Họ Hồ làng Quỳnh Đôi và Nguyễn Sinh Cung

Hồ Gươm
 

Theo các tài liệu chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay thì Hồ Chí Minh thuộc dòng họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; Trên thực tế vẫn đang tồn tại những lưu truyền khác. Đặc biệt những công bố của nhà sử học Trần Quốc Vượng (1934 – 2005) vào năm 1993 trong tác phẩm mang tên: “Trong Cõi” do NXB Trăm Hoa, California phát hành (1). Trong đó bài viết “Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)” đã là chất liệu cho nhiều bài viết khác nhau bàn luận về dòng họ thật sự của ông Hồ.

Theo công bố của giáo sư Trần Quốc Vượng thì ông Hồ không phải hậu duệ của dòng họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên mà có xuất xứ từ họ Hồ làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vì ông Nguyễn Sinh Sắc, bố đẻ của ông Hồ, vốn là đứa con rơi của cử nhân Hồ Sĩ Tạo.

Tuy nhiên, theo tác giả Trần Quốc Vượng, “Đây là những lời truyền miệng nhân gian, cho nên cùng lắm, chúng chỉ có thể coi là những giai thoại mà, nếu không khó tính lắm, ta cũng có thể gọi là những giai thoại lịch sử.”

Mới đây, trong bài ký sự của ông Hồ Sỹ Sênh, tự nhận là cháu gọi ông Hồ bằng bác, với bút danh Trường Lam vừa được công bố ở trang điện tử talawas ngày 23/08/2007 với nhan đề “Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, kể về sự thật cuộc đời của ông Hồ Sĩ Tạo, ông Nguyễn Sinh Sắc và hậu duệ đã khẳng định một cách rất chi tiết và thuyết phục về những công bố trước đó của giáo sư Trần Quốc Vượng. Trong bài viết này của ông Hồ Sỹ Sênh có đoạn:

“Khoa thi năm Tân Sửu (1901) ông Sắc trúng Phó bảng nhưng không ra làm quan mà xin ở nhà nuôi mẹ già yếu. Thời kỳ này ông lên dạy học ở Thanh Chương. Ông nghĩ mình trước hết phải trọn đạo hiếu với cha mẹ. Nếu không, sao đáng làm người. Giai đoạn đầu ông Sắc dạy học ở nhà thờ họ Lê ở Nguyệt Bổng (nhà thờ này nay vẫn còn ở chân cầu Rộ), sau chuyển sang nhà ông Hàn Kháng, họ Phan ở Võ Liệt – là một họ khoa cử, có người nổi tiếng như tiến sĩ Phan Sĩ Thực – Ngôi nhà này đã bị tịch thu chia cho nông dân trong Cải cách Ruộng đất). Chỗ ở này cách nhà ông Tạo có con sông Rộ nhỏ thó, xắn quần là có thể lội qua. Như các cụ trong dòng họ kể lại thì ông Sắc đã dẫn cậu Công qua chơi với ý định nhận cha, nhưng việc đó chưa kịp làm thì năm 1904 bà đồ An qua đời.”

Như vậy, Hồ Chí Minh chắc chắn đã biết rõ dòng họ thật sự của mình chính là dòng họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từ rất sớm. Không những thế bà Trần Thị Trâm, mẹ của ông Hồ Học Lãm, vợ của ông Hồ Bá Trị – cũng là dòng họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi. Bà Trâm còn là mẹ đỡ đầu của cô Chiêu Thanh (tức bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột của Nguyễn Tất Thành! (2)

Qua đó chúng ta có thể thấy được rằng, thủa ông Hồ còn nhỏ, cha con ông Hồ vẫn có nhiều liên hệ và ràng buộc với họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi. Sự liên hệ này đã không chỉ giúp cho ông Hồ biết rõ gốc gác nguồn cội của mình để sau này Nguyễn Sinh Cung đổi họ Nguyễn Sinh của mình thành họ Hồ mà có lẽ chính nhờ mối liên hệ huyết thống gần gũi này mà đã có hai người thuộc dòng dõi họ Hồ làng Quỳnh Đôi trở thành trợ thủ đắc lực cho Nguyễn Sinh Cung trong những giai đoạn có tính chất quyết định đến sinh mệnh chính trị của mình.

Người đầu tiên đã giúp ông Hồ chỉ trong một thời gian rất ngắn đã nhanh chóng tạo được danh tiếng và vị thế trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt đối với các tổ chức đấu tranh chính trị của người Việt tại Trung Quốc phải kể đến là Hồ Tùng Mậu (tên thật là Hồ Bá Cự; 1896–1951) một người cùng độ tuổi với ông Hồ và cũng là người họ Hồ, sinh ra và lớn lên ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.

Bước ngoặt khởi đầu trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông Hồ sau hơn mười năm xuất dương và tham gia đủ mọi tổ chức chính trị chính là sự đầu quân cho cơ quan Comintern (Bộ Phương Ðông) của Liên Xô mà nhờ sự giới thiệu của Dmitri Manuilski, ông Hồ, dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã đến Moskva học tập tại trường Đại học Phương Đông vào tháng 6 năm 1923, đúng một năm sau đó tại Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản (họp từ ngày 17 tháng 6 đến ngày 8 tháng 7 năm 1924) ông Hồ được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.

Cuối năm 1924, ông Hồ được Quốc Tế Cộng Sản giao nhiệm vụ về Trung Quốc hoạt động với danh nghĩa là làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc do Mikhail Markovich Borodin làm trưởng đoàn. Đây chính là thời kỳ hoạt động có tính chất thử thách rất quan trọng, nó quyết định con đường công danh của ông Hồ về sau này. Chân ướt chân ráo vừa tới Trung Quốc, lập tức Lý Thụy (bí danh của ông Hồ lúc đó) đã gặp và móc nối ngay với Hồ Tùng Mậu. Hồ Tùng Mậu lúc đó đang là một nhân vật cốt cán của tổ chức Tâm Tâm Xã , một tổ chức không Cộng sản nổi tiếng có nhiều người hưởng ứng của cụ Phan Bội Châu và chỉ vẻn vẹn trong vòng 6 tháng kể từ khi ông Hồ lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc thì Tổ chức Tâm Tâm xã của cụ Phan đã đổi tên (06/1925) thành Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Lý Thụy (ông Hồ) làm Tổng Bí Thư! đây là lần đầu tiên ông Hồ ngoi lên được vị trí có thực quyền lãnh đạo, nắm trong tay một tổ chức uy tín của người Việt. Dựa trên tổ chức này mà ông Hồ từ đây đã phát triển được uy tín và ảnh hưởng của mình rộng khắp. Một thắng lợi mà ông Hồ dẫu nằm mơ cũng không dám nghĩ tới nếu không có sự trợ giúp đắc lực của Hồ Tùng Mậu! Cũng trong khoảng thời gian này cụ Phan Bội Châu bị chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt.

Cuối năm 1927, Hồ Tùng Mậu bị Tưởng Giới Thạch bắt và cũng là thời gian ông Hồ rời Trung Quốc để quay trở lại Liên Xô.

Sau khi ra tù, Hồ Tùng Mậu là người có vai trò quan trọng trong việc giúp ông Hồ hợp nhất ba đảng Cộng sản để thành lập đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 khi ông ta quay trở lại Trung Quốc lần thứ hai.

Cũng chính Hồ Tùng Mậu là người đã cùng Trương Vân Lĩnh liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc khi ông ta bị bắt tại Hương Cảng vào tháng 6, 1931.

Sau khi ông Hồ được chính quyền Tưởng Giới Thạch thả tự do, ông Hồ bí mật trở lại Liên Xô. Trong khoảng thời gian 4 năm sau đó ( 1934–1938) ông Hồ bị thất sủng.

Lữ Phương trong bài “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh” có nhận xét về vai trò của ông Hồ trong giai đoạn này như sau:

“Thời gian ông tìm gặp chủ nghĩa Lenin rồi sang Nga trở thành cán bộ của QTCS, thực sự vai trò của ông không có gì là quan trọng lắm. Lệ thuộc hoàn toàn vào đường lối của QTCS lúc bấy giờ không chú ý đến Việt Nam; muốn hoạt động được, luôn luôn phải chạy vạy xin xỏ nhiều chuyện (tiền bạc, chỉ thị…), nhưng khi gặp những sai lầm về đường lối – đặc biệt sau Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 tại Hồng Kông – ông không tránh khỏi bị ĐCSĐD gạt ra ngoài, bị QTCS khiển trách và ngưng công tác trong một thời gian khá dài để được đào tạo lại.”

(Hết trích).

Người họ Hồ làng Quỳnh Đôi thứ hai đã giúp Hồ Chí Minh phục hồi lại niềm tin của Quốc tế Cộng Sản ngay sau thời gian bị thất sủng là ông Hồ Học Lãm (1883?-1942) là chú của Hồ Tùng Mậu, và là người đã sáng lập ra tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (1936) gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước đang lánh nạn, hoạt động ở Hoa Nam. Mẹ của ông Hồ Học Lãm như đã nói ở trên, là mẹ đỡ đầu cho bà Thanh,chị ruột của ông Hồ.

Cuối năm 1938 Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc. Trong vai thiếu tá Bát Lộ quân Hồ Quang nhưng mãi đến đến cuối 1939 ông Hồ mới gặp được cơ sở hải ngoại của Đảng CSĐD (do Phùng Chí Kiên phụ trách) cùng với một số cán bộ trong nước mới sang (Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh…) Có thể nói đây là thời kỳ ông Hồ phải gây dựng từ đầu sau một thời gian dài ngồi chơi xơi nước ở Moskva. Trong tình thế khó khăn lúc đó, Hồ Học Lãm đã trở thành chỗ dựa và là cứu cánh cho những toan tính của ông Hồ trong thời kỳ này. Trong cuốn hồi ký “Giọt nước trong biển Cả” của Hoàng Văn Hoan có đoạn:

“Vào khoảng tháng 10 năm 1940, khi chúng tôi đến Quế Lâm thì Bác đã ở đó. Ông Hồ Học Lãm cũng đã được xếp đặt đến chữa ở bệnh viện Quế Lâm rồi. Chúng tôi thường bí mật gặp Bác ở Biện sự xứ Bát lộ quân để báo cáo và xin chỉ thị về cách hoạt động. Vấn đề đầu tiên là vấn đề lấy danh nghĩa gì để hoạt động? Bác chủ trương lấy danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh hội, và mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để chúng ta dựa vào nó mà hoạt động. Chủ trương đó xuất phát từ chỗ Việt Minh là một tổ chức mà trước kia đã cùng với ông Hồ Học Lãm không phải là cộng sản mà lại thật lòng ủng hộ chúng ta, nếu ông đứng ra sẽ được nhiều điều thuận lợi.”

(Hết trích).

Vậy là kịch bản của năm 1925 khi Hồ Chí Minh dùng thủ đoạn " Cướp " tổ chức Tâm Tâm Xã của cụ Phan Bội Châu lại được ông Hồ Chí Minh đem ra áp dụng với tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội của cụ Hồ Học Lãm một lần nữa.

Trong cuốn hồi ký này của Hoàng Văn Hoan còn nhiều lần đề cập đến sự giúp đỡ rất hiệu quả của ông Hồ Học Lãm đối với ông Hồ và các đồng chí của ông.

Như vậy, tuy ông Hồ Học Lãm không phải là cộng sản nhưng uy tín và tổ chức của ông đã trở thành lá bài quan trọng trong việc giúp cho ông Hồ phát tiển hoạt động của tổ chức mình và qua đó đã củng cố lại địa vị và lấy lại được niềm tin đối với Quốc tế Cộng sản.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Hồ từ một kẻ bị thất sủng đã nhanh chóng lấy lại được vị thế của mình và ngày càng có uy tín đối với các cán bộ nòng cốt của đảng Cộng Sản Đông Dương đang hoạt động ở trong nước. Tháng 1, 1941 ông Hồ lần đầu tiên trở về Việt Nam hoạt động. Đến tháng 5, 1941 Hồ Chí Minh đã trở thành một người đóng vai trò chủ trì hội nghị toàn thể lần thứ 8 của đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Cao Bằng, Việt Nam.

Đây là một thành công lớn đối với ông Hồ tuy nhiên cho đến tận thời điểm này vẫn chưa thấy Hồ Chí Minh được đảm nhận bất cứ một chức danh gì trong tổ chức của đảng Cộng Sản Đông Dương. Phải chờ đến tháng 8 năm 1942 mới thấy Hồ Chí Minh mang danh nghĩa là đại diện của Việt Minh để sang Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền Tưởng Giới Thạch nhưng trên đường đi thì bị bắt. Hơn một năm sau, ngày 10 tháng 9 năm 1943 ông Hồ được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do và sau đó ông Hồ đã tham gia vào tổ chức Việt Nam Cách mệnh Đồng minh (Việt Cách) với vai trò Ủy viên Trung ương dự khuyết. Một thời gian sau Hồ Chí Minh được trở thành Ủy viên Trung ương chính thức. Cuối tháng 9 năm 1944 ông Hồ quay trở về Việt Nam tiếp tục hoạt động và phải chờ đến ngày 16/08/1945, Quốc dân Đại hội họp ở đình Tân Trào, do Tổng bộ Việt Minh triệu tập thì lúc đó ông Hồ mới chính thức được bầu làm chủ tịch ủy ban dân tộc giải phóng.

Cuộc cách mạng tháng 8 thành công. Ngày 25/08/1945 Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra mới được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. (Theo trang web của quốc hội nước CHXHCNVN)

Như vậy, ông Hồ vào giờ phút chót mới được đề cử vào một chức vụ quan trọng. Yếu tố thiên thời đã giúp cho ông có cơ hội leo được lên tột đỉnh của quyền lực và danh vọng. Và hai nhân vật họ Hồ làng Quỳnh Đôi đã có những đóng góp hết sức quan trọng giúp cho Hồ Chí Minh có được cơ hội này.

Mười năm sau khi công bố bài viết tiết lộ dòng dõi của chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1993, Trả lời câu hỏi (trong cuộc phỏng vấn năm 2003) của phóng viên BBC, “... thế có những khám phá gì mới, những kết quả gì mới (về đời tư của ông Hồ) mà giáo sư có thể chia sẻ được không ạ?” Ông Trần Quốc Vượng đã trả lời: “Vâng, cho đến nay thì chưa nên tiện chia sẻ, nhưng mà tôi chỉ nói là nếu trong một ngày đẹp trời nào đó, mà thế giới hay là ở trong nước, có công bố ra chuyện rằng thì là ngài Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, vâng, có vợ có con thì chuyện đó cũng rất bình thường thôi…” (Hết trích).

Cho đến nay ông Trần Quốc Vượng đã thành người thiên cổ được 2 năm rồi mà bàn dân thiên hạ vẫn chưa được thấy “cái ngày đẹp trời” mà ông đã nói tới.

Tuy nhiên, trong đoạn kết của bài ký sự của tác giả Trường Lam Hồ Sỹ Sênh đã có nhắc tới vị tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, ông Nông Đức Mạnh, một cách gián tiếp và kín đáo:

“…Chúng tôi chép toàn là chuyện ở sân sau. Người ta nói: Đời là một sân khấu lớn với hàng ngàn vở diễn, bi có, hài có… ồn ào và sôi động trải ra. Đó là ở sân trước. Sân sau khác hơn. Nó âm thầm, lặng lẽ… Nhưng có lẽ xin được dừng lại ở đây. Dã sử vốn có chỗ dị đồng với chính sử là thế! Cũng với khoảng thời gian chưa xa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi trò chuyện thân mật với một số con cháu họ Hồ. Chắc rằng mọi chuyện vẫn chưa phải đã hết. Còn có những điều sâu kín, dài dài, chưa thể nói ra, nhưng cũng rất con người, đang ở sân sau…”

(Hết trích).

Xem ra câu chuyện về họ Hồ của Làng Quỳnh Đôi và Nguyễn Sinh Cung mới chỉ bắt đầu bởi vì nó không phải là một câu chuyện nói về những người đã thuộc về quá khứ xa xôi mà nó vẫn còn có liên quan trực tiếp đến những nhân vật đang nắm giữ những vị trí chóp bu của Đảng và chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay như Hồ Đức Việt (3), Nguyễn Sinh Hùng (4), Nông Đức Mạnh, v.v...

Tháng 9, 2007

Hồ Gươm
___________________________

(1) Một bản điên tử lưu trữ tại đây. (annonymous & totochan đánh máy, Milou cung cấp, 01/2006).
(2) Hồ Học Lãm
(3) Cháu nội Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Bí thư Trung ương Đảng Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
(4) Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

© DCVOnline - Ngày: 05/09/2007
www.dcvonline.net
 

www.geocities.ws/xoathantuong