HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 26*
 

DANIEL ELLSBERG và  Secret


Cuối năm 2002 xuất hiện cuốn hồi ký của Daniel Ellsberg với tựa đề Secret – Bí Mật (1)  màu trắng in nổi trên nền bìa xanh sậm, và ở phía dưới ghi thêm một hàng chữ nhỏ: Hồi ký về Việt Nam và hồ sơ Ngũ Giác Đài.

Tác giả là một cựu quân nhân đồng thời cũng là một cây bút gây sôi nổi một thời trong báo giới và chính giới Mỹ. Dan Ellsberg từng giữ nhiệm vụ đại đội trưởng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và là một người hăng say trong chiến đấu chống cộng.

Từ ngày 4-8-1964 (2), Ellsberg trở thành viên chức bộ Quốc Phòng, thuộc toán đặc biệt của tướng Landsdale, người từng giúp đỡ nhiều mặt cho Ngô Đình Diệm và được coi như bạn thân của nhân vật này. Từng phục vụ nhiều năm tại Việt Nam, có nhiều dịp chứng kiến tình hình tại chỗ và là người có thẩm quyền tiếp cận các tài liệu mật liên quan đến những kế hoạch quốc gia, Ellsberg lại nẩy ra một ý kiến khiến suýt nữa phải lãnh án tù chung thân. Đó là việc lén lấy 7000 trang tài liệu bí mật quân sự tiết lộ cho báo chí.

Trong cuốn hồi ký Secret, tác giả ghi lại những ý nghĩ, hành động và nhận định của mình liên quan đến tình hình chiến sự trong thời gian phục vụ ở Việt Nam, nhất là những bí mật được mệnh danh là hồ sơ Ngũ Giác Đài. Ngoài ra, Ellsberg cũng ghi lại rải rác trên nhiều chương, một số ý kiến về cuộc chiến nói chung và con người Hồ Chí Minh – là những ý kiến được nhắc đến ở đây.

 Nếu trung tá John Paul Vann đã là anh hùng của Neil Sheehan trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam thì cố vấn cao cấp John Paul Vann lại trở lại Việt Nam để trở thành anh hùng của Daniel Ellsberg trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Tác giả mô tả J. P. Vann là người hăng say trong nhiệm vụ, cực kỳ can đảm và thẳng thắn.

Chỉ riêng việc dám đơn độc lái xe không cần hộ tống vượt hàng trăm dặm đường vào thời gian sau biến cố 1-11-1963 là lúc du kích cộng sản hầu như kiểm soát các trục giao thông đã đủ nói lên mức độ can đảm cùng cực của J. P. Vann. Với bút pháp điêu luyện của một nhà văn, Daniel Ellsberg dễ dàng tạo sự ngưỡng mộ của người đọc dành cho nhân vật của mình. (3)

Trong lúc đề cao cố vấn J.P.Vann, tác giả tỏ ra thất vọng trước cung cách và tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền nam Việt Nam.

Chương 9 được tác giả đặt cho tiêu đề Losing Hope – Thất Vọng, ghi lại những nhận xét về tình hình nông thôn miền Nam trong năm 1966 như sau: Chính phủ Việt Nam (Cộng Hòa) cai trị ban ngày còn ban đêm Việt Cộng cai trị. Việt Cộng thu thuế thường xuyên, tuyển lính, tổ chức tuyên truyền nhồi sọ và nhiều đêm đã ngủ lại. Ban ngày thì nhân viên chính phủ cũng có thể đến với lính gác để tuyên truyền, thu tô, thu thuế và tuyển lính ... Nghĩa là người dân một cổ hai tròng. Nhưng dân không dám báo cho người của chính phủ những gì Việt Cộng làm ban đêm. Và như vậy, theo tác giả không thể bảo những vùng nông thôn như thế là vùng xôi đậu, đang còn bị thử thách, hay còn bị hai bên tranh giành mà phải coi đó là vùng Việt Cộng  kiểm soát. (4)

Tác giả thuật lại trường hợp một ấp thuộc tỉnh Long An, một địa phương rất gần Sài Gòn, gồm toàn nhà lá đã bị thiêu rụi chỉ vì có một tiểu đội – a squad – Việt Cộng  tới ngủ đêm tại đó một cách yên lành, không có đụng độ gì rồi đến sáng bỏ đi.

Daniel Ellsberg trách trung đoàn 49 thuộc sư đoàn 25 là đơn vị có 2 tiểu đoàn hùng hậu đóng  quân cách đó chưa đầy 200 mét nhưng không chịu phái một trung đội hay một tiểu đội tới đánh đuổi Việt Cộng để bảo vệ dân mà lại bắn súng cối và đại bác vào đốt cháy hết nhà dân.

Rất nhiều ví dụ cụ thể tương tự đã được Daniel Ellsberg đưa ra để chứng minh mức viện trợ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Cộng Hòa dù cao tới đâu cũng hoàn tòan vô hiệu do cách thức và tinh thần chiến đấu đó của quân đội. Về đám cháy tại Long An, chính tác giả đã chụp hình và đưa trình trước một buổi họp. (5)

Ellsberg dành 2 trang tả cảnh tượng một đoạn đường dọc theo miền Nam mà tác giả có dịp đi qua. Tác giả cho biết đã nhìn thấy những đồn bót đủ kiểu từ thời Bắc thuộc, đến thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm đóng, rồi những đồn bót hiện nay... và có cảm tưởng như đi du lịch trong thời gian viếng thăm một viện bảo tàng lộ thiên với những lớp thời gian thuộc về lịch sử được khai quật lên từ những di tích khảo cổ... để rồi sợ hãi nghe như có ai nhắc bảo đang đi vào vết chân quân xâm lược Nhật Bản. (6)

Những trang sách của Ellsberg luôn là những áng văn óng ả, nhưng nổi bật lên vẫn là tâm trạng hoang mang giao động của người lính, bao gồm cả Việt Nam lẫn Mỹ.

Theo tác giả, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ để người Mỹ đem quân vào Việt Nam hoặc tình hình Việt Nam trở nên quá trầm trọng khiến quân Mỹ ào ạt tới đây thì ngay những viên chức Mỹ từng hăng say chống Cộng cũng có cảm tưởng như mình đang chiến đấu cho mục tiêu xâm lược.

Trong khi đó, quân nhân các cấp Việt Nam thấy không còn lý tưởng chiến đấu nữa vì lâm cảnh hoàn toàn bị động dưới sự điều động của ngoại nhân.

Tác giả cũng nêu điều kiện sống tệ hại tại các trại tỵ nạn cộng sản ở miền Nam và đưa ra một nhận định đầy sức lôi cuốn với đám đông hoạt động phản chiến Mỹ về lý do thúc đẩy người dân tới đây. Tác giả mô tả các trại này đều ở trong tình trạng dơ bẩn tồi tệ đến độ có thể cho rằng chỉ bom đạn Mỹ mới buộc nổi họ chịu tìm tới chứ không phải họ trốn chạy cộng sản. (7)

Trong phát biểu của mình, chưa hẳn Ellsberg hoàn toàn phủ nhận lý do trốn chạy Cộng Sản của người dân Việt Nam mà chỉ muốn nhấn mạnh về tình trạng tệ hại trong tổ chức đời sống tại các trại tị nạn, nhưng những người phản chiến viện điều tác giả trình bày như một chứng cớ cụ thể về hành vi xâm lược và sức tàn phá của bom đạn Mỹ để biến thành động cơ thúc đẩy phong trào phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, Ellsberg đã đưa ra lập luận gần như nghiêng hẳn về phía Cộng Sản Việt Nam, dù vẫn xác nhận mình là người chống Cộng và đại đa số dân chúng Việt Nam không ưa Cộng Sản.

Chương 14 nói về chiến dịch Mậu Thân 1968 vào lúc bắt đầu có cuộc hòa đàm Paris, tác giả nhấn mạnh việc tổng thống Johnson tiếp tục cho gia tăng cường độ tấn công sau khi đã hứa ngưng ném bom Bắc Việt.

Ellsberg nêu con số được trích theo bản  báo cáo ngày 1-8-1968 cho biết từ 1965 đến lúc đó, Mỹ đã thả xuống toàn bộ Đông Dương 2 triệu 581 ngàn 876 tấn bom và hỏa tiễn. Tiếp theo, tác giả thuật lại thái độ cương quyết của phái đoàn Bắc Việt tại hòa đàm Paris đòi Mỹ ngưng dội bom vô điều kiện, đồng thời cho biết chính quyền Johnson lại muốn đạt được bảo đảm rằng Bắc Việt phải có hành động đáp ứng tương tự.

Theo tác giả, dĩ nhiên phía Việt Nam (8) không chịu. Tác giả nhắc lại một lời tuyên bố của Hồ Chí Minh –  nói “người Mỹ hành động như bọn cướp của giết người ở Chicago đề nghị không bắn, nếu nạn nhân chịu nộp tiền “mãi lộ”. Hà Nội sẽ đề nghị một bảo đảm “hỗ tương” là sẽ không ném bom và xâm lăng Bắc Mỹ – cho rằng điều này rất logíc, nhưng các nhà thương thuyết Mỹ coi đó như lời nói hỗn xược.(9)

Chương 16 được dành bàn về vấn đề được gọi là đạo lý của sự tiếp tục chiến tranh.

Theo tác giả, “đại đa số nhân dân Việt Nam không hứng thú ủng hộ VC hoặc các nhà lãnh đạo cộng sản (trừ ông Hồ)”. Mấy chữ trong ngoặc đơn chứng tỏ tác giả tin là đại đa số nhân dân Việt Nam ủng hộ Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tác giả không quan tâm nhiều về điều này so với nguyện vọng hòa bình của người dân. Trước mắt tác giả, đại đa số nhân dân Việt Nam, cụ thể là tỷ lệ 80 phần trăm, đều muốn chấm dứt chiến tranh bất kể phe nào thắng. Tác giả cho biết tỷ lệ trên là ước tính của Morton Halperin lúc ấy đang làm việc với Kissinger ở Tòa Bạch Ốc.

Tác giả ghi lại là chính mình đã hỏi Morton về ý kiến của “boss” – tức Kissinger – ra sao thì được trả lời chưa bao giờ hỏi thẳng nhưng có lẽ Kissinger cũng ước lượng như thế.

Tác giả kể về chuyện này: “Tôi nói (với Mort) là những ước đoán đó có vẻ đúng. Nhưng đây là vấn đề mới đối với tôi. Nó bắt đầu làm tôi băn khoăn nhiều. Nếu đúng là hầu hết nhân dân Nam Việt muốn hết chiến tranh, bất kể phe cộng hay phe quốc gia thắng, thì làm sao chúng ta có thể biện minh việc kéo dài chiến tranh bên trong xứ sở của họ? Làm sao chúng ta có quyền để nó kéo dài thêm dù chỉ một ngày? Im lặng thật lâu. Rồi Mort nói: “Câu hỏi thật hay. Tôi không có câu trả lời. Để tôi nghĩ về điều đó.” (10)

Với suy nghĩ đó, Ellsberg bác bỏ danh nghĩa chiến đấu chống Cộng của người Mỹ để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời kết án cả Mỹ lẫn Việt Nam Cộng Hòa đã không tôn trọng hiệp định Genève 1954.

Nhìn lui xa hơn về quá khứ, Ellsberg còn cho rằng các chính quyền Mỹ chỉ hành động trợ giúp thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam là quốc gia đã độc lập từ tháng 3 năm 1945 và sau đó được hoàng đế Bảo Đại thoái vị trao quyền lãnh đạo cho Hồ Chí Minh. Trên căn bản đó, Hồ Chí Minh là nguyên thủ quốc gia chính thức của Việt Nam, mọi hành vi chống lại chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều trái với truyền thống Mỹ là bảo vệ tự do dân chủ và tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia, đồng thời cũng trái với cam kết của hiến chương Đại Tây Dương.

Ellsberg viết: “Những tài liệu nội bộ cho thấy rõ sự kiện ông Hồ là cộng sản – mặc dù ông ta đứng đầu một chính phủ liên hiệp với đa số người không cộng sản tại miền Bắc –  không hề quan trọng trong quyết định từ khước đáp ứng lời kêu gọi của ông ta năm 1945. Đúng ra, sự từ khước đáp ứng của chúng ta phản ảnh một chính sách đã được tổng thống Roosevelt lưỡng lự quyết định nhưng đã được khẳng định một cách cương quyết, nhằm bảo đảm với người Pháp rằng chúng ta nhìn nhận chủ quyền của Pháp tại Việt Nam như một thuộc địa, bất chấp sự không liên tục do chiến tranh và những đòi hỏi độc lập của người bản xứ sau chiến tranh. Quyết định đó đã được duy trì dưới thời tổng thống Truman, trái với truyền thống chống thực dân của Hoa Kỳ và trái lời hứa tôn trọng quyền tự quyết trong Hiến Chương Đại Tây Dương. Trong những lá thư ông Hồ gửi tổng thống Truman đều có viện dẫn cả hai điều đó.” (11)

Tác giả đã phủ nhận hoặc không nhìn thấy hai điều qua đoạn phát biểu trên.

Thứ nhất, việc liên hiệp với các đảng phái quốc gia của Hồ Chí Minh năm 1945 chỉ là một chiêu bài trong sách lược giai đoạn theo chiến lược Lenin chứ không phải hành vi liên hiệp thực sự theo tinh thần đoàn kết toàn dân. Cho nên ngay trong lúc cổ võ liên hiệp, Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành các thủ đoạn tiêu diệt những người yêu nước đứng ngoài hàng ngũ Cộng Sản và tìm mọi cách cô lập số người đứng chung với họ nên không hề có một chính phủ liên hiệp với đa số người không cộng sản tại miền Bắc như Ellsberg khẳng định.

Thứ hai, hướng nhắm của các chính phủ Mỹ sau thế chiến II đã hình thành trên căn bản dự báo về mối hiểm họa xuất phát từ phía Liên Xô dưới chiêu bài cách mạng vô sản. Vào thời điểm đó, những người hoạch định chính sách Mỹ đã nhìn thấy mối nguy Cộng Sản theo đà mở rộng của Liên Xô và mục đích mà khối Quốc Tế Cộng Sản theo đuổi dưới khẩu hiệu “tiêu diệt Tư Bản” chỉ đơn giản là tiến hành đấu tranh tiêu diệt các quốc gia dân chủ Tây Phương.

Không lưu tâm tới hai sự kiện này, Ellsberg cho rằng những người hoạch định chính sách Mỹ lúc đó chỉ nhắm duy trì bang giao tốt đẹp với Pháp – Anh là hai nước tuy ký kết bản Hiến Chương Đại Tây Dương nhưng không hề có ý định áp dụng tại những thuộc địa của mình như Ấn Độ, Mã Lai... nên Mỹ đã hành động ngược với truyền thống bằng cách hỗ trợ cho những tham vọng thực dân của Pháp tại Đông Dương.

Dẫn lời tuyên bố của bộ ngoại giao Mỹ ngày 27-9-1948 về Đông Dương, tác giả kết luận là ngay thời gian đó, khi ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương, Mỹ đã trực tiếp chống lại phong trào quốc gia do một người cộng sản cầm đầu được đa số đáng kể nhân dân ủng hộ. Như vậy, cái được gọi là sự cao cả và vị tha của Hoa Kỳ đã mất ý nghĩa.

Một khẩu hiệu được tung ra vào thời ấy – thà chiến tranh (tức thà chết) còn hơn bị nhuộm đỏ – theo Ellsberg, hoàn toàn không thích hợp với một xứ sở do những người “đỏ” đang lãnh đạo một phong trào yêu nước được hầu hết mọi người tán thành. (12) Ellsberg còn cho là Mỹ đã bất chấp công pháp quốc tế, vi phạm hiệp định Genève 1954 hệt như Pháp đã vi phạm hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 và tạm ước Modus Vivendi mà Moutet ký cùng năm đó với Hồ Chí Minh, sau hội nghị Fontainebleau.

Ellsberg khẳng định do những vi phạm này chiến tranh bùng nổ và cả Pháp lẫn Mỹ đều thất bại vì hiểu lầm sức mạnh tinh thần của đối phương.

Tác giả minh chứng bằng lời nói của Hồ Chí Minh với Jean Sainteny trước khi ký tạm ước Modus Vivendi tháng 9-1946: “Đừng để tôi ra về như thế; hãy giúp tôi (cho tôi một vũ khí) chống lại những kẻ tìm cách vượt trội tôi. Ông sẽ không hối tiếc về điều đó... Nếu chúng tôi phải chiến đấu thì chúng tôi sẽ chiến đấu. Các ông sẽ giết 10 người của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ giết được một người của các ông. Và cuối cùng chính các ông sẽ thấm mệt.” (13)

Vào khoảng cuối tháng 9-1969, sau khi đọc xong một số hồ sơ mật của Ngũ Giác Đài, Ellsberg nêu ra 4 điểm về cuộc chiến Việt Nam:

1– Không hề có 2 cuộc chiến Đông Dương mà chỉ có một cuộc chiến kéo dài gần một phần tư thế kỷ kể từ 1945 tới 1975.

2– Đó là cuộc chiến của Mỹ ngay từ buổi mở đầu và trong thời điểm mở đầu này Mỹ có sự chia xẻ của Pháp. Minh chứng cho điều này là từ cuối thập niên 40, không năm nào mà tổng thống, quốc hội hay công dân Mỹ không đổ vào cuộc xung đột đó tiền bạc, vũ khí rồi nhân lực, ban đầu qua người Pháp, sau là trực tiếp.

3– Sau 1954, Việt Nam đã có thể có hòa bình nếu Mỹ đừng chống việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất hai miền theo quy định của hiệp định Genève.

4– Tại Việt Nam không hề có nội chiến Nam – Bắc, cũng không có chuyện miền Bắc xâm lăng miền Nam mà chỉ có một cuộc chiến do Mỹ xâm lược hoặc nhìn từ phía Việt Nam là cuộc chiến của người Việt Nam chống xâm lược Mỹ.

Bốn điểm trên được Ellsberg phát hiện khi phân tích hai nguồn tài liệu được đánh giá là có mức giá trị rất cao.

Nguồn tài liệu thứ nhất là những văn kiện phản ảnh chính sách đối ngoại của Mỹ từ các thời Truman qua Eisenhower, Kennedy, Johnson đến Nixon. Ellsberg tìm thấy trong mọi quyết định quan trọng của các chính quyền Mỹ chỉ có một điều nổi bật là tinh thần hiếu chiến của giới lãnh đạo Mỹ và ý đồ bênh vực chính sách thực dân. Cho nên, Ellsberg đã thấy toàn thể giới lãnh đạo Mỹ kế tục từ 1945 tới 1975 là những kẻ dối trá và tàn ác. Dối trá vì đã lừa gạt nhân dân Mỹ bằng chiêu bài chiến đấu chống Cộng để bênh vực thực dân trong khi tàn ác vì coi rẻ sinh mạng của nhân dân Việt Nam bằng những chỉ thị leo thang chiến tranh, trút bom đạn lên đầu các nạn nhân vô tội.

Nguồn tài liệu thứ hai là những hồ sơ mật của Ngũ Giác Đài ghi chép cung từ của các tù binh và hồi chánh viên Cộng Sản Việt Nam. Ellsberg đã ghi nhận qua các tài liệu này những lời khai rằng họ chiến đấu chỉ vì lòng yêu nước, chiến đấu chống ngoại xâm chứ không chiến đấu cho chủ nghĩa Cộng Sản dù họ vẫn tin tưởng Cộng Sản có chính nghĩa. Với những lời khai này của cán binh Cộng Sản, Ellsberg khẳng định không có chuyện nội chiến Quốc – Cộng Việt Nam và cũng không có chuyện miền Bắc xâm lăng miền Nam, vì thực tế đã rõ ràng là chỉ có những người Việt Nam đang cầm súng chống xâm lược Mỹ để bảo vệ đất nước mà thôi.

Truyền thống tự do Mỹ có thể cho phép Ellsberg xuyên tạc để lăng mạ giới lãnh đạo Mỹ bằng bất kỳ thủ thuật tráo trở nào mà một kẻ tệ mạt nhất nghĩ ra được.

Ellsberg cũng có thể bất chấp cái nhìn ghê hãi của chính thân thích, bạn bè hướng về mình để theo đuổi các mưu tính cá nhân bằng cách phỉ nhổ và dày xéo lên thân xác đồng đội là những người lính Mỹ đã gục ngã trên các chiến trường Việt Nam. Nhưng, mọi cảm nghĩ và lời lẽ dù được tô điểm bằng ánh hào quang rực rỡ nhất của một cá nhân có thể bình thản hành sử như vậy sẽ luôn luôn cần xét lại, ngay cả với những người vô cùng dễ tính.

Ellsberg đặt ý kiến trong khuôn khổ vấn đề đạo lý của chiến tranh và dựa theo nguyện vọng hòa bình của tám chục phần trăm dân chúng Việt Nam để kết án chính quyền Mỹ đã kéo dài cảnh bom rơi đạn nổ.

Thực ra, Ellsberg không cần đợi tới lúc nghe Morton Halperin hay Kissinger tiết lộ mới có thể nêu con số trên. Ngược lại, Ellsberg có thể nêu sớm hơn và nêu chính xác hơn hẳn là một trăm phần trăm dân chúng Việt Nam đều thiết tha mong sớm có hòa bình.

Thế nhưng, ít nhất từ 1945 tới nay Việt Nam đã hai lần có hòa bình, năm 1954 và năm 1975. Trong cả hai lần đó, Ellsberg có thể nhìn thấy rõ việc bom đạn ngưng tiếng đã thực sự đáp ứng nguyện vọng hòa bình của người dân Việt Nam chưa?

Vấn đề đạo lý của chiến tranh chắc chắn cũng phải đặt ra nhưng trước hết khó thể quên đạo lý của chính người nêu vấn đề. Hãy ngưng lại với một sự việc do Tauriac nêu:“Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR, trong vòng hai mươi năm, từ 1975 tới 1995, có gần 800 ngàn người Việt Nam đã bỏ trốn thành công bằng việc dùng tàu đến một xứ khác. Nhưng cùng thời khoảng đó, có từ 40 tới 70 phần trăm người ra đi tức từ 1 triệu tới 1 triệu 900 ngàn boat people đã không đến nơi...và biến mất. Bị chết ngay khi vừa xuống thuyền, chết đuối do tàu đắm, chết đói hoặc khát hoặc bị hải tặc tàn sát... Đó là chưa kể con số những land people chưa thể thống kê. Những người này thường bị chết dọc đường do đi lạc, bị giết bởi những người thượng du thù nghịch, bởi công an Lào – Căm Bốt, hoặc bộ đội Việt Nam tại Căm Bốt và bởi cả Khmer Đỏ... Như thế, hàng mấy trăm ngàn người – thậm chí có thể mấy triệu người – nam nữ già trẻ đã chết do muốn đi tìm khả năng được sống tự do. Họ chết trong âm thầm, trong các điều kiện rất khủng khiếp... (14)

Quả tình nên theo Ellsberg vứt bỏ cái khẩu hiệu thà chiến tranh còn hơn bị nhuộm đỏ mang tính tuyên truyền cho những âm mưu chính trị gian trá.

Nhưng trường hợp do HCR ghi nhận ở trên đã nêu lên một khẩu hiệu của chính người dân chưa hề biết đến chính trị và cũng chẳng muốn lường gạt ai. Những người dân này đã đem mạng sống bản thân và người thân yêu nhất ra để hét vào mặt những kẻ đang ca ngợi đời sống hòa bình và thành tựu của cách mạng Việt Nam rằng thà chết còn hơn bị nhuộm đỏ hoặc thà chết còn hơn sống trong đời sống hòa bình hiện nay.

Tiếng hét đó vang lên suốt mấy chục năm và theo ghi nhận của HCR có thể đã có tới 2 triệu người Việt Nam chết để thể hiện thái độ chọn lựa dứt khoát của mình.

Những người giữ được mức đạo lý tối thiểu để không gian trá sẽ không thể vùi lấp sự việc này khi phân tích vấn đề Việt Nam. Chính vì thế, người từng hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh, từng tán tụng cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam như Jean Lacouture mặc dù cố tình bỏ quên các cuộc trốn chạy khỏi ách thống trị của Cộng Sản năm 1954 và 1975, cuối cùng vẫn cố  cứu vãn tư cách của mình bằng một lời biện bạch: “Để giữ nguyên sự thán phục dành cho cuộc cách mạng, tốt nhất là không nên nhắc đến các nạn nhân của nó”. (15)

Ellsberg đã nêu việc đại đa số dân chúng Việt Nam đều tin tưởng Hồ Chí Minh như tiền đề cho câu chuyện đạo lý của hành vi tiếp tục chiến tranh hẳn không thể giả dạng mù câm trước sự việc này, trừ trường hợp duy nhất là tự coi tư cách đạo lý của chính bản thân như một thứ cần rũ bỏ.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 26

(01) Sách do nhà Viking Penguin xuất bản tại NY, London.... Khi nghe tin sách ra được độ ba tháng, chúng tôi đến thư viện địa phương xin mượn, thì được biết hệ thống thư viện này có 9 ấn bản của tác phẩm. Nhưng tất cả đều đã có người mượn, và hiện còn cả tá độc giả đã đăng ký chờ đến lượt mình.

(02) Cũng là ngày xảy ra biến cố tàu Maddox bị tấn công tại vịnh Bắc Bộ, trở thành lý do cuộc chiến khai mào.

(03)  SĐD  tr. 118- 123. Trung tá Vann thời đệ nhất VNCH là cố vấn sư đoàn 7 thuộc quân đoàn IV. Đến thời đệ nhị VNCH ông trở lại Việt Nam với tư cách cố vấn dân sự cho Quân Khu II. Ông bị tử thương trong nhiệm vụ này và được vinh danh như một anh hùng.

(04)-(05)-(06)-(07)  SĐD  tr. 127, 128, 134- 135, 140.

(08) Tác giả không viết Hà Nội hay Bắc Việt hoặc VC mà viết  Người Việt Nam – the Vietnamese, coi như phía Bắc Việt mới đại diện cho dân Việt.

(09)-(10)-(11)-(12)-(13)  SĐD  tr. 221, 248, 249-250, 253- 254, 251.

(14) Vietnam, le dossier noir du communisme – Bản Việt ngữ của Nguyên Văn – tr. 291-192

(15) Vietnam, voyage à travers une victoire – Le Seuil 1976,  tr. 7

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:25 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong