HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 17 *
 

NGUYỄN PHƯƠNG MINH và HCM tên phản quốc số một của thời đại


Hồ Chí Minh, tên phản quốc số một của thời đại của Nguyễn Phương Minh chỉ mới ra mắt dưới dạng một loạt bài tham luận trên báo Người Việt Hải Ngoại từ số 159 tới số 231.(1)

Tác giả nêu nhiều lý do thúc đẩy việc viết cuốn sách, trong số có lập luận của một số người cho rằng sở dĩ ngày nay nhân dân Việt Nam bị tù hãm, đói khổ, truyền thống văn hóa băng hoại là do đám thủ hạ, nhất là nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ, đã đi trệch con đường của Hồ Chí Minh. Những người trên cho rằng nếu Hồ Chí Minh còn sống thì tình trạng đất nước sẽ khá hơn, vì thế đang có những cố gắng duy trì huyền thoại Hồ Chí Minh, cụ thể là nỗ lực đề cao " tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo tác giả, đây là một lầm lạc nguy hiểm cần ngăn chặn. Quan điểm này của Nguyễn Phương Minh cũng là quan điểm chung của nhiều tác giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại như Nguyễn Thuyên, Trần Gia Phụng, Việt Thường, Hoàng Quốc Kỳ, Kiều Phong vv...

Trước hết, Nguyễn Phương Minh nhắc lại các đại hội của đảng Cộng Sản Nga và đại hội của Đệ Tam Quốc Tế từ kỳ I đến kỳ VII cũng là kỳ chót và phân tích các báo cáo chính trị quan trọng của Manuilsky, Bukharin, Zenoviev… trong đó có một sự kiện nổi bật là thái độ phản đối đảng Cộng Sản Nga của các đảng viên Cộng Sản Trung Á và Hồi Giáo.

Sự kiện này diễn ra tại Đại Hội đại biểu kỳ 10 của đảng Cộng Sản Nga tháng 3-1920, và hai tháng sau đó, tại đại hội Đệ Tam Quốc Tế Baku. Nhiều đảng viên cộng sản thuộc các nước Trung Á và Hồi giáo đã lên tiếng kịch liệt đả kích thái độ thực dân của các đại biểu Nga. Narbutabekov dựa theo lời hứa của Lenin hồi tháng 11-1917, khi vừa cướp được chính quyền – từ đây các bạn được tự do và có quyền tin theo tín ngưỡng, phong tục, thể chế văn hóa của các bạn…Các bạn phải làm chủ đất nước của các bạn – để kết án nhóm Bolshevik là phản cách mạng vì " không cho phép chúng tôi cầu nguyện hoặc chôn cất người dân của chúng tôi theo phong tục và tín ngưỡng Hồi Giáo. Còn Ryskolov thì khẳng định phong trào cách mạng ở phương Đông sẽ mang " bản chất tiểu tư sản và sẽ là một phong trào tranh đấu cho sự tự quyết và toàn vẹn của phương Đông.” Hai nhân vật này muốn tấn công chính sách thuộc địa của Liên Xô dưới chiêu bài "vô sản chuyên chính”. Hậu quả là Narbutabekov và Ryskolov đã bị theo dõi rồi bị giết trong vụ thanh trừng đẫm máu của Stalin năm 1935.

Nguyễn Phương Minh trích dẫn báo cáo của Safarov đọc tại đại hội 10 của cộng đảng Nga để chứng minh là có chính sách thuộc địa kiểu mới đó và viết tiếp: "Trong khi các dân tộc vùng Trung Á, rất sớm, đã thấy được dã tâm đế quốc của Liên Xô như thế, thì Hồ Chí Minh khi đọc luận cương về "vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lênin chỉ biết la to lên rằng"Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Chính sự u mê này đã là gốc nguồn của hơn 40 năm đọa đầy của quốc dân Việt Nam, là nguyên nhân đẩy đất nước ta vào cuộc chiến tranh tay sai triền miên mà hậu quả của nó hãy còn cho đến ngày nay. Cũng chính sự u mê đó đã biến nước ta thành một vệ tinh trong qũy đạo của Liên Xô, biến dân ta thành công cụ phục vụ cho chủ trương bành trướng của đế quốc đỏ." (2)

Phân tích tình hình chính trị thế giới trước và sau thế chiến II về tương quan giữa các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Liên Xô, tác giả kết luận Liên Xô không chủ trương làm cách mạng vô sản thế giới mà chỉ chủ trương bành trướng đế quốc Nga. Thái độ của Liên Xô với Đức – hai lần ký hiệp ước bất tương xâm (23-8-39) và hiệp ước thân hữu (17-9-39), và thái độ của Liên Xô lấy lòng Anh Pháp để được đứng vào hàng ngũ Đồng Minh khi bị Đức bất thình lình tấn công (22-6-41) – chứng tỏ điều đó.

Tác giả nêu các ví dụ cụ thể:

Sau khi ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, Liên Xô giao cho Đức nhiều đảng viên Cộng Sản Đức – Áo lánh nạn ở Liên Xô và thủ tiêu một số như Warski, Vera Kostrzewa, Lenski vv.. Sau hiệp ước, đảng Cộng Sản Đức đã bị Liên Xô trói tay, không còn là trở ngại cho Hitler nữa. Hiệp ước trên còn quy định vào lúc Đức chiếm Ba Lan thì Liên Xô phải dẹp tan guồng máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Ba Lan…Trong số 168 tờ báo chống Quốc Xã Đức ở Ba Lan không có tờ nào của đảng Cộng Sản Ba Lan (3)

Trong lúc đó, tại Á Châu, các đảng Cộng Sản chư hầu lại được phép xử dụng chiêu bài "cách mạng dân tộc” để đánh Anh – Pháp. Theo tác giả, trước đó, với đường lối của đại hội VI Đệ Tam Quốc Tế, các đảng Cộng Sản phải dẹp bỏ cuộc đấu tranh giành độc lập, liên minh với thực dân (Anh – Pháp) để chống Đức, bảo vệ Liên Xô. Với hiệp ước Đức–Liên Xô, tình thế đã thay đổi biến Anh và Pháp thành những kẻ "hiếu chiến”, kẻ thù của Liên Xô. Trong tình thế này, cách mạng giải phóng dân tộc lại được các đảng Cộng Sản Á châu giương lên, nhưng chỉ được giương ở một chừng mực nào thôi, bởi vì các đảng Cộng Sản Anh và Pháp không muốn "vô sản hóa” các nước thuộc địa được độc lập ở ngoài sự bảo hộ của họ.

Về việc giải tán Đệ Tam Quốc Tế, tác giả nhận xét hoàn toàn do Stalin quyết định, vì trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuter ở Mạc Tư Khoa ngày 28-5-1943, trước khi chính thức giải tán 12 ngày mà Stalin đã nói là Đệ Tam Quốc Tế đã giải tán. Điều này cho thấy rõ tổ chức quốc tế vô sản trên chỉ là công cụ của Liên Xô nên tùy theo nhu cầu của Liên Xô trước các tình thế khác biệt mà biến hiện.

Phương thức đấu tranh này đã được Hồ Chí Minh vận dụng khi tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Việt Nam tháng 11-1945 để thay đổi thái độ chống đối của các đảng phái quốc gia và giảm mức e ngại của dư luận chính giới Mỹ về tính chất Cộng Sản của Hồ Chí Minh.

Tác giả cũng phân tích thêm về thái độ của các đảng Cộng Sản chư hầu tại Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và một số quốc gia khác và đi tới kết luận:

"Thế chiến II cho thấy 2 sự thật:

1. Tay sai (đến độ phản quốc) là bản chất của tất cả các chư hầu Liên Xô.

 2. Không làm gì có chiến tranh ý thức hệ, mà chỉ có chiến tranh tay sai phát động bởi các đế quốc để giải quyết các mâu thuẫn, chia xẻ lại vùng ảnh hưởng.(4)

Từ hai nhận định căn bản này, tác giả đưa thêm nhiều chi tiết chứng minh Hồ Chí Minh không đấu tranh vì độc lập của tổ quốc hay vì giai cấp vô sản thế giới. Trên thực tế, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là tay sai của đế quốc Liên Xô.

Theo tác giả, Liên Xô đã mau chóng tiến tới vị thế đại cường sau đệ nhị thế chiến là do các Tổng Thống Mỹ (Roosevelt và Truman) lúc đó có vẻ không nắm vững tình hình thế giới và thực lực của quân đội Phù Tang phản ảnh qua các quyết định tại hai hội nghị Yalta, Potsdam và cuộc đàm phán Nga-Hoa diễn ra trước và sau hội nghị Potsdam... Vì thế, các vị này đã nhượng bộ và thỏa mãn nhiều đòi hỏi quá đáng của Liên Xô, giúp Liên Xô có cơ hội bành trướng thế lực. Tác giả cho rằng nhờ các hội nghị này, Liên Xô đã đòi lại được những gì mà trước đây đế quốc Nga thời Sa hoàng đã chiếm được của Nhật và Trung Hoa, rồi sau đó bị mất vì thua Nhật. Ông cũng ghi nhận sự kiện Liên Xô nhảy vào vòng chiến để chống Nhật, khi Nhật sắp sửa đầu hàng vì trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Nếu tổng thống Mỹ nắm vững tình hình thì đâu có cần "yêu cầu”  Liên Xô nhập với Đồng Minh để chống Nhật. (5) Điểm chủ yếu mà tác giả nhấn mạnh trong hướng phân tích này nhắm làm sáng tỏ một thực tế quan trọng là Liên Xô luôn luôn mưu tính bành trướng đế quốc Nga chứ không bao giờ nghĩ tới quyền lợi các tổ chức cách mạng vô sản thế giới như nhiều người thường nghĩ. Ví dụ cụ thể là Stalin đã thỏa thuận với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch là sẽ "không hậu thuẫn đảng Cộng Sản Trung Quốc.” Tác giả trích lời tuyên bố của Stalin: "Theo tinh thần và sự thực hiện của những đường lối chính và mục tiêu của thỏa ước, chính phủ Liên Xô sẵn sàng yểm trợ Trung Quốc về tinh thần, trợ giúp về quân sự và nguyên liệu; sự trợ giúp này sẽ được giao trọn vẹn cho chính phủ Dân Tộc (Trung Hoa Dân Quốc) với tư cách là chính phủ trung ương của Trung Quốc.

Qua tuyên bố đó, "Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị tế thần cho những mặc cả của đế quốc đỏ” là điều rõ ràng. Từ tính chất đế quốc của Liên Xô, tác giả bước vào phân tích vai trò Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam để khẳng định Hồ Chí Minh chỉ là công cụ bành trướng ảnh hưởng của Đế Quốc Đỏ tại vùng Đông Nam Á, và do đó, là kẻ đối nghịch với chính nghĩa dân tộc mà toàn dân Việt Nam đã và đang theo đuổi.

Tác giả nhấn mạnh: "Đây là điểm ta phải ghi nhớ mãi mãi: rằng Hồ Chí Minh, tên phản quốc số 1 của thời đại – với ý thức đầy đủ của một tên tay sai tận tụy phục vụ cho quan thày – tạo tiền đề cho sự vong thân lịch sử và văn hóa của Việt Nam; rằng, núp dưới chiêu bài cách mạng dân tộc, cách mạng giải phóng, cùng lúc, nhịp nhàng giương cao ngọn cờ "dân tộc giải phóng và xã hội chủ nghĩa", Hồ Chí Minh đã lừa phỉnh nhiều thế hệ thanh niên Việt đi theo hắn vào con đường tay sai.

Tác giả trích dẫn nghị quyết đại hội V của Đệ Tam Quốc Tế về sự hợp tác với các phần tử dân tộc coi đó là đường lối cho Đông Phương, đồng thời, giải thích đường lối đó dựa vào chính lời tuyên bố của tổng thư ký Đệ Tam Quốc Tế Zenoviev trong phiên họp ủy ban trung ương Đệ Tam Quốc Tế tháng 6-1923 – một năm trước đại hội – như sau: "Điều mà chúng ta bắt buộc các đảng Cộng Sản phải làm là tìm cách xử dụng các phần tử dân tộc chống lại giai cấp tư sản. Các đảng Cộng Sản phải thúc đẩy các phần tử bất mãn chống lại chế độ – như đảng Cộng Sản Nga đã xử dụng người dân tộc Ukraine để chống lại Kerensky. Dĩ nhiên chúng ta không bao giờ chấp nhận các phần tử dân tộc Ukraine vào đảng Cộng Sản Nga. Chúng ta chỉ lợi dụng sự bất mãn của họ để phục vụ cuộc cách mạng vô sản.”

Cộng Sản Việt Nam (6) đã tỏ ra triệt để tuân hành chỉ thị đó ... trong giai đoạn 1925-1928 cũng chủ trương dân tộc giải phóng và cộng tác với mọi thành phần.” nhưng vẫn theo đúng đường lối Đệ Tam Quốc Tế coi dân tộc chỉ là màu sắc, chứ không phải bản chất. Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội không quên khẳng định trong một bài đăng trên tờ Thanh Niên số ra ngày 20-12-1926 rằng: "Chủ nghĩa ái quốc là một điều nguy hiểm.

Về Hồ Chí Minh, tác giả trích dẫn đài Mạc Tư Khoa năm 1945 xác nhận: "Hồ Chí Minh là cán bộ của Liên Xô hoạt động tại vùng Đông Nam Á ” và trích dẫn thêm lời khẳng định của một cán bộ cao cấp Cộng Sản Ấn Độ: "Hồ Chí Minh là công dân và là cán bộ Liên Xô ”. Dẫn chứng cụ thể về sự lệ thuộc Liên Xô của Hồ Chí Minh được tác giả ghi lại là việc rời Paris chuyển địa bàn sang Nga, việc lưu lại đây một thời gian dài để thụ huấn, việc được trao phó nhiều trọng trách trong tổ chức Quốc Tế Cộng Sản và thái độ ngưỡng mộ của Hồ Chí Minh lúc đó đối với kiểu mẫu xã hội Nga. Phần lớn tài liệu tham khảo về vấn đề này dựa theo cuốn Bác Hồ trên đất nước Lênin của Hồng Hà, mặc dù các cây viết Cộng Sản đã cân nhắc đắn đo để cố tránh phản ảnh tính chất lệ thuộc quá rõ ràng của Hồ Chí Minh đối với Liên Xô.

Nhắc tiếp về giai đoạn Hồ Chí Minh hoạt động tại Trung Quốc trong phái đoàn cố vấn Borodin, tác giả lưu tâm tới nhiều khía cạnh tình hình Trung Quốc thời đó, từ xã hội“hậu cách mạng Tân Hợi 1911” tới chủ trương “liên Nga dung Cộng” của Tôn Dật Tiên để dựng lên một khung cảnh thực tế rộng lớn trong đó Hồ Chí Minh thực hiện các công tác của Đệ Tam Quốc Tế. Kế tiếp, tác giả trưng dẫn tài liệu của Nguyễn Khắc Huyên, Hoàng Văn Chí, Joseph Buttinger để xác quyết là Hồ đã chủ mưu với Lâm Đức Thụ bán đứng cụ Phan Bội Châu. Ông còn đi xa hơn các tác giả khác xác quyết rằng cả Hồ Chí Minh cũng không chối việc này.

Chặng đường của Hồ Chí Minh từ 1927 là năm Quốc Dân Đảng Trung Hoa bỏ chính sách "liên Nga dung Cộng”, bắt đầu loại trừ các phần tử Trung Cộng khiến phái đoàn Borodin phải trở về Nga… cho đến khi Hồ Chí Minh lập đảng Cộng Sản Xiêm được tác giả thuật lại khá chi tiết dựa phần lớn vào tài liệu của cộng sản như Hồ Chí Minh toàn tập, các tác phẩm của Thép Mới, Hồng Hà và hồi ký của Hoàng Văn Hoan… đối chiếu với nghị quyết các đại hội 5 và 6 của Đệ Tam Quốc Tế để chứng minh lúc nào Hồ Chí Minh cũng trung thành với Đệ Tam Quốc Tế, chính xác là công cụ của Liên Xô.

Chuyến đi của Hồ Chí Minh từ Pháp qua Thụy Sĩ đến Ý (Milan rồi Naple) sau đó đáp tàu đi Xiêm để tiến hành lập các tổ chức tại đây cũng được ghi rất tỉ mỉ. Hồ Chí Minh đến Xiêm 2 lần, lần đầu từ 28-8-1929 đến 9-1929 và lần thứ nhì từ tháng 3 đến tháng 4-1930. Tại đây Hồ Chí Minh đã thành lập đảng Cộng Sản Xiêm ngày 20-4-1930 rồi sang Mã Lai lập đảng Cộng Sản Mã Lai.

Ngoài công tác tổ chức, trong thời gian ở Thái Lan, Hồ Chí Minh đã dịch cuốn Duy Vật Sử Quan ra tiếng Việt với tựa đề Lịch sử tiến hóa của loài người và cuốn Cộng Sản ABC. Tác giả nêu rõ chỉ riêng việc Hồ Chí Minh biên soạn 2 cuốn này vào thời gian ấy (1930) đủ cho thấy những người cho rằng Hồ Chí Minh không am tường về chủ nghĩa cộng sản mà chỉ là một người yêu nước đã không nắm vững vấn đề. Đây cũng là thời gian có các cuộc nổi dậy ở trong nước được gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu sắt máu "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ ” mà William J. Duiker theo lập luận của Cộng Sản Việt Nam cho rằng chỉ là một biến cố nhỏ có tính tự phát do một số phần tử quá khích chứ không phải do đảng Cộng Sản Việt Nam, càng không phải chủ trương của Quốc Tế Cộng Sản. Tác giả bác bỏ lập luận này với bằng chứng là thời gian ấy không chỉ riêng tại Nghệ An, Hà Tĩnh mà tại nhiều tỉnh khác ở miền Bắc, miền Trung đều có những cuộc biểu tình, bãi công, bạo động với mức độ khác nhau. Tác giả viết: "Gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng các cuộc nổi loạn 1930-1931 được CS phát động đều khắp nước.(7)

Sau khi kể ra nhiều địa danh như Phú Riềng, Nam Định, Bến Thủy, Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Vinh, Quảng Ngãi, Gia Định, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Sa Đéc, Bến Tre vv…tác giả dẫn Hémery (8) cho biết từ tháng 5-1930 đến mùa hè 1931 có khoảng 124 cuộc biểu tình bạo động.

Trần Văn Giàu (9) cũng gián tiếp nhìn nhận điều đó. Trong dịp này, Hồ Chí Minh chỉ gửi báo cáo về Đệ Tam Quốc Tế xin chỉ thị và đề nghị giúp đỡ chứ không hề đề nghị Đệ Tam Quốc Tế có biện pháp gì.

Ngoài ra, Hồ Chí Minh cũng không ra chỉ thị nào cho đảng yêu cầu đình chỉ các hành động điên rồ dẫn đến thất bại khiến hầu như toàn bộ các cấp lãnh đạo bị bắt hoặc bị giết.

Đề cập việc thống nhất đảng Cộng Sản ở Việt Nam, tác giả cũng nêu nhiều chứng cớ cho thấy Hồ Chí Minh luôn theo sự sai khiến của Đệ Tam Quốc Tế và uy thế Đệ Tam Quốc Tế lúc đó tại Đông Nam Á rất lớn. Chứng cớ được viện dẫn là Hồ Tùng Mậu thất bại trong việc thống nhất trong khi Hồ Chí Minh thành công dễ dàng. Lý do chỉ đơn giản là Hồ Chí Minh có tư cách đại diện được uỷ nhiệm của Đệ Tam Quốc Tế ở Đông Nam Á. Sau đó tác giả cũng nói đến trường hợp Lâm Đức Thụ từng ở trong Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội nhưng phản đối việc biến tổ chức này thành đảng Cộng Sản nên bị coi như phản bội. Tuy nhiên, Lâm Đức Thụ không phải nhận chịu một biện pháp kỷ luật nào vào năm 1930 chứng tỏ Lâm Đức Thụ là người rất cần cho hoạt động của Hồ Chí Minh trong thời gian ở Trung Quốc. Chỉ sau khi "cách mạng thành công năm 1945, Hồ về nước cho gọi Lâm Đức Thụ đến gặp và sau đó y mới bị giết không có xét xử "để bịt miệng" là do Hồ Chí Minh không muốn lộ những việc làm đã qua. Theo tác giả, nếu Đảng bảo Lâm Đức Thụ phản đảng, phản quốc tại sao không xét xử công khai?

Tác giả kết luận rằng nếu Hồ Chí Minh là người yêu nước đấu tranh vì độc lập dân tộc thì tại sao phải nhận chỉ thị và phương tiện, đường dây của Đệ Tam Quốc Tế để đi lập mạng lưới hoạt động gián điệp cho Quốc Tế Cộng Sản tại các nước khác trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Hoa Nam? (10)

Phần lớn lập luận của tác giả dựa vào nhận định căn bản cho rằng không hề có chiến tranh ý thức hệ mà chỉ có chiến tranh giành quyền bá chủ và chia vùng ảnh hưởng thế giới giữa các thế lực đế quốc, trong đó Hồ Chí Minh đã là một công cụ đắc lực của Đế Quốc Đỏ Liên Xô.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 17

(01) Đầu năm 2001, chúng tôi được một người bạn đưa cho đọc tác phẩm này. Nhận thấy dù còn ở dạng sơ thảo để đăng báo, tác phẩm vẫn là một tác phẩm biên khảo công phu, nên chúng tôi xin mạn phép tác giả và Người Việt Hải Ngoại, tóm tắt và trích dẫn một số đoạn.

(02)  Người Việt Hải Ngoại, số 160.

(03)  Theo Taddeusz Bor-Komorovski trong The Secret Army, London, 1957.

(04)  Người Việt Hải Ngoại,  số 169.

(05)  Nhật là nước đã ký với Nga hiệp ước bất tương xâm đến tháng 4-1946 mới hết hạn.

(06)  Lúc ấy còn là Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Hồ Chí Minh thành lập ở Hoa Nam.

(07)  Người Việt Hải Ngoại,  số 197

(08)  Trong bài báo nhan đề "Révolutionnaires Vietnamiens".

(09)  Xin xem chương về Trần Văn Giàu.

(10)  Theo Tưởng Vĩnh Kính, trong cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Quốc và Nguyễn Thuyên trong Bộ Mặt Thật của HCM thì cả Nam Dương nữa.

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:09 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong