HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 10*
 

HỒNG HÀ và Bác Hồ trên đất nước Lê Nin


Hồng Hà là một trong nhiều bút hiệu của Hà Văn Trường, em ruột của Thép Mới. Thép Mới là người chấp bút cuốn hồi ký Thời thắng Mỹ của Lê Duẩn còn Hồng Hà là người chấp bút cuốn hồi ký Đại thắng mùa Xuân của Văn Tiến Dũng. Vì thế,  mặc dù là đại tá, nguyên tổng biên tập nhật báo Nhân Dân của đảng, nguyên bí thư trung ương đảng kiêm trưởng ban đối ngoại trung ương, Hồng Hà cũng như nhà báo nổi tiếng Thép Mới đã bị gán cho cái danh hiệu “bồi bút”.

Quả thực Hồng Hà cũng như Thép Mới đều tự chứng tỏ nổi là những cây bút có văn tài và đặc biệt chỉ qua vài trang đầu cuốn Bác Hồ trên đất nước Lênin (1), Hồng Hà đã xứng đáng là  một  hagiographer đáng kể.

Những chi tiết lịch sử và địa lý rất tầm thường đều được tác giả nâng cao, thi vị hóa, khiến cho nhân vật lấp lánh hào quang. Tuy nhiên công phu của tác giả không được lưu tâm vì chủ đích của tác phẩm không nhắm giúp người đọc thưởng lãm văn chương mà chỉ nhắm nhắc lại những sự kiện lịch sử quanh nhân vật Hồ Chí Minh.

Đúng như nhan đề tác phẩm, đây là một chặng đường hoạt động của Hồ Chí Minh, một chặng đường rất quan trọng, từ 1923 đến 1938, trong đó, Hồ Chí Minh lui tới nước Nga nhiều lần để rèn luyện, công tác, tham dự các đại hội Quốc Tế Nông Dân, Quốc Tế Cộng Sản và để thụ huấn hoặc giảng dậy tại trường Lao Động Đông Phương thường được gọi là Học Viện Stalin.

Thuở đó, Hồ Chí Minh ở độ tuổi ba mươi, mang tên Nguyễn Ái Quốc nên được gọi là “anh Nguyễn” và tác giả tả lại những giây phút đầu tiên khi anh Nguyễn đặt chân lên đất Nga:“Biển Ban-tích lộng gió, giữa hè vẫn thoáng hơi lạnh. Đồng chí thuyền trưởng khoác thêm lên vai anh Nguyễn một chiếc áo choàng và mời anh hút thuốc Nga. Con tàu rẽ sóng chạy theo hướng đông bắc. Anh có cảm giác hạnh phúc như sắp trở về gia đình, về tổ quốc thân yêu của mình sau nhiều năm xa cách. Một tiếng còi dài lay động mặt biển...(2) Sau cái tiếng còi lay động mặt biển, tác giả ghi: “Lúc đó là sáng ngày 30 tháng 6 năm 1923 ở Petrograt, nắng nhẹ, 18 độ, một buổi đẹp trời ít thấy đối với một thành phố thường hay mưa và nhiều sương mù ngay trong những ngày hè.” (3)

Hồng Hà viết những dòng trên vào gần 60 năm sau mà vẫn nêu rõ từng chi tiết khung cảnh và thời tiết của nơi Hồ Chí Minh đặt chân lên là một công phu nghiên cứu không nhỏ. Nhưng rõ ràng cái chi tiết “nắng nhẹ, 18 độ” này không đáng kể ở khía cạnh đúng sai mà chỉ cần cho dụng ý diễn tả một thành phố nhiều mưa đầy sương mù bỗng trở nên đẹp và ấm khi được đón chào vị lãnh tụ tương lai. Rồi tác giả cho biết anh Nguyễn đến Liên Xô để chuẩn bị dự hội nghị Quốc Tế Nông Dân được triệu tập do sáng kiến của Lenin. Dịp này, anh Nguyễn mong được gặp Lenin nhưng ước nguyện không thành. Hồng Hà viết: “Đối với anh Nguyễn, khi mới tới Mat-xcơ-va điều buồn nhất là được biết tin Lênin đang ốm nặng”.

Điều này ngược với những gì Hồ Chí Minh dưới bút hiệu Trần Dân Tiên viết năm 1948: “Anh đến đây vào lúc đang buồn. Lênin vĩ đại vừa mới mất. (4) Có người cho rằng sở dĩ Hồ Chí Minh nói Lenin chết rồi, để khỏi bị chê là muốn gặp mà Lenin không cho gặp. Mọi lý do đều không quan trọng vì vấn đề được nêu ra chỉ là Hồ Chí Minh đã nói dối và nói dối nhiều lần trong cuốn sách của mình. Tuy vậy, Hồng Hà ghi nhận anh Nguyễn rất phấn khởi khi được nhìn thấy đất nước Lenin: “Anh Nguyễn tắm mình trong không khí lạc quan, tự do ấy, sống giữa một xã hội mà hôm nay đã thấy ánh sáng của ngày mai”. (5) Hồng Hà cho biết dịp đó Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội Đồng Quốc Tế Nông Dân, trở thành một trong 11 ủy viên lãnh đạo hội đồng. Những trang sau Hồng Hà nói đến vai trò của Nguyễn trong Ban Phương Đông thuộc Đệ Tam Quốc Tế, trưng tờ giấy chứng nhận ngày 14-4-1924 mang chữ ký của Pê-tơ-rốp, tổng thư ký Ban Phương Đông thuộc ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản và trưng cả giấy mời của tổng bí thư Quốc Tế Cộng Sản mời Nguyễn phát biểu, kèm theo giấy phép cho Nguyễn “được quyền đi lại trên công trường đỏ”. (6)

Việc Nguyễn tham dự Đại Hội kỳ 5 Quốc Tế Cộng Sản với tư cách đại diện đảng Cộng Sản Pháp được Hồng Hà ghi là đại diện đầu tiên của Đông Dương. Những việc Nguyễn đến thăm trường “đại học” của các người lao động Phương Đông, tham dự đại hội Quốc Tế Phụ Nữ Cộng Sản, rồi hội Quốc Tế Cứu Tế Đỏ... đều được ghi như một vinh dự dành cho Nguyễn, và để chứng tỏ Nguyễn không ngừng hoạt động cổ võ cho vấn đề dân tộc và thuộc địa theo cương lĩnh của Lênin về 2 vấn đề này.

Hồng Hà diễn tả gần như ngay từ 1924 Hồ Chí Minh đã nghiễm nhiên là một lãnh tụ Cộng Sản Quốc Tế qua cách kể lại sự việc “tạp chí Đèn Chiếu đăng chân dung lớn của anh Nguyễn cùng với 29 đồng chí khác dự đại hội Quốc Tế Cộng Sản dưới đầu đề: “Những lãnh tụ của giai cấp vô sản quốc tế”. (7) Toàn văn bài viết ca tụng Lenin của Nguyễn cũng được trích đăng với câu mở đầu:  “Lênin đã mất. Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á”. Và kết thúc: “Khi còn sống Người là người cha, người thầy, người đồng chí và là vị cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. (8)

Hồng Hà nhắc tới ngày lễ 1-5-1924 với hình ảnh anh Nguyễn cùng các đại biểu Quốc Tế Cộng Sản đứng trên khán đài sau lá cờ Đỏ thêu hàng chữ “chúng tôi nguyện đem lá cờ của Người đi khắp thế giới”. Đây là mục đích cuối cùng và tối thượng của Liên Xô mà Lênin nêu ra trong bản cương lĩnh coi vấn đề thuộc địa và dân tộc là những vấn đề sách lược giai đoạn. Hơn ba chục năm sau, Khrutschev vẫn không quên mục đích này qua lời tuyên bố: “Tôi ước mong sống đến ngày được xem lá cờ đỏ bay phấp phới khắp năm châu”.

Từ trang 130 đến trang 135, Hồng Hà thuật lại chi tiết việc Manuilski, một lãnh tụ hàng đầu của Liên Xô lúc đó có chân trong ban lãnh đạo Quốc Tế Cộng Sản, giải quyết vấn đề phái Nguyễn Ái Quốc sang hoạt động tại Trung Quốc bên cạnh phái đoàn Borodin.

Về nhiệm vụ sẽ nhận lãnh, Nguyễn Ái Quốc nói với Manuilski:“... tôi còn chịu trách nhiệm trước Quốc Tế Nông Dân về tham gia chỉ đạo phong trào nông dân châu Á.” Manuilski tuyên bố trao cho Nguyễn trọng trách lớn hơn: “Ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản  chấp thuận đề nghị của đồng chí. Quốc Tế Cộng Sản cử đồng chí làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước Đông Nam châu Á.” Nguyễn hứa: “Tôi tin rằng lần sau gặp đồng chí thì tổ quốc Việt Nam của tôi đã có đảng Cộng Sản.” Với lời hứa đó, ngày 25-9-1924 ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản ra quyết định:“Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Mọi chi phí do Ban Phương Đông đài thọ.

Nguyễn được cử làm thông dịch viên và phụ tá cho Borodin trong phái đoàn cố vấn bên cạnh chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của bác sĩ Tôn Dật Tiên. Vai trò đó là vỏ bọc để Nguyễn hoạt động lập các chi bộ và các đảng Cộng Sản Đông Nam Á. Trong vỏ bọc ấy, Nguyễn nhận bí danh mới Lý Thụy nhưng người Nga trong phái đoàn thường gọi Nguyễn bằng bí danh Nilopski. Để tăng mức an toàn, Quốc Tế Cộng Sản còn khoác cho Nguyễn một lớp vỏ ngoài: phóng viên hãng thông tấn Rô-xta tại Quảng Châu với bí danh Lu. Về sau, khi viết cho tờ Quảng Châu Báo bằng tiếng Anh, Nguyễn dùng 2 bút danh Vương Sơn Nhị và Trương Nhược Trừng. Trong nhiệm vụ chính là lập các tổ và chi bộ cộng sản tại Trung Hoa, Nguyễn mang hai bí danh Vương và Tống Văn Sơ.

Vỏ bọc và bí danh là biện pháp an toàn của mọi tổ chức đen cũng như mọi tổ chức gián điệp quốc tế nên việc Hồ Chí Minh có hơn một trăm tên khác nhau như chính ông đã nói là điều bình thường. Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh giữ rất nhiều vai trò trong nhiều tổ chức của Quốc Tế Cộng Sản và  không có gì đáng ngạc nhiên về việc Hồ Chí Minh có biệt tài đóng kịch đến mức một số người thông minh ở gần ông cũng không nhận ra.

Theo Hồng Hà, những người thuộc tổ chức Tâm Tâm Xã là những người Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc đầu tiên ở Trung Quốc. Một thời gian sau, Nguyễn Ái Quốc biến tổ chức này thành Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, cái mầm của đảng Cộng Sản Việt Nam. Hồng Hà nêu rõ tên 6 người thuộc Tâm Tâm Xã giao dịch với Nguyễn Ái Quốc lúc đó là Hồ Tùng Mậu, 28 tuổi, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xuân Hồng và Lâm Đức Thụ tức Trương Béo... Trong dịp này Nguyễn tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê ngay. Hồng Hà viết: “Anh (NAQ) cho rằng muốn làm cách mạng ở Việt Nam, phải dựa vào nhân dân, nhất là công nhân và nông dân, và muốn cách mạng thành công thì phải có một đảng tiền phong theo chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo. Rồi anh nói về cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, về Quốc Tế Cộng Sản, về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội.(9)

Sau thời gian tuyên truyền và chọn lựa, Nguyễn lập nhóm đầu tiên làm nòng cốt cho tổ chức đảng sau này gồm 9 người là Lý Thụy (tức NAQ) được bầu làm bí thư; 8 người khác là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Trương Văn Lĩnh, Lưu Quốc Long. Thời gian này, Nguyễn cũng tiếp xúc với Liêu Trọng Khải, một lãnh tụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa thiên tả, dựa vào nhân vật này lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức” để dễ dàng hoạt động và che giấu cái nhân cộng sản.

Ngày 19-2-1925, Nguyễn báo cáo lên chủ tịch Quốc Tế Cộng Sản: ...Chúng tôi đã lập được một nhóm bí mật 9 người, 2 người được phái về nước, 3 người ra mặt trận (10) một đi công tác quân sự .” (11)

Về Lâm Đức Thụ, người được kể từng âm mưu cùng Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội Châu, tác giả Hồng Hà cho biết một chi tiết: “Sau khóa học...Lâm Đức Thụ tức Trương Béo lấy máy ảnh chụp cả lớp học làm kỷ niệm. Riêng anh Nguyễn không bao giờ cho hình mình lọt vào ống kính của Trương”. (12) Việc Nguyễn chỉ giữ bí mật riêng cho mình trong khi để Lâm Đức Thụ chụp hình các học viên (chuẩn bị thành đồng chí) là một sự kiện mang khá nhiều ý nghĩa. Trong Ho Chi Minh on Revolution, Bernard Fall đã kể: "Đối với những kẻ chứng tỏ không đáng tin cậy, hoặc sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố mà từ chối không theo cộng sản, Hồ dùng một liều thuốc rất công hiệu: sai đảng viên cộng sản tiết lộ danh tánh họ cho tình báo Pháp. Sở an ninh trong nước sẽ tóm cổ họ ngay khi về tới. (13)

Như vậy, việc Lâm Đức Thụ chụp hình các chiến sĩ cách mạng có thể do chính Hồ Chí Minh sắp xếp để sau này nếu người nào không chịu theo Cộng Sản thì Hồ Chí Minh sẽ sai Lâm Đức Thụ báo cho Pháp bắt để diệt trừ những phần tử chống đối, hầu dễ dàng chiếm độc quyền đấu tranh và lãnh đạo. Lý do khiến Hà Huy Tập tố cáo với Đệ Tam Quốc Tế rằng Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm về hàng trăm đồng chí bị Pháp bắt có thể xuất phát từ sự việc này và cũng có thể chính vì vậy mà Hồ Chí Minh đã “giải độc” dễ dàng khi trở lại Liên Xô năm 1934. Đoạn thư sau của lãnh đạo Quốc Tế Nông Hội, thuộc Đệ Tam Quốc Tế cho thấy Hồ Chí Minh còn nhận chỉ thị phụ trách cả vùng Đông Nam Á, chứ không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam: “Theo nghị quyết của đoàn chủ tịch ngày 31-7 đồng chí được phân công phụ trách không những phong trào của nông dân Trung Quốc mà còn của tất cả các thuộc địa mà đồng chí có thể liên hệ được từ Quảng Châu, nghĩa là của Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và Nam Dương. Đồng chí đặt ngay liên lạc với những thuộc địa trên và tiến tới lập những nông hội ở đấy”. Bức thư ngày 14-5-1926 từ Liên Xô gửi Nguyễn cũng cho thấy Nguyễn thường xuyên báo cáo về Quốc Tế Cộng Sản những hoạt động của mình:

“Đồng Chí Nilốpski (tứcHCM) thân mến,

“Chúng tôi đã nhận được thư của đồng chí ngày 8 tháng 3, ngày 3 tháng 2 và ngày 31 tháng 1 năm 1926 ... báo về tình hình nông thôn Quảng Đông.(14)

Và nguyên văn một đoạn trích từ báo cáo của Nguyễn gửi về Mạc Tư Khoa mùa hè năm đó, được in lại nơi trang 190:

“Đồng Chí thân mến,

Từ khi tới đây tôi đã làm những việc sau đây cho Đông Dương:

1. Lập một tổ chức bí mật

2. Lập một hội nông dân (của những Việt Kiều sống ở Xiêm).

3. Lập một nhóm thiếu niên tiền phong Đông Dương, con cái công nông. Các cháu đang ở Quảng Châu do chúng tôi nuôi dậy.

4. Tổ chức một nhóm phụ nữ cách mạng (bắt đầu từ tháng tư, có khoảng 12 thành viên)

5. Lập một trường tuyên truyền...

Bức thư viết tiếp nêu yêu cầu về phương tiện, than không đủ tiền để làm việc: “Các chuyến đi dài ngày (khoảng 2 tuần) nguy hiểm và tốn kém nhiều mà phương tiện của chúng tôi lại ít ỏi (với tiền lương của tôi cộng với tiền lương của một trong số các đồng chí Liên Xô, công việc vẫn chưa chạy nhanh như mong muốn)...  (15)

Sau khi Tôn Dật Tiên mất, Liêu Trọng Khải thuộc tả phái, thân Liên Xô đã để cho cộng sản Trung quốc hoành hành, nhiều cuộc nổi dậy đe dọa cướp chính quyền. Tưởng Giới Thạch nhìn thấy nguy cơ “nuôi ong tay áo”, đã quyết định nắm quyền lãnh đạo, dẹp tan cộng quân tại nhiều nơi và chấm dứt  sự hợp tác với Liên Xô. Phái đoàn Borodin trở về Nga, Hồ Chí Minh cũng đi theo rồi được cử qua Pháp và Đức.“Khoảng mùa hè năm 1928, Quốc Tế Cộng Sản báo sang Berlin để anh Nguyễn biết sẽ bố trí anh đi Xiêm qua ngả Ý, các đồng chí cộng sản Ý lo việc dẫn đường cho anh. (16) “Một ngày mùa thu anh Nguyễn bước lên đất Xiêm. (17)

Hồng Hà kể rất chi tiết về việc Nguyễn luôn hoạt động theo sự điều động của Quốc Tế Cộng Sản và địa bàn hoạt động kéo dài từ Trung Quốc qua Xiêm.

Cuối năm 1929, theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn đi Singapore, rồi từ đó sang Hồng Kông để thống nhất các đảng cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng Sản Đông Dương.  Đây là thời điểm Lâm Đức Thụ được nhắc tới với sự việc biến Hội Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí thành đảng Cộng Sản. Hồng Hà ghi:“Thụ... phụ trách tổng hội Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội... kịch liệt chống việc lập đảng Cộng Sản. Một số hội viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội từng học lớp do anh Nguyễn dạy ở Quảng Châu bị thực dân bắt. Họ thấy bọn mật thám có trong tay những tấm ảnh chụp lớp học ở Quảng Châu do Lâm Đức Thụ chụp để “làm kỷ niệm”. Lâm Đức Thụ đã sinh bụng khác.” Về sau, Lâm Đức Thụ bị ám sát chết, nhưng Hồng Hà không ghi lại bất kỳ chi tiết nào về cái chết của Lâm Đức Thụ.

Làm xong nhiệm vụ thống nhất đảng, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố: “Nhận chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có trách nhiệm phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này....Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh nhằm giải phóng toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột. (18) “Lập đảng xong, anh Nguyễn lo ngay việc viết sách để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên...(19)  Vào dịp này, Nguyễn viết thư cho một “đồng chí” Nga trong đó có câu: “ Chúng tôi có nhiệm vụ nói cho họ biết Tổ Quốc của giai cấp vô sản đó (tức Liên Xô) như thế nào.” Rồi Nguyễn đưa ra cả một đề cương của cuốn sách để xin ý kiến.

Việc kế tiếp là Nguyễn gặp Trần Phú vừa rời Nga qua Paris tới Hồng Kông gặp Nguyễn để về nước. Nguyễn “viết thư giới thiệu Trần Phú với ban chấp hành trung ương lâm thời của đảng, dưới thư anh ký tên Vương. (20)  Sau đó, Nguyễn trở lại Xiêm và Mã Lai “làm nhiệm vụ do Quốc Tế Cộng Sản giao  rồi đi Xanh-ga-po họp với các đồng chí Nam Dương.” (21)

Hồng Hà dành trang 258 đăng nguyên văn bức thư ngày 29-9-1930 của Hồ Chí Minh gửi ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản, nói về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trung tuần tháng đó có hơn 200 người bị Pháp giết.

Hồ Chí Minh cũng báo cáo “chúng tôi đã chỉ thị ngay cho các đảng viên Nam Kỳ ở trong nước cố gắng hết sức mình thu xếp một cuộc họp của Trung Ương để quyết định mọi việc... Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ (các nạn nhân) ...”

Qua thư này, Hồ Chí Minh báo cáo là “nông dân Gia Định, Chợ Lớn và Tân An ở Nam Kỳ cũng biểu tình ngày 12-9. Ngày 17-9, nông dân Gia Định lại biểu tình”.

Tới nay nhiều tác giả vẫn nghĩ Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm về Xô Viết Nghệ Tĩnh vì phong trào này chỉ là hành động tự phát của cộng sản địa phương tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng căn cứ vào lá thư này và những gì Trần Văn Giầu viết trong cuốn Sự phát triển tư tưởng tại Việt Nam thì phong trào đã lan rộng khắp 3 miền Trung-Nam-Bắc và không thể bảo là tự phát. Vì chính Hồ Chí Minh đã báo cáo về phong trào và xin chỉ thị từ Mạc Tư Khoa để ra lệnh cho trong nước.

Về việc đổi tên Đảng Cộng Sản Việt Nam thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, Hồng Hà viết: “Tháng 10-1930, đại biểu đảng Cộng Sản Việt Nam từ khắp 3 kỳ đã tới Hồng Kông họp hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng do anh Trần Phú chủ trì. Theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản, hội nghị đổi tên đảng Cộng Sản Việt Nam thành đảng Cộng Sản  Đông Dương và cử anh Phú làm tổng bí thư đảng. Nguyễn Ái Quốc không dự hội nghị nói trên.

Câu cuối cùng ngụ ý Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm việc đổi tên đảng. Một hội nghị quan trọng như vậy mà Hồ Chí Minh không tham dự, trong khi đang có mặt ở Hồng Kông hẳn có nhiều uẩn khúc. Tuy nhiên cũng có tài liệu nói chính Hồ Chí Minh chủ tọa hội nghị. Những uẩn khúc này rất khó sáng tỏ vì diễn ra trong bí mật và thuộc vào những sự việc cố tình bị vùi lấp. Tuy nhiên, những hoạt động phát triển ảnh hưởng chủ nghĩa Cộng Sản tại vùng Đông Nam Á đã được “thủ trưởng” của Nguyễn Ái Quốc là Manuilski báo cáo trước hội nghị thứ 11 của Ban Chấp Hành Quốc Tế Cộng Sản vào cuối tháng 3-1931.

Hồng Hà trích dẫn một đoạn báo cáo đó nơi trang 260: “Ở Đông Dương, năm 1930, đảng Cộng Sản đã chính thức thành lập. Trong nhiều tháng, với tinh thần dũng cảm vĩ đại đảng đã lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích của những nông dân Đông Dương...

Tác giả ghi tiếp:“Hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết công nhận đảng Cộng Sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc Tế Cộng Sản”. Dù Hồng Hà ghi hay không ghi lại sự kiện trên thì việc Đảng Cộng Sản Đông Dương là một chi bộ của Quốc Tế Cộng Sản vẫn là điều hiển nhiên và cũng là điều hiển nhiên, việc tổ chức này trực tiếp liên quan với các cuộc nổi dậy tại Nghệ Tĩnh và nhiều nơi khác tại Việt Nam mang tên “phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh” với khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, một khẩu hiệu mà sau này Cộng Sản Việt Nam luôn phủ nhận.

Năm 1934, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ Quốc của giai cấp vô sản là Liên Xô – Bây giờ thì mọi người đều biết đấy là Nguyễn Ái Quốc, ủy viên ban Phương Đông Quốc Tế Cộng Sản, phụ trách Cục Phương Nam, người tham gia sáng lập đảng Cộng Sản Pháp và sáng lập đảng Cộng Sản Việt Nam. (22) Trong năm này, Nguyễn được cử theo học trường Quốc Tế Lênin. Chương trình khóa học gồm: Chủ nghĩa, học thuyết và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong cách, công tác, lý luận về chuyển từ cách mạng dân chủ xã hội sang cách mạng vô sản, học thuyết về cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản, vấn đề nông dân, vấn đề dân tộc và thuộc địa, công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng, mặt trận dân tộc thống nhất, công tác hoạt động bí mật. (23) Thể thức nhập học đối với Nguyễn khá gay gắt. Trước hết Nguyễn phải viết bản tự khai 18 điểm để tham dự đại hội Quốc Tế Cộng Sản kỳ VII ngày 25-7-1935 chỉ với tư cách đại biểu tư vấn. (24)  Sau đó, Nguyễn phải qua một cuộc thẩm tra của 12 người do Na-Sốp đứng đầu cứu xét tư cách học viên của Nguyễn.

Về đường lối đại hội VII, Hồng Hà viết: “Đây là một sự chuyển hướng chiến lược, nêu rõ nhiệm vụ cấp bách của các đảng Cộng Sản trên thế giới huy động toàn lực lập mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa phát xít.(25) đặt nặng vấn đề “đoàn kết với các tầng lớp nhân dân rộng rãi khác” (26) Theo đúng đường lối này của đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn căn dặn Tú Hưu và Minh Khai 2 điều quan trọng cần làm ở trong nước:

– Lột mặt nạ bọn Tờ-rốt-kít, tiêu diệt chúng về chính trị. Không được có một thỏa hiệp nào với chúng.

– Phải lập mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi... Nhưng phải nhớ rằng việc lập mặt trận ấy không lúc nào được đi ngược lại lợi ích của đảng và giai cấp.

“Khi tiễn hai đồng chí sang Pháp, anh Nguyễn lại nói: Cố nhớ những lời tôi dặn nhé và kể lại cho anh Duy (tức Lê Hồng Phong). Tôi nhắc lại: Dứt khoát không được thỏa hiệp với bọn Tờ-Rốt-kít đấy!” (27)

Với Bác Hồ trên đất nước Lê-Nin, Hồng Hà cho thấy Hồ Chí Minh không những luôn say mê hoạt động phụng sự lý tưởng Cộng Sản mà còn là người tuyệt đối trung thành với lãnh tụ Stalin. Vì thế trong lúc toàn lãnh thổ Liên Xô chìm trong những vụ thanh trừng đẫm máu tiêu diệt phe cánh Trotski, Hồ Chí Minh đã an lành theo học trường Quốc Tế Lê-Nin đằng đẵng 3 năm để sau đó được Quốc Tế Cộng Sản cho qua Trung Quốc trở lại vị thế người lãnh đạo Đông Dương Cộng Sản Đảng.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 10

(01)  Nxb Thanh Niên ấn hành lần đầu 1980 và 20 năm sau tái bản có sửa chữa và bổ sung. Những trích dẫn theo ấn bản mới này.

(02)-(03) SĐD  tr. 21, 23.

(04)  Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch,  Văn Học, Hà Nội, 2001, tr. 61.

(05)-(06)-(07)-(08)-(09)-(11)-(12)  SĐD  tr. 33, 106, 125, 84-86, 153, 171, 176.

(10)  Trong quân đội Trung Hoa của Tôn Dật Tiên.

(13)  Ho Chi Minh on Revolution, Bernard Fall – tr. 93-94

(14)-(15)-(16)-(17)-(18)  SĐD  tr. 188, 191, 216, 222, 240.

(19)-(20)-(21)-(22)-(23) SĐD  tr. 249, 256, 257, 293, 304-305.

(24)  Thủ tục khó khăn này khiến đã có giả thuyết lúc đó Hồ Chí Minh bị thất sủng. Vì cùng lúc đó, Lê Hồng Phong được dự Đại Hội 7 QUỐC TẾ CỘNG SẢN với tư cách trưởng đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng Sản Đảng, và còn được bầu làm ủy viên dự khuyết của Ban Chấp Hành Quốc Tế.

(25)-(26)-(27)  SĐD  tr. 309, 319, 327
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 12:55 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong