HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 12*
 

NGUYỄN KHẮC HUYÊN và Vision accomplished ?
 

Năm 1971 khi phát hành cuốn sách, nhà xuất bản Mac Millan, New York cho biết tác giả tốt nghiệp tiến sĩ đại học Minnesota và đang là trưởng khoa chính trị học trường cao đẳng Saint Catherine, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên về Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh do một người Việt Nam không cộng sản viết, được tự điển Bách Khoa Americana trưng dẫn. Giáo sư Nguyễn Khắc Huyên chỉ sống dưới chế độ cộng sản bảy năm. Ông không tán thành chế độ  nhưng thán phục Hồ Chí Minh về tài lãnh đạo. Đó là lý do ông viết cuốn tiểu sử được coi là “cuốn tiểu sử chính trị có uy tín đầu tiên được viết bởi một người Việt Nam.”

Nhan đề đầy đủ của sách là Vision accomplished? The enigma of Ho Chi Minh – Mộng ước đã đạt? Bí ẩn về Hồ Chí Minh. Sách dầy 380 trang khổ lớn gồm 9 chương: Nhà cách mạng trẻ – cán bộ cộng sản quốc tế –  kiến trúc sư cách mạng cộng sản – chủ tịch nước cộng hòa non trẻ – nhà ngoại giao – Hồ chủ tịch chống Pháp – Hồ chủ tịch chống Mỹ – Đồng chí ở giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa – Cái chết của nhà cách mạng.

Trong phần thư mục, tác giả nêu 50 tác giả được trích dẫn, trong số có cuốn sách của Hồ Chí Minh và bộ Hồ Chí Minh tuyển tập, 2 cuốn của Lê Duẩn, 3 cuốn của Trường Chính, 3 cuốn của Võ Nguyên Giáp, 1 cuốn của Phạm Văn Đồng, 2 cuốn của Trần Dân Tiên, 1 cuốn của Nguyễn Lương Bằng viết chung với Võ Nguyên Giáp, 1 cuốn của Lê Thành Khôi và 2 cuốn của Hoàng Văn Chí – tác giả duy nhất thuộc phía người Việt quốc gia.

Phía tác giả ngoại quốc cũng gồm phần lớn tác giả có xu hướng cộng sản như Wilfred G. Burchett hoặc ủng hộ cuộc kháng chiến do cộng sản lãnh đạo như Joseph Buttinger, Bernard Fall...và Jean Lacouture là tác giả gần như được trích dẫn bởi hết thẩy những người viết tiểu sử Hồ Chí Minh.

Trong lời tựa, tác giả đã nêu rõ nhận định của mình: “Ông ta là người cương quyết có sẵn kế hoạch từ trước, một nhà cách mạng dân tộc hiến thân để bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương.” Tác giả cho rằng Hồ Chí Minh “đã khéo léo lợi dụng sự thiếu kiên nhẫn của Tây phương và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam để thành công vẻ vang”. (1)

Bài mở đầu trích dẫn nhiều lời tâng bốc cùng tột của các tác giả vốn là thủ hạ Hồ Chí Minh, nhưng tác giả vẫn phát biểu: “Ông ta cũng là bác Hồ già cai trị với nắm tay sắt, cũng là người vì quốc gia mà tiêu diệt nửa triệu những đứa cháu cứng đầu trong cải cách ruộng đất”. (2)

Cuối cùng, tác giả trách nước Pháp đã giúp Hồ Chí Minh bằng cách không đếm xỉa đến ước muốn độc lập của nhân dân Việt Nam.

Chương 1, tác giả thuật lại năm 1946 Hồ Chí Minh không dám tiếp anh ruột, lấy cớ giữ bí mật, bà Thanh – chị ông Hồ –  cũng chẳng bao giờ được gặp em khi đã là chủ tịch nước. (3) Tác giả còn thuật lại Nguyễn Tất Thành có lần từ Paris về Sài Gòn tìm cha nhưng bị ông này đuổi đánh vì trái lời khuyên hãy theo đường lối của Phan Chu Trinh. Theo tác giả, hai cha con có hai đường lối khác nhau và “có lẽ đó là nguồn gốc việc ông Hồ từ bỏ gia đình. (4) Tác giả cũng ghi nhận Hồ Chí Minh từng có vợ trong thời gian ở Hoa Nam nhưng không nêu rõ chi tiết mà chỉ ghi dẫn theo tác phẩm Không có hòa bình cho Á Châu của Harold Isaacs. (5)

Về cách hoạt động khi ở Hoa Nam, tác giả diễn tả Hồ Chí Minh đã áp dụng kỷ luật thép đối với các đảng viên, bất kỳ ai không trung thành đều bị Hồ trao tên cho mật thám Pháp bắt. Theo tác giả, cách đó rất hữu hiệu. Rồi tác giả thuật lại chi tiết chuyện Hồ Chí Minh bán cụ Phan Bội Châu lấy 150 ngàn đồng và nêu thêm 3 lý do mà sau này Hồ Chí Minh đưa ra để bào chữa. Ba lý do đó là:

–  loại đối thủ

–  lấy tiền gây cơ sở

–  thúc đẩy sự căm hận người Pháp trong nhân dân.

Tác giả nêu sự việc này theo tài liệu của P. J. Honey (North Việt Nam Today – New York, Praeger, 1962, tr. 4)  và LAO Trinh Nhất. (6)

Chương 2, tác giả viết như Bernard Fall từng khẳng định trong Ho Chi Minh on Revolution: “Với tư cách chuyên viên về các vấn đề thuộc địa, Hồ được phái đi Mạc Tư Khoa dự đại hội 4 Đệ Tam Quốc Tế từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1922 được gặp Lênin, Stalin, Trotsky, Bukharin”. (7) Theo tác giả, qua liên hệ của Hồ Chí Minh với Đệ Tam Quốc Tế, đảng Cộng Sản Việt Nam được tổ chức này trợ cấp hàng tháng số tiền khoảng 1,250 Mỹ Kim, nhưng phải chịu sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Pháp. Tác giả cũng cho rằng Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về những thất bại trong các “Xô Viết” ở Việt Nam năm 1931 nên bị gọi về Nga học tập lại và lần này, học tại trường cách mạng Lênin.

Tác giả theo tài liệu của các tác giả Cộng Sản Việt Nam nói Hồ Chí Minh lập Mặt Trận Việt Minh tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tại Pác Bó năm 1941 (8) nhưng nhận định việc lập Mặt Trận Việt Minh không do sáng kiến của Hồ Chí Minh mà do lệnh của Đệ Tam Quốc Tế chỉ thị các đảng cộng sản phải đưa vào tổ chức của mình càng nhiều phần tử quốc gia, càng nhiều tổ chức xã hội càng tốt.

Tác giả cũng ghi nhận là thời gian ở Pac Bó, Hồ Chí Minh đã chăm chỉ dịch lịch sử đảng cộng sản Liên Xô, binh pháp Tôn Tử, trước tác về chiến lược chiến thuật du kích của Trung Quốc và Pháp. Về cung cách Hồ Chí Minh hành sử, tác giả viết: “Nhằm theo đuổi các mục tiêu của mình người cộng sản chai đá này không dừng lại bất cứ điều gì, đã tuần tự hợp tác hay đề nghị hợp tác với cả mật thám Pháp, cảnh sát Anh, Quốc Dân Đảng Trung Hoa, rồi cơ quan tình báo Mỹ.” (9)

Tác giả nhận định sự kiện Anh Mỹ tiếp tế vũ khí tiền bạc cho Việt Minh chẳng đáng là bao nhưng rất có tác dụng tuyên truyền, vì nó chứng tỏ cho nhân dân trong nước thấy Việt Minh được sự ủng hộ của Đồng Minh – đây chính là điều một cán bộ cộng sản cần phải có để kêu gọi nhân dân nghe theo. Nhìn rõ sự quan trọng của công tác tuyên truyền trong mọi hoạt động của Cộng Sản, tác giả đã trích lời Hồ Chí Minh nhân ngày thành lập đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân: “Đơn vị vũ trang tuyên truyền giải phóng” chứng tỏ bằng chính danh xưng của nó rằng cần phải đặt công tác chính trị bên trên công tác quân sự. Đây là đơn vị tuyên truyền...

Hoạt động tuyên truyền mà Hồ Chí Minh thể hiện không chỉ gói trong nỗ lực tạo cho mình những cái mình không có mà còn tích cực gán cho mọi đối thủ những cái thực sự đối thủ không có. Dẫn chứng cho cung cách này, tác giả trưng nguyên văn bức thư Hồ Chí Minh viết cho trung úy John tố cáo (với Mỹ và Pháp) rằng đảng Đại Việt chủ trương khủng bố chống Pháp! Trong thư Hồ Chí Minh cũng xin Hoa Kỳ thông báo cho phe Đồng Minh biết là “Chúng tôi đã đứng về phía Đồng Minh chống Nhật... (10)

Tác giả phân tích về lá thư:“Chiến dịch khủng bố của Đại Việt chỉ có trong trí tưởng tượng của ông Hồ. Đã rõ con người xảo quyệt này cố làm cho người Pháp và hy vọng cả người Mỹ chống Đại Việt để dùng họ loại trừ những phần tử quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng với Việt Minh. Đồng thời cũng đổ lên đầu các đối thủ của mình những cuộc tấn công mà Việt Minh đang toan tính sẽ làm để chống Pháp”

Không chỉ vu cáo để đẩy đối thủ vào thế bị mọi phía thù nghịch mà còn trực tiếp hãm hại đối thủ bằng mọi cách là thủ đoạn của Hồ Chí Minh. Tác giả cho biết “với sự chấp thuận của ông Hồ (with Hồ’s approval...), Trần Văn Giầu đã ra lệnh thủ tiêu Tạ Thu Thâu sau khi đi kinh lý với Hồ Chí Minh và từ Quảng Ngãi trở về Sài Gòn. (11)

Hành sự hiểm ác và chủ trương độc tôn, loại trừ mọi phần tử khác chính kiến đã đặt Hồ Chí Minh vào thế khó khăn do phản ứng từ phía các đoàn thể quốc gia và cả phía đồng minh khiến Hồ Chí Minh phải tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản ngày 11-11-1945. Tác giả cho biết đây cũng chỉ là một thủ đoạn của Hồ Chí Minh và dẫn lời Trường Chinh xác nhận đảng này vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Dù vậy, Hồ Chí Minh vẫn không dành được sự ủng hộ của Mỹ vì “sau thời gian đầu không rõ ràng, càng ngày Hoa Thịnh Đốn càng biết liên hệ của Hồ với cộng sản nên đã chỉ thị cho người của họ ở Bắc Việt biết chính sách của chính phủ Hoa Kỳ là giữ lập trường trung lập và không chống việc Pháp trở lại Đông Dương. (12)

Vào thời điểm đó, Liên Xô đang muốn kéo dài sự hòa hoãn với Pháp và lưu tâm nhiều hơn tới việc bành trướng ảnh hưởng tại Đông Âu nên Hồ Chí Minh không thể nhận được sự yểm trợ tích cực trên trường quốc tế.

Trong khung cảnh chung đó, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương khi tới Sài Gòn ngày 31-10-1945 đã tỏ thái độ phủ nhận tính cách đại diện cho Việt Nam của Hồ Chí Minh. Tác giả viết về D’Argenlieu: ...Ông ta chỉ nghe mấy tay hành chánh và thực dân Pháp muốn nước Pháp chỉ thương lượng với Bảo Đại và nhóm quan lại trí thức”. Theo tác giả, D’Argenlieu còn muốn đưa Bảo Long lên làm hoàng đế và để Nam Phương Hoàng Hậu nhiếp chính. Nhưng bà này không đồng ý. (13) Tác giả diễn tả mức khó khăn căng thẳng đã khiến có lúc Hồ Chí Minh phải đến tận nơi cư ngụ của cố vấn Vĩnh Thụy (ngày 23-2-1946) xin cựu hoàng thay ông ta làm chủ tịch điều khiển chính phủ, còn ông ta làm cố vấn cho cựu hoàng để làm dịu sự chống đối của đồng minh, Pháp và cả phe quốc gia vì họ thấy ông ta quá đỏ.

Tuy vẫn nói Hồ Chí Minh là người của Đệ Tam Quốc Tế và là con người thủ đoạn, nhưng tác giả tiếp tục khẳng định “cần nhấn mạnh một lần nữa rằng ông Hồ không chỉ là một người Mác-xít dấn thân mà còn là một người yêu nước nồng nàn – an ardent nationalist. (14)

Lời khẳng định trên cũng lý giải sự ngưỡng mộ mà tác giả dành cho Hồ Chí Minh qua mô tả về những tính cách của nhân vật này. Tác giả gọi Hồ Chí Minh là người khách quyến rũ – The charming visitor (15), dùng làm tiêu đề một đoạn sách nói về hội nghị Fontainebleau và nhắc tới một sự việc hoàn toàn bất thường trong trường hợp ký kết thỏa ước Modus Vivendi: “Sau một ngày suy nghĩ và tính toán, Hồ quyết định ký. Sợ Moutet hoặc chính ông ta sẽ đổi ý, nhà cách mạng lão thành bất chấp nghi lễ, đi thẳng tới phòng ngủ của vị bộ trưởng đòi ký ngay cho bằng được bản thỏa ước.”  (16)

Bản thỏa ước là một thất bại vì chỉ nhắm vớt vát thể diện cho Hồ Chí Minh khỏi phải tay không về nước, nhưng một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ đã được phát động ở trong nước để khi Hồ Chí Minh về tới bến cảng Hải Phòng thì “những tiếng hoan hô “Hồ chủ tịch muôn năm” vang dội như sấm giữa đám quần chúng đón tiếp làm ông gần mất thăng bằng”. (17)  Tác giả nhìn nhận một lần nữa, tuyên truyền đã biến một thất bại thành chiến thắng.

Mở đầu chương 6, tác giả viết: “Chiến tranh bùng nổ có tác dụng tức khắc là quy tụ người Việt xung quanh Hồ Chí Minh. Nhiều người trước kia từng cáo buộc ông bán đứng tổ quốc cho Pháp, nay xem ra sẵn sàng chấp nhận luận cứ của ông rằng ký kết thỏa ước với Pháp (tại Paris) chỉ là một trong những cố gắng tuyệt vọng của ông để tránh chiến tranh... Pháp từ chối thừa nhận  khát vọng độc lập của người Việt khiến cho người quốc gia không thể tách rời cộng sản trong một cuộc chiến trong đó những nhu cầu cấp bách của chủ nghĩa dân tộc là quan trọng hơn cả. (18)

Nếu bỏ qua việc cứu xét nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến và bỏ qua chủ trương loại trừ người quốc gia để giữ độc quyền lãnh đạo của Hồ Chí Minh thì nhận định trên có vẻ hợp lý phần nào. Nhưng chính tác giả đã nêu rõ thái độ lúc đó của chính giới Pháp: “Trừ đảng cộng sản, tất cả đảng phái Pháp đều chống việc thương thuyết với chính quyền Việt Minh vì cớ Việt Minh bị chi phối nặng nề bởi những phần tử cộng sản cực đoan, và do đó không có tư cách gì nhân danh nhân dân Việt Nam. (19)

Ngày 1-4-1947, Cao Ủy Bollaert tới Sài Gòn để thực hiện chính sách mới, “một giai đoạn xây dựng”, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí ở Sài Gòn và phong tỏa Hải Phòng, Hà Nội đồng thời tuyên bố “Nước Pháp không thể thương thuyết với Việt Minh, vì nó bị chi phối bởi cộng sản là bộ phận nhỏ của phong trào yêu nước”. (20)

Hồ Chí Minh cố xoa dịu Pháp đồng thời để ngăn chặn tình trạng“quần chúng quy tụ sau lưng những nhóm ủng hộ Bảo Đại, lúc ấy xem ra thành công hơn trong việc làm cho Pháp nhượng bộ”, đã tuyên bố cải tổ chính phủ ngày 19-7-1947.

Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... từng tỏ ra quá cứng rắn trong các hội nghị Fontainebleau và Đà Lạt được thay bằng Tạ Quang Bửu, Phan Kế Toại... Hồ Chí Minh cố tỏ ra chính phủ do mình lãnh đạo không phải hoàn toàn cộng sản.

Nhưng người Pháp vẫn không chịu thương lượng bởi lẽ không thể che lấp được tính chất giả dối của thủ đoạn này vì chính phủ vẫn hoàn toàn do cộng sản điều khiển. (21)  Cải tổ không thành công, Hồ Chí Minh tiếp tục con đường quen cũ: “Để ngăn ngừa một chính phủ chống cộng thành lập, Hồ dùng tới chiến lược cố hữu của ông ta: thủ tiêu đối thủ. Cuối tháng 10,  bác sĩ Trương Đình Tri và Nguyễn Văn Sâm bị thủ hạ Hồ ám sát. Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân bị xử tử khiếm diện”. (22)

Trong khi đó, Hồ Chí Minh tiếp tục cố tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: “Ngày 22-11-1947, từ rừng sâu chính phủ Việt Minh nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, hứa tôn trọng hiến chương LHQ và làm tròn nghĩa vụ của một hội viên. Nhưng đơn không có hồi âm”. (23)

Dù vậy, các nỗ lực cũng đem lại kết quả là hoàng thân Bửu Hội, nhà bác hội duy nhất của Việt Nam lúc ấy, nhân danh hoàng tộc khuyên Pháp nên điều đình với chính phủ Hồ Chí Minh và hoàng thân Ưng Úy, thân sinh của nhà bác học Bửu Hội, ra vùng kháng chiến với Việt Minh.

Tháng 1-1949, khi Trung Cộng chiếm được Bắc Kinh, Pháp bắt đầu lo ngại khó thể chiến thắng vì Việt Minh chắc chắn được Trung Cộng yểm trợ nên sắp xếp nhượng bộ Bảo Đại để ngăn cản dân chúng Việt Nam theo Việt Minh. Cả Pháp, Bảo Đại lẫn Hoa Kỳ đều cố đi tới một hành động chung nhằm mục đích đó và Hiệp ước Élysée giữa tổng tống Vincent Auriol và quốc trưởng Bảo Đại được ký kết ngày 8-3-1949. (24)

Cuối tháng 6-1949, chính phủ Nam Kỳ quốc đệ đơn từ chức và Việt Nam thống nhất... “Ngô Đình Diệm được mời cầm đầu chính phủ lại từ chối và nhắc lại rằng ông chỉ tham chính sau khi nguyện vọng của quốc dân được thỏa mãn, hoặc Việt Nam được hưởng quy chế giống như Ấn Độ và Hồi Quốc trong Liên Hiệp Anh (Khối Thịnh Vượng Chung). Ông Diệm còn nhấn mạnh, là địa vị tốt nhất phải dành cho những người xứng đáng nhất của xứ sở, những thành viên của kháng chiến” (25)

Ngày 13-1-1951, Việt Minh đưa 2 sư đoàn 318 và 312 tấn công đồn Vĩnh Yên. Thua với 6,000 chết 600 bị bắt. Ngày 23-3-1951 lại tấn công Mạo Khê, cũng thua 400 chết gần 3000 bị thương. Ngày 29-5-1951, 3 sư đoàn 304, 308, 320 đánh một loạt trận dọc sông Đáy. Lại thua. Thương vong tổng cộng một phần ba quân số. Kể cả 1000 bị bắt sống. Tác giả cho biết người chịu trách nhiệm điều khiển các trận thí quân theo chiến thuật biển người này không phải Võ Nguyên Giáp mà là tổng bộ Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu. (26)  Riêng số thương vong đôi bên tại trận Điện Biên Phủ, theo tác giả ghi, phe thắng 23,000 thương vong trong đó 8000 bị chết còn bên thua 7184 chết, 11,000 bị thương và bị bắt (27)
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 12:57 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong