HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 27*
 

DENNIS J. DUNCANSON và Government and Revolution in Viet Nam


Dennis J. Duncanson là chuyên viên trong phái đoàn cố vấn của Sir Robert Thompson từ 1961 đến 1965 và từ 1965 đến 1966 là cố vấn tòa đại sứ Anh ở Sài Gòn.

Ngay sau khi rời đoàn này để về hưu, Dennis J. Duncanson khởi sự viết tác phẩm Government and revolution in Việt Nam (1). Vào thời gian đó, đoàn cố vấn này đã vận dụng những kinh nghiệm chống cộng sản Mã Lai để giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong vấn đề ổn định tình hình miền Nam. Sự giúp đỡ kinh nghiệm của đoàn cố vấn Anh đã góp phần rất lớn trong việc thành lập và điều hành chính sách ấp chiến lược do Ngô Đình Nhu xướng xuất và chủ trì.

Dennis J. Duncanson là người Anh thông thạo ba ngoại ngữ Pháp, Trung Hoa, Việt Nam và là một chuyên gia nghiên cứu có mức hiểu biết rất sâu sắc về Việt Nam và Trung Hoa.

Government and revolution in Việt Nam gồm 7 chương với các tiêu đề:

–  Việt Nam, một vấn đề thế giới

–  Gia tài của Trung Quốc

–  Di sản của Pháp

–  Tình trạng vô chính phủ của Hồ Chí Minh

–  Chế độ gia trưởng của Ngô Đình Diệm

–  Sự hào phóng của Hoa Kỳ

–  Thất bại của chủ nghĩa dân tộc.

Duncanson vừa có vốn sống tại chỗ, vừa thông thạo các ngôn ngữ Việt Nam, Trung Hoa lại không bị chi phối bởi thế đứng liên can trực tiếp như hầu hết các tác giả Mỹ – Pháp cùng thời nên đã phản ảnh một cái nhìn khá chính xác về mọi diễn biến.

Mở đầu chương 4, về Hồ Chí Minh và nguồn gốc mặt trận Việt Minh, tác giả đã cho thấy một cái nhìn rất sát với thực tế: “Ban đầu, phong trào cộng sản ở Việt Nam khác với các phong trào chính trị về một phương diện quan trọng: nó là một phong trào khuynh đảo phát động từ bên ngoài do chính phủ Liên Xô dùng làm khí cụ quấy phá Pháp Quốc.” (2)

Tác giả trưng dẫn bằng chứng từ tài liệu chính thức của Cộng Sản để khẳng định đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập hoàn toàn do sáng kiến của Đệ Tam Quốc Tế với mục đích khuấy động tình hình Đông Nam Á theo chiều hướng gây khó khăn cho các quốc gia Tây Phương thù địch với Liên Xô lúc đó và đang có nhiều ảnh hưởng tại vùng đất này.

Nói một cách khác, đảng Cộng Sản Đông Dương đã được hình thành và xây dựng với tính chất một tổ chức Mác-xít – Leninit theo đuổi chủ trương giai cấp đấu tranh y hệt đảng Bolsevick của Liên Xô. Mục đích của đảng Cộng Sản Đông Dương không phải là giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của Pháp. Mục đích này chỉ nổi lên sau khi Pháp bị Đức đánh bại khiến diễn biến tình hình mở ra một cơ hội lớn cho việc giành lại chủ quyền quốc gia của các nước thuộc địa và cũng là cơ hội lớn cho việc giành quyền lực của tổ chức.

Từ nhận định căn bản này, tác giả cho rằng không những đảng Cộng Sản Đông Dương không bao giờ là một lực lượng đấu tranh yêu nước mà ngược lại, còn gần như là một lực lượng chống lại những người yêu nước chống thực dân – almost anti-anti-colonial.

Tác giả minh chứng bằng hành vi liên minh giữa thực dân – cộng sản nhằm phá vỡ các kế hoạch đấu tranh của những người thực sự yêu nước trên cả hai bình diện quốc tế và quốc nội.

Tính chất lệ thuộc Đệ Tam Quốc Tế còn được tác giả đưa thêm những bằng chứng cụ thể qua việc Liên Xô không đồng ý cho giữ tên Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập vào ngày 6-1-1930 nên đảng này đã phải đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương và đổi lại ngày khai sinh là 3-2-1930. Theo Duncanson, lúc đó đảng này trên toàn quốc Việt Nam chỉ có 211 đảng viên trong số có 54 người không có mặt tại trong nước.

Về những cuộc nổi dậy trong thời gian đó vẫn thường được nhắc lại dưới cái tên phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tác giả cho là nằm trong khuôn khổ tổng nổi dậy tại Viễn Đông mà Staline hy vọng là qua đó gây tổn thương cho Anh–Pháp–Hà Lan như Lenin từng mong đợi, vì đó là thời điểm các chính quyền thuộc địa tại vùng này đang trên đà suy yếu.

Nhận định trên của Duncanson đã bác bỏ một luận điệu sau này của Cộng Sản Việt Nam biện giải rằng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một phong trào tự phát không nằm trong kế hoạch đấu tranh của đảng Cộng Sản Đông Dương và nhất là không do Hồ Chí Minh chủ xướng, vì Hồ Chí Minh không muốn có bạo động.

Duncanson xác nhận cuộc tổng nổi dậy trên do đảng Cộng Sản Đông Dương thúc đẩy nhưng không đem lại kết quả tốt đẹp nào mà còn tạo một tiếng vang bất lợi cho Cộng Sản do những bạo hành quá độ. Thêm nữa, phản ứng của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương cũng trở thành một mối đe dọa sự tồn tại của tổ chức này nên từ 1932, đảng Cộng Sản Đông Dương đã phải rút lại đường lối cực đoan, thay thế bằng sách lược “liên minh” để dựa dẫm và khai thác các tổ chức vẫn bị coi là thù địch vì thuộc giai cấp “tư sản”.

Trong khung cảnh chung của thực tế tình hình thời điểm đó, sách lược này có nhiều hứa hẹn mang lại thành công, nhất là do sự phát triển ảnh hưởng của một lực lượng chính trị khuynh tả ngay tại Pháp là Mặt Trận Bình Dân – Front Populaire. Cộng Sản Quốc Tế đã bày tỏ công khai sự ủng hộ Mặt Trận Bình Dân trong hy vọng sẽ bùng nổ tại Pháp một cuộc cách mạng dân chủ tư sản như kiểu cuộc cách mạng Nga do nhóm Kerensky lãnh đạo. (3)

Theo đánh giá của Duncanson, sự đứng vững và tiếp tục phát triển của đảng Cộng Sản Đông Dương không hoàn toàn do sự chọn lựa đường lối thích nghi với tình hình mà một phần còn do sự chia rẽ trong nội bộ các tổ chức yêu nước.

Chính sự chia rẽ này đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tình trạng lấn át của phong trào Việt Minh hình thành bằng cách khai thác và làm biến dạng tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội vốn là một tổ chức tương đối có uy thế của những người yêu nước lúc đó.

Chiều hướng diễn biến này của thực tế còn đem lại cho Hồ Chí Minh cơ hội tranh thủ lòng tin của tướng Trương Phát Khuê để nhận được sự yểm trợ hết sức thuận lợi cho việc giành quyền lãnh đạo các lực lượng đấu tranh Việt Nam.

Tác giả viết: “Một mắt xích nối kết xuyên suốt lịch sử cộng sản Việt Nam là cuộc đấu tranh cá nhân của ông Hồ nhằm thâu đoạt quyền bính, tiến từ chỗ một điệp viên quốc tế tầm thường của ngoại bang trở thành một lãnh tụ quốc gia.” (4)

Chương 5 được dành trình bày về tình hình miền Nam dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà tác giả mệnh danh là chế độ gia trưởng –  patriarchy.

Theo tác giả, Ngô Đình Diệm tự nghĩ mình và Hồ Chí Minh là hai đối thủ về lòng yêu nước tranh đua với nhau để cai trị dân.

Nhận định của tác giả có vẻ muốn nêu ra một sai lầm quan trọng của Ngô Đình Diệm, vì Hồ Chí Minh không phải là người yêu nước nên vấn đề đặt ra không phải là cai trị dân mà là tranh đoạt uy quyền để phát triển thế lực của Quốc Tế Cộng Sản.

Cũng theo tác giả, Ngô Đình Diệm còn lầm lẫn quan trọng hơn khi đánh giá đường lối hành động của Hồ Chí Minh. Tác giả cho biết Ngô Đình Diệm đã e ngại rằng hành vi tẩy chay cuộc tổng tuyển cử được quy định diễn ra vào tháng 7-1956 theo hiệp định Genève có thể khiến Hồ Chí Minh xua quân tràn qua Bến Hải.

Bằng những cân nhắc dựa trên hiểu biết về phương pháp đấu tranh của Cộng Sản, Duncanson phát biểu là Hồ Chí Minh sẽ chỉ mở các cuộc tấn công khi nào nắm chắc các yếu tố tiếp tế cũng như thông tin, tình báo tức là khi nào các lực lượng cơ sở Cộng Sản tại chỗ có đủ sức khuấy động tình hình để vừa tạo ra những khó khăn cho đối thủ vừa tạo được điểm tựa quần chúng vững chắc cho mình.

Đặt nặng vấn đề đối phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô từ ngoài lãnh thổ để coi nhẹ việc củng cố tình hình xã hội chính trị trong nước sẽ là một tai họa trong cuộc đối đầu với Cộng Sản.

Tác giả giải thích: “Nếu quân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tấn công thẳng vào thời gian này, thì họ sẽ chỉ tấn công khi nào cầm chắc rằng vùng mà quân họ tràn vào đã được kiểm soát đủ bởi những cán bộ khuấy động quần chúng để được bảo đảm rằng lực lượng tấn công sẽ được tiếp tế và thông tin tình báo đầy đủ.” (5)

Tác giả tổng kết những tổ chức chính trị dưới chiêu bài dân tộc yêu nước mà Cộng Sản Việt Nam thành lập để cho biết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là tổ chức thứ 10 do Cộng Sản dựng lên. Đó là chỉ kể riêng những tổ chức mang danh nghĩa Mặt Trận, còn nếu gộp chung với những tổ chức mang các danh nghĩa khác như Ủy Ban Giải Phóng hay Cứu Quốc thì Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là tổ chức thứ 17 do Cộng Sản đưa ra để tiến hành sách lược đấu tranh bành trướng thế lực.

Government and revolution in Việt Nam là tập hợp những nhận định sắc bén của một chuyên gia hiểu biết sâu sắc tình hình Việt nam và am tường về phương pháp đấu tranh Cộng Sản. Trong khi trình bày vấn đề, Duncanson cũng không bị lôi cuốn bởi ảnh hưởng cảm xúc cá nhân nên bức tranh toàn cảnh về vấn đề Việt Nam của tác giả có những nét khắc họa rất đáng kể.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 27

(01)  Sách do Oxford University Press xuất bản năm 1968 tại New York và Luân Đôn.

(02)-(04)-(05)  SĐD  tr.140, 141, 253.

(03)  Alexandr Feodorovich Kerensky (1881- 1970), cầm đầu chính phủ ôn hòa giữa hai cuộc cách mạng ở Nga trong năm 1917. Bị nhóm Bolshevik  của Lenin loại. Từ 1940 đến 1970 ông sống ở Hoa Kỳ.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:26 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong