HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 09 *
 

Ngày 2 tháng 9, đọc lại Trần Dân Tiên
Trần Dân Tiên và cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch


Trích chương 9, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp(*) mới tái bản 2006.

Năm 1976 tại Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện cuốn Những sự kiện lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam trong đó hết lời ca tụng “văn tài của Bác” (1). 9 năm sau, năm 1985, xuất hiện cuốn sách của Hà Minh Đức, Tác phẩm văn học của Hồ chủ tịch, với bài tựa của Nguyễn Khánh Toàn. “Văn tài” và “tác phẩm văn học” mà các tác giả nói đến được dẫn chứng một phần bằng cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên và đã có một bản dịch tiếng Pháp được gửi sang Miến Điện ngay trong năm đó (2).

Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch do Nhà Xuất bản (Nxb) Văn Học Hà Nội tái bản năm 2001 gồm 168 trang, không ghi thời gian xuất bản lần đầu, nhưng bản lưu trữ ở thư viện Sài Gòn đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) ghi xuất bản lần đầu năm 1948. Bản do Nxb Thanh Niên tái bản năm 2000 tại Sài Gòn gồm 210 trang cũng ghi xuất bản lần đầu năm 1948.

Hồ Chí Minh được các tác giả xưng tụng như một “nhà văn hóa lỗi lạc”, ngoài tính cách “lãnh tụ vĩ đại” và “cha già dân tộc kính yêu”.

Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên mở đầu bằng lời tác giả kể lại lý do dẫn đến cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và việc hình thành tác phẩm như sau:

Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng mãi đến nay chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ Tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ Chủ Tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngày thứ hai, tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ Tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ Chủ Tịch viết như thế này: “Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến. Ký tên: Hồ Chí Minh”

Thư trả lời chóng, nội dung giản đơn và giờ hẹn gặp sớm khiến tôi rất băn khoăn.

Sáng ngày mồng 4 tháng 9, 7 giờ 25, tôi đến dinh Chủ Tịch. Đúng 7 giờ 30 một người thanh niên đến phòng khách, lễ phép nói với tôi: “Hồ Chủ Tịch đang đợi anh ở phòng làm việc”... Tôi bước vào phòng kính cẩn chào. Chủ Tịch đứng dậy bắt tay tôi và mời ngồi trước bàn làm việc. Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi và sau mới nói: “Tôi có thể giúp chú việc gì nào?” Tôi nói rõ mục đích của tôi. Chủ Tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong, Người cười và đáp:

– Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến!

Tôi như chạm phải một bức tường. Nhưng tôi không thất vọng. Về sau, tôi đặt kế hoạch khác... nghĩa là hỏi những người trước kia, trong một thời gian nào đó, đã trực tiếp hoặc gián tiếp biết Hồ Chủ Tịch, không cứ người đó là người Việt Nam hay người ngoại quốc để lấy tài liệu viết tiểu sử. Phương pháp này rất khó khăn và cần nhiều thời giờ nhưng may ra thì thành công. Cuối cùng kết quả chứng tỏ rằng cách ấy là đúng. Tôi theo phương pháp ấy, sau hai năm làm việc, cuối cùng có khá tài liệu để viết một ít chuyện về Hồ Chủ Tịch. (3)

Tác giả không nói rõ bằng cách nào nhưng đã gặp được ít nhất 7 người gồm một nhà trí thức ở Sài Gòn tên Lê, một ông tên Mai ở Hải Phòng, một ông tên Dân ở Nha Trang, một ông tên Bốn có biệt danh Bốn Sẹo ở Quỳnh Lâm, một ông tên Thanh và một ông tên Nam ở Vinh, một ông không rõ tên từng quen “ông Nguyễn” ở Paris. Bảy người này cung cấp cho tác giả những gì họ biết về một người mà họ cảm phục ngay lần đầu gặp gỡ, dù người đó chỉ là chàng trai trôi giạt giữa Sài Gòn, một anh Ba quê mùa làm phụ bếp dưới một con tàu hoặc một người vất vả vật lộn với cuộc sống...

Tác giả cho biết “tôi chỉ ghi chép cẩn thận những mẩu chuyện giữ nguyên như thế. Và đây là một tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt”. (4)

Nhà trí thức Sài Gòn kể: “Tôi gặp một thanh niên ở Trung Bộ vào Sài Gòn... Chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi:

– Anh Lê, anh có yêu nước không?

Tôi ngạc nhiên đáp:

– Tất nhiên có chứ!

– Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Anh muốn đi với tôi không?

Ông Lê không dám đi nhưng sau này được biết “người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ Tịch của chúng ta ngày nay” (5)

Ông Mai, nhân viên cũ trên một tàu Pháp, kể: “Nhà bếp lo ăn cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn... Anh Ba mệt lử. Nhưng khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm... Cái gì đối với anh Ba cũng mới, anh phải học tất cả. Ví dụ mới đầu anh không ăn được bánh mì và bơ. Ăn xúp thì anh dùng nĩa”. (6)

Ông Dân có một thời gian cùng anh Ba làm thuê cho một gia đình ở bên Pháp từ ba mươi năm trước, cho biết nhờ anh Ba khuyến khích học chữ quốc ngữ nên mới biết đọc biết viết. Lúc gặp tác giả, ông Dân không hề biết anh Ba chính là Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhưng trong nhà ông chân dung Hồ Chủ Tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn nến vì ông là thủ quỹ của Việt Minh địa phương và là người tin rằng không thể có Việt Nam mà không có Việt Minh. (7)

Ông Bốn cho biết có lúc làm chung với anh Ba trên một con tàu và khen anh Ba rất tốt với mọi người, không bao giờ cãi cọ với ai... không bao giờ uống rượu. (8)

Ông Nam trước làm cho một tiệm ăn tại Luân Đôn, gặp anh Ba ở phòng lau chùi thìa, nĩa và được anh Ba cho biết mục đích sang Anh là để học tiếng Anh. Nói chung, ông Nam biết anh Ba là một người ham học, can đảm, say mê cách mạng nhưng không biết gì thêm về anh Ba sau khi anh rời nước Anh trở lại Pháp.

Tác giả Trần Dân Tiên kể tiếp: “Một người quen “ông Nguyễn” ở Paris đã cho chúng tôi nhiều tài liệu rất quý báu. Ông này đã nói với chúng tôi như sau: “Lúc ấy ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công Hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng” (9)

Hơn 20 trang kế tiếp được dành kể hoạt động của Hồ Chí Minh tại Pháp từ việc tham gia đảng Xã Hội Pháp, việc học nghề ảnh, việc viết báo tới việc tán thành gia nhập Đệ Tam Quốc Tế tại đại hội Tours nên bị mật thám Pháp theo dõi. Trên từng dòng chữ, tác giả Trần Dân Tiên không ngừng ca ngợi tinh thần vì dân, vì nước của ông Nguyễn để đi tới kết luận: “Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới tổ quốc và suốt đêm mơ đến tổ quốc mình”. (10)

Tới đây, Trần Dân Tiên thú nhận bị mất dấu vì ông Nguyễn biệt tích, nhưng kể tiếp là sau đó không lâu may mắn gặp một người bạn Pháp nên lại được nghe kể về giai đoạn ông Nguyễn ở bên Nga. Trần Dân Tiên ghi lại là Lenin từ trần hai ngày trước khi ông Nguyễn đến Nga. Đây là điều khiến ông Nguyễn sửng sốt, nhưng ông vẫn tiếp tục ở lại xem xét nước Nga.

“Ông chú ý nhất đến chế độ xã hội của nước Nga. Ở đây mọi người ra sức học tập, nghiên cứu để tiến bộ. Chính phủ thì giúp đỡ khuyến khích nhân dân học tập. Ở đâu cũng thấy trường học. Các nhà máy đều có lớp học, ở đây con em thợ thuyền có thể học nghề... để trở nên kỹ sư... Đây là một chế độ rất hay.

Trong nông trường tập thể, mọi người làm chung và chia sản phẩm theo công làm của mỗi người. Có một số nông trường tập thể rất giàu mà người ta gọi là nông trường triệu phú. Những nông trường này có trường học sơ cấp và trung cấp, thư viện, nhà chiếu bóng, sân vận động, nhà thương, phòng nghiên cứu nông nghiệp, nơi chữa máy móc... v.v. Những nông trường này đã biến thành những thành phố nhỏ. Những người đau ốm được săn sóc không mất tiền. Đây cũng là một điều ông Nguyễn hết sức phục... Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Liên Xô.

Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần... Những đứa trẻ ngoài chín tháng có thể gửi ở những vườn trẻ, có thầy thuốc chăm sóc... Có thể gửi trẻ vào vườn cho đến tám tuổi. Đến tám tuổi, trẻ em bắt đầu đi học. Học sinh mỗi buổi sáng được một bữa ăn uống không mất tiền. Ngoài trường học thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em... Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là thiên đường của trẻ con...”. (11)

Cảnh sống thiên đường của nước Nga không làm cho ông Nguyễn quên tổ quốc Việt Nam. Do đó, “Ông Nguyễn tìm đường qua Trung Quốc để về nước. Mục đích của ông trở về nước là để truyền bá lý tưởng mà ông đã học ở Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái”. (12)

Trần Dân Tiên kể tiếp:

”Bây giờ ông Nguyễn ở Trung Quốc, ông bắt đầu đi bán báo và thuốc lá để sống... Đọc quảng cáo trên tờ Quảng Châu Nhật Báo, ông tìm đến làm phiên dịch cho ông Borodin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và chính phủ Quảng Châu. Ông dịch những tờ báo Trung Quốc ra tiếng Anh. Ông để hết tâm lực nghiên cứu chính trị Trung Quốc...Vừa nghiên cứu vừa làm việc để kiếm sống, ông Nguyễn vẫn ra sức làm việc cho tổ quốc mình. Ông bắt đầu tổ chức đồng bào Việt kiều ở Trung Quốc. Tổ chức này gọi là Hội Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí... Được sự cộng tác của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Nguyễn tổ chức hội Liên Hiệp các Dân Tộc bị áp bức Á Đông... Hoạt động của hội Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí bắt đầu lan vào trong nước... Ông Nguyễn mở những lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu. Những thanh niên Việt Nam phần lớn là học sinh trốn ra dự những lớp này để học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Học xong họ lại bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân... Chính phủ Quảng Châu trở thành Chính Phủ của toàn Trung Quốc và dời đến Nam Kinh. Quốc Dân Đảng phản động bắt đầu khủng bố Đảng Cộng Sản và công nông. Mặc dầu ông Nguyễn chỉ chuyên chú đến phong trào Việt Nam, chính phủ Quốc Dân Đảng nghi ngờ ông và muốn ám hại ông. Một lần nữa, ông lại mất tích. (13)

Tuy nhiên, Trần Dân Tiên vẫn tìm ra ông Nguyễn đã chuyển sang Xiêm (Thái Lan), tiếp tục hoạt động tuyên truyền cho cách mạng giải phóng chống áp bức, chống bóc lột. Trần Dân Tiên còn ghi lại nhiều giai thoại về việc dân chúng tại Xiêm yêu mến và che chở cho ông Nguyễn thoát khỏi sự truy lùng của mật thám Pháp.

Rồi Trần Dân Tiên cho biết ông Nguyễn lại trở về Trung Quốc để thực hiện một thành tích đặc biệt là hợp nhất đảng Tân Việt và hai nhóm của Hội Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí thành một tổ chức chung với chính cương gồm 4 điểm là dân tộc độc lập, nhân dân tự do, dân chúng hạnh phúc, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Trần Dân Tiên kể lại một cách lửng lơ rằng tổ chức này có thể gọi là Hội Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí như trước hoặc Đảng Cộng Sản như ngày nay (14) cũng được, nhưng nhấn mạnh là lúc đó “bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Đệ Tam Quốc Tế, của Liên Xô... Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên Xô. Vì vậy những nhà cầm quyền Anh cũng cho ông là kẻ thù số một và cố bắt cho được ông.” (15) Do đó, ông Nguyễn lại bị nhà cầm quyền Anh tại Hong Kong bắt giữ và sau nhờ sự can thiệp của một luật sư tốt bụng người Anh mới được tha. Trần Dân Tiên dành nhiều trang kể về những ngày ông Nguyễn bị giữ tại Hong Kong cho đến khi được thả ra và lại mất tích. Theo Trần Dân Tiên, trong thời gian mất tích này của ông Nguyễn, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã triệu tập đại hội kỳ I, phát động phong trào Đông Dương đại hội, tổ chức nhiều cuộc bãi công, biểu tình tuần hành ở các thành phố lớn trong nước...

Thế rồi đại chiến thế giới bùng nổ và sau khi quân Nhật tràn vào Việt Nam, một biến cố xẩy ra qua lời kể của Trần Dân Tiên như sau:”Lập tức một lời kêu gọi vang dội khắp nước Việt Nam: Nhân dân ta hãy đứng về phía đồng minh! Đánh đuổi Nhật, Pháp, tiễu trừ Việt gian! Đấu tranh cho độc lập Tổ Quốc! Người Việt Nam, chúng ta hãy đoàn kết lại!”

Đó là lời kêu gọi của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh hay Việt Minh tháng 5 năm 1941. Chương trình của Việt Minh rất giản đơn và rõ ràng. Mọi người Việt Nam đều hiểu chương trình đó, thừa nhận và ủng hộ chương trình đó, vì vậy Việt Minh phát triển rất chóng, mặc dầu bị khủng bố gắt gao. Phong trào này do ông Nguyễn đứng đầu”. (16)

Trần Dân Tiên mô tả tình cảnh sống của người dân Việt Nam trong thời kỳ này vô cùng khủng khiếp do thực dân Pháp cố sức đàn áp phong trào Việt Minh: “Sự đàn áp của Pháp hết sức tàn bạo, nhiều làng bị đốt. Hàng vạn người bị chết. Hàng trăm cụ già, đàn bà, trẻ con bị xuyên dây thép qua bàn tay, qua bắp chân, trói lại với nhau và bị quẳng xuống biển. Ở nhiều nơi khác, bọn Pháp bắt người lột trần, bắt tự đào huyệt chôn sống họ... Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên Hồ Chí Minh. Và từ đó, người ta gọi ông Nguyễn là cụ Hồ”. (17)

Với tên mới, Hồ Chí Minh trở qua Trung Quốc và bị bắt giữ, nhưng tác giả Trần Dân Tiên cho rằng Hồ Chí Minh coi nhẹ tù đầy qua mấy dòng ghi: “Một người bạn hỏi Cụ: “Đời tù đầy ở Quế Lâm, cụ thấy như thế nào?”Cụ Hồ cười nói: “Nhắc lại làm gì chuyện cũ!”... Và ghi thêm chi tiết: “Trong nhà tù này, cụ Hồ được biết Liễu Châu có tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Cụ được biết rằng mình bị cầm tù lâu hơn nữa vì người ta nghi Cụ sang Trung Quốc để phá tổ chức đó”. Rồi Trần Dân Tiên kể: “Cách Mạng Đồng Minh Hội có hai lãnh tụ là Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần, cả hai đều đã ở Trung Quốc từ bốn mươi năm nay. Trương Bội Công đóng quan năm, làm việc trong quân đội Quốc Dân Đảng. Trước kia Trương tránh liên lạc với những người đồng hương và không tham gia một phong trào cách mạng nào. Nguyễn Hải Thần gần bảy mươi tuổi, đã quên hết tiếng Việt Nam. Nguyễn Hải Thần sang Trung Quốc năm 1905 với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan đã rời bỏ Nguyễn Hải Thần từ những ngày đầu. Từ đấy Nguyễn Hải Thần làm nghề xem số tử vi để kiếm ăn và nuôi vợ con. Nhờ nghề này, Nguyễn Hải Thần quen biết nhiều quan lại Trung Quốc. Cũng như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần không hoạt động gì. Nhưng sau khi cụ Phan mất, Nguyễn Hải Thần tự nhận là người thừa kế của cụ. Trương và Nguyễn tranh nhau làm lãnh tụ” (18)

Theo Trần Dân Tiên, lúc đó chỉ còn khoảng một trăm người của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội tại Quảng Tây và Hồ Chí Minh đã đưa một số cùng về nước.

Về phong trào Việt Minh thì Trần Dân Tiên kể Pháp-Nhật tuyên truyền ầm ĩ, nói Việt Minh là cộng sản, nhận chỉ thị và tiền bạc của Mạc Tư Khoa... v.v. Nhật-Pháp càng vu khống thì Việt Minh càng được nhân dân thương yêu ủng hộ (19)

Còn về Hồ Chí Minh thì Trần Dân Tiên kể:

“Nhân dân mong đợi cụ Hồ Chí Minh (HCM). Mặc dầu đang ốm, cụ Hồ quyết định về với nhân dân thủ đô... (20) Đối với Hà Nội, ngày mồng 2 tháng 9 không những là một ngày vẻ vang của Độc Lập mà còn là một ngày đáng yêu vì ngày hôm đó lần đầu tiên thủ đô Hà Nội được “mắt thấy” người con yêu quý nhất của dân tộc Việt Nam... Nhưng cảm động hơn cả là khi nhân dân thấy chủ tịch HCM đến, người mà nhân dân hằng yêu mến, khâm phục và kính trọng và lần đầu tiên nhân dân mới được thấy… nhân dân nhận thấy chủ tịch giản dị, thân mật như một người cha hiền về với đám con. Từ xa tôi thấy Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Chủ Tịch đội mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió, đi một đôi dép cao su, mặc một bộ quần áo kaki... Khi Chủ Tịch bắt đầu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập giọng sang sảng của Chủ Tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc xong một đoạn và giữa tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt, Chủ Tịch nói: ”Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi giản đơn này làm tiêu tan tất cả những cái gì còn xa cách giữa Chủ Tịch và nhân dân và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng này, không một ai ngờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết, tất cả hình thức. Chủ Tịch trở thành “Cha Hồ” của dân tộc Việt Nam”. (21)

Và Trần Dân Tiên tiếp tục kể về việc nhân dân Việt Nam yêu kính Hồ Chí Minh:

“Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh... Nhiều nhà báo và người ngoại quốc rất ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân của Hồ Chủ Tịch... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người... Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân... (22) Mọi người kính mến Hồ chủ tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng. Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: Vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên! Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng tên Bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi chủ tịch là Cha Già của dân tộc, vì Hồ chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam”. (23)

Trang cuối cùng, Trần Dân Tiên viết:

“Chúng tôi không có tham vọng viết một quyển tiểu sử của Hồ Chủ Tịch. Chúng tôi chỉ mong quyển truyện này giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thân thế của Hồ Chủ Tịch gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và sự hoạt động của các chiến sĩ và của quần chúng. Địa bàn hoạt động của Hồ Chủ Tịch bao la, trong nước có, ngoài nước có. Thường lại phải hoạt động bí mật, khi ẩn, khi hiện rất khó theo dõi mà Hồ Chủ Tịch thì ít khi muốn nói về mình. Chúng tôi phải công phu bắt mối người này sang người khác. Chúng tôi phải dựa vào một số các đồng chí thường được gần gũi Hồ Chủ Tịch. Các đồng chí này thỉnh thoảng, tình cờ trong những giờ nghỉ ngơi sau công tác hay trong những lúc đi đường được nghe Hồ Chủ Tịch kể cho ít mẩu chuyện trong đời hoạt động của Người. Trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn viết ra tập sách nhỏ này thuật lại vài chuyện về Hồ Chủ Tịch cho đến ngày Toàn Quốc Kháng Chiến. Chuyện của Hồ Chủ Tịch trong và sau thời kỳ kháng chiến mong nhiều anh chị em chúng ta sẽ tiếp tục viết thêm”. (24)

Cho đến năm 1976, người đọc chỉ biết Trần Dân Tiên là một cây bút đã bỏ nhiều công phu sưu tầm tài liệu về một nhà cách mạng lỗi lạc, một người yêu nước, yêu dân, một người luôn quên mình, một người nhân từ chỉ nghĩ đến người khác, một người giản dị trong sáng, người con ưu tú duy nhất của dân tộc và cũng là người được nhân dân suy tôn là cha già dân tộc, một người mà trẻ con chỉ nghe nhắc đến tên đã lập tức trở thành ngoan ngoãn... Con người đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh mà Trần Dân Tiên cho biết đã phải bỏ ra hai năm tìm nhiều mối dây mới ghi lại được một bản tiểu sử. Trần Dân Tiên tự đánh giá bản tiểu sử là trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt. Theo Trần Dân Tiên, sở dĩ phải công phu và mất nhiều thời gian tìm hiểu như vậy vì Hồ Chí Minh đã từ chối không chịu kể cho Trần Dân Tiên biết tiểu sử của mình do hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ... Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến!

Năm 1976, Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam công bố Trần Dân Tiên không phải người nào khác mà chỉ là bút hiệu của Hồ Chí Minh. Sự xác nhận nhắm mục đích tạo nét hào quang mới cho Hồ Chí Minh là ngoài tài đấu tranh còn có cả văn tài và có thêm một tác phẩm văn học là Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.

Nhưng sự xác nhận cũng cho thấy từ 1948 tới 1976, những người tìm hiểu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh ở cả trong lẫn ngoài nước đã bị xỏ mũi bằng một trò bịp. Suốt 28 năm, người dân trong nước và nhiều người cầm bút ở khắp nơi đã dựa không ít vào những mẩu chuyện của Trần Dân Tiên khi đánh giá con người Hồ Chí Minh. Cho đến năm 2000, Duiker còn lập lại việc cậu bé Nguyễn Tất Thành thấy rõ đường lối đấu tranh của các nhà cách mạng tiền bối là sai lầm nên từ chối lời mời xuất ngoại của cụ Phan Bội Châu. Chi tiết này do Trần Dân Tiên nêu ngay phần đầu sách để làm tiền đề cho việc tự tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Nhiều tác giả đã dựa vào diễn tả của Trần Dân Tiên để cho rằng toàn thể dân chúng Việt Nam hết sức kính yêu Hồ Chủ Tịch, luôn xưng tụng Hồ Chủ Tịch là Cha Hồ, là Cha già dân tộc. Bernard Fall còn nói Hồ Chí Minh rất giản dị, khiêm tốn nên không chịu nhận lời xưng tụng này mà chỉ nhận mình là Bác Hồ, trong khi Halberstam quả quyết Hồ Chí Minh không hề mắc chứng bệnh sùng bái cá nhân như mọi lãnh tụ khác. Ảnh hưởng rõ nét nhất mà Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch lưu lại là tác động đối với sự xác định lý tưởng của Hồ Chí Minh.

Sự đề cao lòng yêu nước và bôi xóa mối liên hệ với Đệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh trong cuốn sách khiến ngay những người biết rõ Hồ Chí Minh sùng tín chủ nghĩa Cộng Sản cũng đi tới kết luận lửng lơ kiểu Lacouture hay Sainteny rằng đó là một người lưỡng diện, nửa quốc gia, nửa cộng sản. Tất nhiên, ảnh hưởng của cuốn sách đối với người chưa có dịp nhận thức sâu sát về chủ nghĩa Cộng Sản như các đám đông đại chúng sẽ rất dễ dàng đưa tới việc nói theo Halberstam rằng Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc vĩ đại của Việt Nam.

Có thể có một thắc mắc là bằng cách nào cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên được phổ cập tới mức đó? Trước hết, Pierre Brocheux cho biết cuốn sách đã có bản dịch Pháp Ngữ ngay từ năm 1948, sau đó là bản dịch Anh Ngữ và nhiều thứ tiếng khác. Ngay trong trường hợp các bản dịch này chỉ được một hai người biết, ảnh hưởng cuốn sách vẫn dễ dàng truyền xa qua cách làm việc của những người cầm bút, khi ảnh hưởng cuốn sách tác động vào chỉ vài tác giả thôi. Chỉ cần một lời ví von của P.J. Honey rằng Hồ Chí Minh có một phần tính cách của Gandhi lập tức có sự lập lại của Bernard Fall rằng Hồ Chí Minh bộc trực giống Gandhi và sau đó Halberstam quả quyết Hồ Chí Minh là một phần Gandhi... Với cùng cung cách đó, cái hình ảnh do Hồ Chí Minh tự tô vẽ qua dòng chữ “nhân dân gọi Hồ Chủ Tịch là Cha Già của Dân Tộc” đã được truyền nhắc để biến dần thành hình ảnh thực là điều không đáng ngạc nhiên.

Nếu bảo sự việc đã được kiểm chứng bằng cảnh huống nhà người dân nào tại miền Bắc cũng treo ảnh Hồ Chí Minh, có nơi dân chúng còn thờ Hồ Chí Minh như một vị thần thì cũng không thể quên rằng năm 1948 là lúc Hồ Chí Minh tạo ra cái hình ảnh mình là Cha già dân tộc chỉ mới cách cái ngày Hồ Chí Minh phải ra trước công chúng khóc lóc biện bạch mình không hề bán nước chưa đầy 24 tháng.

Như thế, nếu người dân có tôn sùng và gọi Hồ Chí Minh là Cha già dân tộc thì đó chỉ là kết quả của một nỗ lực dắt dẫn, uốn nắn thậm chí cưỡng bách nhiều năm, từ 1948 về sau, chứ không phản ảnh tình cảm thực sự của toàn thể dân chúng đối với Hồ Chí Minh, ít nhất là vào năm 1948 – chưa kể khi Hồ Chí Minh ngồi viết sách chỉ mới ở khoảng giữa hoặc cuối năm 1947.

Lúc đó chỉ duy nhất có một người nghĩ đến mấy chữ Cha già dân tộc và đóng vai người khác để xưng tụng mình bằng danh hiệu ấy là Hồ Chí Minh. Lúc đó cũng chỉ duy nhất có một người là Hồ Chí Minh diễn tả Hồ Chí Minh gồm đủ mọi đức tính tuyệt vời như chân thành, ngay thẳng, hy sinh, nhân ái, yêu nước, thương dân... và dùng tiếng NGƯỜI viết hoa mỗi khi nhắc đến mình để tỏ sự tôn kính tuyệt đối.

Thực ra, 6 năm sau cái thời điểm mà Hồ Chí Minh tự diễn tả mình được toàn dân coi là Cha già dân tộc, thực tế đã nói lên một cách cụ thể thái độ của người dân đối với Hồ Chí Minh bằng sự trạng hơn một triệu người bỏ xóm làng, sản nghiệp ra đi, khi miền Bắc đặt dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Hơn một triệu đứa con chấp nhận đương đầu với cả cái chết để tìm cách xa lánh Cha già chắc chắn là một sự kiện cần nhìn tới khi kiểm chứng thực chất cái tình giữa cha và con mà người ta nhắc tới.

Và, có lẽ cũng cần kiểm chứng với ngay cả những đứa con còn tiếp tục ở lại miền Bắc coi trong đó có bao nhiêu phần trăm đang nuôi mong ước được ra đi hoặc thoát khỏi sự lãnh đạo của Cha già! Hãy hình dung lúc Hồ Chí Minh vẽ ra cảnh mình khuyên một người muốn viết tiểu sử của mình rằng “hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ... Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến! cũng chính là lúc Hồ Chí Minh đang ngồi viết tiểu sử của mình và ghi đúng dòng chữ đó! Cái thật và cái giả trong lời nói của Hồ Chí Minh ở đây không còn cần bàn tới và cán cân cũng rõ ràng nghiêng về phía nào, giữa việc viết tiểu sử của Hồ Chí Minh với việc Hồ Chí Minh đang quan tâm đến sự đói khổ của đồng bào.

Dù vậy, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch rõ ràng đã có tác động dắt dẫn dư luận rất lớn. Gần như các tác giả sau này ở cả trong lẫn ngoài nước khi phác họa con người Hồ Chí Minh đều không qua khỏi cái khung do Hồ Chí Minh đã dựng lên cho hình ảnh của mình.

Cũng có thể kể thời điểm cuốn sách ra mắt đã đóng góp rất nhiều vào việc tạo ảnh hưởng. Năm 1948, Hồ Chí Minh chưa được dư luận quốc tế lưu tâm nhiều, chưa hề có tài liệu nói về Hồ Chí Minh nên cuốn sách trở thành cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, khi vai trò Hồ Chí Minh trở nên quan trọng hơn trên bàn cờ quốc tế vào đầu thập niên 1950. Có thể bảo cuốn sách chính là tài liệu duy nhất vào lúc đó nói về nhân vật Hồ Chí Minh, nhất là tác giả cuốn sách đã cho biết phải dành suốt hai năm sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các chứng nhân và bảo đảm ghi nhận một cách trung thực, không thêu dệt, không bày đặt.

Nội dung sách không chỉ đề cao con người Hồ Chí Minh mà còn cố xóa mờ tính chất Cộng Sản của Hồ Chí Minh và đặc biệt nhắm triệt hạ mọi tổ chức và nhân vật đấu tranh yêu nước thuở đó.

Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế bị coi là nặng cốt cách phong kiến.

Phan Chu Trinh bị coi là sai lầm do chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương.

Phan Bội Châu bị coi là “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” vì dựa vào Nhật.

Việt Nam Quốc Dân Đảng bị chê là không có chính cương rõ ràng, chỉ lo tổ chức đám binh sĩ Việt Nam trong quân đội thuộc địa Pháp để bạo động.

Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội bị chê là theo Quốc Dân Đảng Trung Hoa...

Về các nhân vật đấu tranh như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh... thì Hồ Chí Minh viết: “Đối với bọn này, nhân dân rất khinh bỉ. Nguời ta hỏi tại sao lại để cho hạng người này ở trong Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam? Đây là một sự nhục nhã cho chế độ dân chủ mới... v.v. Hồ chủ tịch rất hiểu lòng tức tối của nhân dân đối với các “nghị viên” này. Hồ chủ tịch giải thích cho nhân dân một cách rất giản đơn. Chủ tịch nói: Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm”. (25)

Trong khi đó, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao mình liên tục hoạt động đấu tranh, nhưng bỏ qua tất cả những hoạt động liên hệ với Quốc Tế Cộng Sản, không nhắc tới những bài báo từng viết về Lenin, không nhắc tới vai trò phụ tá cho Borodin ở Quảng Châu, không nhắc tới những công tác tổ chức tuyên truyền nhận lãnh từ Pavel Mif và Hilaire Noulens, không nhắc tới thời gian là Thiếu Tá Hồ Quang trong Bát Lộ Quân Trung Cộng, thậm chí còn làm như không dính tới việc thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1929-1930...

Hồ Chí Minh còn nhiều lần bài bác bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng là tay sai của Đệ Tam Quốc Tế... Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên Xô... Pháp-Nhật tuyên truyền ầm ĩ Việt Minh là cộng sản, nhận chỉ thị, tiền bạc của Mạc Tư Khoa v.v...

Các sự việc vừa kể cho thấy gì? Trước hết, có ba điều liên hệ đến cuốn sách cần lưu ý:

– Thứ nhất, là Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Đảng giữa lúc chiến tranh khốc liệt, sao Hồ Chí Minh lại dành thời giờ làm một việc mà nhiều người, trong số có Vũ Thư Hiên, cho là ngớ ngẩn và thừa? Có thật là thừa không?

– Thứ hai, Hồ Chí Minh muốn phổ biến cuốn sách một cách khẩn cấp (ngay sau khi vừa viết xong, có thể là cuối năm 1947) và rộng rãi ra khắp thế giới.

– Thứ ba, Hồ Chí Minh giấu nhẹm mọi dấu vết để không ai biết chính mình là tác giả. Ngay người thân cận bên cạnh Hồ Chí Minh có lẽ cũng không mấy ai biết, còn người biết chắc chắn đã nhận lệnh không được tiết lộ.

Lúc ấy, chiến tranh đang diễn ra khốc liệt với ưu thế nghiêng về phía Pháp. Việt Minh bị đẩy lui ở nhiều nơi, Hồ Chí Minh và chính phủ của ông phải chui lủi trong vùng núi rừng Việt Bắc. Dư âm phản đối trong quần chúng chưa dứt về bản Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 mà các đảng phái quốc gia buộc tội Hồ Chí Minh nhượng bộ quá đáng do chấp nhận cho quân Pháp vào miền Bắc.

Quan trọng hơn là dư luận chính giới Mỹ không thuận lợi cho Hồ Chí Minh như cuối năm 1945. Hồ Chí Minh không còn được nhìn như một người yêu nước mà trở thành người được Liên Xô dùng để bành trướng thế lực ở vùng Đông Nam Á. Quan trọng hơn nữa là lúc ấy Pháp có ý xoay chiều cuộc chiến sang hướng ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản và vấn đề chống Cộng đã được đặt lại trong dư luận ở nhiều nơi, kể cả vùng Pháp chiếm đóng lẫn vùng kháng chiến. Trong cuốn sách, Hồ Chí Minh đã nhắc đến ý hướng này của Pháp qua đoạn nói về hoạt động của Bolaert giữa năm 1947, muốn tổ chức “mặt trận quốc gia” để chống lại chính phủ Hồ Chí Minh. (26) Trong khi đó, chủ trương diệt các phần tử đối lập mà Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam theo đuổi từ năm 1945 khiến đang nhen nhúm lại nhiều tổ chức chống Cộng ở khắp hai miền Nam – Bắc.

Khung cảnh chung đó của tình hình chính trị, quân sự cho thấy Hồ Chí Minh lâm thế hết sức khó khăn với mức độ bị đe dọa nặng nề. Điểm tựa duy nhất có thể giúp vượt thoát nguy cơ là chiêu bài dân tộc yêu nước. Với chiêu bài này, Hồ Chí Minh sẽ giữ được tính chất chính nghĩa kháng chiến chống xâm lược để dựa vào sự ủng hộ tích cực của mọi tầng lớp dân chúng hằng khao khát giành lại chủ quyền quốc gia từ bao nhiêu năm qua. Cũng với chiêu bài này, Hồ Chí Minh sẽ đồng hóa được vào hàng ngũ dân tộc yêu nước và có thể nhận được sự hỗ trợ của những người yêu chuộng công bằng trên khắp thế giới hầu tạo một dư luận chính trị đủ gây khó khăn cho các nỗ lực quân sự của Pháp tại Việt Nam.

Cùng với việc củng cố chiêu bài này, Hồ Chí Minh hết lời mạt sát những người quốc gia yêu nước. Đây chính là ngọn đòn vừa trực tiếp cản phá vừa trực tiếp tấn công vào ảnh hưởng sự chuyển hướng cuộc chiến của Pháp trên cả hai mặt trận quốc nội và quốc ngoại. Các nhân vật quốc gia bị bôi bác liên tục là tham tiền, lưu manh, mật thám cho Pháp – Nhật sẽ khó khăn trong việc thu hút sự ủng hộ của dân chúng, trong khi dễ dàng bị dư luận quốc tế nhìn như một thứ bù nhìn tay sai cho Pháp tiến hành cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Tóm lại, Hồ Chí Minh đã đặt vào cuốn sách mục đích tuyên truyền chính nghĩa cho cuộc chiến do mình đang lãnh đạo để tranh thủ nhân tâm. Phải bằng mọi cách cho nhân dân trong nước và dư luận thế giới thấy lực lượng Việt Minh chiến đấu vì chủ nghĩa dân tộc chứ không vì chủ nghĩa cộng sản và thấy Hồ Chí Minh được nhân dân khắp nước tuyệt đối tin tưởng, kính yêu, suy tôn như vị cha già dân tộc.

Cho nên Hồ Chí Minh không thể không viết cuốn sách trên, không thể chậm trễ trong việc phổ biến cuốn sách đi khắp nơi và tất nhiên không thể cho ai biết chính mình là tác giả.

Đặt cuốn sách vào khung cảnh tình hình đó, người đọc không còn bận tâm nhiều về việc đối chiếu xem lời nói nào của Hồ Chí Minh đã trái ngược hẳn với thực tế và mức độ gian dối cao tới đâu. Sainteny từng có một nhận xét rất sắc bén về Hồ Chí Minh: “Khi mưu tính của ông ta hay đồng chí của ông ta, hoặc chính bản thân ông ta bị đe dọa, ông ta sẽ không do dự dùng những cách tàn bạo. Về phương diện này, ông ta hoàn toàn thuộc về cái thứ châu Á quá nhiều mâu thuẫn, ở đó người ta áp dụng những hình thức tra tấn cực hình tinh vi nhất tiếp theo những nghi thức xã giao rất ư ngọt ngào”.

Khi nhìn Hồ Chí Minh như cách nhìn của Sainteny thì không thể mô tả Hồ Chí Minh bằng những đường nét và màu sắc mà chính Hồ Chí Minh đã gợi ra trước mắt mọi người và cũng chẳng cần phân tích về những màu sắc đó.

Có thể nói Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch là một kiệt tác về tuyên truyền chính trị. Kiệt tác tuyên truyền này đã đưa Hồ Chí Minh lên đài quang vinh, đã giúp Hồ Chí Minh có thể đánh thắng kẻ thù mạnh hơn gấp bội về mặt quân sự. Nhờ có nó toàn dân mới lao mình vào lửa đạn để bảo tồn quyền lực cho Hồ Chí Minh mà cứ nghĩ mình đang chiến đấu vì tổ quốc. Nhờ có nó, nhiều người cầm bút ở khắp nơi mới lầm tưởng việc chống Cộng chỉ là chiêu bài cho các cường quốc tiến hành những cuộc chiến phi nghĩa nhắm xâm lược các nước nhược tiểu, và vì thế, đã tự chọn cái sứ mạng đứng ra bênh vực cho Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam.

Nhưng, sự có mặt của cuốn sách đã đủ cho thấy Hồ Chí Minh không bao giờ là một người bộc trực, thẳng thắn, chân thành, đồng thời càng khó thể tin Hồ Chí Minh là một người yêu nước, thương dân như những lời tự diễn tả. Hồ Chí Minh chỉ cho thấy quyết tâm bảo tồn quyền lực để tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình bằng mọi thủ đoạn xảo trá, giảo hoạt, mặc tình đổi trắng thay đen, nói không thành có, lường gạt tất cả những người ngay thẳng trên khắp thế giới và nhẫn tâm khai thác xương máu đồng bào bằng những điều ngụy tạo về bản thân.

Cuốn sách đã đóng hết vai trò của nó trong việc giúp Hồ Chí Minh phụng sự lý tưởng của ông ta. Nhưng cuốn sách cũng góp phần quan trọng để phác họa trọn vẹn chân tướng Hồ Chí Minh mà Sainteny đã diễn tả là kẻ sẵn sàng sử dụng những cực hình tra tấn tinh vi nhất tiếp theo những nghi thức xã giao hết sức ngọt ngào.
 

02-09-2006
Copyright © 2006 by DCVOnline
_________________________________________

(*): Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp của Minh Võ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương [(703) 573–1207 hoặc (949) 495–6752] xuất bản cuối năm 2003 và tái bản đầu năm 2006.

(1): Những sự kiện lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam – tr. 672

(2): Theo Pierre Brocheux trong Ho Chi Minh, năm 1948 ông Hồ đã trao bản dịch tiếng Pháp của cuốn sách trên cho một nhân viên phụ trách phòng thông tin tòa đại sứ CS Việt Nam ở Ngưỡng Quang, Miến Điện để dịch ra tiếng Anh và các thứ tiếng khác. Nhân viên này tên Hoàng Nguyên.

(3)-(4)-(5)-(6)-(7)-(8)-(9)-(10): SĐD tr. 5-6, 18, 11-12, 14-15, 18, 24, 35, 53

(11)-(12)-(13)-(14)-(15)-(16)-(17): SĐD tr. 64-68, 69, 69-74, 86, 89, 102-103, 103-105

(18): SĐD tr. 107-109 − Theo Hoàng Văn Hoan trong Giọt Nước Trong Biển Cả thì khoảng 1940, Hoan thường bí mật gặp Hồ Chí Minh ở biện sự xứ Bát Lộ Quân để bàn công việc. Hồ Chí Minh nhắc nên mượn danh nghĩa Việt Minh theo tên gọi tắt Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của cụ Hồ Học Lãm và cụ Nguyễn Hải Thần để dựa vào đó mà hoạt động. Ở đây Hồ Chí Minh lại viết như mình không hề hay biết gì về hoạt động của Nguyễn Hải Thần, trong khi cái mặt trận mà Hồ Chí Minh tổ chức ở Pac Bó vào tháng 5-1941 cũng mang tên Việt Minh và được giải thích là tên tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh

(19)-(20)-(21)-(22)-(23)-(24)-(25)-(26): SĐD tr. 110, 122, 130-133, 162, 165-166, 167, 141, 160.
 

www.geocities.ws/xoathantuong