Lại sinh nhật buồn

Khuất Đẩu
 

Buồn, vì một người đã đi qua 3 đại dương và đặt chân lên 30 nước, một người có đến những 173 tên, bí danh, bút danh, đã chết đến những bốn mươi sáu năm rồi mà vẫn chưa được về với đất. Trong di chúc, ghi rõ xác phải đốt đi tức là hoả táng, và tro xương được chôn trên một ngọn đồi ở vùng Tam Đảo, Ba Vì…

Thế nhưng, nhân danh Đảng, người ta vẫn cứ đem xác ra ướp như Lênin để rồi sáng đưa lên khỏi hầm, chiều đưa xuống, cứ như mọc rồi lặn, bảo rằng như thế là thể hiện lòng biết ơn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.[*]

Lại càng buồn hơn vì người chết chỉ muốn xây một cái nhà nhỏ nhưng chắc chắn, lại trồng nhiều cây, để ai đến thăm viếng cũng có chỗ ngồi nghỉ giữa thiên nhiên hùng vĩ, thì người ta lại bỏ công của ra xây một hang đá to còn hơn hang Pắc Pó giữa vườn hoa Ba Đình, phải điều động cả một trung đoàn để bảo vệ. [**]

Có biết đâu rằng, không làm theo di chúc của người chết là mang tội bất kính.

Và, cũng rất bất kính khi gọi một ông cụ cao tuổi bằng Bác, cho dù chữ Bác được viết hoa. Giả dụ rằng ông cụ hãy còn sống, trong lần sinh nhật thứ 125 này, các bé mẫu giáo gọi một người đáng tuổi cụ kỵ của mình bằng bác, thì quả là thiếu giáo dục, nếu không muốn nói là hỗn.

Đã vậy, người ta còn dịch ra tiếng Anh, gọi là uncle Ho. Mà uncle cũng được dịch là chú. Lại liên tưởng đến chú Sam, chú Chệch! Nếu bảo rằng hai tiếng Bác Hồ đã trở thành thiêng liêng, thì dù là tiếng nước nào, vẫn phải viết đúng viết đủ là Bác Hồ.

Một người đã đi vào lịch sử, thì hãy gọi đúng chức danh, không thể vì yêu mà gọi thế này, hay vì ghét mà gọi thế nọ.

Người ấy khi mất, như Đảng nói, đã để lại muôn vàn thương tiếc cho toàn dân, nhưng theo những tiết lộ không có gì động trời (vì ai cũng biết), thì vẫn có những người đàn bà chẳng những không thương tiếc mà còn oán hận. Những người đã từng là vợ như bà Tăng Tuyết Minh. Những người đã từng là người tình như cô gái họ Nông. Đảng khoác lên mình ông cụ chiếc khăn liệm, ngay cả khi cụ còn sống, để mạ vàng hai chữ hy sinh vì nước vì dân.

Nói một cách hình tượng thì ông cụ đã cưới nước Việt Nam và sản sinh ra đứa con thừa tự duy nhất là đảng Cộng Sản. Tiếc rằng đó là đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, còn hơn thế, một phá gia chi tử. Đảng suốt ngày và đêm bảo noi gương Bác, nhưng một chuyện nhỏ như ông cụ ưa trồng cây ở những nơi chưa có cây, thì người ta lại chặt hàng ngàn cây cổ thụ để lấy chỗ trồng cây mới. Noi gương cha như thế thì khác gì chửi cha!

Sống không được gần vợ gần con, ngay cả về thăm quê cũ cũng phải được Đảng ra nghị quyết, thì sống như thế không khác gì bị bỏ tù. Và chết, lại còn cay đắng hơn khi bị canh giữ ngày đêm trong cái ngục được Tố Hữu gọi là bài thơ bằng đá ấy.

Suy cho cùng, một đời người như thế, phải nói là quá bất hạnh. Không thể nào mở miệng hát happy birthday to you được. Chỉ có thể kêu một tiếng sad birthday mà thôi.

15/5/2015
_______________________

[*] Về việc riêng - Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày zờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

[**] Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ ngỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào fải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệp.

(Trích di chúc đầu tiên 15/5/1965)

Nguồn: Tiền Vệ
 

www.geocities.ws/xoathantuong