HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 23*
 

P. J. HONEY và Communism in North Việt Nam


Giáo sư  P. J. Honey, người Anh, chuyên gia về cộng sản Việt Nam từng giảng dậy về môn này bằng tiếng Việt tại trường đại học Luân Đôn đồng thời cũng là cố vấn của Ban Việt Ngữ đài BBC Luân Đôn trong một thời gian dài. Ông cũng là người viết lời giới thiệu cuốn From Colonialism to Communism (1)  của kỹ sư Hoàng Văn Chí.

Hai tác phẩm của P.J Honey về vấn đề cộng sản Việt Nam, North Việt Nam Today (2) Communism in North Việt Nam (3) phát hành trong 2 năm 1962-1963, đã nêu khá rõ nhận định của tác giả về Hồ Chí Minh.

North Việt Nam Today – Bắc Việt Ngày Nay thực ra là một tập hợp bài viết của nhiều tác giả đề cập tới nhiều vấn đề tại miền Bắc Việt Nam do P.J Honey chọn lựa:

1– Như Phong Lê Văn Tiến viết về văn nghệ sĩ, trí thức miền Bắc

2– Nguyễn Ngọc Bích trình bày một quan điểm độc lập về Việt Nam

3– Hoàng Văn Chí viết về Chế độ hợp tác hóa nông nghiệp và sản xuất lúa gạo

4– Philippe Devillers viết về Cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam

5– P.J. Honey viết về Ban lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và việc kế vị Hồ Chí Minh

6– Bernard B. Fall viết về Quyền Lực và các nhóm áp lực tại Bắc Việt

7– Gerard Tongas viết về Nhồi sọ thay cho giáo dục

8– William Kaye viết về Kinh tế Bắc Việt

9– George Ginsburgs viết về Chính quyền địa phương và hành chánh quản trị dưới thời Việt Minh, 1945- 1954.

Communism in North Việt Nam – Chế độ Cộng Sản tại Bắc Việt gồm 5 chương nhận định một số khía cạnh khác nhau của chế độ Cộng Sản tại miền Bắc Việt Nam:

Chương 1, những nhân tố ảnh hưởng đến các chính sách của Bắc Việt.

Chương 2, ban lãnh đạo (Hồ, Đồng, Giáp, Chinh, Duẩn và sự đối địch giữa Trường Chinh – Võ Nguyên Giáp.

Chương 3, từ lệ thuộc Trung Cộng đến trung lập trong khối Cộng.

Chương 4, con đường khó khăn ở giữa.

Chương 5, hai cuộc khủng hoảng Xô Viết – Cuba, Trung – Ấn và sau đó.

Trong North Việt Nam Today, P. J. Honey xác quyết Hồ Chí Minh đã bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp và đưa ra 3 lý do để bào chữa cho hành động này: “Việc Hồ Chí Minh bán đứng nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu cho Pháp lúc ấy đang sống lưu vong tại Trung Hoa minh họa chân dung (cá tính) đích thực của con người đó. Sau này ông ta đã chứng minh cho đồng nghiệp thấy đó là việc làm chính đáng bằng cách nêu 3 lý do thúc đẩy ông ta hành động như thế:

Thứ nhất, Phan Bội Châu không phải cộng sản mà là người “quốc gia” và có thể sẽ là đối địch với cộng sản trong kế hoạch kiểm soát phong trào kháng chiến chống Pháp.  Phản Phan Bội Châu là loại bỏ được một đối thủ tương lai.

Thứ hai, món tiền thưởng nhận được của Pháp có thể được dùng một cách tối ưu để phát triển phong trào Cộng Sản Việt Nam. (4)

Thứ ba, việc Pháp xử tử Phan Bội Châu sẽ tạo nên một không khí phẫn nộ mạnh trong nước lúc ấy đang cần có.

Với ghi nhận đó,  P.J. Honey kết luận: “Biện luận kiểu đó chứng tỏ không còn nghi ngờ rằng Hồ cực đoan, tàn nhẫn và có óc tính toán.” (5)

Với tư cách một học giả nổi tiếng thế giới và một chuyên viên về vấn đề Việt Nam, P. J. Honey đã ghi lại một cảnh sống của người dân Bắc Việt sau cải cách ruộng đất ngoài hẳn mọi mức độ tưởng tượng: “Tại một vài vùng quê, vì thiếu vải, ngay cả phụ nữ cũng phải bất đắc dĩ ở trần, để cả vú ra, là điều phụ nữ Việt Nam rất lấy làm xấu hổ, nhục nhã, chẳng kém gì đàn bà Âu Mỹ.”(6)  Thực ra, một người từng sống trên chục năm tại miền Bắc sau 1954 là nhà văn Xuân Vũ đã ghi lại trong các sáng tác của mình hai câu “ca dao mới”:

May quần để vú tô hô,

May áo thì để bộ đồ em ra.

Với Xuân Vũ, người đọc có thể nghĩ hai câu “ca dao mới” kia chỉ là sản phẩm do óc sáng tạo đượm tính hài hước của một tiểu thuyết gia chứ không thể là hình ảnh của thực tế.

Nhưng qua ghi nhận của P. J. Honey, vấn đề bắt buộc phải được hiểu ngược lại. Hơn nữa, P. J. Honey còn nêu thêm nhiều chi tiết về cái thực cảnh không tiền khoáng hậu này qua những giới hạn về việc mua bán nhu yếu phẩm của người dân.

Trong trường hợp có tiền để mua vải thì cũng phải có điều kiện mới mua nổi, nhất là khi cần có số vải ngoài “mức khẩu phần” qui định: Trên nguyên tắc, người dân có thể được mua vải đặc biệt để liệm người chết hoặc để may áo cưới lúc làm lễ thành hôn. Nhưng trong thực tế có những áp lực mạnh mẽ để ngăn cản việc này, khiến hầu hết mọi gia đình đều phải tình nguyện bằng lòng với khẩu phần thường lệ”. (7)

Tác giả đưa ra một nhận định khá độc đáo về lý do tồn tại của chế độ Cộng Sản Bắc Việt khi cho rằng “nếu chế độ cộng sản miền Bắc đổ, Trung Cộng sẽ can thiệp để lập một chế độ mới còn tệ hại hơn nữa. Đó là lý do thực sự tại sao cộng sản Việt vẫn tiếp tục cầm quyền. Nếu cộng sản Trung Quốc đổ, thì cộng sản Việt khó sống sót được vài ngày.”

Tìm hiểu về thành phần ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam và người sẽ kế vị Hồ Chí Minh, tác giả chia 11 Ủy Viên Bộ Chính Trị thành 3 nhóm: thân Nga, thân Trung Cộng và trung lập. Tác giả phân tách một số biến cố thời sự rồi xếp Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh (và Lê Đức Thọ với sự dè dặt) vào phe thân Trung Cộng. Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng (và Phạm Hùng với sự dè dặt) vào nhóm thân Nga. Các nhân vật như Hoàng Văn Hoan, Lê Thanh Nghị được coi là những chuyên viên về ngoại giao và kinh tế được tác giả xếp vào nhóm trung lập, đứng ngoài cuộc tranh chấp và sẽ nghiêng theo phe thắng.

P.J. Honey nêu nhận định này dựa trên những biến cố cách đây hơn bốn mươi năm và không thể có cơ sở cụ thể vững chắc về tương quan cũng như hướng nhắm của từng cá nhân nên không phản ảnh đúng với thực tế sau đó. Tuy nhiên xác quyết của tác giả về uy thế lãnh đạo và vai trò trọng tài hòa giải của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên được tính chính xác.

Việc đề cao vai trò Hồ Chí Minh trên chính trường Bắc Việt của tác giả cũng là lời xác nhận Hồ Chí Minh luôn luôn thực sự điều khiển mọi việc và chính là người chịu toàn bộ trách nhiệm về các chính sách của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

Vai trò của Hồ Chí Minh cũng được coi như kết quả đương nhiên của cái thế đi dây mà chế độ Cộng Sản Bắc Việt bắt buộc phải chọn lựa trước cuộc tranh chấp Liên Xô – Trung Cộng diễn ra quyết liệt vào lúc đó.

Tác giả ghi lại việc xảy ra trong đại hội các đảng cộng sản thế giới vào tháng 11 năm 1960 ở Mạc Tư Khoa: “Thật là lý thú để ghi nhận rằng, ông Hồ hơn bất cứ lãnh tụ cộng sản nào khác đang dự đại hội, đã không ngừng làm hết cách không mệt mỏi để đưa hai đảng Nga Trung Cộng lại với nhau. Hòa giải 2 bên là điều bất khả thi vì sự chia rẽ quá lớn. Vì vậy ông chỉ nhằm mục đích thuyết phục hai bên cố che giấu sự bất đồng đừng để cho thế giới không cộng sản thấy. Điều này có nghĩa là phải làm sao để bản tuyên bố chung cuộc của đại hội được cả hai bên chấp nhận và đồng ký tên, và Hồ đã dàn xếp để có những buổi họp của hai phái đoàn đàn anh cho mục đích ấy.

Theo tác giả thì Hồ Chí Minh đã thành công, vì cuối cùng phái đoàn Trung Cộng chịu ký vào bản tuyên bố chung cuộc. Nếu Trung Cộng không ký, Bắc Việt sẽ bị đặt trước một lựa chọn nguy hiểm, ký hay không?

Ký tức là chống Bắc Kinh còn không ký tức là chống Liên Xô. Thời ấy nhiều nhà quan sát đã khen Hồ Chí Minh tỏ ra cực kỳ khôn khéo để có thể tiếp tục giữ vững thế đi dây giữa hai đàn anh đang kình chống nhau.

Trong số 9 tác giả của North Việt Nam Today, sử gia nổi tiếng của Pháp Gérard Tongas là người đã chọn ở lại miền Bắc sau 1954 để hợp tác với cộng sản trong một thời gian 7 năm. Cả hai vợ chồng Gérard Tongas đều là giáo sư trường trung học Chu Văn An,  Hà Nội. Tongas dạy Pháp Văn còn bà vợ dạy Anh Văn. Bài viết của Tongas mang tựa đề Indoctrination replaces Education – Nhồi sọ thay cho giáo dục.

Lúc đó, Tongas cũng đã có một tác phẩm về đề tài Việt Nam, J’ai vécu dans l’enfer communiste au Nord Việt Nam et j’ai choisi la liberté – Tôi đã sống trong hỏa ngục cộng sản Bắc Việt  và đã chọn tự do.

Tongas hoàn thành tác phẩm này ngay sau khi rời Bắc Việt. Tongas vốn được giới cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt tin cậy nên đã có cơ hội biết rõ nhiều điều bí mật của chế độ để đi tới quyết định phải xa lánh nó.

Trong bài viết chỉ gồm vỏn vẹn 12 trang, tác giả cho biết: “Đối với Việt Cộng, những danh từ văn hóa, giáo dục và dậy học chỉ có một nghĩa là nhồi sọ. Tại Bắc Việt, một người có văn hóa tương đối hay có giáo dục, có chút học vấn là người đã bị liên tục nhồi nhét ý thức hệ Mác Xít Lêninít, là kẻ không còn suy nghĩ cho riêng mình mà chỉ biết chấp nhận toàn bộ như sách thánh những khái niệm được nhồi nhét vào đầu một cách có hệ thống bằng một thứ tuyên truyền cẩn thận, khéo léo dần dần.” (8)

Hiểu biết về chủ nghĩa là tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên vào đại học nên trình độ kiến thức tổng quát hết sức tệ hại. “Hầu hết giáo sư đều rất kém cỏi, hoàn toàn không đủ khả năng. Gần như tất cả giáo sư đều là cán bộ. Một vài người thực sự có khả năng trình độ là những biệt lệ hiếm hoi.(9)

Cộng Sản thường tự hào khoa trương họ đã có công đầu trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Theo Gérard Tongas, họ chỉ lợi dụng chiến dịch này để nhồi nhét cho đám đông những khẩu hiệu chính trị, như “Hồ chủ tịch muôn năm”, “đảng Lao Động Việt Nam muôn năm”, “Hòa bình muôn năm”, “Đế quốc Mỹ và tay sai nhất định sẽ thua”, “các đồng chí Liên Xô muôn năm” vv... hầu hết những người đi học không biết gì hơn những khẩu hiệu tương tự như thế.

Tác giả nêu rõ một lý do dễ dàng gây xúc động cho những khách ngoại quốc viếng thăm các lớp học chống mù chữ là thành phần học sinh và những cảnh trình diễn.

Nhìn qua những ông già bà cả tay run run nắn nót nét chữ, hay những em bé bặp bẹ những tiếng “i, tờ”... với sự giúp đỡ tận tình của các công nhân không ngần ngại hiến dâng cả buổi tối đáng lẽ được nghỉ ngơi sau một ngày lao động cực nhọc, ai mà không xúc động? “Nhưng khi người ta có thể bàn chuyện tự do với những học viên hay giảng viên đó về chiến dịch chống nạn mù chữ, và theo dõi công việc của họ – như tôi có nhiều thì giờ để làm việc đó – thì sự thực đã quá chán chường. Vì vậy càng ngày lớp học càng trở nên buồn tẻ và những giảng viên tình nguyện cũng sớm rút lui. Chỉ còn một số cán bộ và giảng viên được chỉ định cố gắng duy trì các lớp đó.(10)

Trong những năm cải cách ruộng đất, nhất là sau vụ nổi loạn của nhân dân Ba Làng, Quỳnh Lưu ở Việt Nam và nhân dân Budapest bị đàn áp dã man, thanh niên Hà Nội xôn xao bàn tán và không ít người đã có ý định tổ chức biểu tình chống đối, nhưng rồi cơ hội vuột đi, không thực hiện được.

Dù vậy, theo tác giả, giới trẻ không còn hướng về Hồ Chí Minh như trước nữa. Một hình ảnh thực tế được nhắc tới là những bức chân dung Hồ Chí Minh ở nhiều nơi bắt đầu bám bụi vì không còn ai nghĩ tới lau chùi. Và “theo tôi, giới trẻ nóng lòng mong đợi miền Nam, hy vọng trong đó sẽ ra giải phóng cho họ. Họ đặt tất cả niềm hy vọng nơi sự can thiệp của miền Nam và có vẻ thích thú quan tâm đến những tiến bộ về kinh tế xã hội và sự phát triển chung trong đó(11)

Thời gian này miền Nam đang sống dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Trong Communism in North Việt Nam, giáo sư Honey cho biết sở dĩ một số ủy viên trung ương đảng Lao Động (tên gọi đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó) đã không được nêu tên hay lý lịch vì vào thời điểm đó những người này đang trực tiếp chỉ huy cuộc chiến chống chính quyền miền Nam. Dưới phần cước chú tác giả nêu rõ: “Sau khi hiệp định về nền “trung lập” của Lào được ký kết vào tháng 7 năm 1962 một nhân vật cao cấp của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vô ý tiết lộ trước mặt các phóng viên quốc tế rằng có những thành viên bí mật trong Trung Ương đảng Lao Động đang điều khiển các cuộc hành quân ở trong Nam. Ông ta nêu tên 4 người – Phạm Văn Đang, Nguyễn Văn Cúc, Lê Toàn Thư, và Phạm Thái Bường – và cho người nghe có cảm tưởng là còn những người khác nữa. Việc này đã được loan tải trên nhiều báo, nhưng trước tiên người ta thấy trên tờ The Sunday Telegraph – Tin Điện Chủ Nhật, Anh) ngày 29-7-1962.” (12)

Về sự lãnh đạo và uy quyền của Hồ Chí Minh trong Đảng cũng như Nhà Nước ở Hà Nội, tác giả viết: “Chỉ một mình ông (Hồ) quyết định những vấn đề chính trị cao cấp, còn những kẻ khác, kể cả các ủy viên bộ chính trị, chỉ có việc chấp nhận và tuân hành mệnh lệnh của ông về các vấn đề liên quan...”

Tác giả giải thích cách thức Hồ Chí Minh vận dụng để nắm quyền uy như sau: “Bằng cách khai thác sự đối địch giữa các ủy viên bộ chính trị...Khi nào ông ta muốn thay đổi một chính sách đang áp dụng để chuyển sang một chính sách khác, ông ta chỉ việc rút sự ủng hộ của cá nhân ông đối với những kẻ đang ủng hộ chính sách đó, để quay ra ủng hộ người nào mạnh nhất trong nhóm chủ trương chính sách đối lập. Vì phải nương nhờ vào quyền lực chính trị và ảnh hưởng của ông Hồ mà tồn tại, các ủy viên bộ chính trị không có lựa chọn nào khác hơn là phải theo quyết định của ông ta.” (13)

Tác giả nêu thêm một lý do nữa:“Các lãnh tụ cộng sản Việt Nam khác, mà hầu hết nằm trong bộ chính trị đương thời, rõ ràng không có khả năng tự mình lãnh đạo đảng. Có lẽ điều này chẳng đáng ngạc nhiên vì ông Hồ có kinh nghiệm nhiều mặt trong các vấn đề chính trị quốc gia và quốc tế, những kẻ khác biết rất  ít về thế giới bên ngoài”. (14)

Chương 3, trong đoạn nói về xung đột nội bộ đảng, P. J. Honey nêu một sự thật có thể khiến nhiều người đọc ngạc nhiên về sự bày tỏ thái độ của người dân trong một xứ sở mà tuyên truyền cộng sản hoàn toàn chế ngự hết thẩy: Tin đồn ông Hồ chết (hay mất tích) hồi ấy đã không làm người dân buồn. Trái lại họ “vui mừng vì ít nhất một bạo chúa đã biến mất.” (15)

Mức thông hiểu tình hình Việt Nam khiến Honey không ngạc nhiên về tâm trạng của người dân nên khi nêu sự việc trên, có lẽ tác giả chỉ muốn nhấn mạnh về sự thiếu hiệu quả hoàn toàn của những nỗ lực tuyên truyền mà Cộng Sản nỗ lực theo đuổi.

Tác giả cũng nêu một sự việc cho thấy không phải lúc nào Hồ Chí Minh cũng tự chủ nổi trong mọi quyết định. Trưng dẫn nhật báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam xuất bản tại Hà Nội, các số ngày 23-4, 5-5, 8-5-1958, P.J. Honey cho thấy Hồ Chí Minh đã có một thay đổi thái độ hết sức đột ngột so với chỉ hai tuần trước đó. Vì chỉ chưa đầy hai tuần trước đó, Hồ Chí Minh đã lên tiếng ca ngợi Tito thì lúc này báo Nhân Dân tại Hà Nội lại lên tiếng đả kích Tito. Sự việc xảy ra chỉ do báo Nhân Dân của Trung Cộng xuất bản tại Bắc Kinh trong số ra ngày 2-5-1958 đã kết án Tito là kẻ theo chủ nghĩa xét lại, xa rời con đường đấu tranh được chủ nghĩa Mác-Lê chính thống vạch ra.

Tất nhiên, đây không phải lần đầu Hồ Chí Minh cho các cán bộ truyền thông dưới quyền đả kích Tito, nhưng điều được P.J. Honey ghi lại cũng có thể coi là một nhắc nhở đáng suy nghĩ với những người vẫn chủ trương Hồ Chí Minh còn Tito hơn cả Tito.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 23

(01)  Xin xem Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư của Minh Võ chương về tác phẩm này.

(02)  Praeger, New York, xuất bản 1962

(03)  Viện đại học kỹ thuật Massachuset – MIT, xuất bản 1963

(04)  Món tiền được ghi là lên đến 100 ngàn đồng. Lúc ấy chỉ với 5 đồng có thể mua một con trâu.

(05)-(06)-(07)-(08)-(09)-(10)-(11) North VN Today,  tr. 4, 11, 21, 93, 96, 98, 103

(12)-(13)-(14)-(15) Communism in North VN  tr.21-22, 23, 25, 55-56

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:14 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong