HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 19*
 

JOSEPH BUTTINGER và Vietnam: The Unforgettable Tragedy


Joseph Buttinger (1906-1992), người Đức gốc Áo, từng là chủ tịch Ban Chấp Hành Đảng Dân Xã Áo Quốc khi mới 28 tuổi. Năm 33 tuổi sang Mỹ và 4 năm sau thành công dân Mỹ.

Ông viết nhiều tác phẩm về Việt Nam trong đó có Con Rồng Nhỏ, lịch sử chính trị Việt Nam (1958), Dân thiểu số ở Việt Nam (1961), Con Rồng Nghênh Chiến: Lịch sử chính trị Việt Nam (1967), Con Rồng thách đấu: Lược sử Việt Nam (1972). Vietnam:The Unforgettable Tragedy – Việt Nam: Thảm kịch không thể quên (1977), đặc biệt là bài Lịch sử Việt Nam viết cho tự điển Bách Khoa Britannica đã được tái bản tới 15 lần tính đến năm 1967. Chỉ với số sách trên đã có thể nói ông là học giả chuyên về Việt Nam.

Joseph Buttinger chỉ được học qua 6 năm tiểu học. Sự nghiệp văn học của ông là do tự học mà có. Cuốn Việt Nam A Dragon Embattled mà chúng tôi tạm dịch là Con Rồng nghênh chiến (hai tập) dầy 1300 trang khổ lớn biểu hiện xu hướng xã hội mạnh mẽ của tác giả.

Sau 1954, Joseph Buttinger là người nhiệt tình ủng hộ tổng thống Ngô Đình Diệm, coi là một phép lạ chính trị, nhưng sau khi không thuyết phục được Ngô Đình Diệm cải cách xã hội một cách triệt để như mình mong muốn và cũng một phần vì chê Ngô Đình Diệm chuyên quyền, không chịu dành một vài bộ trong chính phủ cho các nhân vật đối lập như Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Quang Đán (1) ...ông quay ra chỉ trích Ngô Đình Diệm và bênh vực Hồ Chí Minh, cổ võ cho “cuộc cách mạng xã hội của miền Bắc”. Ông chê các chính phủ Mỹ “dốt lịch sử Việt Nam là nước từng đánh thắng Mông Cổ ở thế kỷ thứ 13”, cho nên đã sa vào vũng lầy chiến tranh, rồi sẽ thảm bại.

Đây là điều được Neil Sheehan lặp lại sau này.

Trong Vietnam: The Unforgettable Tragedy, (2) Buttinger nhắc lại lời Ngô Đình Diệm nói với ông mà ông bảo là “không bao giờ quên” rằng “những người Việt “quốc gia” chúng tôi tất cả đều theo một chủ nghĩa xã hội nào đó”, rồi hết lời ca ngợi Cộng Sản Việt Nam có một sức mạnh vượt xa mọi đảng cộng sản trên thế giới. Tác giả bảo đó là nhờ có thiên tài chính trị của Hồ Chí Minh: “Chẳng những ông (Hồ) có khả năng thích nghi một học thuyết phát sinh từ phương Tây công nghiệp hóa với nhu cầu của một nước nông nghiệp Á châu. Mà quan trọng hơn nữa, ông ta có tài làm cho dân tin rằng ông ta không thua bất cứ ai về lòng yêu nước, và rằng độc lập quốc gia thực sự chỉ có thể đạt được dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.” (3)

Tác giả ca ngợi Hồ Chí Minh còn “Titô hơn cả Titô” và đưa ra những lý do có vẻ hợp lý, nếu không nhìn vấn đề một cách bao quát từ lịch sử tới chủ thuyết và chiến lược cộng sản: “Không có ảo tưởng nào về Cộng sản Việt Nam, tôi có thể đi xa hơn nữa để nói rằng vì những lý do thúc bách của lịch sử, Hồ Chí Minh rất có thể đã trở thành một người theo chủ nghĩa Titô hơn cả chính Titô” (4) Cứ điểm của lập luận trên được tác giả nêu rõ: “Khi trở thành cộng sản vào năm 1945, Việt Nam đã không nhận được mà cũng không cần tới bất cứ sự viện trợ nào của một nước Nga xa xôi. Hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam, hoàn toàn khác hoàn cảnh những nước chư hầu Đông Âu, đã tạo ra một nước Cộng sản đầu tiên không lệ thuộc vào thế lực Liên Xô để sống còn, trừ phi bị ngoại xâm.”

Tác giả cực lực đả kích chính quyền Mỹ, chê từ tổng thống, ngoại trưởng đến các dân biểu nghị sĩ đều ngu dốt, vì coi cuộc chiến Đông Dương là cuộc chiến chống cộng. Tác giả dẫn lời tổng thống Truman tuyên bố vào tháng 5-1951 như một bằng chứng cho lập luận của mình: “Cuộc tấn công của cộng sản vào Đông Dương đã bị chặn đứng bởi nhân dân tự do của Đông Dương với sự trợ giúp của người Pháp.” Sau đó, tác giả viết tiếp: “Huyền thoại rằng cuộc chiến mà Pháp khai mào vào tháng 9-1945 là do cộng sản xâm lược đã được phổ biến chẳng những bởi tổng thống, ngoại trưởng mà cả quốc hội cũng đồng thanh tán thành ủng hộ Pháp.” Tác giả nêu đích danh những người mà ông cho là không hiểu biết gì trong đó có các nghị sĩ J. F. Kennedy, Mike Mansfield. Riêng về ngoại trưởng Dean Acheson là người mà ngày nay ai cũng ca tụng là sáng suốt, nhìn xa trông rộng đã bị tác giả chê thậm tệ: “Không một người Pháp nào ngu xuẩn đến độ đi xa như Dean Acheson khi viết trong bản tin bộ Ngoại Giao ngày 13-2-1950, rằng Hồ Chí Minh là kẻ tử thù của nền độc lập bản xứ. Trong khi ngay đối phương cũng phải nhìn nhận ông Hồ là hiện thân của sự nghiệp chống thực dân.” (5)

Không rõ sau khi Đông Âu và Liên Xô tan rã, tác giả có còn duy trì quan điểm của mình không, một quan điểm gần như do Cộng Sản Việt Nam đưa ra với những lập luận chủ yếu:

– Thứ nhất, Việt Nam đã thực sự độc lập và làm chủ toàn quốc từ ngày 2-9-1945, nhờ Việt Minh lãnh đạo tốt. Sau đó bị Pháp xâm lăng với sự viện trợ của Mỹ.

– Thứ hai, nước Việt Nam là một. Hiệp định Genève không chia làm hai nước mà chỉ tạm thời chia làm hai khu vực quân sự.

– Thứ ba, chính phủ Sài Gòn ngoan cố, không chịu tổ chức tổng tuyển cử theo hiệp ước Genève 1954 qui định, vì thấy mình yếu thế, biết thế nào cũng thua. Và như vậy là vi phạm hiệp định quốc tế.

– Thứ bốn, Mỹ trước đã giúp Pháp xâm lăng Việt Nam cho nên khi giúp Việt Nam Cộng Hòa, không phải chống Bắc Việt xâm lăng mà là ủng hộ một chính quyền thối nát, không có cơ sở pháp lý.

– Thứ năm, Bắc Việt không xâm lăng vì chỉ giúp người miền Nam lật đổ một chính phủ thối nát, mất lòng dân.

Luận điệu trên không chỉ riêng Buttinger mà còn nhiều tác giả khác lập lại khiến người đọc Việt Nam không thể nghĩ tới lời lẽ mà Buttinger đã dành cho chính giới Mỹ. Trong lúc xỉ vả chính giới Mỹ ngu dốt, không hiểu biết gì về thực tế và lịch sử Việt Nam, Buttinger đã ghi sẵn những lời xỉ vả dành cho chính bản thân và hết thẩy những người cầm bút tán thành lập luận của mình. Niềm tự hào về sự hiểu biết của Buttinger và những người cầm bút này đã gợi nhắc niềm tự hào của hàng ngàn cán binh Cộng Sản Việt Nam về con đường chính nghĩa mà họ theo đuổi dưới sự lãnh đạo của “Bác Hồ” để đem lại đời sống tự do no ấm cho đất nước! Sức mạnh của tối tăm quả là phi thường vì có thể đạt tới mức biến những kẻ đang mò mẫm trong bóng đêm vẫn thấy mình thênh thang bước đi giữa vùng trời chói lòa ánh sáng.

Chương IV, tác giả tiếp tục làm cái việc tự thóa mạ bằng sự trưng dẫn rồi bình luận lời tuyên bố của hai chính khách Mỹ về cuộc chiến Việt Nam. Người thứ nhất là Ronald Reagan và người thứ hai là cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ John Kenneth Galbraith. Reagan từng là thống đốc California đã nói “chúng ta thua vì chính phủ Liên Bang không cho phép chiến sĩ của ta thắng.” Tác giả ghi lại câu tuyên bố trên và phê phán:...“trong chính trường, một bộ óc tốt, nếu bị chi phối bởi thiên kiến vì ý thức hệ có thể dễ dàng trở thành một bộ óc tồi.”

 Trước khi thở hơi cuối cùng, có thể tác giả đã kịp thấy bộ óc tồi của Reagan hoạt động ra sao khiến khối Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã còn bộ óc tốt của nhà phân tích chính trị Buttinger đã bị thiên kiến chi phối thế nào.

Về John Kenneth Galbraith, Buttinger trích lời ông này viết trên tờ Nữu Ước Thời Báo ngày 12-7-1975: “Các bạn sẽ hỏi tại sao đối với Hà Nội, Nga và Trung Cộng xử hay hơn ta. Câu trả lời là họ khôn ngoan hơn: Họ không gửi quân tới Việt Nam.... cho nên họ không bị đuổi vì họ có ở đó đâu mà bị đuổi.” Tác giả bình luận: “Tôi muốn thêm rằng một trong ba lý do họ không có mặt ở đó là vì Việt Nam không cần có họ.” (6)

Buttinger viết Vietnam: The Unforgettable Tragedy trước khi Hoàng Văn Hoan cho ra cuốn hồi ký Giọt nước trong biển cả. Với tư cách nguyên ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ Tịch Quốc Hội, nguyên đại sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Kinh, thủ hạ thân tín của Hồ Chí Minh, từng góp công lập đảng cộng sản Xiêm...và là người sùng bái Hồ Chí Minh, vẫn hết lời ca tụng Hồ Chí Minh, vẫn bám chặt chủ nghĩa Mác, vẫn trung thành với đảng, Hoàng Văn Hoan chỉ chống Lê Duẩn nên bị xử tử hình vắng mặt phải bôn đào sang Trung Quốc. Nhưng Hoàng Văn Hoan đã tiết lộ là Hồ Chí Minh từng yêu cầu Trung Quốc phái sang Việt Nam trên ba trăm ngàn quân. (7)

 Đi vào chi tiết việc này, Vũ Thư Hiên trong Đêm Giữa Ban Ngày đã ghi lại cảm giác đau lòng trong thời gian công tác tại vùng Việt Bắc, thấy dân chúng bị xua đuổi dã man không cho lai vãng gần những vị trí đóng quân của quân Trung Cộng. (8)  Thêm nữa, lẽ nào Buttinger không biết chiến thắng Điện Biên không do tài chỉ huy của Võ Nguyên Giáp mà là do hai viên tướng Trung Cộng Trần Canh và Vi Quốc Thanh. Hai viên tướng này đã có mặt bên cạnh Võ Nguyên Giáp từ 1950 để điều khiển các cuộc phản công quân Pháp ở chiến trường biên giới trong năm đó. Cộng Sản Việt Nam không cần Cộng quân Liên Xô vì đã có mặt Cộng quân Trung Quốc.

Nhưng đó chưa phải là điểm chính.

Điểm chính là vì cuộc chiến tranh mà Cộng Sản tiến hành ở bất cứ chiến trường nào, từ Đông sang Tây, không bao giờ là cuộc chiến thuần túy quân sự. Nó bắt nguồn từ chiêu bài đấu tranh giai cấp toàn cầu chủ yếu là chiêu bài chiến tranh ý thức hệ, lấy tuyên truyền làm vũ khí quyết định.

Với tính chất này của cuộc chiến, những người cầm bút như Joseph Buttinger, France Fitzgerald, Stanley Karnow, Anthony Lewis, Neil Sheehan vv... đã hợp thành đạo quân đánh mướn không công vô cùng đắc lực cho Cộng quân Liên Xô và Hà Nội. Đạo quân này không hề trực diện đối đầu trước mũi súng trên trận tuyến mà núp lén phía sau để liên tục tấn công vào nguồn hỗ trợ sinh tử là nhân tâm bằng những lời lẽ xảo trá, những mưu mô lường gạt ti tiện nhắm kích động và dắt dẫn dư luận nghiêng về một phía. Đạo quân đánh mướn không công này có sức mạnh lớn hơn bất kỳ đạo quân cầm súng nào nên khi đã có nó trong tay tất nhiên Hà Nội không cần Cộng quân Liên Xô có mặt.

Điểm gây thắc mắc là hết thẩy những người cầm bút này chắc chắn không bao giờ chịu đặt cuộc sống bản thân và gia đình họ vào bất kỳ xã hội Cộng Sản nào. Một số người còn không phủ nhận Cộng Sản là tai họa lớn hơn cả tai họa Đức Quốc Xã. Thế nhưng, hàng ngày với cây bút trong tay, họ vẫn say mê thọc mũi dáo độc ác đâm lén vào sau lưng những người phải đem xương máu ra ngăn chống tai họa Cộng Sản.

Động cơ thúc đẩy hành vi này là gì?

Nhiệt tình cao độ đã gây nên tâm trạng bất bình do tính thiếu hiệu quả của những người chung chí hướng hay nhu cầu vị kỷ đã đẩy con người xuống đáy vực tham sân si để trở thành hiện thân của thèm khát, đố kỵ và thù hận trong mù quáng hèn mạt? Bởi vì, những người như Buttinger vẫn luôn đối diện với không ít sự kiện chứng tỏ cách lập luận của mình là vô căn cứ nhưng vẫn khăng khăng nói ngược với thực tế. 

Trong tác phẩm A Dragon Embattled, nói về việc thành lập Mặt Trận Liên Việt ngày 27-5-1946, Buttinger đã viết:“Trung tâm sinh tử của Liên Việt dĩ nhiên là Việt Minh. Thực ra Liên Việt chẳng là gì khác hơn là một thứ siêu Việt Minh. Kẻ nào từ chối không chịu tham gia Liên Việt sẽ bị tố cáo là chống độc lập dân chủ và bị dán cho nhãn hiệu phản động, để có thể bị giết ...Vì thế, các đảng Xã hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội ... đều ở trong mặt trận Liên Việt.” (9)

Dù nhìn rõ cái căn bản hợp tác man trá, Buttinger vẫn tiếp tục công kích một tổ chức tiêu biểu của những người Việt Nam yêu nước là Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức mà bất kỳ người dân Việt Nam nào ở thời điểm đó cũng không quên những đóng góp xương máu qua 13 liệt sĩ tuẫn quốc tại Yên Bái ngày17.6.1930. Buttinger lên tiếng kết án Việt Nam Quốc Dân Đảng là một bọn “bất tài và bất lương” vì đã “không chịu để cho chính phủ Hồ Chí Minh tuyên chiến với Pháp”. Tác giả có vẻ muốn diễn tả các đoàn thể quốc gia thiếu tinh thần yêu nước so với người Cộng Sản, nhưng ngay sau đó, tác giả lại kết án Việt Nam Quốc Dân Đảng có hành vi bạo động tấn công người Pháp để phá hoại cuộc hưu chiến và nói về khả năng khai thác tình thế của người Cộng Sản: ... Những cuộc tuần tiễu hỗn hợp Pháp-Việt Minh được thành lập để giữ trật tự và đề phòng bạo động chống Pháp thêm nữa. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Những bước tiếp theo cho thấy Việt Minh đã nhìn ra rằng đây là dịp tốt để họ tiêu diệt các đảng thân Trung Hoa, và người Pháp vốn coi phe quốc gia không thể thỏa hiệp còn tệ hơn phe cộng sản chịu hợp tác nên quyết định ủng hộ Việt Minh trong vấn đề này. Nhằm mục đích loại trừ kẻ thù không cộng sản, Pháp đã trở thành đồng minh tạm thời của Việt Minh.(10)

Tác giả gần như tán trợ việc Hồ Chí Minh ký được bản tạm ước Modus Vivendi với bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet, dù “tạm ước” còn bất lợi cho Việt Nam hơn cả bản Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946, vì chỉ nhắm giữ thể diện cho cá nhân Hồ Chí Minh.

Điều được ghi nhận ở đây là thời gian Hồ Chí Minh qua Pháp đã tạo cơ hội cho các thủ hạ hoàn tất việc loại trừ khỏi chính quyền những thành phần không Cộng Sản:“Điều khiến ông Hồ vui là tay chân của ông đã tiêu diệt được những đảng phái thân Trung Hoa (11) và đã mở rộng đáng kể căn cứ tổ chức của chính phủ”.

Tác giả tỏ ra nắm vững ý hướng và mưu tính của Hồ Chí Minh về chính phủ và Quốc Hội thứ nhất của Việt Nam cuối năm 1946, nhất là về vai trò của Võ Nguyên Giáp được tác giả ca ngợi. Tác giả diễn tả như Hồ Chí Minh chỉ chấp nhận những chuyện đã rồi nhưng cũng có vẻ như tán dương Hồ đã khôn khéo và vì “chính nghĩa dân tộc” thúc đẩy thủ hạ thanh trừng tất cả những phần tử chống đối nguy hiểm. Nhờ thế, khi từ hội nghị Fontainebleau trở về ngày 20-10-1946, Hồ Chí Minh đã nắm lại quyền hành trong thế trọn vẹn hơn. Trong điều kiện thoải mái này, Quốc Hội được triệu tập để bầu chính phủ mới và soạn thảo hiến pháp.

Bản Hiến Pháp được thông qua ngày 8-11-1946 được tác giả tóm lược: “... Những quyền tự do đó đối với toàn dân, có một số kẻ không được hưởng. Đó là những kẻ phản động, Việt gian, bọn hợp tác với Pháp, những kẻ gây rối, và những kẻ thù khác của nhân dân, tóm lại bất cứ ai có hoạt động chính trị bị Cộng Sản coi là có hại cho chính nghĩa quốc gia mà Việt Minh, và sau này là Liên Việt, là người bảo vệ về chính trị và tổ chức.(12)

Đại hội thông qua Hiến Pháp chỉ có 291 dân biểu trên tổng số 360 dân biểu hiện diện. Đông nhất là nhóm mệnh danh Độc Lập gồm 90 dân biểu. Đảng Dân Chủ có 45. Đảng Xã Hội mới thành lập trước đó 3 tháng có 24. Đó là những người đáng tin cậy vì ủng hộ Việt Minh. Phía Việt Minh chỉ có 80 người.

Tác giả viết: “Cộng Sản muốn chế độ độc đảng được quốc hội đa đảng chấp nhận. Một nhóm Mác-xít gồm toàn những người cộng sản đã được mọi người biết rõ chỉ có 15 người. Nhưng là những người có thực tài hiếm có, vì chính họ đã dàn dựng và điều khiển mọi sự. Có ý nghĩa hơn nữa là trong số 70 ghế dành cho phe đối lập, có tới 33 người vắng mặt, chỉ còn 37. Những dân biểu đối lập hiện diện bị công an chìm theo dõi, quan sát, nhiều người bị bắt và buộc tội, nhiều người bị khám nhà trong khi quốc hội đang họp. Khi tạm ngưng họp, trong số 37 người chỉ còn 20 hiện diện và trong số 20 người này chỉ có 2 người đủ can đảm giữ lập trường chống đối mạnh mẽ, bỏ phiếu chống(13)

Hai phiếu chống là phiếu của hai dân biểu Nguyễn Văn Thành và Cung Đình Quý. Sau đó, một người bị bắt, một người phải bỏ trốn.

Tác giả ghi rõ trước khi quốc hội họp ít ngày, Võ Nguyên Giáp đã bắt giam 200 thủ lãnh đối lập và giết một số người trong đó có Vũ Đình Chi, một cây bút nổi tiếng của tờ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Tác giả còn nêu trường hợp nhiều người khác bị giết do không tán thành Việt Minh với chi tiết về từng người, trong đó gồm có:

– Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập Hiến, cùng đi Pháp trên chuyến tầu mà Hồ Chí Minh làm phụ bếp năm 1911.

– Hồ Văn Ngà, đảng trưởng Đảng Độc Lập, ủy viên Mặt Trận Thống Nhất.

– Nguyễn Văn Sâm, Khâm Sai triều đình Huế ở Nam Kỳ

– Phạm Quỳnh, học giả, đại thần và cố vấn của Bảo Đại. Tác giả gọi Phạm Quỳnh là nạn nhân nổi tiếng nhất của Việt Minh.

– Ngô Đình Khôi, anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, bị giết cùng với con là Ngô Đình Huân.

– Huỳnh Phú Sổ, theo tác giả, là nhà tiên tri, sáng lập và giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, chẳng những bị giết mà còn bị phanh thây, ném đi mỗi nơi một chi thể để tín đồ khỏi tôn thờ và lập đền thiêng.

– Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng bị Việt Minh bắt mùa hè 1946, trong chiến dịch lùng diệt đối lập và không bao giờ thấy tăm tích đâu nữa.

– Tạ Thu Thâu mà tác giả bảo là do Trần Văn Giàu cho phục kích và giết, sau khi Trần Văn Giàu đi thăm Hồ Chí Minh trở về. Tác giả gọi Trần Văn Giàu là kẻ theo chủ nghĩa Stalin thuần thục nhất – a Stalinist of the purest water.

– Trần Quang Vinh, lãnh tụ Cao Đài, suýt bị giết vì kịp trốn thoát.

– Trần Văn Phát và Nguyễn Văn Thoại, hai người có xu hướng Nam Kỳ tự trị. Ông Phát bị giết ngày 29-3-46 và ông Thoại ngày 3-5-46. (14)

Dù không tỏ vẻ kết án thủ đoạn tàn bạo của Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam đối với những người yêu nước không tán thành Cộng Sản, tác giả cũng không thể chối bỏ thực tế là ngọn cờ Cộng Sản không lôi cuốn nổi quần chúng.

Tác giả viết: “Nhưng không ai hơn Hồ biết rằng cuộc chiến đấu cho độc lập không thể tiến hành dưới ngọn cờ Cộng sản. Lập một nền độc tài công khai của đảng cộng sản sẽ chỉ làm sụp đổ tòa nhà chính trị tài tình qua đó những người cộng sản hoàn toàn khống chế phong trào yêu nước. Chế độ càng triển khai theo chiều hướng độc quyền, độc đảng, càng cần có một bề ngoài trang trọng theo nghi lễ và bộ mặt trang trí bằng những định chế dân chủ. Bản hiến pháp đệ trình quốc hội duyệt y được vẽ kiểu theo mục đích ấy và đã được thông qua ngày 8-11 bằng 240 phiếu thuận, chỉ có hai phiếu chống.”

Không ai ngăn cấm Buttinger theo đuổi ý hướng riêng của bản thân để tiếp tục ngưỡng mộ mẫu người Hồ Chí Minh, nhưng hàng triệu oan hồn Việt Nam vất vưởng từ biển cả tới rừng sâu suốt nửa thế kỷ nay không thể chấp nhận sự gán ghép trắng trợn và ngược ngạo rằng các hành vi của Hồ Chí Minh là vì dân vì nước.

Có thể Buttinger sẽ không bao giờ có thái độ này trong trường hợp Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp nhận những đề nghị riêng mà ông ta nêu ra vào lúc đó?

Nếu sự việc diễn ra chỉ vì thế thì thái độ mà Buttinger biểu hiện là một khía cạnh đáng buồn trong tính cách của con người.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 19

(01)  Ông can thiệp với Ngô Đình Diệm cho đích danh hai ông này và có thư từ qua lại với ông Diệm rất chi tiết về việc này. Trong tác phẩm Vietnam the unforgettable Tragedy (trang 68-69)  tác giả cho đăng bản chụp nguyên văn hai trang đầu và cuối của bức thư rất dài do thủ tướng Ngô Đình Diệm đánh máy bằng tiếng Pháp đề ngày 29-5-1955 gửi tác giả với tư cách riêng.

(02) Horizon Press, New York, 1977

(03)  SĐD  tr. 19

(04) SĐD  tr. 26, nguyên văn: “better Titoist than Tito himself”. Lãnh tụ Nam Tư Tito theo Cộng Sản, nhưng không chịu sự chi phối của Stalin, từ 1948 tách khỏi khối cộng sản quốc tế và nhận viện trợ của thế giới tự do.

(05) - (06)  SĐD  tr. 28, 167

(07)  Xem Giọt nước trong biển cả, tr. 345

(08)  Xin xem Đêm Giữa Ban Ngày, tr. 229

(09)  A Dragon Embattled, tr. 400, nguyên văn: The vital center of Liên Việt was of course the Việt Minh....

(10)-(12)-(13)-(14)  A Dragon Embattled, tr. 402, 407, 403- 405, 408- 409

(11)  Chỉ các đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:10 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong