HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 11*
 

(PHÙNG THẾ TÀI và Bác Hồ, những kỷ niệm không quên)

Hồ Chủ Tịch và Phùng Thượng tướng


Cuối năm 2002, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội phát hành cuốn hồi ức Bác Hồ, những kỷ niệm không quên của thượng tướng Phùng Thế Tài (1).

Sách dầy 240 trang gồm có 3 phần:
I. Người đầu tiên bảo vệ Bác.
II. Từ Cao Bằng về Hànội.
III. Làm nóc nhà che chở Bác. (2)
 

Phùng Thế Tài là cận vệ của Hồ Chí Minh từ tháng 2, 1940 đến tháng 8, 1945. Theo lời tự kể, vào tháng 8, 1945, ở tuổi 24, Phùng Thế Tài đã là phó chủ tịch Việt Minh tỉnh Lạng Sơn. Năm sau, 1946 Phùng Thế Tài là trung đoàn trưởng đầu tiên của Việt Minh rồi được điều về chỉ huy mặt trận Hà Nội, kế tiếp là tham mưu trưởng đại đoàn do Văn Tiến Dũng làm tư lệnh. Sau 1954, Phùng Thế Tài được xuất ngoại du học, trở về phụ trách đội Phòng Không và trở thành Tư Lệnh Quân Chủng Phòng Không - Không Quân từ cuối năm 1961.

Khác với Võ Nguyên Giáp (3), tác giả nói về mình hơi nhiều mặc dù đề tên sách là Bác Hồ những kỷ niệm không quên. Phùng Thế Tài tự nhận là kẻ ít học, ngang bướng và hay “liều”. Những điều Phùng Thế Tài nói về Hồ Chí Minh trong thời gian cận kề chứng tỏ hết sức mến phục nhân vật này.

Chương VIII thuật lại chuyện tác giả theo Hồ Chí Minh sang Côn Minh tìm gặp tướng Chennault của Mỹ để trao phi công Shaw (được ghi là Sô). Máy bay của Shaw bị Nhật bắn rớt nên Shaw lọt vào tay du kích Việt Minh ở Việt Bắc.

Tác giả thấy Bác đi bộ cực quá, vào làng bắt hai con ngựa để Bác và Sô đi cho đỡ mệt.

Nhưng khổ quá, Bác lại không chịu đi. Bác bảo: “Sao chú cứ hay làm phiền dân thế? Chú mượn thì chú đi”. Thế là phải trả ngựa cho dân... Buổi trưa hai bác cháu vào một tiệm ăn. Tôi muốn bồi dưỡng sức khỏe cho Bác, lại căn cứ vào sức ăn của mình nên gọi hai đĩa thức ăn, một bát canh và một đĩa cơm. Bữa cơm ngon quá. Món ăn thơm phức... Trong khi ăn Bác bảo tôi: “Các đồng chí trong nước bữa no bữa đói...Ta ăn thế này hoang quá!” (4)

Tác giả thấy dép rơm của Hồ Chí Minh đã sờn, muốn mua giầy cho đi. Nhưng

Bác bảo: “Không đi! Chú có mua bác cũng không đi!...Dép này có hỏng thì mua dép rơm khác vẫn tốt hơn.” (5)

Về trí nhớ của Hồ Chí Minh, tác giả khen:

Tôi phục Bác quá. Bác chẳng giở quyển sách, quyển sổ nào ra cả mà cái gì Bác cũng biết, hỏi Bác cái gì bác cũng nói được. Một tác phẩm văn cổ như Chinh Phụ Ngâm hàng mấy trăm câu thơ mà Bác nhớ không sai một chữ”. (6)

Tất nhiên khi được nghe đọc Chinh Phụ Ngâm chưa hẳn tác giả đã thuộc nổi một câu nào để có thể phân biệt đúng hay sai.

Cũng như Võ Nguyên Giáp, tác giả thường nhắc những lần Hồ Chí Minh xuất hiện hay lên tiếng giữa tiếng hoan hô “như sấm” – “Trong không khí tràn đầy phấn khởi, tin tưởng, cả hội trường dậy lên tiếng hoan hô như sấm tỏ lòng kiên quyết thực hiện lời Bác dạy.” (7)

Tác giả nói về “cái tôi” hơi nhiều nhưng viết khá hồn nhiên chân chất nên “cái tôi” ở đây có lẽ không đến nỗi đáng ghét. Tác giả khoe đã là thành viên phái đoàn Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đến gặp tướng lãnh Mỹ ở Côn Minh để xin ủng hộ và tiếp tế, mặc dù lúc đó chỉ là cận vệ. Tác giả cũng khoe từng là nhân viên phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Đà Lạt giữa năm 1946, để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau (và được Hồ Chí Minh hứa cho lên trung tá đi Pháp với tư cách cận vệ của “Bác”, nhưng thú thực không biết tiếng Pháp nên không dám nhận) mặc dù tại hội nghị Đà Lạt nhiệm vụ của tác giả chỉ là giữ an ninh cho phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp, kiêm liên lạc viên vô tuyến để báo cáo và nhận chỉ thị trực tiếp từ Hồ Chí Minh.

Tác giả cũng khoe, tuy là dân quê mùa, sống lang thang không biết sợ là gì, nhưng khi được ăn mặc đàng hoàng thì trông bảnh trai lắm – cao tới 1 mét 67, nặng trên 60 kí, và sau hơn một tháng ở Đà Lạt lên 7 kílô, da dẻ trắng trẻo ra v.v...

Phùng Thế Tài viết thoải mái như một thiếu niên hãnh diện về thân xác mình những dòng tự khen một cách hồn nhiên:

Với bộ quân phục ka-ki màu sáng thẳng nếp, mang lon thiếu tá, tôi chững chạc bước lên thang máy bay cùng với các thành viên của đoàn. Nhớ lại cuộc đàm phán ở Côn Minh, tôi là người vừa trẻ đẹp, vừa oai vệ nhất đoàn thì lần này cũng vậy, vẻ đẹp còn được tăng lên gấp bội do quân phục thiếu tá vừa mới may đo rất khéo. (8)

Khi thuật lại chuyện được “bác” gọi tới giới thiệu với giám mục Lê Hữu Từ, tác giả vẫn không quên nói đến vẻ đẹp trai của mình: “Nhớ hôm đi Đà Lạt, Bác khen tôi đẹp, chững chạc, thì hôm nay càng đẹp hơn, vì sau một tháng ở Đà Lạt, tôi béo trắng ra (tính ra lên được 7 cân). Mặt mũi hồng hào, về hình thức thì chẳng thua kém gì một sĩ quan Pháp.”

Nói về hội nghị Đà Lạt, tác giả tiết lộ một điểm đáng lưu ý:

Nguyễn Tường Tam lúc bấy giờ là bộ trưởng Ngoại Giao làm trưởng đoàn. Nhưng thực chất mọi công việc đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm...” Và cho biết thêm: “...Bác kéo tôi lại gần và nói nhỏ: “Lần này Bác cử chú đi theo đoàn với 2 nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là bảo vệ phái đoàn, đặc biệt là bảo vệ anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp). Kẻ địch nham hiểm lắm, không được coi thường. Nhiệm vụ thứ hai là chú tìm mọi cách để Bác và anh Văn thường xuyên liên lạc kịp thời. Mọi diễn biến hội nghị Bác phải nắm được ngay trong ngày và chuyển gấp những ý kiến của Bác đến tận anh Văn và chỉ riêng anh Văn thôi. (9)

Như vậy, Nguyễn Tường Tam chỉ là Trưởng Đoàn bù nhìn và do đó phải hiểu chức Bộ Trưởng Ngoại Giao của ông lúc đó cũng chỉ là hư vị. Nói một cách khác, sự liên hiệp trong chính phủ mà Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố là để các phe phái cùng chung lo việc nước chỉ là một thủ đoạn nhất thời nhắm vuốt ve, rồi thao túng, loại bỏ đối lập một cách êm thắm. Thiện ý mời các đảng đối lập cùng chia sẻ quyền hành để đoàn kết quốc gia của Hồ Chí Minh mà nhiều người vẫn nhắc tới đã bị lật mặt trái bởi sự vô tâm của một người chất phác, dù đã trở thành một thượng tướng rất thân cận và tin cậy của chính Hồ Chí Minh.

Tác giả không nói đến chuyện vàng thu được trong Tuần Lễ Vàng đã được dùng mua chuộc các tướng lãnh Trung Hoa để họ ép phe đối lập gia nhập Quốc Hội và Chính Phủ Liên Hiệp có thể do đã được nhắc nhở phải giữ bí mật hoặc cũng có thể do bản tính chất phác nên không biết rõ sự việc. Tuy nhiên tác giả cũng đề cập tới việc sử dụng số vàng thu được không hoàn toàn theo đúng chủ trương quyên vàng để cứu đói do lúc ấy nạn đói đang hoành hành. Theo tác giả, phần lớn số vàng đã được dùng để mua súng từ quân đội của Lư Hán:

....Khi công khai, mua bán sòng phẳng, có chuyến hàng mấy nghìn khẩu súng, trả bằng tiền hoặc bằng vàng. Ta vừa tổ chức thành công Tuần Lễ Vàng nên đem dùng vào việc này rất thuận tiện ... Tổng số súng chúng tôi mua được trong giai đoạn này lên tới hàng vạn khẩu. Mua đến đâu phải chuyên chở cất giấu ngay. Mọi việc phải tuyệt đối bí mật. (10)

Nhân nói về tuần lễ vàng, Phùng Thế Tài đã nhắc đến một gia đình người Việt ở Côn Minh, vợ chồng Tống Minh Phương, là những người từng săn sóc Hồ Chí Minh trong lúc đau ốm nằm tại đây:

Khi chuẩn bị viết tập hồi ký này, tôi có đến thăm chị Hoa (vợ Tống Minh Phương) ở phố Nguyễn Chế Nghĩa. Tuy đã trên 80 tuổi, tóc đã bạc trắng, nhưng trông chị vẫn tỉnh táo vui vẻ. Chị sống ở đây một mình, trong căn phòng nhỏ chừng 15 mét vuông, đồ đạc chẳng có gì. Tôi được biết khi cách mạng thành công, hai vợ chồng chị đã bán toàn bộ cơ ngơi của mình ở Côn Minh để về nước. Toàn bộ số vàng thu được chị đựng trong một chiếc valy nhỏ. Về đến Hà Nội chị trao toàn bộ cho anh Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, từng là Phó Chủ Tịch Nhà Nước). Một gia đình đáng quý biết bao. Một sự hy sinh thầm lặng... (11)

Thực ra, đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Trong những ngày ấy, vô số người Việt Nam từ Trung Hoa hay Thái Lan về nước sau cách mạng Tháng Tám 1945 đã cống hiến vàng bạc châu báu và cả máu xương cho những công việc chung của đất nước, thậm chí còn trực tiếp chăm lo che chở cho những người cộng sản như Nguyễn Lương Bằng, Hồ Chí Minh... để cuối cùng bị bạc đãi bỏ rơi, phải sống cơ cực, muốn trở lại chỗ cũ cũng không còn phương tiện và cũng không được phép ra đi. Thậm chí có những đại ân nhân của Cộng Sản đã bị đem ra bắn trong những cuộc đấu tố như bà Nguyễn Thị Năm là người từng gom sản nghiệp để nuôi dưỡng nhiều cán bộ cao cấp trong thời bí mật, từng có con đi bộ đội chiến đấu cho đảng!

Như Võ Nguyên Giáp luôn thù hận Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phùng Thế Tài luôn gọi người của tổ chức này bằng mấy tiếng Việt gian, phản động. Phùng Thế Tài thuật lại có lần đã đánh lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và làm cho các tay em của ông này khiếp sợ. (12) Nhưng Phùng Thế Tài vẫn nhớ lời

Bác khuyên “phải gia nhập tổ chức của phe đối lập, hầu lợi dụng nó mà thu phục quần chúng” và nhớ lại một chuyện: “Anh Bình báo cáo với Bác là cơ sở Đảng tốt, kiều bào vẫn hướng về Hội Giải Phóng... Về tình hình Quốc Dân Đảng, lập mặt trận Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh, Vân Nam phân hội, để tranh giành quần chúng với ta, nhưng các anh không vào hội ấy, để dứt khoát phản đối chúng. Bác nhận định ngay: “Không vào là sai rồi. Tại sao không vào? Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được hội, thì chúng có khả năng triệu tập quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta. (13)

Nhiều lần tác giả thuật lại các lãnh đạo luôn căn dặn phải chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng.

Đồng chí Vũ Anh dặn tôi, nhiệm vụ chính là võ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở đảng. (14) Và: Bác ân cần dạy bảo tôi...việc xây dựng các đội du kích, các tổ tuyên truyền xung phong trong nội thành. (15)

Có thể nói không một cán bộ cộng sản nào không nhớ lời khuyên cần chú trọng đến công tác tuyên truyền và cũng không một tác giả Cộng Sản nào che giấu được ảnh hưởng những luận điệu tuyên truyền về lãnh tụ của mình. Hết thẩy những cuốn hồi ký của các nhân vật như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng... đều hiển hiện là những tập tài liệu tuyên truyền đề cao lãnh tụ Hồ Chí Minh vì hai lý lẽ đó. Xu hướng tuyên truyền như nằm sẵn trong huyết quản của họ, như một thứ tiềm thức nên ngay cả khi họ không cố ý tuyên truyền mà chỉ viết theo cảm nghĩ hay tập quán thì những điều họ viết ra cũng không thoát khỏi tính chất đề cao các lãnh tụ và lý tưởng cộng sản. Phải nhìn nhận đây là một thành công đáng sợ của việc đào tạo cán bộ mà các tổ chức Cộng Sản đã đạt được. Và, đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng nhất lý giải sự thành công của Cộng Sản về mặt đấu tranh chính trị.

Mức độ tột cùng của kỹ thuật tuyên truyền và tác động sâu đậm của tuyên truyền gần như hiển hiện đầy đủ qua chỉ vài mẩu chuyện của Phùng Thế Tài. Phùng Thế Tài kể lại vào dịp 3 viên phi công bị chết ông cùng một người tới báo cáo với Hồ Chí Minh và khi ra về bỗng sực nhớ ra thái độ bất thường của lãnh tụ.

Khi xe ra khỏi cổng đỏ, tôi và đồng chí Tính mới phát hiện ra một điều là trong cuộc gặp hôm nay Bác không mời thuốc chúng tôi. Bản thân Bác cũng không hút thuốc... Như vậy đủ biết Bác đau buồn đến mức nào khi được tin ba chiến sĩ không quân hy sinh cùng trong trận đánh. Đó là tấm lòng nhân ái bao la của vị tổng tư lệnh tối cao…

Nhớ năm 1947, khi nghe người con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh trong chiến đấu. Bác đã viết thư cho bác sĩ Vũ Đình Tụng với những lời chia buồn thống thiết:“Tôi được báo cáo rằng con ngài đã oanh liệt hy sinh cho tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì như tôi đứt một đoạn ruột. (16)

Dù biết chắc đó chỉ là những xảo ngôn vô nghĩa nhưng vẫn phải nhìn nhận đó là những lời lẽ rất dễ gây xúc động với không ít người nghe. Cho nên cũng phải thẳng thắn xác nhận rằng Hồ Chí Minh là con người đã đạt trình độ đáng kể trong lãnh vực thu phục nhân tâm. Hồ Chí Minh đã biến nhiều kẻ đầu đường xó chợ thành thủ hạ ở cấp lãnh đạo mà trường hợp thượng tướng Phùng Thế Tài là một. Câu phát biểu sau đây có thể đặt vào miệng nhiều người chứ không phải chỉ có một mình “thằng Thụ”: (17) “Bác đã từng bước dẫn dắt tôi, từ một đứa trẻ lang thang, thất học, tính tình ngổ ngáo, trở thành một sĩ quan cấp tướng...Những điều kỳ diệu này sẽ dễ hiểu nếu chúng ta đặt nó trong sự kỳ diệu Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đem chủ nghĩa Mác-Lê-nin về làm thay đổi cả một dân tộc...” (18)

Điều đáng sợ mà Hồ Chí Minh đạt được là đã khiến những kẻ đó tin vào lời nói đến mức không còn thấy thực tế trước mắt. Phùng Thế Tài nhắc đến khả năng thay đổi cả một dân tộc như sự kỳ diệu của chủ nghĩa Mác-Lê, của cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh và ngưỡng mộ đến nỗi không thể biết rằng cái sự kỳ diệu ấy đang tạo ra cảnh sống như thế nào cho tất cả dân tộc – ngay cả khi bên tai họ đang vang lên lời than oán của một người đứng chung hàng ngũ, một người từng là đảng viên Cộng Sản, từng nhiều năm lăn mình vào cuộc chiến do Bác và Đảng lãnh đạo, từng có một cái tên không xa lạ: Dương Thu Hương. Nhà văn nữ bạo miệng này đã nói về đời sống của cả dân tộc do cái sự kỳ diệu ấy mang lại như sau: “Xã hội miền Bắc chỉ là một xã hội man rợ.”

__________________________________________________

(1) Cấp bậc giữa Trung Tướng và Đại Tướng của quân đội CSVN.

(2) Ý nói tổ chức đội phòng không chống máy bay Mỹ đánh HàNội. Hồ Chí Minh từng nói: HàNội không có đội phòng không như nhà không có nóc.

(3) Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên -Võ Nguyên Giáp

(4)-(5)-(6)-(7)-(8)-(9)-(10)-(11) SĐD tr.60, 66, 68, 172, 114, 113, 109, 88

(12)-(13)-(15)-(16)-(18) SĐD tr. 79, 100, 137, 179, 236

(17)Tên tác giả khi còn nhỏ.

(18) SĐD tr 76. Xin bạn đọc chú ý đặc biệt câu cuối cùng này của ông Hồ: “Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta”. Ông Hồ đã đi trước và làm gương bằng việc biến Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của cụ Hồ Học Lãm và Tâm Tâm Xã của những đồ đệ của cụ Phan Bội Châu thành mặt trận Việt Minh và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, để rồi cuối cùng cái “đồng chí hội” này thành cái nhân của đảng CS. Phải đọc kỹ hồi ký “Giọt Nước Trong Biển Cả” của Hoàng Văn Hoan mới thấy hết cái tài biến tổ chức địch thành tổ chức ta của ông Hồ. Có lẽ các tổ chức đấu tranh cho Dân Chủ và Tự Do hiện nay cũng nên đề phòng ngón nghề chuyên môn này của đảng Cộng Sản.
 

Minh Võ
Ngày:
26-06-2007
http://danchimviet.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3516
 

www.geocities.ws/xoathantuong