HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 20*
 

DOUGLAS PIKE và History of VN Communism


Douglas Eugene Pike (1924-2002), học giả chuyên về các vấn đề Việt Nam và đã có 7 tác phẩm về đề tài này. Ông viết vì coi đó như sự đam mê muốn cho người đọc hiểu về Việt Nam. Các tác giả sau này viết về Việt Nam hoặc về các lãnh tụ Việt Nam như Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh đều tham khảo sách của ông. Tác phẩm đầu mang tựa đề Viet Cong, 492 trang khổ lớn (1). Tác phẩm thứ hai là tác phẩm được đề cập, History of VN Communism, 1925-1976 – Lịch Sử Cộng Sản Việt Nam (2).

Trong cuốn Viet Cong, Douglas Pike viết về Hồ Chí Minh: “Thời hiện đại, trên thế giới không có lãnh tụ nào bí ẩn như Hồ Chí Minh... Tài tổ chức của ông Hồ ngay từ thời ấy (giữa thập kỷ 20) đã ở vào giai đoạn phát triển cao. Ông ta tập họp xung quanh mình tiềm năng của tuổi trẻ, dạy họ cách in truyền đơn viết tay, điều khiển những cuộc mít-tinh lớn, xúi giục các cuộc đình công và tiến hành những công tác tuyên truyền khuấy động quần chúng khác.” (3)

Hơn chục trang sau, tác giả nói rõ hơn về tài tổ chức này, đồng thời trình độ “kỹ thuật loại trừ”(!) mà Hồ Chí Minh đã vận dụng để “đánh phá khéo léo các đảng quốc gia đối lập”: “Thiên tài số một của Hồ là tổ chức. Ngay những ngày đầu, khi còn làm việc với Borodin ở Hoàng Phố (4), ông ta đã say mê bởi tổ chức xã hội, và rõ ràng những tế bào cơ cấu bí mật của cộng sản trong bóng tối đã lôi cuốn ông hơn là duy vật biện chứng, chẳng hạn. Hầu hết những thắng lợi chính trị của Hồ trong thời kỳ tiền Việt Minh là kết quả của tài tổ chức: tạo dựng, sử dụng và đưa ra ánh sáng một cách thuận lợi một chuỗi những tổ chức mặt trận thống nhất, cái sau bao giờ cũng cao hơn cái trước, mỗi cái đều tăng cường quyền lực của đảng, mở rộng thêm sự ủng hộ của cơ sở quần chúng và loại trừ đối lập (rivals). Kỹ thuật (loại trừ) này gồm có việc bao lấy tổ chức đối lập đưa nó vào trong một cộng đồng xã hội rộng lớn hơn như một phương cách làm lu mờ căn cước riêng của nó và như một màn mở đầu để chặt mất đầu, không còn lãnh tụ nên phải tan rã...

 Có lẽ có thể kết luận không sợ sai lầm là Việt Minh đã không tan rã mà còn phát triển mạnh trong những năm sau thế chiến II là nhờ tài tổ chức của lãnh tụ. Võ Nguyên Giáp có thể là thiên tài về bạo lực, Trường Chinh là lý thuyết gia uyên bác. Nhưng chính sự vận dụng óc tổ chức xuất sắc của Hồ Chí Minh đã đưa tới thắng lợi rõ rệt.

Dù ngưỡng mộ cái kỹ thuật loại trừ để thanh toán những người khác chính kiến hầu tạo thế độc tôn, tác giả cũng không thể phủ nhận một thực tế là tính xảo trá và tàn bạo trong các thủ đoạn của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước mắt tác giả, việc thi thố các thủ đoạn xảo trá và tàn bạo cũng là một tài năng để đi tới kết luận: ...Hồ luôn luôn chứng tỏ là kẻ đại tài về xảo trá và tàn bạo, cũng như  về tổ chức.”

Cho nên, tác giả không đặt thành vấn đề phán xét tính cách con người Hồ Chí Minh qua hành động của Cộng Sản Việt Nam đối với nhóm Đệ Tứ Quốc Tế theo ghi nhận của tác giả: “Theo các nguồn tin đáng tin cậy, ngày thế chiến 2 bùng nổ (1-9-1939) có kẻ trao cho mật thám Tây ở Sài Gòn đầy đủ danh sách của nhóm Đệ Tứ với bí danh và địa chỉ của từng người kể cả nơi cư trú địa phương trên toàn quốc. Chỉ trong vài giờ cảnh sát Pháp đã tóm hết các lãnh tụ đầy đi New Hebrides, New Caledonia, Madagascar và những thuộc địa khác của Pháp xa Đông Dương... Sau này nhiều sử gia và các chuyên gia về chính trị quả quyết chỉ có CS Việt Nam có tài liệu và khả năng làm một việc có tính tình báo chiến thuật đó.

Nhưng dường như chính Douglas Pike vẫn không tìm được an lòng thực sự trong cái nhìn của mình về nhân vật mà mình ngưỡng mộ.

Từ những điều được mô tả là tài năng thiên phú kia có lẽ vẫn nổi lên một thúc đẩy mơ hồ nào đó khiến tác giả bứt rứt phải cố tìm cách tự giải tỏa.

Và, tác giả đã tìm tới trước hết với những thế lực đủ mạnh để chi phối mọi hành động của Hồ Chí Minh.

Trong History of VN Communism, tác giả trưng dẫn chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản gửi cho các đảng Cộng Sản ở Đông Dương ngày 27-10-1929, trong đó có đoạn:“Chỉ những nhóm hay tổ chức nào chấp nhận hoàn toàn những nghị quyết của ủy ban trung ương Quốc Tế Cộng Sản (Comintern), và của Quốc Tế Cộng Sản  mới có thể được nhìn nhận là bộ phận của đảng CS Đông Dương, và mới có thể gửi đại biểu tới dự đại hội của đảng... Tất cả những tổ chức và cá nhân không chấp nhận các nghị quyết của Quốc Tế Cộng Sản phải bị đuổi ra khỏi đảng.” (5)

Điều này cho thấy Hồ Chí Minh không thể vượt qua sự ràng buộc chặt chẽ của kỷ luật. Vì ngay các tổ chức và đảng viên Cộng Sản vẫn bị loại trừ nếu không tỏ ra tuyệt đối tuân hành mọi chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản thì bằng cách nào có thể nương tay với những tổ chức và thành phần khác chính kiến.

Tác giả kể tiếp về các cuộc bạo động đẫm máu do phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh gây ra tại các làng xã hồi đảng mới thành lập với lập luận sự kiện này hoàn toàn nằm ngoài chủ trương của Hồ Chí Minh vì theo tác giả Hồ Chí Minh không chủ trương bạo động. Tác giả đã đưa ra một chứng cớ hết sức mơ hồ: “Quả thực, nhiều người Việt Nam tin chắc rằng ông Hồ, ngay từ đầu đã chống toàn bộ thời kỳ bạo động(6)

Douglas Pike tiến thêm một bước trong nỗ lực chứng minh cho lý do bắt buộc Hồ Chí Minh phải có các thủ đoạn xảo trá và tàn độc là tính vô hiệu và sa đọa nằm bên phía các tổ chức quốc gia yêu nước. Tác giả cho rằng đã nhiều lần Hồ Chí Minh muốn liên minh với Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng tổ chức này không có đường lối chính trị rõ rệt.

Thực ra, điều này do chính Hồ Chí Minh đã viết trong cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên khi phát biểu không thể nuôi ảo tưởng về Việt Nam Quốc Dân Đảng vì “tuy nó chống đế quốc, nhưng chỉ ở mức độ cách mạng tư sản, chỉ nhằm đánh đổ đế quốc mà không chủ trương xây dựng lại hoàn toàn trật tự xã hội.”

Về một đảng khác là Đại Việt Quốc Dân Đảng, tác giả nói tuy đảng này tự khoe có tới 200 ngàn đảng viên nhưng trên thực tế lại chẳng là gì cả. Một đảng khác nữa là Tân Việt Đảng thì tác giả kể “tổng thư ký Đào Duy Anh đã phản đảng bán đảng viên cho Pháp, rồi sau lại theo đuôi cộng sản, nhưng cộng sản chẳng bao giờ tin dùng, chỉ cho giữ những chức vụ hèn mọn cho tới khi chết vào năm 1960”. (7)

Douglas Pike không chỉ nói mà đã viết lên giấy những dòng chữ về một con người là Đào Duy Anh để cung cấp chứng liệu cụ thể về một thực trạng chính trị xã hội đã thúc đẩy những người nặng lòng yêu nước như Hồ Chí Minh phải tàn nhẫn hầu đạt tới một lực lượng đấu tranh cách mạng hữu hiệu.

Tất nhiên đòi hỏi đầu tiên là phải ghi chép đúng sự thực. Nhưng, sự thực Đào Duy Anh không hề chết năm 1960 mà còn sống tới năm 1988.

Trong khi đó, Tân Việt đảng không phải đoàn thể của những người quốc gia yêu nước mà là một nhánh khác của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội thành lập từ 1927 và gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam từ tháng 9-1929 là thời gian tổng thư ký đảng Đào Duy Anh đang bị mật thám Pháp bắt giữ.

Hãy gác lại chuyện liên lạc với mật thám Pháp để bán những người quốc gia tranh đấu chính là điều Cộng Sản thường làm mà tác giả đã ghi lại, để chỉ nhìn nhận một thực tế là lúc đó Đào Duy Anh đang nằm trong tù. Đào Duy Anh chỉ không được Cộng Sản tin dùng một thời gian sau khi liên hệ với nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm hồi 1956-1957.

Tháng 12-1978, số 5, tạp chí Khoa Học Xã Hội tại Paris còn đăng một bài viết của Đào Duy Anh với tựa đề Một vài uẩn khúc về đảng Tân Việt nói rõ vào giữa năm 1929, Tổng Bộ đảng Tân Việt đã đưa ra một bản Tuyên Ngôn nhắm đánh lạc hướng mật thám Pháp bằng cách xác định Tân Việt Đảng không thể theo đường lối Cộng Sản vì chủ nghĩa Cộng Sản không có cơ sở... (8)

Douglas Pike hoàn tất tác phẩm History of VN Communism đúng 10 năm trước khi Đào Duy Anh chết và vào giữa lúc Đào Duy Anh đang ngồi tại Viện Khoa Học Xã Hội tại Hà Nội. Thời điểm này cũng tròn 50 năm Đào Duy Anh hoạt động cho Cộng Sản Việt Nam.

Vậy thì cái đảng Tân Việt có nguồn gốc Cộng Sản từ 1927, gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1929 và cá nhân Đào Duy Anh theo Cộng Sản từ thuở đó bằng cách nào có thể là chứng cớ cho sự vô năng và sa đọa của các tổ chức quốc gia hồi 1945-46 để trở thành động cơ bắt buộc Hồ Chí Minh phải tàn nhẫn ám hại những người không cùng chính kiến trong thời điểm này?

Dù sao Douglas Pike cũng đã gián tiếp xác nhận Hồ Chí Minh là kẻ xảo trá và tàn bạo. Tác giả đã chứng minh điều này bằng những trang viết kể lại việc Hồ Chí Minh tỏ ra hòa hoãn với các phe đối lập để thành lập xong chính phủ Liên Hiệp. (9)

Đoạn cuối chương 2 được tác giả dành để so sánh phe quốc gia với phe cộng sản theo cái hướng phe quốc gia quá yếu kém. Tác giả nêu ra 8 điểm so sánh trong đó đáng kể là “Cộng Sản có chiến lược cao siêu hơn, ăn rễ trong nhân dân” còn phe quốc giả chỉ có mục đích dành độc lập, một từ rỗng, người dân quê không lãnh hội được, vì quá trừu tượng. Trong khi đó, lý tưởng của Cộng Sản rất cụ thể như: cơm no áo ấm, giảm thuế, tăng lương, người cày có ruộng, đánh đuổi thực dân bóc lột...

Tuy thế, tác giả cũng nêu một điều kiện khách quan bất lợi cho phe quốc gia vào thời điểm đó là thế mạnh của cả Thực Dân lẫn Cộng Sản. “Trong khi cuộc đấu tranh tiếp diễn, hai bên cực đoan càng ngày càng mạnh, còn kẻ ở giữa bị ép như vắt chanh. Trong cuộc tranh đấu ở Việt Nam... giữa Cộng Sản và Pháp, nạn nhân của sự lưỡng cực hóa này là phe quốc gia.” (10)

Về hoạt động của Cộng Sản Việt Nam trong thời gian 1935, tác giả khen đã lớn mạnh và đưa ra con số 30 tờ báo phát hành đều đặn để xác nhận sự chú trọng nhiều đến công tác tuyên truyền. Tác giả phân tích về sự lỗi thời của việc hiện diện Mặt Trận Bình Dân do Đức khai mào thế chiến II và nêu quan điểm sách lược mới của Quốc Tế Cộng Sản theo chỉ thị từ Đại Hội kỳ 7 Đệ Tam Quốc Tế: “Nhiệm vụ giai cấp công nhân quốc tế lúc này là phải xiết chặt đoàn ngũ và lập nên một mặt trận rộng rãi cùng các giai cấp khác, và các giai tầng xã hội để chiến đấu chống Phát xít và chống chiến tranh.” (11)

Tác giả nhận định về chỉ thị này: “Vào đúng lúc thực dân đang suy yếu và dễ bị thương nhất, lại có lệnh bảo “đừng làm nó suy yếu hơn nữa; hãy hợp tác với nó. Có thể chống đế quốc, nhưng không được chống chính quyền thực dân.” (12)

Tác giả nhắc lại thái độ Liên Xô lúc đó khi thì thân Đức, khi thì chống Đức thay qua đổi lại tùy theo giai đoạn ký hòa ước hay chiến tranh khiến đảng Cộng Sản Việt Nam luôn căng thẳng, vì không thể không bảo vệ Liên Xô mà cũng không dễ bỏ rơi mục tiêu chống thực dân để giành lại độc lập.

Theo Douglas Pike, đây là giai đoạn khiến những người Cộng Sản Việt Nam và Hồ Chí Minh rất “khổ tâm”– painful!  Tác giả không nói rõ kết luận trên dựa trên bằng cớ nào và cũng không mô tả rõ nỗi khổ tâm ra sao – vì phải xoay trở khó khăn giữa hai mục tiêu trái ngược hay khổ tâm vì cái thân phận quá nhỏ bé của mình trước mắt thủ lãnh Liên Xô? Vì theo tác giả thì suốt thời gian hoạt động, Hồ Chí Minh đã được phe Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở Quảng Đông của Trương Phát Khuê giúp đỡ nhiều hơn so với Liên Xô và Trung Cộng. Tác giả còn khẳng định: “Ông Hồ giúp ích nhiều cho Quốc Tế Cộng Sản với tư cách một điệp viên, nhưng nhiệm vụ của ông chỉ ở ngoài rìa xét về quan điểm toàn cầu của Quốc Tế Cộng Sản... Chỉ sau khi ông ta lên cầm quyền sau chiến thắng các lãnh tụ Cộng Sản trên thế giới mới để ý đầy đủ đến ông.” (13)

Tác giả nhận định tổng quát về Hồ Chí Minh là rời Việt Nam năm 1911, chưa hề có mục đích chính trị gì như các sử gia chính thức của đảng quảng bá.

Cho đến những năm 1919-1920 Hồ Chí Minh mới bắt đầu dính líu với chính trị và vừa là nhà ái quốc vừa là người trung thành Quốc Tế Cộng Sản: “Ông trung thành với hệ thống cộng sản và tuân lệnh Quốc Tế Cộng Sản một cách không do dự, nhưng vẫn cố xoay xở để cho những mệnh lệnh đó tới ông mà vẫn phù hợp với quyền lợi của nước Việt Nam (và của ông). Giáo điều không ngăn cản được ông, và chưa bao giờ ông phải hy sinh nhiều cho Quốc Tế Cộng Sản. Ông không thấy vấn đề như một lựa chọn giữa lòng yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, và vì thế là một người quốc gia (yêu nước), đối với ông, không mâu thuẫn với thực tế là ông vẫn là người cộng sản... Hồ coi cộng sản như một phương tiện hữu hiệu một cách khác thường để phục vụ hơn nữa quyền lợi của tổ quốc. Nó có một chiến lược sâu xa, những kỹ thuật tổ chức xuất sắc và nó đáp lại tất cả những câu hỏi quan trọng... (14)

Douglas Pike tỏ ra khảo sát vấn đề rất công phu, đi sâu vào nhiều chi tiết nhưng phát hiện của tác giả lại có nhiều trái ngược như dễ dàng chấp nhận ngay trong đoạn viết trên hai sự việc khó thể cùng tồn tại là trung thành tuyệt đối không do dự với Đệ Tam Quốc Tế trong khi vẫn chỉ coi chủ nghĩa Cộng Sản là một phương tiện để phục vụ tổ quốc.

Mặt khác, tác giả cho thấy thiếu hẳn cân nhắc về mức độ giá trị của những tài liệu tham khảo, nếu không muốn nói rằng tác giả chỉ sử dụng tài liệu như một loại chất liệu diễn tả ý nghĩ chủ quan của mình. Điều này hiển hiện rất rõ qua những trang viết về hoạt động của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ 1961 đến 1964 dựa hẳn theo tài liệu Cộng Sản Việt Nam nêu ra hàng trăm cuộc biểu tình và mỗi cuộc biểu tình đều có số người tham gia cực kỳ đông đảo, thậm chí được kể rõ là 1 triệu tới 3 triệu tức đông hơn cả dân số của nhiều tỉnh, thành tại miền Nam!

Cách sử dụng và đánh giá tài liệu này đã khiến tác giả thoải mái trích dẫn lời lẽ của Trường Chinh để ca tụng Hồ Chí Minh có tài về tổ chức, tận tụy hy sinh, chí công vô tư, lo trước dân hưởng sau dân....và còn khen Trương Chinh là người viết tiểu sử Hồ Chí Minh hay nhất so với mọi tác giả khác. Ngoài ra là những lỗ hổng đáng ngạc nhiên về kiến thức đối với các vấn đề được nói đến như trường hợp đánh giá các đoàn thể đấu tranh yêu nước Việt Nam thời điểm trước 1945, trường hợp Tân Việt đảng với Đào Duy Anh, trường hợp chỉ thấy một Mặt Trận Việt Minh do Hồ Chí Minh thành lập từ Pac Bó năm 1941, trường hợp tô vẽ cho các lãnh tụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vv...

Dường như trong lúc viết, tác giả đã bị cuốn hút vào nỗi đam mê diễn tả tài năng lãnh đạo đấu tranh của Hồ Chí Minh nên mọi tài liệu, ý kiến đều được sắp xếp để xuôi về điểm thuận lợi nhất cho sự thốt lên câu kết luận: “Xem ra khá rõ là lịch sử sẽ phán đoán về sự thành công của Cộng Sản Việt Nam như sản phẩm của óc tổ chức siêu việt, của tài lãnh đạo đúng đắn, và có lẽ sẽ không có thành quả đó nếu không có sự đóng góp độc đáo của Hồ Chí Minh(15)

Chính vì thế mà mặc dù không dám phủ nhận thực tế tệ hại cùng cực của xã hội Việt Nam sau khi Cộng Sản Việt Nam thành công, tác giả đã cho rằng mọi sự không đến như Hồ Chí Minh mong đợi. Và trong trường hợp này, tác giả không nhắc đến tài lãnh đạo của Hồ Chí Minh mà nhắc tới cái thông lệ của chính trường kim cổ là sau khi thành công, phong trào chính trị nào cũng phải gắn số phận của mình vào cuộc đấu tranh duy trì quyền lực: “Khi thực dân bị đánh bại và người Pháp bị đuổi rồi, cái chính nghĩa chống thực dân bị biến đổi, từ quyền tự quyết của nhân dân nó biến thành quyền độc tôn của đảng. Danh nghĩa không thay đổi; người ta chỉ đổi lại định nghĩa của sự chống thực dân. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, nay là để chống lại nhân dân Việt Nam, một cuộc chiến dành quyền lực, vì quyền lực, đó là số phận của tất cả các phong trào chính trị, một khi nó thành công. Cái chủ nghĩa chống thực dân cao cả đã trở thành một giai đoạn lịch sử chuyên chế, ham hố quyền lực. Rất có thể, ông Hồ đã không muốn nó trở thành như vậy”

Ngay trong trường hợp chấp nhận lời biện giải sự biến đổi từ chủ nghĩa chống thực dân cao cả thành một giai đoạn chuyên chế, ham hố quyền hành chỉ là công lệ lịch sử thì vẫn phải nhìn nhận một thực tế là chủ nghĩa chống thực dân cao cả kia không hề đáp ứng bất kỳ mong mỏi nào của người dân sau khi đòi hỏi người dân đóng góp xương máu suốt già nửa thế kỷ.

Như vậy, hết thẩy những con người nêu cao ngọn cờ chống thực dân kiểu ấy dù được diễn tả là tài ba đức độ tới đâu vẫn khó thể gọi là những con người đặt quyền lực bản thân thấp hơn hạnh phúc nhân dân để ca tụng là đã tận tụy hy sinh phục vụ nhân dân. Và ngay cả vấn đề tài năng của những con người ấy cũng cần xét lại, bởi lẽ tài năng ấy không cứu nổi người dân thoát khỏi kiếp sống nô lệ cay cực mà còn đẩy người dân xuống một đáy vực thảm họa hãi hùng gấp bội lần.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 20

(01) Do Viện Kỹ Thuật Tiểu Bang Massachusett MIT xuất bản năm 1966

(02) Do Hoover Institution Press xuất bản năm 1978

(03) Viet Cong  tr. 10 và  tr. 21

(04) Đúng ra là Quảng Đông.

(05)-(07) History of VN Communism tr. 9-10, 29.

(06) History of VN Communism tr. 20 nguyên văn: Indeed, many Vietnamese believed that Ho from the start had been against the entire period of violence

(08) Theo Từ Điển Tác Gia Việt Nam, Nguyễn Quốc Thắng – Nxb VHTT, Hà Nội 1999,  tr. 138-139, và Việt Nam, những sự kiện lịch sử 1919-1945, Dương Trung Quốc – Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2002, tr. 145.

(09)  Viet Cong,  tr. 42

(10)-(12)-(13)-(14)-(15) History of VN Communism tr. 37-39-40, 35, 57, 59, 59- 60

(11) Tác giả trích báo Quân Đội Nhân Dân của CSVN, 24-1-1970.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:11 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong