Người trong nước có thật sự tôn kính ông Hồ không?

Lê Diễn Đức
 

Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử của việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn tiếp tục gây tranh cãi về con người của ông trong các cộng đồng người Việt.

Mặc dù trong thời đại tin học điện tử, nhiều bí mật trong đời ông đã được hé mở. Ví dụ như, ông sang Pháp năm 1911 thì ngay lập tức viết đơn xin vào học tại trường thuộc địa Pháp, trước hết là phụng sự mẫu quốc Pháp chứ chằng phải đi tìm đường cứu nước; ông có vợ người Hoa chính thức là Tăng Tuyết Minh; có bồ phục vụ trong Dinh Chủ tịch là Nông Thị Xuân, một người con gái trẻ xấu số bị sát hại dã man; có con là Nguyễn Tất Trung bị bỏ rơi, hết Chu Văn Tấn đến Vũ Kỳ nuôi nấng, nay vẫn sống ở Hà Nội; vân vân…

Thế nhưng, chừng nào đại đa số người Việt trong nước vẫn còn tiếp tục bị dối trá, bị bưng bít thông tin và bị nhồi sọ bằng hệ thống tuyên truyền độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam, chừng đó con người của Hồ Chí Minh vẫn còn bị nhìn nhận không đúng với sự thật.

Tôi không đồng ý với bất kỳ sự xúc xiểm nào trong khi đưa ra những nhận xét về ông Hồ, nhưng chắc chắn, trả lại con người thật của ông cho thật lịch sử là một việc phải làm.

Nói như thế không có nghĩa là dân ở trong nước ai cũng mù, cũng điếc như Đảng CSVN ảo tưởng. Sự thật có thể che giấu nhưng sự thật không bao giờ chết.

Từ rất lâu ở miền Bắc đã có những câu thơ trào phúng truyền miệng:

Suốt ngày Bác chẳng làm chi
Sáng ra bờ suối, tối thì vào hang…

Suốt ngày Bác chỉ thẩn thơ
Đôi khi Bác nện ván cờ cho vui
Trong lòng Bác cứ sục sôi
Sục sôi rồi Bác lại ngồi phân vân
Tương tàn đã bấy nhiêu năm
Cướp xong được nước nuôi dân bằng gì?

(Mô tả thời gian ông Hồ lãnh đạo cách mạng ở hang Pắc Pó – nhại lại thơ của Tố Hữu)

Hay:

Bác Hồ cùng với Bác Tôn
Hai Bác cùng muốn ôm hôn nhi đồng
Da của hai Bác hồng hồng
Còn da các cháu nhi đồng màu xanh
Giữa hai cái mặt bành bành
Đám khăn quàng đỏ vây quanh cổ cò

Hoặc

Mồng hai tháng chín vườn hoa Ba đình
Bác Hồ ở tít trên cao
Tôi nói hơi nhỏ đồng bào nghe không?
Bác Hồ mặc áo nâu ròng
Đầu không đội mũ, chân không mang giày
Xem ra cơ sự thế này
Nước Nam ta ắt ăn mày thêm đông!

Ấy là chuyện xưa. Còn chuyện ngày nay ra sao? Người dân có thật sự tôn kính Hồ Chí Minh không?

Ở Cố đô Huế, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thành phố cho xây một bức phù điêu hoành tráng với chủ đề "Bác Hồ với phong trào chống sưu cao thuế nặng" bên cạnh cổng trường Đại học Sư Phạm, số 32 Lê Lợi, phường Phú Hội, Thành phố Huế, nơi đã ghi lại chứng tích lịch sử về thời trai trẻ của ông Hồ, vì nghe đâu ông đã tham gia phong trào chống thuế ở Trung kỳ hồi theo cha vào Huế học.


 Tấm phù điêu hoành tráng - Ảnh: Báo Mới

Báo trong nước nói về tấm phù điêu cũng rất chi là "hoành tráng": "Bức phù điêu không chỉ là một chứng tích lịch sử mà nó còn là một tấm gương để cho học sinh, sinh viên noi theo. Kiến trúc của phù điêu nhìn như một tháp sen, bên trong là hình ảnh người dân Huế đang kịch liệt chống sưu cao thuế nặng… rất đẹp".

Vậy mà, cũng theo phóng viên Lê Dương của tờ Báo Mới:

Hai bên đường cong cánh gà của phù điêu là góc khuất, nhiều người dân thiếu ý thức đã lên đây đi tiểu và phóng uế như một khu "vệ sinh công cộng". Giấy vệ sinh cùng chất phóng uế tràn lan, tấp đống ngay trong góc của phù điêu. Vào những buổi tối, nơi đây còn là nơi tụ tập của nhiều thanh niên đến đây nhậu nhẹt…

Những người bán hàng gần đây cho biết, hầu như tối nào cũng có người lên đây. Có người đi nhậu xỉn ở đâu về ngang qua đây không chịu nổi cũng leo lên giải quyết. Còn những người đi đại tiện thì thường vào lúc nửa đêm, khi đường vắng người mà chủ yếu là dân chạy xe ôm, xích lô. Nhiều hôm cũng thấy những nhóm đi chơi, nhậu về qua leo vào giải quyết vì ở hai bên cánh gà khuất, không có ai biết đến.


  Hố xí công cộng cũng "hoành tráng" - Ảnh: Báo Mới

Thế này thì tôn với kính gì nữa hả giời!

Tháng Tư 20, 2010
© Ledienduc Blog
 

www.geocities.ws/xoathantuong