nhất là không nên nhắc đến các nạn nhân của nó”.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 28

(02) Bản dịch của Alexander Lieven và Adam Roberts, Nxb Frederick A. Praeger Inc. New York 1970

(03)-(04)-(05)-(06)  SĐD  tr. VIII, 12, 13, 13

(07)  Tác giả dùng chữ “creation”.

(08)-(09)-(10)-(11)  SĐD  tr. 26-27,  356, 359-360, 395

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:27 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong