HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 04*
 

DAVID HALBERSTAM và Ho


Nhà báo David Halberstam sinh năm 1934, từng nổi tiếng về các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam như The Making of a QuagmireThe Best and the Brightest.

Năm 1964, lúc làm phóng viên cho tờ Times, Halberstam được tặng giải Pulitzer về báo chí. Năm 1971 nhà xuất bản Random House, New York phát hành cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh của Halberstam với cái tựa vẻn vẹn có hai mẫu tự Ho dưới bức chân dung Hồ Chí Minh đầy vẻ khắc khổ.

Cuốn sách mỏng 120 trang thu gọn trong 6 chương được tái bản năm 1987. Halberstam dựng lại cuộc đời Hồ Chí Minh dựa phần lớn vào tài liệu trích từ tác phẩm của Jean Lacouture là một trong 10 cuốn mà tác giả tham khảo. Ngoài ra, tác giả cũng trích thêm tài liệu của một số chuyên viên nghiên cứu về Việt Nam như Paul Mus, Bernard Fall, Joseph Buttinger, Robert Shaplen...

Halberstam dành trọn chương đầu nói về bối cảnh xã hội Việt Nam lúc Hồ Chí Minh ra đời, một xã hội bất công do thực dân Pháp tạo nên, với những đặc quyền đặc lợi dành ưu tiên cho người da trắng và giáo hội Công Giáo. Halberstam viết: "Hầu hết những địa vị ưu thế có đặc quyền đặc lợi đều nằm trong tay người công giáo... Người Tây phương coi người công giáo Việt Nam  như là người tốt, có học thức hơn, được rèn luyện kỹ hơn, văn minh hơn, có thể trở thành mẫu mực cho xứ sở trong tương lai. Trái lại, những người Việt Nam khác có vẻ hèn kém; về phần họ, những người này càng ngày càng trở nên chua chát đắng cay, không thể nào nổi lên trong chính xứ sở của mình”.

Nhận định bao quát hóa đầy tính chủ quan này thường đến rất dễ dàng với không ít người làm công việc phân tích thực tế và do đó người đọc có thể gặp ở nhiều tác phẩm khác. Chẳng hạn trong tác phẩm Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại của Chính Đạo, người đọc cũng bắt gặp những nhận định tương tự chiếm gần một phần tư tổng số trang của cuốn sách chỉ trích những nhân vật tiêu biểu của tập thể tín hữu công giáo thời ấy như Paulus Hùynh Tịnh Của, Petrus Trương Vĩnh Ký, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Diệm vv...

Mở đầu chương 2, Halberstam giới thiệu Hồ Chí Minh “là khuôn mặt phi thường của thời đại – một phần là Gandhi, một phần là Lênin, tất cả là Việt Nam. Có lẽ,  hơn bất cứ nhân vật nào trong thế kỷ, ông Hồ là hiện thân cuộc cách mạng của dân tộc ông đối với dân tộc ông và cả đối với thế giới.” (1)

Sau đó tác giả đã để trong ngoặc đơn, nêu nhận xét rằng ngay sau trận Điện Biên Phủ, nhân dân bất bình với Đảng,nhưng vẫn thận trọng không trách cứ Hồ Chí Minh. "Cộng sản trách nhiệm về những điều xấu; bác Hồ về những điều tốt.” Cũng ở chương này, tác giả ghi lại lời Hồ Chí Minh tâm sự với nhà báo Mỹ Harold Isaacs: "Tôi cô đơn lắm, chẳng có gia đình, chẳng có gì... Đã có lần tôi có vợ đấy…”

Tác giả tiếp tục bày tỏ sự ngưỡng mộ phẩm hạnh của Hồ Chí Minh bằng nhận định Hồ Chí Minh là người không mắc bệnh sùng bái cá nhân như phần lớn các lãnh tụ khác. "Tito, Stalin, Khrushchev, Mao... hết thẩy đều có tật sùng bái cá nhân. Nhưng Hồ thì không…” (2)

Chương 3 nói về việc Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Cộng Sản, tác giả trích thuật một số đoạn trong một bài viết của Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin (3): "Một đồng chí trao cho tôi đọc Luận cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân của Lênin  được công bố trên tờ Nhân Đạo (Humanité)…Tôi quá đỗi vui mừng. Dù chỉ ngồi một mình trong phòng, tôi cũng la lớn lên như nói trước đám đông: "Hỡi các bậc tuẫn tiết, hỡi đồng bào! Đây rồi, điều mà chúng ta cần, đây là con đường giải phóng chúng ta!…Chủ nghĩa Lênin không những là cẩm nang, địa bàn dành cho chúng ta, những người cách mạng và nhân dân; nó cũng là mặt trời rực sáng soi đường dẫn lối tới thắng lợi cuối cùng, tới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. (4)

Cho rằng Hồ Chí Minh thực sự có thanh thế sau khi bỏ phiếu tán thành Đệ Tam Quốc Tế của Lênin và trở nên đảng viên sáng lập đảng Cộng Sản Pháp, Halberstam trích dẫn lời của Bernard Fall khẳng định cuộc đời Hồ Chí Minh đã thay đổi hẳn từ đó. Tất nhiên, bước đầu tiên trên đoạn đường mới này của Hồ Chí Minh là việc rời Pháp sang Nga năm 1923. Về sự việc này, Halberstam ghi theo lời kể của Trần Dân Tiên rằng Hồ Chí Minh tới Moscow sau khi Lênin đã chết và không nêu ý kiến về những chi tiết trái ngược ghi trong các tài liệu khác.

Đề cập tới thời kỳ Hồ Chí Minh hoạt động tại Hoa Nam, Halberstam dựa khá nhiều vào tài liệu của Jean Lacouture và tán đồng hầu hết ý kiến của tác giả này về các giai đoạn đấu tranh theo sách lược Cộng Sản mà Hồ Chí Minh đã thực hiện qua hành động cụ thể là xâm nhập các tổ chức đấu tranh yêu nước của người Việt Nam tại đây (5) để lũng đoạn và chuyển hóa thành tổ chức cộng sản. Halberstam trích dẫn nhận định của Lacouture nhấn mạnh tới hai bước đi giai đoạn trong sách lược của Quốc Tế Cộng Sản, theo đó giai đoạn đầu đặt nặng mục tiêu cách mạng dân tộc kêu gọi những thành phần ý thức nhất trong mọi giai cấp với dự kiến thiết lập một chế độ dân chủ tư sản và giai đoạn hai nhắm mục tiêu dẫn tới xã hội chủ nghĩa chỉ thực hiện sau khi đã chuyển hóa các điều kiện kinh tế và xã hội, là việc có thể phải mấy thập niên mới đạt được. (6)

Khác biệt giữa hai tác giả là Lacouture ghi nhận, qua sự việc này, thâm ý cùng sự tuân thủ tuyệt đối của Hồ Chí Minh đối với sách lược giai đoạn do Quốc Tế Cộng Sản hoạch định, trong khi Halberstam hết lời tán tụng tài trí của Hồ Chí Minh. Theo đà tán tụng đó, Halberstam không nhắc đến chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản khi nói về việc thống nhất 3 đảng và liên đoàn Cộng Sản thành Đông Dương Cộng Sản Đảng ngày 3-2-1930 tại khán đài sân vận động Hồng Kông, coi như đây là sáng kiến độc lập của Hồ Chí Minh. (7)

Một điểm khác biệt nổi bất khác so với những tác giả muốn dập xóa nhiều tin tức bất lợi để tạo hình ảnh Hồ Chí Minh phù hợp sự ngưỡng mộ của mình là Halberstam đã xác nhận việc Hồ Chí Minh báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu để lãnh 150 ngàn bạc Đông Dương tiền thưởng. (8)

Halberstam nêu ra bốn lý do để biện bạch việc làm trên là hành vi thể hiện tài trí hơn người của Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng:

– Thứ nhất, Hồ Chí Minh thấy rõ cụ Phan đã già nua, lạc hậu, không còn là người của cách mạng nữa.

– Thứ hai, cụ Phan dù bị bắt cũng chắc chắn giữ được mạng sống vì uy tín quốc tế của cụ sẽ khiến người Pháp không dám đem cụ ra xử tử.

– Thứ ba, báo cho mật thám Pháp bắt cụ Phan, Hồ Chí Minh và các đồng chí sẽ nhận được một món tiền lớn vốn rất cần cho việc điều hành đại sự.

– Thứ tư, loại được cụ Phan khỏi sân khấu chính trị, Hồ Chí Minh và các đồng chí sẽ nhanh chóng thu nhận – pick up – được rất nhiều thanh niên nhiệt huyết lưu vong đang tập trung xung quanh cụ Phan lúc đó. (9)

Mức tài trí này còn được chứng tỏ thêm bằng sự an toàn của Hồ Chí Minh khi hàng trăm ngàn người bị sát hại trong cuộc thanh trừng đẫm máu vào thời gian Staline tiêu diệt phe cánh Trotsky và cũng là thời gian Hồ Chí Minh từ Hoa Nam trở về sống tại Nga. Halberstam trích dẫn ý kiến của Bernard Fall coi việc Hồ Chí Minh thoát nạn là điều lạ và giải thích vì "Hồ trung thành vô điều kiện với Stalin và Stalin biết rõ điều ấy.” (10)

Hồ Chí Minh không những sống sót qua cuộc thanh trừng của Staline mà còn được tin cậy để nhận nhiều công tác quan trọng tại Trung Hoa và Đông Nam Á. Năm 1938, Hồ Chí Minh về Hoa Nam làm việc và nghiên cứu học hỏi thêm, rồi mùa đông 1940 cùng với Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp về lập khu giải phóng ở Pac Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, đó là lần đầu tiên Hồ bí mật về nước sau 30 năm xa quê hương. (11)

Chương 4 ghi lại hoạt động của Hồ Chí Minh trong việc thành lập phong trào yêu nước, nhưng Halberstam đã dành những dòng đầu nói về việc Hồ Chí Minh đặt tên một ngọn núi là núi Karl Marx và một dòng suối là suối Lênin.

Năm 1942, Hồ Chí Minh bí mật qua Trung Hoa để tìm cách liên hệ với chính phủ Tưởng Giới Thạch. Tuy cải trang như một nhà báo Trung Hoa làm việc ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn bị bắt ngay sau khi vừa qua biên giới.

Dịp này, Phạm Văn Đồng báo cáo về là Hồ đã chết!

Theo Võ Nguyên Giáp sở dĩ có sự lầm lẫn chỉ vì Phạm Văn Đồng hiểu lầm hai tiếng Trung Hoa, đọc gần giống nhau nhưng nghĩa trái ngược. (Thoát rồi thành ra Chết rồi:“Chu liu! Chu liu! – Xuất liễu! Xuất liễu (very fit) thành ra Su liu! Su liu! – Tử liễu! Tử liễu! (already dead)”. Hồ bị giam 13 tháng.

Về sau Trung Hoa Quốc Dân Đảng muốn dùng lực lượng Việt Minh để lấy tin tức và hậu thuẫn nên thả Hồ Chí Minh và còn tặng 100 ngàn đồng để chi dụng. Với phương tiện cùng kinh nghiệm tình báo và phản tình báo học được từ Liên Xô, Hồ Chí Minh lại quay về nước. (12)

Chương 5, nói về cuộc kháng chiến chống Pháp và trận Điện Biên Phủ.

Hồ Chí Minh về Hà Nội ngày 25-8-1945, sáu ngày sau cách mạng tháng 8. Ngày 30-8-45, thành phần chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được loan báo. Có nhà báo trực tiếp hỏi Hồ Chí Minh có phải Nguyễn Ái Quốc không, Hồ Chí Minh chỉ lửng lơ trả lời mình là người cách mạng đã đấu tranh để giải phóng dân tộc Việt Nam. Halberstam cho rằng như vậy có nghĩa là cái tên chẳng quan trọng gì đối với Hồ Chí Minh.

Tất nhiên khi xác quyết như vậy, Halberstam không đề cập đến sự chống đối Cộng Sản của nhiều đoàn thể chính trị Việt Nam yêu nước, không nói đến thái độ e dè của đại đa số dân chúng trước danh từ Cộng Sản và nhất là, không nhắc lại nỗi kinh hoàng của một số người trước những cuộc bạo động của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hồi đầu thập niên 30 với khẩu hiệu "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” để có thể thấy lúc đó Hồ Chí Minh dù có muốn cũng không dám công khai xác nhận trước dư luận rằng mình chính là Nguyễn Ái Quốc.

Dù vậy, Hồ Chí Minh vẫn không tránh được một khó khăn vào dịp ký kết với Pháp bản thỏa ước 6-3-1946. Dư luận chung đều thấy nội dung thỏa ước dành quá nhiều ưu tiên cho người Pháp trong khi đặt nhẹ quyền lợi của Việt Nam. Halberstam ghi nhận là dư luận đả kích Hồ Chí Minh đã nhượng bộ Pháp quá đáng, thậm chí còn có người cáo buộc Hồ Chí Minh là gián điệp cho Pháp, một kẻ phản quốc. (13)

Hồ Chí Minh bắt buộc phải giải thích và đã khóc khi lên tiếng trước công chúng: "Tôi, Hồ Chí Minh, đã luôn luôn lãnh đạo đồng bào đi theo con đường dẫn tới tự do; tôi đã dùng cả cuộc đời tôi tranh đấu cho tổ quốc được độc lập. Đồng bào biết tôi thà chết chứ không thể phản bội tổ quốc. Tôi thề tôi đã không phản bội đồng bào”. (14)

Theo Halberstam, lời lẽ và cách giải thích của Hồ Chí Minh đã được nhân dân hoan hỉ chấp nhận bản thỏa ước! (15)

Trấn an được dư luận, Hồ Chí Minh qua Pháp theo dõi hội nghị Fontainebleau. Đây là thời gian tại Việt Nam, Võ Nguyên Giáp, ở cương vị bộ trưởng quốc phòng thay thế Phan Anh, đã dùng "kỹ thuật tổ chức cứng rắn tuyệt hảo để âm thầm quét sạch các phần tử quốc gia đối địch”. (16)

Sau đó, Võ Nguyên Giáp đưa quân số Việt Minh lên 100 ngàn, riêng tại miền Bắc, Việt Minh đã có 75 ngàn chống với 15 ngàn quân Pháp. Do đó ngày 18-12-1946 Việt Minh có thể khai chiến và dành thắng lợi vào tháng 5-1954. Trước mắt David Halberstam, mọi thủ đoạn mà Hồ Chí Minh và Cộng Sản thi thố để thu phục nhân tâm đồng thời quét sạch các phần tử đối địch gồm hầu hết là người yêu nước đều biểu hiện mức tài trí đáng khâm phục và không thể chê trách, dù đó là những trò xảo trá, dã man kể cả là tội ác đối với dân tộc.

Sự ngưỡng mộ mà Halberstam dành cho Hồ Chí Minh tiếp tục được bày tỏ qua những trang dành nói về cuộc chiến mà Halberstam gọi là cuộc chiến tranh cách mạng, trong đó địch của Pháp ở khắp mọi nơi, còn về phía Việt Minh thì rừng là bạn, đêm tối là bạn, một thôn nữ cũng có thể là mật báo viên của Việt Minh, sẵn sàng chỉ cho biết quân Pháp di chuyển đi đâu, quân số bao nhiêu. Trong chiến tranh cách mạng, Việt Minh lấy ít thắng nhiều, nhanh chóng tập trung, nhanh chóng rút lui. Đánh vào lúc xuất kỳ bất ý, làm cho đối phương bó buộc phải bám sát lấy đất. Đất trở nên bãi sình lầy, càng ngày càng lún sâu. Và sau này, Mỹ cũng đã sa lầy như Pháp.

Về thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, theo Halberstam, do Pháp không hiểu địch, lầm tưởng Việt Minh không có đại bác, hoặc giả có đại bác cũng không biết xử dụng. Vì vậy, Pháp định lấy cái thung lũng lòng chảo ở Điện Biên Phủ làm mồi nhử Việt Minh đem quân đến để tiêu diệt. Nhưng ngay khi trận chiến xảy ra ngày 13-3-1954, viên chỉ huy trưởng pháo binh  Pháp đã tự tử vì biết mình lầm. Điện Biên thất thủ 56 ngày sau.

Sau hiệp định Genève 1954, Hồ Chí Minh về Hà Nội trên chiếc xe Dodge 4/6, chiến lợi phẩm lấy được của quân đội Pháp, ăn mặc như một nông dân và Halberstam ca ngợi Hồ Chí Minh là anh hùng số một, anh hùng duy nhất của Việt Nam. (17)

Chương 6 cũng là chương cuối được dành nói về thất bại của Mỹ và trích lời tiên tri của Bernard Fall: “Mỹ đang đi vào vết chân của Pháp...– The Americans… were walking in the same footsteps” (as the French) – dù cựu ngoại trưởng Foster Dulles từng kiêu hãnh nói Mỹ không có tham vọng thực dân như Pháp. Halberstam cho rằng Mỹ đã lầm khi chọn (?) Ngô Đình Diệm (a bad choice) vì Ngô Đình Diệm có ít cơ sở chính trị lại thừa hưởng một xã hội chia rẽ đến tuyệt vọng, đồng thời, chê trách chính quyền Ngô Đình Diệm và Mỹ cản trở cuộc tổng tuyển cử dự trù tổ chức vào năm 1956.

Theo Halberstam, chính sách cải cách điền địa của ông Diệm đem số ruộng đất mà Việt Minh lấy của người giầu chia cho dân nghèo trước kia để hoàn trả các địa chủ là một chính sách nửa vời, làm mất lòng người dân nông thôn.

Khác với Jean Lacouture, Halberstam nhìn nhận năm 1959 Hà Nội gửi quân xâm nhập miền Nam và cuộc chiến tranh Đông Dương thứ II đã bắt đầu từ đó. "Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng quyết định khai chiến được làm ở Hà Nội và mọi đường đi nước bước, chiến lược đều được hoạch định ở Hà Nội.”

Tất nhiên Halberstam tin là phần thắng sẽ nghiêng về miền Bắc như Bernard Fall từng tiên đoán và giải thích thêm về lý do đưa đến kết quả này là miền Bắc làm cách mạng được nông dân ủng hộ còn miền Nam quan cách, dùng toàn người của Pháp; tướng lãnh thì từ hạ sĩ của Pháp mà lên, cho nên phải thua. (18)

Kết thúc cuốn sách, Halberstam ghi Hồ Chí Minh chết ngày 3-9-69 và ca tụng Hồ Chí Minh “là nhà ái quốc vĩ đại nhất Việt Nam ở thế kỷ 20 – He was the greatest patriot of his people in this century”.

Điểm nổi bật qua tác phẩm Ho là quan điểm nghiêng hẳn về một phía của tác giả, chính xác là quan điểm tán trợ phía Cộng Sản. Halberstam đã đồng hóa chủ nghĩa Cộng Sản với tinh thần cách mạng yêu nước và biến tinh thần này thành nền tảng cho mọi chủ trương hành động của Hồ Chí Minh và những người Cộng Sản. Dưới ánh hào quang của tinh thần yêu nước, mọi sự việc thuộc về phía Cộng Sản đều hiện ra rực rỡ trong khi phía đối nghịch luôn bị đẩy chìm vào bóng tối.

Có thể nói không sợ sai lạc bao nhiêu là Halberstam đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt của cái Đạo có tên là Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam. Cho nên, ngay cả việc bán một người yêu nước được người khắp năm châu kính phục như Phan Bội Châu cho mật thám Pháp, việc tàn sát những người yêu nước khác chính kiến, việc phát động chiến tranh để đẩy dân chúng cả hai miền Nam Bắc vào tóc tang máu lửa suốt hai mươi năm ... đều là những hành vi tài trí đáng ca ngợi.

Dù sao, trên căn bản này, Halberstam đã xác định những sự việc trên thực sự có xẩy ra chứ không tìm cách chối bỏ như một số tác giả khác tuy ngưỡng mộ Hồ Chí Minh nhưng chưa đạt tới độ tôn thờ của một tín đồ sùng đạo như Halberstam.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 04

(01) - (02) - (04)  SĐD  tr. 12, 20, 39.

(03)  Theo Bernard Fall, bài này đăng trên tạp chí Xô-viết "Những vấn đề Đông Phương” tháng 4-1960.

(05)  Xâm nhập, lũng đoạn tổ chức Tâm Tâm Xã  của các đồ đệ Phan Bội Châu để sau đó biến thành tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.

(06)  SĐD  tr.46, nguyên văn: The first (stage) was basically national, appealing to the most conscientious elements in every class with a view to establish a bourgeois-democratic regime; the second led to socialism only after a transformation of economic and social conditions that might take several decades…

(07)-(09)-(10)-(11)-(12)  SĐD  tr. 52, 45, 58,  61, 68.

(08) Từ Thực Dân Đến Cộng Sản - Hoàng Văn Chí, nói 100,000đ. Xin xem chương chót phần I, về HVC.

(13)  SĐD tr. 86, nguyên văn: Hồ was accused of being a spy, a French agent, a betrayer.

(14) SĐD  tr. 87, nguyên văn: I, Hồ Chí Minh have always led you along the path to freedom; I have spent my whole life fighting for our country's indepen-dence. You know I would rather die than  betray the nation. I swear, I have not betrayed you.

(15)-(16) SĐD tr. 87, 91, nguyên văn: using his tough, brilliant organizational techniques to quietly wipe out some rival nationalists.

(17)  SĐD  tr. 104, nguyên văn: He was a national hero now, the only one; the country was his.

(18) SĐD tr. 113, nguyên văn: By 1964 the ARVN had been defeated by an indigenous peasant army. It was just as Ho had predicted.
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 12:40 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong