HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 18*
 

6 TÁC GIẢ và Le Livre Noir du Communisme


Mười năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu và Liên Xô tan rã, trường đại học Harvard, một trường danh tiếng nhất của Mỹ cho xuất bản cuốn The Black Book of Communism dày 858 trang khổ lớn do Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression (1) của 6 tác giả Courtois Stéphane, Welth Nicolas, Panné Jean-Louis, Paczkowski Andrzej, Bartosek Karel, Marolin Jean-Louis.

Mở đầu tác phẩm, Courtois Stéphane viết:"Người ta bảo lịch sử là khoa học của sự bất hạnh của nhân loại. Thế kỷ bạo lực đẫm máu mà chúng ta sống đã xác nhận câu nói đó một cách rộng rãi”.  Courtois đã nêu một tiền đề chính xác khi chúng ta nhìn vào lịch sử Việt Nam trọn thế kỷ qua. Tuy nhiên, dường như chính các tác giả Le Livre Noir du Communisme lại chưa hẳn thấu đáo về nguyên nhân dẫn đến nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam và cũng chưa hẳn nhận rõ hết về nỗi bất hạnh đó. Dựa vào những thống kê chưa hoàn toàn đầy đủ, Courtois tổng kết số người bị Cộng Sản tàn sát trên khắp thế giới là100 triệu, trong đó riêng Trung Cộng chiếm 65 triệu (2), Liên Xô 20 triệu, Căm-bốt  2 triệu, còn Việt Nam, tác giả ghi 1 triệu.

Những người am tường thực tế, nhất là những người Việt Nam từng sống dưới chế độ Cộng Sản không thể đồng ý với tác giả về con số đã nêu. Có lẽ Courtois đã nghĩ nguồn gốc các cuộc chiến liên tục tại Việt Nam từ 1945 tới 1975 là do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và phe quốc gia ở miền Nam nên con số cả chục triệu người chết trong chiến tranh đã bị gạt sang bên, bởi lẽ tác giả cho rằng trách nhiệm gây chiến không thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay giữa lúc tiến hành thiết lập hồ sơ về tội ác Cộng Sản, nhiều tác giả có vẻ vẫn bị ảnh hưởng tuyên truyền của sách báo Cộng Sản chi phối để tiếp tục giản lược hóa một cách sai lạc tính chất các cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến sau 1954, theo hình ảnh nhân dân Việt Nam đã tập trung dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng yêu nước Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam thành lực lượng kháng chiến chống các thế lực đế quốc ngoại lai xâm lược. Đám khói mù quanh huyền thoại Hồ Chí Minh cho tới giờ này vẫn dày đặc đủ để che khuất những tội ác tầy trời trong khi các thần tượng Lenin, Staline đã bị bóc trần và xô đổ ở mọi nơi.

Tuy vậy, tác giả cũng so sánh con số nạn nhân bị cộng sản giết với con số 25 triệu nạn nhân (trong đó có 6 triệu người Do Thái) của Đức Quốc Xã và nêu nhận xét trong khi Đức Quốc Xã bị cả loài người lên án, thì cho đến nay nhiều người vẫn bào chữa cho cộng sản cố trút mọi tội ác cho cá nhân Stalin thay vì phải chỉ rõ Mác và Lênin mới là nguồn gốc.

Le Livre Noir du Communisme gồm 5 phần. Hai phần đầu dành ghi tội ác của Liên Xô và Quốc Tế Cộng Sản, phần 3 nói về các nước Cộng Sản Đông Âu, phần 4 nói về Cộng Sản Á Châu, trong đó Việt Nam chỉ chiếm 11 trang trên tổng số 858 trang và phần chót nói về các tổ chức cộng sản trong thế giới thứ ba.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ trước công luận, các tác giả tỏ ra vô cùng dè dặt khi nêu những con số, phần đông dựa vào tài liệu chính thức.

Tác giả Nicolas Werth, thực hiện phần 1, cho biết chỉ trong 2 tháng năm 1918, số nạn nhân bị giết của tân chế độ Lênin là từ 10,000 đến 15,000. Con số này lấy từ báo cáo của Mật vụ Cheka, sau khi tác giả ghi lại các huấn thị của chính Lênin về việc phải trừng phạt những kẻ bất phục tùng được gọi là những "tên Gulaks”. (3)  Dù vậy, số người bị giết ở mức ước lượng tối thiểu trong chỉ 2 tháng dưới chế độ Lenin đã nhiều gấp hơn 10 lần so với số nạn nhân của chế độ Nga Hoàng trọn năm 1906 là năm đàn áp dữ dội nhất do phản ứng chống cuộc cách mạng 1905. Theo tác giả trong vòng gần một thế kỷ dưới chế độ Nga Hoàng kể từ 1825 đến 1917, tổng số người bị giết chỉ có 6,321 nạn nhân. Số người bị tống vào tù dưới chế độ Lênin thì trong 2 năm từ 1919 tới 1921 đã tăng từ 16 ngàn lên 70 ngàn không kể nhiều trại tù địa phương có nơi lên tới 50 ngàn trong mùa thu 1921.

Phần 2 do 3 tác giả Stéphane Courtois, Jean-Louis Panné và Rémi Kauffer đảm nhận, nói nhiều về tổ chức Đệ Tam Quốc Tế như một trong những "dụng cụ” chính để khuynh đảo tình hình thế giới. Theo các tác giả, đại hội kỳ 2 của Đệ Tam Quốc Tế mới đạt được nền tảng vững chắc cho tổ chức này. Tại đại hội kỳ 2, Lênin đặt ra 21 điều kiện để những người có xu hướng xã hội gia nhập Đệ Tam Quốc Tế. Đệ Tam Quốc Tế cũng được định nghĩa là "một đảng quốc tế nhằm nổi dậy và thực hiện chuyên chính vô sản.” Do đó, điều kiện thứ 3 trong số 21 điều kiện nêu rõ: "…trong hầu hết các nước thuộc châu Âu và châu Mỹ, cuộc đấu tranh giai cấp đang tiến vào thời kỳ nội chiến. Trong điều kiện như vậy, người cộng sản không được tin vào luật pháp tiểu tư sản nữa. Cần phải lập nên khắp nơi, song song với tổ chức hợp pháp, một phong trào bí mật có khả năng hành động quyết định phục vụ cách mạng vào thời điểm của chân lý.” Thuật ngữ thời điểm của chân lý được diễn giải là lúc nổi dậy làm cách mạng và hành động quyết định phục vụ cách mạng là tham gia nội chiến. Chính sách được áp dụng cho mọi quốc gia không phân biệt chế độ, kể cả những chính thể dân chủ cộng hòa và những chế độ quân chủ lập hiến.

Với cái đảng quốc tế được định nghĩa như thế, có chủ trương như thế, Lenin vận dụng các đảng Cộng Sản chư hầu và mọi đảng Cộng Sản khác trên toàn thế giới như một lợi khí sắc bén để thôn tính các nước lân bang, tiến tới bá chủ thế giới. Các tác giả nêu  nhiều sự kiện xẩy ra tại các nước vùng Ban Nhĩ Cán và Đông Âu.

Tại Cộng Hòa Estonia, ngày 14-1-1920, trước khi rút lui vì thất bại, Cộng Sản giết 250 người tại Tartu và hơn 1000 người tại Rakvere. Khi Wesenburg được giải phóng vào ngày 17-1-1920, người ta khám phá ra 3 mồ chôn tập thể với 86 tử thi. Tại Tartu, các con tin bị bắn ngày 26-12-1919 sau khi bị đập gẫy tay chân và có người bị khoét mắt. Ngày 14-1-1920, bọn Bolshevik chỉ kịp giết 20 người trong số 200 người bị chúng giam giữ ở Tartu. Tổng giám mục Plato bị giết vào dịp này nhưng "bởi vì những nạn nhân đã bị đánh túi bụi bằng búa rìu và báng súng nên cực kỳ khó khăn để nhận diện.(4)

Những vụ tàn sát dã man như thế đầy dẫy trong các chương sách.

Chuyện xẩy ra tại Trung Quốc cũng chận đứng mọi ý muốn bào chữa cho Mao Trạch Đông là người yêu nước có công chống ngoại xâm và những Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân vv… không còn là huyền thoại anh hùng dân tộc nữa. Những tội ác do Trung Cộng gây ra trong các cuộc cải cách ruộng đất (1947-1952), trong đại cách mạng văn hóa vv…và những cuộc đàn áp tôn giáo tại Tây Tạng, bắn giết hàng ngàn người trong vụ Thiên An Môn (1991), tàn sát tín đồ giáo phái Pháp Luân Công ... đều được ghi khá đầy đủ.

Nhưng những chuyện xẩy ra tại Việt Nam gần như không được lưu tâm.

Trong cuốn sách ngót 860 trang, các tác giả chỉ dành 11 trang nói về cả Ai Lao lẫn Việt Nam. Riêng Cam-bốt được dành 59 trang có lẽ vì con số 2 triệu người bị giết chiếm tới trên một phần tư dân số.

Tội ác của Cộng Sản Việt Nam ghi trong mấy trang này là điều đã được cả thế giới biết qua tác phẩm của Hoàng Văn Chí, Hoàng Hữu Quýnh, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... nhưng cũng chỉ được ghi lại với thái độ hết sức dè dặt. Hoàng Văn Chí ước lượng có nửa triệu người bị giết trong cải cách ruộng đất trong khi Jean Louis Margolin đắn đo chọn con số 50 ngàn và nói thêm là ngoài ra còn có từ 50 ngàn đến 100 ngàn bị bắt bỏ tù. Điều đáng chú ý là chính Jean Louis Margolin cho biết có 86 phần trăm đảng viên đảng Lao Động (tức Cộng Sản) ở nông thôn bị thanh trừng cùng với 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp.

Về tội ác này, một cựu cán bộ Cộng Sản Việt Nam là Việt Thường đã phân tích trong tác phẩm Sự Tích Con Yêu Râu Xanh như một cuộc thanh trừng để củng cố hàng ngũ đảng Cộng Sản. Khoảng thời gian 1949-1950, rất nhiều người tham gia Đảng Lao Động do không biết rõ bản chất Cộng Sản và nghĩ đây là một đoàn thể yêu nước đang đấu tranh chống thực dân. Những người này phần nhiều thuộc thành phần không đảng phái hoặc thuộc các đảng quốc gia đã chấp nhận tham gia chính phủ Liên Hiệp với Hồ Chí Minh từ 1945-1946. Số này rất đông nên tỷ lệ 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp bị thanh trừng là con số có thể phản ảnh đúng thực tế. Vì trong cải cách ruộng đất, theo Việt Thường, những kẻ chủ chốt đứng ra điều khiển đấu tố đều thuộc thành phần ngu dốt, côn đồ được Cộng Sản Việt Nam gọi là "rễ". Những phần tử này cho tới lúc đó không có điều kiện dự các guồng máy chính quyền địa phương thấp nhất ở các cấp xã ấp, nhưng được nhóm cán bộ cốt cán của đảng cộng sản đẩy ra làm công cụ loại trừ những thành phần bị nghi ngờ không hoàn toàn trung thành với đảng. Với khẩu hiệu "Thà giết lầm 10 người còn hơn tha lầm một người và với sự hỗ trợ tuyệt đối của Đảng và chính quyền, những phần tử này đã sát hại hoặc tống vào nhà tù bất kỳ ai  bị đánh giá là thiếu lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và “Bác”.

Jean Louis Margolin nhắc tới con số 95 phần trăm cán bộ kháng chiến chống Pháp bị thanh trừng trong cải cách ruộng đất, nhưng không nêu rõ cụ thể ra sao. Ngoài vụ tàn sát trong cải cách ruộng đất, Margolin đề cập đến vụ mồ tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 nhưng chỉ nêu con số thấp nhất trong những con số được ghi lại là 3000 nạn nhân trong khi không giải thích về những con số cao hơn là 4000 hay 5000 từng được nêu qua nhiều nguồn tin.

Tác giả xác nhận là không có tắm máu trong ngày Cộng Sản đánh chiếm Sài Gòn nhưng sau đó đã đưa ra con số 200 ngàn người bị giam giữ theo xác nhận của Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên về việc này, tác giả ghi thêm: "Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân trong tổng số dân là 20 triệu.

Thái độ thận trọng của người cầm bút là điều đáng ca ngợi nhưng khó thể chấp nhận sự thiếu nắm vững về chính vấn đề được nêu ra. Khuyết điểm này không chỉ khiến giảm giá mức thận trọng trong thái độ của người cầm bút mà còn dẫn đến sự hiểu biết sai lạc về vấn đề đang mong được phô bày.

Cụ thể là tội ác của Cộng Sản Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua không thể gói gọn vào số nạn nhân bị sát hại và tù đầy theo cân nhắc dè dặt của Jean Louis Margolin qua cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc 1955-56 hay cuộc tàn sát tập thể tại Huế hồi Tết Mậu Thân và số người bị giam giữ sau tháng 4-1975 theo lời của Phạm Văn Đồng.

Khi đặt vấn đề thiết lập hồ sơ tội ác của Cộng Sản Việt Nam, bắt buộc phải xác định rõ mức độ tương quan và trách nhiệm của Hồ Chí Minh cùng đồng chí với các biến cố kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua trên một địa bàn bao trùm từ Hoa Nam qua khắp ba xứ Đông Dương. Các tác giả không hề nhìn thấy bàn tay thúc đẩy các cuộc chiến kéo dài tại Việt Nam và diễn ra khắp ba xứ Đông Dương liên tục suốt 30 năm kể từ 1945, không hề nhìn thấy những thủ đoạn tàn ác đối với người quốc gia yêu nước để độc chiếm quyền hành khởi diễn ngay từ giữa thập niên 20, không hề nhìn thấy cảnh đọa đày mà dân chúng Việt Nam phải chịu đựng dưới gông cùm thống trị của bạo quyền mà mức cơ cực đang còn là thực tế phơi diễn trên khắp lãnh thổ Việt Nam, cũng không hề nhìn thấy ngay cả tội ác tàn sát 2 triệu người Căm Bốt cũng có phần trách nhiệm của Cộng đảng Việt Nam vì tập đoàn Khmer Đỏ ban đầu chỉ là một bộ phận của Đảng này...

Thiếu cái nhìn cần thiết đó nên các tác giả đã bỏ quên những con số nạn nhân bị sát hại trong hai cuộc chiến, không ghi nổi những thảm cảnh bị đày đọa của người dân Việt Nam và đặc biệt là không nêu rõ được con số nạn nhân đã bỏ mình trên biển Đông hay giữa rừng núi phía Tây để cố trốn thoát khỏi đời sống ngục tù ngột ngạt của cái xã hội do Cộng Sản Việt Nam tạo dựng...

Khuyết điểm có thể khởi từ sự thiếu các nguồn tài liệu thống kê khả tín khiến người cầm bút với thái độ thận trọng bắt buộc đã không thể làm khác hơn được.

Khuyết điểm có thể do chính người cầm bút chưa gột rửa nổi định kiến sai lầm do những luận điệu tuyên truyền Cộng Sản được nhắc lại liên tục hơn nửa thế kỷ qua để dẫn tới những đánh giá lệch lạc về mọi biến cố.

Khuyết điểm cũng có thể do cách làm việc máy móc của người cầm bút luôn dựa vào các tài liệu chính thức có xuất xứ là các cơ quan, đoàn thể đương quyền nên đã tự đặt vào thế bị lường gạt bởi những tính toán xuyên tạc và bóp méo mọi sự thực.

Dù khởi từ căn cỗi nào thì khuyết điểm này vẫn hủy hoại giá trị đóng góp của tác phẩm theo mong mỏi của chính các tác giả. Bởi vì khi đưa ra tác phẩm trên, chắc chắn các tác giả không mong gì hơn là được thấy toàn thể nhân loại căm phẫn những thế lực tội ác sẽ cùng chung sức xóa tan bóng đêm Cộng Sản ở bất kỳ nơi nào để ánh sáng tự do dân chủ có thể chiếu sáng cuộc sống của mọi dân tộc.

Ước mong đó có thể thành thực tế tại Việt Nam không, khi mà hầu hết những tội ác tày trời của Cộng Sản Việt Nam đều được vùi lấp?

Stéphane Courtois, chủ biên, là người phụ trách phần II cùng với 2 tác giả khác, cũng là người viết đoạn mở đầu và phần kết luận. Trong phần kết luận, tác giả đã thử tìm lời giải đáp cho câu hỏi tự đặt "Tại Sao?. Tuy chưa hoàn toàn hài lòng về lời giải đáp của chính mình, tác giả cũng giúp người đọc một số dữ kiện để có thể giải thích tại sao thế kỷ 20 lại là một thế kỷ của bạo lực, khủng bố, giết chóc kinh khủng nhất trong lịch sử.

Trước hết, tác giả nêu chủ trương dùng bạo lực cách mạng của Marx và khẩu hiệu "Vô sản thế giới hãy đoàn kết lại” trong Tuyên Ngôn Cộng Sản để cho rằng Mác có một phần trách nhiệm. Nhưng theo tác giả, trách nhiệm chính là Lenin và các đồng chí trong nhóm cực đoan Bolshevik – Đa Số, nhất là Stalin, kẻ ngay từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của những băng đảng giết người. Tác giả trưng dẫn thêm trường hợp Nga Hoàng Ivan giết con, và khi mới 13 tuổi đã cho chó xé xác vị thủ tướng của mình, trường hợp Nga Hoàng Petro cũng tự tay giết con ... để cho rằng bản tính người Nga tàn ác...và ghi lại lời của Maxim Gorki kết tội nhóm Bolshevik để xác định lập luận của mình: "Sự tàn ác đã làm tôi kinh ngạc và luôn giày vò tâm tư tôi suốt cuộc sống. Gốc rễ của sự tàn ác của loài người là cái gì? Tôi đã nghĩ nhiều về điều này và vẫn không sao hiểu nổi… Nhưng nay thì, sau sự điên khùng khủng khiếp của cuộc chiến ở châu Âu và những biến cố đẫm máu của cách mạng… tôi bó buộc phải nhận ra rằng sự tàn ác của người Nga đã không biến chuyển chút nào. Những hình thức của nó vẫn y nguyên. Một phóng viên thời sự khoảng đầu thế kỷ 17 đã ghi lại rằng trong thời ấy những hình thức cực hình tra tấn đã được thực hiện như sau: "Nhét thuốc súng vào đầy miệng, rồi châm lửa. Kẻ thì bị nhét thuốc nổ vào hạ môn. Phụ nữ thì bị khoét lỗ nơi vú, xỏ giây thừng qua những vết thương đó rồi cột lại treo lên”. Trong những năm 1918-1919 tại các vùng Don và Urals người ta cũng hành hình theo kiểu đó. Người ta nhét thuốc nổ vào hậu môn rồi cho nổ tung lên. Tôi nghĩ người Nga có cảm quan độc đáo về sự tàn ác cũng giống như người Anh có cảm quan độc đáo về sự hài hước.

Maxim Gorki nói đến hai năm 1918-19 là thời kỳ Lênin vừa lên nắm quyền (từ ngày 7-11-1917, vẫn gọi là cuộc cách mạng tháng 10 – theo lịch Nga). Courtois cũng ghi rằng liền ngay sau khi nắm quyền, Lenin lập tức bắt Đảng áp dụng bạo hành: "Lênin thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế sớm biểu lộ sự khủng bố đẫm máu từ bản chất. Bạo lực cách mạng nay không còn  nhằm mục đích tự vệ chống lực lượng Sa hoàng, vì nó đã biến mất từ mấy tháng trước rồi. Nhưng đây là biện pháp tích cực chủ động đánh thức dậy cả một nền văn hóa tàn bạo, độc ác châm ngòi cho sự bạo hành tiềm ẩn của cuộc cách mạng xã hội. Mặc dầu cuộc khủng bố Đỏ chỉ chính thức khơi mào ngày 2 tháng 9 năm sau, nhưng trong thực tế nó đã có ngay từ tháng 11 năm 1917.

Tác giả dẫn lời Yuri Martov, lãnh tụ nhóm Menshevik – Thiểu Số – viết vào tháng 8-1918: "Ngay khi mới lên cầm quyền, đã tuyên bố bãi bỏ án tử hình, (thế mà) nhóm đa số (5) liền bắt đầu giết." Ngày 6-9-1919, sau khi hàng loạt trí thức bị bắt giữ, Gorky gửi cho Lenin một bức thư giận dữ nói: "…Học giả cần được đối đãi một cách kính cẩn. Nhưng nay muốn giữ cái da, chúng ta lại chặt cái đầu, phá hủy bộ óc của chúng ta”.  Lênin trả lời: "Chúng không phải bộ óc của quốc gia. Chúng là cục phân.(6)

Sau khi thành công trong việc nắm chính quyền, Lenin coi những gì đã tiên đoán về cách mạng, về vô sản về trật tự xã hội đều đúng và những lý thuyết, ý hệ của ông ta trở thành tín điều bắt buộc mọi người phải tin theo, một thứ chân lý phổ quát. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tối hậu là đưa vô sản lên nắm quyền chuyên chính khắp thế giới mọi phương tiện đều tốt, kể cả bạo lực.  Tất cả những người nói ngược, đi ngược tín điều trên đều bị coi là chướng ngại cần trừ khử và để trừ khử chỉ cần gán cho cái nhãn tư sản. Phải tận diệt tư sản vì tư sản là kẻ thù của vô sản theo lý thuyết Cộng Sản. Phương thức diệt trừ chướng ngại đó được Stalin tiếp nối khi thay thế Lenin. Để giữ vững quyền hành, Staline đã thanh toán các chướng ngại bằng cách tiêu diệt tất cả đồng chí của mình như Kamenev, Zenoviev, Trotsky...

Tác giả dẫn lời một cán bộ Cộng Sản Nga có nguồn gốc vô sản thực sự là Alexander Shlyapnikov phát biểu tại đại hội 11 Cộng đảng Nga: "Hôm qua đồng chí Lenin đã khẳng định tại nước Nga này không có giai cấp vô sản theo đúng nghĩa Mác-xít. Bây giờ tôi xin phép chúc mừng đồng chí đã có thể xoay sở để thực hiện một nền chuyên chính vô sản nhân danh một giai cấp không thực sự hiện hữu!

Câu nói diễn tả tuyệt vời khả năng vận dụng một phương tiện để thành công và tác giả kết luận: “Khéo léo xử dụng biểu tượng của vô sản là điều phổ biến trong mọi chế độ Cộng Sản ở Âu châu, trong thế giới thứ ba và cả ở Trung Hoa, Cuba. Chỉ cần nêu danh nghĩa vô sản, bất kể có giai cấp này hay không, người ta có thể đưa ra hàng loạt chiêu bài như cách mạng vô sản, bảo vệ giai cấp vô sản, thiết lập chế độ chuyên chính vô sản trên khắp thế giới ... và từ đó có thể dùng mọi biện pháp kể cả bạo lực ở mức độ khủng khiếp nhất để đạt mục tiêu "chính nghĩa" đã nêu. Cũng nhân danh vô sản là giai cấp đông đảo nhất, người cộng sản loại tất cả phe chống đối bằng cách gán cho tội danh tư sản, phản cách mạng, phản động, tay sai đế quốc với hàm nghĩa hết sức co dãn...để mặc tình chém giết, mặc tình phạm tội ác tày trời chống nhân loại trong sự yên tâm là đang thi hành một sứ mạng cao cả .

Tác giả diễn giải thêm: "Lênin đã trưng dẫn Engels, để nói rõ cái (thâm ý) gì ở trung tâm tư duy và hành động của mình: "Thực ra nhà nước chỉ là bộ máy mà một giai cấp dùng để hủy diệt giai cấp kia (7)

Trong Cách mạng vô sản và kẻ phản đảng Kausky, Lenin cũng viết: "Chuyên chính là quyền lực dựa trực tiếp trên sức mạnh và không bị hạn chế bởi luật pháp nào. Nền chuyên chính cách mạng vô sản là quyền lực đoạt được và duy trì qua sử dụng bạo lực của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, đó là quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ luật pháp nào.

Có lẽ đó là lý do khiến các chế độ cộng sản trên khắp thế giới đều tàn bạo, độc ác? Tác giả dùng câu tự hỏi để giải đáp chữ WHY đã được dùng làm tựa cho phần kết luận của mình.

Cuối sách, Stéphane Courtois đã nhắc một nhân chứng là Aino Kuusinen từng kể rằng tại thành phố Moscow hiếm thấy một gia đình nào không chịu sự bách hại dưới hình thức nào đó. Nhưng chẳng ai dám hé răng…

Sự sợ hãi đã ăn sâu vào tâm trí mọi người.

Đáng tiếc là các tác giả Le Livre Noir du Communisme đã không tìm cơ hội để lắng nghe tiếng nói của hàng triệu nhân chứng như thế tại Việt Nam.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 18

(01) Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont, S.A, Paris xuất bản lần đầu năm 1997. Ban đầu có tất cả 11 tác giả cùng viết do Courtois Stéphane chủ biên. Khi sách đem in 5 người xin rút tên do áp lực sao đó nên chỉ còn lại 6. Những người rút tên nói chủ biên Courtois đã đi quá xa khi đề nghị đưa các tội phạm Cộng Sản ra tòa án quốc tế, tương tự tòa án Nuremberg từng xử Đức Quốc Xã. Cuốn sách đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng, bán 700, 000 bản tính đến tháng 9-2002. Bản dịch Việt ngữ mang tựa đề Hắc Thư về Chủ Nghĩa Cộng Sản của nhà báo Hồ Văn Đồng phát hành cuối năm 2002 tại Hoa Kỳ. Trong bản dịch Việt Ngữ, dịch giả thêm phần Phụ Lục về Tội Ác Cộng Sản tại Việt Nam. Chúng tôi trích dẫn tác phẩm này theo bản Anh ngữ của Jonathan Murphy và Mark Kramer.

(02) Trong phần IV về Á Châu, đoạn kết, đồng tác giả Jean Louis Margolin viết rằng chế độ của Đặng Tiểu Bình tuyên bố cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã tàn sát 100 triệu người, nhưng Margolin vốn quá dè dặt đã nói  “1 triệu đã là khó tin.”

(03)-(04)-(07)  SĐD  tr. 178, 275-278, 741

(05)  Tiếng Nga là Bolshevik chỉ nhóm quá khích, theo Cộng Sản của Lênin.

(06)  Chúng ta đã biết, do câu này mà về sau nhiều lãnh tụ Cộng Sản bắt chước nói theo, trong đó có Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:09 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong