HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 24*
 

PHILLIP B. DAVIDSON và Vietnam At War


Phillip B. Davidson là đại tướng 3 sao của Quân Lực Hoa Kỳ, phụ tá tư lệnh Quân Đội Mỹ ở Sài Gòn trước khi Sài Gòn  thất thủ.

Với tư cách một tướng lãnh có nhiều dịp tiếp xúc với các giới chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng như chính quyền Mỹ, đồng thời là trưởng ngành tình báo, trực tiếp báo cáo tình hình với Thống Tướng Abrahams, Phillip B. Davidson đã có trong tay nhiều tài liệu sống về cuộc chiến Việt Nam. Ngoài ra, khi viết cuốn lịch sử chiến tranh Việt Nam dày 840 trang khổ lớn, Vietnam At War – Việt Nam lâm chiến (1), Phillip B. Davidson còn tham khảo nhiều tác phẩm viết về cùng đề tài của những cây viết nổi tiếng.

Vietnam At War kể về hai cuộc chiến được tác giả gọi là cuộc chiến Đông Dương I và II.

Tác phẩm gồm 27 chương, chia làm 2 phần. Phần I  nói về cuộc chiến Đông Dương I, gồm 12 chương và phần II nói về cuộc chiến Đông Dương II gồm 15 chương.

Võ Nguyên Giáp là nhân vật thu hút sự khâm phục của tác giả đến độ có thể nói đối với Davidson, việc Mỹ thất trận tại Việt Nam chỉ vì nguyên do gần như duy nhất là đối phương có Võ Nguyên Giáp.

Suốt tám trăm trang sách, tác giả chỉ vài lần nhắc đến Hồ Chí Minh, ngoài ra, luôn nhắc đến Võ Nguyên Giáp như người lãnh đạo thực thụ cuộc chiến từ đầu đến cuối.

Tuy ít nhắc tới Hồ Chí Minh, nhưng tác giả lại có những nhận xét khá độc đáo về nhân vật này, phản ảnh một hướng nhận định hoàn toàn trái ngược với các sử gia Mỹ cũng như Pháp từ trước tới nay.

Theo tác giả, trong ngày 9-10-1954, ngày Hà Nội tổ chức lễ mừng chiến thắng Điện Biên chỉ có một sư đoàn 308 tham dự và không có mặt Võ Nguyên Giáp. Tác giả nêu lý do của sự vắng mặt này là do lệnh của Hồ Chí Minh nhưng không giải thích tại sao. Phải chăng tác giả hàm ý cho rằng Hồ Chí Minh không muốn thanh thế Võ Nguyên Giáp lên quá cao?

Tác giả ghi nhận việc đàn áp cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu sau cải cách ruộng đất là do lệnh của Hồ Chí Minh – Hồ ordered Giáp to suppress it. Nêu chi tiết về việc này, tác giả cho biết Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp đem sư đoàn 325 lúc đó đang đóng ở gần Vinh tới đàn áp. 1000 nông dân đã bị giết và 6000 bị đầy biệt xứ.

Tác giả trưng dẫn thêm tài liệu của Ngũ Giác Đài xác nhận có nhiều ngàn người bị giết trong vụ này. (2)

Dù Võ Nguyên Giáp là một trong những thủ hạ thân tín nhất của Hồ Chí Minh, nhưng mối tương quan giữa hai nhân vật này không hoàn toàn diễn ra tốt đẹp theo ghi nhận của Phillip B. Davidson.

Dựa theo lời một cán bộ cao cấp Cộng Sản Việt Nam đào ngũ thì có thời gian Hồ Chí Minh tỏ ra tín nhiệm Nguyễn Chí Thanh, người mang cùng cấp bậc đại tướng trong quân đội Cộng Sản Việt Nam như Võ Nguyên Giáp. Tác giả thuật lại rằng vào năm 1964, Hồ Chí Minh đã cử Nguyễn Chí Thanh, vốn có xu hướng thân Trung Cộng, cầm đầu toán nghiên cứu về "chủ nghĩa xét lại ” trong trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó vẫn mang tên là Đảng Lao Động Việt Nam. Đây là bước đầu của chiến dịch chống "xét lại" nhắm vào Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và ba nhân vật lãnh đạo khác trong đảng Lao Động. Theo kết quả cuộc điều tra của Nguyễn Chí Thanh, 5 người này đều bị dán nhãn hiệu "kẻ xét lại” và phải qua những lớp chỉnh huấn do Hồ Chí Minh đích thân đảm nhận.

Nhưng, người tiết lộ tin này nói rằng Hồ Chí Minh không có ý thanh trừng nội bộ mà chỉ nhắm chỉnh hướng cho những kẻ đi sai đường lối của đảng. Sau đó, Nguyễn Chí Thanh được trao nhiệm vụ tổng chỉ huy chiến trường miền Nam và điều này được coi như một cái tát tai dành cho Võ Nguyên Giáp. (3)

Võ Nguyên Giáp cũng là người cực lực chống lại kế hoạch tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, theo Davidson. Lúc đó, sức khoẻ Hồ Chí Minh đã suy yếu và các thủ hạ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng muốn có chút quà cuối cùng dâng "Bác. Món quà có ý nghĩa nhất là mở một trận đánh quyết định để giành chiến thắng nhanh nhất tại miền Nam (4). Võ Nguyên Giáp chia xẻ quan điểm trên nhưng không đồng ý về kế hoạch tổng nổi dậy.

Về trận Mậu Thân, với tư cách phụ tá tình báo của Thống Tướng Tổng Tư Lệnh Mỹ tại Việt Nam lúc đó, tác giả cho biết qua những ghi nhận từ các cuộc tiếp xúc và hỏi cung các cán bộ cao cấp Cộng Sản Việt Nam, chỉ có 2 phần trăm dân chúng ủng hộ cuộc tổng công kích Mậu Thân.

Tác giả đã đích thân hỏi cung hai sĩ quan cao cấp Cộng Sản Việt Nam ra đầu thú với quân đội Hoa Kỳ là đại tá Trần Văn Đắc đầu thú ngày 19-4-1968 và trung tá Phan Việt Dũng ít ngày sau đó. Phan Việt Dũng là tư lệnh trung đoàn ưu tú Cộng Sản 165 còn Trần Văn Đắc là đại tá chính ủy nhưng giữ nhiệm vụ của một trung tướng. Cả hai sĩ quan này đều cho biết họ thất vọng từ nhiều ngày trước nên đã quyết định đào ngũ khi nhận nghị quyết số 6 của đảng chủ trương đánh thêm đợt hai sau thất bại đợt đầu.

Nhắc lại biến cố này, Phillip B. Davidson ca ngợi lòng dũng cảm và sự thành công của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.(5) và cho biết: “Với cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thu đạt một thắng lợi lớn đối với trí óc và con tim của nhân dân miền Nam.”

Tuy nhiên, tác giả không đề cập tới hậu quả khác của trận đánh đó khởi từ thái độ của một số báo chí phản chiến Mỹ đã biến chiến thắng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh thành một thất bại chính trị ngay tại Mỹ là dựa vào trận đánh để thúc đẩy phong trào phản chiến bùng lên mạnh mẽ.

Về thái độ ngoan cố và tàn bạo của Hồ Chí Minh, tác giả thuật lại việc Hồ Chí Minh nhận được đề nghị hòa hoãn của tổng thống Nixon từ lâu nhưng chỉ bày tỏ phản ứng vào lúc kề cận ngày tận số:“Đáp lại bức thư hòa hoãn của tổng thống Nixon ngày 15-7-1968, là cuộc tấn công của VC vào 100 thành phố và thị xã miền Nam. Mãi ngày 25 tháng 8, Hồ mới chính thức phúc đáp thư của Nixon bằng một cách lăng nhục. Đặt nó chung với cuộc tấn công, người ta có thể tưởng tượng ông ta cầm lấy tẩu thuốc hòa bình mà Nixon đưa mời ông ta để đánh Nixon và còn đổ tàn thuốc nóng hổi vào bàn tay Nixon nữa. (6)

Chương cuối, bàn về lý do thất trận của Mỹ, Davidson khen đối phương nói chung và gián tiếp khen Hồ Chí Minh có một chiến lược thượng thặng: nhắm mục đích tối hậu là nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. (7)

Kết luận này nếu phù hợp với luận điệu của Cộng Sản Việt Nam và biện giải của nhiều giới chức quân sự Mỹ lại khó phù hợp với nhiều điều được chính tác giả nêu trong tác phẩm. Sự mâu thuẫn khó hiểu luôn hiện diện trong quan điểm của các tác giả viết về cuộc chiến Việt Nam vẫn là điều không thể không nhìn lại.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 24

(01)   Prisidio Press, Novato, California, 1988

(02)-(03)-(05)-(06)-(07) SĐD  tr 287, 311 & 312, 545, 597, 795

(04)  SĐD tr. 449, nguyên văn: “to give the old man this last present, a decisive victory in the shortest time”.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:15 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong