HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 02 *
 

JEAN LACOUTURE và HCM, A Political Biography

 

Trước khi xuất hiện tác phẩm Hồ Chí Minh, a life của William J. Duiker, các nhà nghiên cứu thường đánh giá cuốn Hồ Chí Minh, a political biography của Jean Lacouture là tác phẩm đầy đủ nhất về tiểu sử Hồ Chí Minh. Nhiều người còn cho là cuốn sách viết hay nhất.

Jean Lacouture, sinh năm 1921, người Bordeaux, thành phố nổi tiếng về rượu chát của miền Nam nước Pháp. Tại đây ông theo bậc trung học tại trường Dòng Tên Jésuite (*), rồi đại học văn khoa. Sau đó, ông lên Paris học luật và sinh sống tại đây. Ông là học giả, sử gia, nhà báo, nhà ngoại giao – tùy viên báo chí của Pháp tại Đông Dương từ 1945 đến 1947. Ông viết cho nhiều tờ báo ở Mỹ. Trong khoảng ba chục tác phẩm của ông có 6 cuốn về Việt Nam trong đó được lưu ý là cuốn Việt Nam giữa hai cuộc hưu chiến.

Nguyên tác tiếng Pháp cuốn Hồ Chí Minh, a political biography xuất bản lần đầu năm 1967. Một năm sau, bản dịch Anh văn của Peter Wiles được Random House, New York cho ra mắt tại Mỹ. Sách viết theo thứ tự thời gian gồm 15 chương từ Người Dân Quê, Người Di Dân, Người Chiến Sĩ… cho đến Bác Hồ và Chú Sam, sau hết là Trận Đánh Cuối Cùng.

Ngay những trang đầu tác giả đã cho thấy hết sức khâm phục và ngưỡng mộ đối tượng của mình. Tác giả nói rõ nhận định về Hồ Chí Minh là người tranh đấu cho cả lý tưởng cách mạng Lênin lẫn chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt tác giả ca ngợi Hồ Chí Minh là con người hành động, hay như có người chua chát mà cũng chính xác gọi là "kẻ khuấy động” (agitator), "kẻ thức trong khi mọi người ngủ”. (1)

Tác giả cũng không kém ngưỡng mộ cha của Hồ Chí Minh là phó bảng Nguyễn Sinh Huy (hay Sắc), vì cho rằng ông ta bị huyền chức, không phải vì nghiện rượu hay biển thủ công quỹ mà vì bài Pháp và ủng hộ phong trào Cần Vương, cổ võ cho nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Về cách đối xử của Hồ Chí Minh với anh chị em, tác giả kể khi bà Thanh lên Hà Nội thăm em đã làm chủ tịch nước được ông Hồ tiếp đón niềm nở (with open arms) và khi người anh trai, Nguyễn Sinh Khiêm chết, ông Hồ có gửi điện văn về làng chia buồn, xin lỗi do phải lo việc nước hơn việc nhà. Tác giả cẩn thận ghi chú là lúc ấy (2) chiến trường sôi động, ông Hồ đang phải chiến đấu trong bí mật.

Chương II, Kẻ Di Dân, nói về hoạt động của Hồ Chí Minh tại Pháp. Sống cực khổ, thất nghiệp, dành thì giờ đọc sách, viết báo, tìm gặp những người có xu hướng cách mạng thuộc nhiều nước Pháp, Nhật, Nga…Tác giả bảo Hồ Chí Minh "tập họp xung quanh mình những Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền”, phần đông lớn hơn cả chục tuổi. Tác giả cũng tiết lộ rằng chính bộ trưởng Albert Sarraut (3) cho biết tên Nguyễn Ái Quốc là một bút hiệu của nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Và ở mấy trang sau, tác giả xác nhận bản thỉnh nguyện thư 8 điểm mà Hồ Chí Minh trình ở Hội Nghị Hòa Bình Versailles đã được soạn thảo chung với Phan Văn Trường dưới sự hướng dẫn của Phan Chu Trinh. Hai chi tiết này trái ngược hẳn với các văn kiện chính thức của Cộng Sản Việt Nam vẫn nói tên Nguyễn Ái Quốc là biệt danh của ông Hồ và bản thỉnh nguyện thư trên cũng do ông Hồ nghĩ ra và tự viết.

Đầu chương III, (4) tác giả kể chuyện "anh chàng lịch lãm, dễ thương Georges Pioch đã làm gương để khuyên Hồ học đàm thoại và ăn nói trước công chúng. Với mục đích đó, Hồ đi dự các cuộc họp tại Câu Lạc Bộ Faubourgh do Leo Poldes lập. Hồ tham gia thảo luận, thoạt tiên còn lúng túng, ngượng nghịu, cố không nói lắp, không nói nhịu...” Qua chi tiết này, Hồ Chí Minh đã được "đào tạo" rất sớm về nghệ thuật tuyên truyền và nói trước quần chúng nên tiến bộ nhanh về các mặt này trong thời gian trau dồi thêm ở Liên Xô từ 1933 đến 1938.

Tuy nhiên, tác giả chê Bản án chế độ thực dân Pháp viết rất dở, và cho rằng có lẽ do ông Nguyễn Thế Truyền, người đề tựa cho nó, đã viết chứ không phải Hồ Chí Minh. Đây là chi tiết khiến người đọc khó tránh khỏi ý nghĩ Jean Lacouture đánh giá cao đối tượng đến mức không bao giờ chịu tin là Hồ Chí Minh làm một cái gì dở hay kém! Một việc chính Hồ Chí Minh đã đem ra khoe là do mình làm vẫn có thể là do ai đó làm, trong trường hợp nhận thấy không phải việc hay, việc tốt! Trong chương này tác giả cũng dành nhiều trang nói về tờ báo Le Paria mà Hồ Chí Minh chủ trương và đã dành ra 2 năm để nuôi sống nó, dù rằng nó vẫn sống thêm 2 năm nữa, sau khi ông Hồ bỏ đi Nga rồi.

Chương IV nói về công thống nhất đảng của Hồ Chí Minh. Tác giả ghi từ 1933 đến 1938 là thời gian Hồ nghỉ ngơi và nghiên cứu nhiều tại Mạc Tư Khoa. Trong thời gian này Hồ tham dự đại hội 7 của Đệ Tam Quốc Tế. "Nhưng Lê Hồng Phong, chứ không phải Hồ đã được bầu vào trung ương Đệ Tam Quốc Tế. Sau đó ít lâu, Phong về Đông Nam Á, bị bắt và chết trong tù”. Tác giả không nói rõ địa điểm, thời điểm và trường hợp của sự việc này.

Chương V, Tù Nhân, tác giả kể lại việc Hồ Chí Minh kín đáo về nước cuối tháng 1-1941, sau 30 năm vắng mặt, lập bản doanh ở vùng "giải phóng" Pác Bó, thuộc tỉnh Cao Bằng và ở đây hơn 1 năm. Dịp này Hồ đã đặt tên ngọn núi là núi Karl Marx và dòng suối là suối Lênin. Tại đây Hồ triệu tập hội nghị toàn phần trung ương đảng kỳ 8. Mặt Trận Việt Minh ra đời trong một túp lều lá với một chiếc bàn duy nhất. Tại hội nghị này có mặt Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp.

Tác giả dành gần trọn trang 75 nói về lòng yêu nước của Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ nay mới được tự mình kêu gọi tới lòng yêu nước của nhân dân, lập nên các đoàn thể Cứu Quốc, và dành chỗ cho mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ có công nhân, mà cả nông dân, tiểu tư sản, thậm chí cả địa chủ yêu nước.

Mở đầu chương VI, Người Giải Phóng, tác giả nói đến việc Hồ Chí Minh cổ võ cho chính sách "xâm nhập” tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Qua trung gian tướng Trương Phát Khuê, Hồ đã đạt được ý nguyện. Nhưng chính phủ lâm thời liên hiệp do Trương Bội Công làm thủ tướng chỉ dành cho Hồ một chức bộ trưởng không hứa hẹn gì nên Hồ tìm cách gây liên hệ với liên quân Hoa - Mỹ để thoát hiểm. May mà "phe Trương Bội Công xâu xé lẫn nhau”, trong lúc Hồ bắt đầu lên đường về nước. Chính phủ lâm thời kia hoàn toàn tan rã, nhưng phe Hồ Chí Minh, nhờ có đoàn du kích quân và những mạng lưới riêng, vẫn tồn tại.

Về nước, Hồ ký lệnh thành lập "trung đội võ trang tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người giao cho Võ Nguyên Giáp điều khiển”. (5) Khi thấy lực lượng Việt Minh lớn mạnh, Pháp dự tính đem quân tiêu diệt. Nhưng còn đúng 3 ngày nữa khởi động thì bị quân Nhật thình lình đảo chính, bắt giam hết người Pháp.

Tháng 6-1945, Hồ Chí Minh cho lệnh tấn công.

Theo lời kể của Võ Nguyên Giáp sau này thì lúc đó do quá bệnh và yếu Hồ thều thào nói trong cơn mê sảng: "Dù cho phải đốt cả dẫy Trường Sơn thì cũng quyết dành cho được nền độc lập”. Trưng dẫn câu này, tác giả có thể chỉ nhắm ghi lại một sự việc thực tế hoặc đề cao tinh thần tranh đấu cho dân tộc của Hồ Chí Minh. Nhưng câu nói được trưng dẫn cũng cho thấy Hồ Chí Minh không phải con người ôn hòa và những chiến dịch vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến, những chiến thuật cảm tử, biển người hay cuộc chiến đẫm máu sau này không thể bảo do nhóm Lê Duẩn - Lê Đức Thọ hay các thủ hạ khác chủ trương và ép buộc Hồ Chí Minh phải chiều theo như nhiều tác giả vẫn nêu trong tác phẩm của mình.

Ngày 29-8-1945, thành phần chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo được công bố. Theo Jean Lacouture, nhiều nhà báo thắc mắc Hồ Chí Minh là ai? Vài kẻ thạo tin bảo đó là lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Có người hỏi Hồ có đúng không thì ông chỉ khiêm tốn thoái thác. Jean Lacouture diễn tả Hồ Chí Minh vừa là người khiêm tốn muốn tránh né sự lưu tâm của mọi người vừa là người luôn đặt dân tộc lên cao hơn hết nên coi nhẹ việc xác định màu sắc lý tưởng của bản thân. Nếu tác giả nhìn sự việc trên qua bối cảnh chính trị Việt Nam và xu hướng tâm lý quần chúng lúc đó đối với Cộng Sản thì có thể nhận định khác hơn.

Trong chương VII, tác giả thuật việc phái đoàn Mỹ tới Hà Nội cuối tháng 8-1945 đã được các người cộng sản hoan nghênh và "khi quốc thiều Mỹ nổi lên, chính Võ Nguyên Giáp giơ nắm tay lên chào kính.(CS chào bằng nắm tay). Họ muốn giữ liên lạc chặt chẽ với Mỹ ở Hà Nội. Họ khai thác triệt để tinh thần chống thực dân của người Mỹ đối với các vấn đề Á châu. Thiếu tá Archimèdes Patti, đại úy Farris và ngay cả tướng Gallagher thường thấy xuất hiện cùng với Hồ Chí Minh và chính phủ của ông, trong thời gian  xung đột Việt Pháp sắp sửa xảy ra”… (6)

Trong chương XI, tác giả tiếp tục ca ngợi Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu cao nhất và hầu như độc đáo, một người có tương quan gắn bó nổi bật với quần chúng và là một người với sức xét đoán vượt trội, với những năng khiếu đột hứng và trí thông minh kỳ diệu để đóng vai hòa giải giữa các đám đông buộc phải đối đầu với chiến tranh vô tận với gian khổ, hà khắc hay một chế độ bạo tàn. (7)

Tác giả minh chứng uy lực và bản lãnh vượt trội của Hồ Chí Minh bằng sự thuật lại những lời đối đáp với tướng Salan. Khi viên tướng Pháp hỏi Hồ Chí Minh rằng có lo ngại gì khi đi xa để đất nước trong tay những cán bộ trẻ nóng nảy như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp không, ông Hồ đã trả lời: Họ làm được cái gì mà không có tôi? Chính tôi đã tác thành cho họ mà!

Toàn bộ chương XII được Lacouture dành chứng minh Hồ Chí Minh vừa là người cách mạng vô sản, vừa là nhà ái quốc. Theo tác giả, “điều cần nhấn mạnh trên hết là sự lưỡng diện của mọi cử động của ông Hồ khiến ông trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc (quốc gia) trên hết, cũng như một người theo chủ nghĩa quốc tế trên hết, hơn tất cả các lãnh tụ cộng sản”.

Lacouture giải thích về nhận định trên như sau: “Ông ta quốc gia nhất, vì không có lãnh tụ cộng sản nào khác đã thực hiện được cuộc cách mạng trong xứ sở mình với ít ngoại viện và ít cán bộ nước ngoài; không ai hết, kể cả Mao hay Tito hay Castro lại có thể mắc nợ người ngoài ít đến thế”. (8) Tác giả đánh giá: "Quả thật, ông ta đã dấn thân vào một nỗ lực vô cùng tận để hoàn thành được sự tổng hợp giữa những yêu cầu của một bên là chủ nghĩa quốc tế vô sản và một bên là chủ nghĩa quốc gia dân tộc Việt Nam…” (9)

Theo đà suy nghĩ dành trọn ưu ái cho đối tượng, tác giả nhìn thấy việc thành lập Mặt Trận Việt Minh, việc tuyên bố giải tán Đông Dương Cộng Sản Đảng rồi cho sống lại dưới cái tên Đảng Lao Động Việt Nam đều thể hiện tài trí và quyết tâm thực hiện chủ nghĩa quốc gia dân tộc của ông Hồ. Thậm chí tác giả còn cho rằng việc thay thế Đông Dương Cộng Sản Đảng bằng Đảng Lao Động là một thượng sách và là một bước tiến trên đường dân tộc hóa, vì đảng cũ có tính quốc tế, phi dân tộc do bao gồm cả Miên, Lào… trong khi Đảng Lao Động mang cái tên được định tính rõ rệt  là đảng Lao Động Việt Nam.

Thắc mắc của người đọc trước nhận định này là giới hạn hết sức khó hiểu về nhận thức chính trị của một tác giả tầm cỡ Jean Lacouture. Bởi vì chủ nghĩa quốc tế vô sản luôn xác định triệt để bác bỏ tinh thần quốc gia dân tộc, trong khi bất kỳ người tìm hiểu chính trị nào cũng dư tài liệu để hiểu dễ dàng nội dung bản đề cương chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thuộc địa của Lê Nin có thể tóm tắt trong lời tuyên bố của Staline đã trở thành giáo điều bất khả di dịch về chiến lược chiến thuật đấu tranh Cộng Sản:“Tất cả mọi đảng Cộng Sản và công nhân, hãy giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ mà tiến lên”.

Người Cộng Sản không bao giờ theo đuổi mục tiêu tổng hợp giữa yêu cầu của chủ nghĩa quốc tế với yêu cầu của chủ nghĩa dân tộc mà chỉ coi chủ nghĩa dân tộc, dân chủ là phương tiện cần khai thác – những ngọn cờ chiêu bài – trong một thời kỳ nào đó trên đường tranh đấu. Việc Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương tháng 11-1945 chỉ là một bước lui chiến thuật để tránh áp lực chống đối và cái tên Đảng Lao Động Việt Nam ra đời cũng mang chung ý nghĩa. Những điều đó chỉ phản ảnh tài năng và thủ đoạn của Hồ Chí Minh trong hành động chứ không phản ảnh mục tiêu phụng sự của ông ta.

Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã trình diễn bộ mặt quốc gia dân tộc trước dư luận bằng thủ đoạn tinh vi vào những thời điểm cần che kín bộ mặt Cộng Sản. Người trình diễn bộ mặt quốc gia dân tộc và người theo chủ nghĩa dân tộc trên hết luôn luôn là hai người khác nhau.

Jean Lacouture đã có 6 tác phẩm viết về đề tài Việt Nam không lẽ chưa từng đọc những tài liệu chính thức lưu trữ tại Viện Mác-Lênin nhắc tới sự hiểu lầm của một số người lúc đó như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập về xu hướng tư tưởng của Hồ Chí Minh trong quan hệ giữa yếu tố dân tộc với yếu tố quốc tế khi hoạch định chiến lược, chiến thuật đã dẫn tới việc có lá thư của Ban Lãnh Đạo Hải Ngoại Đảng Cộng Sản Đông Dương gửi Quốc Tế Cộng Sản ngày 31-3-1935 với luận điệu gay gắt: “Những tàn dư của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cách mạng ... là một trở ngại rất nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản... Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin (tên Hồ Chí Minh lúc đó) viết một cuốn sách mỏng phê phán chính mình và những khuyết điểm đã qua” (10).

Sự hiểu lầm này được “giải độc” (11) tại Mạc Tư Khoa nhân dịp Đại Hội 7 Quốc Tế Cộng Sản tháng 8-1935 tán trợ quan điểm vận dụng chính sách Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất để tiến hành đấu tranh. Quan điểm này được ghi lại trong nghị quyết Đại Hội Đông Dương Cộng Sản Đảng lần thứ 8 từ ngày 10 tới 19-5-1941 tại Pac Bó với diễn giải: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc... thì quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”  (12) Mục tiêu được nêu rõ ở đây là quyền lợi của bộ phận giai cấp còn vấn đề giải phóng dân tộc chỉ là bước đi sách lược bắt buộc phải qua.

Hơn nữa, nếu cứ dứt khoát cho rằng Hồ Chí Minh là người muốn tổng hợp yếu tố dân tộc chủ nghĩa với yếu tố quốc tế vô sản chủ nghĩa, một người cộng sản quốc gia, thì thực tế đã cho thấy trong cảnh luôn bị kiềm tỏa, bị kiểm soát từng ý tưởng như thế, ông Hồ khó giữ nổi mạng sống chứ đâu có thể nhận được cái quyết định mật số 60 ngày 29-9-1938 từ Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Dân Tộc Và Thuộc Địa của Quốc Tế Cộng Sản trao cho trở về nước tiếp tục công tác. (13)

Một cứ điểm của Lacouture về tính quốc gia nhất của Hồ Chí Minh so với mọi lãnh tụ Cộng Sản khác như Mao Trạch Đông, Tito, Castro... là ít mắc nợ nước ngoài trong khi tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng ở nước mình. Trước hết, ít mắc nợ nước ngoài chưa hẳn đã là quốc gia nhất, vì Lênin, Stalin có thể còn ít mắc nợ nước ngoài hơn. Nhưng trên thực tế, Hồ Chí Minh có mắc nợ nước ngoài không? Cứ điểm trên của Jean Lacouture dù nhắm đề cao Hồ Chí Minh nhưng lại không được củng cố bằng bài báo chính thức sau của một tác giả Cộng Sản Việt Nam:

Sáng ngày 10-1-1950, trong cảnh mùa đông rét mướt, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã bí mật rời khỏi thủ đô kháng chiến Tuyên Quang bắt đầu chuyến đi thăm Liên Xô, Trung Quốc. Một chuyến đi không tổ chức tiễn đưa linh đình và một tiểu đội tự vệ đã đưa Người lên Cao Bằng sang Trung Quốc qua cửa Thủy Khẩu - Long Châu, tỉnh Quảng Tây. Tại đây, ngày 20-1-1950, Người gặp Trần Canh, bạn chiến đấu Trung Quốc hồi Người ở Diên An (1938) và Trần Canh đã tổ chức đưa Người đi Bắc Kinh theo một mật lệnh của Thủ Tướng Chu Ân Lai.

Từ Quảng Tây, Bác Hồ đến Bắc Kinh vào ngày 26-1-1950 và đồng chí Chu Ân Lai đã tổ chức đón tiếp và hội đàm với Người. Sau đó, Người cùng với Chu Ân Lai đáp máy bay từ Bắc Kinh sang thăm Liên Xô... Giữa tháng 2-1950, Xtalin tổ chức đón tiếp và hội đàm với Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại điện Kremlin ... Hai bên đã quan tâm đến quan hệ giữa Đảng – Nhà Nước và sự viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam.

Về quan hệ giữa Đảng và Nhà Nước, Xtalin đề nghị tạm thời chưa công khai mối quan hệ giữa hai Đảng vì lúc này Đảng ta chưa ra hoạt động công khai mà nhấn mạnh đến quan hệ giữa hai Nhà Nước. Trước mắt cần thành lập Đại Sứ Quán Việt Nam tại Liên Xô và sau đó cử vị Đại Sứ đầu tiên của nước ta ở Liên Xô là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Xtalin cũng đề nghị ta nên mở các chiến dịch lớn, mở rộng các khu giải phóng, nhất là khu vực tiếp giáp với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ với các nước bên ngoài. Về viện trợ thì Liên Xô giúp đỡ Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước mắt, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam thuốc men, xe vận tải, các loại vũ khí nặng như pháo cao xạ, súng đại bác, cối hạng nặng... Viện trợ của Liên Xô sẽ được chuyển tới qua con đường Trung Quốc, vừa nhanh chóng vừa bí mật. Đây cũng là lý do để chúng ta mở chiến dịch Biên Giới tháng 10.1950 ...

Đầu tháng 3.1950, Chủ Tịch Hồ Chí Minh rời Matxcơva bay về Bắc Kinh và ngày 4-3-1950, Người đã hội đàm với Thủ Tướng Chu Ân Lai. Trong cuộc hội đàm này, phía Trung Quốc đồng ý để vùng Quảng Tây tiếp giáp với Việt Nam làm nơi tiếp nhận viện trợ, điều dưỡng, chữa trị thương bệnh binh, mở lớp đào tạo, học tập, bồi dưỡng cho cán bộ, học sinh và cử một phái đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc qua Việt Nam mà Trưởng Phái Đoàn đầu tiên là tướng Trần Canh ... (14)

Quá nhiều tài liệu và thực tế đã bác bỏ những lời thuyết phục của Jean Lacouture về tính lưỡng diện trong mọi cử động của Hồ Chí Minh vì từ tương quan, hành sử tới hướng suy nghĩ của Hồ Chí Minh không khi nào rời xa khỏi phong trào quốc tế vô sản.

Chương XIII được tác giả dành để phân tích ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Cộng đối với cách mạng xã hội Việt Nam, nhất là đối với cá nhân Hồ Chí Minh. Theo Lacouture, Hồ Chí Minh nghiêng về Liên Xô do chịu ảnh hưởng nhiều, mang ơn nhiều và cũng có cảm tình nhiều hơn. Tác giả viện dẫn sự kiện Hồ Chí Minh được Liên Xô cử làm phụ tá cho Borodin trong phái đoàn bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên là một sứ mạng đặc biệt, sự kiện Hồ Chí Minh được cử làm đại diện  Đệ Tam Quốc Tế để giải quyết mâu thuẫn giữa các đảng cộng sản tại Đông Dương, tổ chức, thành lập các đảng Cộng Sản Xiêm, Mã Lai, Nam Dương vv..,  sự kiện Hồ Chí Minh được tham dự đại hội 6  Đệ Tam Quốc Tế trong khi Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai không được tham dự… để khẳng định Hồ Chí Minh phải nghiêng về phía Liên Xô hơn. Tác giả tăng thêm sức mạnh cho lập luận của mình bằng sự trưng dẫn một câu tuyên bố của Hồ Chí Minh khi trả lời Danielle Hunebelle, đại diện Truyền Hình Pháp, tháng 7-1964. Danielle Hunebelle hỏi: “Liệu Bắc Việt trong tình trạng bị cô lập có thể sẽ bó buộc trở thành một vệ tinh của Trung Cộng không? Ông Hồ giơ tay lên quả quyết: Không bao giờ!" (15)  Dẫn chứng loại này khó có giá trị tích cực, vì cũng tương tự như lời cam kết của Hồ Chí Minh với tướng Trương Phát Khuê vào tháng 9-1944  là “tôi có một lời bảo đảm đặc biệt với ông rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 tới” (16) và câu trả lời “tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập, thống nhất thật sự của tổ quốc tôi”, khi một nhà báo Mỹ đưa ra câu hỏi “Cụ có phải người Cộng Sản không” vào tháng 3-1949 (17).

Dù vậy, tác giả vẫn tin Hồ Chí Minh mặn mà với Mạc Tư Khoa và tẻ lạnh với Bắc Kinh, đồng thời cho biết thái độ này không được chia xẻ bởi tất cả đảng viên, kể cả các ủy viên bộ chính trị. Tuy nhiên, tác giả tỏ ra dè dặt về trường hợp Lê Duẩn, cho rằng thái độ của Lê Duẩn là một bí ẩn (an enigma), vì các nhà phân tích kinh nghiệm như giáo sư  P. J. Honey của Anh vẫn tin chắc Duẩn phải nghiêng về Liên Xô…trong khi thực sự Duẩn rất quyết liệt trong vấn đề chiến lược cách mạng. Cuối cùng, theo tác giả, Lê Duẩn là người theo lập trường trung dung tương tự Hồ Chí Minh nên ông Hồ mới trao cho chức bí thư thứ nhất.
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 12:39 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong