Hồ Chí Minh có yêu nước hay không?

Lê Duy Khoa
 

Với bài viết này, tôi không có ý xới lại cuộc bàn luận với ông Minh Võ mà chỉ muốn cung cấp một vài tài liệu cho bạn đọc nào muốn đi sâu thêm vào câu hỏi do cuộc bàn luận ấy gợi ra: tại sao đã có rất đông những học giả trên thế giới xem Hồ Chí Minh (HCM) là người yêu nước? Ở đây chỉ xin giới hạn vào hai ý kiến xuất hiện ở Mỹ.

1. Ý kiến thứ nhất là của của William J. Duiker, tác giả cuốn Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, New York, 2000. Sau khi xuất bản cuốn sách này, Duiker đã có cuộc trao đổi với Brian Lamb (1) trên mạng “Booknotes. org” (ngày 11 tháng 12 năm 2000) như sau:

Brian Lamb: Thưa ông William J. Duiker, Hồ Chí Minh là ai?

William Duiker: Đối với đa số người Mỹ, hiển nhiên HCM là người lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, một phong trào mà hiển nhiên, đã mang đến cho chúng ta (Mỹ) vô số những khó khăn trong khoảng 15, 20 năm. Tôi nghĩ đa số người Mỹ đã nhìn ông ta như vậy. Với thế giới còn lại, với nhân dân nhiều nước sống ở Á Châu, Phi Châu, Mỹ La tinh, tôi nghĩ ông ta cũng là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc. Và hiển nhiên, trong thế giới mà chúng ta thường gọi là cộng sản, ông ta là một trong những khuôn mặt quốc tế của phong trào đó, cùng với Stalin và Mao Trạch Đông.

Brian Lamb: Ông ta là một người theo chủ nghĩa dân tộc hay cộng sản, hay cả hai?

Duiker: Cả hai. Chắc chắn ông ta đã thức tỉnh với những thiên hướng yêu nước mạnh mẽ, nhưng trong quá trình trưởng thành sớm của mình, đã ngả sang tin tưởng rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống quá áp bức, không phải chỉ với những dân tộc như Việt Nam mà còn với giai cấp cần lao khắp thế giới. Vì thế khi ở Pháp, ông đã trở thành một người mác-xít xác tín và giữ mãi như vậy cho đến cuối đời.

Qua trả lời trên đây, chúng ta thấy Duiker, trong thực tế, đã không coi HCM chỉ là người theo chủ nghĩa cộng sản hay hoặc chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc mà là cả hai: vừa dân tộc lại vừa cộng sản. Lý do: HCM đã lớn lên trong tình cảnh bị thực dân đô hộ, cho nên sự thức tỉnh ban đầu của ông cũng là sự thức tỉnh của một người mất nước cần phải tranh đấu để giành chủ quyền cho dân tộc. Với HCM chủ nghĩa cộng sản chỉ là cái đến sau, cái bổ sung cho động lực ban đầu, một sự tỉm kiếm về chỗ dựa và một phương pháp hành động để đạt mục đích đó.

2. Một tài liệu khác có thể rọi sáng thêm ý kiến trên đây của W. Duiker. Đó là một một case study về Việt Nam năm 1997 mang tên: “1941-1945 Indochina at the Crossroads: Colonialism, Trusteeship, or Independence?”, do Thomas D. Beamish của Đại học California, Santa Barbara hướng dẫn, qua đó chúng ta thấy “những tình cảm dân tộc” của HCM được minh hoạ bằng bản yêu sách 7 điểm mà năm 1919 HCM (lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc) đã gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ (Robert Lansing, đang là đại biểu Mỹ tham dự Hội nghị Versailles), nhân danh những lý tưởng chính trị của phương Tây, kêu gọi Pháp và Mỹ giúp đỡ người Việt Nam giành lại độc lập.

Tác giả bản đề dẫn nói trên đã đặt yêu sách độc lập này (do HCM đại diện) vào truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam, từ việc chống Trung Hoa thời phong kiến chuyển sang chống thực dân sau này với một điểm mới mẻ đáng lưu ý: cuộc đấu tranh đòi độc lập với Pháp qua “bức thư” nói trên là đòi hỏi ôn hoà của những lực lượng tiến bộ mới xuất hiện do tiếp xúc với phương Tây, muốn canh tân xã hội cổ truyền theo hướng hiện đại hoá về các mặt văn hoá, kinh tế giáo dục, điều mà người Việt Nam hoàn toàn không được hưởng dưới sự thống trị của thực Pháp. (2)

3. Bản đề dẫn không nói ra, nhưng ngày nay chúng ta biết rất rõ cái gọi là “bức thư”gồm 7 điểm mà HCM gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ năm 1919 chính là văn bản mang tên “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” gồm 8 điểm (có bớt đi điểm cuối cùng), do Nguyễn Ái quốc hợp tác với Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường soạn thảo để gửi các thành phần tham dự Hội nghị Versailles họp nhau giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa chấm dứt (3).

Tìm hiểu sâu hơn chúng ta còn biết thêm là bản thân cái tên Nguyễn Ái Quốc ký dưới “yêu sách” ấy chỉ là cái tên do nhóm Phan Chu Trinh đặt ra và gán cho HCM, nội dung của yêu sách ấy cũng chỉ là sản phẩm tinh thần của Phan Chu Trinh, chẳng dính dáng gì đến chủ nghĩa cộng sản cả. HCM chỉ trở thành cộng sản khi theo một bộ phận của Đảng Xã hội Pháp trong đại hội Tours 1920 chuyển sang Đệ Tam, và khi làm công việc này, HCM lúc bấy giờ cũng chưa hiểu bao nhiêu về chủ nghĩa cộng sản (chưa hề đọc một chữ nào của Marx) mà chỉ vì thấy Đệ tam Quốc tế (ĐTQT) cho biết triệt để ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thôi. (4)

4. Hàng loạt những vấn đề sẽ đặt ra để tìm hiểu thêm, chẳng hạn: a) Tại sao HCM không trung thành với đường lối Phan Chu Trinh mà lại ngả theo Đệ Tam Quốc tế, b) Khi sang ĐTQT rồi, có thật HCM đã từ bỏ ý nguyện ban đầu là giải phóng dân tộc?, c) Khi đã là thành viên của ĐTQT rồi, HCM có phải chỉ nhằm phục vụ tuyệt đối quyền lợi của ĐTQT và được tin tưởng hoàn toàn? v.v… Nhìn vấn đề một cách lịch sử, chúng ta thấy các câu hỏi trên không thể trả lời chỉ bằng suy luận, diễn dịch. Nhưng nếu tạm gác lại để chỉ chú ý đến hai tài tài liệu xuất xứ từ nước Mỹ vừa được trình bày, chúng ta thấy những nhà nghiên cứu đã có cơ sở thực tế để nhìn thấy khía cạnh yêu nước trong con người cộng sản của HCM - một người cộng sản yêu nước hoặc một người yêu nước cộng sản.

Đúng sai như thế nào trong sự kết hợp hai khía cạnh này trong con người HCM, biểu hiện qua các thời điểm khác nhau (trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng hoà bình) là chuyện chưa được bàn đến trong những tài liệu đã kể: điều khiến chúng ta chú ý về mặt phương pháp là qua các tài liệu ấy, những nhà nghiên cứu đã phân tích HCM như một trường hợp cụ thể bao gồm nhiều khía cạnh, các khía cạnh này không phải lúc nào cũng như nhau mà đã được bộc lộ qua những điều kiện lịch sử khác nhau. Tôi cho rằng đó là cách nhìn của những người viết sử đích thực: tôn trọng tính chất thực tế và nhiều mặt của các sự kiện để đánh giá chứ không làm ngược lại.

Sài Gòn 5/07/2006
Copyright © 2006 by DCVOnline
_____________________________

Chú thích:

(1): BRIAN LAMB, host: William J. Duiker, who was Ho Chi Minh?

(2): 1941-1945 Indochina at the Crossroads: Colonialism, Trusteeship, or Independence?, Thomas D. Beamish, Dept of Sociology, UC Santa Barbara, (1997)

(3): Bảy điểm yêu sách ấy là:

1) General amnesty for all native people who have been condemned for political activity.
2) Reform of the Indochinese justice system by granting to the native population the same judicial guarantees as the Europeans have and the total suppression of the special courts which are the instruments of terrorization and oppression against the most responsible elements of the Annamite people.
3) Freedom of Press.
4) Freedom to associate freely
5) Freedom to emigrate and to travel abroad
6) Freedom of education, and creation in every province of technical and professional schools for the native population.
7) Replacement of the regime of arbitrary decrees by a regime of law.

Đã bớt đi điểm số 8) có ghi trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” (kèm theo với thư gửi Tổng thống Mỹ cùng một lượt với các trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Versailles năm 1919 (trong đó có Robert Lansing) như sau: 8) “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản chính trị quốc gia , Hà Nội - 2000, tr. 435-437)

(4): Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ CHí Minh, Mục: Bên nhà, Thư mục: Lữ Phương

Lê Duy Khoa

Nguồn: http://dcvonline.net
 

www.geocities.ws/xoathantuong