HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 16*
 

VIỆT THƯỜNG và Con Yêu Râu Xanh


Năm 2002, nhà xuất bản Quật Khởi phát hành cuốn Sự tích con yêu râu xanh của Việt Thường, tiếp theo cuốn Chuyện thâm cung dưới triều đại Hồ Chí Minh do  cơ sở Hưng Việt xuất bản trước đó hai năm. Cả hai cuốn đều được tác giả xác định nhắm “lột mặt nạ” yêu nước của Hồ Chí Minh và Cộng đảng Việt Nam. Việt Thường là một trong 3 bút hiệu của Trần Hồng Văn nguyên là một nhà giáo.

Những năm trước 1976, khi viết cho tờ Độc Lập ở Hà Nội, Trần Hồng Văn lấy bút hiệu Trọng Kính. Sau khi bị bắt giam 10 năm với những màn tra tấn dã man ông bị liệt rồi được thả, hiện sống nhờ trợ cấp của chính phủ Anh ở Luân Đôn và thường viết cho các báo ở Hải Ngoại từ 1993 đến nay dưới bút hiệu Trần Thượng Dân.

Ngày 30-4-1975, khi đài phát thanh loan tin tướng Dương Văn Minh đầu hàng, Trần Hồng Văn đang có mặt tại công trường Đập Sông Đáy, miền Bắc, với tư cách nhà báo được giám đốc công ty Thủy Lợi số 3 mời cùng với Vũ Hạnh là phóng viên báo Nhân Dân của Cộng Sản Việt Nam.

Tác giả kể lại, khi tin "chiến thắng" loan ra, hàng vạn công nhân, sinh viên học sinh có mặt tại buổi mít-tinh chẳng những không hoan hô, reo mừng như thường lệ mà còn tỏ vẻ buồn nản.

"Chẳng một ai vỗ tay, kể cả thành viên " đoàn chủ tịch . Quản ca của công trường bắt nhịp hát bài "Giải phóng miền Nam , cũng chỉ có mình hắn hát. Tất cả tự động giải tán về lán. Khi đi qua lán, nghe nam nữ công nhân đang chua chát chửi:

– Đ. mẹ tụi miền Nam sướng quá hóa quẩn. Hàng triệu quân mà đánh đấm như vậy. Làm tướng và tổng thống gì mà hèn thế, không dám bắn một phát vào đầu tự tử cho con cháu sau này được hãnh diện mà đầu hàng một cách hèn hạ như vậy!

– Mình cứ tưởng miền Nam sẽ ra giải phóng cho kiếp trâu chó của chúng mình, nào ngờ, đù mẹ nó, thế là hết hy vọng! Để cho bọn chúng nếm mùi xã hội chủ nghĩa mới hết phản chiến với du ca. Đ… mẹ cái thằng Trịnh Công Sơn!”…

– Đ… mẹ nó lại làm bài ca ngợi đảng và bác, xin đầu quân "ông Lành”  (tức Tố  Hữu) thì có khi nó cho mày bú cà nó ấy chứ! (Có thể còn được nghe giai cấp công nhân "thổ lộ” nhiều bí mật nữa. Nhưng giám đốc công ty Thủy lợi số 3 "sợ”  quá nên cứ thúc ra xe về Hànội)”

Với cương vị nhà báo của chế độ, lại có nghề tay trái là bói tử vi, tác giả đã có nhiều dịp đi đó đây và tiếp xúc với đủ mọi hạng người, từ các lãnh tụ đảng đến thường dân đủ mọi tầng lớp ngành nghề. Vì vậy, tác giả biết được nhiều chuyện đặc biệt và đã kể lại với nhiều chi tiết cụ thể về tên tuổi và tương quan họ hàng các nhân vật, nơi chốn ngày giờ xẩy ra sự việc ...

Mục đích chính của tập sách 350 trang này được nêu rõ là để phản bác luận điệu của Lữ Phương về huyền thoại Hồ Chí Minh. (1)  Lữ Phương từng rời Sài Gòn năm 1968 theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nhưng sau 1975 có xu hướng chống đối chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Tuy vậy, Lữ Phương vẫn ca ngợi Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, chiến đấu vì nền độc lập và thống nhất của tổ quốc. Theo Lữ Phương, Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm về những tội ác của Cộng đảng Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua – do đó, nếu thúc đẩy được tập thể lãnh đạo Cộng đảng Việt Nam hiện nay quay về với tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ cải thiện được chế độ, không cần lật đổ hay thay thế nó. Nói một cách khác, Lữ Phương có xu hướng chống chế độ nhưng muốn dựa vào thần tượng Hồ Chí Minh để duy trì và củng cố chế độ.

Việt Thường cho rằng Lữ Phương không hiểu gì về Hồ Chí Minh và đã hành động như một loại “ma giáo tinh vi” nhằm đầu độc giới trẻ Việt Nam. Chủ điểm của Việt Thường là phản bác luận điệu của Lữ Phương, nhưng khi phân tích các vấn đề, tác giả đã cung cấp nhiều sự việc cụ thể chứng minh con người thực của nhân vật Hồ Chí Minh.

Dựa trên những hiểu biết do sống ngay tại miền Bắc nhiều năm trước và sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Trần Hồng Văn quả quyết Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu gian hùng cùng cực, chuyên dùng lời đường mật và mưu mô xảo quyệt để hãm hại kẻ vô tội, một thứ sói đội lốt cừu, một thứ yêu râu xanh.

Việt Thường kết tội Hồ Chí Minh bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp như các tác giả Phạm Văn Sơn, Hoàng Văn Chí, Hoàng Hữu Quýnh, nhà báo Mỹ David Halsberstam ... đã ghi trong tác phẩm và là một nghi vấn của W. J. Duiker.

Căn cứ vào hồi ký của Hoàng Văn Hoan, tác giả còn quả quyết Hồ Chí Minh đã bán đứng nhiều đồng chí của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học khiến cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại đưa đến cái chết của 13 liệt sĩ. (2)  Tác giả cho biết Hồ Chí Minh cũng hãm hại chính các đồng chí của mình hồi cuối thập kỷ 20 qua tay gián điệp nhị trùng Lâm Đức Thụ. Tác giả trích dẫn một số đoạn báo cáo của Hà Huy Tập, nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương, gửi Đệ Tam Quốc Tế đề cập đến sự việc này.

Bản báo cáo của Hà Huy Tập đề ngày 20-4-1935 có những đoạn:

"Trước và sau đại hội của đảng, một số đồng chí khi nói chuyện với nhau thường bàn về đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ). Họ cho rằng Quốc chịu trách nhiệm về việc mật thám bắt hơn 100  hội viên đoàn thanh niên, bởi vì:

–a) Quốc biết rõ Lâm Đức Thụ là một tên khiêu khích nhưng vẫn làm việc với hắn.

–b) Quốc đã phạm sai lầm khi yêu cầu mỗi thanh niên nộp hai bức ảnh, ghi rõ tên thật, địa chỉ, tên cha mẹ, ông bà, cụ kỵ cùng với tên của từ 2 đến 10 người bạn.

–c) Ở trong nước, ở Xiêm (Thái Lan) và ở trong tù, người ta vẫn còn bàn tán đến trách nhiệm của Quốc, trách nhiệm mà anh ta không dám chối.(3)

Việt Thường bác bỏ luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh bị nhóm Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lộng quyền chỉ còn hư vị nên không chịu trách nhiệm về nghị quyết 9 tháng 1-1959 theo lệnh Trung Cộng cho cán bộ xâm nhập miền Nam cũng như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Thậm chí còn có dư luận nói ngay cả vụ Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu hồi 1955-56, Hồ Chí Minh cũng là nạn nhân vì bị các cố vấn Trung Cộng qua mặt vv... Tác giả đưa ra những thí dụ cụ thể để chứng minh các dư luận kia hoàn toàn do bịa đặt vì cho đến lúc già yếu, Hồ Chí Minh vẫn là người nắm quyền lãnh đạo và thủ hạ luôn răm rắp tuân hành.

"Chỉ cần lấy một tin trên báo Nhân Dân có tường thuật vài tháng trước tết Mậu Thân (1968), Hồ đã sang sân bay Gia Lâm thăm lính Ngụy (4) trong đơn vị tên lửa và không quân để động viên… Tháp tùng Hồ có nhiều bộ mặt ác ôn, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Tố Hữu. Chuyện kể lại dưới đây, không đăng trên báo nào cả, nhưng nó lại được kể ở hầu hết các tòa soạn báo, đài và cả ở quán cà phê, quán bia hơi ở Hànội. Đó là khi nghe tin Hồ đến thăm đơn vị, lính Ngụy trong binh chủng phòng không, không quân, vừa đi học ở Nga Xô về, ào ào chạy ra chẳng có hàng ngũ gì cả. Từ tư lệnh binh chủng cho đến tụi bảo vệ, cho đến Tố Hữu, Văn Tiến Dũng đều vây quanh Hồ để bảo vệ, trong khi Võ Nguyên Giáp cầm loa điện cầm tay gào lên: "Yêu cầu trật tự” , mà lính Ngụy cứ lờ đi. Hồ bèn giật lấy loa trên tay Giáp và hô: "Nghiêm. Theo "phản xạ lính, tất cả đứng nghiêm. Hồ lại hô: "Tất cả xếp hàng, 5 hàng dọc” ! Bọn lính vội xếp hàng. Hồ hô tiếp "Nghiêm! rồi lại hô "Nghỉ ; và cuối cùng hô: "Nghiêm! Đằng sau quay! Đều bước! Bọn lính Ngụy răm rắp làm theo. Bấy giờ Hồ cười cười quay lại bảo Giáp: "Chú là đại tướng, vậy mà không biết điều khiển lính! (5)

Sau khi thuật chuyện đó, tác giả nêu câu hỏi: “Một tên gián điệp lão luyện, phản ứng rất nhanh như Hồ, ăn nói với phó thủ tướng, bộ trưởng, đại tướng như nói với thằng nhỏ, con sen như vậy, liệu có thể là kẻ để cho Lê Duẩn khống chế không?” Và tác giả nêu thêm một trường hợp khác cho thấy chỉ có Hồ Chí Minh đủ tỉnh táo giải quyết, mặc dù lúc ấy đã lâm trọng bệnh chỉ sống được vài tháng nữa:

“Ngày 1-5-1969 học sinh trung học người Hoa ở Hà Nội được nhân viên sứ quán Trung Cộng cho tổ chức mít-tinh kỷ niệm Quốc Tế Lao Động, nhưng ngầm chỉ thị lợi dụng đi phá sứ quán Nga Xô. Cả lũ Trần Quốc Hoàn, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng tái mặt không biết giải quyết ra sao. Vì giải tán biểu tình thì khổ với Trung Cộng, còn để sứ quán Nga bị phá thì mang tội không bảo vệ được thành trì của Cách Mạng. Cuối cùng phải vào xin ý kiến Hồ. Khi Hồ được bọn Lê Duẩn báo cáo thì đoàn biểu tình đã qua hàng Bông, gần tới Cửa Nam, tức là đi bộ chừng 20 phút là tới sứ quán Nga-Xô. Con cáo già gần kề miệng lỗ vẫn còn ma mãnh hơn bọn đệ tử. Vừa nghe báo cáo dứt lời, Hồ ra lệnh "kéo còi báo động như có máy bay Mỹ vậy, đuổi hết bọn biểu tình xuống hầm cho đến khi nào bọn biểu tình mệt mỏi tự tan hàng ngũ, đuổi chúng quay về Hội Hoa Liên hãy kéo còi báo yên. Ngày 1-5-1969 là ngày đầu tiên Hànội "báo động máy bay Mỹ” liên tục gần 6 tiếng đồng hồ liền. Với lý do thi hành lệnh phòng không bảo vệ tính mạng cho người đi đường, công an bỏ áo màu vàng, mặc thường phục, đóng vai thanh niên cờ đỏ cùng với thanh niên cờ đỏ thứ thiệt và tự vệ đường phố, đã nhã nhặn hướng dẫn đoàn biểu tình vào hết các hầm trú ẩn …(6)

Tác giả nhắc với Lữ Phương rằng hãy hỏi dân và cán bộ, kể cả Vũ Kỳ thì ắt rõ. Việt Thường nhiều lần nhắc lại rằng khi chống đối chế độ mà không dám đánh thẳng vào Hồ Chí Minh để chỉ đánh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ hay Nông Đức Mạnh thì chẳng khác gì chỉ lo tiả cành tỉa lá mà để sót cái gốc. Tác giả viết:

"Bỏ quên Hồ (chứ chưa nói đến đề cao Hồ) mà chỉ tấn công Lê Duẩn hoặc Mười, Phiêu, Mạnh, thì chẳng khác gì giặc Minh xưa kia giết Lê Lai để thoát Lê Lợi vậy.(7)

Về mặt đạo đức của Hồ Chí Minh, tác giả nêu tên những phụ nữ bị Hồ sử dụng như đồ chơi rồi bỏ hoặc để cho đàn em thủ tiêu mà nhiều sách báo hải ngoại đã nói đến, kể cả cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn phản tỉnh Vũ Thư Hiên, người suốt thiếu thời từng được kề cận và vẫn coi Hồ như bậc cha bác trong gia đình. Việt Thường còn lưu ý độc giả đặc biệt về trường hợp Nguyễn Thị Minh Khai nguyên là vị hôn thê của Lê Hồng Phong bị Hồ Chí Minh làm cho mang bầu khiến đàn anh Liên Xô phải giải quyết bằng cách ép Lê Hồng Phong nhường cô vợ chưa cưới cho Hồ. Vì vậy, theo tác giả, Hồ đã có giá thú chính thức với Nguyễn Thị Minh Khai và tờ giá thú này đã được tìm thấy giữa đống tài liệu mật được bật mí sau khi Liên Xô sụp đổ. Tác giả nhấn mạnh về hành vi che đậy kéo dài suốt mấy chục năm của Hồ Chí Minh và thủ hạ bằng cách vẫn bảo cô con gái mà Minh Khai có với Hồ Chí Minh là con của Lê Hồng Phong! Tác giả thách Lữ Phương cho thử DNA cho vỡ lẽ về Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tất Trung (hiện làm con nuôi của Vũ Kỳ là thư ký của Hồ Chí Minh) và cô con gái của Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo tác giả, cũng do mối tình tay ba Minh-Phong-Khai này mà về sau Lê Hồng Phong bị bắt và chết trong tù. Vì khi Lê Hồng Phong từ Liên Xô bí mật ghé gặp Hồ Chí Minh ở Thượng Hải trên đường về nước nhận chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương do Liên Xô cử thì chỉ có hai người biết việc này và biết rõ đường đi nước bước của Lê Hồng Phong. Vậy mà Lê Hồng Phong vừa đặt chân tới Chợ Lớn đã lập tức bị mật thám Pháp đón bắt.

Tác giả còn nói việc Phùng Chí Kiên bị giết cũng do Hồ Chí Minh thực hiện qua Võ Nguyên Giáp. Vì Phùng Chí Kiên vừa biết quá nhiều về dĩ vãng của Hồ Chí Minh vừa được Liên Xô tín nhiệm nên được giao nắm lực lượng vũ trang trên cả Võ Nguyên Giáp. Sự có mặt của Phùng Chí Kiên sẽ khiến Hồ Chí Minh khó nắm trọn quyền lực.

Tác giả dành khá nhiều trang trình bày về đường đi nước bước của Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn trong việc chiếm đoạt và củng cố uy quyền với nhiều sự việc lớn nhỏ vô cùng đa dạng. Khi nói về tính công cụ của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam, tác giả đã đưa ra những chuyện quanh đời sống cá nhân của một số nhân vật. Tác giả kể Xuân Thủy với tư cách một cấp lãnh đạo đã biến đổi ra dáng một bá tước của triều đại Hồ Chí Minh trong khi bà vợ già lại quê mùa chất phác. Để đỡ cô đơn trong thời gian cầm đầu phái đoàn ở hội đàm Paris, Xuân Thủy đã đề nghị và được Hồ Chí Minh thông cảm, đồng ý cho Nguyễn Thị Bình vốn thuộc bộ ngoại giao Bắc Việt sang Paris "mật đàm” trở thành trưởng phái đoàn của cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Rồi cũng chính Xuân Thủy đưa Hoàng Phong từ báo Cứu Quốc ở phố Bà Triệu, Hà Nội sang làm nhân viên của phái đoàn miền Nam do Nguyễn Thị Bình cầm đầu. Thành phần nhân sự này của phái đoàn Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam cho thấy cung cách nắm vững quyền lực của Hồ Chí Minh và cũng gây ngạc nhiên không ít về những dư luận báo chí quốc tế tin rằng phái đoàn này không bị cộng sản Bắc Việt chi phối!

Theo tác giả, Hồ Chí Minh cũng như Mao Trạch Đông chủ trương quyền lực phát xuất từ họng súng. Cho nên ngay những năm đầu mới làm chủ tịch nước, đã tìm cách gạt các phần tử quốc gia khỏi địa vị lãnh đạo trong bộ quốc phòng và lực lượng vũ trang để thay bằng những đảng viên cốt cán, tay chân đắc lực của mình.

Dựa vào những biên bản của chính phủ liên hiệp thời đó còn tồn trữ tại viện bảo tàng Hồ Chí Minh, Việt Thường kể lại nhiều việc chẳng hạn như Hồ Chí Minh dưới danh nghĩa chính phủ liên hiệp đa đảng mở các lớp quân sự cấp tốc cho thanh niên, học sinh, sinh viên, đặt tên Trường Trần Quốc Tuấn, giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 7-1-1946, Hồ Chí Minh đề nghị hợp nhất lực lượng quân sự, cử Vũ Hồng Khanh (VN Quốc Dân Đảng) làm bộ trưởng quốc phòng, sau đó lột chức một cách khéo bằng đề nghị Vũ Hồng Khanh tham gia phái đoàn ký Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-46. Bước kế tiếp, Hồ Chí Minh đưa luật sư Phan Anh (trong chính phủ Trần Trọng Kim trước) thay Vũ Hồng Khanh giữ bộ Quốc Phòng và khi có hội nghị Fontainebleau thì tiến thêm bước chót là đề cử Phan Anh tham gia phái đoàn đi Pháp, trao chức bộ trưởng quốc phòng cho Võ Nguyên Giáp. Khi đó Hồ Chí Minh mới yên tâm đi dự hội nghị ở Pháp vì ở nhà Võ Nguyên Giáp đã có đủ điều kiện là nắm trọn các lực lượng vũ trang trong tay để tiêu diệt đối lập thuộc các đảng Đại Việt, Việt Quốc, Việt Cách…Việc dựng lên vai trò chính uỷ hay chính trị viên trong quân đội do đảng Cộng Sản nắm giữ cũng nhắm biến toàn thể lực lượng vũ trang thành công cụ trong tay.

Lực lượng công an thuộc bộ nội vụ cũng được củng cố theo chiều hướng này. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, được mời giữ chức bộ trưởng nhưng chỉ là hư vị, vì thực quyền nằm trong tay Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng. Khi Nam chết thì bộ ba Trần Hiệu, Lê Giản, Chu Định Xướng là những người thân tín của Võ Nguyên Giáp thao túng bộ này và dựng nên vụ án Ôn Như Hầu để bôi nhọ và triệt hạ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng Hồ Chí Minh chỉ thực sự yên tâm khi đẩy được cựu hoàng Bảo Đại khỏi Việt Nam bằng việc cử cố vấn Vĩnh Thụy sang Trùng Khánh công tác không có ngày về.

Việc Cải Cách Ruộng Đất giữa thập niên 1950, theo Việt Thường, cũng nhắm mục đích chủ yếu là củng cố quyền lực. Việt Thường nhận định: "Hồ dùng Cải Cách Ruộng Đất để đảo chánh âm thầm chính phủ liên hiệp đa đảng, dựng lên ngụy quyền Hồ Chí Minh, lèo lái cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân thành cuộc chiến bành trướng của thực dân đỏ.(8)

Tác giả cho rằng chính quyền xã lúc ấy là tế bào của chính phủ liên hiệp đã bị nhóm cầm đầu Cải Cách Ruộng Đất gạt hẳn ra ngoài lề. Nguyên tắc chính lúc đó là dựa vào rễ, nghĩa là những phần tử cặn bã ở nông thôn, thành phần lưu manh, sẵn sàng giết người thân vì miếng cơm manh áo. Bọn này là nguyên cáo, là quan tòa trong cái gọi là tòa án nhân dân để xử những nông dân có máu mặt hoặc những phần tử chúng không ưa dù đó là đảng viên Cộng Sản hay ai khác, khiến cho nhiều người có công kháng chiến chống thực dân bị xử oan. Phần tử rễ này làm nên quyền lực của chính quyền mới sau Cải Cách Ruộng Đất …Về cái rễ này, tác giả kể một chuyện về việc nông dân gia nhập đảng cộng sản, chuyện thực mà như đùa nhưng chứa đựng một ý nghĩa đáng kể:

"Nhiều đảng viên nông dân kiểu ấy đã thề, trước bàn thờ có lá cờ đỏ búa liềm vàng (tức quốc kỳ Nga xô), được gọi là đảng kỳ của mafia đỏ; có ảnh Mác, Ăng-Ghen, Lênin, Stalin, rằng: "Thưa hai ông tây rậm râu (tức Mác và Ăng-Ghen); một ông sâu mắt (tức Lênin); một ông râu chổi ở mép (tức Stalin), tôi xin thề...

Việc tưởng như đùa mà là thực trăm phần trăm, có cả ngàn người biết, kể cả Hồ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt. Chỉ có điều là khi nghe báo cáo về những chuyện như thế, bọn chúng còn cảm động nói rằng đảng viên kiểu ấy là chân thành từ tim ruột.

Tóm lại, với tác giả Việt Thường, Hồ Chí Minh là con mãng xà tinh trong truyện Thạch Sanh (9), là con yêu râu xanh, theo nhan đề cuốn sách, vì đã bán các nhà yêu nước, bán cả đồng chí của mình để thực hiện mưu đồ chiếm đoạt quyền bính. Ngoài  những trọng tội đó, Hồ Chí Minh còn là kẻ tàn nhẫn, lợi dụng hàng nửa tá phụ nữ rồi vứt bỏ, thậm chí làm ngơ cho đàn em thủ tiêu. Bên cạnh những điều này, Hồ Chí Minh đã lạnh lùng đẩy hàng triệu binh lính và thường dân vào vòng bị bắn giết để thực hiện chủ trương xâm lăng miền Nam.

Vì thế, Việt Thường đã kết án những người bênh vực Hồ Chí Minh như Lữ Phương là ngu dốt, "nịnh bợ hòng xin chút cơm thừa canh cặn”của chế độ hiện nay. Việt Thường đã trưng dẫn nhiều tài liệu, văn bản có giá trị thuyết phục nhưng cho biết không chủ trương viết một tác phẩm biên khảo mà chỉ muốn kể lại những sự việc do chính bản thân và những người xung quanh biết đích xác về con người Hồ Chí Minh.

Người đọc đặt nặng đòi hỏi sự phát biểu nghiêm túc có thể viện dẫn giọng văn hằn học để đánh giá thấp cuốn sách coi như chỉ phản ảnh thái độ thù hận nên khó thể hoàn toàn xác thực.

Dù vậy vẫn không thể phủ nhận cuốn sách đã được viết bởi một nhân chứng có giá trị vì từng trải nhiều cảnh sống thực tiễn trong xã hội Cộng Sản Việt Nam và đã được viết bởi một nhà báo lão luyện đặt ra rất nhiều vấn đề vô cùng hệ trọng liên quan đến vận mệnh chung của đất nước và dân tộc.

Thêm nữa, theo thiển kiến, nếu thực sự tôn trọng ý kiến của mọi người thì không thể không lắng nghe tiếng nói của các chứng nhân, nhất là nạn nhân, dù lời lẽ phát biểu có thể khiếm nhã do không đè nén nổi mức phẫn nộ hay những thúc đẩy cùng cực của sự đau đớn uất ức.

Một cách nào đó, chính những lời lẽ này cũng là một thực tế phản ảnh sống động chân tướng của sự thực.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 16

(01)  Trong Tâm Sự Nước Non, Chương 11,  chúng tôi đã nói về bài viết của Lữ Phương.

(02)  Xin đọc chương về Hoàng Văn Hoan.

(03)  SĐD  tr. 271

(04) Tác giả luôn dùng 2 chữ lính Ngụy để chỉ quân đội Cộng Sản Việt Nam. Xin đừng lầm với từ Ngụy mà Cộng Sản Việt Nam dùng để nói về quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

(05)-(06)-(07)  SĐD  tr. 227, 241-242, 283

(08)  SĐD  tr. 81. “Chính phủ liên hiệp” mà tác giả nói đây không phải là chính phủ liên hiệp đầu tiên trong đó có các đảng Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, và một số nhân sĩ trí thức... Tác giả dùng  từ  “liên hiệp” có lẽ vì lúc ấy còn có hai đảng bù nhìn Dân Chủ và Xã Hội của các ông Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển hoặc cũng có thể muốn ám chỉ tính chất chưa thực sự hoàn toàn Cộng Sản vì nhiều thành viên trong chính quyền lúc đó còn nghiêng về tinh thần dân tộc yêu nước.

(09)  SĐD  tr. 82

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:08 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong